thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT [chương XV]

 

Đã đăng: [chương I-II] - [III-IV]
[X][XI] - [XII] - [XIV]

 

mười lăm.

NHỮNG NGƯỜI TRONG CỔ TÍCH

 

Như vậy là cuộc đời vẫn dành cho tôi với nàng một con đường sống. Chúng tôi băng ra phía đồng làng mà chạy. Mọi người chạy đi tránh mưa nên chạy trở vô làng. Chỉ tôi với nàng chạy trốn người làng nên mới chạy trong mưa. Mưa vuốt mắt không kịp. Phải vừa chạy vừa vuốt mắt mới thấy đường chạy. Cho nên tôi với nàng yên trí là người ta lo chạy mưa, chẳng còn ai nghĩ tới mình nữa. Mà như mưa cũng chỉ đủ để giải cứu chúng tôi. Khi tôi và nàng chạy tới giữa đồng làng thì trời tạnh hẳn. Trăng non đầu tháng lại tiếp tục soi xuống nhân gian thứ ánh sáng lạnh lẽo. Chúng tôi ôm nhau rất chặt, và hôn nhau, như để ăn mừng là đã thoát được tai ương do chính mình gây ra. Thì chẳng phải từ ban đầu chúng tôi đã im lặng để cho người ta coi mình là nhà báo của chính phủ đấy sao? Nếu không có cơn mưa này, cũng chẳng biết là chuyện gì sẽ xảy ra với anh và em. Nàng nói, như để nâng tầm nghiêm trọng của những thời khắc vừa mới trôi qua. Khi không còn im lặng được nữa, có thể chúng tôi phải nói ra ý kiến ủng hộ việc xây cái nhà máy giấy trên gò hoang mấy chục hắc-ta đó, bởi không thể để một vùng hoang hoá như vậy nằm giữa một vùng cây công nghiệp. Và thế là, có thể chúng tôi sẽ bị dân làng dần cho một trận nên thân (tức bị đánh đấm bằng tay chân), nếu không thì cũng bị mạt sát, nguyền rủa một cách thậm tệ. Cũng có thể là chúng tôi đứng về phía dân làng để bảo vệ bản gia phả bằng đất đó. Trong trường hợp này thì các vị đại diện nhà nước sẽ hỏi chúng tôi làm ở tờ báo nào, và tất nhiên là tôi với nàng sẽ lộ bộ mặt thật của mình ra, và rất có thể là chúng tôi sẽ bị tố cáo về tội giả làm nhà báo. Quả là tai ương, nếu không có cơn mưa bất chợt làm tan rã cuộc hội họp đó. Một cuộc ngẫu nhiên vĩ đại. Nàng xúc động bảo tôi. Còn tôi thì dùng hết cả mười ngón tay mà làm lượt chải để giũ cho sạch hết nước trên mái tóc nàng. Cả tôi lẫn nàng đều ướt như chuột lột. Nhưng chúng tôi muốn giữ nguyên quần áo ướt trên người như thể để bày tỏ sự chịu ơn trời đất đã ban cho cơn mưa quí. Nói đấy là đồng ruộng thì không phải. Người ta gặt lúa từ hồi nào chẳng biết, thấy còn có gốc rạ, nhưng đã bị cỏ dại phủ kín. Cũng chẳng biết vì thiếu nước tưới nên ruộng đồng hoang hoá, hay vì đang chuẩn bị cho việc công nghiệp hoá nên không còn gieo trồng các loại cây nông nghiệp. Sau cơn mưa bất chợt, ánh trăng đầu tháng như có vẻ lạnh lẽo hơn. Chúng tôi vừa bước đi trên ruộng đồng hoang hoá vừa hít thở thứ không khí có mùi cỏ ướt lẫn với mùi mưa đêm. Nhờ có trăng non đầu tháng, tôi với nàng mới khỏi lạc bước giữa đồng không mông quạnh. Lúc trời đổ mưa, cứ dắt nhau mà chạy ra đồng làng, cốt để tránh đám dân làng, chẳng rõ là mình chạy theo hướng nào. Đến lúc đó mới biết là chúng tôi đang hướng về phía hạ nguồn, tức là bỏ lại trăng non đầu tháng ở sau lưng. Đến lúc đó thì ngôi làng ấy cũng đã nằm lại ở phía sau khá xa. Có lẽ là mọi người trong làng đã về đến nhà. Chúng tôi thấy những ánh đèn nhà lần lượt sáng lên, rồi lần lượt tắt đi. Và làng xóm lại chìm vào màu đen của đêm. Cũng có thể là dân làng sẽ đi tìm anh và em. Nàng nói, có vẻ lo lắng. Tôi bảo là nội t ong đêm thì tôi và nàng đã đi rất xa, cứ theo hướng đó mà đi, bỏ hẳn việc đi tìm con nước đầu nguồn nhánh sông đó, và mọi chuyện sẽ rơi vào quên lãng. Mà như không có trăng thì lúc đó chúng tôi cũng định được hướng đi. Cánh đồng làng trải dọc dài theo dãy núi ở phía nam mà chúng tôi đã nhìn thấy từ hôm mới đến ngôi làng ấy. Núi thì ẩn hiện trong ánh trăng màu sáng nhạt. Còn đồng cỏ thì như giải lụa bạc bập bềnh giữa mùi đêm đồng nội. Tất cả là thật. Nhưng mới từ cảnh đời tai ương luôn rình rập nhảy sang cảnh đời như chẳng vướng chút lo âu, chúng tôi cứ tưởng là không thật. Anh với em đang bước đi trong cổ tích? Nàng xúc động nói, và nắm lấy bàn tay tôi rất chặt. Có ta nữa mới thành cổ tích. Tôi chưa kịp nói gì với nàng thì có tiếng ai cất lên ở đâu đó. Lần này tôi phải tỏ ra khí phách hơn nàng. Muốn nói gì cứ gặp nhau mà nói. Tôi nói, cố giữ giọng tự nhiên, và vẫn cùng nàng bước đi. Phải dừng lại để coi thử chuyện gì xảy ra thôi anh. Nàng thì thầm, và kéo tôi đứng lại. Tôi có cảm tưởng như mặt đất hơi chao đảo khi trông thấy có ai đó đang tiến về phía mình. Kẻ cướp thì chẳng đời nào thèm đặt chân đến một vùng quê nghèo nàn. Còn người làng đi tìm chúng tôi là phải đôi ba người, chứ không thể là một người.

Ta là thần của cánh đồng này đến trò chuyện cùng các người đây.

Trong lúc tôi còn nghĩ ngợi thì nghe thấy giọng nói của một người già. Bấy giờ trăng đầu tháng sắp lặn, nhưng vẫn còn đủ sáng để chúng tôi nhìn thấy kẻ đang đứng trước mặt mình là một ông lão. Nàng thì cứ bám chặt lấy tôi. Còn tôi thì lúng túng chẳng biết phải bắt đầu bằng những lời lẽ thế nào, khi vẫn còn hồ nghi có quả đúng đó là thần của đồng làng hay không. Dường ông lão, tức vị thần của đồng làng, biết rõ tâm trạng chúng tôi, bỗng cười thật to.

Người ta vẫn gọi ta là thần nông, hết thảy mọi người trên mặt đất này đều gọi thế, nhưng đấy là chuyện ngày xưa.

Ông nói, như để cho cả thế gian thấy sự tồn tại của mình là thật. Như không kìm giữ được niềm vui sướng vì lại gặp điều may nữa, nàng kéo tôi sụp xuống để tạ ơn trời đất. Nhưng thần của đồng làng đã vội ngăn, bảo đấy cũng là việc của ngày xưa, khi con người là còn quá cách xa với thần thánh. Như vậy là không khí dân chủ lại diễn ra ở giữa cánh đồng ấy. Có nghĩa cả thần lẫn người đều ngồi ở trên cỏ mà nói. Tôi nói là tôi với nàng đang đi tìm con nước đầu nguồn của một dòng sông thì lạc bước đến nơi này. Thần của đồng làng nói việc lạc bước thì hay xảy ra trong xã hội con người. Nhưng có phải là thần đang cảm thấy cô đơn nên tìm đến chúng tôi? Không hiểu sao nàng lại xen vào hỏi thế. Và thay vì giải thích cho chúng tôi hiểu cô đơn là khái niệm thuộc thế giới con người chứ không thuộc thế giới các thần, thần của đồng làng lại nói về cách thế tồn tại của mình.

Rằng trên mặt đất này luôn có những dòng sông lớn mang lại cho đất sự phì nhiêu, và con người thì bắt đầu sự nghiệp của mình trên thứ đất đai ấy, rằng trí tuệ của con người và sự phì nhiêu của đất đã làm nên thứ thành quả có tên gọi là cuộc văn minh làm ra thức ăn, nhưng ngay tự buổi đầu sự nghiệp dong ruổi ấy thì niềm cảm hứng của con người đã phóng chiếu thành thứ sức siêu nhiên, ngưỡng mộ là ngưỡng mộ chính mình, nhưng trong dòng chảy của thứ sự vật gọi là thời gian, sự phóng chiếu đã trở thành thần minh, và con người ngưỡng mộ chính mình cũng là ngưỡng mộ thần minh.

Và cũng chính trong cuộc hoá thân ấy, loài người lại cảm thấy thế giới các thần là xa cách với mình? Tôi hứng thú xen vào. Thần của đồng làng bảo là tôi đã hiểu ra sự tồn tại của thần. Nhưng có phải là thần đã không dám nói ra sự cô đơn của mình? Nàng chợt xen vào hỏi, và huých vào tôi thật mạnh. Về sau nàng khai thật với tôi rằng, lúc ấy nàng ganh tỵ với tôi, và hỏi thế là để khiêu khích với thần chơi. Tôi cứ tưởng lần này thần của đồng làng sẽ cắt nghĩa về sự cô đơn cho nàng nghe. Hoá ra thần lại nói về quá khứ oanh liệt của mình.

Từ cuộc văn minh làm ra thức ăn, loài người đã gọi ta là thần nông, tức là kẻ có liên quan đến việc những hạt ngô nảy mầm trong đất, liên quan đến việc con bò con sắp sửa chào đời, hay việc con gà con sắp rời khỏi vỏ, loài người ngưỡng mộ sự phồn thực là ngưỡng mộ ta, từ sự ngưỡng mộ này ta trở thành nhân vật chính của các cuộc tế lễ trong gieo trồng, cho đến lúc con người biết cách khiến một con vật nuôi đẻ thật nhiều con, khiến một loài cây trồng sinh thật nhiều quả, thì các cuộc tế lễ cũng không còn, nhưng hình ảnh ta đã trở thành thứ gia sản tinh thần của nhân loại.

Tức là không bao giờ thần cảm thấy cô đơn? Tôi biết nàng hỏi thế là đã đuối sức trong cuộc gây gổ với thần. Trăng đầu tháng đã lặn từ lâu. Bóng đêm như có sức khiến cho thần thánh với con người xích lại gần hơn. Chúng tôi chỉ nói đủ cho nhau nghe, nhưng vì đêm yên tĩnh quá, cuộc trò chuyện cứ như vang ra khắp đồng cỏ.

Ta biết là các người đang cô đơn, bởi trong lúc cô đơn thì lại muốn kẻ khác chia sẻ với mình.

Đột nhiên thần bảo thế. Tôi chưa biết phải nói sao. Còn nàng thì toan phản đối cách đoán định này. Nhưng thần đã nói tiếp.

Thì chẳng phải các người muốn ta cũng đang cô đơn đó sao? Lúc phải trốn chạy những người khác là lúc con người cảm thấy cô đơn.

Biết chẳng thể giấu được thần, tôi phải nói thật là không phải chúng tôi sợ người làng ấy, mà sợ phải tham dự vào một công việc vượt quá hiểu biết của mình.

Ta biết, loài người các người đang đứng trước một chặng đường mới trong sự nghiệp của mình, chẳng phải là con người đang có những việc làm chẳng kém thần thánh sao, khoa học đang thay chỗ cho niềm tin vào thần thánh, nhưng ta biết đằng sau những minh bạch của khoa học vẫn còn tàng ẩn cái cao cả lẫn đê hèn vốn có của con người.

Lạ lùng thay, trong giọng nói của thần như ẩn chứa những nỗi niềm nhân gian. Và cảm nhận ấy ở nàng còn mạnh mẽ hơn tôi, nên nàng đã lên tiếng trước tôi. Thưa, thần nghĩ sao về những chuyện đang xảy ra ở ngôi làng ấy? Tôi cứ nghĩ thần của đồng làng không thèm trả lời nàng, mà sẽ cho nàng một bài học về tội ngỗ nghịch. Nhưng tôi đã đoán lầm. Sự thất sủng của con người đối với thần là cũng chẳng hề ảnh hưởng đến sự minh triết của thần.

Ta phải nói thế nào với các người đây? Sự cư trú của con người trên mặt đất này thì có vẻ ngẫu nhiên. Chẳng ai muốn chọn những nơi nghèo nàn như ngôi làng ấy để sống. Mà chuyện ngẫu nhiên như thế xảy ra khắp nơi trên mặt đất này. Và bằng trí tuệ của mình, con người đã vượt qua được biết bao cái ngẫu nhiên để làm nên những cuộc đổi thay có tên là những nền văn minh nhân loại. Có những nền văn minh tồn tại hằng nghìn năm, nhưng cũng có những nền văn minh vừa hình thành đã vụt tắt. Sụp đổ là do những ngẫu nhiên của trời đất, mà cũng là do chính bàn tay của con người. Ta đã từng thấy trong lịch sử của các người có những ông vua ngu tối loay hoay mãi trên ngai vàng, rốt cuộc chỉ làm tan hoang sự nghiệp tiền nhân để lại. Còn một vì vua tàn bạo thì làm cho thế giới này suy vong còn nhanh hơn là do thiên nhiên tàn phá.

Nhưng đấy là chuyện ngày xưa, còn trong hiện tại thì thần thấy thế nào về việc thay con trâu với cây cày bằng cái nhà máy công nghiệp ở ngôi làng ấy? Tôi nghĩ là thần sẽ trả lời tôi bằng cách đi thẳng vào những sự việc đang diễn ra ở ngôi làng ấy. Nhưng dường như thần gieo trồng chỉ đứng ở tầm nhìn rộng lớn, còn cái chi li là của con người. Thần nói với chúng tôi rằng, suốt thời oanh liệt của mình, cứ vào các cuộc tế lễ trong gieo trồng, thần lại được nghe cả những lời chân thành lẫn giả dối của con người, những lời chân thành là của đám người cầm cày, tức đám dân bị trị, còn những lời giả dối thì thốt ra từ cửa miệng đám người cầm quyền, thường thì đó là những hứa hẹn về cách trị nước, tức những quốc sách trong việc cầm quyền. Nhưng những việc làm ở ngôi làng ấy sẽ dẫn đến đâu? Tôi cố bắt thần phải nói ra ý nghĩ của chính thần. Nhưng thần của đồng làng đã khoát tay ra hiệu chúng tôi đứng lên.

Có thể các người sẽ chê những dẫn chứng của ta là cũ, là thuộc về quá khứ, nhưng rồi các người cũng không thể thoát được cái gọi là thời gian, có nghĩa là ngay liền sau đây, khi ta và các người chia tay nhau, thì cuộc chuyện trò này lập tức trở thành quá khứ, và những gì đang diễn ra ở ngôi làng ấy, dẫu có dẫn đến văn minh hay man rợ, thì cũng sẽ trở thành quá khứ. Tất cả sẽ trở thành cổ tích.

Giọng tâm huyết của thần như làm cho đêm sâu hơn.

 

[còn tiếp]

 

_________
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Nguyễn Thanh Hiện [1. Những Tháng Năm Nghiệt Ngã - 2. Trở Lại Xương Quơn (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2007) - 3. Vật Gia Bảo Của Một Dòng Họ - 4. Bên Này Trần Gian - 5. Người Đánh Cắp Sự Thật (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2008) - 6. Một Cách Nói Khác Của Niềm Khao Khát - 7. Rốt Cuộc Thì Bọn Họ Là Ai?], sách gồm 38 chương, chưa nhà xuất bản nào in.

 

 

Đã đăng:

... Mặt đất này thì rộng lớn, và con sông nào cũng có chỗ bắt đầu của nó, mà các người đi tìm nguồn con sông nào? Ông hỏi. Tôi nói là con sông chảy qua quê nàng. Con sông quê của người mình yêu. Ông quảng diễn thêm câu nói của tôi. Rồi bảo hai chúng tôi có vẻ khăng khít nhau thế còn đi tìm nguồn con sông đó chi nữa. Tôi nói đó là bí mật của tình yêu. Hoá ra không phải chỉ tôi với nàng mới có bí mật của tình yêu. Đêm đó, nơi căn nhà lá ở giữa rừng, người coi rừng đã nói cho chúng tôi biết ông cũng có một bí mật của tình yêu... (...)
 
... Rằng từ khi loài người biết truyền những ý nghĩ cho nhau bằng máy móc thì thần không còn trực tiếp cai quản núi rừng, nhưng không phải là không để mắt đến chuyện con người, rằng trong cuộc chuyển lưu lớn lao của vạn hữu thì không phải hễ là thần thì nhìn thấy được sự thật của mọi sự, rằng ngày xưa, ngay chính bản thân vũ trụ cũng chưa biết mình do đâu mà có, thì lớp cha ông của thần quả đã cho rằng hễ là thần thì biết hết mọi sự, từ đó mới có chuyện toàn trị của các vị thần... (...)
 
... Xin chào bác homo sapiens! Đám đồng bào của ta nơi mặt đất đã bớt lạnh lẽo gọi ta là bác homo sapiens. Là homo sapiens, hay không là homo sapiens, thì có hệ trọng gì đâu. Bởi điều đáng nói là ta đã vượt qua cuộc thử thách lớn nhất trong trời đất, cuộc thử thách diễn ra hằng triệu triệu năm, để được thiên hạ trong trời đất gọi ta là con người... (...)
 
... Có cái gì là chẳng ngoi lên từ cõi hỗn mang? Một vùng trời đất âm thầm, từ đấy ngân vang những giai điệu nguyên sơ. Sáng tỏ và u uẩn. Ôm ấp và cô đơn. Mở và khép. Gặp lại và chia xa... Buổi ban đầu ấy là một cuộc lưu luyến kỳ cục giữa ngẫu nhiên và tất yếu. Ai đã ngang qua đất trời lãm thuý?... (...)
 
... Lại hỏi về cây thong dong. Thưa, có bao giờ thấy mặt trời mặt trăng vội vã đâu, nếu là biển, thì sáng tinh mơ, mặt trời trườn đi trên nước, nếu là bầu trời đêm có nhiều mây, thì mặt trăng ẩn hiện ở trong mây, cái cách như thế của mặt trời mặt trăng thì gọi là thong dong... (...)
 
Mùa thu năm ấy chúng tôi ngược về thượng nguồn một nhánh sông của con sông quê nàng. Và bị cầm chân ở ngôi làng ấy. Khoa học hiện đại dù đã phát hiện được bao nhiêu là luật lệ của trời đất, nhưng những con người ở ngôi làng ấy vẫn khăng khăng vị thần làng của mình là thần của tất cả các thần, là tổ thần, không có vị này thì không có người làng và cũng không có cả loài người... (...)
 
Quả tình mùa thu ở đây vàng một nỗi ám ảnh. Ám ảnh bởi một thứ quá khứ đã được tinh kết thành thứ từ vựng tinh tế, kiêu sa, và không phải cứ nghe thấy là hiểu. Ám ảnh bởi một thứ hiện tại được biểu lộ trong một diện mạo có vẻ minh bạch, nhưng không dễ gì cứ trông thấy là hiểu. Đúng là tôi với nàng không dễ gì rời khỏi một nơi chốn như thế... (...)
 
... Một người đàn ông nằm trên mặt đất, chắc là đã chết, trước mặt có con bò rừng đứng trong tư thế kỳ lạ, như đang sắp ngã xuống, ruột gan tràn ra bên ngoài, bên sườn có cắm một ngọn lao. Đó là nội dung một phiên bản tranh hang động thời tiền sử treo ở nhà vị trưởng tế... (...)
 
... Hãy nói cho tôi nghe là ngài căn cứ vào đâu để bảo đó là sự thật? Một văn bản bằng giấy ư? Hay một văn bản bằng đá? Mà chép trên giấy, hay trên đá, thì đều là ngôn ngữ của con người, ai dám bảo với ngài rằng ngôn ngữ ấy thuật lại đúng sự kiện đó, xin ngài hãy nhớ cho, khi ngài tham gia vào việc nói về sự kiện đó thì nó không còn là nó, mà sẽ hiện ra theo cái cách của ngài nói về nó... (...)
 
... Khi kể ra những sự tích đó, người làng muốn nói với chúng tôi, mà họ vẫn đinh ninh là những nhà báo của chính phủ, rằng cái gò hoang là bản gia phả chung của các dòng họ trong làng, rằng những thế kỷ đã trôi qua, các dòng họ đó vẫn giữ gìn bản gia phả đó như giữ gìn dòng máu tộc họ của mình... (...)
 
... Các vị đại diện nhà nước bắt đầu thay nhau nói, rằng cái gò hoang không phải là nghĩa địa, nghĩa địa sao lại không có mồ mả, mà chỉ là nghe kể lại rằng tổ tiên của dân làng đã chôn ở đó, nên việc yên nghỉ đó cũng chỉ là khái niệm, cũng như nói cái gò đó là gia phả chung của các dòng họ thì cũng là khái niệm, nói gọn lại, dẫu cái gò hoang đó không còn thì những khái niệm kia vẫn còn. Nhưng về chỗ này thì đám dân làng không dễ gì mủi lòng để các vị đại diện nhà nước biến mồ mả tổ tiên thành những khái niệm... (...)

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021