thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT [chương XVI]

 

Đã đăng: [chương I-II] - [III-IV]
[XI] - [XII] - [XIV] - [XV]

 

mười sáu.

CẢM HỨNG HAY LÀ HÓT?

 

Nhánh phụ lưu đó phát xuất từ một vùng rừng núi sầm uất, có bao nhiêu con suối đổ vào nó, đến mùa lũ thì mang lại cho con sông quê nàng một lượng nước rất lớn. Việc tôi và nàng đến được đầu nguồn của nhánh sông đó chỉ là chuyện tình cờ.

Sáng hôm đó chúng tôi đang lang thang trên đường lộ thì một chiếc xe du lịch cỡ trung đỗ lại ở bên đường, một người đàn ông sang trọng thò đầu ra khỏi xe hỏi tôi với nàng có muốn đi xem cho biết nơi sắp có công trình thuỷ điện hay không. Chỉ nghe hỏi vậy, chúng tôi cũng có thể đoán đó là người có quyền lực ở cái công trình thắp sáng sắp xây dựng ở thượng nguồn nhánh sông đó. Có thêm tôi với nàng thì trên xe, kể cả lái xe, cũng chỉ có bốn người. Và cũng không đầy một phút sau, qua cách xưng hô của người lái xe, chúng tôi đã biết đấy là vị chỉ huy của công trình thuỷ điện. Không cần phải giới thiệu đường đi nước bước vì đã có những tấm bảng hướng dẫn lộ trình dựng rải rác ở hai bên lộ, và cũng không cần hỏi chúng tôi là ai, vị chỉ huy công trình đã đi thẳng vào chỗ tầm cỡ quốc gia của công trình công nghiệp, những chỉ số khoa học kỹ thuật, những hiệu quả kinh tế xã hội, những biến đổi về sinh thái, ông nói, như thể cho hai công dân của đất nước là tôi với nàng hiểu ra rằng cái nhà máy thuỷ điện đó là sẽ mang lại ánh sáng cho người dân cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Khoa học đương đại sẽ đẩy lùi toàn bộ bóng tối quá khứ còn để lại.

Vị chỉ huy công trình nói xong câu này thì im lặng, có lẽ là để cho tôi với nàng nói ra cảm tưởng của mình, bởi từ lúc tôi và nàng leo lên ngồi ở hàng băng sau của xe thí ông đã bắt chúng tôi nghe ông nói. Nàng huých nhẹ vào tôi, như thể nhắc tôi rằng đã đi nhờ xe người ta thì phải tỏ ra lịch thiệp một chút, nghĩa phải có một lời gì đó khi đã nghe vị chủ nhân của xe nói quá nhiều về công việc của ông. Nhưng tôi còn đang chưa biết phải nói gì thì ông đã nói tiếp.

Chỉ chốc lát nữa hai anh chị sẽ nhìn thấy sức mạnh của khoa học đương đại, tôi thì vẫn thích gọi nó, thứ sức mạnh đó, là con đại bàng đang vỗ cánh trên bầu trời của thế kỷ, có thể nói là những gì làm được trong một ngày của hôm nay thì những ngàn năm trước phải tốn cả trăm năm chưa chắc đã làm được, mà hai anh chị là dân làm ăn bình thường, hay cũng là dân làm khoa học như chúng tôi?

Vị chỉ huy đột ngột hỏi, và quay ra sau nhìn chúng tôi. Quả tình lúc bấy giờ tôi cũng chẳng hiểu sao nàng lại nói thế, do không tiện nói ra việc đi nhờ xe để đi tìm con nước đầu nguồn dòng sông ấy, nên nàng phải nói thế? Thưa, chúng tôi là đồng nghiệp đi nghiên cứu về các loài chim. Nàng nói với vị chỉ huy công trình như thế.

Là các nhà điểu học?

Ông hỏi lại. Và lại quay nhìn chúng tôi, lần này là có kèm theo nụ cười thật cởi mở. Thưa phải, là các nhà điểu học. Nàng trả lời, và cũng đáp lễ ông bằng một nụ cười cởi mở. Lập tức tôi hiểu ra được một phần sự thật (và sau này thì mới hiểu hết). Và cảm thấy vô cùng tự hào về người tôi yêu. Với vị chỉ huy công trình thuỷ điện thì vẻ đẹp của nàng cũng ngang bằng với sức mạnh của khoa học đương đại. Có nghĩa, nếu không có nàng cùng đi, thì chẳng đời nào có chuyện tôi được vị chỉ huy ấy mời lên ngồi ở trên xe của ông. Lúc xe bắt đầu bỏ đường lộ, rẽ sang đường đất, ông lại quay nhìn chúng tôi nữa.

Như thế là các bạn đã có ý định đến vùng rừng núi thượng nguồn con sông này?

Đến lúc này thì ông xem chúng tôi là bạn. Và tôi thì vẫn để cho nàng nói về công cuộc nghiên cứu về chim. Đây là mùa nắng ráo, chắc có đủ các loài chim ở vùng núi rừng đó, nếu không có xe của ông, có lẽ còn lâu hai chúng tôi mới đến được nơi đó. Nàng nói. Đường đất có nhiều ổ rãnh, xe lắc tựa thuyền, khiến cho giọng nói của vị chỉ huy công trình như bị cắt ra thành những âm riêng lẻ.

Con người của ngàn năm trước không thể ngờ ngày hôm nay lại có thể làm được những điều kỳ diệu thế này, có thể nói một cách ấn tượng rằng con người của thời hiện đại khi muốn bầu trời trên đầu mình cao hơn một chút thì cứ việc làm cho cao hơn, chứ chẳng phải các bạn đang chứng kiến chuyện ấy hay sao, con đường mà các bạn đang đi vốn là không có, nhưng khi con người đã muốn, thì nó đã có, và như thế là kể từ nay trên mặt đất này lại có thêm một đường đi.

Vị chỉ huy công trình muốn giới thiệu với chúng tôi con đường dẫn đến nhà máy thuỷ điện, con đường men theo ngả sông ấy, chỉ vừa mới làm xong phần nền móng, nhưng có lẽ vì cảm hứng, ông có hơi mông lung một chút. Và suốt buổi chiều ở lán trại những người làm đường, qua các cuộc tiếp xúc giữa ông và những người dưới quyền ông, mới thấy ông là con người đầy cảm hứng trong công việc của mình. Vừa đến nơi này, ông lập tức điện cho các cấp dưới của mình. Vị kỹ sư địa chất đang làm việc ở gần đó là người đến gặp ông trước nhất.

Các anh đang làm công việc tra hỏi thiên nhiên, nơi nào có thể cho mọc thêm ngọn núi hay bớt đi ngọn núi, nơi nào có thể tạo thêm một dòng sông hay bớt đi một dòng sông, chính các anh sẽ làm cho thiên nhiên trở nên hiền hoà hơn, trở nên hữu ích và thân thiện hơn đối với con người.

Vị kỹ sư địa chất phụ trách đội khoan thăm dò tuyến đập hồ chứa thuỷ điện có yêu cầu ông cấp thêm cho đơn vị anh ta cơ giới và nhân viên kỹ thuật, nhưng ông thì cứ thao thao như thế, không biết là có ghi nhận được điều này hay không. Có lẽ là nguồn cảm hứng của ông trở nên mạnh mẽ hơn khi người phụ trách công việc di dời các làng dân ở lòng hồ thuỷ điện đã phải vượt hằng chục cây số đường rừng để đến gặp ông kịp trong buổi chiểu. Qua cuộc tiếp xúc này, tôi biết là vị chỉ huy sẽ còn đến khu tái định cư của đám dân ở lòng hồ, rồi đến đơn vị khoa học kỹ thuật khảo sát lòng hồ. Ông phải đến các nơi đó ngay trong đêm, và cũng quay trở về thành phố ngay trong đêm.

Tất cả các anh là những người đang làm cho trái đất thân yêu chúng ta có thêm một khuôn mặt mới, thì chẳng phải sắp tới chúng ta lại dời cả biển cả lên non hay sao?

Ông nói với con người vừa chạy bộ gần hụt hơi. Người lo công việc dời dân có nói cho ông biết trở ngại đang xảy ra là nhiều làng dân thiểu số ở lòng hồ không chịu rời núi rừng quen thuộc của mình, có nghĩa đám dân ấy chẳng thể mường tượng được cái biển cả của vị chỉ huy công trình sẽ đem lên núi trong nay mai. Người lo công việc dời dân có nói cho ông biết quan điểm chủ yếu của đám dân ấy là không đi đâu hết. Nhưng vị chỉ huy công trình, trong nguồn cảm hứng của mình, bảo đó chỉ là chuyện vặt trong công việc làm khoa học.

Hãy nhớ rằng, chúng ta là những người đang sửa sang lại mặt đất, mai sau con cháu của chúng ta sẽ ghi công tích của chúng ta.

Đó là câu cuối cùng tôi nghe ông nói với các cộng sự của mình. Nói xong câu này thì ông bắt tay tôi và nàng, hẹn gặp lại trong một ngày nào đó, cũng tại vùng núi rừng này, rồi lên xe đi. Tôi hỏi nàng có suy nghĩ gì về hình ảnh những người đang sửa sang lại mặt đất không? Nàng chỉ im. Mãi đến đêm, lúc nghỉ lại ở lán trại những người làm đường, nàng mới nói về vị chỉ huy công trình. Khi mới bắt chuyện với chúng ta, chỉ nghe mấy câu mở đầu của ông thôi, em đã nhìn thấy khả năng ca hót của con người này, do vậy mới có chuyện phải nghĩ đến một công cuộc nghiên cứu về các loài chim. Nàng bảo với tôi thế. Tôi nói tất cả những gì ông ấy nói ra đều là những chuyện lớn của loài người, không thể xen vào đó chuyện đùa cợt. Nàng nói lớn như tạo hoá còn đùa cợt nữa là nàng. Nhưng lập tức nàng bảo tôi rằng chỉ tạo hoá toàn năng là mới có thể vừa tạo tác vừa đùa cợt, còn con người thì không thể, rằng một người làm công việc khoa học thì không thể hót như loài chim. Như vậy là giữa tôi với nàng lại có chút bất đồng trong suy nghĩ về con người đã cho mình đi nhờ xe đến thượng nguồn con sông ấy. Tôi thì cho rằng trong khi nói năng, ông có hơi quá cảm hứng một chút. Nhưng nàng bảo để có nền văn minh đương đại, các nhà khoa học đã phải cống hiến cho nhân loại cả tinh thần lẫn thể xác của họ. Việc làm cái nhà máy thuỷ điện là thừa hưởng thành quả của văn minh đương đại, nhưng người chỉ huy công việc làm này lại nói về nền văn minh này theo ngôn ngữ của loài chim là điều chẳng thể chấp nhận. Bởi trong mối quan hệ giữa các loài trong hiện tại thì chỉ có loài người nói về loài chim, chứ không thể có chuyện loài chim nói về loài người.

 

[còn tiếp]

 

_________
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Nguyễn Thanh Hiện [1. Những Tháng Năm Nghiệt Ngã - 2. Trở Lại Xương Quơn (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2007) - 3. Vật Gia Bảo Của Một Dòng Họ - 4. Bên Này Trần Gian - 5. Người Đánh Cắp Sự Thật (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2008) - 6. Một Cách Nói Khác Của Niềm Khao Khát - 7. Rốt Cuộc Thì Bọn Họ Là Ai?], sách gồm 38 chương, chưa nhà xuất bản nào in.

 

 

Đã đăng:

... Mặt đất này thì rộng lớn, và con sông nào cũng có chỗ bắt đầu của nó, mà các người đi tìm nguồn con sông nào? Ông hỏi. Tôi nói là con sông chảy qua quê nàng. Con sông quê của người mình yêu. Ông quảng diễn thêm câu nói của tôi. Rồi bảo hai chúng tôi có vẻ khăng khít nhau thế còn đi tìm nguồn con sông đó chi nữa. Tôi nói đó là bí mật của tình yêu. Hoá ra không phải chỉ tôi với nàng mới có bí mật của tình yêu. Đêm đó, nơi căn nhà lá ở giữa rừng, người coi rừng đã nói cho chúng tôi biết ông cũng có một bí mật của tình yêu... (...)
 
... Rằng từ khi loài người biết truyền những ý nghĩ cho nhau bằng máy móc thì thần không còn trực tiếp cai quản núi rừng, nhưng không phải là không để mắt đến chuyện con người, rằng trong cuộc chuyển lưu lớn lao của vạn hữu thì không phải hễ là thần thì nhìn thấy được sự thật của mọi sự, rằng ngày xưa, ngay chính bản thân vũ trụ cũng chưa biết mình do đâu mà có, thì lớp cha ông của thần quả đã cho rằng hễ là thần thì biết hết mọi sự, từ đó mới có chuyện toàn trị của các vị thần... (...)
 
... Xin chào bác homo sapiens! Đám đồng bào của ta nơi mặt đất đã bớt lạnh lẽo gọi ta là bác homo sapiens. Là homo sapiens, hay không là homo sapiens, thì có hệ trọng gì đâu. Bởi điều đáng nói là ta đã vượt qua cuộc thử thách lớn nhất trong trời đất, cuộc thử thách diễn ra hằng triệu triệu năm, để được thiên hạ trong trời đất gọi ta là con người... (...)
 
... Có cái gì là chẳng ngoi lên từ cõi hỗn mang? Một vùng trời đất âm thầm, từ đấy ngân vang những giai điệu nguyên sơ. Sáng tỏ và u uẩn. Ôm ấp và cô đơn. Mở và khép. Gặp lại và chia xa... Buổi ban đầu ấy là một cuộc lưu luyến kỳ cục giữa ngẫu nhiên và tất yếu. Ai đã ngang qua đất trời lãm thuý?... (...)
 
... Lại hỏi về cây thong dong. Thưa, có bao giờ thấy mặt trời mặt trăng vội vã đâu, nếu là biển, thì sáng tinh mơ, mặt trời trườn đi trên nước, nếu là bầu trời đêm có nhiều mây, thì mặt trăng ẩn hiện ở trong mây, cái cách như thế của mặt trời mặt trăng thì gọi là thong dong... (...)
 
Mùa thu năm ấy chúng tôi ngược về thượng nguồn một nhánh sông của con sông quê nàng. Và bị cầm chân ở ngôi làng ấy. Khoa học hiện đại dù đã phát hiện được bao nhiêu là luật lệ của trời đất, nhưng những con người ở ngôi làng ấy vẫn khăng khăng vị thần làng của mình là thần của tất cả các thần, là tổ thần, không có vị này thì không có người làng và cũng không có cả loài người... (...)
 
Quả tình mùa thu ở đây vàng một nỗi ám ảnh. Ám ảnh bởi một thứ quá khứ đã được tinh kết thành thứ từ vựng tinh tế, kiêu sa, và không phải cứ nghe thấy là hiểu. Ám ảnh bởi một thứ hiện tại được biểu lộ trong một diện mạo có vẻ minh bạch, nhưng không dễ gì cứ trông thấy là hiểu. Đúng là tôi với nàng không dễ gì rời khỏi một nơi chốn như thế... (...)
 
... Một người đàn ông nằm trên mặt đất, chắc là đã chết, trước mặt có con bò rừng đứng trong tư thế kỳ lạ, như đang sắp ngã xuống, ruột gan tràn ra bên ngoài, bên sườn có cắm một ngọn lao. Đó là nội dung một phiên bản tranh hang động thời tiền sử treo ở nhà vị trưởng tế... (...)
 
... Hãy nói cho tôi nghe là ngài căn cứ vào đâu để bảo đó là sự thật? Một văn bản bằng giấy ư? Hay một văn bản bằng đá? Mà chép trên giấy, hay trên đá, thì đều là ngôn ngữ của con người, ai dám bảo với ngài rằng ngôn ngữ ấy thuật lại đúng sự kiện đó, xin ngài hãy nhớ cho, khi ngài tham gia vào việc nói về sự kiện đó thì nó không còn là nó, mà sẽ hiện ra theo cái cách của ngài nói về nó... (...)
 
... Khi kể ra những sự tích đó, người làng muốn nói với chúng tôi, mà họ vẫn đinh ninh là những nhà báo của chính phủ, rằng cái gò hoang là bản gia phả chung của các dòng họ trong làng, rằng những thế kỷ đã trôi qua, các dòng họ đó vẫn giữ gìn bản gia phả đó như giữ gìn dòng máu tộc họ của mình... (...)
 
... Các vị đại diện nhà nước bắt đầu thay nhau nói, rằng cái gò hoang không phải là nghĩa địa, nghĩa địa sao lại không có mồ mả, mà chỉ là nghe kể lại rằng tổ tiên của dân làng đã chôn ở đó, nên việc yên nghỉ đó cũng chỉ là khái niệm, cũng như nói cái gò đó là gia phả chung của các dòng họ thì cũng là khái niệm, nói gọn lại, dẫu cái gò hoang đó không còn thì những khái niệm kia vẫn còn. Nhưng về chỗ này thì đám dân làng không dễ gì mủi lòng để các vị đại diện nhà nước biến mồ mả tổ tiên thành những khái niệm... (...)
 
... Ta phải nói thế nào với các người đây? Sự cư trú của con người trên mặt đất này thì có vẻ ngẫu nhiên. Chẳng ai muốn chọn những nơi nghèo nàn như ngôi làng ấy để sống. Mà chuyện ngẫu nhiên như thế xảy ra khắp nơi trên mặt đất này. Và bằng trí tuệ của mình, con người đã vượt qua được biết bao cái ngẫu nhiên để làm nên những cuộc đổi thay có tên là những nền văn minh nhân loại... (...)

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021