thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT [chương XVII]

 

Đã đăng: [chương I-II] - [III-IV]

 

mười bảy.

VÀ ĐẤY LÀ NIỀM KINH SỢ

 

Và ở vùng rừng núi đầu nguồn ấy, loài người đã tiến hành một cuộc khảo cứu về chim, cả những thứ đương ca hót trên rừng, lẫn những thứ còn nằm trong trí tưởng tượng, cuộc khảo cứu có một không hai trong lịch sử nghiên cứu về các loài trong trời đất. Tay kỹ sư địa hình đương làm công việc khảo sát địa hình ở cánh rừng đầu nguồn ấy là một tay mê chim. Nó là loài gì, có phải là chim báo ngủ không, vì cứ vào lúc mắc võng chuẩn bị ngủ thì bọn tôi lại nghe tiếng con chim ấy? Một tra vấn khá hóc búa về chim được anh ta đặt ra ngay lúc chúng tôi mới bước vào khu lán trại của đơn vị khảo sát lòng hồ. Có lẽ là vị chỉ huy công trình đã nói khá kỹ với tay kỹ sư ấy, nên anh ta đã đón chúng tôi như đón những kẻ quen biết. Đấy là câu chuyện phải nói cả đời mới hết. Nàng phải lập tức đóng vai nhà điểu học. Ngày ngày, bọn tôi đi dò xét coi chỗ này chỗ kia cao hơn mặt nước bể bao nhiêu, là việc làm của hạ giới, khác với việc làm của những nhà điểu học, là việc làm thuộc thượng giới. Anh ta nói, chẳng phải khiêm tốn gì, mà là biểu hiện của một đam mê. Trong bữa cơm khách, cứ bưng chén cơm lên, chưa kịp và, là anh ta lại đặt xuống, để hỏi chúng tôi đủ thứ chuyện về chim. Biết nàng chẳng chống đỡ nổi trận tra vấn này, nên tôi đã phải nhảy vào cuộc. Lần này thì tôi với nàng không phải leo lên lưng cọp, mà là leo lên thế giới của tưởng tượng và bịa đặt. Chứ không tưởng tượng, bịa đặt ra các loài chim, thì tôi với nàng biết chi mà nói. Coi như cứ sáng ra là anh ta lại đưa chúng tôi đến một cao trình mới. Núi rừng đầu nguồn ấy có lẽ là được tạo dựng từ một thời tạo sơn dữ dội, đất cứ gãy thành quãng lồi lõm, đứng nơi cao trình này thấy cao trình kia như ở trên đầu hay ở dưới chân mình. Ngắm, đo, và xê dịch, cứ thế, cho đến khi lấy được những con số. Bầu đoàn chỉ vẻn vẹn ba người: anh ta, kỹ sư địa hình, với hai đồ đệ, những tay kỹ thuật đo đạc, xê dịch, ngắm, và đo, những con số cho cuộc qui hoạch, và những loài chim chưa biết tên. Câu chuyện ở những cao trình là sự hòa quyện giữa địa lý học và điểu học. Thì chẳng phải ngày ngày anh ta kết hợp với việc khảo sát địa hình để đưa tôi và nàng, những nhà điểu học bất đắc dĩ, lên rừng khảo cứu về chim hay sao? Niềm đam mê dường như từ anh ta đang chuyển dịch sang chúng tôi. Mới đầu là tưởng tượng ra, dốc hết khả năng tưởng tượng ra để mà nói, riết một hồi thì cũng thấy mê cái đám chim do mình nghĩ ra. Mà như cả anh ta cũng thế, cũng cứ tha hồ mà nghĩ ra các loài chim để thoả mãn niềm đam mê của mình. Vì theo lời mời của anh ta, cả tôi và nàng đều cùng anh ta nhìn vào máy ngắm. Vừa ngắm, tôi vừa rỉ tai nàng (chỉ đủ để nàng nghe) rằng đấy là chim áo đà, thì có lông màu đà là chim áo đà chứ còn gì. Con chim đậu trên cành cây nằm ngay trên đường ngắm, đám đồ đệ anh ta hỏi xê dịch thước về phía nào, còn anh ta thì cứ đưa cái ngón trỏ ấy lên nhịp nhịp vào chỗ khoảng không trước máy ngắm, đám đồ đệ ở đầu đằng kia vẫn cứ gào toáng lên là dịch chuyển thước về phía nào, bởi cái ám hiệu ấy là nằm trong niềm đam mê, chứ chẳng thuộc thuật đo đạc. Đúng hơn đấy không phải ám hiệu, mà là biểu hiệ của dòng suy nghĩ. Cuối cùng thì anh ta cũng nghĩ như tôi. Anh chị có nhìn thấy con chim áo đà không? Cuối cùng anh ta hỏi chúng tôi thế. Ở cao trình ấy, chúng tôi lại đem thêm một loài chim nữa vào công cuộc khảo cứu của mình. Phải đến mười mấy con suối đổ vào nhánh sông ấy. Theo tay kỹ sư địa hình, các con suối ấy đều bắt nguồn từ các triền núi thuộc cụm đầu nguồn. Nàng bảo, theo một nhà điểu học châu Âu, có những loài chim có giọng hót rất hay chỉ sống biệt lập ở các đầu nguồn sông suối. Nhưng tên chúng là gì? Anh ta hỏi, và lập tức mở sổ biên chép ra, cuốn sổ biên chép về chim như lúc nào cũng không rời anh ta. Tôi cố lắm mới không bật cười. Làm sao nàng nghĩ cho ra tên các con chim vừa mới vụt ra từ sự bịa đặt của mình? Dường trời sinh loài người là để tưởng tượng và bịa đặt ra các thứ trên đời. Trong lúc tôi lo lắng cho nàng thì nàng đã nghĩ ra cùng lúc đến hằng chục loài chim. Tên của chúng được lấy từ những câu hát ru quen thuộc, và chỉ thêm vào đằng sau những cái tên ấy một màu sắc cụ thể là có được ngay một loài chim cụ thể: con oanh đỏ, con yến xám, con phượng vàng... Nàng có viện đến một nhà điểu học châu Âu như thế là cốt để cho tay kỹ sư địa hình hứng thú chuyển việc khảo sát đến đầu nguồn các con suối ấy. Thì chúng tôi đang đi tìm con nước đầu nguồn con sông quê nàng, chứ nào phải là đi khảo cứu về chim. Theo qui hoạch của công trình, nơi phát nguồn các con suối ấy đều nằm bên ngoài vùng khảo sát địa hình. Mà tay kỹ sư mê chim thì cứ tìm đủ mọi cách để giữ chúng tôi lại. Có vẻ như sự có mặt của các nhà điểu học (là tôi với nàng) là để hợp thức hóa những hiểu biết về chim của anh ta. Quả tình đây là vòng luân hồi cắc cớ : vị chỉ huy công trình ba hoa đã làm cho tôi với nàng bỗng chốc trở thành những nhà điểu học, rồi tôi với nàng cứ làm như những nhà nghiên cứu về chim đã khiến cho tay kỹ sư vốn rất mê chim tưởng mình là nhà điểu học. Và biết đâu sau đó, tay kỹ sư tưởng mình là nhà điểu học, khi gặp vị chỉ huy của mình, sẽ làm cho ông ta trở thành kẻ mê chim! Thì chẳng phải là anh ta đã làm cho chúng tôi mê chim còn gì. Vào một đêm, có lẽ là đêm thứ năm hay thứ sáu chúng tôi ở khu lán trại đơn vị khảo sát lòng hồ, tôi đã phát hiện ra thứ tiếng động ấy. Đang ngồi trò chuyện ở trong lán thì nghe thấy tiếng gì như tiếng chim vỗ cánh trên ngọn cây rừng ở cửa lán. Tôi liền với cây đèn pin, vụt bước ra ngoài. Đừng anh. Chưa kịp rọi đèn lên cây coi thử là chim gì lại ngủ ngay cạnh con người như vậy thì tay kỹ sư đã kéo tay tôi lại. Theo lời anh ta, lán trại của đơn vị xây dựng được chín mười hôm thì con chim ấy đến ngủ trên ngọn cây ấy. Phải có sự đồng điệu giữa người và chim thì mới có chuyện này. Tay kỹ sư nói. Tôi nói làm sao mà biết? Còn nàng hỏi sự đồng điệu ấy là gì? Chẳng hạn, luôn muốn từ bỏ những khung trời nhỏ hẹp để vươn tới một quãng trời cao rộng; chẳng hạn, luôn muốn giọng nói của mình trở nên hay hơn, hay át cả những giọng nói khác. Anh ta nói. Quả có vẻ như có sự đồng điệu giữa người và chim về chỗ thích quãng trời cao rộng. Nhưng về khoản giọng nói, chúng tôi hỏi anh ta căn cứ vào đâu để nói thế. Tay kỹ sư liền đem c 񩠢?uổi sớm trong rừng đầy tiếng chim ra nói. Loài chim có tri giác riêng về sự chuyển động của trời đất. Và có cách thể hiện riêng tri giác đó. Khi trái đất tự xoay tròn giáp một vòng thì hầu như lũ chim rừng đã biết kêu biết hót đều thốt ra thành lời cho các loài giống khác trong trời đất biết là chúng biết một ngày nữa đã xảy ra. Những ngày đầu loài chim có mặt trên mặt đất này thì tiếng chim là thế. Nhưng rồi con chim nào cũng muốn tỏ rằng mình biết sự thật ấy bằng cách phải nói to lên, và để cho những chim khác nghe thấy thì phải nói to hơn nữa. Từ chỗ thể hiện sự hiểu biết về chuyển động của trời đất, loài chim tiến đến chỗ tranh nhau về cách diễn đạt lời nói. Cuối cùng thì không còn nói về sự thật, mà là nói về nhau; không phải là nói chuyện bình thường, mà là cãi nhau, thậm chí là nguyền rủa nhau. Cứ vào lúc trái đất tự xoay tròn được một vòng, lúc nhìn thấy có ánh mặt trời sau một đêm tăm tối, thì chúng lại thức dậy để cãi nhau, chẳng cần biết trái đất có còn tiếp tục quay hay không, và ngày mai thì có còn nhìn thấy ánh mặt trời nữa không. Nàng bảo như vậy là ta phải thay đổi một cách nhìn, cái buổi sớm trong rừng đầy tiếng chim không còn được coi là bản giao hưởng của tự nhiên. Tôi biết nàng nói thế có nghĩa là đã bắt đầu cảm thấy bị lung lạc trước trí tưởng tượng của tay kỹ sư mê chim. Nhưng anh ta bảo suy nghĩ của anh ta cũng chỉ là một cách nhìn tự nhiên, mà cách nhìn nào cũng nhằm tìm ra bản chất của thực tại. Lại có tiếng chim vỗ cánh trên ngọn cây rừng chỗ cửa lán. Cả tôi lẫn nàng đều hướng mắt về phía tay kỹ sư mê chim. Có thể hiểu đấy là cách phản ứng của loài chim trước một ngoại cảnh có tiếng nói của con người, vỗ cánh mà không bay đi là chấp nhận tiếng nói của con người. Anh ta nói. Dường như vừa nói anh ta vừa nhìn vào một cuốn từ điển về chim được soạn theo trí tưởng tượng phóng đãng của mình, cái mục từ anh ta đem ra nói với chúng tôi như một thứ trộn lẫn giữa khoa học và thi ca. Một cái bến suối nằm trong vùng khảo sát điạ hình, một buổi sớm mai núi rừng chẳng có vẻ gì là sắp xảy biến cố, một con chim, màu lông trộn lẫn giữa trắng và đen, bay ngang đường ngắm của anh, sà xuống bến suối. Cứ tưởng là con chim bị trúng tên của con người, nhưng không phải, vì liền đó là một con chim khác, cũng màu lông đó, vút qua đường ngắm của anh, và sà xuống bến suối. Lập tức anh ghi vào hiểu biết của mình rằng bỗng chốc có đôi chim cùng sà xuống một nơi non nước hữu tình, thì đấy không phải là dừng chân nghỉ sau một chuyến bay dài, mà là đang trên chuyến bay không định trước bến bờ, hoặc là để tận hưởng, hoặc để thử thách, vì có thể đấy là một cuộc tình thực sự, mà cũng có thể là chưa. Lập tức anh ra lệnh đám đồ đệ nghỉ đo đạc, và quay máy ngắm về phía cao trình của cuộc quan hệ chưa xác định được nguồn cơn, và qua đường ngắm của mình, anh nghe thấy từng âm tiết trong từng lời chim, nghe thấy những xung động nhỏ nhất trong các cơ thể bé nhỏ của một loài giống tuy nhỏ bé nhưng lại có một lịch sử loài giống thật dài lâu. Và trong khi đang xác định đấy là một cuộc tình, thì qua đường ngắm của mình anh nhìn thấy tựa hồ như một thác nướ xám ngoét đang đổ ngược về thượng nguồn, nhưng nhìn lại thì chẳng phải là thác, mà là một con chim to lớn, cứ gọi nó là một con đại điểu, kéo sau nó là đám chim bản địa đang góp lại thành thứ sức như thác đổ. Một cuộc đánh đuổi kẻ ngoại nhập, nhưng anh bỗng có cảm tưởng đường ngắm của mình bị xé ra, nhưng không phải, để còn được bay lượn, con chim to lớn đã quày đầu lại, một cuộc va chạm giữa hai thứ sức sống. Không phải là đường ngắm bị xé ra, mà các cuộc tồn sinh bị xé ra, qua đường ngắm, anh nhìn thấy rơi lả tả xuống nơi bến suối những xác chim, mọi thứ diễn ra thật nhanh đến nỗi anh phải nghĩ rằng cả cuộc tình mình vừa xác nhận được cũng đã tan tành theo cuộc va chạm kia, và mọi thứ diễn ra nhanh đến nỗi tưởng chẳng có gì xảy ra, bởi liền đó, qua đường ngắm của mình, anh nhìn thấy lũ chim từng đôi sà xuống nơi bến suối, còn núi rừng thì vẫn vang rộn tiếng chim. Tay kỹ sư mê chim nói với chúng tôi rằng núi rừng là nơi để cho các thế hệ loài chim tiếp tục viết cuốn sử về loài giống mình, một cuốn sử truyền miệng. Có quả là như vậy hay không? Lúc anh ta bước ra ngoài, chắc là để xem thử con chim thích tiếng người đã ngủ chưa, nàng rỉ tai tôi, hỏi. Tôi nói chỉ đủ để cho chúng tôi nghe, rằng trong lúc tôi và nàng nghĩ ngợi về cái thuyết lý về chim của anh ta, thì trong hai chúng tôi chẳng ai nhìn thấy được, cũng như chẳng hiểu được, việc trời đất đang giãn nở như các nhà khoa học nói, nhưng chuyện đó là có. Chúng tôi lại lặng đi trong giây lát. Trí tuệ con người lớn lao biết bao mà cũng nhỏ nhoi biết bao trước vẻ kỳ bí của tự nhiên. Nàng nói. Và khẽ rùng mình. Tôi cũng khẽ rùng mình.

 

[còn tiếp]

 

_________
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Nguyễn Thanh Hiện [1. Những Tháng Năm Nghiệt Ngã - 2. Trở Lại Xương Quơn (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2007) - 3. Vật Gia Bảo Của Một Dòng Họ - 4. Bên Này Trần Gian - 5. Người Đánh Cắp Sự Thật (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2008) - 6. Một Cách Nói Khác Của Niềm Khao Khát - 7. Rốt Cuộc Thì Bọn Họ Là Ai?], sách gồm 38 chương, chưa nhà xuất bản nào in.

 

 

Đã đăng:

... Mặt đất này thì rộng lớn, và con sông nào cũng có chỗ bắt đầu của nó, mà các người đi tìm nguồn con sông nào? Ông hỏi. Tôi nói là con sông chảy qua quê nàng. Con sông quê của người mình yêu. Ông quảng diễn thêm câu nói của tôi. Rồi bảo hai chúng tôi có vẻ khăng khít nhau thế còn đi tìm nguồn con sông đó chi nữa. Tôi nói đó là bí mật của tình yêu. Hoá ra không phải chỉ tôi với nàng mới có bí mật của tình yêu. Đêm đó, nơi căn nhà lá ở giữa rừng, người coi rừng đã nói cho chúng tôi biết ông cũng có một bí mật của tình yêu... (...)
 
... Rằng từ khi loài người biết truyền những ý nghĩ cho nhau bằng máy móc thì thần không còn trực tiếp cai quản núi rừng, nhưng không phải là không để mắt đến chuyện con người, rằng trong cuộc chuyển lưu lớn lao của vạn hữu thì không phải hễ là thần thì nhìn thấy được sự thật của mọi sự, rằng ngày xưa, ngay chính bản thân vũ trụ cũng chưa biết mình do đâu mà có, thì lớp cha ông của thần quả đã cho rằng hễ là thần thì biết hết mọi sự, từ đó mới có chuyện toàn trị của các vị thần... (...)
 
... Xin chào bác homo sapiens! Đám đồng bào của ta nơi mặt đất đã bớt lạnh lẽo gọi ta là bác homo sapiens. Là homo sapiens, hay không là homo sapiens, thì có hệ trọng gì đâu. Bởi điều đáng nói là ta đã vượt qua cuộc thử thách lớn nhất trong trời đất, cuộc thử thách diễn ra hằng triệu triệu năm, để được thiên hạ trong trời đất gọi ta là con người... (...)
 
... Có cái gì là chẳng ngoi lên từ cõi hỗn mang? Một vùng trời đất âm thầm, từ đấy ngân vang những giai điệu nguyên sơ. Sáng tỏ và u uẩn. Ôm ấp và cô đơn. Mở và khép. Gặp lại và chia xa... Buổi ban đầu ấy là một cuộc lưu luyến kỳ cục giữa ngẫu nhiên và tất yếu. Ai đã ngang qua đất trời lãm thuý?... (...)
 
... Lại hỏi về cây thong dong. Thưa, có bao giờ thấy mặt trời mặt trăng vội vã đâu, nếu là biển, thì sáng tinh mơ, mặt trời trườn đi trên nước, nếu là bầu trời đêm có nhiều mây, thì mặt trăng ẩn hiện ở trong mây, cái cách như thế của mặt trời mặt trăng thì gọi là thong dong... (...)
 
Mùa thu năm ấy chúng tôi ngược về thượng nguồn một nhánh sông của con sông quê nàng. Và bị cầm chân ở ngôi làng ấy. Khoa học hiện đại dù đã phát hiện được bao nhiêu là luật lệ của trời đất, nhưng những con người ở ngôi làng ấy vẫn khăng khăng vị thần làng của mình là thần của tất cả các thần, là tổ thần, không có vị này thì không có người làng và cũng không có cả loài người... (...)
 
Quả tình mùa thu ở đây vàng một nỗi ám ảnh. Ám ảnh bởi một thứ quá khứ đã được tinh kết thành thứ từ vựng tinh tế, kiêu sa, và không phải cứ nghe thấy là hiểu. Ám ảnh bởi một thứ hiện tại được biểu lộ trong một diện mạo có vẻ minh bạch, nhưng không dễ gì cứ trông thấy là hiểu. Đúng là tôi với nàng không dễ gì rời khỏi một nơi chốn như thế... (...)
 
... Một người đàn ông nằm trên mặt đất, chắc là đã chết, trước mặt có con bò rừng đứng trong tư thế kỳ lạ, như đang sắp ngã xuống, ruột gan tràn ra bên ngoài, bên sườn có cắm một ngọn lao. Đó là nội dung một phiên bản tranh hang động thời tiền sử treo ở nhà vị trưởng tế... (...)
 
... Hãy nói cho tôi nghe là ngài căn cứ vào đâu để bảo đó là sự thật? Một văn bản bằng giấy ư? Hay một văn bản bằng đá? Mà chép trên giấy, hay trên đá, thì đều là ngôn ngữ của con người, ai dám bảo với ngài rằng ngôn ngữ ấy thuật lại đúng sự kiện đó, xin ngài hãy nhớ cho, khi ngài tham gia vào việc nói về sự kiện đó thì nó không còn là nó, mà sẽ hiện ra theo cái cách của ngài nói về nó... (...)
 
... Khi kể ra những sự tích đó, người làng muốn nói với chúng tôi, mà họ vẫn đinh ninh là những nhà báo của chính phủ, rằng cái gò hoang là bản gia phả chung của các dòng họ trong làng, rằng những thế kỷ đã trôi qua, các dòng họ đó vẫn giữ gìn bản gia phả đó như giữ gìn dòng máu tộc họ của mình... (...)
 
... Các vị đại diện nhà nước bắt đầu thay nhau nói, rằng cái gò hoang không phải là nghĩa địa, nghĩa địa sao lại không có mồ mả, mà chỉ là nghe kể lại rằng tổ tiên của dân làng đã chôn ở đó, nên việc yên nghỉ đó cũng chỉ là khái niệm, cũng như nói cái gò đó là gia phả chung của các dòng họ thì cũng là khái niệm, nói gọn lại, dẫu cái gò hoang đó không còn thì những khái niệm kia vẫn còn. Nhưng về chỗ này thì đám dân làng không dễ gì mủi lòng để các vị đại diện nhà nước biến mồ mả tổ tiên thành những khái niệm... (...)
 
... Ta phải nói thế nào với các người đây? Sự cư trú của con người trên mặt đất này thì có vẻ ngẫu nhiên. Chẳng ai muốn chọn những nơi nghèo nàn như ngôi làng ấy để sống. Mà chuyện ngẫu nhiên như thế xảy ra khắp nơi trên mặt đất này. Và bằng trí tuệ của mình, con người đã vượt qua được biết bao cái ngẫu nhiên để làm nên những cuộc đổi thay có tên là những nền văn minh nhân loại... (...)
 
... Nhưng nàng bảo để có nền văn minh đương đại, các nhà khoa học đã phải cống hiến cho nhân loại cả tinh thần lẫn thể xác của họ. Việc làm cái nhà máy thuỷ điện là thừa hưởng thành quả của văn minh đương đại, nhưng người chỉ huy công việc làm này lại nói về nền văn minh này theo ngôn ngữ của loài chim là điều chẳng thể chấp nhận. Bởi trong mối quan hệ giữa các loài trong hiện tại thì chỉ có loài người nói về loài chim, chứ không thể có chuyện loài chim nói về loài người... (...)

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021