thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT [chương XXI]

 

Đã đăng: [chương I-II] - [III-IV] - [V-VI] - [VII]

 

hai mươi mốt.

GƯƠNG MẶT TRẦN GIAN

 

Bấy giờ tôi cũng có nghĩ đến chuyện phải nhảy xuống nước trở lại để chết cùng nàng. Nhưng rồi cái ý nghĩ nàng cũng dạt vào bờ như tôi đã khiến tôi dừng lại chuyện chết. Khi nghĩ là nàng còn sống, tôi lập tức cảm thấy những gì chúng tôi vừa trải qua giống như một cuộc thử thách mà các vị thần đã bày ra trong các cuộc tình cổ xưa. Bấy giờ, bốn phía chỗ tôi ngồi là một cõi trời đất bất an. Mưa đã tạnh từ lâu. Nhưng nước nơi lòng suối vẫn tiếp tục gào réo. Và rừng cây sâu thẳm thì như đang chờ chực nuốt lấy tôi. Để xua nỗi sợ hãi, tôi chỉ còn cách ngồi yên nơi bờ suối mà nghĩ đến nàng. Vừa dứt ý nghĩ này, tôi lại chuyển sang ý nghĩ khác. Tất cả đều là những giả sử về nàng. Giả sử nàng cũng dạt vào bờ như tôi. Và khi tỉnh lại, thấy mình ở giữa rừng đêm, nàng đã kêu gào thảm thiết. Giả sử là đã có người trông thấy, và đã mang nàng đi. Để có được một tình yêu vĩnh hằng thì phải vượt qua những gãy khúc của thời gian. Tôi cũng chẳng thể xác định đó là ý nghĩ đang diễn ra trong tôi, hay đó là lời ai cất lên ở đâu đây.

Nàng vẫn còn sống, đừng lo.

Rõ ràng là có tiếng ai nói. Một người từ trong con nước đang gào réo bước ra. Sau khi rũ sạch nước, người ấy rút từ trong ngực áo ra một vật gì đó tung lên trời. Màu sáng của rừng đêm vừa đủ soi cho tôi thấy đó là những sợi chỉ nhỏ óng ánh đang kết bện lại thành những tấm thảm đỏ thắm, khi tách rời ra, khi nhập lại thành hình dạng một cuốn sách. Nhưng ông là ai? Tôi đánh bạo hỏi. Và phân vân chẳng biết hỏi vậy đã hợp lẽ chưa, bởi tôi không thể xác định kẻ đang ở trước mặt mình có phải là một con người hay không, và nếu là người thì già hay trẻ.

Chính loài người lũ ngươi đã mang ta đem xếp vào kho huyền thoại.

Người khách lạ trong đêm nói. Là nguyệt lão! Tôi vui mừng đến nỗi muốn hét to lên cho cả đất trời nghe thấy là mình đã gặp được thần tình yêu. Thưa, có chắc là nàng còn sống hay không? Tôi cứ muốn nghe thần nhắc lại việc nàng còn sống trên đời. Khi chúng tôi đã đi khá xa suối nước, thần tình yêu rỉ tai tôi, rằng tôi với nàng vừa mới vương mang nợ trần gian thì làm sao nàng chết được. Tôi hỏi có phải việc này đã được ghi vào sổ nhân duyên hay không. Thần tình yêu bảo chuyện ấy không còn thuộc thẩm quyền của mình, và hỏi lúc nãy tôi có nhìn thấy sợi tơ hồng với sổ nhân duyên không. Rồi bắt đầu giảng cho tôi nghe vì sao cuộc tình của chúng tôi không còn nằm trong vòng cai quản của thần.

... Ta có mang theo chỉ hồng với sổ nhân duyên thì cũng chỉ là mang theo một thứ kỷ niệm đầy hương sắc. Cái giống hữu tình của trần gian một thời đã làm xao động không ít cuộc sống của một vị thần cứ tưởng chuyện của con người là chẳng ăn thua chi đối với cõi vĩnh hằng. Vào những lúc bủa xong ngọn lưới tình là ta hay ngồi ngắm những âu yếm lứa đôi. Sự cuồng nhiệt của giống người được phô bày trong những cơn đam mê bất tận cũng dữ dội như sấm sét trên trời. Vào những lúc ấy thì ta, vị thần tạo tác lứa đôi, không nén được tiếng thở dài luyến tiếc vì sao ta lại là kẻ ở trên trời? Cứ thế. Rồi ta đã trở thành kẻ đa tình lạc điệu. Sợi chỉ thắm chẳng còn thiêng. Sổ nhân duyên mở ra lắm trang trắng. Dường trần gian mỗi ngày mỗi thêm những trục trặc trong tình ái. Và con người thì như không còn muốn nghĩ đến thứ quyền lực có tên là duyên nợ. Ta, kẻ ở trên trời, làm sao lại không nhìn thấy những chuyện ấy? Cho nên, bấy lâu nay ta đã tự rời khỏi thứ quyền lực thần thánh của mình, để chu du trong trời đất.

Như vậy không phải là thần đến để giúp cho kẻ này gặp lại người yêu của mình? Tôi nóng lòng, xen vào hỏi. Thần tình yêu bảo là đương trên đường chu du, thì nhìn thấy có hai kẻ ngụp lặn trong cuộc trần ai, nên đã dừng lại.

Nhưng tại sao bọn ngươi phải đi tìm con nước đầu nguồn?

Đột nhiên thần tình yêu lại hỏi đến cuộc thể nghiệm của chúng tôi. Lại một cuộc thử thách nữa? Tôi nghĩ. Và, bằng một cách úp mở, tôi đã nói với thần rằng để có được tình yêu vĩnh hằng là phải có bàn tay tạo tác của thần thánh. Thần tình yêu liền mở toang sổ nhân duyên ra, như thể cho tôi thấy thần chẳng còn dính dáng với bất cứ thứ tình yêu nào ở trần thế. Quả thực chỉ nhìn thấy những trang trắng. Và thần lại nói với tôi về chuyện con người.

... Bên kia tình yêu là một thế giới có vẻ man rợ hơn tất cả mọi thứ man rợ. Ngay tự buổi đầu của lịch sử loài người, ta đã nhìn thấy các bộ tộc chìm đắm trong thứ thế giới ấy. Tất cả hãy dừng lại đi thôi! Là thần tình yêu, bấy giờ ta đã khuyên bảo con người. Nhưng có vẻ đã trở nên vô ích. Bởi hình như thế giới ấy là một phần của sự cấu thành sự tồn tại của con người. Nó, cái thế giới man rợ ấy, hình như đã được khắc sẵn những từ ngữ mang màu sắc man rợ : lòng thù hận. Các cuộc chiến tranh bộ tộc cứ tiếp tục diễn ra trên khắp mặt đất. Còn ta, thì vẫn mang sổ nhân duyên với chỉ thắm đi hết châu lục này đến châu lục khác. Nhân danh thần tình yêu, ta vẫn khuyên con người hãy rời bỏ cái thế giới man rợ ấy đi. Nhưng dường như loài người chẳng nghe thấy lời ta. Các cuộc chiến cục bộ giữa các bộ tộc, giữa các dân tộc, đã chuyển sang cuộc chiến toàn thế giới. A, lẽ ra là loài người các anh đừng làm ra ta. Đám súng đạn, sau khi làm xong công việc giết người, thì quay sang cười cợt với con người. Ta sốt ruột nói với loài người, rằng nếu đã lỡ làm ra súng đạn, thì cứ để mặc chúng rỉ sét. Nhưng cuối cùng chỉ có sổ nhân duyên với chỉ thắm của ta là loài người để rỉ sét trong kho huyền thoại, còn súng đạn thì trở thành hàng hoá gần sánh ngang cơm gạo. Ta không biết là ngày nay lũ thú trên rừng có muốn chia nhỏ bầy đàn của mình hay không. Nhưng loài người các người thì ta thấy dường như là muốn đi ngược lại tiến trình tiến hoá của mình. Nếu không phải là lòng thù hận thì cái gì đã khiến cho con người không còn muốn sống chung trong bầy đàn cũ? Con người đang hô hoán lên khắp nơi rằng mình đang toàn cầu hoá. Nhưng máu lại đang chảy rất nhiều trong các cuộc chiến nhằm để chia tách một quốc gia cũ ra thành nhiều quốc gia mới. Con người đương tự hào với nhau rằng mình đương củng cố ngôi nhà chung của mình trên mặt đất. Nhưng ta nghe dường như đây là thời mà một tay đại bịp cũng muốn dựng tượng đài riêng cho mình? Dường như đây là thời trăm nhà đua tiếng, kẻ đê hèn cũng có thể nói được lời cao cả?

Hoá ra trí tưởng tượng của tôi đã cứu tôi thoát khỏi cơn sợ hãi.

Khi mặt trời ửng sáng ở phương đông thì rừng cây có vẻ dữ tợn trong đêm bỗng trở nên thân thiết với tôi. Có vẻ như vẻ đẹp hùng vĩ của tự nhiên là để bổ sung cho câu chuyện gặp gỡ kỳ thú trong trí tưởng tượng của tôi ở trong đêm, cuộc gặp gỡ vị thần chuyên rao giảng lòng yêu thương.

 

[còn tiếp]

 

_________
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Nguyễn Thanh Hiện [1. Những Tháng Năm Nghiệt Ngã - 2. Trở Lại Xương Quơn (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2007) - 3. Vật Gia Bảo Của Một Dòng Họ - 4. Bên Này Trần Gian - 5. Người Đánh Cắp Sự Thật (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2008) - 6. Một Cách Nói Khác Của Niềm Khao Khát - 7. Rốt Cuộc Thì Bọn Họ Là Ai?], sách gồm 38 chương, chưa nhà xuất bản nào in.

 

 

Đã đăng:

... Mặt đất này thì rộng lớn, và con sông nào cũng có chỗ bắt đầu của nó, mà các người đi tìm nguồn con sông nào? Ông hỏi. Tôi nói là con sông chảy qua quê nàng. Con sông quê của người mình yêu. Ông quảng diễn thêm câu nói của tôi. Rồi bảo hai chúng tôi có vẻ khăng khít nhau thế còn đi tìm nguồn con sông đó chi nữa. Tôi nói đó là bí mật của tình yêu. Hoá ra không phải chỉ tôi với nàng mới có bí mật của tình yêu. Đêm đó, nơi căn nhà lá ở giữa rừng, người coi rừng đã nói cho chúng tôi biết ông cũng có một bí mật của tình yêu... (...)
 
... Rằng từ khi loài người biết truyền những ý nghĩ cho nhau bằng máy móc thì thần không còn trực tiếp cai quản núi rừng, nhưng không phải là không để mắt đến chuyện con người, rằng trong cuộc chuyển lưu lớn lao của vạn hữu thì không phải hễ là thần thì nhìn thấy được sự thật của mọi sự, rằng ngày xưa, ngay chính bản thân vũ trụ cũng chưa biết mình do đâu mà có, thì lớp cha ông của thần quả đã cho rằng hễ là thần thì biết hết mọi sự, từ đó mới có chuyện toàn trị của các vị thần... (...)
 
... Xin chào bác homo sapiens! Đám đồng bào của ta nơi mặt đất đã bớt lạnh lẽo gọi ta là bác homo sapiens. Là homo sapiens, hay không là homo sapiens, thì có hệ trọng gì đâu. Bởi điều đáng nói là ta đã vượt qua cuộc thử thách lớn nhất trong trời đất, cuộc thử thách diễn ra hằng triệu triệu năm, để được thiên hạ trong trời đất gọi ta là con người... (...)
 
... Có cái gì là chẳng ngoi lên từ cõi hỗn mang? Một vùng trời đất âm thầm, từ đấy ngân vang những giai điệu nguyên sơ. Sáng tỏ và u uẩn. Ôm ấp và cô đơn. Mở và khép. Gặp lại và chia xa... Buổi ban đầu ấy là một cuộc lưu luyến kỳ cục giữa ngẫu nhiên và tất yếu. Ai đã ngang qua đất trời lãm thuý?... (...)
 
... Lại hỏi về cây thong dong. Thưa, có bao giờ thấy mặt trời mặt trăng vội vã đâu, nếu là biển, thì sáng tinh mơ, mặt trời trườn đi trên nước, nếu là bầu trời đêm có nhiều mây, thì mặt trăng ẩn hiện ở trong mây, cái cách như thế của mặt trời mặt trăng thì gọi là thong dong... (...)
 
Mùa thu năm ấy chúng tôi ngược về thượng nguồn một nhánh sông của con sông quê nàng. Và bị cầm chân ở ngôi làng ấy. Khoa học hiện đại dù đã phát hiện được bao nhiêu là luật lệ của trời đất, nhưng những con người ở ngôi làng ấy vẫn khăng khăng vị thần làng của mình là thần của tất cả các thần, là tổ thần, không có vị này thì không có người làng và cũng không có cả loài người... (...)
 
Quả tình mùa thu ở đây vàng một nỗi ám ảnh. Ám ảnh bởi một thứ quá khứ đã được tinh kết thành thứ từ vựng tinh tế, kiêu sa, và không phải cứ nghe thấy là hiểu. Ám ảnh bởi một thứ hiện tại được biểu lộ trong một diện mạo có vẻ minh bạch, nhưng không dễ gì cứ trông thấy là hiểu. Đúng là tôi với nàng không dễ gì rời khỏi một nơi chốn như thế... (...)
 
... Một người đàn ông nằm trên mặt đất, chắc là đã chết, trước mặt có con bò rừng đứng trong tư thế kỳ lạ, như đang sắp ngã xuống, ruột gan tràn ra bên ngoài, bên sườn có cắm một ngọn lao. Đó là nội dung một phiên bản tranh hang động thời tiền sử treo ở nhà vị trưởng tế... (...)
 
... Hãy nói cho tôi nghe là ngài căn cứ vào đâu để bảo đó là sự thật? Một văn bản bằng giấy ư? Hay một văn bản bằng đá? Mà chép trên giấy, hay trên đá, thì đều là ngôn ngữ của con người, ai dám bảo với ngài rằng ngôn ngữ ấy thuật lại đúng sự kiện đó, xin ngài hãy nhớ cho, khi ngài tham gia vào việc nói về sự kiện đó thì nó không còn là nó, mà sẽ hiện ra theo cái cách của ngài nói về nó... (...)
 
... Khi kể ra những sự tích đó, người làng muốn nói với chúng tôi, mà họ vẫn đinh ninh là những nhà báo của chính phủ, rằng cái gò hoang là bản gia phả chung của các dòng họ trong làng, rằng những thế kỷ đã trôi qua, các dòng họ đó vẫn giữ gìn bản gia phả đó như giữ gìn dòng máu tộc họ của mình... (...)
 
... Các vị đại diện nhà nước bắt đầu thay nhau nói, rằng cái gò hoang không phải là nghĩa địa, nghĩa địa sao lại không có mồ mả, mà chỉ là nghe kể lại rằng tổ tiên của dân làng đã chôn ở đó, nên việc yên nghỉ đó cũng chỉ là khái niệm, cũng như nói cái gò đó là gia phả chung của các dòng họ thì cũng là khái niệm, nói gọn lại, dẫu cái gò hoang đó không còn thì những khái niệm kia vẫn còn. Nhưng về chỗ này thì đám dân làng không dễ gì mủi lòng để các vị đại diện nhà nước biến mồ mả tổ tiên thành những khái niệm... (...)
 
... Ta phải nói thế nào với các người đây? Sự cư trú của con người trên mặt đất này thì có vẻ ngẫu nhiên. Chẳng ai muốn chọn những nơi nghèo nàn như ngôi làng ấy để sống. Mà chuyện ngẫu nhiên như thế xảy ra khắp nơi trên mặt đất này. Và bằng trí tuệ của mình, con người đã vượt qua được biết bao cái ngẫu nhiên để làm nên những cuộc đổi thay có tên là những nền văn minh nhân loại... (...)
 
... Nhưng nàng bảo để có nền văn minh đương đại, các nhà khoa học đã phải cống hiến cho nhân loại cả tinh thần lẫn thể xác của họ. Việc làm cái nhà máy thuỷ điện là thừa hưởng thành quả của văn minh đương đại, nhưng người chỉ huy công việc làm này lại nói về nền văn minh này theo ngôn ngữ của loài chim là điều chẳng thể chấp nhận. Bởi trong mối quan hệ giữa các loài trong hiện tại thì chỉ có loài người nói về loài chim, chứ không thể có chuyện loài chim nói về loài người... (...)
 
... Chúng tôi lại lặng đi trong giây lát. Trí tuệ con người lớn lao biết bao mà cũng nhỏ nhoi biết bao trước vẻ kỳ bí của tự nhiên. Nàng nói. Và khẽ rùng mình. Tôi cũng khẽ rùng mình... (...)
 
... Đây là thời hết thảy các chính phủ trên mặt đất này mở miệng là nói phải làm giàu đất nước, là thời mà sự giàu có được coi như niềm đam mê mới mẻ nhất trong việc trị nước của các vị nguyên thủ của hầu hết các quốc gia hiện đang có mặt trên bản đồ thế giới, là thời mà việc xuất nhập khẩu hàng hoá của một quốc gia được coi như chìa khoá mở cửa vào cõi giàu có, bởi từ cân đường cân thịt cho đến tri thức của con người đều được xem là hàng hoá... (...)
 
... Nàng hỏi có phải anh ta đang nói đến ảo ảnh cuộc đời hay không? Anh ta bảo con người là sinh vật duy nhất biết có ngày mai, trong cái gọi là ngày mai thì có cái chết, biết là chết mà vẫn cố tạo ra bao nhiêu chuyện để hướng tới gọi là tương lai, nếu như cái ảo ảnh ấy không phải là vĩnh hằng, tức chết trước cái chết, thì loài người đã treo cổ chết cả từ lâu... (...)
 
... Em chết mất. Nàng chỉ kịp nói thế. Và bị dòng nước cuốn phăng đi. Dốc hết cả sức lực, tôi lao theo nàng. Bấy giờ thì tôi nhìn thấy quá rõ cái tương lai chẳng mấy tốt đẹp của chúng tôi. Nên đã đi đến quyết định có chết là phải chết cùng nàng. Nhưng rồi tôi cũng chẳng thể thực hiện được cái quyết định đó. Bởi con nước đã đẩy tôi dạt vào bờ. Có nghĩa là không chết. Còn nàng thì chẳng hiểu là con nước cuốn về đâu... (...)

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021