thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT [chương XXXII]

 

 

ba mươi hai.

NGƯỜI HÁT RONG

 

Sáng ra mới biết ngôi đình làng chúng tôi nghỉ qua đêm là nằm ngay đầu con đường vào làng. Từ trong xóm nhà vang lên tiếng quát tháo của người lớn, tiếng khóc của trẻ thơ, tiếng chó sủa, heo kêu... Vậy mà khi đêm thì dường như mọi thứ đều biến khỏi mặt đất. Còn điều bất ngờ này nữa. Đình làng, nhưng chẳng có vẻ gì là đình làng. Không hoành phi, liễn đối. Không cột khắc, kèo chạm. Nơi bàn thờ thần chỉ chơ vơ mỗi chiếc lư đồng, còn đèn nhang thì vung vãi khắp mặt bàn, như chuyện nhang khói là chẳng hề có ở đây. Dường như ngôi nhà được làm ra cho con người, chứ chẳng phải cho thần? Nàng nói với giọng hoài nghi, trong lúc tôi chỉ im lặng nghĩ ngợi. Chẳng giống những đình làng chúng tôi đã biết. Nhưng chẳng thể nói đây chẳng phải đình làng. Bởi theo lời kể của thần làng, lúc triết học của loài người chuyển sang một khúc quanh mới, thì người làng này đã dựng lại ngôi đình này. Rồi ta sẽ kể cho các người nghe! Chẳng phải là thần làng quay lại với chúng tôi đâu. Một ông lão, có vẻ là khách đi đường, đã tạt vào đình làng, vừa ngâm nga, vừa nói với chúng tôi thế. Chắc ông cũng từ nơi xa mới đến? Nàng hỏi như để làm quen. Ta đi từ những cuốn sách cổ xưa, những con chữ, phong trần, cổ lục... Ông lão lại ngâm nga. Là kẻ hát rong của thời hiện đại ư? Nàng rỉ tai tôi. Giọng hát của ông lão như có sức khiến cho người nghe lập tức bị khuất phục. Sau này, nàng đã nói lại với tôi, rằng lúc bấy giờ, cũng như tôi, nàng lập tức nghĩ rằng, cũng giống với những người hát rong thời tiền-Homer, bọn họ, những người hát rong thuở ấy hát về sự tồn tại của các vị thần đã được chép vào thần phả, còn ông lão thì hát về cái thế kỷ chúng tôi đang sống. Cũng như tôi, lúc bấy giờ nàng cũng cho rằng ông lão chẳng phải là kẻ bình thường. Có thể nói thế này, được không, thưa tiên sinh, những cuốn sách cổ xưa, những năm tháng, và nỗi buồn của những đêm trăng khuyết? Lúc bấy giờ nàng nói như để bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình mà cũng như để cho ông lão hiểu rằng chúng tôi đã hiểu ra ông đang muốn nói với đương đại một điều gì đấy. Quả bấy giờ chúng tôi đoán không lầm. Giữa cái thế kỷ thông tin đa phương tiện, một người ở phía bên này nói để một người ở phía bên kia mặt đất nghe, thì lại có một ông lão, đôi chân có vẻ không còn vững lắm, nhưng giọng nói thì như được sự mặc khải của trời đất, đi bằng đôi chân không còn vững lắm, để đến cái ngôi làng mà ban đêm thì như biến khỏi mặt đất ấy, để nói về những điều gì đó, có vẻ như là nỗi buồn của thề kỷ.

... Ta đi từ những cuốn sách cổ xưa, năm tháng như một đứa bé chạy vòng quanh ngọn núi lớn, những địa chỉ, những toạ độ, được khắc ghi thành những dấu tích, nhặt một viên sỏi khẽ lên vách đá, lần lữa thấy rong rêu, hoá ra năm tháng với rong rêu là sinh ra từ dấu tích, ta cũng chẳng rõ là ngẫu nhiên hay tất nhiên khi núi nằm chỗ cao hơn biển, và con sông nào thì cũng đổ ra biển, là ngẫu nhiên hay tất nhiên, là một ngày trước đấy, hay một thế kỷ, một thiên niên kỷ trước đấy, con nai con lạc mẹ cũng ngã xuống nơi con suối ấy, ngẫu nhiên với tất nhiên hoá ra là sinh ra từ dấu tích, có sắp bày và chẳng có sắp bày, ta cũng chẳng biết có phải là ta cũng ra đi từ dấu tích, vào những hôm mải mê ngắm những thành quách nguy nga tráng lệ, ta chợt hiểu ra sự huy hoàng, phần vô tích vô hình của dấu tích, là được làm bằng những lời lẽ cao sang tuyển lựa từ mớ ngôn ngữ hỗn độn của con người, còn độ dài bền chắc của gạch đá trường thành là được tính bằng máu xương, vào những lúc mải mê như thế ta đã hiểu ra niềm tự hào của nghìn năm sau là được làm bằng những tham muốn, những trầm uất, những kinh hãi của nghìn năm trước, ta cứ ngắm mãi những vật thể cao sang, dù là trên giấy, trên đất, hay trên đá, thân thể cường tráng của một bậc quân vương, hay dinh lũy uy nghi của một triều đại, ta cứ ngắm mãi chúng bằng thứ vật thể đang lưu chảy trong ta, cũng là lưu chảy trong những kẻ tạo tác của nghìn năm trước, và chợt hiểu ra năm tháng đã luôn bày ra những cuộc cãi cọ giữa tiếng khóc và nụ cười, vào những hôm mải mê nghĩ về tiếng nói của muôn sinh, ta cứ thấy rối tung lên nhũng ý nghĩ kỳ dị tựa hồ những thế lực ám muội nào đó đã xâm nhập vào ta, tại sao con chim lại không nói được tiếng người, tại sao con người lại không nói được tiếng cá, ta gần như hụt hơi vì những câu hỏi như thế cứ nối đuôi nhau, từ ngày này sang ngày khác, từ đêm này sang đêm khác, có những đêm ta quyết không thèm nghĩ nữa, để ngủ, và chúng, cái đám câu hỏi bất tận ấy đã cơ cấu lại thành những giấc mơ, tại sao con cá lại không nói được tiếng cóc ếch nhái, và cái giấc mơ ấy lại cơ cấu lại ta, biến ta thành kẻ ăn nói lung tung, trong thứ giấc mơ có cóc ếch nhái, trong thứ giấc mơ giữa lúc đang thức ấy, ta đã đề ra những thuyết lý có hình thù của những cái bong bóng mưa, có nghĩa, vừa buột nghĩ, đã thấy sụp đổ tan tành, con người thuở đầu nói bằng tiếng của cóc ếch nhái, nhưng tiếng cóc ếch nhái thì chẳng thể diễn đạt những giả dối, bèn chuyển sang nói tiếng nói của giun dế, nhưng tiếng giun dế thì chỉ để mô tả những cay đắng lầm than, mà con người lại cần sự chiến thắng, phải bước qua xác những kẻ khác, nên phải chuyển sang nói tiếng của cọp, nhưng tiếng con cọp chẳng thể nói ra trong những phút yêu đương, nên con người phải chuyển qua nói tiếng nói của chim, tự thuở ban đầu con người nói được tiếng của muôn loài, chẳng có thứ tiếng nói nào mà con người chẳng nói được, nhưng chẳng có thứ tiếng nào là hợp với cái giống vật sở hữu lung tung thứ trên đời, cho nên trời đất, hay quỉ thần, hay là mặt trời mặt trăng, ai mà biết, mới đem chia ra, đem khoanh ra, và ban cho mỗi một nơi một thứ giọng nói, để tካ đó con người có thể ca ngợi nhau đến mực nào cũng được, chửi bới nhau đến mực nào cũng được, vào những hôm cái giấc mơ có cóc ếch nhái cơ cấu lại ta thì ta cứ có cảm tưởng là ta đang nói bằng tiếng của cóc ếch nhái, bởi ta sắp sửa nói ra một lời chân thành nào đó thì cứ nghe từ trong cổ họng mình phát ra những âm thanh tựa hồ tiếng của cóc ếch nhái, vào những hôm như thế, những hôm có cảm tưởng mình đang nói tiếng của cóc ếch nhái thì ta lại hứng thú trở lại với những dấu tích, bậc quân vương nào vừa bước ra từ trang sách cổ xưa, các người nghe đây, kẻ nào không theo ta là đồng đảng của lũ giết người, trang trước là lời hiệu triệu chống giết người của một bậc quân vương, trang sau là tiếng hô tiến quân, cuộc chống giết người đã được tiến hành trên khắp mặt đất, trang tiếp theo sau là lời chú của ai đó, chắc chẳng phải của một nhà chép sách quen tay, chữ nghĩa run rẩy tựa hồ như ai đó đã viết ra trong cơn giận dữ : khi con người kêu gọi chống giết người là khi con người sắp làm cuộc tiến quân giết người, hoá ra giết người với chống giết người là đều sinh ra từ dấu tích, tại sao là thế, những câu hỏi như thế là vẫn cứ vang lên thành dấu tích, tại sao con người hiểu được cả lịch sử của loài giống mình, hiểu được cả lịch sử của cái vũ trụ mình đang sống trong đó, nhưng lại chẳng hiểu về nhau, hay chưa chịu hiểu về nhau...

Câu trả lời cho những câu hỏi như thế là dường như còn bỏ ngỏ, thưa tiên sinh. Nếu nàng không xen vào nói thì chẳng biết đến lúc nào ông lão mới ngừng hát. Có thể nói thế này không, thưa ông, có một người ra đi từ thời mông muội, cứ hát mãi hát mãi qua tháng năm, và chợt thấy mình bơ vơ giữa buổi văn minh chói lọi. Tôi không gọi ông lão bằng tiên sinh như nàng. Và coi cuộc hát của ông là một cuộc ra đi. Cái cách không tỏ ra mình đang vui khi có người hiểu mình là cách của một bậc cao thủ trong cuộc nhân sinh. Tôi thầm quả quyết đấy là một nhà hiền triết của thời hiện đại. Nhưng có phải là ông cũng cảm thấy là chúng tôi đang bơ vơ hay không? Tôi bắt đầu khai thác nhà hiền triết. Ông lão cũng đơn giản như chúng tôi. Hành trang cũng chỉ có mỗi túi vải trên vai. (Xin nhắc lại, chỉ trừ lúc ngủ, còn lúc nào thì trên vai tôi và trên vai nàng cũng sẵn sàng chiếc túi hành trang.) Từ lúc bước vào đình làng ông lão vẫn đứng, đến lúc ấy, lúc ngừng hát, ông mới ngồi xuống chiếc ghế gỗ cạnh đấy, và cũng chẳng buồn tháo túi vải khỏi vai. Khi đã bơ vơ thì một người cũng bơ vơ, mà trăm người nghìn người cũng bơ vơ. Ông lão nói. Thì ra đây là một nhà hiền triết cởi mở. Tôi nghĩ. Nhưng có phải là tiên sinh đang hát về nỗi bơ vơ của mình hay không? Nàng hỏi. Trước là thế, còn giờ thì ta hát cho cái đám cưới lớn nhất đang diễn ra trên mặt đất này. Ông lão đáp. Lúc đầu tôi cứ nghĩ ông lão muốn nói đến xu thế mới của loài người đương đại, xu thế kết hợp. Có nghĩa là bây giờ ông không còn thấy bơ bơ, bởi con người trên mặt đất này đang muốn làm một cuộc kết hợp mới, một cuộc toàn cầu hoá? Tôi nói. Ông lão liền đính chính cách hiểu của tôi: Ta hát là hát cho cuộc hôn nhân đang diễn ra giữa văn minh và man rợ. Phải nói bấy giờ cả tôi lẫn nàng phải gắng lắm mới dấu được niềm kinh ngạc. Thưa, văn minh nào và man rợ nào? Nàng hỏi. Ông lão chợt đứng lên. Khi ta hát thì các người sẽ làm người nghe hát. Ông nói. Và ra hiệu cho tôi với nàng hãy theo ông. Chúng tôi liền nối gót theo ông lão. Khi ra tới sân đình làng, ông lại dừng lại, nhìn vào bên trong, làm như thể đang quên điều gì đó, mà theo tôi thấy thì cả ông lẫn chúng tôi chẳng có gì để quên. Vậy mà ông đã thấy là mình đã quên. Chớ để vị thần làng của làng này nghĩ chúng ta là những kẻ không nhân nghĩa. Ông lão giảng giải việc chúng tôi quay trở vào đốt nhang nơi bàn thờ thần như là cách chào hỏi để ra đi. Cho đến lúc ấy chúng tôi mới quả quyết đấy là đình làng. Nhưng tiên sinh có nghĩ giữa vị thần làng với dân làng là có chuyện lủng củng nào đó hay không? Nàng đã nói ra niềm băn khoăn ám ảnh chúng tôi ngay tự lúc phát hiện ra cảnh nhang tàn khói lạnh ở một ngôi đình làng. Con người lắm lúc cảm thấy mệt mỏi vì trên đầu mình có quá nhiều thế lực vô hình. Ông lão nói. Và bảo tôi với nàng hãy cùng ông vào làng một chuyến cho biết.

 

[còn tiếp]

 

_________
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Nguyễn Thanh Hiện [1. Những Tháng Năm Nghiệt Ngã - 2. Trở Lại Xương Quơn (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2007) - 3. Vật Gia Bảo Của Một Dòng Họ - 4. Bên Này Trần Gian - 5. Người Đánh Cắp Sự Thật (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2008) - 6. Một Cách Nói Khác Của Niềm Khao Khát - 7. Rốt Cuộc Thì Bọn Họ Là Ai?], sách gồm 38 chương, chưa nhà xuất bản nào in.

 

 

Đã đăng:

... Mặt đất này thì rộng lớn, và con sông nào cũng có chỗ bắt đầu của nó, mà các người đi tìm nguồn con sông nào? Ông hỏi. Tôi nói là con sông chảy qua quê nàng. Con sông quê của người mình yêu. Ông quảng diễn thêm câu nói của tôi. Rồi bảo hai chúng tôi có vẻ khăng khít nhau thế còn đi tìm nguồn con sông đó chi nữa. Tôi nói đó là bí mật của tình yêu. Hoá ra không phải chỉ tôi với nàng mới có bí mật của tình yêu. Đêm đó, nơi căn nhà lá ở giữa rừng, người coi rừng đã nói cho chúng tôi biết ông cũng có một bí mật của tình yêu... (...)
 
... Rằng từ khi loài người biết truyền những ý nghĩ cho nhau bằng máy móc thì thần không còn trực tiếp cai quản núi rừng, nhưng không phải là không để mắt đến chuyện con người, rằng trong cuộc chuyển lưu lớn lao của vạn hữu thì không phải hễ là thần thì nhìn thấy được sự thật của mọi sự, rằng ngày xưa, ngay chính bản thân vũ trụ cũng chưa biết mình do đâu mà có, thì lớp cha ông của thần quả đã cho rằng hễ là thần thì biết hết mọi sự, từ đó mới có chuyện toàn trị của các vị thần... (...)
 
... Xin chào bác homo sapiens! Đám đồng bào của ta nơi mặt đất đã bớt lạnh lẽo gọi ta là bác homo sapiens. Là homo sapiens, hay không là homo sapiens, thì có hệ trọng gì đâu. Bởi điều đáng nói là ta đã vượt qua cuộc thử thách lớn nhất trong trời đất, cuộc thử thách diễn ra hằng triệu triệu năm, để được thiên hạ trong trời đất gọi ta là con người... (...)
 
... Có cái gì là chẳng ngoi lên từ cõi hỗn mang? Một vùng trời đất âm thầm, từ đấy ngân vang những giai điệu nguyên sơ. Sáng tỏ và u uẩn. Ôm ấp và cô đơn. Mở và khép. Gặp lại và chia xa... Buổi ban đầu ấy là một cuộc lưu luyến kỳ cục giữa ngẫu nhiên và tất yếu. Ai đã ngang qua đất trời lãm thuý?... (...)
 
... Lại hỏi về cây thong dong. Thưa, có bao giờ thấy mặt trời mặt trăng vội vã đâu, nếu là biển, thì sáng tinh mơ, mặt trời trườn đi trên nước, nếu là bầu trời đêm có nhiều mây, thì mặt trăng ẩn hiện ở trong mây, cái cách như thế của mặt trời mặt trăng thì gọi là thong dong... (...)
 
Mùa thu năm ấy chúng tôi ngược về thượng nguồn một nhánh sông của con sông quê nàng. Và bị cầm chân ở ngôi làng ấy. Khoa học hiện đại dù đã phát hiện được bao nhiêu là luật lệ của trời đất, nhưng những con người ở ngôi làng ấy vẫn khăng khăng vị thần làng của mình là thần của tất cả các thần, là tổ thần, không có vị này thì không có người làng và cũng không có cả loài người... (...)
 
Quả tình mùa thu ở đây vàng một nỗi ám ảnh. Ám ảnh bởi một thứ quá khứ đã được tinh kết thành thứ từ vựng tinh tế, kiêu sa, và không phải cứ nghe thấy là hiểu. Ám ảnh bởi một thứ hiện tại được biểu lộ trong một diện mạo có vẻ minh bạch, nhưng không dễ gì cứ trông thấy là hiểu. Đúng là tôi với nàng không dễ gì rời khỏi một nơi chốn như thế... (...)
 
... Một người đàn ông nằm trên mặt đất, chắc là đã chết, trước mặt có con bò rừng đứng trong tư thế kỳ lạ, như đang sắp ngã xuống, ruột gan tràn ra bên ngoài, bên sườn có cắm một ngọn lao. Đó là nội dung một phiên bản tranh hang động thời tiền sử treo ở nhà vị trưởng tế... (...)
 
... Hãy nói cho tôi nghe là ngài căn cứ vào đâu để bảo đó là sự thật? Một văn bản bằng giấy ư? Hay một văn bản bằng đá? Mà chép trên giấy, hay trên đá, thì đều là ngôn ngữ của con người, ai dám bảo với ngài rằng ngôn ngữ ấy thuật lại đúng sự kiện đó, xin ngài hãy nhớ cho, khi ngài tham gia vào việc nói về sự kiện đó thì nó không còn là nó, mà sẽ hiện ra theo cái cách của ngài nói về nó... (...)
 
... Khi kể ra những sự tích đó, người làng muốn nói với chúng tôi, mà họ vẫn đinh ninh là những nhà báo của chính phủ, rằng cái gò hoang là bản gia phả chung của các dòng họ trong làng, rằng những thế kỷ đã trôi qua, các dòng họ đó vẫn giữ gìn bản gia phả đó như giữ gìn dòng máu tộc họ của mình... (...)
 
... Các vị đại diện nhà nước bắt đầu thay nhau nói, rằng cái gò hoang không phải là nghĩa địa, nghĩa địa sao lại không có mồ mả, mà chỉ là nghe kể lại rằng tổ tiên của dân làng đã chôn ở đó, nên việc yên nghỉ đó cũng chỉ là khái niệm, cũng như nói cái gò đó là gia phả chung của các dòng họ thì cũng là khái niệm, nói gọn lại, dẫu cái gò hoang đó không còn thì những khái niệm kia vẫn còn. Nhưng về chỗ này thì đám dân làng không dễ gì mủi lòng để các vị đại diện nhà nước biến mồ mả tổ tiên thành những khái niệm... (...)
 
... Ta phải nói thế nào với các người đây? Sự cư trú của con người trên mặt đất này thì có vẻ ngẫu nhiên. Chẳng ai muốn chọn những nơi nghèo nàn như ngôi làng ấy để sống. Mà chuyện ngẫu nhiên như thế xảy ra khắp nơi trên mặt đất này. Và bằng trí tuệ của mình, con người đã vượt qua được biết bao cái ngẫu nhiên để làm nên những cuộc đổi thay có tên là những nền văn minh nhân loại... (...)
 
... Nhưng nàng bảo để có nền văn minh đương đại, các nhà khoa học đã phải cống hiến cho nhân loại cả tinh thần lẫn thể xác của họ. Việc làm cái nhà máy thuỷ điện là thừa hưởng thành quả của văn minh đương đại, nhưng người chỉ huy công việc làm này lại nói về nền văn minh này theo ngôn ngữ của loài chim là điều chẳng thể chấp nhận. Bởi trong mối quan hệ giữa các loài trong hiện tại thì chỉ có loài người nói về loài chim, chứ không thể có chuyện loài chim nói về loài người... (...)
 
... Chúng tôi lại lặng đi trong giây lát. Trí tuệ con người lớn lao biết bao mà cũng nhỏ nhoi biết bao trước vẻ kỳ bí của tự nhiên. Nàng nói. Và khẽ rùng mình. Tôi cũng khẽ rùng mình... (...)
 
... Đây là thời hết thảy các chính phủ trên mặt đất này mở miệng là nói phải làm giàu đất nước, là thời mà sự giàu có được coi như niềm đam mê mới mẻ nhất trong việc trị nước của các vị nguyên thủ của hầu hết các quốc gia hiện đang có mặt trên bản đồ thế giới, là thời mà việc xuất nhập khẩu hàng hoá của một quốc gia được coi như chìa khoá mở cửa vào cõi giàu có, bởi từ cân đường cân thịt cho đến tri thức của con người đều được xem là hàng hoá... (...)
 
... Nàng hỏi có phải anh ta đang nói đến ảo ảnh cuộc đời hay không? Anh ta bảo con người là sinh vật duy nhất biết có ngày mai, trong cái gọi là ngày mai thì có cái chết, biết là chết mà vẫn cố tạo ra bao nhiêu chuyện để hướng tới gọi là tương lai, nếu như cái ảo ảnh ấy không phải là vĩnh hằng, tức chết trước cái chết, thì loài người đã treo cổ chết cả từ lâu... (...)
 
... Em chết mất. Nàng chỉ kịp nói thế. Và bị dòng nước cuốn phăng đi. Dốc hết cả sức lực, tôi lao theo nàng. Bấy giờ thì tôi nhìn thấy quá rõ cái tương lai chẳng mấy tốt đẹp của chúng tôi. Nên đã đi đến quyết định có chết là phải chết cùng nàng. Nhưng rồi tôi cũng chẳng thể thực hiện được cái quyết định đó. Bởi con nước đã đẩy tôi dạt vào bờ. Có nghĩa là không chết. Còn nàng thì chẳng hiểu là con nước cuốn về đâu... (...)
 
... Con người đang hô hoán lên khắp nơi rằng mình đang toàn cầu hoá. Nhưng máu lại đang chảy rất nhiều trong các cuộc chiến nhằm để chia tách một quốc gia cũ ra thành nhiều quốc gia mới. Con người đương tự hào với nhau rằng mình đương củng cố ngôi nhà chung của mình trên mặt đất. Nhưng ta nghe dường như đây là thời mà một tay đại bịp cũng muốn dựng tượng đài riêng cho mình? Dường như đây là thời trăm nhà đua tiếng, kẻ đê hèn cũng có thể nói được lời cao cả?... (...)
 
... Thời mà cha ông bọn này chỉ ăn củ mài để sống có phải là thời thần thánh nhập vô các vị vua quan, khiến các vị chỉ lo chuyện bòn rút của dân mà không lo việc cơm áo cho dân? Tôi với nàng đã điên đầu với những câu hỏi như thế. Có vẻ như khi vây hỏi chúng tôi về nỗi bất hạnh, bọn họ đã từ cảnh trí siêu hình tụt xuống cảnh trí trần thế? ... (...)
 
... Vào một ngày có lũ khỉ đùa giỡn trên cây còn lũ chim bồ chao thì làm như núi rừng là của chúng, một người đàn ông và một người đàn bà ngồi ở nơi gộp đá ấy nhìn trời đất đang chìm trong hoang dã. Làng xóm của ta là ở đây. Người đàn ông nói. Người đàn bà lấy một viên sỏi cuội vạch lên gọp đá như viết lên một lời thề... (...)
 
... Trên các dòng sông ta đi lại đã bắt đầu nghe thấy mùi máu. Máu của các cuộc thể nghiệm về các cuộc cãi vã. Lịch sử là biên niên sử về các cuộc thể nghiệm các cuộc cãi vã. Cho đến lúc nước trên các dòng sông pha màu máu, thì ta, kẻ náu mình trên sông nước, chỉ còn biết thở dài. Thì còn biết làm sao khi các cuộc thể nghiệm đã thuộc về cách thức tồn tại của con người... (...)
 
... Các nhà thông thái có vầng trán vừa đủ để tỏ ra mình là thông thái đang rao giảng thứ thuyết lý cao siêu vốn lấy từ kinh điển của thế kỷ trước nhưng đã được sửa sang qua nhiệt tình cháy bỏng của các vị. Nếu không có nó, đám trẻ tuổi các người hỏng bét hết... Cứ sau một hồi giảng thuyết, các vị lại thét vào tai đám cử toạ trẻ tuổi thứ lửa hoả ngục chết người ấy... (...)
 
... Không bắt được con cá vượt thác, mà lại bắt được hai con người vượt thác. Chưa hiểu thác là gì, và vượt thác là sao, nhưng chỉ nghe bắt được hai con người vượt thác, thì chúng tôi đã tính đến con đường chết. Ta lại gặp đám ăn thịt người! Nàng rỉ tai tôi. Không dám thể hiện nỗi sợ hãi của mình, mà cũng chẳng muốn người yêu của mình rơi vào nỗi sợ hãi, tôi gượng cười, rồi rỉ tai nàng, bảo chớ nghĩ quấy. Thuyền đã cập bờ... (...)
 
... Giữa nghiêm túc với hài hước, em thích thứ nào hơn? Chẳng rõ bấy giờ nàng đang nghĩ gì, nhưng rồi cũng trả lời được câu hỏi nảy ra một cách ngẫu hứng từ dòng suy nghĩ hỗn tạp của tôi. Theo nàng, hài hước là nghiêm túc. Và, nghiêm túc là hài hước. Nàng đã nói ra những điều tôi đang nghĩ. Tình yêu chúng tôi bấy giờ coi như đạt tới đỉnh cao. Có nghĩa, chỉ bước thêm một bước nữa là tới chỗ vĩnh hằng... (...)
 
... Nàng bảo mọi thứ trên đời là do con người nghĩ ra, mới đầu nghĩ mặt trời quay quanh trái đất, sau lại nghĩ trái đất quay quanh mặt trời, nghĩ ra rồi, thì đi tìm chứng cứ, tìm có chứng cứ rồi, thì la toáng lên quá khứ là sai lầm, cứ thế, công cuộc chống sai lầm dường như bất tận... (...)
 
Từ những ý nghĩ về khủng long, nàng đã chuyển sang những ý nghĩ về cọp. Tiếng động kiểu ấy nhất định là tiếng chân của chúa sơn lâm. Nàng lại khẳng định. Ta hãy dừng lại để nghe kỹ thử sao? Tôi đề nghị. Và dường như từ một chỗ tăm tối nào đó trong trí nhớ của nàng, những con cọp thời thơ ấu của nàng đã lần lượt hiện ra.... (...)
 
... Một nền hoà bình cho con người không phải chỉ là không có tiếng súng, mà còn làm sao cho con người có cơm ăn áo mặc, ngay tự lúc có tổ chức nhà nước thì người ta đã nói đến những thứ đó, người đứng đầu nhà nước nào cũng nói đến những thứ đó, nhưng suốt mấy trăm nghìn năm lịch sử của loài người thì súng vẫn cứ nổ, và con người thì vẫn cứ thiếu đói. Các vị đã rõ chưa?... (...)
 
... Ngày xưa có một người con gái đủng đỉnh bước giữa cuộc đời, xin chào hạt bụi, vào một hôm nàng đang đủng đỉnh bước thì nghe có tiếng ai nói từ thinh không, xin chào thinh không, nàng liền đáp, và lập tức từ thinh không bước ra một hạt bụi... Hoá ra hạt bụi là thinh không?... (...)

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021