thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thời của những tiên tri giả [phần 2.4]

 

PHẦN HAI

4.

 

Những dấu vết của xã hội cũ được bôi xóa. Có những người sống như đã chết. Và có những kẻ đã chết vẫn sống như lũ âm binh. Cả ma và người lẫn lộn. Tất cả những gì tôi đã tạo dựng trong mấy chục năm dần dần biến mất.

Tâm bàn với tôi tìm cách vào Sài Gòn sinh sống. Dẫu sao cuộc sống ở đó cũng dễ chịu hơn. Tôi nói:

- Để má viết thư cho anh Lâm con xem sao.

Lâm trả lời tôi là cứ đưa gia đình vào, tuy nhiên phải tìm được nhà. Lại một lần nữa tôi thất vọng về Lâm. Nó được nhà nước giao cho nguyên một căn biệt thự của một gia đình đã bỏ đi Mỹ, nhưng nó từ chối chứa chấp mẹ và cưu mang các em. Cảm thấy không cần bất cứ một lời giải thích nào, tôi viết một lá thư khác cho ông Phát nhờ tìm giúp một căn nhà nhỏ. Ông Phát sốt sắng nói có thể thu xếp cho gia đình tôi ở tạm một căn nhà do ông cấn nợ được.

Ba mẹ con tôi xin giấy phép đi đường vào Sài Gòn với lý do thăm Lâm, Châu ở lại không chỉ vì bị quản thúc tại địa phương mà chính vì muốn sống với Lan. Tôi cảm thấy buồn như thể mình bị xé rách ra.

Bây giờ thì tôi rời xa Kon Tum thật. Chúng tôi phải xếp hàng chờ mất hai ngày mới mua được vé xe mà cảm giác đi trốn không thể nào loãng đi được, nó đặc quánh trong người tôi đến nỗi mọi xúc cảm đều khô cạn. Tâm và Thư chẳng dám từ biệt ai. Phía trước chúng tôi mờ mịt quá. Tôi như mất tất cả. Cuộc sống bắt đầu lại khi tôi không còn bất cứ một khả năng nào, có nghĩa là từ đây tôi sẽ phải lệ thuộc hoàn toàn vào con cái. Nhưng tôi tin ở Tâm cũng như Thư, chúng ngoan ngoãn và biết chia sẻ.

Sự náo nhiệt của Sài Gòn ngày nào bây giờ dồn vào một đôi chỗ. Ông Phát dành cho chúng tôi một căn nhà nhỏ vùng Phú Nhuận, đông đúc mà yên tĩnh. Ngay khi được đặt chân vào căn nhà, tôi đã có cảm giác đây sẽ là nơi tôi ở lại mãi mãi. Và tôi cảm thấy thoải mái. Tôi nói với Tâm và Thư:

- Số phận của chúng ta đã được định đoạt.

- Chúng ta ở nhờ mà. Tâm nói.

- Vẫn biết vậy. Má không ngây thơ nhưng má biết chắc rằng chúng ta đã đến và chúng ta ở lại, bằng mọi cách chúng ta ở lại. Đây là một khởi điểm tốt đẹp. Mọi khởi điểm đều tốt đẹp khi nó bắt đầu cho một sự thay đổi. Và điều kiện chủ quan làm thay đổi điều kiện khách quan.

- Má nói cứ như chính ủy. Thư cười.

- Ừ, má phải làm chính ủy thôi. Ngay ngày mai, hai đứa thay phiên nhau đi dạo qua các chợ, qua các chỗ tập trung buôn bán xem người ta sống bằng cách nào.

Mất một tuần lang thang, Thư về nói:

- Ở đâu cũng chỉ gặp một câu hỏi: “Có gì bán không chị?”.

Thời thế sản sinh ra những nghề ngỗng kỳ lạ, những con người quái đản. Và trong một cái nhìn toàn cảnh, mọi thứ giao lưu buôn bán ngoài khuôn khổ nhà nước đều bất hợp pháp và vô hình chung người ta trở thành những tội phạm. Dẫu sao thì cũng phải tìm cách tồn tại, không khó khăn lắm, Thư hòa nhập vào cái thế giới xô bồ của chợ trời. Đứng ở đường Nguyễn Huệ, Thư cũng lập lại một câu hỏi với mỗi người đi qua: “Có gì bán không chị?”. Tuy thế, Thư chỉ mua thuốc tây với sự am hiểu của mình. Ở cái thế giới vỉa hè này, có cả những dược sĩ, bác sĩ thật và cũng có cả những con người chưa bao giờ tới trường thuốc. Điều quan trọng là người ta cần biết mua như thế nào để có lời.

Một trong hai chị em cần phải có người ở nhà với mẹ, vì thế Tâm mở quán café ngay trước cửa, vốn ít không sợ thua lỗ.

Thời gian đầu, Thư còn rất ngạc nhiên không hiểu được tại sao lại có những người có nguồn hàng dường như vô tận. Nhưng quan tâm tới nguồn gốc của hàng hóa ở chợ trời là một thái độ không chính đáng. Có rất nhiều người chết vì thiếu thuốc ở nhà thương, nhưng việc buôn bán thuốc tây càng lúc càng trở nên phát đạt. Chợ trời bắt đầu sản sinh ra triệu phú.

Anh bạn hàng ốm o nhờ Thư thu gom thuốc Rimifon, số lượng không hạn chế, Thư đùa:

- Bộ định mở viện chống lao hay sao?

Hắn cười cười:

- Còn quan trọng hơn cả việc chống lao.

Thị trường đồn đãi về một loại thuốc cường dương bí truyền bán trong Chợ Lớn. Anh bạn mua Rimifon phát lên thấy rõ. Mọi người xầm xì: nó khai thác cái bản năng gốc. Một anh bác sĩ chế độ cũ bị cấm hành nghề giải thích: “Rimifon tạo ra một phản ứng phụ làm kích thích dương vật. Chính nó tình cờ phát hiện ra hiệu ứng này bằng kinh nghiệm nám phổi của mình, được thúc đẩy bởi một nỗi ám ảnh thời niên thiếu với những người đàn bà tắm bên giếng làng, nó tán nhuyễn Rimifon trộn với bột mì và mật ong đưa vào trong Chợ Lớn rồi tung tin về một loại thuốc siêu đẳng chữa bệnh yếu sinh lý”. Từ câu chuyện này, hắn được mọi người gọi là chuyên gia phục hồi bu-gi.

Không biết chuyên gia phục hồi bu-gi còn chiêu nào khác, nhưng chẳng một ai phủ nhận vai trò ông trùm của hắn. Không đứng đường nữa mà hắn ngồi quán. Những người ít vốn, những kẻ thất bại chạy cò cho hắn ăn hoa hồng. Hắn trở thành một trung tâm thu gom và phân phối thuốc tây đi khắp cả nước.

Những ngày mưa nắng ấy làm cho Thư khô đi và khuôn mặt đanh lại. Thư biết cách giữ mối của mình bằng việc cho họ địa chỉ ở nhà. Đôi khi Minh cũng giúp chở Thư đi lấy hàng như một người bạn lặng lẽ.

Từ ngày về Sài Gòn, Minh có vẻ khác. Anh mất cái vẻ tự tin vốn là một thứ truyền tinh của ông Phát. Chợ trời không thích hợp với anh, mặc dù anh vẫn phụ với cha buôn bán trên vỉa hè. Minh nói:

- Chợ trời với anh như một thứ đổ vỡ. Sự trao đổi hàng hóa ở đó hoặc là thứ ăn cắp, hoặc là đồ phá sản, nó đồi bại ngay từ bản chất. Người bán thì đau xót, người mua lại tí tửng.

- Nhưng hàng hóa chỗ anh là một thứ đặc biệt mà. Em nghĩ nó chỉ có những tương quan với pháp luật chứ không phải phẩm chất.

- Có lẽ thế. Nhưng anh vẫn không thể nào chịu nổi cái cách mà người ta xiết cổ nhau.

Thư buồn khi nghĩ đến những viên thuốc mà người ta không có nó có thể vong mạng trong nhà thương; những cái la bàn, ống nhòm và bản đồ đi biển mà những người vượt biên thiếu nó có thể vào tù hoặc trở thành mồi cho cá, món tươi sống cho bọn cướp biển giải trí.

Đối với ông Phát, vấn đề hoàn toàn khác. Con người kỳ lạ ấy sống vượt qua mọi thứ luân lý. Ông luôn tìm được cho mình một chỗ đứng thích hợp. Cả nước lên cơn sốt vượt biên? Thích thì chiều, ông trở thành đầu mối cung cấp mọi thứ cần thiết với một bề ngoài cực kỳ khiêm tốn bằng một đống chén bát cũ trên đường Lê Công Kiều. Cái dấu hiệu để người ta tìm đến ông chỉ là một cái ống nhòm Liên Xô vứt đi, nhưng muốn mua cả súng thì ông cũng có thể chỉ cho được. Tuy nhiên, con người khôn ngoan ấy đâu có đùa với lửa. Ông chỉ nhận cung cấp phụ kiện cho người đi đánh cá biển. Chiến tranh đã để lại nhiều thứ, và chiến tranh dường như đã chỉ dành riêng cho ông những cái la bàn, ống nhòm của cả Liên Xô và Mỹ. Rồi những thứ di sản ấy cũng dần dần chìm xuống biển cả. Ông Phát vào Chợ Lớn. Chẳng khó khăn gì, đất Hồng Kông của thế giới này tiếp tục cung cấp cho ông những cái la bàn giả của quân đội Mỹ. Ông làm giàu một cách âm thầm. Và bất cứ thời thế nào, ông cũng có thể làm giàu. Một người tỉnh táo đến ranh ma như ông hẳn nhiên phải tính đến hậu vận. Đã có biết bao nhiêu người vượt biên trót lọt trong đó có sự góp phần của ông. Ông nắm được một số đường dây tổ chức, nhưng chỉ đến khi vượt biên trở thành cao trào, ông mới cho các con ông đi theo diện bán chính thức của nạn kiều. Minh gặp Thư:

- Em có muốn đi không?

- Anh định đi à?

- Ừ, phải tìm đường sống chứ.

- Chứ không phải anh đang sống sao?

- Thế này mà là sống à?

- Không phải anh đang giàu sao?

- Cuộc sống đâu phải chỉ có tiền là đủ. Vả lại, biết làm ăn được tới ngày nào.

Cuộc sống dập dờn như trôi trên sóng. Người ta trôi đi. Mọi thứ đều vô định. Hỗn mang và mông muội.

- Em không muốn bỏ mẹ.

- Anh nghĩ là em cần phải đi. Em sẽ có điều kiện lo cho mẹ tốt hơn.

- Cũng có thể như thế. Nhưng em không thể xa mẹ. Em không mơ ước gì.

- Vấn đề là còn sống có phẩm cách.

- Em không nghĩ tới những chuyện ấy.

Thiên đàng địa ngục hai bên. Ai khôn thì nhờ. Ai dại thì sa... Thư nhớ tới những câu đồng dao thơ ấu, chợt cảm thấy man mác. Cuộc sống đang xóa nhòa. Ai ở thiên đàng? Ai địa ngục? Minh đi. Thư khóc. Cuộc chia tay bất nhẫn.

Tôi là kẻ lắng nghe mọi nỗi đớn đau. Bên dòng sông xa xăm, lũ lưu đày ngồi khóc. Chúng thương nhớ quê nhà. Những cây đàn treo trên cành dương liễu để cho gió ai oán. Bọn cai thầu bảo: Hãy hát lên một khúc ca cho vui nào. Nhưng hỡi quê nhà, nếu ta quên ngươi thì lưỡi ta phải bị cắt. Máu chúng ta, các ngươi cứ thay bằng rượu để điên cuồng múa may, nhưng ta thề trên đầu con cháu rằng: ta không quên ngươi, hỡi quê nhà.

 

[còn tiếp]

----------------------------

Đã đăng:

Thời của những tiên tri giả [phần 1.1]

Thời của những tiên tri giả [phần 1.2]

Thời của những tiên tri giả [phần 2.1]

Thời của những tiên tri giả [phần 2.2]

Thời của những tiên tri giả [phần 2.3]


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021