thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT [chương XXXV]

 

Đã đăng: [chương I-II] - [III-IV] - [V-VI] - [VII] - [VIII] - [IX] - [X] -[XX]

 

ba mươi lăm.

CUỘC TÔNG TIỄN MÙA ĐÔNG

 

Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm bảo nó là ngọn gió thổi lại từ mấy trăm năm trước. Bảo đấy là ngọn gió, thì cũng chỉ là một sự bất lực trong ngôn ngữ. Thứ sự kiện lịch sử kỳ dị ấy quả tình là rất khó diễn đạt thành khái niệm. Mới đầu nó xảy ra đâu tận bên tàu bên tây. Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm nói. Như thế thì đấy là gió ở ngoài thổi vào, gió ở tận đâu rất xa thổi tới. Ngôi làng nơi chúng tôi dừng lại lần ấy cũng là làng quê cày cuốc, nhưng thời nào ở trong làng cũng có người học rộng. Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm cũng là người học rộng. Nhân loại là loài giống kỳ cục, khi có ngọn gió nào mới thổi tới thì bảo là thức tỉnh, là tân dân, ra sức đón nhận, làm như ngọn gió mới ấy làm thay đổi được mọi thứ của con người, nhưng khi gió tan rồi lại thấy giật mình. Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm nói. Chúng tôi hỏi sao gió tan rồi lại thấy giật mình, thì ông chỉ im. Tôi với nàng bảo câu chuyện về ngôi làng ấy có vẻ huyễn hoặc là do mỗi thời người làng ấy lại thêm vào một chút, thành ra không còn phân biệt được trắng đen. Nhưng ông trưởng làng sắp mãn nhiệm bảo huyễn hoặc là một phía khác của cuộc sống, không có huyễn hoặc thì không sống được. Thôi thì cứ coi như lời giải đáp còn nằm trong câu chuyện lịch sử của làng. Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm bảo lúc ngọn gió ấy thổi tới làng ấy thì ông còn là viên chức của chính phủ, có tra cứu thử sách vở thì biết lúc bấy giờ trên thế giới còn có vua. Nhưng theo chỗ chúng tôi hiểu thì có vua là cả một câu chuyện dài của nhân loại. Như cách nay ba bốn nghìn năm, theo sử chép, thì đã có vua. Như thế ngọn gió ấy đã thổi lại cách nay ba bốn nghìn năm? Còn trước ba bốn nghìn năm, tức trước khi có sử, thì đã có vua chưa, mà giả như đã có vua, thì đã có ngọn gió ấy chưa, thì cũng chẳng ai biết. Còn như những nơi có vua, khi ngọn gió ấy thổi đến, thì chuyện xảy ra có giống với chuyện đã xảy ra ở ngôi làng ấy hay không? Lúc chuyện xảy ra thì chức trưởng làng là do vua cử. Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm nói. Chúng tôi hỏi căn cứ vào đâu để nói thế. Thì ông bảo là căn cứ vào văn tế lễ “tống tiễn mùa đông”. Sở dĩ chúng tôi dừng lại ở ngôi làng ấy là cũng tại cái cuộc tế lễ lạ đời ấy. Chuyện lễ tế tống tiễn mùa đông sẽ nói sau. Còn bây giờ cứ xem như lúc ngọn gió thổi tới làng ấy thì chức trưởng làng là do vua cử. Lúc còn làm ở “nông vụ viện”, tôi có đọc một số sách vở nói về những cuộc nổi dậy của người cày ruộng trên thế giới, thấy nhiều nơi cũng xảy ra chuyện giống với chuyện ở làng này. Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm nói. (Nông vụ viện là cơ quan của chính phủ.G ọi ông trưởng làng sắp mãn nhiệm là viên chức chính phủ bởi một thời ông làm việc ở cơ quan này.) Theo cách mô tả của ông trưởng làng sắp mãn nhiệm thì ban đầu là người ta giết vua, nhưng chẳng phải để đoạt ngôi, cũng chẳng phải để lập vua khác, mà giết vua là để không còn có vua, nói cụ thể hơn cái ngọn gió ấy mới đầu có vẻ muốn làm sụp đổ hết thảy các ngai vua trên mặt đất. Có nơi, sau khi dẹp được ngai vua, người ta đuổi vua về làm dân dã, hay đuổi vua ra khỏi nước. Khi ngọn gió ấy mới nổi lên thì người ta làm theo cách ấ . Nhưng dường như nhân loại mỗi ngày mỗi thích làm cách mới hơn, nên về sau người ta không đuổi vua khỏi ngai vàng, mà làm cho vua biến khỏi mặt đất. Tức là mang vua ra treo cổ, hay chém cổ. Mà theo ông trưởng làng sắp mãn nhiệm, trưởng làng lúc bấy giờ là do vua cử, nên ở trên ấy người ta treo cổ vua, thì ở dưới làng này người ta cũng treo cổ trưởng làng. Treo cổ trưởng làng xong, dân làng lại cử trưởng làng khác. Có nghĩa là cái ngọn gió ấy đã khiến cho dân làng làm chủ được chuyện cử trưởng làng của mình. Sau đấy thì làm chủ được nhiều thứ khác. Cho nên mới nói là đã mở ra thời dân chủ. Nhưng đấy là chuyện về sau. Còn lúc bấy giờ, cử trưởng làng xong thì cả làng nhảy múa, hò hét, rằng kể từ nay thì chẳng còn ai đè đầu cỡi cổ mình nữa. Nhưng lúc cử trưởng làng mới người làng đâu biết đấy lại là kẻ thích chuyện đè đầu cỡi cổ. Phải trị những đứa cứng đầu cứng cổ mới được. Đấy là cái cách làm cho xóm làng bình yên của ông trưởng làng mới. Làm trưởng làng một tháng, ông treo cổ đến mấy chục người làng. Đấy là những người hò hét to nhất trong cuộc bầu trưởng làng. Gò thổ mộ chôn người chết trong làng có tên “gò âm hồn” từ đó. Nhưng có phải sau đó thì ngọn gió ấy không còn thổi nữa hay không? Chúng tôi hỏi. Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm bảo ông cũng chẳng biết phải nói thế nào cho phải lẽ, có điều sau đó thì trên thế giới người ta đã chép thành kinh thành sách, nói rõ gốc ngọn, cùng ảnh hưởng của ngọn gió ấy đối với việc sống còn của nhân loại. Theo cách mô tả của ông thì trong vòng năm mươi năm, tính từ khi ngọn gió ấy thổi tới làng ấy, lúc thì có vua, lúc không có vua, trưởng làng của làng ấy khi do vua cử, khi do dân làng cử, và khi thì dân làng treo cổ trưởng làng, khi thì trưởng làng treo cổ dân làng. Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm bảo trong vòng năm mươi năm ấy cũng gần cả nghìn người bị treo cổ, đêm người ta nghe thấy ở “gò âm hồn” tiếng cãi vã nhau về chuyện ngọn gió ấy, cứ đêm xuống thì dường như cái đám người bị treo cổ ấy lại tụ hội lại để cãi vã nhau, hết cãi vã thì nguyền rủa, hò hét, làm như là sắp tấn công vào ngọn gió ấy, ông trưởng làng sắp mãn nhiệm nói tới lúc ấy thì dân làng mới dựng “miếu âm hồn” ngay trên “gò âm hồn” để thờ đám người bị treo cổ, và phải đợi đến khi một bực học rộng ở trong làng nghĩ ra lễ tống tiễn mùa đông thì mọi chuyện mới êm. Chúng tôi đang trên đường đến thượng nguồn một nhánh sông của con sông quê nàng thì bắt gặp đám dân làng ấy đang cử hành cuộc tế lễ kỳ dị ấy. Thưa, có phải là làng đang mở hội vui? Chúng tôi hỏi một bà lão đang ngồi ở hè “miếu âm hồn” nhìn những người khác đang nối đuôi nhau đi vòng quanh ngôi miếu cổ. Vui gì, đang tế âm hồn đấy! Bà lão nói. Gió ơi gió hỡi, gió đi thật xa... hồn ơi hồn hỡi... Có một người trong đám người đang nối đuôi nhau ấy xướng lên thế. Và tất cả những người còn lại xướng theo. Hát vè thôi. Nhưng ở làng ấy người ta bảo là văn tế. Một người học rộng ở trong làng khi nghĩ ra lễ tống tiễn mùa đông đã kiêm luôn việc làm trưởng tế, và soạn văn tế. Và những thế hệ tiếp theo đã giữ nguyên lệ ấy. Sau đó chúng tôi mới biết trưởng tế là ông trưởng làng sắp mãn nhiệm. Còn lúc nghe bà lão bảo đấy là tế âm hồn, chúng tôi cứ nghĩ trưởng tế là một thầy phù thuỷ. Có nghĩa là kẻ sai khiến được ma quỷ. Thì tôi cũng là một tay phù thuỷ của thời hiện đại, làm công việc xua đuổi một dòng tư nghị cố cựu của loài người, chẳng phải phù thuỷ là gì? Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm nói khi nghe chúng tôi thuật lại những cảm nghĩ của mình lúc mới trông thấy cuộc lễ tống tiễn mùa đông. Tế văn không phải văn bản có sẵn, mà được vị trưởng tế là người học rộng ứng khẩu xướng lên khi hành lễ. Có lẽ do yêu cầu này mà hơn một trăm năm qua, lúc nào trong làng cũng có người học rộng. Hãy làm như đã quên ngọn gió tai hoạ ấy, và cứ coi như mấy tiếng dân chủ như là lời ma quỉ. Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm bảo đấy là nội dung chủ yếu của tế văn. Có nghĩa là lời có thể thay đổi tùy theo mỗi vị trưởng tế, còn ý thì không? Chúng tôi hỏi. Phải, hơn một trăm năm qua người làng luôn giữ lấy cái hồn của tế văn. Ông trưởng làng sắp mãn nhiệm nói. Tôi và nàng dừng lại ở ngôi làng ấy vào những ngày cuối thu. Gió chướng từ phía thượng nguồn của sông đã bắt đầu thổi lại. Có nghĩa là đã bắt đầu nhìn thấy dấu hiệu của dông bão mùa đông. Người làng ấy muốn xua đuổi ngọn gió mà người ta cho là tai hoạ như xua đuổi dông bão mùa đông. Chúng tôi đã hiểu tại vì sao lại gọi là lễ tống tiễn mùa đông. Nhưng chưa hiểu tại vì sao tế lễ mà làm như là một cuộc đùa vui. Nối đuôi nhau, vừa đi vừa hát thế chẳng phải đùa vui là gì? Một cuộc đùa vui để quên đi một cuộc đùa vui khác đã làm tốn kém rất nhiều máu xương con người? Tôi với nàng chỉ rỉ tai nhau thế, chứ chẳng dám nói ra.

 

[còn tiếp]

 

_________
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Nguyễn Thanh Hiện [1. Những Tháng Năm Nghiệt Ngã - 2. Trở Lại Xương Quơn (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2007) - 3. Vật Gia Bảo Của Một Dòng Họ - 4. Bên Này Trần Gian - 5. Người Đánh Cắp Sự Thật (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2008) - 6. Một Cách Nói Khác Của Niềm Khao Khát - 7. Rốt Cuộc Thì Bọn Họ Là Ai?], sách gồm 38 chương, chưa nhà xuất bản nào in.

 

 

Đã đăng:

... Mặt đất này thì rộng lớn, và con sông nào cũng có chỗ bắt đầu của nó, mà các người đi tìm nguồn con sông nào? Ông hỏi. Tôi nói là con sông chảy qua quê nàng. Con sông quê của người mình yêu. Ông quảng diễn thêm câu nói của tôi. Rồi bảo hai chúng tôi có vẻ khăng khít nhau thế còn đi tìm nguồn con sông đó chi nữa. Tôi nói đó là bí mật của tình yêu. Hoá ra không phải chỉ tôi với nàng mới có bí mật của tình yêu. Đêm đó, nơi căn nhà lá ở giữa rừng, người coi rừng đã nói cho chúng tôi biết ông cũng có một bí mật của tình yêu... (...)
 
... Rằng từ khi loài người biết truyền những ý nghĩ cho nhau bằng máy móc thì thần không còn trực tiếp cai quản núi rừng, nhưng không phải là không để mắt đến chuyện con người, rằng trong cuộc chuyển lưu lớn lao của vạn hữu thì không phải hễ là thần thì nhìn thấy được sự thật của mọi sự, rằng ngày xưa, ngay chính bản thân vũ trụ cũng chưa biết mình do đâu mà có, thì lớp cha ông của thần quả đã cho rằng hễ là thần thì biết hết mọi sự, từ đó mới có chuyện toàn trị của các vị thần... (...)
 
... Xin chào bác homo sapiens! Đám đồng bào của ta nơi mặt đất đã bớt lạnh lẽo gọi ta là bác homo sapiens. Là homo sapiens, hay không là homo sapiens, thì có hệ trọng gì đâu. Bởi điều đáng nói là ta đã vượt qua cuộc thử thách lớn nhất trong trời đất, cuộc thử thách diễn ra hằng triệu triệu năm, để được thiên hạ trong trời đất gọi ta là con người... (...)
 
... Có cái gì là chẳng ngoi lên từ cõi hỗn mang? Một vùng trời đất âm thầm, từ đấy ngân vang những giai điệu nguyên sơ. Sáng tỏ và u uẩn. Ôm ấp và cô đơn. Mở và khép. Gặp lại và chia xa... Buổi ban đầu ấy là một cuộc lưu luyến kỳ cục giữa ngẫu nhiên và tất yếu. Ai đã ngang qua đất trời lãm thuý?... (...)
 
... Lại hỏi về cây thong dong. Thưa, có bao giờ thấy mặt trời mặt trăng vội vã đâu, nếu là biển, thì sáng tinh mơ, mặt trời trườn đi trên nước, nếu là bầu trời đêm có nhiều mây, thì mặt trăng ẩn hiện ở trong mây, cái cách như thế của mặt trời mặt trăng thì gọi là thong dong... (...)
 
Mùa thu năm ấy chúng tôi ngược về thượng nguồn một nhánh sông của con sông quê nàng. Và bị cầm chân ở ngôi làng ấy. Khoa học hiện đại dù đã phát hiện được bao nhiêu là luật lệ của trời đất, nhưng những con người ở ngôi làng ấy vẫn khăng khăng vị thần làng của mình là thần của tất cả các thần, là tổ thần, không có vị này thì không có người làng và cũng không có cả loài người... (...)
 
Quả tình mùa thu ở đây vàng một nỗi ám ảnh. Ám ảnh bởi một thứ quá khứ đã được tinh kết thành thứ từ vựng tinh tế, kiêu sa, và không phải cứ nghe thấy là hiểu. Ám ảnh bởi một thứ hiện tại được biểu lộ trong một diện mạo có vẻ minh bạch, nhưng không dễ gì cứ trông thấy là hiểu. Đúng là tôi với nàng không dễ gì rời khỏi một nơi chốn như thế... (...)
 
... Một người đàn ông nằm trên mặt đất, chắc là đã chết, trước mặt có con bò rừng đứng trong tư thế kỳ lạ, như đang sắp ngã xuống, ruột gan tràn ra bên ngoài, bên sườn có cắm một ngọn lao. Đó là nội dung một phiên bản tranh hang động thời tiền sử treo ở nhà vị trưởng tế... (...)
 
... Hãy nói cho tôi nghe là ngài căn cứ vào đâu để bảo đó là sự thật? Một văn bản bằng giấy ư? Hay một văn bản bằng đá? Mà chép trên giấy, hay trên đá, thì đều là ngôn ngữ của con người, ai dám bảo với ngài rằng ngôn ngữ ấy thuật lại đúng sự kiện đó, xin ngài hãy nhớ cho, khi ngài tham gia vào việc nói về sự kiện đó thì nó không còn là nó, mà sẽ hiện ra theo cái cách của ngài nói về nó... (...)
 
... Khi kể ra những sự tích đó, người làng muốn nói với chúng tôi, mà họ vẫn đinh ninh là những nhà báo của chính phủ, rằng cái gò hoang là bản gia phả chung của các dòng họ trong làng, rằng những thế kỷ đã trôi qua, các dòng họ đó vẫn giữ gìn bản gia phả đó như giữ gìn dòng máu tộc họ của mình... (...)
 
... Các vị đại diện nhà nước bắt đầu thay nhau nói, rằng cái gò hoang không phải là nghĩa địa, nghĩa địa sao lại không có mồ mả, mà chỉ là nghe kể lại rằng tổ tiên của dân làng đã chôn ở đó, nên việc yên nghỉ đó cũng chỉ là khái niệm, cũng như nói cái gò đó là gia phả chung của các dòng họ thì cũng là khái niệm, nói gọn lại, dẫu cái gò hoang đó không còn thì những khái niệm kia vẫn còn. Nhưng về chỗ này thì đám dân làng không dễ gì mủi lòng để các vị đại diện nhà nước biến mồ mả tổ tiên thành những khái niệm... (...)
 
... Ta phải nói thế nào với các người đây? Sự cư trú của con người trên mặt đất này thì có vẻ ngẫu nhiên. Chẳng ai muốn chọn những nơi nghèo nàn như ngôi làng ấy để sống. Mà chuyện ngẫu nhiên như thế xảy ra khắp nơi trên mặt đất này. Và bằng trí tuệ của mình, con người đã vượt qua được biết bao cái ngẫu nhiên để làm nên những cuộc đổi thay có tên là những nền văn minh nhân loại... (...)
 
... Nhưng nàng bảo để có nền văn minh đương đại, các nhà khoa học đã phải cống hiến cho nhân loại cả tinh thần lẫn thể xác của họ. Việc làm cái nhà máy thuỷ điện là thừa hưởng thành quả của văn minh đương đại, nhưng người chỉ huy công việc làm này lại nói về nền văn minh này theo ngôn ngữ của loài chim là điều chẳng thể chấp nhận. Bởi trong mối quan hệ giữa các loài trong hiện tại thì chỉ có loài người nói về loài chim, chứ không thể có chuyện loài chim nói về loài người... (...)
 
... Chúng tôi lại lặng đi trong giây lát. Trí tuệ con người lớn lao biết bao mà cũng nhỏ nhoi biết bao trước vẻ kỳ bí của tự nhiên. Nàng nói. Và khẽ rùng mình. Tôi cũng khẽ rùng mình... (...)
 
... Đây là thời hết thảy các chính phủ trên mặt đất này mở miệng là nói phải làm giàu đất nước, là thời mà sự giàu có được coi như niềm đam mê mới mẻ nhất trong việc trị nước của các vị nguyên thủ của hầu hết các quốc gia hiện đang có mặt trên bản đồ thế giới, là thời mà việc xuất nhập khẩu hàng hoá của một quốc gia được coi như chìa khoá mở cửa vào cõi giàu có, bởi từ cân đường cân thịt cho đến tri thức của con người đều được xem là hàng hoá... (...)
 
... Nàng hỏi có phải anh ta đang nói đến ảo ảnh cuộc đời hay không? Anh ta bảo con người là sinh vật duy nhất biết có ngày mai, trong cái gọi là ngày mai thì có cái chết, biết là chết mà vẫn cố tạo ra bao nhiêu chuyện để hướng tới gọi là tương lai, nếu như cái ảo ảnh ấy không phải là vĩnh hằng, tức chết trước cái chết, thì loài người đã treo cổ chết cả từ lâu... (...)
 
... Em chết mất. Nàng chỉ kịp nói thế. Và bị dòng nước cuốn phăng đi. Dốc hết cả sức lực, tôi lao theo nàng. Bấy giờ thì tôi nhìn thấy quá rõ cái tương lai chẳng mấy tốt đẹp của chúng tôi. Nên đã đi đến quyết định có chết là phải chết cùng nàng. Nhưng rồi tôi cũng chẳng thể thực hiện được cái quyết định đó. Bởi con nước đã đẩy tôi dạt vào bờ. Có nghĩa là không chết. Còn nàng thì chẳng hiểu là con nước cuốn về đâu... (...)
 
... Con người đang hô hoán lên khắp nơi rằng mình đang toàn cầu hoá. Nhưng máu lại đang chảy rất nhiều trong các cuộc chiến nhằm để chia tách một quốc gia cũ ra thành nhiều quốc gia mới. Con người đương tự hào với nhau rằng mình đương củng cố ngôi nhà chung của mình trên mặt đất. Nhưng ta nghe dường như đây là thời mà một tay đại bịp cũng muốn dựng tượng đài riêng cho mình? Dường như đây là thời trăm nhà đua tiếng, kẻ đê hèn cũng có thể nói được lời cao cả?... (...)
 
... Thời mà cha ông bọn này chỉ ăn củ mài để sống có phải là thời thần thánh nhập vô các vị vua quan, khiến các vị chỉ lo chuyện bòn rút của dân mà không lo việc cơm áo cho dân? Tôi với nàng đã điên đầu với những câu hỏi như thế. Có vẻ như khi vây hỏi chúng tôi về nỗi bất hạnh, bọn họ đã từ cảnh trí siêu hình tụt xuống cảnh trí trần thế? ... (...)
 
... Vào một ngày có lũ khỉ đùa giỡn trên cây còn lũ chim bồ chao thì làm như núi rừng là của chúng, một người đàn ông và một người đàn bà ngồi ở nơi gộp đá ấy nhìn trời đất đang chìm trong hoang dã. Làng xóm của ta là ở đây. Người đàn ông nói. Người đàn bà lấy một viên sỏi cuội vạch lên gọp đá như viết lên một lời thề... (...)
 
... Trên các dòng sông ta đi lại đã bắt đầu nghe thấy mùi máu. Máu của các cuộc thể nghiệm về các cuộc cãi vã. Lịch sử là biên niên sử về các cuộc thể nghiệm các cuộc cãi vã. Cho đến lúc nước trên các dòng sông pha màu máu, thì ta, kẻ náu mình trên sông nước, chỉ còn biết thở dài. Thì còn biết làm sao khi các cuộc thể nghiệm đã thuộc về cách thức tồn tại của con người... (...)
 
... Các nhà thông thái có vầng trán vừa đủ để tỏ ra mình là thông thái đang rao giảng thứ thuyết lý cao siêu vốn lấy từ kinh điển của thế kỷ trước nhưng đã được sửa sang qua nhiệt tình cháy bỏng của các vị. Nếu không có nó, đám trẻ tuổi các người hỏng bét hết... Cứ sau một hồi giảng thuyết, các vị lại thét vào tai đám cử toạ trẻ tuổi thứ lửa hoả ngục chết người ấy... (...)
 
... Không bắt được con cá vượt thác, mà lại bắt được hai con người vượt thác. Chưa hiểu thác là gì, và vượt thác là sao, nhưng chỉ nghe bắt được hai con người vượt thác, thì chúng tôi đã tính đến con đường chết. Ta lại gặp đám ăn thịt người! Nàng rỉ tai tôi. Không dám thể hiện nỗi sợ hãi của mình, mà cũng chẳng muốn người yêu của mình rơi vào nỗi sợ hãi, tôi gượng cười, rồi rỉ tai nàng, bảo chớ nghĩ quấy. Thuyền đã cập bờ... (...)
 
... Giữa nghiêm túc với hài hước, em thích thứ nào hơn? Chẳng rõ bấy giờ nàng đang nghĩ gì, nhưng rồi cũng trả lời được câu hỏi nảy ra một cách ngẫu hứng từ dòng suy nghĩ hỗn tạp của tôi. Theo nàng, hài hước là nghiêm túc. Và, nghiêm túc là hài hước. Nàng đã nói ra những điều tôi đang nghĩ. Tình yêu chúng tôi bấy giờ coi như đạt tới đỉnh cao. Có nghĩa, chỉ bước thêm một bước nữa là tới chỗ vĩnh hằng... (...)
 
... Nàng bảo mọi thứ trên đời là do con người nghĩ ra, mới đầu nghĩ mặt trời quay quanh trái đất, sau lại nghĩ trái đất quay quanh mặt trời, nghĩ ra rồi, thì đi tìm chứng cứ, tìm có chứng cứ rồi, thì la toáng lên quá khứ là sai lầm, cứ thế, công cuộc chống sai lầm dường như bất tận... (...)
 
Từ những ý nghĩ về khủng long, nàng đã chuyển sang những ý nghĩ về cọp. Tiếng động kiểu ấy nhất định là tiếng chân của chúa sơn lâm. Nàng lại khẳng định. Ta hãy dừng lại để nghe kỹ thử sao? Tôi đề nghị. Và dường như từ một chỗ tăm tối nào đó trong trí nhớ của nàng, những con cọp thời thơ ấu của nàng đã lần lượt hiện ra.... (...)
 
... Một nền hoà bình cho con người không phải chỉ là không có tiếng súng, mà còn làm sao cho con người có cơm ăn áo mặc, ngay tự lúc có tổ chức nhà nước thì người ta đã nói đến những thứ đó, người đứng đầu nhà nước nào cũng nói đến những thứ đó, nhưng suốt mấy trăm nghìn năm lịch sử của loài người thì súng vẫn cứ nổ, và con người thì vẫn cứ thiếu đói. Các vị đã rõ chưa?... (...)
 
... Ngày xưa có một người con gái đủng đỉnh bước giữa cuộc đời, xin chào hạt bụi, vào một hôm nàng đang đủng đỉnh bước thì nghe có tiếng ai nói từ thinh không, xin chào thinh không, nàng liền đáp, và lập tức từ thinh không bước ra một hạt bụi... Hoá ra hạt bụi là thinh không?... (...)
 
... Con người thuở đầu nói bằng tiếng của cóc ếch nhái, nhưng tiếng cóc ếch nhái thì chẳng thể diễn đạt những giả dối, bèn chuyển sang nói tiếng nói của giun dế, nhưng tiếng giun dế thì chỉ để mô tả những cay đắng lầm than, mà con người lại cần sự chiến thắng, phải bước qua xác những kẻ khác, nên phải chuyển sang nói tiếng của cọp, nhưng tiếng con cọp chẳng thể nói ra trong những phút yêu đương, nên con người phải chuyển qua nói tiếng nói của chim... (...)
 
Như một thứ định mệnh hài hước luôn phủ lên cái nhúm người cư ngụ nơi góc trời heo may gầy guộc. Cũng đủ cả những chi tiết núi sông để có thể dự vào hàng giang sơn gấm vóc, có điều đây là thứ gấm vóc như còn nằm trong cuộc thể nghiệm của trời đất, cuộc thể nghiệm như một cách thức của tồn tại, nghĩa là không còn thể nghiệm thì không còn tồn tại. Có thể là tự ngày người làng đầu tiên có mặt ở ngôi làng ấy, cuộc thể nghiệm ấy đã được coi như một thứ định mệnh có tính cách áp đảo, khó lường... (...)
 
... Đói khát, dốt nát, và khốn khổ lầm than... là man rợ. Xin bằng an cho những xác chết của những đứa trẻ không còn đủ sức chờ một cuộc di chuyển đến một nơi văn minh hơn nơi chúng đã chết, những xác chết vẫn nằm rải rác nơi những bụi gai đơn sơ trên những bãi cát đơn sơ như dài đến vô tận. Xin bằng an cho cả những nền văn minh đã lụi tàn và chưa lụi tàn. Xin bằng an cho hết thảy những vong hồn những kẻ đã nằm xuống vì sức công phá của man rợ... (...)

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021