thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
SAU BIG BANG [V]

 

Đã đăng: [I] - [II] - [III] - [IV]

 

PHẦN CHÍNH BIÊN

CHÉP VỀ MỘT SỐ NƯỚC TRÊN MẶT ĐẤT

[tiếp theo]

 

chỗ kỳ diệu của cuộc chơi là bọn ta biết mượn tiếng nói của chó để khoe khoang với nhau
bọn ta khoe khoang mà đám người lớn chẳng biết bọn ta khoe khoang

 

[...] a mễ quốc, năm thứ 14 tỉ lẻ 900 triệu sau big bang,

 

bấy giờ thần rôm đã tìm được người tình trên mặt đất, bèn đem hết khí lực ra để tạo dựng một quãng trần gian, ta sẽ mãi mãi ở lại với nàng, thần nói, mấy ngày hôm sau thì người con gái xinh đẹp ấy đã sinh cho thần một trăm lẻ tám người con, bấy giờ thần rôm mới đặt tên đất là a mễ,

 

[...] a mễ quốc, năm thứ 14 tỉ lẻ 900 triệu sau big bang,

 

chính là sự trôi dạt của các các lục địa cổ lauxia và gonvana đã tạo ra một thứ khí hậu có xu hướng nóng lên, khí hậu đỏ, khí hậu đất liền thì khô hơn ở ven biển, khí hậu ngày thì nóng hơn khí hậu đêm v.v., mà sự thụ khí của thần rôm là từ xa, cho nên lũ con của thần hoàn toàn chịu ảnh hưởng thứ thời tiết bấy giờ đang tồn tại trên đất a mễ, đỏ, đó là xu hướng của tạo tác, một trăm lẻ tám người con của thần mang trong mình dòng máu sục sôi những tham muốn, những mạo hiểm khôn lường, cũng chính thứ khí hậu phân hoá ấy đã tạo ra những thứ tiếng nói khác nhau, một trăm lẻ tám người con của thần là một trăm lẻ tám thứ tiếng nói khác nhau, nhưng chẳng phải là dừng lại ở đó, thứ khí hậu đỏ ấy cứ tiếp tục tạo nên cuộc phân hoá có vẻ bất tận, một trăm lẻ tám thứ tiếng nói ấy lại phân hoá thành một nghìn lẻ tám thứ nói khác nhau, rồi một nghìn lẻ tám thứ tiếng nói ấy lại phân hoá thành một trăm nghìn lẻ tám thứ tiếng nói khác nhau, rốt cuộc, tuy là cùng con cháu thần rôm sống trên đất a mễ, nhưng việc hiểu nhau chẳng phải điều dễ dàng,

 

[...] a mễ quốc, năm thứ 14 tỉ lẻ 950 triệu sau big bang,

 

sau mấy trăm năm tồn tại trên mảnh đất có thứ thời tiết khắc nghiệt đó, người a mễ như chẳng còn mang trong mình chút khí lực nào của thần rôm, có nghĩa là sự hiểu biết của người a mễ lúc bấy giờ chỉ còn là sự hiểu biết của một động vật cao cấp, hoàn toàn trần trụi, hoàn toàn phàm tục, chẳng còn chút khí chất thiêng liêng nào vốn có của người a mễ thuở sơ khai, sự phân hoá của giọng nói cùng với thứ hiểu biết trần trụi phàm tục ấy tạo nên một nền văn hoá lởm chởm những sắc màu, nói gọn lại là như thế này: mỗi người đi đứng mỗi kiểu, mỗi người ăn ngủ mỗi kiểu, mỗi người nói năng mỗi kiểu, mỗi người nghĩ ngợi mỗi kiểu, ở phía đông đất nước a mễ gọi đó là con hổ thì ở phía tây gọi là con nai, người nói mặt trời là một vị thần bảo hộ con người, kẻ nói không phải thần mà là con ma lửa, v.v., cho nên, ở đất nước a mễ chẳng có thứ gọi là chân lý, có một thời ở a mễ các thứ nhà nổi lên như ong, người ta tự xưng nhau, hoặc là tung xưng nhau, có nghĩa là hoặc là tự vỗ ngực xưng là nhà sử học, nhà cổ học, nhà phê học, nhà thơ học, nhà văn học, nhà thông thái học, v.v., hoặc là nhờ miệng mồm kẻ khác gọi tên những thứ ấy ra, đấy là thời tư tưởng con người nở rộ như hoa mùa xuân, có thể gọi là thời văn chương và triết học của loài người, đủ kiểu, văn chương nguyền rủa có, văn chương ca ngợi có, triết học bộp chộp có, triết học cơ cấu đường hoàng có, đấy là thời có chữ cũng vui, mà chẳng có chữ cũng vui, có chữ thì cứ tha hồ mang chữ ra mà xài, cụ thể là thế này, thích chế độ ăn kiêng của những kẻ bị bệnh đái đường thì cứ đem chế độ ấy ra mà ngợi ca, ghét cái chế độ tiết dục của các vị tu tập trong các giáo phái ở trần gian thì cứ việc dùng chữ mà chê mà bài bác, kẻ không có chữ thì có cái thú là đem những thứ mình mù đặc ra mà bình phẩm theo cái cách không có chữ của mình, vừa bình phẩm, theo cái cách mù đặc của mình, vừa cười cợt, cũng theo cái cách cười cợt của mình, cái thời mà nếu thu thập được hết các trước tác bằng mồm thì cũng đầy mấy nghìn kho lẫm, còn các trước tác trên giấy thì chẳng có lời lẽ nào diễn nổi, ôi, cái thời mà sách vở nhiều hơn lá mùa thu,

 

[...] a mễ quốc, năm thứ 14 tỉ lẻ 960 triệu sau big bang,

 

bấy giờ thì người đứng đầu đất nước a mễ được dân a mễ tôn xưng là văn hoa thống suý, sở dĩ có cái tên dài lòng thòng thế là để tỏ cho thiên hạ khắp nơi biết cái thiên chức to lớn của kẻ đứng đầu đất nước ấy, các sử sách của a mễ bấy giờ đều chép giống nhau, văn hoa là cái ngược với u tối, dã man, tức là sáng sủa, văn minh, còn thống suý là thống lĩnh, như vậy, văn hoa thống suý là kẻ thống lĩnh cái văn vẻ đẹp đẽ, có một vị văn hoa thống suý bắt thuộc hạ đi khắp mặt đất đếm có bao nhiêu đất nước đang tồn tại, cờ nước a mễ bấy giờ nền màu đen, trên nền màu đen là con số chấm trắng ngang bằng con số đất nước đang tồn tại trên mặt đất, thoạt nhìn lá cờ a mễ giống như bầu trời đêm đầy sao,

 

ghi chú
 
bấy giờ có nhà nhà thông thái đến hỏi ngài văn hoa thống suý rằng, khi số đất nước trên mặt đất thay đổi thì làm thế nào, ngài thống suý bảo làm sao mà có chuyện ấy, bởi a mễ là cha mẹ hết thảy con dân trên mặt đất.
 
phụ lục
 
sủa,
bọn ta đứa nào cũng đã vào vị trí chiến đấu của mình
đứa núp vào hàng rau săn
đứa núp vào gốc chuối
đứa núp vào bụi ớt
đứa núp vào gốc bầu
đứa núp vào gốc khế
...
còn ta vì là chủ nhà nên đã núp vào cửa sau nhà ta
vườn sau của nhà ta bỗng biến thành một đấu trường khoe khoang
ta là chủ nhà nên ta được khoe khoang trước
nghĩ là nghĩ về thứ mình muốn khoe khoang
nhưng không phải là dùng tiếng nói con người để khoe khoang
mà dùng cái cách sủa của chó để nói ra thứ mình muốn khoe khoang
bấy giờ ta muốn khoe khoang tài hái trộm ổi của mình
các vườn nhà ở làng ta trồng rất nhiều ổi
và ta thì có tiếng là giỏi chuyện hái trộm ổi
ta bắt đầu sủa lên tài trộm ổi của mình
vừa nghĩ là ta có tài trộm ổi vừa sủa theo cái cách sủa của chó
ở trong làng thì bọn ta vốn biết rõ những biệt tài của từng đứa
đứa giỏi chửi
đứa giỏi cười
đứa giỏi chạy
đứa giỏi bơi dưới nước
đứa giỏi trèo lên cây
...
sủa là sủa theo cái cách sủa của chó
nhưng bọn ta biết tỏng là chúng đang khoe cái gì
chỗ kỳ diệu của cuộc chơi là bọn ta biết mượn tiếng nói của chó để khoe khoang với nhau
bọn ta khoe khoang mà đám người lớn chẳng biết bọn ta khoe khoang
dòng họ khúc nhà ta đến đời ta tất nhiên là phải chấm hết
khi trở thành kẻ tuyệt hậu của dòng họ
ta mới ngộ ra vì sao ngày ấy đám chó trong làng đã vây bọn ta cắn
không thể dùng tiếng nói của bọn chúng để khoe khoang chuyện của con người
cuộc quyết đấu ngày ấy có cả thảy ba mươi tư thằng tham dự
và đã có mười lăm đứa bị lũ chó cắn mất dụng cụ truyền nòi giống
trong đó có ta
viết tại phía tây đất nước a mễ vào một ngày đông giá lạnh
danh sĩ họ khúc

 

[còn tiếp]

 

_________
SAU BIG BANG là cuốn tiểu thuyết thứ 8 của Nguyễn Thanh Hiện [1. Những Tháng Năm Nghiệt Ngã - 2. Trở Lại Xương Quơn (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2007) - 3. Vật Gia Bảo Của Một Dòng Họ - 4. Bên Này Trần Gian - 5. Người Đánh Cắp Sự Thật (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2008) - 6. Một Cách Nói Khác Của Niềm Khao Khát - 7. Rốt Cuộc Thì Bọn Họ Là Ai? - 8. Sau Big Bang - 9. Đâu Phải Là Ký Ức]. Sách này có thể xem như là một cuốn tạp thế sử, mà cũng có thể coi như những sấm ngôn của một vị thần nào đó có duyên nợ với nhân gian. Sách gồm phần Chính Biên, chép về một số nước trên mặt đất, và phần phụ lục Bạt Mạng Ký Sự, tự thuật về cuộc rong chơi bạt mạng của danh sĩ họ Khuất ở đất Bạt nước Lâm Bôn, cuộc rong chơi diễn ra vào năm thứ 14 tỉ lẻ 709 triệu sau big bang.

 

 

-----------

Đã đăng:

SAU BIG BANG [I]  (tiểu thuyết) 
... đằng sau mỗi tiếng khóc nhân gian là có hằng loạt những xô đẩy, những chen lấn, những cướp bóc, những hoán đổi, những mưu mô, những gian dối, những băng đảng, những nụ cười khả ố, những lời chói tai như tiếng sủa của lũ chó không còn đủ tư cách để sủa... (...)
 
SAU BIG BANG [II]  (tiểu thuyết) 
... “nhưng chẳng lẽ nhà ngươi không biết trường thành cao dày là đang làm cho cả nước ngộp thở hay sao?” “thưa, có biết” “nhưng chẳng lẽ nhà ngươi không biết khi cả đêm ngày tai óc bị nhồi nhét những lời giả dối thì con người trở nên điên cuồng ngu ngốc hay sao?” “thưa, có biết” “nhưng nhà ngươi chẳng biết những gì đang diễn ra là đang làm cho tri thức thối rữa, hơi thở con người chứa toàn tri thức thối rữa đã làm cho cá chết, lúa chết và cả người cũng chết hay sao?” “thưa, có biết”... (...)
 
SAU BIG BANG [III]  (tiểu thuyết) 
... ta chỉ có mỗi mong ước nhỏ nhoi là làm sao hiểu được, chỉ một phần nào thôi cũng được, rằng tổ tiên con người là ai, chẳng lẽ là cua, là cá, nhưng nếu chẳng phải là cá thì sao nay vẫn còn chuyện cá đẻ người, còn nếu như chẳng phải là cua thì sao nay vẫn coi bóng đêm như một thứ bí tích thiêng liêng, cả vận mệnh con người lẫn đất nước là đều được nói ra từ thứ đêm trường u ám... (...)
 
SAU BIG BANG [IV]  (tiểu thuyết) 
... các vị đứng đầu dân nước đã thay nhau trị nước trong vòng một trăm lẻ tám năm, cả thảy là mười một vị, để đủ sức làm công việc trị nước, các vị đã bán hết thảy rừng biển của bôn la mới có đủ tiền bạc để cung cấp thức ăn cho những chiếc bướu trên lưng các vị, cho đến lúc đã bán hết rừng biển trong nước thì nước bôn la của vị cầm quyền cuối cùng ấy chỉ còn bằng một cái xóm nhỏ... (...)

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021