thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thời của những tiên tri giả [phần 2.7]

 

PHẦN HAI

7.

 

Bất hạnh thay cho các ngươi vì cuộc sống được dựng lên bởi lòng hận thù. Khi các ngươi đòi nợ máu thì máu các ngươi đã đổ. Các ngươi sẽ không biết đến sự bình an của một đám mây cũng như các ngươi sẽ không biết được hạnh phúc của sự độ lượng. Và con cháu các ngươi sẽ phải khổ vì chúng được giảng dạy bởi sự ác và dối trá. Khi ấy, người hoang tưởng sẽ mang con lên núi đốt rừng, làm rẫy và ẩn dật học lấy đức hạnh của trời đất. Nhưng sự công bằng của trời đất thì phàm nhân không hiểu được, mà sự công bằng của con người lại chẳng đáng tin cậy.

Không kiếm được việc làm vì lý lịch sĩ quan ngụy, Luận tìm gặp ông Phát.

- Trước mắt, cậu cứ ra đây với tôi. Không bảo đảm cậu sẽ khá, nhưng bảo đảm không chết.

Ông Phát nói một cách hào sảng và giản dị. Luận tin tưởng vào thiện tâm và tài năng của ông. Lúc ấy, những người con của ông đã ra đi, ông chẳng còn điều gì phải ngần ngại. Ông tiếp tục làm ăn buôn bán không phải vì mưu sinh mà như một thú vui, một ý nghĩa, một xác tín về mình. Bởi thế, với Luận, ông xem như đồ đệ mặc dù không có ý định truyền nghề. Ông dạy Luận cách sửa chữa ống nhòm, chỉ cách biến một vật cũ thành đồ mới.

Ít ra thì trại cải tạo cũng uốn nắn người ta vào sự chấp nhận bất cứ một việc bất như ý nào, có tính tích cực của sự quật cường. Luận vẫn cảm thấy mình nhỏ mọn như thời cầm cuốc, nhưng không mặc cảm. Công việc tẩn mẩn, rị mọ, Luận chìm đắm vào nỗi u tối. Anh tự nhủ: Đây là đời sống và ta phải sống với nó. Để sống được với nó, người ta phải chết vì nó. Bản chất cuộc sống là hai mặt.

Ở một nơi mà tất cả mọi đồ cũ đều được mua lại và làm cho nó trở nên có giá trị, Luận nhận ra một điều, cái giá trị có tính vĩnh cửu không phải ở công dụng hay vẻ đẹp của vật thể, cũng không phải ở sự toàn hảo của các đồ vật mà ở tính lịch sử của nó. Nó làm cho một đồ vật bình thường trở thành huyền thoại, giống như chuyện cây đèn thần của Aladin. Và cây đèn thần đã soi đường cho Luận, nó mở ra một triển vọng và bộc lộ niềm đam mê sâu thẳm. Anh trở nên tỉnh táo và có ý thức rõ nét về công việc.

Luận bắt đầu chú ý đến những món hàng mà anh chàng lai Tàu bên cạnh có biệt danh Cù Lủ mua bán. Anh chứng kiến những cú vớ bở của hắn. Thế là anh xông vào, ngang nhiên bỏ tiền mua bất cứ thứ gì anh cảm thấy mua được của bất cứ người nào mang bán. Món nào không đủ tiền, anh mượn thêm của ông Phát. Cù Lủ đôi lần muốn gây sự với anh. Anh chỉ nói nhẹ:

- Tôi không giành khách của anh.

Tuy thế, điều ấy cũng chẳng phải đơn giản. Ông Phát nói với Cù Lủ:

- Thằng Luận không phải thỏ đâu.

Ông Phát cho Luận bày hàng chung với ông. Bắt đầu chỉ là những bộ ấm chén cũ hàng Trung Quốc, đôi khi một vài món của Nhật, Mỹ. Và anh vẫn tiếp tục sửa đồ cho ông Phát, nhưng ít lệ thuộc dần vào ông. Những bữa nhậu lai rai với ông sau khi dọn hàng, anh cảm thấy vui được trả tiền.

Ông Phát nói:

- Cậu có biết ông già ở Kiên Giang vẫn lên lấy hàng của mình là ai không?

- Sao cháu biết được.

- Một người hùng của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển đấy. Ông ta về hưu rồi, bây giờ coi một tập đoàn đánh cá biển. Ông ấy hiền đấy chứ, phải không?

- Thậm chí phúc hậu.

- Ngày xưa, ông ấy thường chở súng đạn từ Bắc vào Nam.

- Ngày xưa, mình nhìn Việt Cộng cũng méo mó quá.

- Trong chiến tranh, quân thù không phải là người.

- Hòa bình, muốn làm người cũng khó.

- Tôi vẫn mang ơn ông ấy, không phải chỉ vì ông ấy là khách hàng xộp của mình, mà chính ông ấy đã giới thiệu chỗ cho mấy đứa con tôi đi. Nếu lúc nào cậu cảm thấy buộc phải đi, tôi sẽ giới thiệu.

- Cám ơn bác, cháu chưa bao giờ coi việc ra đi là một giải pháp, dẫu rằng...

- Cũng tốt.

Khi đấng cứu thế đến, người không đội hào quang, cũng không mặc áo gấm, người chỉ là kẻ khốn khó nhất trong các ngươi, nhưng lòng nhiệt thành của người đã khiến bọn buôn bạc giả phải hổ thẹn và cả đến những thiếu nữ hư hỏng cũng phải cúi xuống hôn chân người.

Người đàn ông có dáng thấp nhỏ nhưng đầy đặn. Tự tin và hơi trầm mặc. Mua bán không trả giá, chỉ đề nghị: “Ông xem lại”. Trong cách nói của ông ấy, người ta phải hiểu hãy tự biết điều. Đấy là cái cách ông Phát đã từng gặp trong chiến tranh. Và ông hiểu. Họ trở nên thân thiện và tin cậy lẫn nhau.

- “Tôi vẫn thấy cuộc đời kỳ lạ”. Ông già nói.

- ...

- “Nó luôn mở ra những lối đi quyến rũ. Có những cái tưởng như rất cũ, xoàng xĩnh nhưng một lúc nào đó bỗng trở nên tinh khôi và trọng đại, nhất là khi nó vận vào mình. Tôi gặp cô ấy ở tiệm bán lưới trong Chợ Lớn. Cô ấy còn trẻ, rất trẻ. Bằng tuổi con gái tôi. Nhưng ngay từ khi gặp cô ấy lần đầu, tôi đã có cảm giác cô ấy sẽ là bạn mình. Một cái nhìn khác thường có màu xanh của lá cây. Cái màu xanh ấy như một bóng mát mà tôi thì như người đã đi suốt cuộc đời giữa nắng. Vợ chết đã lâu. Các con đều đã có gia đình riêng. Suốt cuộc chiến tranh, tôi chưa bao giờ gần đàn bà. Tôi tưởng như mình đã khô héo trong cô quạnh. Tôi vẫn làm việc và tôi không hề biết công việc là một cách chạy trốn chính mình, cho đến khi gặp cô ấy, cái nhìn có màu xanh lá cây đổ bóng lên người tôi. Tôi đã không hề sai lầm khi đánh giá về cô ta. Đó là một cô gái tốt, buôn bán ngay thẳng. Mỗi lần về mua hàng, tôi đều có quà cho cô ấy. Rồi một lần, tôi mời cô ấy đi ăn cơm với tôi. Tôi đã nói: “Tôi rất cô đơn, và rất lâu chưa nhìn thấy thân thể phụ nữ”. Bữa ấy, cô ta không nói gì, chỉ lặng lẽ ăn. Lần sau, tôi mời cô ấy về chỗ tôi trọ, và tôi nói: “Em có thể cho tôi nhìn em được không?”. Tôi còn nhớ lúc ấy tôi ngồi ở mép giường, cô ta ngồi ở chiếc ghế đối diện. Cô ấy bảo: “Anh quay mặt đi chỗ khác đi”. Tôi nghĩ đấy là lời mắng mỏ. Tôi nằm xấp úp mặt xuống giường, chịu đựng nỗi đau đớn. Chợt nghe cô ấy nói: “Thôi được rồi, anh hãy quay lại”. Tôi quay lại, một thân thể phụ nữ lồng lộng trước mặt tôi, vừa khép nép vừa mời gọi. Tôi quì xuống, ôm hôn hai bàn chân cô ấy. Cô ấy vừa run rẩy vừa khóc...”.

Đấng cứu thế có khuôn mặt của phụ nữ vì người cứu vớt con người khỏi cơn hoạn nạn dưới vực sâu của sự cô quạnh và làm hồi sinh những dòng máu khô trong thân thể.

Luận hỏi:

- Thế rồi họ lấy nhau?

Ông Phát:

- Không. Tôi cũng không hiểu tại sao họ lại không lấy nhau. Cô ấy vẫn là người bán lưới và ông ta vẫn là người mua hàng.

Sau này, Luận có dịp gặp ông ta và được giải đáp:

- “Trước khi tôi trở thành một trong những người vận chuyển vũ khí trên biển vào Nam, tôi đã đi ngược Trường Sơn ra Bắc. Tôi đã đi qua những cánh rừng trụi lá vì thuốc khai quang. Và chúng tôi đã uống nước suối nguồn đã hòa tan cái chất dioxin màu da cam chết tiệt ấy mà không hề biết sự nguy hiểm của nó. Có nhiều người trong chúng tôi đã phát bệnh và cũng đã có nhiều đứa bé được sinh ra thành quái thai. Đấy là lý do tôi không thể cưới cô ấy. Tôi không cho phép mình làm hỏng cuộc đời cô ấy, cho dù tôi rất yêu cô ấy và biết rằng chúng tôi có thể hạnh phúc”.

Luận xin lỗi vì sự tò mò của mình, cũng như anh muốn xin lỗi thời gian. Trong cái bi kịch của đồng bào mình, anh cảm thấy bi kịch của chính anh. Một thái độ cá nhân, một lương tâm bé bỏng thì có thể thay đổi được gì.

 

[còn tiếp]

----------------------------

Đã đăng:

Thời của những tiên tri giả [phần 1.1]

Thời của những tiên tri giả [phần 1.2]

Thời của những tiên tri giả [phần 2.1]

Thời của những tiên tri giả [phần 2.2]

Thời của những tiên tri giả [phần 2.3]

Thời của những tiến tri giả [phần 2.4]

Thời của những tiên tri giả [phần 2.5]

Thời của những tiên tri giả [phần 2.6]


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021