thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
SAU BIG BANG [XI]

 

Đã đăng: [I] - [II] - [III] - [IV] - [V] -[VI] -[VII] - [VIII] - [IX] - [X]

 

PHẦN PHỤ LỤC

BẠT MẠNG KÝ SỰ

TỰ THUẬT CUỘC RONG CHƠI BẠT MẠNG

CỦA DANH SĨ HỌ KHUẤT Ở ĐẤT BẠT, NƯỚC LÂM BÔN,

CUỘC RONG CHƠI DIỄN RA VÀO NĂM THỨ 14 TỈ LẺ 709 TRIỆU SAU BIG BANG

 

... Văn chương là cái vẻ sáng đẹp của con người, cho nên văn chương sẽ tàn phá hết thảy những gì không phải là văn chương.
 
DỤ NGÔN TRÊN NÚI

 

[vậy là ta đã lên đường]

vào cái buổi sáng thức dậy nhìn thấy đám người mình đầy lông lá kéo nhau đi trên đất bạt, nhìn thấy từ đầu tới cuối, cái đám người kẻ cầm cung tên, kẻ cầm rìu, cầm đá, vừa đi, vừa huơ chân múa tay, vừa cười la chí choé, ta có cố lắng nghe, nhưng chỉ thấy vui, chứ chẳng hiểu được thứ ngôn ngữ như của bọn khỉ ở trên rừng, ta thấy vui, và cứ thấy muốn bắt chước cái đám người vô tư bàng quan ấy làm một cuộc rong chơi cùng trời cuối đất cho bõ những tháng ngày vô cùng buồn tẻ ở cái mảnh đất ngay phút đầu tiên ta có mặt cha mẹ ta đã đem nhau rốn của ta chôn ở đó, cái mảnh đất từ lúc được mẹ ta sinh ra là ta luôn cam chịu đủ thứ, cam chịu cái cảnh đi ra đi vào trên những con đường đầy bũn với phân súc vật mà có diễn giải cách chi, tô điểm cách chi, ca ngợi cách chi, bào chữa cách chi, thì cuối cùng cũng dẫn đến cuộc sống của một anh dân quê đìu hiu lửa khói, bước ra khỏi lòng mẹ thì đã là anh dân quê đìu hiu lửa khói, bước ra khỏi lòng mẹ là đã cam chịu trông thấy cái đám tre làng luôn chĩa ngọn lên trời chìa cành nhánh ra lối đi nắng cũng như mưa ngày cũng như đêm như luôn cố ôm giữ xóm làng, thứ xóm làng chỉ vào đêm, tức những lúc không trông thấy mặt trời, mới có những phút giây vắng lặng, còn sáng mở mắt ra là lập tức nghe thấy tiếng heo kêu, tiếng con khóc, tiếng vợ mắng chồng, tiếng gà cục tác, tiếng chó sủa, bò ù, nghĩa là ở trên đời này có bao nhiêu thứ náo động lớn nhỏ vắn dài thì đều có bấy nhiêu ở cái mảnh đất chôn nhau cắt rốn của ta, vào cái buổi sáng nhìn thấy bầy người nguyên thuỷ kéo nhau qua đất bạt ấy ta cứ muốn lập tức rời nơi chôn nhau cắt rốn để làm một chuyến rong chơi cho thoả chí bình sinh, ta cũng chẳng biết có phải quả thật là sáng ấy ta đã nhìn thấy tận mắt cái bầy đàn nguyên thuỷ nghìn triệu năm lặng lẽ cuộc giang hồ, hay chỉ là thứ âm vang huyễn hoặc còn đọng lại của một giấc mơ phong trần cát chạy lá bay nào đó xảy ra trong đêm mà ta chẳng còn nhớ nổi, hay chỉ là những thứ kiến thức sách vở kim cổ mơ hồ dồn dập chất chồng đâu đó trong dòng ký ức kỳ khu hỗn độn trong ta bỗng ngoi lên vào cái buổi sáng thức dậy ta cứ thấy muốn hét to lên, chẳng hiểu vì đâu buổi sáng ấy thức dậy ta cứ muốn hét to lên, quả tình là sáng hôm ấy ta thấy vô cùng phấn chấn trong lòng, rất vui khi trông thấy cái bầy đàn nguyên thuỷ ấy thảnh thơi bước đi trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, và ngay khi bọn họ khuất dạng ở phía chân trời phía trước là ta lao vào cuộc rong chơi bạt mạng, lúc cỡi thuyền độc mộc lướt biển khơi, lúc phải uống cả nước đái ngựa cho đỡ khát để vượt thảo nguyên,

 

[còn tiếp]

 

_________
SAU BIG BANG là cuốn tiểu thuyết thứ 8 của Nguyễn Thanh Hiện [1. Những Tháng Năm Nghiệt Ngã - 2. Trở Lại Xương Quơn (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2007) - 3. Vật Gia Bảo Của Một Dòng Họ - 4. Bên Này Trần Gian - 5. Người Đánh Cắp Sự Thật (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2008) - 6. Một Cách Nói Khác Của Niềm Khao Khát - 7. Rốt Cuộc Thì Bọn Họ Là Ai? - 8. Sau Big Bang - 9. Đâu Phải Là Ký Ức]. Sách này có thể xem như là một cuốn tạp thế sử, mà cũng có thể coi như những sấm ngôn của một vị thần nào đó có duyên nợ với nhân gian. Sách gồm phần Chính Biên, chép về một số nước trên mặt đất, và phần phụ lục Bạt Mạng Ký Sự, tự thuật về cuộc rong chơi bạt mạng của danh sĩ họ Khuất ở đất Bạt nước Lâm Bôn, cuộc rong chơi diễn ra vào năm thứ 14 tỉ lẻ 709 triệu sau big bang.

 

 

-----------

Đã đăng:

SAU BIG BANG [I]  (tiểu thuyết) 
... đằng sau mỗi tiếng khóc nhân gian là có hằng loạt những xô đẩy, những chen lấn, những cướp bóc, những hoán đổi, những mưu mô, những gian dối, những băng đảng, những nụ cười khả ố, những lời chói tai như tiếng sủa của lũ chó không còn đủ tư cách để sủa... (...)
 
SAU BIG BANG [II]  (tiểu thuyết) 
... “nhưng chẳng lẽ nhà ngươi không biết trường thành cao dày là đang làm cho cả nước ngộp thở hay sao?” “thưa, có biết” “nhưng chẳng lẽ nhà ngươi không biết khi cả đêm ngày tai óc bị nhồi nhét những lời giả dối thì con người trở nên điên cuồng ngu ngốc hay sao?” “thưa, có biết” “nhưng nhà ngươi chẳng biết những gì đang diễn ra là đang làm cho tri thức thối rữa, hơi thở con người chứa toàn tri thức thối rữa đã làm cho cá chết, lúa chết và cả người cũng chết hay sao?” “thưa, có biết”... (...)
 
SAU BIG BANG [III]  (tiểu thuyết) 
... ta chỉ có mỗi mong ước nhỏ nhoi là làm sao hiểu được, chỉ một phần nào thôi cũng được, rằng tổ tiên con người là ai, chẳng lẽ là cua, là cá, nhưng nếu chẳng phải là cá thì sao nay vẫn còn chuyện cá đẻ người, còn nếu như chẳng phải là cua thì sao nay vẫn coi bóng đêm như một thứ bí tích thiêng liêng, cả vận mệnh con người lẫn đất nước là đều được nói ra từ thứ đêm trường u ám... (...)
 
SAU BIG BANG [IV]  (tiểu thuyết) 
... các vị đứng đầu dân nước đã thay nhau trị nước trong vòng một trăm lẻ tám năm, cả thảy là mười một vị, để đủ sức làm công việc trị nước, các vị đã bán hết thảy rừng biển của bôn la mới có đủ tiền bạc để cung cấp thức ăn cho những chiếc bướu trên lưng các vị, cho đến lúc đã bán hết rừng biển trong nước thì nước bôn la của vị cầm quyền cuối cùng ấy chỉ còn bằng một cái xóm nhỏ... (...)
 
SAU BIG BANG [V]  (tiểu thuyết) 
... kẻ không có chữ thì có cái thú là đem những thứ mình mù đặc ra mà bình phẩm theo cái cách không có chữ của mình, vừa bình phẩm, theo cái cách mù đặc của mình, vừa cười cợt, cũng theo cái cách cười cợt của mình, cái thời mà nếu thu thập được hết các trước tác bằng mồm thì cũng đầy mấy nghìn kho lẫm, còn các trước tác trên giấy thì chẳng có lời lẽ nào diễn nổi, ôi, cái thời mà sách vở nhiều hơn lá mùa thu... (...)
 
SAU BIG BANG [VI]  (tiểu thuyết) 
... vua ku ki thứ 108 gọi đám quan dưới trướng của mình là đồ đểu, bởi chẳng có điều gì bọn chúng tâu lên vua là thật, ngược lại, trước vua thì bọn quan lại ấy một hai đều tung hô vạn tuế, nhưng sau lưng thì cũng chửi vua là đồ đểu, bởi bọn họ biết tỏng là vua đang lừa cả quan dân trong nước, cho nên thời vua ku ki thứ 108 các sách cổ sử còn chép là thời đồ đểu... (...)
 
SAU BIG BANG [VII]  (tiểu thuyết) 
... sách chép về những điều kỳ lạ trên mặt đất nói kỳ lạ thay giống người a tì ma la rằn ri, khi ngồi trên mặt đất thì hiền lành như đất, nhưng khi đã ngồi lên được trên ghế cao thì trở nên tàn nhẫn... (...)
 
SAU BIG BANG [VIII]  (tiểu thuyết) 
... cái giống dân mang trong mình thứ định mệnh trôi dạt ấy vốn hiền lành chất phác, nhưng rốt cuộc cũng đã học được cái cách áp bức trong những lần bị chiếm đóng, nghĩa là cái anh dân phi lu sa nào lên nắm quyền trị dân thì đều biết cách áp bức, có người đã thử tính, trong lịch sử của đảo quốc phi lu sa, ở trên đầu mỗi anh dân ngu khu đen phi lu sa có đến ba vạn sáu nghìn tầng áp bức... (...)
 
SAU BIG BANG [IX]  (tiểu thuyết) 
... vào một ngày mặt đất trở nên lạnh lẽo, ta nghe có tiếng kêu gào ở đằng trước, đây chỉ là kẻ đi tìm dung mạo của đất, ta nói, tiếng kêu bỗng dưng im bặt, và ta, kẻ đi tìm dung mạo của đất bỗng dưng nghe thấy toàn thể hình hài quá khứ, đấy là một ngày có tiếng thở hổn hển của người mẹ đang mang trong mình bao nhiêu thứ quí giá, sự dung dị, bộc bạch, và những lời trần trụi, chân tình... (...)
 
SAU BIG BANG [X]  (tiểu thuyết) 
... các vị nguyên thủ đất nước, dẫu gọi là vua, là hoàng đế, hay quốc trưởng, hay là gì gì, thì dường các vị đều thích làm công việc nhuộm như các vị công huân ở đất nước mạ mạ, bấy giờ thì việc nhuộm ở công quốc mạ mạ đã nổi tiếng trên toàn mặt đất, hầu như ngày nào cũng có sứ giả các nước cử đến mạ mạ để học cách nhuộm, có nước thì muốn nhuộm cho giống ý vua, có nước thì muốn nhuộm cho giống ý của một vị thần linh hay của một kẻ kiệt xuất nào đó... (...)

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021