thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
SAU BIG BANG [XVI]

 

Đã đăng: [I] - [II] - [III] - [IV] - [V] -[VI] -[VII] -[VIII]

 

PHẦN PHỤ LỤC

BẠT MẠNG KÝ SỰ

TỰ THUẬT CUỘC RONG CHƠI BẠT MẠNG

CỦA DANH SĨ HỌ KHUẤT Ở ĐẤT BẠT, NƯỚC LÂM BÔN,

CUỘC RONG CHƠI DIỄN RA VÀO NĂM THỨ 14 TỈ LẺ 709 TRIỆU SAU BIG BANG

[tiếp theo]

 

[kinh la sa ở a du na]

và ở đất nước a du na ta đã tận mắt nhìn thấy cuốn sách kinh la sa từ lâu chỉ nghe tiếng, lần này thằng cha họ khuất gặp thời, nói cho văn vẻ là khuất danh sĩ phùng thời, nhưng phải nói là cũng nhờ ngài thống lĩnh quốc dân của nước a du na là tay chịu chơi, cái cách đánh giá cuốn kinh la sa của ngài thống lĩnh là quá sáng suốt, đây quả là một cuốn sách kinh, ngài thống lĩnh đã phán một câu bao quát như thế, thử hỏi có còn chỗ nào để nói nữa hay không, phán xong câu ấy thì kêu gọi hết thảy những bậc học rộng tài cao trên khắp mặt đất hãy đến a du na để tham gia vào việc đọc và chú giải sách la sa, ta nói mình gặp thời là vậy, khi ta đến a du na thì đã có nhiều bậc thức giả đến từ nhiều nước, thằng cha họ chúc ở đất thác ta từng nghe tên, nay mới được gặp mặt, cũng người lâm bôn như ta, nên cũng dễ làm quen nhau, sách la sa có hay mấy thì chẳng qua như một cái rẻo nhỏ trong cuốn sách tròn này, họ chúc nói, dùng ngón tay trỏ của bàn tay trái của mình để chỉ cho ta biết vầng trán của ông chính là cuốn sách tròn ông nói, thằng cha ấy mặt hơi chữ nhật hơn là chữ điền, do vậy khi chú ý nhìn cái cuốn sách tròn ấy, ta cứ có cảm tưởng như là đang nhìn một cái chậu rửa đang úp lên một mặt bàn bằng phẳng, a, một cuốn sách bàn về rửa ráy, ta buột nói theo cái cách liên tưởng hơi khập khiễng với cái cách nhìn của mình, chẳng biết họ chúc có chú ý đến lời của ta hay không, lại tiếp tục nói thêm về thứ kiến thức chứa đựng trong cuốn sách tròn của ông, mùa thu năm ngoái ngài thống lĩnh quốc dân nước ta đã đến thăm đất a du na già cỗi này, chính là người đứng đầu nước a du na đã đem sách la sa ra khoe với ngài thống lĩnh của chúng ta, thì ông bạn cũng biết ngài thống lĩnh nước ta vốn xuất thân từ nghề làm rừng, đâu biết gì văn chương kinh sách, vậy là ta, quan phụ tá của ngài phải mất mười bảy ngày đêm chỉ để nói riêng chuyện kinh sách là gì cho ngài thống lĩnh hiểu, chứ chưa nói tới chuyện kinh la sa, ta nói như vậy thì ngài phụ tá đã rõ sách la sa nó là thứ gì, thì ta cứ chiếu theo những gì ông ấy vừa khoe để nói, họ chúc lại trỏ tay vào cuốn sách tròn của mình, đã bảo kinh la sa chỉ là cái rẻo trong kiến văn của ta, mà đã là kinh, thì la sa, hay la sà, cũng đều là kinh, quan phụ tá của ngài thống lĩnh quốc dân nước lâm bôn là tay dốt có tiếng, ta chỉ chờ đến khi tham gia chú giải sách thì tìm cách bịt bớt cái mòm hay nói của thằng cha ấy, ta toan tính trong lòng như vậy, và bỗng bật cười, không nhịn cười được là do bỗng nhớ tới chuyện vi hành của ngài thống lĩnh quốc dân nước lâm bôn, thơm, ngài ngửi xong cái vòi xả nước thì phán, ấy là đi thăm cái chỗ chế ra bột mì sắn ở đất thác, sau khi sờ, ngửi cái này cái kia, ngài thống lĩnh quốc dân ngửi cái vòi xả nước và phán như thế, đây là cái cách chế ra mì sắn dân đất thác, quê hương ngài phụ tá, đã nghĩ ra được, cho nên ngài phụ tá của ngài thống lĩnh cũng thấy nở mặt nở mũi, nên khi nghe vua của mình khen thơm, thì họ chúc cũng ngửi vô cái vòi xả nước, và khen thơm, cả nước lâm bôn ta một phen ôm bụng cười khi nghe chuyện ấy, sau đó thì chuyện lại lan ra nhiều nước trên mặt đất, anh bạn cười cái nước a du na già cỗi chứ gì, chỉ có nhỊng nước già cỗi, sắp xuống mồ, mới bày ra chuyện kinh sách, thằng cha họ chúc cứ tưởng ta cười nước a du na già cỗi theo cách nghĩ của thằng cha ấy, nên nói xong câu ấy, thì khoái chí cười hô hô, cũng may là nhờ có mấy tay học giả của mấy nước nào đó thấy họ chúc thao thao bất tuyệt, kéo đến coi, ta mới thoát được nguồn hứng khởi ngu si của thằng cha ấy, sự thật, không phải chỉ có mỗi thằng cha họ chúc là chê bai những thứ thuộc các nền văn minh cũ, bấy giờ thì dường như có cái dịch chuộng cái mới đang xảy ra trên mặt đất, tư tưởng mới, chủ nghĩa mới, chế độ mới, cách ăn bận mới, vân vân, cứ mới là hay hơn cũ, ta cũng chẳng biết có phải đấy cũng là cái dịch hay không, cái dịch bỏ những cách gọi cũ, hình như bấy giờ trên mặt đất chỉ một vài nước còn gọi người đứng đầu của nước là vua, hay hoàng đế, còn lại thì nước nào cũng tổng trưởng, hoặc thống lĩnh quốc dân, mà nghe như cái mục tiêu của sách kinh la sa là nhằm tới các vị ấy, ta chỉ nói là dường như thế, bởi đã là kinh sách thì nhiều nghĩa lý lắm,

hỡi những hạt bụi trần gian
nếu một lúc nào đó con chim trên rừng biết xuống nước bơi lội
con cá dưới nước lên được ở trên trời cỡi mây đi gió
cho đến lúc đó thì lũ người
những hạt bụi trần gian sẽ thành những kẻ
chân không cần bước
thân không cần áo quần
bụng không cần cơm gạo
óc não không cần nghĩ ngợi
ngủ không cần có đêm
thức không cần có bầy đàn
hỡi những hạt bụi trần gian
đến lúc đó thì lũ ngươi sẽ biết la sa là gì
la sa la sa la sa
hỡi những hạt bụi trần gian hãy gọi những tiếng ấy
ngay trong lúc ngủ
ngay trong lúc thức
ngay trong lúc không thức không ngủ
ngay trong lúc lũ ngươi không là gì cả,

ta trích chép ra cái đoạn kinh la sa ấy là để cho người đời sau xem xét cái cách chú giải của ta là có lý hay không có lý, nhờ sự nghiền ngẫm trong khi làm công việc chú giải mà ta gần như nằm lòng kinh ấy, hay lắm, ngay trong lúc lũ ngươi không là gì cả mà lại gọi được mấy tiếng la sa, một anh học giả của nước phù tần vỗ đùi, reo, khi đọc tới chỗ có câu kinh ấy, ta hỏi theo ông thì hay ở chỗ nào, thì lúc chúng ta không là gì cả, tức lúc chúng ta không phải là người, không phải là thần thánh, cũng không phải là đất đá, có nghĩa là cái hư vô mà lại nói được tên kinh la sa thì hay quá chứ còn gì, ông học giả nước phù tần đáp, nhưng chỉ có điên mới bảo hư vô mà biết nói, thì ông bạn nước phù tần cứ bảo cái hư vô nó nói cho ta nghe thử, vậy mà bấy giờ thằng cha họ chúc cũng xen vào được, thì cũng chỉ có ngài phụ tá của ngài thống lĩnh quốc dân nước lâm bôn mới đòi nghe hư vô nói, ông học giả nước phù tần nói, và ho lên một tiếng, và nhổ nước bọt, phải, chỉ có ta là mới đưa ra được những lý lẽ như thế, tưởng ông học giả nước phù tần khen, thằng cha họ chúc nói xong câu này thì cười hô hô, quả tình là ta không đủ sức để ngăn cản sự ngu dốt ở trên mặt đất, cứ sợ năm châu bốn biển người ta nghĩ nước lâm bôn chỉ toàn là họ chúc, thì cũng dễ nghĩ như thế lắm, bởi ngài phụ tá của vua mà dốt vậy, thì dân tình còn u tối đến bực nào, do nghĩ vậy mà ta quyết đem óc não ra để bới tung cái cuốn kinh ấy cho thiên hạ nể nang chơi,

nhất định là phải có một người làm ra kinh la sa, hoặc có một người đầu tiên làm ra kinh la sa, rồi sau đấy có những người khác tiếp tục sửa sang, thêm bớt, nhất định đấy là những bậc xuất chúng, nhất định là phải có một người hay nhiều người làm ra kinh la sa, còn cái tên la sa là của một người, hay của một bậc vĩ nhân, hay của một vị thần, hay của một cái gì đấy, là tuỳ theo cái cách hiểu của mỗi người ở trần gian, nghĩa là có thể ai đó hiểu la sa là một nhà tiên tri đã lập ra một đạo giáo, nên tên của đạo ấy và kinh sách của đạo ấy đều có tên la sa, hoặc cũng có thể hiểu la sa là một nhà lập thuyết, và có một nước nào đó đã lấy kinh la sa làm chủ thuyết cho nước mình, thì la sa, ngoài cái cách gọi là kinh, cũng còn có thể gọi là chủ nghĩa, chủ nghĩa la sa, ta, họ khuất ở nước lâm bôn, sau khi đọc hết cuốn kinh, ta nghĩ những bậc xuất chúng thời trước muốn thử sức hậu thế đấy thôi, những kẻ hậu thế, sau khi đọc kinh la sa, nếu không suy nghĩ cho cạn cùng, cũng có thể rơi vào cảnh dở khóc dở cười, những lời lẽ minh triết của kinh tựa những ngọn gió trời chẳng biết là thổi lại từ cõi nghìn thu giá buốt hay từ chốn lấp lánh biển dâu, trong cái cõi minh triết ấy, ta cứ có cảm tưởng ta không còn là anh danh sĩ đất bạt thích đi chân đất trên những con đường đầy rơm rác và phân súc vật, ta đang bay đi giữa những chữ nghĩa phù vân, hình như ta không còn đi bằng đôi chân mà đang bay giữa những chữ nghĩa phù vân,

vậy thì bây giờ là phải làm sao, đấy là cái câu hỏi các vị học giả các nước cứ theo tra hỏi ta, thì ta cũng chỉ mới đưa ra những nghĩ ngợi sơ khởi vậy thôi, những nghĩ ngợi về kẻ làm ra sách, về cái ý đồ của kẻ làm ra sách, cũng chỉ là những nghĩ ngợi có tính cách riêng tư, nhưng khi nghe thấy những ý nghĩ ấy, các vị ấy cứ sợ nếu đem kinh sách về dùng ở nước mình thì sẽ diễn ra cảnh tẩu hoả nhập ma, xin tiên sinh cứ tiếp tục chú giải cho xong sách, bọn chúng tôi nguyện sẽ nghe theo những kiến giải của ngài, các vị học giả cùng đứng ra thỉnh cầu ta, ta cũng không ngờ chỉ là chuyện chơi lại thành đại sự, chỉ muốn cho thiên hạ biết nước lâm bôn cũng có kẻ biết cách chơi, lại đưa đẩy ta đến nông nỗi ấy, giờ thì các chuyến ra nước ngoài để thỉnh kinh sách của các vị ấy lại phụ thuộc vào việc chú giải của ta, thế thì ta phải làm cho các vị ấy hết lo sợ,

cái chỗ mông lung huyền diệu của kinh la sa là có thể dẫn đến sự đúng đắn hoặc sự sai lầm nghiêm trọng, nói một người đang cỡi gió mà đi thì chớ nghĩ là nhất thiết phải có một người đang cỡi gió mà đi,

thế, cái cách chú giải của ta là đem chữ nghĩa giá buốt ném vào trời đất để cho mây gió lôi đi, chữ nghĩa của ta là mượn của tiền nhân tự thuở con người mới biết gọt đá làm đao kiếm, ta đã làm cho kinh la sa trở nên hữu dụng ở trần gian, đọc bản chú giải kinh la sa của anh danh sĩ họ khuất người ta có thể đem bầy đàn của mình chia ra thành nhiều bầy đàn nhỏ hơn, nghĩa là loại bầy đàn nào xài kinh la sa cũng được, khi ta chú giải ra các thứ nghĩa lý trần gian, thì kinh la sa trở nên vật quí hiếm của đất nước a du na, tiên sinh là vị thánh sống, ngài thống lĩnh quốc dân nước a du na tôn vinh ta, và đòi nhường ngôi vua cho ta, anh danh sĩ đất bạt cứ cười thầm ở trong bụng, ta biết, nếu chỉ giả đò nhận lời nhường ngôi ấy thì thằng cha ấy sẽ lăn ra chết tức khắc, ai lại chẳng biết cái thói hám quyền hám lợi của đám vua chúa trần gian, vậy là bản chú giải kinh của ta trở thành vật sở hữu của ngài thống lĩnh quốc dân nước a du na, hằng ngàn người viết chữ tốt được triệu về kinh đô để sao chép bản chú giải, các sứ thần các nước đi lại kinh đô nước a du na như đi chợ, nói là để thỉnh kinh, nhưng thật ra là để làm một cuộc trao đổi hàng hoá, một cuộc thương mại hoá chữ nghĩa, nói rõ ra là các nước trên mặt đất đã đem những gỗ, sắt, vàng, bạc, sơn hào, hải vị đến a du na để đổi lấy bảng chú giải kinh la sa của ta, một người khi đã đến được nơi cả đời mơ ước thì người ấy sẽ rơi nước mắt vì vui sướng, ta là kẻ ấy, ta đã rơi nước mắt vì vui sướng khi đến nước phù tần trông thấy người ta đang xài cái chú giải kinh la sa của ta, một người ăn vận theo kiểu đạo sĩ đang quì, đội sớ văn, một vị đạo sĩ khác, ăn vận khác với vị đang quì, đang đọc kinh la sa, đúng hơn là đang đọc chú giải kinh la sa, hỏi mới biết, ở đất ấy người ta đã dựa theo chú giải kinh la sa mà lập ra đạo rau kham khổ, đang làm lễ rước ngẫu tượng về làm vật tổ, người quì là vị đạo trưởng đạo rau, người đọc kinh la sa là đạo trưởng của một đạo khác chuyên làm công việc đem chú giải kinh la sa phổ thành thơ ca để tụng niệm, còn ngẫu tượng trâu gặm cỏ là thỉnh từ một đạo giáo khác chuyên làm ngẫu tượng mà các hình mẫu là do cảm hứng từ kinh la sa mà có, ở đất ấy, người ta đã dần ta đến nhừ xương, bởi trong khi người ta đang nghiêm trang làm lễ rước vật tổ đạo rau, thì ta cứ nhảy cẩng lên mà reo vì không kiềm được niềm vui sướng, may mà có thằng cha học giả đã gặp ta ở a du na nói cho một tiếng, ngài ấy là kẻ đã làm ra chú giải kinh la sa đấy, người ta mới chịu thả cho ta ra đi,

 

[còn tiếp]

 

_________
SAU BIG BANG là cuốn tiểu thuyết thứ 8 của Nguyễn Thanh Hiện [1. Những Tháng Năm Nghiệt Ngã - 2. Trở Lại Xương Quơn (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2007) - 3. Vật Gia Bảo Của Một Dòng Họ - 4. Bên Này Trần Gian - 5. Người Đánh Cắp Sự Thật (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2008) - 6. Một Cách Nói Khác Của Niềm Khao Khát - 7. Rốt Cuộc Thì Bọn Họ Là Ai? - 8. Sau Big Bang - 9. Đâu Phải Là Ký Ức]. Sách này có thể xem như là một cuốn tạp thế sử, mà cũng có thể coi như những sấm ngôn của một vị thần nào đó có duyên nợ với nhân gian. Sách gồm phần Chính Biên, chép về một số nước trên mặt đất, và phần phụ lục Bạt Mạng Ký Sự, tự thuật về cuộc rong chơi bạt mạng của danh sĩ họ Khuất ở đất Bạt nước Lâm Bôn, cuộc rong chơi diễn ra vào năm thứ 14 tỉ lẻ 709 triệu sau big bang.

 

 

-----------

Đã đăng:

SAU BIG BANG [I]  (tiểu thuyết) 
... đằng sau mỗi tiếng khóc nhân gian là có hằng loạt những xô đẩy, những chen lấn, những cướp bóc, những hoán đổi, những mưu mô, những gian dối, những băng đảng, những nụ cười khả ố, những lời chói tai như tiếng sủa của lũ chó không còn đủ tư cách để sủa... (...)
 
SAU BIG BANG [II]  (tiểu thuyết) 
... “nhưng chẳng lẽ nhà ngươi không biết trường thành cao dày là đang làm cho cả nước ngộp thở hay sao?” “thưa, có biết” “nhưng chẳng lẽ nhà ngươi không biết khi cả đêm ngày tai óc bị nhồi nhét những lời giả dối thì con người trở nên điên cuồng ngu ngốc hay sao?” “thưa, có biết” “nhưng nhà ngươi chẳng biết những gì đang diễn ra là đang làm cho tri thức thối rữa, hơi thở con người chứa toàn tri thức thối rữa đã làm cho cá chết, lúa chết và cả người cũng chết hay sao?” “thưa, có biết”... (...)
 
SAU BIG BANG [III]  (tiểu thuyết) 
... ta chỉ có mỗi mong ước nhỏ nhoi là làm sao hiểu được, chỉ một phần nào thôi cũng được, rằng tổ tiên con người là ai, chẳng lẽ là cua, là cá, nhưng nếu chẳng phải là cá thì sao nay vẫn còn chuyện cá đẻ người, còn nếu như chẳng phải là cua thì sao nay vẫn coi bóng đêm như một thứ bí tích thiêng liêng, cả vận mệnh con người lẫn đất nước là đều được nói ra từ thứ đêm trường u ám... (...)
 
SAU BIG BANG [IV]  (tiểu thuyết) 
... các vị đứng đầu dân nước đã thay nhau trị nước trong vòng một trăm lẻ tám năm, cả thảy là mười một vị, để đủ sức làm công việc trị nước, các vị đã bán hết thảy rừng biển của bôn la mới có đủ tiền bạc để cung cấp thức ăn cho những chiếc bướu trên lưng các vị, cho đến lúc đã bán hết rừng biển trong nước thì nước bôn la của vị cầm quyền cuối cùng ấy chỉ còn bằng một cái xóm nhỏ... (...)
 
SAU BIG BANG [V]  (tiểu thuyết) 
... kẻ không có chữ thì có cái thú là đem những thứ mình mù đặc ra mà bình phẩm theo cái cách không có chữ của mình, vừa bình phẩm, theo cái cách mù đặc của mình, vừa cười cợt, cũng theo cái cách cười cợt của mình, cái thời mà nếu thu thập được hết các trước tác bằng mồm thì cũng đầy mấy nghìn kho lẫm, còn các trước tác trên giấy thì chẳng có lời lẽ nào diễn nổi, ôi, cái thời mà sách vở nhiều hơn lá mùa thu... (...)
 
SAU BIG BANG [VI]  (tiểu thuyết) 
... vua ku ki thứ 108 gọi đám quan dưới trướng của mình là đồ đểu, bởi chẳng có điều gì bọn chúng tâu lên vua là thật, ngược lại, trước vua thì bọn quan lại ấy một hai đều tung hô vạn tuế, nhưng sau lưng thì cũng chửi vua là đồ đểu, bởi bọn họ biết tỏng là vua đang lừa cả quan dân trong nước, cho nên thời vua ku ki thứ 108 các sách cổ sử còn chép là thời đồ đểu... (...)
 
SAU BIG BANG [VII]  (tiểu thuyết) 
... sách chép về những điều kỳ lạ trên mặt đất nói kỳ lạ thay giống người a tì ma la rằn ri, khi ngồi trên mặt đất thì hiền lành như đất, nhưng khi đã ngồi lên được trên ghế cao thì trở nên tàn nhẫn... (...)
 
SAU BIG BANG [VIII]  (tiểu thuyết) 
... cái giống dân mang trong mình thứ định mệnh trôi dạt ấy vốn hiền lành chất phác, nhưng rốt cuộc cũng đã học được cái cách áp bức trong những lần bị chiếm đóng, nghĩa là cái anh dân phi lu sa nào lên nắm quyền trị dân thì đều biết cách áp bức, có người đã thử tính, trong lịch sử của đảo quốc phi lu sa, ở trên đầu mỗi anh dân ngu khu đen phi lu sa có đến ba vạn sáu nghìn tầng áp bức... (...)
 
SAU BIG BANG [IX]  (tiểu thuyết) 
... vào một ngày mặt đất trở nên lạnh lẽo, ta nghe có tiếng kêu gào ở đằng trước, đây chỉ là kẻ đi tìm dung mạo của đất, ta nói, tiếng kêu bỗng dưng im bặt, và ta, kẻ đi tìm dung mạo của đất bỗng dưng nghe thấy toàn thể hình hài quá khứ, đấy là một ngày có tiếng thở hổn hển của người mẹ đang mang trong mình bao nhiêu thứ quí giá, sự dung dị, bộc bạch, và những lời trần trụi, chân tình... (...)
 
SAU BIG BANG [X]  (tiểu thuyết) 
... các vị nguyên thủ đất nước, dẫu gọi là vua, là hoàng đế, hay quốc trưởng, hay là gì gì, thì dường các vị đều thích làm công việc nhuộm như các vị công huân ở đất nước mạ mạ, bấy giờ thì việc nhuộm ở công quốc mạ mạ đã nổi tiếng trên toàn mặt đất, hầu như ngày nào cũng có sứ giả các nước cử đến mạ mạ để học cách nhuộm, có nước thì muốn nhuộm cho giống ý vua, có nước thì muốn nhuộm cho giống ý của một vị thần linh hay của một kẻ kiệt xuất nào đó... (...)
 
SAU BIG BANG [XI]  (tiểu thuyết) 
... Văn chương là cái vẻ sáng đẹp của con người, cho nên văn chương sẽ tàn phá hết thảy những gì không phải là văn chương... (...)
 
SAU BIG BANG [XII]  (tiểu thuyết) 
... ta vừa từ thuyền độc mộc bước lên bờ thì cái thằng cha râu ria như cỏ mọc từ hai mang tai vòng xuống tới cằm ấy đã dang cả hai tay ra đón chào ta như một vị anh hùng thắng trận trở về, hoan hô ông bạn từ đất liền mới tới... (...)
 
SAU BIG BANG [XIII]  (tiểu thuyết) 
... người ta nói cái giống vật thân thiết với con người này vốn ở trên rừng, là chó hoang, có bầy đàn đường hoàng, biết hợp sức nhau để chống lại những con thú hoang hung dữ khác, có khi chống lại một con sói hung hăng, có khi chống lại một con gấu đang đói, chống bằng cách đứng chụm đít lại nhau, xoay đầu ra bốn phía, và nhe răng ra mà sủa, người ta bảo chính là con người đã bắt chước cái cách lập bầy đàn của chó, nhưng lại chẳng biết sủa theo cái cách của chó, tức là cái cách sủa sao cho con sói con gấu phải bỏ đi chỗ khác, chẳng bắt chước được cái cách sủa ấy, nên con người cứ sủa theo cái cách của con người... (...)
 
SAU BIG BANG [XIV]  (tiểu thuyết) 
... và chẳng còn gặp một ai, một đất nước trống rỗng, thằng cha chủ xe chó thở dài, nói, và cho xe chạy thẳng tới hoàng cung, chẳng còn ai, ngoài vị vua vừa mất, thần dân đang ngồi buồn bã trên ngai vua... (...)
 
SAU BIG BANG [XV]  (tiểu thuyết) 
... và tất nhiên là ta phải giã từ cái xứ sở buồn thảm ấy, phải giã từ người bạn đường tri kỷ không dễ gì gặp lại, cốt là để cho cuộc rong chơi của ta giữ được cốt cách hào hoa của nó, nghĩa là không được để cho bất cứ thứ nỗi buồn nào len vào nó, và cũng do là để giữ cái cốt cách hào hoa ấy mà ta phải dừng chân quá lâu ở cái xứ sở lắm rắn ấy... (...)

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021