thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Eo vì [1 & 2]

 

[trích tiểu thuyết THÁNG TƯ VÔ LÝ]

 

1.

 

“Đàn bà Việt Nam khổ như chó”, nó bất ngờ tuyên bố, mắt nhìn vào ly cognac vừa được rót đầy, lềnh bềnh mấy viên đá cục còn lại từ những lần trước. L định hỏi xem nó có biết câu “Nhà văn An Nam khổ như chó” của Phan Khôi, rồi lại thôi vì rất có thể nó sẽ hỏi lại Phan Khôi là thằng cha căng chú kiết nào, công an phường Đồng Xuân hay bến xe Kim Mã?

Lúc đó là một tối tháng Tư, L và nó đang ngồi trong quán bar khách sạn Marriott tả ngạn Paris quận 14. Quận 14 chỉ giáp ranh thôi chứ chưa phải là quận 13 quận chủ lực của người gốc Á, nên khách sạn bên này nhỉnh hơn bên kia vài giá. Năm ngoái, sau nhiều lần bị khách hàng đưa ra nhận xét có phần tiêu cực, đại để chúng tôi đóng tiền đi du lịch Paris chứ có đi du lịch Chợ Lớn hay Kuala Lumpur đâu, thì công ty Viet Voyage đành đổi từ khách sạn 4 sao đại lộ Vincent Auriol sang khách sạn 4 sao đại lộ Saint-Jacques.

Những người khác đã lên phòng ngay sau bữa tối. L ra tới cửa, bỗng nghe có tiếng gọi với theo: “Gì ơi cho hỏi một cái!”. Quay lại thì thấy nó. Đoàn lần này hai mươi bảy người, toàn nữ, các nữ doanh nhân thành đạt của câu lạc bộ Nữ Doanh Nhân Thủ Đô, không biết có ra quyết nghị trước hay không mà đồng loạt xách túi Louis Vuitton và đi giày gót nhọn đế đỏ. Giá như nó đi giày bata đế kếp, hay giày da Ý đế xuồng, hay giày búp bê đế bệt, và bước nhanh hơn những người khác một chút, một chút thôi, thì L đã để ý tới nó. Nó bảo: “Vào uống cái gì đi!”. L nhìn đồng hồ rồi gật đầu. May mà nó không đòi vẫy tắc-xi đi shopping. Giờ này chỉ còn vài tiệm mỹ phẩm của Hoa kiều là có khả năng mở cửa, nhưng muốn tới cũng phải gọi điện kiểm tra trước, với lại chưa chắc nó đã chịu. Trong nước mới sang cứ nghe thấy từ “Hoa kiều” là giãy nảy bảo hàng nhái, còn Hoa kiều thì chưa nghe thấy từ “hàng nhái” đã bật như lò xo bảo không phải. Cuộc chiến Việt-Trung không phải ở Lạng Sơn hay Hoàng Sa, Trường Sa, mà ở cửa hàng mỹ phẩm Benlux trên phố Rivoli. Lần gần nhất cách đây đã vài năm. Một anh ở đoàn quân y muốn mua kem chống nhăn biếu vợ sếp, hỏi Shiseido thật hay giả mà nhang nhác kem bán buôn ở cửa khẩu Hữu Nghị. L vừa dịch xong, chị bán hàng đã bật như lò xo rồi tuôn một tràng tiếng Việt: “Thôi thôi mời về Diên Nản mà bôi sáp nẻ nhé, Lancôme xịn của người ta lại bảo hàng nhái là thế nào”. Hóa ra chị bán hàng gốc Hàng Buồm, nhỡ mang họ Lý nên năm 1979 cả nhà phải đi xe tải xuống Quảng Ninh, rồi từ Quảng Ninh chèo thuyền sang Hồng Kông, rồi từ trại Samsuipo leo máy bay sang Pháp, bao nhiêu lâu vẫn chưa quên gió nồm Hà Nội và mỹ phẩm duy nhất cửa hàng mậu dịch bách hóa tổng hợp Tràng Tiền. Nhưng đấy là chuyện ngày trước. Thời gian sau này, các bác sĩ quân y tích cực chữa bệnh thừa đường trong máu và thừa mỡ trong gan cho các đại gia, không chỉ các đại gia của ngạch quân đội, nên cũng thành luôn đại gia. Kết quả là còn mỗi đoàn Thương binh Xã hội hay đoàn Đo đạc Bản đồ là chưa thành đại gia. Nhưng trong lúc chờ đợi để thành đại gia, trường hợp cực bất đắc dĩ mới thèm ghé các tiệm mỹ phẩm của Hoa kiều. Cũng chỉ để mua quà cho hàng xóm, công an phường và đồng nghiệp cùng phòng. Chứ cho sếp và vợ sếp, cho cô giáo chủ nhiệm của con trai và thày trưởng khoa của con gái, thì vẫn cắn răng vào duty free sân bay Roissy để bị chặt đẹp.

Nó tiến đến một bàn bên cửa sổ nhìn ra đại lộ Saint-Jacques nhu nhú lá non, người xe mắc cửi. Tháng Tư, bên kia nắng đổ lửa, bên này mới đầu xuân. Nhưng tháng Tư nào cũng vô lý như tháng Tư nào. Vừa ngồi xuống, nó rút iPad phiên bản Wi-fi 16 GB đặt lên mặt bàn rồi hất đầu về phía L: “Làm tí gì cho đỡ nhạt miệng!”. L chưa kịp định thần, nó đã quay ra gọi bồi bàn: “Two X.O., please!”.

À, nó biết tiếng Anh, “pờ-li-zờ” đàng hoàng chứ không đến nỗi “bờ-ní” như đoàn Thanh tra Ngân hàng tháng trước hay “pi-li” như đoàn Tổng cục Dầu khí cách đây hai năm. Buổi sáng, trên đường từ sân bay về khách sạn, chị trưởng đoàn đã kịp thời tâm sự:

- “Các chị ở đây đều là các nữ đại gia. Nhà đất, xây dựng, ngân hàng, chứng khoán, đông dược, tân dược, thủy sản, lâm sản, văn phòng phẩm, sữa bột trẻ em... Nhưng học hành thì nói thật với em là chỉ có mỗi một người hết phổ thông em ạ”.

Cả đoàn không ai buồn phản ứng. L có phải là đối tác làm ăn hay nhà báo, phóng viên truyền hình đâu mà các chị cần khoe bằng cấp. L im lặng, ngẫm nghĩ không biết có nên giới thiệu vài câu về đoạn đường mà xe đang đi ngang. Chị trưởng đoàn lại tâm sự thêm: - “Các chị cũng chẳng cần khoe bằng cấp với ai. Chẳng ai cần khoe với ai. Khoe đất khoe vàng chứ ai khoe bằng cấp thời buổi này”.

Chị phó đoàn lúc đấy mới lên tiếng:

- “Thời buổi này bằng cấp vô tư. Hy sinh một eo vì không cần đời chót là đủ dịch vụ trọn gói một bằng tiến sĩ. Thạc sĩ thì không đến. Chỉ chục triệu nếu đã có cử nhân”.

L giật mình, dù đã biết eo vì có nghĩa gì trong từ điển tiếng Việt đương đại. Chị phó đoàn tiếp tục:

- “Chưa có cử nhân thì gấp đôi, còn chưa có phổ thông như các chị cùng lắm là gấp ba. Nhưng đại gia đã chơi thì không chơi lặt vặt, nên các chị đều đã đút túi tiến sĩ từ lâu”.

Chị vừa dừng, một chị khác không rõ mặt, nói vọng từ cuối xe:

- “Tiền nào của nấy, eo vì nếu không tiến sĩ kinh tế tài chính thì cũng tiến sĩ công nghệ thông tin hay tiến sĩ quản trị kinh doanh hay cả hai, thậm chí cả ba, kèm Anh văn bằng C”.

Hai chữ eo vì vẫn khiến L giật mình và không biết đáp lại ra sao. Một chị khác nữa, chẳng biết từ góc nào, dõng dạc tuyên bố:

- “Pháp văn và Nga văn thôi quên đi cho đỡ bị mang tiếng là lỗi hẹn với lịch sử!”.

Cuộc đối thoại về đề tài bằng cấp có lẽ còn kéo dài và thu hút được những người khác trong đoàn, nhưng xe đã đỗ xịch trước cửa khách sạn và chị trưởng đoàn kết lại một câu:

- “Cùng lắm là một lần hy sinh eo vì. Sao bọn Tây nghĩ ra lắm thứ xa xỉ phục vụ phụ nữ thế không biết em nhỉ”.

Nó làm một ngụm hết nửa ly cognac rồi cúi xuống tháo đôi giày đế đỏ đặt sang bên cạnh, lúc này L mới để ý mười ngón chân của nó húp híp như mười con tôm luộc, mười móng chân sơn đen nhũ bạc, hai móng cái có hai bông tuy-líp mạ vàng chen giữa lá xanh, còn màn hình iPad thì loang loáng tháp Rùa, bên này là Hàm cá mập khấp kha khấp khểnh, bên kia là đèn nê-ông và hoa sen nhựa. Không biết có phải được chụp nhân đại lễ Nghìn Năm Thăng Long Hà Nội vừa rồi.

Nó đưa tay lướt nhẹ lên màn hình. Tháp Rùa biến mất, nhường chỗ cho một biểu đồ nền đen có ba đường cong queo không rõ hình gì, rồng một đầu hay rồng hai đầu, rồng Việt Nam hay rồng Trung Quốc. Nó đưa tay lướt nhẹ thêm cái nữa. Đến lượt biểu đồ biến mất nhường chỗ cho hàng chữ in đậm: “Sau khi bùng nổ vào buổi sáng, vàng lại đột ngột lao dốc gần về cuối trưa, USD đứng ngưỡng 20.850 VNĐ”. Giá vàng và ngoại tệ mạnh khiến nó có vẻ trầm ngâm.

Nó làm thêm ngụm cognac nữa.

Nhạc chuông bất ngờ vang lên tèng teng. Cả bảy khuôn mặt không quen cùng quay lại, rồi lập tức lại cùng quay đi. Nó vùng vằng rút từ túi Louis Vuitton một chiếc iPhone 4 trắng muốt (từ điển tiếng Việt đương đại gọi là “táo cắn dở”, giá gốc là 599 đô, nghe nói về tới thành phố Hồ Chí Minh thành 32 triệu Việt Nam đồng, về tiếp đến thủ đô thì thêm 2 triệu nữa). Nhưng nó chưa chịu bấm nút nghe ngay mà cứ để Tuấn Ngọc nỉ non “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa, cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh…”. Sở thích âm nhạc của nó, L không giật mình. L từ lâu đã không còn giật mình nếu giữa lâu đài Versailles hay trên đỉnh đồi Montmartre, vài chiếc “táo cắn dở” trắng muốt bỗng nhất loạt tèng teng “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa”.

Bàn bên, một anh tre trẻ tóc vàng, áo polo kẻ, có vẻ Bắc Âu, tai thì dỏng còn miệng cười mím chi. Mím chi ở Paris quận 14 thì vô tư chứ ở Hà Nội thế nào cũng được vài nữ phóng viên mang mi-cờ-rô lại gần duyên dáng giao lưu: You like vietnamese music? Cứ tưởng cười mỉm một cái cho thêm phần ga lăng, nào ngờ hôm sau lại được ngắm chân dung vuông vắn trong Thể thao-Văn hóa, bên cạnh là bài báo cũng vuông vắn “Khách Tây ca ngợi hết lời nhạc nhẹ Việt”. Bên dưới là hàng trăm còm men hổn hển tự hào, sột soạt mùi soa.

 

2.

 

- “Biến đâu cả ngày mà giờ mới gọi?” nó nói, mắt không rời ly cognac.

Ờ, L cũng nghĩ, 9 giờ tối ở đây là 2 giờ đêm Việt Nam. Giờ này Hà Nội từ khi New Century bị cảnh sát đặc vụ bất ngờ xông vào bắt lên xe tải bịt bùng cả giám đốc, phó giám đốc, lẫn mấy chục cân thuốc lắc và hơn một nghìn dân chơi, trong đó một nửa là các ngôi sao của làng giải trí, thì các vũ trường và quán bar đều ân cần mời khách ra khỏi cửa vào lúc nửa đêm. Chỉ có các khách sạn mini là êm đềm bên ngoài mà lại dậy sóng bên trong, nghe nói mấy năm nay lấn cả ra khu bờ đê lướt mướt cỏ dại. Từ xa thoảng tiếng lào xào ngắt quãng như thể “gió sông Hồng thổi, áo len cài vội” của nhạc sĩ gốc Hà Nội Dương Thụ tinh đời.

- “Cho lái xe nghỉ để hú hí chân dài?” nó hỏi, giọng không đổi.

L nhìn chiếc iPhone 4, giá như biết được đầu kia là ai mà có người cầm tay lái và mở cửa xe phục vụ cả ngày lẫn đêm, điệu này không thứ trưởng có lẽ cũng đại gia, cả vợ lẫn chồng đều đại gia thì kể hơi hiếm (ít ra cũng hiếm hơn đại gia – hoa hậu). Rồi L lại nghĩ có thể lái xe nó thuê để kiểm soát chồng cho tiện, hai triệu một tháng còn hơn là cứ vài tháng lại hơn chục triệu cho thám tử tư, mà chồng vẫn dính chân dài, không hiểu làm sao lại toàn chân dài gốc nhà quê. Trong phong trào chỉ trích người nhà quê đang diễn ra khá sôi nổi ở Hà Nội hiện nay, phụ nữ Hà Nội đã chỉ trích thế này: gái quê ra Hà Nội có hai nghề, chân dài làm trước và vợ lẽ làm sau. Gái quê chẳng ai buồn phản ứng. Người nhà quê ngày càng tỏ ra thích hợp với kinh tế thị trường.

- “Chưa buồn về nhà xem con mấy điểm?”, nó tiếp tục nói vào máy.

L suýt bật cười. Ôi lại học hành. Người Việt cả nhà quê lẫn Hà Nội, hoàn cảnh nào cũng hiếu học. Đầu kia trả lời ngay lập tức, có vẻ thẳng thừng phản đối, này đừng có động đến chuyện học hành thiêng liêng.

- “Thế thằng nào đang đú ở Cầu Đất hầu teo?”, nó đập lại đanh thép.

L suýt bật cười lần nữa. Từ vựng Hà Nội bây giờ chín mươi phần trăm do người nhà quê cung cấp.

Đầu kia, những tiếng lào xào xa vắng tắt hẳn. Như thể gió sông Hồng cũng bất ngờ ngưng thổi. Im phăng phắc không biết bao lâu. Căng thẳng đến độ anh tre trẻ tóc vàng Bắc Âu, áo polo kẻ bàn bên, cứ chốc chốc lại hướng về phía chiếc iPhone 4. Cặp mắt mở to lo lắng hóa ra xanh lơ và trong veo. Nó quay sang lườm cho một cái rồi nhón ngón tay trỏ lướt nhẹ lên màn hình iPad. Hàng chữ in đậm trang trọng lúc nãy nhường lại chỗ biểu đồ nền đen với ba đường cong queo. Không hiểu có phải vì ba đường cong queo giờ đây có vẻ cong queo hơn, mà mặt mũi nó lại càng thêm trầm ngâm. Trán nó xuất hiện một đường cũng cong queo không kém.

Nó làm thêm ngụm cognac nữa.

Một lúc sau nó như chợt tỉnh. Quẳng điện thoại vào túi, nó nói vào khoảng trống trước mặt: “Thế là đi tong năm chục lạng”.

Đầu kia có lẽ chỉ kịp nghe được một nửa. Nhưng nó kệ xác. Nhìn ra phía cửa sổ, nó lắc đầu. Cầm ly cognac lên, nó uống ừng ực và cũng như mọi khi chỉ chừa lại mỗi mấy viên đá cục. Bồi bàn đi đến, nó ra hiệu rót đầy ly, rồi tiếp tục ngửa cổ làm một hơi hết sạch. Quay về phía L, nhìn vào mắt L - lần đầu tiên từ lúc vào quán - nó nhắc lại cái câu bất hủ lúc nãy: “ Đàn bà Việt Nam khổ như chó!”

L giật mình. Ánh mắt nó L thấy quen quen. Hay nó cùng học phổ thông với L mà L không còn nhớ. Từ hồi đi làm cho Viet Voyage, không ít lần L tưởng tượng có ngày bất ngờ gặp một đứa bạn học cũ. Nhất định sẽ tay bắt mặt mừng. Vẫn gầy như ngày xưa nhỉ. Không trắng ra mấy nhỉ. Sau đó sẽ nhìn L ái ngại: “Tao tưởng mày sang Tây thành bác sĩ kỹ sư, về thăm nhà thì thành trí thức Việt kiều yêu nước, bạn bè thầy cô còn tự hào, chứ ai lại hướng dẫn viên du lịch thế này, hay bỏ đây cắp cặp làm thư ký cho tao, tao trả chục triệu một tháng, rồi xem có mảnh đất nào hay hay tao cho vay vốn mà đầu tư, vài năm vài mảnh thì phất ngay, nhà mình bây giờ khác xưa nhiều lắm, người Việt đương đại giàu bằng vạn lần Tây”… Nhất định sẽ thế thôi. Chẳng thể nào khác được. L biết trước là bạn cũ, người quen, bất kỳ ai nếu gặp L cũng sẽ nói như thế hay đại loại thế. Rồi L lắc đầu. Bạn cũ, người quen, nói hay không quan trọng nỗi gì. Chẳng cần nhờ bạn cũ và người quen thì L cũng đã nghe chán chê những bài ca ái ngại kiểu này. Bố mẹ L, chị gái L, còn ái ngại gấp trăm lần, ái ngại nhất là ba lăm tuổi tây ba sáu tuổi mụ mà vẫn chưa có “thằng nào” đem về ra mắt họ hàng, để họ hàng đỡ cứ gặp bố mẹ L là đòi xem ảnh con rể tương lai người Pháp, có biết ăn mắm tôm hay không, lương mấy chục nghìn ơ một tháng, bao giờ làm thủ tục đón bố mẹ vợ sang chơi ... Thú thật L cũng nghĩ chán chê rồi nhưng chẳng biết dẫn ai về ra mắt bây giờ? X mới quen, chưa biết sẽ đi đến đâu. S thì quen đã lâu, nhưng biết ngay từ đầu là chẳng đi đến đâu, chưa kể là hứng lên lại thủ thỉ răn đe: “bỏ cái nghề hướng dẫn viên du lịch của em đi mà kiếm việc gì chắc chắn, hợp đồng dài hạn, về già được lương hưu, chứ kiểu này suy thoái kinh tế thế giới, Việt Nam chết đầu tiên, đại gia đi tù hết, chẳng ma nào du lịch Pháp thì có mà thất nghiệp sớm thôi”.

L nhìn nó. Mắt nó ngấn đỏ, không hiểu có phải do mấy ly cognac vừa uống? hay mất ngủ? hay khóc nhè? hay thuốc an thần? hay thuốc suy nhược thần kinh? Giá như mắt nó không đỏ thì cũng không đến nỗi, ít ra da cũng đỡ thâm hơn hay trán đỡ giô hơn, hay lông mày đỡ xếch hơn hay mũi đỡ nở hơn, chẳng hạn thế. Chị gái L, lần nào ca xong bài ca ái ngại về đường chồng con của L cũng thở dài bảo: “Mà lấy chồng sớm cũng chết, tuổi em ở Việt Nam coi như đã phải nhường chồng cho chân dài gốc quê”. Lần nào L nghe xong cũng im lặng và lần nào chị gái L cũng thở dài một lượt nữa rồi tuôn một tràng: “Nhiều trường hợp đã nhường chồng cho chân dài mà vẫn phải tốn ối tiền cho các spa và các thẩm mỹ viện. Để tắm trắng, bơm ngực, hút mỡ đùi, cắt da bụng, chống thâm vùng bẹn, thu nhỏ nhũ hoa… Lắm mốt lằng nhằng lắm em ạ”.

Chị gái L bỏ máy. Nhưng L biết chị tế nhị không nói ra, chứ hàng ngày tám giờ vàng ngọc ở văn phòng làm gì chị không hay mốt mới bây giờ là trẻ hóa vùng kín mà các dịch vụ quảng cáo gọi một cách bí ẩn rất khoa học là tạo hình thẩm mỹ tầng sinh môn, với một lập luận hết sức thuyết phục: “Không có phụ nữ xấu chỉ có phụ nữ không biêt làm đẹp. Là phụ nữ ai lại không muốn mình trở nên đẹp và đáng yêu hơn trong mắt chồng mình. Để có được điều đó, ngoài việc làm đẹp vóc dáng, khuôn mặt bên ngoài thì làm đẹp bên trong, những vùng mà chỉ có chồng của họ mới có được và được phép nhận xét, đánh giá về cái đẹp. Thẩm mỹ phụ khoa - Thẩm mỹ vùng kín (Cosmetogynecology - Pubisplasty) chính là việc làm đẹp của người phụ nữ dành riêng cho những người họ yêu thương nhất - người bạn đời - người chồng - người tình và chỉ người đó được nhìn thấy kết quả sau khi người phụ nữ tân trang lại vùng kín”.

Ừ thì nó không đẹp và rất có thể là con mồi béo bở của các thẩm mỹ viện giải phẫu nhưng L không phải là loại tác giả nhăm nhăm chọn kiều nữ làm nhân vật như các đại gia cương quyết tuyển chân dài làm thư ký. Nên L nhìn ra cửa sổ có lá non đang nhú. Người ta vẫn bảo rượu vào lời ra. Nhưng nó chẳng có vẻ gì là đang muốn trút bầu tâm sự. Của đáng tội, L cũng thấy thế làm mừng. Thử tưởng tượng bây giờ mà nó bật khóc, vai gầy rung rung (nó mà đi karaoke thì chín mươi chín phần trăm là chọn nhạc Trịnh, bắt đầu bằng Diễm Xưa): “Tao bất hạnh lắm mày ạ, cả ngày chỉ biết lo giá vàng giá đô cho chồng cặp kè chân dài gốc quê”, thì L biết làm gì với nó ? Trong các ngành nghề trên đời, L vẫn tự bảo, trở thành chị Thanh Tâm có lẽ là lựa chọn cuối cùng. Rồi L lại nghĩ chắc gì nó đã cần tới mình làm chị Thanh Tâm. Thời buổi kinh tế thị trường, có cầu thì khắc có cung. Trước nhu cầu tâm sự ngày càng tăng và đa dạng của người Việt đương đại, các văn phòng tư vấn tình cảm gia đình mọc lên như nấm ở Hà Nội và Sài Gòn, bỏ ra trăm nghìn đồng là có quyền trút bầu tâm sự vào một chuyên viên đỗ bằng tiến sĩ tâm lý xịn, thậm chí tốt nghiệp nước ngoài về. Các chuyên viên tâm lý, sau khi đã nhận những bầu tâm sự đủ kiểu của khách hàng, cũng phải tìm cách trút bầu tâm sự của chính mình vào một nơi nào đó. Do vậy mà không ít lần độc giả được nghe các chuyên viên tâm lý lên báo tâm sự rằng, nói cho cùng, thủ thỉ gỡ rối tơ lòng cho các chị em mà được thanh toán sòng phẳng theo giờ còn hơn là lên giảng đường khản cổ. Khản cổ nhưng sinh viên vẫn chơi game trên điện thoại tay cầm. Cũng chẳng thể gạ gẫm hay dọa nạt đứa nào để mở lớp luyện thi đại học cấp tốc. Từ ngày mua điểm trở thành chuyện thường ngày ở huyện thì các lớp luyện thi cũng mất giá từ từ.

Đường phố thưa dần. Những búp lá trở nên trong vắt dưới ánh đèn vàng. Đôi khi một đoàn tàu ì ạch trên cầu, toa nào toa nấy đèn bật sáng trưng. L không thể không nghĩ tới những bể cá di động giữa đêm, trong những bể cá ấy là hành khách rũ rượi sau một ngày vật vã kiếm cơm. Kiếm cơm đúng với cả nghĩa đen chứ không phải kiếm bánh mì hay kiếm hạt couscous: xuống bến Place d'Italie ngay sau đây một bến là bắt đầu vào quận 13, rồi đi một chút về phía Nam, đi bộ, đi buýt hay tiếp tục ngồi tàu điện ngầm thì vẫn đến ranh giới của Chinatown. Phố Tàu Paris là tam giác ba đại lộ Ivry, Choisy và Massena, viền quanh mấy chục tòa nhà chọc trời màu xanh sĩ lâm, tâm điểm là khu thương mại Olympiades, mái cong như mái chùa Tàu, trên nền bê tông bốn bề gió thổi. Phố Tàu Paris hai tư giờ một ngày ngập trong các hương vị chả giò, vịt quay, há cảo và cơm chiên Dương Châu, để phục vụ nhu cầu ẩm thực Á châu của người Pháp đương đại, và đáp ứng khủng hoảng kinh tế - tài chính của toàn bộ châu Âu.

Cuối cùng, nó đứng lên thu dọn iPad và iPhone sau khi đã quay lại trang giavang.net ngắm nghía một lần nữa cái biểu đồ nền đen có ba đường cong queo khó hiểu. Xong xuôi, nó lẳng lặng làm nốt ly cognac của L từ lâu chẳng còn cục đá nào. Hai chân nó loạng choạng trên đôi giày gót nhọn. Dù sao thì cả thảy 5 ly đầy cũng đã đi vào bụng nó - loại ly 39 cl hình hoa tuy líp chuyên để uống cognac - nếu trừ đá cục, vẫn còn xấp xỉ một lít rượu không dưới 40°. Nó loay hoay mãi mà không nhét nổi cái iPad 4 vào túi, nhưng khi L tỏ ý giúp thì nó xua tay. Mười móng tay sơn đen lấm tấm nhũ vàng như mười con bọ hung chập chờn trong ánh đèn nhàn nhạt của quán bar. Mắt nó lúc này càng thêm đỏ. Và trông rất đáng ngờ. Nhưng L tự nhủ có thể là do L chưa từng gặp đàn bà say. Rồi chính nó lại là người động viên L. Nó nháy mắt và lúc lắc người tuy trong quán chẳng có chút nhạc nào. Đánh lông mày về phía vị du khách Bắc Âu trẻ tuổi, áo polo kẻ, nụ cười mím chi vẫn thường trực trên môi, nó bảo: “Thằng cu này trông kháu phết, tiếc là tao đang ngán đàn ông đến tận cổ”. Hơi thở của nó nồng nặc mùi rượu.

L theo nó đi ra cửa, vừa đi vừa nghĩ may mà nó không đề nghị dịch hộ câu này.

Cho tới lúc hai người chia tay ở chỗ đợi thang máy của tầng, nó lại im như thóc. Hành lang vắng tanh. Bóng nó làm một hình ngoằn nghoèo mờ mờ trên sàn đá hoa bóng nhãy, còn mái tóc bù xù của nó thì bị đèn điện chói chang nhuộm vàng như rơm. Khách sạn không một tiếng động. Thảm họa động đất và sóng thần tháng trước ở bờ biển miền Đông nước Nhật đã khiến ngành du lịch Pháp mất một số lượng kha khá du khách ví dày. Nhiều công ty lữ hành đang tìm cách chinh phục du khách Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nhưng quyết định là phải thay đổi toàn bộ chương trình. Khách Hoa, khách Nhật khác nhau như trời với vực.

Thang máy tới, không nhìn L, nó cúi đầu bước vào. L có cảm giác nó đi vào tận góc trong cùng của thang máy. Chẳng hiểu để làm gì. Dù sao thì cũng chỉ có một mình nó bên trong.

Đồng hồ chỉ 12 giờ đêm Paris. 5 giờ sáng Hà Nội.

 

[còn tiếp]

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021