thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Eo vì [3 & 4]
[trích tiểu thuyết THÁNG TƯ VÔ LÝ]

 

Đã đăng: Eo vì [1 & 2]

 

3.

 

Tối hôm sau L lại có dịp kiểm tra tửu lượng của nó. Không phải ở quán bar của khách sạn Marriott đại lộ Saint-Jacques mà quán Le 37 V, loại vừa, cách nhà hát Lido vài trăm mét. Thuộc khu Champs Elysée nên Le 37 V cũng tỏ ra chịu chơi. Quảng cáo trong trang vàng danh bạ điện thoại là tối thứ sáu hàng tuần có nhạc sống và nhảy đôi. Bên cạnh là hình chụp dàn hầu bàn cả nam lẫn nữ, đồng phục mỏng như cánh chuồn, vừa bưng khay vừa nhún nhảy điệu nghệ, xung quanh hoành tráng dàn đèn strobe light (theo Google, là để tạo hiệu ứng sôi động và cao trào). Đến nơi, nhìn khách đứng đợi trả tiền vào cửa (mỗi người ba mươi euro cho nhạc và nhảy, đồ uống thì tính sau), L mới hay đây là chỗ tụ tập thường xuyên của dân độc thân trung niên. Nhưng chẳng lẽ rủ nó bỏ đi. Mà đi đâu vào giờ này? Với lại, nếu sở thích của nó tối qua là phi công trẻ Bắc Âu tóc vàng, không chừng tối nay sẽ là âge mûr tuổi đằm tóc muối tiêu nhuộm. Ít ra thì nó cũng không phản ứng gì ra mặt. Mặt nó không đánh phấn trắng như mặt nạ Nhật Bản. Hà Nội bây giờ nghe bảo chỉ gái quê còn đang giai đoạn ô sin là vẫn ham trắng.

Quán rộng, trần cao, được trang trí theo kiểu một Gentleman Club với rèm cửa nhung đỏ, đi-văng chesterfield da dày cộp, sàn đá hoa ô vuông đen trắng và một quầy bar dài ngoằng xếp đầy ly thủy tinh cùng các loại rượu mạnh. Trên tường treo chân dung các minh tinh màn bạc thế giới những năm 60 thế kỷ trước. Họa sĩ có vẻ thích biếm họa và yêu súc vật nên Brigitte Bardot tóc vàng như lông chó ngao Tây Tạng, mắt xếch như mắt chó cảnh Nhật Bản, nhưng toàn cục thì không khác gì chó nhà Bắc Kinh. Góc phòng bên trái là sân khấu tí hon. Ngay trước sân khấu là sàn nhảy cũng tí hon, dàn đèn strobe light (chỉ hoành tráng bằng một phần ba so với hình quảng cáo) vẫn đang đợi đến cao trào để được bật lên.

Nó lại chọn một bàn gần cửa sổ tuy không thể ngó ra ngoài vì đi văng quay lưng lại cửa sổ, còn bản thân cửa sổ thì cũng che rèm kín mít. Không xem thực đơn, nó vẫy bồi bàn rồi gọi luôn:

- “Two VS, please!”

Bồi bàn hơi trợn mắt. Nó điềm nhiên nhắc lại:

- “Two VS, please!”

L tự hỏi không biết có phải nhân chuyến du lịch ba ngày Paris nó kiên quyết thử hết các loại cognac Hennessy chính gốc xem thế nào chứ chai lít rưỡi ở Hà Nội gần chục triệu đồng mà vẫn sợ bị mua phải hàng nhái. Các đội quản lý thị trường của thành phố Hồ Chí Minh mỗi tuần phát hiện một điểm sản xuất rượu giả qui mô lớn, điểm nào cũng thành thực thú nhận là chuyên để phục vụ khách hàng Hà Nội. Người Hà Nội nghe xong rất phẫn uất, đến độ báo chí phải vào cuộc, làm trọng tài. Một nhà báo có lẽ gốc nhà quê, nhưng tỏ ra nắm rõ tình hình và biết cách phân tích hợp tình hợp lý, đã phân tích như sau: “Thực lòng mà nói, cognac nhái của thành phố Hồ Chí Minh chuyên để phục vụ khách hàng Hà Nội, nếu đem so với cognac nhái của các tỉnh phía Nam chuyên để phục vụ khách hàng các tỉnh phía Bắc, thì vẫn còn thuộc diện đẳng cấp, nghĩa là tuy cùng san chiết từ cồn 90°, nước màu và hương liệu (trong đó có cả ngũ vị hương made in Chợ Lớn) nhưng chưa đến nỗi bị san chiết trong nhà vệ sinh ngay cạnh bồn cầu”. Người Hà Nội nghe xong cũng hạ cơn phẫn nộ (trên thực tế mọi cơn phẫn nộ của người Hà Nội đều kéo dài không quá ba ngày) và suy luận một cách rất ư Hà Nội: bồn cầu Việt Nam thì yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội đến mấy cũng phải công nhận là có cho người Hà Nội hay người nhà quê, miền Nam hay miền Bắc, 99% triền miên trong tình trạng thiếu nước, thiếu giấy và thừa mùi.

9 giờ 15 phút sáng nay, cả đoàn cuối cùng cũng tập trung được ở sảnh chính của khách sạn, chuẩn bị bước lên xe thì một chị váy da báo, kính gọng vàng, tự giới thiệu là hoạt động trong lĩnh vực lâm sản, đứng lên hỏi: “Chương trình có Lido không em?”. L lắc đầu. Có cung điện Versailles, lâu đài Fontainebleau, du thuyền sông Seine, nhà thờ Đức Bà, đồi Montmartre, bảo tàng Louvre, mua sắm tự do ở Louis Vuitton, Printemps và Bon Marché nhưng không thấy ghi nhà hát ca kỹ Lido. Lý do thế nào thì L không rõ. L chỉ là lính bảo đâu đánh đấy. Đoàn có nhận xét gì xin mời đưa lên ban giám đốc Viet Voyage.

Chị lâm sản trợn mắt: “Nói để em biết, chị đi Paris lần này là lần thứ năm, bốn lần trước chẳng Lido thì cũng Cối xay gió đỏ”. L gật đầu, vào những nơi ấy không bao giờ không gặp khách Việt Nam dựa vai nhau ngủ gật. Những người khác trong đoàn im như đại hội đảng, mặt mày ngây ngây, có vẻ đang bận tiêu hóa một bữa sáng nhiều đạm và đường. L chợt nhớ lúc nãy vào phòng ăn kiểm tra, vẫn còn ba chị ngủ dậy muộn đương cần mẫn ngồi kẹp giăm bông, xúc xích, thịt muối và trứng luộc vào bánh mì, sau khi đã quết đẫm bơ và sốt mayonnaise. Thấy L, các chị vui vẻ giơ cho xem mấy lọ thuốc giảm béo không đề mác, nhưng ghi là sản xuất tại Nhật Bản, có hiệu quả nhanh, đối tượng sử dụng nữ giới tuổi từ 16 đến 65, tuần giảm từ 2 đến 3 ki lô tùy cơ địa và bảo đảm không có tác dụng phụ. Sau đó L còn phải đợi cho tới lúc mỗi chị kết thúc điểm tâm bằng một cốc sữa nóng pha đường viên và mứt dâu tây đặc.

Chị lâm sản khoe xong mà không được ai khen cho câu nào thì e hèm một cái. Cuối cùng ai đó cũng lên tiếng bình luận, tuy có vẻ chẳng nhiệt tình lắm:

- “Mấy trò này nghe nói dành cho đám đàn ông”.

Chị lâm sản hình như chỉ đợi vậy, vừa chém tay vào không khí vừa tuyên bố:

- “Ấy thế nên tôi mới đề nghị chị em đoàn ta đi xem thử dịp này”.

Chẳng ai phản ứng. Mấy phút sau, một chị khác phát biểu bâng quơ:

- “Cái món cởi truồng thì không đâu bằng bọn Chiang Mai”.

- “Lido là văn hóa nghệ thuật cao cấp của người ta mà gọi là cởi truồng”,

chị lâm sản nghiêm giọng đáp lại rồi quay về phía L hất hàm:

- “Em báo cáo với công ty là chương trình coi thường đoàn nữ doanh nhân

thủ đô đấy nhé!”.

L gật đầu, lôi bút và sổ tay ra ghi.

Bữa trưa hôm đầu tiên L đã ghi: “đặt chân đến Paris còn say máy bay và thiếu ngủ do lệch giờ nên không thể ăn đồ Tây ngay lập tức, 4/5 đoàn bỏ bữa, đề nghị cơm có rau, đặc biệt là canh rau, trưởng đoàn còn yêu cầu thêm cà muối, còn phó đoàn đòi hỏi nước mắm Phú Quốc pha chanh ớt tươi”.

Chuyến đi thăm nhà thờ Đức Bà lúc ba giờ chiều cùng ngày thì L ghi: “từ chỗ đỗ xe đến địa điểm tham quan quá xa, tài xế xử trí cứng nhắc, nhất định không chấp nhận đánh xe lại gần để đoàn đỡ phải cuốc bộ trên giày cao gót”.

Mấy tiếng sau đó, trên tầng hai của tháp Eiffel, L lại ghi: “hướng dẫn viên du lịch phong cách làm việc thụ động, không biết tìm cách thương lượng với công ty chủ quản để đổi vé cho đoàn lên tầng trên cùng, tạo điều kiện vừa giải khát vừa chụp toàn cảnh thành phố”...

Còn cả ngày hôm sau L ghi hết mấy trang liền, nhiều khi chỉ kịp gạch đầu dòng và viết tắt, những nhận xét tinh tế và sâu sắc không kém, ví dụ:

- “4 sao Paris nhưng phòng ngủ nhỏ, buồng tắm nhỏ, không có bồn đánh

sóng tự động, nhìn chung kém 4 sao Hà Nội”;

- “bữa sáng 25 đô/người nhưng toàn món lạnh, khó tiêu”;

- “xe ngột ngạt mùi xăng vì chỉ có bộ phận điều hòa chứ thiếu máy lọc

không khí”;

- “quán được mỗi tên Việt còn lại do Tàu làm từ A đến Z”;

L nhớ là đã ghi mỏi tay cho đến khi tiễn đoàn vào phòng đợi sân bay, sau đó còn phải làm báo cáo dài gần chục trang A4 (không được gạch đầu dòng và viết tắt) để gửi về Viet Voyage. Thế mới hiểu tại sao năm ngày đoàn ở Paris, thư ký công ty liên tục gọi từ Hà Nội vào điện thoại cầm tay của L, nhắc đi nhắc lại: “chị ơi chăm sóc đoàn cẩn thận hộ em nhé. Câu lạc bộ nữ doanh nhân thủ đô nổi tiếng là khó tính nhất thủ đô”.

Chị lâm sản đợi L ghi xong và cất sổ tay vào túi thì lên giọng cương quyết:

- “Em gọi điện đến Lido đặt vé cho đoàn đêm nay, hết thì mua chợ đen”.

- “Chỉ xem thôi hay cả xem cả ăn?”, L hỏi.

- “Em báo cáo với công ty là bỏ bữa tối trong chương trình!”, chị lâm sản ra lệnh.

- “Theo nguyên tắc, một khi đoàn đã sang đến nơi, hủy bất kỳ phần nào của chương trình đều không được hoàn lại tiền”, L giải thích.

- “Nhằm nhò gì một bữa ăn”, chị lâm sản xua tay.

- “Theo nguyên tắc, lái xe chỉ làm việc cho đoàn đến 8 giờ tối, đoàn muốn đi thêm ngoài chương trình thì phải tự trả thêm, một trăm hai mươi ơ một giờ chưa kể thuế gia tăng và phí gửi xe”, L giải thích tiếp.

- “Chuyện vặt”, chị lâm sản lại xua tay.

- “Lido có bốn loại. “Khoái cảm”, “Lông vũ”, “Hạnh phúc” và “Đặc biệt”. Đoàn chọn loại nào?”, L hỏi.

- “Loại nào đắt nhất?”, chị lâm sản hỏi lại.

- “Loại Đặc biệt, L trả lời, ba trăm một vé, chỗ ngồi đối diện sân khấu, thực đơn bảy món trong đó có gan ngỗng béo, tôm hùm, bánh ngọt cao cấp và nửa chai sâm banh”.

- “Đoàn hết bao nhiêu chị bao tất”, chị lâm sản mở túi, lấy thẻ visa đưa cho L.

Những người khác liếc nhau rồi uể oải bước lên xe, vẫn không một câu bình luận. Cả trưởng đoàn lẫn phó đoàn cũng chẳng phát biểu lời nào. L nhìn về phía nó: hai phần ba khuôn mặt nó lấp sau cặp kính, mỗi mắt là một hình trái tim bóng lộn và đen tuyền.

Ba hôm sau, trước khi chia tay, chị lâm sản đưa cho L danh thiếp dặn bao giờ về Hà Nội nếu muốn làm một chuyến xuyên Đông Dương thì a lô cho chị vô tư đi, Lào và Căm-pu-chia chị thuộc hơn cả Việt Nam, đến đâu cũng có đệ tử. Rồi chị tranh thủ tâm sự chị gốc Nghệ An, mới thành người Hà Nội cách đây ba năm, không phải vì nhập hộ khẩu Hà Nội mà do nắm trong tay mấy chục biệt thự và căn hộ cao cấp khắp thủ đô, chưa kể dăm quả đồi ở Sóc Sơn và Ba Vì nơi người giàu Hà Nội hăm hở kéo nhau lên xây phủ, xây phủ chán thì lại chuyển sang xây lăng mộ, xây lăng mộ cho ông bà cha mẹ chán rồi thì lại chuyển sang xây cho chính mình. Nghề tay phải của chị là nhập khẩu gỗ từ hai nước láng giềng anh em, mỗi chuyến thu lời hàng trăm tỷ. Báo chí viết về chị đọc vài ngày mới xong, các nhà báo tặng cho chị các loại danh hiệu cao quí, “nữ đại gia lâm sản” này, “người đàn bà quyền lực nhất ngành lâm nghiệp” này, “nữ doanh nhân thành đạt của quê hương Bác Hồ” này, nhưng chị thích nhất là “người phụ nữ xứ Nghệ có trái tim nhân hậu”. Vì em ở xa không biết đấy thôi...

Chị tâm sự nhiều lắm, L chẳng nhớ hết, tất nhiên không có chuyện bỏ bút và sổ tay ra ghi để làm báo cáo cho Viet Voyage. Danh thiếp của chị, L gửi lại thùng rác toa-lét sân bay, cùng hơn hai mươi danh thiếp mạ vàng in nổi khác. Ngả lưng xuống ghế, dây bảo hiểm cài xong, máy bay chưa cất cánh đã kịp quên nhau. Bây giờ L biết thế chứ hồi mới đi làm thì khách đưa danh thiếp bao nhiêu giữ lại tất, cất vào ngăn kéo riêng cẩn thận, cho đến một hôm chị gái thứ hai của L mail sang bảo con bé nhà chị tốt nghiệp đại học cả năm nay xin mãi không được việc, chỗ nào tốt cũng đòi ít ra là dăm chục triệu. L mail lại thế mà không bảo em sớm, em mới dịch cho một chị thứ trưởng có ô to trên trung ương sắp lên bộ trưởng một bộ quan trọng lắm, trước khi về nước tặng em danh thiếp mạ vàng in nổi, cả số để bàn lẫn tay cầm, dặn nếu bạn bè người thân bên nhà có ai cần giúp đỡ, cứ a-lô cho chị vô tư đi, trong bộ ngoài bộ chị thuộc như lòng bàn tay, đến đâu cũng có đệ tử. Chị gái L bảo thật thế á rồi hí hửng xin số điện thoại, hôm sau mail sang bảo L đưa nhầm số hay sao mà gọi đến nơi, cả để bàn lẫn tay cầm, người ta đều trả lời chẳng quen ai làm hướng dẫn viên du lịch ở Paris, rồi cúp máy ngay vào mũi.

Chị đại gia lâm sản không phải là thứ trưởng sắp lên bộ trưởng, nên cũng không ra vẻ cán bộ lãnh đạo lão thành: chị mặc váy da báo cổ Trần Lệ Xuân chứ không phải áo đại cán cổ Tôn Trung Sơn, chị đeo kính đổi màu gọng vàng cẩn đá quí Christian Dior chứ không phải kính lão gọng đồi mồi cửa hàng kính thuốc phố Hàng Khay Hà Nội. Nhưng doanh nhân trong nước, nhất là doanh nhân nữ, có đặc thù hôm nay vừa được tuyên dương, ngày mai thế nào cũng bị ra hầu tòa. Y như rằng cách đây mấy tuần, L đọc VnExpress thì hay chị lâm sản vừa lãnh án năm năm tù, khai trừ khỏi Đảng, tội ba trong một - “buôn bán gỗ quí trái phép, làm thất thoát tài sản xã hội chủ nghĩa và cấu kết với lâm tặc chống đối người thi hành công vụ”. Mấy chục bất động sản khắp thủ đô của chị hóa ra chưa cái nào có sổ đỏ, mỗi cung điện Versailles bảy tầng ở Làng Sen có sổ đỏ thì lại bị thế chấp từ lâu cho ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An. Bài báo đăng kèm ảnh chị mặc váy da báo, đi giày cao gót, đeo kính gọng vàng, ôm túi Vuitton đứng cạnh nhà hát Lido, đằng sau là đại lộ Champs Elysée lung linh hai dãy đèn đường, bên dưới ghi chú: nữ đại gia lâm sản thời còn vàng son, trong một chuyến đi khảo sát thị trường nước Pháp. Tác giả bài báo tiết lộ một chi tiết bất ngờ: nhiều năm liền chị từng cầm tay lái, lái xe vận tải cho tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, đó cũng là lý do khiến chị mê xế xịn, đó cũng là lý do khiến chị được linh động giảm án từ mười năm xuống năm năm. Ngoài ra, như các đại gia, chị cũng mê bất động sản, hàng hiệu, phong thủy và số sim đẹp.

 

4.

 

Đoàn ra khỏi cửa hàng Printemps thì đòi về khách sạn nghỉ ngơi để lấy sức đi xem Lido. Lái xe bảo bây giờ bảy giờ, về đến khách sạn ít ra cũng bảy giờ rưỡi mà chín giờ đã phải có mặt ở Lido. L dịch xong, một chị quần Levis tóc mì tôm ngồi ngay hàng ghế đầu cười he he bảo thiếp đi được một tiếng là tốt lắm rồi, giờ này ở nhà còn đang lo bấm điện thoại tìm chồng có mà ngủ được khối. Chẳng ai bình luận, hình như có tiếng thở dài, rồi cả xe chìm vào im lặng hoàn toàn.

Không khí khác hẳn lúc nãy khi người nào người nấy say sưa chọn đồ và quẹt thẻ visa, một chị vét Chanel xanh vẹt quẹt kỷ lục, vượt cả mức qui định mỗi ngày hai trăm triệu nhưng vẫn không bỏ cuộc mà rút từ túi xách tay ra một cục toàn tờ năm trăm ơ mới coong, khiến cả cửa hàng từ nhân viên đến ban giám đốc được phen tái mặt. Kế toán trưởng lúc sau trấn tĩnh mới đề nghị vào một phòng riêng để kiểm tra xem có phải tiền made in China. L dịch xong thì chị xanh vẹt xua tay “bên này máy móc nhỉ” rồi đưa L một tờ bảo: “Em đi hộ chị một cái, chị phải lên tầng trên thử thêm mấy bộ vét công sở, công nhận đồ hàng hiệu ở đây rẻ không ngờ”. L hoảng quá rủ chị trưởng đoàn đi cùng. Nhưng chị này càu nhàu không chịu vì còn đang đau đầu chọn váy, hết cho chân dài sếp mình lại cho chân dài sếp chồng. L quay sang chị phó đoàn thì được trả lời thẳng thừng là “tiền ai người ấy lo”. Cuối cùng, L phải ôm cục tiền to như viên gạch đi một mình bên cạnh nhân viên kiểm tiền mặt cũng lạnh như đồng euro của cửa hàng Printemps đại lộ Haussmann.

Chị vét Chanel xanh vẹt - theo lời chị trưởng đoàn (có xác định của chị phó đoàn) - là đại gia ngành tân dược, còn giá thuốc Tây ở Việt Nam - theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (được báo vnExpress đăng lại) - cao gấp từ 5 đến 40 lần so với phương Tây, thế nên mỗi ngày tiền lời từ vài chục chi nhánh bán sỉ và bán lẻ tại Hà Nội và các thành phố lớn phía Bắc của công ty trách nhiệm hữu hạn dược phẩm Á-Âu Pharma lên đến hàng tỷ. “Nói để em biết, tiền không là cái gì với chị”, một lần ngồi trên tàu thủy chạy dọc sông Seine chị xanh vẹt cũng đã bắt đầu tâm sự với L, nhưng hai cái điện thoại tay cầm của chị bỗng dưng thi nhau tèng teng “Hà Nội mùa này vắng nhưng cơn mưa”. L vội vã đứng lên. Ra boong tàu đứng một lúc thì nhận ra Tuấn Ngọc đang nỉ non tiếng Anh. Có lẽ để đáp ứng phong trào “Chắp cánh cho ca khúc Việt bay xa” của hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Xe đư a đoàn về khách sạn. Trước khi bấm thang máy lên phòng riêng, nó ghé tai L thì thào: “Chút nữa để mấy chị vào nhà hát Lido thưởng thức bánh mì kẹp gan ngỗng béo, tao với mày xem có cái bar nào hay hay ngồi uống rượu”. L còn đang nhìn quanh thì nó tiếp: “ Tây xịn ấy nhé. Trong nước toàn Tây rởm”. L gật đầu. L có nghe nói trước làn sóng quán ăn đa quốc tịch của người Hoa, mấy bác Việt kiều nảy ra sáng kiến đóng cửa chả giò và bò bún ở Paris về mở khoai tây chiên và mỳ ống sốt cà chua ở phố cổ Hà Nội, uống kèm rượu vang đỏ pha đá cục và trùng trục luộc chấm muối tiêu chanh, từ 8 giờ tối đến trước khi đóng cửa có ca sĩ hạng ba hay sinh viên nhạc viện tới hát Jo Dassin, còn trong ngày thì mở video “Bang bang, anh bắn ngay em bang bang, em ngã trên sân bang bang” do Thanh Lan mặc mini jupe kẻ ca rô, đội mũ rơm biểu diễn song ngữ.

Còn lại một mình trong tiền sảnh, L lấy danh bạ trang vàng ra tham khảo. Vừa mở khu Champs Elysée, thấy ngay quán Le 37 V. Định tìm thêm vài quán nữa để so sánh, nhưng lại thôi. Nghĩ ngợi một lúc, L ra quầy tiếp tân nhờ đúng bốn mươi lăm phút nữa đánh thức dậy. Nàng nhân viên tre trẻ tóc nhuộm vàng ánh kim mà L chưa gặp bao giờ giương cặp kính áp tròng tím nhạt viền lông mi vuốt mascara cong vút, tỏ vẻ không hiểu. L trỏ vào chiếc đi văng lưng khum đầy vẻ êm ái trong góc phòng, vừa cười vừa trình bày là tất nhiên L sẽ không nằm hoàn toàn mà nửa nằm nửa ngồi và đặt một tờ báo mở đôi lên đầu gối, trong Paris Match hôm nay có số đặc biệt về chuyện tình sét đánh của hoàng tử William và Kate Middleton. Nàng nhân viên chớp chớp hai hàng mi. L lại phải trình bày tiếp rằng ai đi ngang lỡ nhìn vào cũng sẽ tưởng L đang mơ màng chứ không phải đang ngủ, với lại gần chục năm làm hướng dẫn viên du lịch, L học được cách ngủ mà không nhắm hết mắt cũng không ngáy và không nói mê. Nàng nhân viên nhún vai, ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo không tin người ta có thể ngủ được trong điều kiện như thế, thêm nữa từ bảy giờ đến chín giờ tối là thời điểm khách ra vào tấp nập nhất trong ngày. L định bảo là yên tâm đi, L sẽ làm một giấc rất ngon vì chẳng phải lo bấm điện thoại tìm chồng như các nữ đại gia Hà Nội, nhưng L dừng lại ngay. Nhỡ nàng ta hỏi lại có chắc các nữ đại gia nhà chị tìm chồng không hay lại tìm bồ. Hỏi móc thế thì L biết trả lời làm sao?

Mà có là chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam thì cũng chẳng biết trả lời làm sao? Trào lưu cặp bồ ở Việt Nam không dừng lại đàn ông mà lan nhanh tới chị em phụ nữ, đến nỗi đạo diễn sắc sảo Lê Hoàng làm xong phim “Gái nhảy” đạt kỷ lục doanh thu ngành điện ảnh sau thời Đổi Mới, nhưng lương tâm vẫn cắn rứt, lại phải làm tiếp phim “Trai nhảy”. Phim “Trai nhảy” vừa xuất rạp đã được khán giả đồng thanh khen là “phim gây xúc động vì những số phận rất đời”. Giới chuyên môn cũng tỏ ra hoàn toàn nhất trí với khán giả. Một vị nghe nói là cây phê bình số một của tạp chí Điện Ảnh hồ hởi giải thích: “Trai nhảy” là “một trong rất ít tác phẩm điện ảnh có giá trị xã hội sâu sắc, do biết gắn kết với hiện thực cuộc sống, lấy hiện thực cuộc sống làm mảnh đất ươm mầm tư duy và cảm hứng cho sáng tạo”.

Ấy thế mà “Trai nhảy” cũng nhanh chóng bị hiện thực bỏ rơi đau đớn. Mới đây báo chí nói trắng ra rằng trào lưu trai nhảy ở các thành phố lớn như thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không dừng lại ở trai nội mà còn mở rộng đến trai ngoại, rồi lại mở rộng tiếp đến trai Phi hay Tây đen - gọi theo cách dân dã mà các phương tiện truyền thông lề phải cũng vô tư gọi theo. Báo chí lề trái mấy lần định lên tiếng phản đối, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì thấy người Việt, dân dã hay lịch sự, Hà Nội hay nhà quê, Nam hay Bắc, mất gì được gì mà không gọi Phi là Tây đen? Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam còn đang mải soạn thảo và nâng cấp các tội “chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa”, “tuyên truyền chống chính quyền” và “cấu kết với các thế lực thù địch nước ngoài”, nên dường như quên khuấy mất tội “phân biệt chủng tộc” chẳng bao giờ có khả năng làm lung lay chế độ và lãnh đạo.

Ngoài ra, báo chí lề trái có vẻ không nói mò mà cũng điều tra cẩn thận từ hai phía. Có thể tóm tắt tình tiết thế này:

Sau khi làm một số nghiệp vụ thao tác, đột nhập vào được một tụ điểm ăn chơi (nghe nói là rất đặc biệt chỉ thành phố Hồ Chí Minh mới có), nhóm phóng viên của một tờ báo cực lớn đã phát hiện một chuyện động trời: “trong số khách quen ở đây có không ít những gã thanh niên thất nghiệp ở một số nước châu Phi, đến Việt Nam theo con đường du lịch, nhưng sau đó có muôn ngàn lý do để ở lại. Tuy nhiên, lý do thích phong cảnh, con người Việt Nam thì ít mà họ thấy nơi này dễ kiếm tiền bằng con đường bất hợp pháp thì nhiều. Một số sẽ tìm mối buôn bán quần áo cũ, số khác tụ tập thành từng nhóm lừa đảo, cướp bóc, số còn lại sẽ làm cái nghề dễ kiếm tiền và cũng là một trong những nghề an toàn hơn - làm trai nhảy cho một số quí bà Việt Nam”.

Ngay lập tức bám lấy các quí bà “ngấy của nội và hám của ngoại” này, nhóm phóng viên yêu nghề của chúng ta lại phát hiện ra một chuyện cũng động trời không kém: “đại đa số các quí bà này đều có chồng con đầy đủ và là các đại gia trong lĩnh vực của mình, một vài người còn từng được báo chí đưa thành tấm gương phụ nữ điển hình trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Tuy không thể moi được lời nào từ phía các quí bà, nhưng các nhân viên tận tụy của ngành báo lại thành công trong việc khai thác các trai nhảy “Tây đen”, những người không ngần ngại chia sẻ về đối tác của mình: “Có nhiều lý do để người ta tìm tới chúng tôi. Cô đơn, thiếu thốn tình cảm, thậm chí chán nản trong công việc và chuyện tình cảm gia đình. Nhiều trường hợp để trả thù tính trăng hoa của chồng, nhưng cũng có không ít trường hợp do chồng không đáp ứng đủ nhu cầu sinh lý”.

Trước câu hỏi thẳng thắn về mức thu nhập, các trai nhảy “Tây đen” đều vô tư công nhận là “rất hài lòng” và so với quý bà các nước khác thì quí bà Việt Nam “hào phóng” hơn nhiều. Tuy nhiên, hai trong số họ lại bất ngờ cùng đưa ra một nhận xét tương đối khó hiểu: “những quý bà hay đi tìm của lạ này thường là những quý bà có tiền nhưng cũng lắm tật”, nhưng đều từ chối bình luận thêm. Trong phần ý kiến bạn đọc, nhiều độc giả cảm thấy hơi tiếc là bài báo đã kết thúc ở đấy chứ không đi sâu vào chi tiết “có vẻ tế nhị” kia.

Nhìn nó im lìm trước ly cognac, L tự nhủ nếu bây giờ viết một bài năm trăm chữ rồi đặt cho cái tựa:” Sự thật về đời sống tình cảm của nữ doanh nhân Việt đương đại, một phát hiện từ chuyến du lịch cao cấp ở thủ đô nước Pháp” thì khả năng được đăng báo phải tới chín mươi phần trăm.

Nó ngẩng lên làm một ngụm cognac. Tối nay nó không uống rượu như người Sài Gòn uống trà đá, không đặt iPad lên bàn và tắt luôn cả iPhone, như thể đã chán ngấy giá vàng, giá đô và các chân dài gốc quê của chồng.

Nhưng mắt nó thì vẫn ngấn đỏ, thậm chí còn rõ hơn và L ngờ là nó đã khóc như vòi phun nước đêm qua, lúc rời quán bar về phòng ngủ, ngay từ trong thang máy khách sạn, khi L vừa quay lưng đi. Suốt buổi tham quan trong ngày (sáng là Monmartre, còn chiều là bảo tàng Louvre) và cả lúc ăn trưa ở quán Ngọc Phát có món canh chua cá bông lau ăn với thịt heo kho nước cốt dừa và dưa giá muối lá hẹ mà các chị trưởng, phó đoàn đồng loạt yêu cầu L mở sổ tay ghi báo cáo “món ăn miền Nam không hợp khẩu vị thực khách miền Bắc”, nó không lúc nào chịu rời cặp kính đen to vật như kính thám tử tư. Mặt nó câng câng. Đương nhiên nó không lên thư viện hỏi Milan Kundera xem phụ nữ có nên đeo kính đen như hai chị em Agnès và Laura, nên hay không sau khi uống cả lít cognac mà vẫn phải nhờ đến thuốc ngủ liều cao. Rất có thể nó sẽ hỏi Milan Kundera là thằng cha căng chú kiết nào, bầu bóng đá của Zidane hay Beckham? Nó không cần biết văn chương là cái của nợ gì. Bóng đá chưa động được vào lông chân của vàng và đô ở Việt Nam. Nhưng nó sợ những người xung quanh. Mắt nó sưng to như quả nhót chín thì chẳng lẽ lại đem ra khoe để các chị khác trong đoàn mắng cho là chồng qua đêm với chân dài gốc quê thì có quái gì mà phải khóc. Chưa kể là nhân viên của nó sắp tới lại có dịp mà bụm miệng cười. Đối tác làm ăn của nó cũng có dịp mà bụm miệng cười. Chồng nó và các chân dài gốc quê ôm nhau cười to nhất. Hai quả nhót chín có khi lượn cả nghìn vòng fb, với các còm men sột soạt đẳng cấp eo vì...

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021