thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THANG MÁY SÀI GÒN [chương 4-6]

 

 

CHƯƠNG 4

Paris

 

Thứ Hai. Cô nhìn căn phòng lần cuối trước khi tắt đèn. Phòng không có gì ngoài bàn ghế nhựa và một chiếc bảng treo tường mà cô đã sử dụng bao lần cũng chẳng biết có bằng nhựa hay không. Trên bảng vẫn còn một bài tập chép gồm một đoạn thơ ngắn của một bài thơ dài đã hiện ra trong trí nhớ của cô lúc nãy, khi cô chạy từ bến tàu điện ngầm về đây, dưới một cơn mưa nặng hạt:

Anh vẫn tìm em qua chiều thứ Hai sạch
Qua đôi môi mời sạch
Qua Hồ Tây mây sạch
Qua nhà đôi ngồi sạch
Qua thơi thới ngày sạch
Qua đôi giày sạch
Tìm em

Cô đóng cửa phòng, bước lên cầu thang gỗ. Một buổi dạy tiếng Việt vừa kết thúc. Học trò là hai phụ nữ lớn tuổi đã theo học từ ngày đầu mở lớp. Cả lớp bây giờ chỉ còn lại họ. Hôm nay, cô không muốn mở sách giáo khoa, nhưng chưa biết dạy gì ngoài việc cho tập chép đoạn thơ trên. Sau khi chép xong, ba người chống cằm nhìn nhau. Rồi một trong hai học trò đề nghị thử dịch sang tiếng Pháp. Cô gật đầu. Thế là nửa giờ tiếp theo, trong khi hai học trò đánh vật với hai cuốn từ điển Việt-Pháp dày như hai viên gạch, cô ngồi nhớ lại lần đầu tiên đọc bài thơ này, đã bất ngờ thế nào trước sự giản dị của thơ ca. Lúc đó, cô vừa đặt chân tới Pháp, ngày ngày ghé trung tâm tìm việc cho sinh viên nước ngoài, ngày ngày thất vọng ra về, thứ Hai nào cũng nặng trĩu nước mưa. Lúc đó, cô đã thử viết truyện ngắn, tối tối ngồi gõ máy tính, gõ mãi gõ mãi vẫn thấy văn chương là cõi mơ hồ.

Cô đứng dưới một mái hiên nhỏ trên vỉa hè, cách cửa hàng mỹ nghệ mấy số nhà. Ra khỏi lớp tiếng Việt, cô đã định chạy một mạch tới bến tàu điện ngầm, nhưng mưa càng to thì đường càng trơn. Mới hơn tám giờ tối mà trung tâm thành phố đã vắng tanh. Từ căn hộ sau lưng, vọng ra một giọng nam ồm: “Maria, anh ngàn lần xin lỗi em!”. Tiếp theo là một đoạn nhạc ẻo lả, rồi một giọng phụ nữ cũng ẻo lả: “Octavio, anh không bao giờ có thể tưởng tượng em đã đau khổ thế nào, những ngày vắng anh”. Tiếp theo nữa là một đoạn nhạc ẻo lả khác, rồi có tiếng sụt sịt, hình như của cả đàn ông lẫn đàn bà... Cô ngước nhìn tòa nhà bên kia đường, cửa kính các căn hộ tầng một và tầng hai loang loáng màn hình vô tuyến, đối diện là mấy cái bóng ngồi bất động. Ngay buổi học đầu tiên, một học trò đã cảnh báo rằng tối thứ Hai thường có phim hay, và đề nghị cô đổi lớp học sang ngày khác trong tuần. Vì cô lắc đầu nên sau hai buổi, anh ta tự động biến mất. Tối hôm đấy, giở chương trình vô tuyến cả tuần ra xem, cô không thể không giật mình, ngày thường chẳng trò giải trí nào cạnh tranh nổi vô tuyến truyền hình nữa là tối thứ Hai: tối thứ Hai vô tuyến truyền hình cạnh tranh lẫn nhau, thế nên khán giả tha hồ chọn phim. Và cũng từ đấy, cô thấy có cảm tình hơn với những học trò đến lớp vào tối thứ Hai. Ít ra thì họ cũng không dễ trở thành nạn nhân của vô tuyến truyền hình. Nhưng số ấy ngày càng mai một. Đầu tháng Chín vừa rồi, cô phải nằn nì rất lâu bà Wang mới không hủy buổi học tối thứ Hai. Cô có cảm giác chấp nhận điều ấy có nghĩa là chính cô đã chấp nhận đầu hàng vô tuyến truyền hình.

Lớp tiếng Việt của cô mở ra cách đây hai năm, đầu tiên bà Wang chỉ muốn tận dụng tầng hầm bỏ không của cửa hàng mỹ nghệ, nơi cô một tuần vài ngày làm nhiệm vụ bán hàng. Giá thuê nhà nghe nói là đắt cứa cổ trong khi đồ châu Á thời điểm đó đã bắt đầu hết mốt. Bà Wang bao giờ cũng tỏ ra là người sòng phẳng, ngay lần gặp đầu tiên đã giao hẹn: “Bán hàng, dạy học, nghỉ buổi nào trừ lương buổi ấy, nghỉ nửa buổi trừ nửa buổi”.

Cô vào dạy được một thời gian, thấy trên cửa kính dán áp phích quảng cáo dạy tiếng Hoa. Sau khi dọn dẹp mươi lọ độc bình nhái đời Khang Hy, bà Wang cũng tạo được một góc học trong chính cửa hàng mỹ nghệ. Không ngờ nhu cầu tiếng Hoa lớn gấp mấy lần tiếng Việt, học trò tới đông đến nỗi ngồi cả vào dãy ghế khảm trai bày bán cạnh đấy mà vẫn không hết. Bà Wang nghĩ ngay tới việc mở thêm lớp, chiêu thêm trò. Mỗi tuần hai tối cô tới dạy, tối nào cũng thấy có một lớp tiếng Hoa ngay trên đầu. Nghe nói các tối khác trong tuần đều chật cứng. Thỉnh thoảng nếu cô và giáo viên tiếng Hoa có bất ngờ gặp nhau thì chỉ dừng lại chào một câu. Chẳng ai biết tên ai. Quan hệ không có gì đặc biệt. Tiếng ồn vẫn còn ở mức độ chấp nhận được, trừ những khi lớp trên kia học hát, không hiểu sao chỉ độc một bài - “Đông phương hồng, mặt trời lên, hu ớ hai da”.

Lúc này, bước trên vỉa hè nhớp nháp nước mưa, cô lại nghĩ từ bây giờ trở đi, tối thứ Hai cô sẽ không bao giờ còn bị bài “Đông phương hồng” ấy ám ảnh. Cũng chẳng còn dịp nào để hỏi “hu ớ hai da” nghĩa là gì. Học sinh cả tiếng Việt lẫn tiếng Hoa của thứ Hai đang lần lượt đầu hàng vô tuyến truyền hình. Lớp tiếng Việt chỉ còn hai phụ nữ lớn tuổi. Lớp tiếng Hoa hôm nay vắng đến nỗi giáo viên đã quyết định cho nghỉ ngay từ đầu. Học hát đã thuộc về quá khứ. Hai phụ nữ lớn tuổi không biết còn trụ được bao lâu?

Cô quay đầu tìm xem họ có đứng tránh mưa dưới một mái hiên nào bên cạnh. Nhưng cả một đoạn vỉa hè chỉ còn lại những thân cây tối om.

 

 

CHƯƠNG 5

Sài Gòn

 

Có lẽ để kịch bản được trọn vẹn Hollywood từ A tới Z, khi mộ của mẹ được đậy nắp và phủ kín hoa, anh Mai mời tất cả đi ăn một “bữa cơm giản dị” với gia đình. Tới nơi mới biết là tiệc đứng, năm mươi món, có cả món chay, có cả rượu chát và sâm banh, đặt trước ở tầng thượng một khách sạn năm sao nhìn xuống bến Bạch Đằng.

Mọi người nhanh chóng đứng thành nhóm, không hiểu cớ gì mà chia theo tuổi. Nhóm phụ lão dường như vẫn chưa hết xúc động, chỉ im lặng ngó nhau. Nhóm trung niên thì thầm được mươi phút, một cặp trèo lên lan can sân thượng, áp người lại, dang tay vươn cổ ra sông Sài Gòn, tóc gió bay bay, diễn Titanic. Có vẻ chưa hết bị Hollywood ám ảnh. Nhân viên khách sạn hốt hoảng chạy ra, tưởng khách hàng định tự tử tập thể theo mốt Hàn Quốc thời thượng. Nhóm thanh niên ré lên cười. Một thằng đẹp trai cởi cà vạt ném xuống sông. Mấy thằng khác làm theo. Có thằng còn tụt cả tất ra ném. Lơ mơ em nghĩ may mà những phút cuối, máy quay phim không ngừng chĩa ống kính vào cổng nghĩa trang, nên các diễn viên không chuyên leo lên xe vẫn tiếp tục nhu mì và tận tụy, mấy chục tay lái cùng nổ máy một lúc mà anh Mai không một lần phải nhờ tới công an phường. Nhờ tới công an phường thì kịch bản mất mấy chục phần trăm Hollywood?

Anh Mai liên tục rót sâm banh cho mọi người, rồi rót cho chính mình, vài lần rót cả cho em. Không khí trong phòng vừa trang nghiêm vừa nhộn nhạo. Thằng đẹp trai lúc nãy đề nghị bật nhạc nhảy. Anh Mai bảo nhân viên khách sạn mang thêm sâm banh, rót cho nó một ly đầy, rồi dẫn ra tận buffet gợi ý ăn chút gì đấy cho ổn bụng. Nhưng thằng này làm ra vẻ không hiểu, anh Mai quay lưng đi, nó lao đến chỗ mấy thằng bạn, lập tức có tiếng thủy tinh loảng xoảng. Cặp trung niên trèo lên lan can sân thượng lúc nãy bây giờ quỳ gối dưới sàn, dựa lưng vào nhau, ngửa cổ, tóc gió vẫn bay bay, rất phim truyện tình cảm lãng mạn, nhu cầu diễn hình như vẫn còn nhiều.

Giữa buổi, một phụ nữ vận váy ngắn màu đen tiến lại, đặt tay lên vai anh Mai, rồi quay về phía em bảo: “Em gái từ Pháp về chơi sao không giới thiệu?”. Em định đính chính rằng tuần trước, sáu giờ sáng em và thằng Mike lấy xe buýt ra sân bay Roissy, bay chuyến sớm nhất về Sài Gòn, không phải để chơi mà để đưa tang mẹ. Nhưng lại thôi. Thâm tâm em thấy mình cũng như những người khác, đến đám tang mẹ chỉ để diễn, xét cho cùng diễn cũng là một kiểu chơi, cái này tiếng Anh tiếng Pháp đều công nhận.

Anh Mai kéo tay người phụ nữ để lên bàn, đặt vào một ly sâm banh rồi quay về phía em: “Đây là miss Diễm Lan, nhân vật đặc biệt của bất động sản Sài Gòn”. Em gật đầu, lúc này mới thấy bên dưới váy ngắn đen là đôi tất dài trắng toát, còn dưới đôi tất dài trắng toát là đôi giày cao gót cũng trắng toát. Biết em nhìn, Diễm Lan ngả hẳn vào người anh Mai, bàn tay đặt trên bàn hóa ra cũng sơn móng trắng, may mà điểm thêm mấy hạt kim nhũ lấp lánh. Em làm một ngụm sâm banh, không biết có đủ say, nhưng bỗng thấy tầng thượng tối sầm, mấy thằng thanh niên lần lượt biến mất, Diễm Lan khập khiễng trên đôi chân bó bột, mười móng tay giống hệt mười con đom đóm bay lượn vui vẻ, lúc sà vào ngực anh Mai, lúc lại trốn xuống gầm bàn.

Anh Mai nhìn em nheo mắt bấm điện thoại. Ngay lập tức hai nhân viên nam chạy đến, cả hai dìu em xuống tầng trệt, ra tới cửa đã thấy xe sáu chỗ đỗ sẵn, tài xế riêng của anh Mai ngồi sau vô lăng. Bà giúp việc chạy theo, cũng đang say sâm banh, muốn về nhà uống nước khổ qua để giã rượu. Thằng Mike chạy sau cùng, tự leo lên ghế, sâm banh không say, nhưng thắc mắc “khổ quá” là nước gì nó có thử được không. Chẳng ai trả lời. Có lẽ vì không hiểu câu hỏi.

Đường nhựa chói chang. Mặt trời chói chang. Lá cây trắng xóa. Em nhắm mắt lại, đầu ong ong, tự nhủ làm sao trong vòng nửa tiếng đồng hồ mà Diễm Lan đã kịp thay tất trắng, giày trắng, sơn móng tay trắng và rất có thể cả móng chân trắng cũng nên, cái này không biết anh Mai có rõ.

Xe cứ đi được một đoạn lại dạt vào vệ đường, tài xế riêng của anh Mai bảo: “Đánh bỏ mẹ cái bọn miền Lam đéo biết nái xe”. Anh Mai thuê nhân viên đều dân gốc Bắc, cả bà giúp việc, xấp xỉ lục tuần, cán bộ phụ nữ nhà máy sứ Hải Dương mà lưu lạc vào đây lau nhà rửa bát cho anh Mai, mỗi lần xe dạt vào vệ đường là đưa tay chặn ngực, đòi nhảy xuống bắt xe ôm. Tài xế riêng không nói gì, kính râm gườm gườm, rất ra dáng đất cảng Hải Phòng.

Yên lặng đến nỗi nghe thấy cả tiếng điều hòa rầm rì. Thằng Mike tự dưng bảo tối nay cho nó ngủ cùng phòng, nó “sợ” ngủ một mình lắm. Em nhìn sang bà giúp việc, lại nhìn lên tài xế, vẫn chỉ thấy kính râm gườm gườm. Từ hôm mẹ mất, hình như người lớn trong nhà tránh dùng từ “sợ”. Nhà anh Mai, hôm em và thằng Mike đi, chưa kịp đếm xem tổng cộng bao nhiêu phòng. Nhà anh Mai, hôm em và thằng Mike về, anh Mai bảo bà giúp việc dọn cho hai phòng riêng, phòng nào cũng có buồng tắm và toa lét, ở giữa là một hành lang rộng, nên cách biệt hoàn toàn. Có lẽ vì thế mà thằng Mike “sợ”. Em im lặng. Bà giúp việc im lặng. Tài xế giơ tay bấm nút play. Quang Dũng hát: tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay, tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời, tay măng trôi trên vùng tóc dài...

Xe mấy lần loạng choạng. Có lẽ lái xe ngủ gật, nhưng không ai phát hiện ra, vì đeo kính râm và không có tiếng ngáy, dân đất cảng nổi tiếng lắm biệt tài. May mà cảnh sát giao thông giờ này cũng tranh thủ ngủ trưa. Và đường Sài Gòn nói chung là thẳng, ít cây xanh và vỉa hè nhỏ. Ba mươi tuổi, đám tang mẹ là dịp đầu tiên để em đặt chân tới Sài Gòn. Gọi điện vào máy cầm tay của em, anh Mai bảo: “Paris-Saigon khứ hồi, hết bao nhiêu anh sẽ hoàn lại”. Em im lặng. Anh Mai bảo tiếp: “Đi hai người, anh hoàn hai vé”. Nói xong, anh bỏ máy, để em suốt đêm thắc mắc ngoài sự tồn tại của thằng Mike, anh còn biết những gì về em.

Xe vượt qua tòa nhà trắng phau của khách sạn Rex, làm một vòng bùng binh Nguyễn Huệ. Ba giờ, ba mươi chín độ, không mây, độ ẩm 83%, lặng gió. Gặp đường Lê Thánh Tôn rẽ trái, cũng về được đến cánh cổng sơn đen nhà anh Mai. Em phải cù vào cổ, thằng Mike mới chịu mở mắt chui ra, vừa ngáp vừa hỏi nước “khổ quá” đâu. Chẳng ai trả lời. Có lẽ vì vẫn chưa hiểu câu hỏi.

Mặt trời chói chang. Lá cây trắng xóa. Thằng Mike đứng giữa sân. Tóc nó vàng hoe. Mắt nó xanh biếc. Ngày nó mới đẻ, ở vườn Luxembourg, người Paris hỏi em có phải là vú nuôi của nó. Cách đây ba hôm, trong công viên Đầm Sen, người Sài Gòn hỏi em có phải là ô-sin của bố mẹ nó. Thằng Mike năm tuổi thì đặt chân tới cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Quốc tịch chưa có, hộ chiếu chưa có, mỗi tấm ảnh 3x4 dán vào trang áp cuối hộ chiếu của em. Tên bố không có, họ bố không có, giấy khai sinh của nó phần bố bỏ trống, phần mẹ là em, họ là họ em, tên là Mike, đọc theo kiểu Pháp thành “mích”, đọc theo kiểu Anh-Việt thành “mai”. Mẹ chưa bao giờ gặp nó để em được biết giáo viên tiếng Pháp Sư phạm Hà Nội gọi nó theo kiểu Pháp hay kiểu Anh-Việt.

Anh Mai đón hai mẹ con ở chân máy bay, gọi nó là Mai-kơn, ngay lập tức nhân viên của anh đồng loạt gọi nó là Mai-kơn Jắc-xơn, bà giúp việc vừa rán nem vừa bảo cho thằng Ních-xơn ăn nem để thằng Ních-xơn không đánh bom phá hoại miền Bắc, để nhân dân miền Bắc hoàn thành chủ nghĩa xã hội. Thằng Mike hỏi chủ nghĩa xã hội là món gì, nó có thử được không. Ai cũng bật cười. Cái Ngọc đòi nghỉ học ở nhà đi chơi Đầm Sen và xem phim Hồng Kông với em Mike. Trong nhà mỗi nó là gọi đúng tên thằng Mike, nhưng mỗi thằng Mike là gọi sai tên nó. Không thành “gọc” thì lại thành “nọc”. Mọi người lại có dịp cười.

Anh Mai sáng nào cũng cầm một phong bì đô la ghé bệnh viện quốc tế trả tiền phòng tang lễ cho mẹ, sau đó về đưa cả nhà đi ăn sáng ở khách sạn, rồi cả nhà lại đưa cái Ngọc tới trường mẫu giáo Việt-Úc. Bà giúp việc cũng được đi cùng, nhưng hỏi ăn gì thì không dám nói, cuối cùng nằng nặc ăn thừa của thằng Mike và cái Ngọc. Còn tài xế thì bao giờ cũng ngồi lại trông xe, gọi là ngồi chứ thực ra là nằm, trên băng ghế sau cùng, nghe Quang Dũng hát “Còn tuổi nào cho em”, chưa tới nửa bài đã ngủ mất, hỏi ăn gì để cho người đem ra thì nhất định bảo đã ăn sáng ở nhà. Anh Mai lắc đầu. Anh không thể phục vụ điểm tâm cho chục đội công nhân xây dựng và hai chục nhân viên văn phòng. Ở nhà anh Mai một tuần, em biết mặt vài nhân viên mà anh Mai vẫn gọi điện thoại (vì chiếc mũ màu đen của em, vì món kem sô cô la của thằng Mike, vì chiếc va li gãy bánh của cả hai mẹ con, và vì nhiều thứ không sao nhớ nổi...), và tất nhiên tài xế riêng của anh, kè kè bên anh từ sáng tới tối, kính râm gườm gườm, được cái ít nói, chỉ thỉnh thoảng mở mồm khoe giọng Hải Phòng.

 

 

CHƯƠNG 6

Sài Gòn

 

Buổi sáng đầu tiên sau đám tang mẹ, anh Mai bảo hôm nay chiêu đãi cả nhà cao lâu. Trước khi đi, anh gọi điện tới trường mẫu giáo Việt-Úc xin cho cái Ngọc được nghỉ thêm một ngày nữa, vẫn lý do đưa tang bà nội. Anh cũng hứa tặng ban giám hiệu một CD sáu mươi phút song ngữ. Bên kia có tiếng cười to, có vẻ đã quá quen với các tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Mai Nguyễn. Cái Ngọc và thằng Mike nằn nì đòi mặc lại tang phục hôm qua, cho giống diễn viên điện ảnh Hồng Kông. Em lắc đầu. Anh Mai im lặng, lúc sau bấm điện thoại bảo nhân viên gọi thợ may đặc biệt, đặt cho cả nhà mỗi người một bộ màu trắng, cứ kiểu và số đo cũ mà áp dụng. “Giá cả không thành vấn đề, nhưng bốn tám tiếng nữa nhất định phải xong!”

Xe dừng lại trước một quán ăn ba tầng cũ kỹ, cây cổ thụ rất to trước cửa che gần hết một bảng hiệu màu đỏ, trên có mấy dãy chữ Hoa màu đen đã tróc sơn. Cửa xe vừa mở, mùi thơm nồng nặc xông vào, anh Mai và em xuống trước. Nhìn ra góc đường, mới thấy biển đề Hải Thượng Lãn Ông, nổi tiếng là phố thuốc bắc của Chợ Lớn. Một thanh niên tóc dài chạy ra nhìn anh Mai chào nỉ hảo, bắt tay lái xe ra hiệu đỗ ngay trên vỉa hè, rồi quay về phía em cười hỏi: “Hà Nội a?”. Em không nhớ đã gật hay lắc, chỉ nhớ anh ta quay sang anh Mai, vừa nháy mắt vừa nói một tràng tiếng Hoa. Anh Mai đỏ mặt lắc đầu.

Xe đỗ xong, nửa trước trên vỉa hè, nửa sau dưới lòng đường, ở giữa có dòng nước cống chảy róc rách, bên cạnh là gánh hàng của một ông già mũ phớt, ngồi ghế đẩu, không hiểu bán gì mà có hai thùng to đen và một cái nồi sùng sục trên hỏa lò than. Tài xế gườm gườm đi xuống mở cửa xe. Bà giúp việc lao ra đầu tiên, ọe một bãi trắng phau xuống cống. Hai đứa trẻ lao theo. Thanh niên tóc dài thoáng thấy thằng Mike thì tái mặt, liếc sang anh Mai anh Mai đi thẳng, liếc sang em, em ngó đi chỗ khác, cuối cùng liếc sang bà giúp việc, bị bà giúp việc lườm cho một cái cháy má. Thằng Mike thản nhiên cầm tay cái Ngọc đi vào. Một tuần ở Sài Gòn nó cũng kịp học vài điều hay ho.

Mặt tiền hẹp, càng vào sâu càng ngoằn ngoèo, ánh sáng lờ mờ tựa mê cung. Trong mê cung ấy em tưởng tượng hàng trăm con người đang ăn uống nấu nướng vui vẻ, toàn những món những vị không có trong tiếng Việt, không ai buồn biết tới cả thang máy lẫn tai nạn thang máy. Người ta vẫn bảo Hoa kiều coi tiện nghi là phù phiếm, coi ẩm thực là trọng sự. Anh Mai một tay dắt cái Ngọc, một tay dắt em, em dắt thằng Mike, thằng Mike lại nắm tay bà giúp việc. Cả nhà một hàng ngang năm người bám vào nhau. Đi dưới đất đã khó, lúc leo cầu thang còn khó hơn. Loạng chà loạng choạng, mấy lần suýt ngã. Đi qua một loạt phòng ăn thông thống, ám khói và thấp tè, cuối cùng cũng đặt chân được vào một phòng trần cao, tường trắng, cửa sổ buông rèm. Có khả năng trước đám tang mẹ một hôm, mặc dù rất bận, anh Mai đã bấm điện thoại bảo nhân viên gọi điện đặt một phòng “đặc biệt” trần cao, tường trắng, cửa sổ buông rèm. Rồi trước khi đặt máy, anh cũng nói câu này: “Giá cả không thành vấn đề, nhưng bốn tám tiếng nữa nhất định phải xong!”

Em nhìn anh Mai. Anh Mai nhìn vào góc phòng, góc phòng có mấy ngọn xanh uốn hình lò xo, phương Đông gọi là cây phát tài, trồng trong chậu đất, phương Tây gọi là lucky bambou, trồng trong lọ nước, cây của em ốm yếu vàng hoe có lẽ đang khô cong bên cạnh một cửa sổ nhìn ra đồi Montmartre.

Cả nhà ngồi xuống năm chiếc ghế, lưng ghế khảm trai, khắc hình đôi chim sẻ tha mồi về tổ. Cái Ngọc và thằng Mike quay lại nhìn nhau, kêu chiêm chiếp. Bà giúp việc mặt tái xanh, chạy ra ngoài tìm toa lét mấy lần, bây giờ ngồi tại chỗ ôm ngực, cổ họng giật cục liên tục. Hai đứa trẻ bắt đầu kêu đói. Nhân viên phục vụ mang ra một mâm gỗ, trên đặt năm bát sứ, mỗi bát là một con gia cầm hồng hồng, mắt nhắm nghiền, nằm trong một chất nước sanh sánh.

Thằng Mike nhìn em. Em nhìn cái Ngọc. Cái Ngọc nhìn anh Mai. Anh Mai mỉm cười. Nhân viên phục vụ cũng mỉm cười: “Xin mời xơi yến huyết cho nóng”.

Hai đứa trẻ òa lên khóc, bảo không ăn chim sẻ, rồi đứng lên nhất định đòi về. Nhân viên phục vụ vẫn mỉm cười, chỉ thằng Mike bảo: “Bạch tạng ăn yến huyết là phải lắm”.

Thằng Mike không phản ứng, có lẽ không hiểu cả bạch tạng lẫn yến huyết là gì, nhưng cái Ngọc vớ chiếc đũa trên bàn đòi chọc mù mắt nhân viên phục vụ. Dù thế nào cũng phải công nhận từ vựng Hán-Việt của nó phong phú, học được ở trường mẫu giáo quốc tế chắc là không, nhưng nhiều phần trăm là nhờ điện ảnh Hoa ngữ. Ngay sau đó, em phải cùng bà giúp việc lao tới giữ tay nó lại. Nhân viên phục vụ đặt mâm gỗ lên bàn, chạy ra khỏi phòng, vừa chạy vừa lấy hai tay che mắt.

Hai đứa trẻ tiếp tục khóc đòi về. Anh Mai đành đứng lên giải quyết. Anh gọi cho cái Ngọc món phở xào, gọi cho thằng Mike món nem rán. Nhà hàng phải cử người mang cặp lồng đi xe máy cả cây số mới mua được. Chợ Lớn chỉ phục vụ món Hoa. Thanh niên tóc dài lúc nãy xung phong đi mua, mua xong lại mang lên tận phòng, xoa đầu thằng Mike khen đẹp trai như tài tử Brad Pitt, không biết có phải để chuộc lỗi.

Trong lúc đợi, cái Ngọc vẫn chưa nguôi cơn giận, tay lăm lăm chiếc đũa, rình nhân viên phục vụ vào để chọc cho mù mắt, nhưng sau nửa tiếng đói lả, vừa ngửi thấy mùi phở xào đã quên hết. Nhân viên phục vụ lại được dịp hỏi cả nhà có nhu cầu thưởng thức cổ nhạc, yến huyết mà kèm cổ nhạc mới là sành điệu. Thằng Mike hỏi “cổ nhạt” là món gì, có thử được không. Em và anh Mai cùng cười.

Bà giúp việc bưng bát húp một miếng, than ngày mai có chết cũng thỏa lòng. Em ăn thử một thìa thấy thơm thơm, tanh tanh, nhưng có vẻ cũng không hơn bồ câu tần ở ngõ Cấm Chỉ. Bồ câu tần, em nếm một lần, lâu lắm rồi, trước ngày đi Pháp.

Cuối cùng anh Mai và bà giúp việc mỗi người ăn hai bát, vì phải ăn thêm suất của thằng Mike và cái Ngọc. Trên đường về nhà, anh Mai vẫn không nói gì, thỉnh thoảng lại mỉm cười. Sáng nay, anh không mặc com lê màu ghi sáng mà mặc quần jeans và áo cá sấu kẻ ngang. Bốn mươi lăm tuổi, anh vẫn còn phong độ. Hai lần ly dị và một vị trí đặc biệt trong thị trường bất động sản Sài Gòn. Mười lăm năm trước, anh cao lòng khòng và đi xe cuốc. Chưa một lần lấy vợ và dạy hợp đồng toán-lý trường đại học Cần Thơ. Mười lăm năm, hai anh em không gặp nhau. Em không thể không nhớ tới câu hỏi từng khiến em một đêm mất ngủ: ngoài sự tồn tại của thằng Mike, anh Mai còn biết những gì về em?

Buổi sáng đầu tiên sau đám tang mẹ.

 

[còn tiếp]

 

 

-------------

Đã đăng:

... Người chết thật diễn vai người chết? Không ít đạo diễn từng mời cảnh sát thật diễn vai cảnh sát, gái điếm thật diễn vai gái điếm, bác sĩ thật diễn vai bác sĩ, bệnh nhân thật diễn vai bệnh nhân, người Pháp thật diễn vai người Pháp... nhưng mời người chết thật diễn vai người chết thì có lẽ trong lịch sử điện ảnh Hollywood chưa có trường hợp nào. Tuy vậy, thật ngược đời, điều này có thể xảy ra ở một số quốc gia có nền điện ảnh hoàn toàn vô danh, Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên là một ví dụ... (...)

 

 

-----------------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021