thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THANG MÁY SÀI GÒN [chương 9-10]

 

 

CHƯƠNG 9

Sài Gòn

 

Nắng Sài Gòn nắng từ sáu giờ sáng. Tới giữa trưa bất ngờ có một cơn mưa. Người xe ôm vứt điếu thuốc đang hút dở, gật đầu, đưa một cái giá khá mềm. Năm phút trước, cô bấm số bà giúp việc đưa. Chưa hết một hồi chuông, đầu kia đã nhấc máy. Cô đề nghị gặp tại nhà riêng, đầu kia đồng ý. Cô đề nghị gặp ngay bây giờ, đầu kia đồng ý. Mọi thứ nhanh không kịp thở.

Trong phòng khách tầng trệt, từ một góc nhỏ tối om, ông Linh im lặng nhìn cô. Khác hẳn thái độ cởi mở qua điện thoại lúc nãy, giờ đây ông ấy im lặng. Trên thực tế, từ lúc cô bước vào, ông ấy đã im lặng. Khi người xe ôm thả cô xuống thì cổng đã mở. Cô đi thẳng vào và phải mất một lúc mới phát hiện ra chủ nhà. Cái góc ông ấy ngồi đã tối mà bộ quần áo ông ấy mặc trên người thì lại màu đen. Cô không biết đứng vào chỗ nào. Cuối cùng đành dừng lại giữa phòng khách bé nhỏ.

Mười lăm phút, khi chắc rằng sẽ không được mời ngồi, cô tự động tìm lấy một chỗ trên chiếc đi văng đối diện với chủ nhà, cảm giác như đối diện với một pho tượng đồng đen. Từ sau lưng, chiếc quạt cây thổi những đợt gió hôi hổi. Trên tường không một bức tranh, không một khung ảnh, không cả một vết bẩn, để cô có thể tránh được cái nhìn của chủ nhà. Cô luôn phải tự trấn an rằng cô chỉ tình cờ nằm trên tầm nhìn của ông ấy và nói chung không nên để ý tới cái nhìn của một pho tượng.

Ông ấy sẽ không tự mở miệng, cô thở dài. Cuối cùng, lấy hết can đảm cô nói nếu cô không nhầm thì ông ấy và mẹ quen nhau đã lâu và không phải ở Sài Gòn. Thực ra, trong câu này, cô chỉ chắc có vế đầu (quen nhau đã lâu) vì ông Linh tự giới thiệu với bà giúp việc là “người quen cũ” của mẹ, còn vế sau (không phải ở Sài Gòn) thì cô chỉ linh cảm, nhưng không hiểu sao cô tin vào linh cảm ấy, ngay khi nghe thấy giọng ông Linh qua điện thoại, cái giọng Hà Nội giờ đây chỉ còn thấp thoáng ở Sài Gòn hay Paris, cái giọng Hà Nội của người Hà Nội đã xa Hà Nội hàng nửa thế kỷ.

Tầng trên không một tiếng chân người. Ngoài hẻm không một tiếng xe máy. Trong tiếng vù vù của quạt cây, ông Linh bất ngờ bảo:

- Năm mươi năm.

Tấm ảnh Polotski cựa quậy trong túi áo cô. Nó cũng được chụp cách đây năm mươi năm. Đặt tấm ảnh lên mặt bàn rồi cô thấy hối hận. Lâu lắm, trước khi chia tay vào Sài Gòn, anh Mai dặn: “Hành động không được nhanh hơn suy nghĩ”. Thời gian trôi đi. Cô lớn lên, đi học, đi làm, lấy chồng, ly dị, sang Pháp nhập cư, sinh con một mình ... Trải qua tất thảy những chuyện này, cô mới hiểu ý nghĩa cái câu mà anh Mai đã nói. Bây giờ, không ngày nào cô không cố nghĩ tới câu nói ấy. Thế nhưng, mỗi lần nghĩ tới, cô lại có cảm giác anh Mai còn muốn nói với cô một điều gì nữa, một điều mà cô sẽ chẳng bao giờ tự nghĩ ra.

Một tiếng động điếc tai từ trên gác vang xuống. Ai đó đã làm rơi một vật bằng thủy tinh lên thềm đá hoa. Ông Linh vẫn nhìn cô không chớp. Cô hơi cúi đầu, để khỏi phải nhìn vào đôi mắt của người đối diện, để có thể nghe ông ấy kể câu chuyện khó tin của mình:

“Chúng tôi gặp nhau năm mươi năm trước, trong nhà tù Hỏa Lò, ngay hôm bà bị bắt. Tôi không phải là đồng chí của bà. Tôi là thông dịch viên. Tôi bằng tuổi bà. Đọc hồ sơ của bà, tôi giật mình biết ngày bà trở thành liên lạc cho Việt Minh cũng là ngày tôi bắt đầu cuộc đời công chức cho chính phủ Pháp. Và trong lúc bà được cấp trên của bà cử đi công tác ở các nơi khác nhau thì tôi cũng được cấp trên của tôi cử đi công tác ở các nơi khác nhau. Không ít lần, chúng tôi suýt giáp mặt. Cuối cùng, số phận đã sắp xếp để cuộc giáp mặt ấy không xảy ra ở bờ hồ Hoàn Kiếm hay sân chùa Trấn Quốc hay bất cứ một địa điểm thơ mộng nào của Hà Nội, mà xảy ra ở nhà tù Hỏa Lò.

Mười chín tuổi phải biết nhà tù, lại nhà tù Hỏa Lò, thì ở vị trí phạm nhân hay thông dịch viên đều là bất hạnh. Khi nhìn thấy bà bị trói ở khuỷu tay và một bên má tím lại, tôi đã chạy vào toa lét, nôn thốc nôn tháo. Hôm đó là cuộc hỏi cung đầu tiên của bà, cũng là lần nghỉ việc đầu tiên của tôi. Tất nhiên không cấp trên nào muốn trì hoãn công việc và người ta đã ngay lập tức tìm được một thông dịch viên thay thế, kinh nghiệm dày hơn, thể lực tốt hơn.

Đêm hôm đó, nằm trên giường mà tôi không ngủ. Sáng hôm sau, tới văn phòng, ngồi vào bàn, tôi cũng không thể tập trung. Đến trưa, không chịu nổi, tôi đi vào Hỏa Lò, lấy cớ tìm sổ công tác để quên hôm qua. Phòng hỏi cung lúc đó có ba người. Ngoài đồng nghiệp thông dịch viên mà tôi quen mặt và một nhân viên Phòng Nhì đã gặp hôm trước, còn có một thanh niên da trắng, nhưng năm mươi năm trôi qua, tôi đã quên mặt. Nhân viên Phòng Nhì giới thiệu anh ta là bà con một cấp trên trong phòng, tên là Paul kèm theo cả họ, nhưng cái tên đơn giản bao nhiêu thì cái họ trúc trắc bấy nhiêu, tôi có cảm giác đã trôi khỏi tai ngay từ lúc vừa nghe”.

Phòng lại rơi vào im lặng. Sau tiếng động chói tai lúc nãy, tầng trên đã yên ắng trở lại từ lâu. Chiếc quạt cây nhẫn nại thổi ra từng đợt gió hôi hổi. Cô nhìn ông Linh. Trước mặt cô lại là pho tượng đồng đen. Cô tự hỏi lý do gì mà khi nói về mẹ, ông Linh không bao giờ sử dụng tên riêng, dù đã biết qua hồ sơ phạm nhân Phòng Nhì cung cấp. Ông ấy cũng không gọi mẹ là “nàng” cho giống Tự lực Văn đoàn, dù tuổi trẻ của hai người gắn liền với Khái Hưng và Nhất Linh. Ông ấy cũng không gọi mẹ là “cô ấy”, dù thời đó mẹ mới mười chín tuổi. Ông ấy nhất định chỉ dùng một từ “bà” để nói về mẹ.

Cô phải đợi thêm nhiều phút nữa mới được nghe ông Linh kể tiếp rằng trong lúc chờ mẹ ở phòng hỏi cung, ông ấy ngồi nói chuyện với Paul và bất ngờ biết anh ta cùng tuổi với mình. Ông ấy không khỏi nghĩ ba con người cùng sinh một năm nhưng ba số phận khác nhau hoàn toàn. Ông ấy và mẹ từng trải bao nhiêu thì Paul vô tư bấy nhiêu. Ngày mẹ trở thành liên lạc viên cho Việt Minh, ngày ông ấy bắt đầu cuộc đời công chức cho quân đội Pháp, cũng là ngày Paul bước chân vào trường đại học tổng hợp. Học xong năm thứ hai, anh ta tự thưởng cho mình một chuyến phiêu lưu sang Đông Dương, cái xứ mà anh ta chỉ mới biết qua sách vở, và Hà Nội là điểm dừng đầu tiên. Chẳng người Việt Nam nào muốn đặt chân vào Hỏa Lò. Paul thì ngược lại, chính anh ta đòi ông anh họ Phòng Nhì sắp xếp cho đến thăm quan nhà tù, nhà tù khiến chuyến phiêu lưu của anh ta thêm phần phiêu lưu. Mười chín tuổi, Paul kịp chia tay chín bạn gái. Mười chín tuổi, lần đầu tiên ông Linh bị phụ nữ ám ảnh.

 

 

CHƯƠNG 10

Sài Gòn

 

Nghe tiếng chân ở hành lang, thông dịch viên lớn tuổi và nhân viên Phòng Nhì nhìn tôi khinh khỉnh. Khi bà được đưa vào thì cũng chính là lúc tôi phải bước ra. Chúng tôi giáp mặt nhau trong tích tắc. Ngay trên ngưỡng cửa. Tim tôi ngừng đập. Bà vẫn bị trói ở tay, nhưng má đã hết tím. Năm mươi năm sau tôi cũng không gặp ai đẹp như bà, nét đẹp của con gái Hà Nội, nhưng còn có cái gì đó rất khó xác định. Mười chín tuổi thì nhiều thứ chưa định hình. Mười chín tuổi, phụ nữ chưa lộ hết nhan sắc, đàn ông chưa biết rõ bản thân. Tôi không biết tôi có yêu bà không. Từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ tin vào tình yêu sét đánh. Nhưng từ trước tới nay, tôi cũng chưa từng bị ai ám ảnh như thế. “Ám ảnh chết người”. Ngày xưa, tôi vẫn cười khẩy khi đọc cụm từ này trong tiểu thuyết. Tôi vẫn nghĩ các nhà văn khéo phóng đại tô màu.

Chiều hôm đó, tôi lại tìm cớ để có mặt ở Hỏa Lò. Việc này vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì tôi là công chức chính phủ Pháp. Còn khó vì là công chức chính phủ Pháp, nếu không được giao nhiệm vụ mà lại lảng vảng ở khu giam chính trị phạm thì cũng có nguy cơ bị đưa vào sổ đen của Phòng Nhì. Chiều hôm đó, không biết lấy cớ gì để vào phòng hỏi cung và cũng không chắc bà có bị gọi lên hay không, tôi đứng từ trạm lính canh nhìn sang phía trại giam tù nhân nữ. Trời đầu năm lạnh tê tái. Chỗ tôi đứng là tầng áp mái, xung quanh hầu như không được che đậy, do sắp phải dỡ đi sửa lại toàn bộ. Tôi đã chọn chỗ này vì biết rằng lính canh nếu không có lệnh, chẳng dại gì ra đây hứng gió. Mà gió kinh khủng, kèm theo hơi ẩm nên buốt thấu xương. Sau này, ở Sài Gòn, mỗi lần nghĩ tới mùa đông Hà Nội, tôi không sao quên được buổi chiều hôm ấy. Buốt thấu xương. Tê tái da thịt.

Tôi đứng khoảng một tiếng thì một đoàn tù nhân nữ được quản giáo dẫn sang nhà tắm công cộng. Mấy chục người, cả già lẫn trẻ, đi tụm vào nhau thành từng nhóm, có lẽ để cho đỡ lạnh. Đồng phục xám xịt và thùng thình, tóc bù xù che gần hết khuôn mặt, nên rất khó phân biệt. Đã thế lại vừa đi vừa cúi gằm xuống đất. Vào nhà tù tôi mới biết, luật không bắt, nhưng cai ngục không cho phép phạm nhân ngửa mặt bao giờ. Tuy vậy tôi tự nhủ, nếu bà ở trong đoàn người ấy thì dù thế nào tôi cũng nhận ra. Nhưng tôi đợi mãi. Mấy đoàn nữa đi qua đều không có bà. Nhiệt độ ngày càng xuống thấp. Gió thổi ngày càng mạnh. Năm giờ chiều, trời tối hẳn, không còn nhìn thấy gì nữa thì tôi ra về. Hoặc là về hoặc là chết cóng. Lựa chọn nào cũng ngoài sức chịu đựng. Trái với điều người ta hay nói: “mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, tôi thì thấy mười chín tuổi sức chịu đựng rất ít, cả thể lực lẫn tinh thần, có lẽ vì thế mới bị “ám ảnh chết người” tấn công”.

Đó là đêm thứ hai ông Linh mất ngủ. Hồi ấy, không ai biết thuốc an thần là gì. Sáng hôm sau, nhìn vào gương lúc cạo râu, ông ấy tự hứa đây là lần cuối cùng ông ấy quay lại Hỏa Lò. Ông ấy còn cả một gánh nặng gia đình. Ông ấy chấp nhận đi làm ngay sau khi tốt nghiệp tú tài, là bởi vì cha ông ấy đã mất và ông ấy phải có trách nhiệm nuôi các em ăn học. Ông ấy ghé văn phòng xin phép nghỉ nốt ngày hôm đó. Ông ấy không dám đưa ra lý do nào, cứ thế cúi đầu đi, trong một cảm giác mâu thuẫn pha trộn giữa yếu đuối và lì lợm.

“Phòng hỏi cung đã sáng đèn. Và thật quái đản, tôi gặp lại ba nhân vật của sáng hôm qua. Thông dịch viên lớn tuổi và nhân viên Phòng Nhì lại nhìn tôi khinh khỉnh. Chỉ Paul là vui vẻ. Anh ta trêu chưa tìm thấy sổ công tác hay sao. Tôi vừa nghe vừa liếc về phía cửa. Anh ta còn nói những gì nữa tôi không biết, tai dỏng lên như tai lừa. Đúng chín giờ, nhân viên Phòng Nhì đứng lên bảo lịch của ông ta hôm nay rất chặt, ngoài “con bé Việt Minh xinh đẹp” còn có thêm gần chục chính trị phạm nữa phải hỏi cung gấp, tình hình Điện Biên rất căng. Tôi nghe thì hiểu “con bé Việt Minh xinh đẹp” đấy là ai. Tôi cũng hiểu đã sắp đến lúc được nhìn thấy bà, và phải làm sao để không bị đuổi ra ngoài trước khi bà được dẫn vào đây.

Tôi cố nói chuyện với Paul. Anh ta hình như cũng thích nói chuyện với tôi, và không hiểu sao cũng không có ý định ra về. Rồi có tiếng chân người ngoài hành lang. Tim tôi ngừng đập. Để giấu vẻ bối rối, tôi cố mở to mắt, nhìn thẳng vào mặt Paul. Tôi có cảm giác anh ta cũng bối rối và cũng cố mở to mắt nhìn thẳng vào mặt tôi. Nhưng tôi không còn thời gian để tìm hiểu lý do. Tôi đứng lên đi về phía cửa. Và mọi việc lại xảy ra đúng như hôm qua: khi bà được đưa vào cũng chính là lúc tôi phải bước ra. Chúng tôi giáp mặt nhau trong tích tắc. Ngay trên ngưỡng cửa. Bà đưa một tay lên vuốt sợi tóc mai. Môi hơi nhếch. Cái nhếch môi khiến tôi không thể không vịn vào tường. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bà. Ngày hôm sau, từ văn phòng, tôi hay tin bà đã được thả tự do. Nhưng tôi giữ lời hứa với chính mình. Tôi không bao giờ gặp lại bà nữa.

Sau trận Điện Biên Phủ và hội nghị Genève, tôi được phép đưa gia đình sang Pháp sinh sống theo chế độ công chức. Nhưng mẹ đẻ tôi không muốn rời Việt Nam. Tháng Tám năm 1954, khi đã hết sạch chỗ trên máy bay, cả nhà mới đưa nhau ra Hải Phòng, xuống tàu há mồm, nhập vào đoàn người cuối cùng di cư vào Nam. Tôi không sao quên được hơn hai tuần lênh đênh trên biển, trong khi những người khác nghĩ về Sài Gòn, nghĩ về Hà Nội, thì tôi không giây phút nào không nghĩ tới khuôn mặt bà. Với cái nhếch môi khó hiểu. Người tôi lại nóng ran, tay lại phải vịn vào đâu đó. Ruột gan như lửa đốt. Li bì trong một cơn sốt khủng khiếp tưởng đã phải đi gặp tử thần, tới khi tàu chuẩn bị cập bến Sài Gòn thì tôi cảm thấy toàn thân nhẹ bẫng. Và thay vì nóng ran, người tôi lại lạnh ngắt. Trong một tích tắc, tôi hiểu rằng “ám ảnh chết người” đã chấm dứt, bệnh của tôi đã khỏi, nhưng từ nay trở đi, tôi sẽ thành một người khác. Giữa trưa hè, cả bầu trời và mặt biển bỗng dưng nhuốm đỏ, một màu đỏ dữ tợn chưa từng thấy. Mấy phút sau sấm chớp nổi lên. Và một cơn mưa ào ào đổ xuống. Một cơn mưa nhiệt đới đích thực. Sài Gòn đã đón tôi bằng một cơn mưa nhiệt đới.

Để nước mưa vừa mặn vừa nóng đập vào lớp da mỏng tang vừa qua những ngày đối mặt với cái chết, tôi tự nhủ gần hai nghìn cây số đã nằm giữa chúng tôi. Vĩ tuyến Mười Bảy đã chia đôi đất nước. Người ta nói tới ngày tổng tuyển cử hai năm nữa. Nhưng tôi biết ngày ấy sẽ không bao giờ xảy ra”.

Cô đứng lên, cất tấm ảnh đen trắng vào túi. Cô buộc phải ra về vì sau khi kể xong câu chuyện, ông Linh tỏ ra hết sức lạnh lùng, hết khụt khịt mũi lại giơ tay ngó đồng hồ. Có cảm giác không phải ông ấy đang hài lòng vì đã cất được gánh nặng trong lòng mà đang hối tiếc vì đã kể nó ra. Cô nhìn về phía cửa. Chiếc cổng sắt, không hiểu bằng cách nào, đã mở.

Cô đi bộ ra đầu hẻm đón xe ôm. Mưa đã tạnh từ lâu. Đặc điểm đô thị của Sài Gòn là hẻm, hẻm mẹ đẻ hẻm con. Cô không chắc có ra đúng hẻm, có đi về phía cây cầu nhỏ mà người xe ôm lúc nãy gọi là cầu Bông, dưới chân cầu ngay ngã tư có hai tiệm bán vịt quay một giờ trưa vẫn tấp nập khách.

Dưới cái nắng không hề dịu ngọt, cô tự hỏi sao bỗng dưng ông Linh đem kể câu chuyện có vẻ đã được đào sâu chôn chặt ngần ấy năm, cho một người không quen là cô, và chẳng để làm gì. Cô nghĩ mãi, nghĩ mãi mà không tìm được câu trả lời. Cuối cùng cô tự nhủ nếu ông Linh không gọi mẹ là “bà” mà là “nàng” thì câu chuyện của ông ấy sẽ rầm rề hơn cả mưa phùn Hà Nội.

Trước mắt cô không phải là cầu Bông mà một cái chợ đông nghịt. Hỏi ra thì biết không phải là chợ Bến Thành mà chợ Đa Kao. Chợ Đa Kao, cô từng nghe nói là nơi cư ngụ của dân gốc Bắc những ngày chân ướt chân ráo tới đất Sài Gòn, năm mươi năm trước.

 

[còn tiếp]

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021