thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THANG MÁY SÀI GÒN [chương 16-18]

 

 

CHƯƠNG 16

Paris

 

Cách đây hai năm, bà hiệu trưởng trường mẫu giáo của thằng Mike nhắn cô lên văn phòng để nói chuyện.

Cô có mặt đúng giờ nhưng đợi hơn hai mươi phút vẫn chưa được tiếp. Điện thoại của bà hiệu trưởng liên tục réo và mỗi lần nhấc máy lên, vừa nói a-lô bà hiệu trưởng vừa giơ ngón tay trỏ về phía cô không hiểu muốn đề nghị ở lại hay ra về.

Đúng lúc cô quay lưng định đi thì bà hiệu trưởng thò đầu ra mời vào, rồi không để cô kịp ngồi xuống ghế, bà hiệu trưởng tuyên bố nguyên nhân của cuộc nói chuyện sáng nay: cô giáo chủ nhiệm lớp thằng Mike, sau mấy tháng theo dõi đã đi tới kết luận là thằng Mike “mắc bệnh tự kỷ”, chính xác hơn là “hội chứng tự kỷ”, “một trong những hội chứng rối loạn phát triển ở trẻ em”.

Cô bật dậy nói: “Thằng Mike hoàn toàn bình thường như những đứa trẻ khác”.

Bà hiệu trưởng gạt tay nói tiếp: “Trong phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới trước đây thì người ta xếp tự kỷ vào loại bệnh tâm thần, nhưng ngày nay nó được tách ra như là một hội chứng rối loạn phát triển”.

Cô hoảng hốt nhìn quanh và thấy các cửa sổ đều đóng, cửa ra vào hình như còn gài cả then sắt. Bà hiệu trưởng lại bảo hội chứng tự kỷ của thằng Mike được biểu hiện qua các loại hành vi sau: thứ nhất, khiếm khuyết về quan hệ xã hội, thằng Mike không chia sẻ cảm xúc với những người xung quanh, không chú ý đến các hoạt động tập thể; thứ hai, khiếm khuyết về sử dụng ngôn ngữ giao tiếp, thằng Mike rất chậm nói, ba tuổi rồi mà không biết biểu đạt nguyện vọng bằng ngôn ngữ, và mắc tật nhại lời trì hoãn, rất nhiều lần cô chủ nhiệm bắt gặp nó nhắc lại một đối thoại đã có từ trước đó rất lâu; thứ ba, là chơi tưởng tượng, thằng Mike không thích chơi với các bạn mà chỉ thích chơi một mình, cũng không đa dạng trong cách chọn trò chơi, lặp đi lặp lại một động tác.

Bà hiệu trưởng nói rất hăng, kể thêm mấy hành vi khác thường nữa của thằng Mike, sau đó đưa ra cả nguyên nhân và biện pháp đối với “hội chứng tự kỷ”.

Cuối cùng, bà hiệu trưởng bảo nhà trường rất thông cảm với hoàn cảnh không có bố của thằng Mike nên đã kiên trì theo dõi nó trong ngần ấy thời gian, nhưng nhà trường yêu cầu cô đưa thằng Mike tới các nhà chuyên môn để điều trị. Nếu không năm tới nhà trường sẽ buộc phải gửi thằng Mike đến cơ sở giáo dục đặc biệt dành riêng cho trẻ em cùng bệnh, bệnh của thằng Mike bị phát hiện ở tuổi này là quá muộn, để thêm một thời gian ngắn nữa sẽ vô phương cứu chữa. Nếu không, bản thân cô cũng có nguy cơ bị đưa ra tòa vì tội “cố ý gây tổn hại tới trẻ vị thành niên”.

Cô nhìn vào tờ giấy bà hiệu trưởng ấn vào tay, trong đó ghi danh sách những chuyên gia mà cô có trách nhiệm mang thằng Mike đến gặp, đứng đầu là bác sĩ tâm thần trẻ em, một tuần hai buổi mỗi buổi một tiếng rưỡi.

Khi cô đứng lên chuẩn bị ra về, bà hiệu trưởng nhìn thẳng vào mắt cô, rồi bất ngờ hỏi:

“Đã bao giờ đi khám bác sĩ tâm thần chưa?”

Cô không hiểu gì cả và chưa kịp phản ứng thì bà hiệu trưởng nghiêm giọng bảo:

“Muốn đưa trẻ em tới bác sĩ tâm thần trẻ em thì người lớn nên chủ động đến gặp bác sĩ tâm thần người lớn trước đã.”

Sau lần gặp đó, chuẩn bị vào năm học mới, cô đã phải nhờ bà Wang cho mượn địa chỉ để xin trường mẫu giáo mới cho thằng Mike. Nhà bà Wang ở ngoại ô phía Bắc, hơn một nửa là dân nhập cư, các cô mẫu giáo cũng là dân nhập cư nên không ai phát hiện ra thằng Mike mắc bệnh tự kỷ. Cô chưa bị bà hiệu trưởng trường mẫu giáo mới gọi lên văn phòng nói chuyện bao giờ. Chỉ có điều ngày nào hai mẹ con cũng mất hai tiếng trong tàu điện ngầm, hai mươi bến, hai lần xuyên thành phố.

 

CHƯƠNG 17

Sài Gòn

 

Mưa đã rơi vào chín giờ sáng.

Cả nhà ăn trong im lặng. Không ai lên tiếng bình luận về cả cơn mưa lẫn tiếng mưa. Bàn đặt giữa ban công. Ban công bồng bềnh trong kính. Kính bồng bềnh trong mưa. Thế là được ngắm mưa thoải mái mà không sợ ướt người.

Thằng Mike nhìn đĩa nem rán, mặt buồn rười rượi. Nó không bằng lòng. Nó đã quen hằng ngày ngủ dậy được đi ô tô đến khách sạn Caravelle ăn sáng. Khách sạn năm sao phục vụ năm chục món điểm tâm. Sushi. Đỉm Sum. Petit déjeuner. Breakfast. Nó đã quên Paris. Paris chỉ có sữa ca cao và bánh bích qui, sản phẩm công nghiệp nhưng bảo đảm năng lượng, bảo đảm năng lượng cho hơn chục bến tàu điện ngầm, cho buổi sáng tới mười hai giờ trưa của thằng Mike, cho buổi sáng tới mười bốn giờ chiều của cô, mười bốn giờ chiều người Paris mới bớt lượn cửa hàng mỹ nghệ để cô ngồi vào ghế khảm trai tu nước chai và gặm bánh mì thịt nguội. Paris bây giờ tạm thuộc về quá khứ. Hà Nội đã thuộc về quá khứ từ lâu.

Mưa tạnh. Hành lang tiếng chân rầm rập. Bà giúp việc ngó đầu vào trước, cô chẳng nghe được từ nào nhưng thằng Mike đã vụt ra cửa để mấy giây sau lại quay đầu bỏ chạy. Vì húc phải người lạ. Người lạ ở đây là hai thanh tra nước ngoài, một già, một trẻ, không hiểu sao trông như đã gặp. Cả hai cùng giật mình trước phòng khách xanh thẳm, rồi tháo kính mát, hết nhìn ba cây dừa đung đưa từ xa, lại nhìn đôi cá ngựa vật nhau dưới nước.

Cô và thằng Mike cũng từng giật mình như thế, lần đầu đặt chân vào đây. Anh Mai nhìn hai mẹ con cô cười cười. Trên đường từ sân bay về nhà, anh không ngừng bấm điện thoại, hóa ra là để chỉ đạo biến phòng khách thành bãi biển Nha Trang. “Giá cả không thành vấn đề, nhưng bốn tám phút nữa nhất định phải xong”, anh Mai nói vào máy điện thoại khi xe bất ngờ giảm tốc độ trên đường Cộng Hòa chói nắng.

Hai vị thanh tra ngần ngừ nửa phút rồi xăm xăm hướng về chiếc thuyền độc mộc. Mỗi vị chiếm một đầu, tay dang sang hai bên, chân duỗi về phía trước, mặt cúi xuống giấu một cái ngáp nhẹ. Xong xuôi, vị lớn tuổi nhìn cô mỉm cười ra hiệu ngồi xuống ghế đối diện, vị trẻ tuổi nhìn bà giúp việc mỉm cười ra hiệu đi ra ngoài.

Nhìn hai con người tươi tỉnh, giữa đề-co bãi biển, chỉ vài phút sau cô đã hầu như không còn cảm giác đang đối diện với các thanh tra. Trong lúc hai vị hồn nhiên chọn đồ uống mà bà giúp việc liên tục khuân vào thì cô chợt phát hiện ra một điều khá thú vị: vị lớn tuổi, cao to, tóc bạch kim, giá thay quần jeans và polo kẻ ngang bằng com lê nâu và măng tô xám thì sẽ giống hệt thanh tra Derrick; còn vị trẻ tuổi, tầm thước, tóc bồng, giá thay quần jeans và áo polo kẻ sọc thành quần tím than và vest len ghi xám hẳn sẽ khiến nhiều người nhầm là phụ tá Klein. Derrick và Klein, cô gặp trong phim hình sự Đức, ba tháng liền, tất cả các buổi chiều nằm ôm thằng Mike, trước màn hình vô tuyến, từ ngày rời nhà hộ sinh, cho tới khi đầu óc mụ mị.

Derrick bật nút một chai sâm banh nhỏ, tự rót cho mình một ly rồi quay về phía cô mỉm cười:

“Làm chút cho mát ruột?”

Đã một tuần không nghe thấy tiếng Pháp nên cô giật mình. Klein tay cầm một chai bia, nhanh nhẹn tiếp lời, cũng khiến cô giật mình không kém:

“Tự nhiên nhé, bọn này khát cháy họng!”

Không khí phòng khách thư giãn, hết hẳn tiếng tích tắc của đồng hồ treo tường, còn tiếng rì rầm của điều hòa nhiệt độ thì nhiều lúc tưởng tiếng sóng biển Nha Trang lúc trời lặng gió. Dierrick làm xong ly sâm banh, ngả hẳn vào lưng ghế, tay trái vỗ lên đùi một nhịp vu vơ. Klein đã sang chai bia thứ ba, nhưng mặt vẫn tỉnh như sáo (khả năng uống bia của dân Đức vô địch không kém khả năng ngoại ngữ), miệng chúm chím một giai điệu, nghe một lúc cũng nhận ra Lili Marleen. Mit dir Lili Marlene. Mit dir Lili Marlene. Lili Marleen, cô xem mòn cả băng video, ba tháng nằm nhà, từ lúc đợi sinh thằng Mike cho tới khi đầu óc mụ mị. Lili Marleen hôm nay, giữa Sài Gòn, cũng trở thành quá khứ.

Phòng rơi vào im lặng lúc nào không hay. Lili Marleen được thay thế bằng những tiếng thở nhẹ. Mặt trời len lỏi khắp nơi. Bấy giờ mới hay hai vị thanh tra đến từ nước Đức có nước da rám nắng đặc biệt. Ngoài quần jean và polo kẻ đang vận trên người (rất điển hình cho du khách phương Tây), thì nước da rám nắng (điển hình không kém) cũng góp phần tạo nên cái vẻ tươi tỉnh dễ gần ấy. Có lẽ nên hiểu rằng hai vị thanh tra muốn nhân dịp thanh tra tai nạn thang máy của Sài Gòn thì giải quyết luôn một thể nhu cầu nghỉ ngơi thư giãn của bản thân. Hai vị làm gì không biết cô có mặt ở Sài Gòn từ ngày nào, nhưng chưa vội gặp ngay vì còn đang bận tắm biển và phơi nắng ở Nha Trang hay Phú Quốc hay một nơi xa xa nào đó, như Bãi Cháy hoặc Sầm Sơn. Rất có thể, trước khi quyết định làm cho da chuyển thành màu đồng và khoác lên người những bộ quần áo của dân du lịch, hai vị cũng cảm thấy tiêng tiếc (được nhầm với diễn viên hình sự nổi tiếng kể ra cũng thú vị) nhưng rồi tặc lưỡi: giữa nhu cầu chinh phục công chúng Việt Nam và nhu cầu nghỉ ngơi thư giãn (đặc biệt là tắm biển và phơi nắng) thì rõ ràng nên nghiêng về nhu cầu thứ hai. Giữ nước da trắng bợt, vận áo vest len và măng tô dạ giữa cái nóng 39° để chinh phục công chúng Việt Nam thì hai vị được cái gì? Công chúng Việt Nam có chỉ trỏ hai vị từ xa, có gọi hai vị là Derrick và Klein, có xin chữ ký, tặng hoa thì hai vị được cái gì? Đặt chân tới Việt Nam hai vị biết ngay chẳng cần là diễn viên truyền hình nhiều tập Đức thì vẫn được chỉ trỏ từ xa, thậm chí có cả một đoàn thiếu nữ xinh xinh tiến lại tặng hoa, không xin chữ ký mà xin địa chỉ khách sạn.

Để cưỡng lại cơn buồn ngủ bất ngờ ập đến, cô tưởng tượng trong máy bay, Derrick và Klein tình cờ bị xếp ngồi cạnh một lão bụng đầy mỡ, đầu nhẵn thín, quần áo nhàu nhĩ, hơi thở đã hồng hộc lại thối hoắc đến độ đạo diễn điện ảnh nào có nhu cầu tìm diễn viên phụ đóng vai ăn mày cũng thấy ngần ngại. Các hành khách khác đều sợ vì hơi thở của lão mà mất dịp thưởng thức món cơm rang thập cẩm của Vietnam Airlines nên cứ chuyển chỗ dần dần và kết quả là hai thanh tra của chúng ta và lão ăn mày chia với nhau một góc khá rộng, gồm mấy dãy ghế bỏ không. May mà bình khử mùi và viên nút tai (những thứ này có thể nói khó để các chiêu đãi viên duyên dáng mặc áo dài hồng mang lại) cũng giúp Derrick và Klein ăn hết mấy bữa cơm rang thập cẩm và ngủ được vài giấc thoải mái trên hai dãy ghế bỏ không. Trong hơn mười tiếng ấy, lão kia vẫn nghênh ngang đi lại, hết vào toa lét lại ghé khoang đồ uống, rồi đi dạo giữa các dãy ghế, dường như để phân phối cho cả máy bay cái hơi thở kinh hoàng của lão. Hành khách tức điên mà không làm gì được, vì lão không phạm luật, vì không ai có thể bảo thẳng vào mặt lão rằng hơi thở của lão đã hồng hộc lại thối hoắc, lão không có quyền đi lại nghênh ngang. Nhưng có lẽ tức nhất là phải chứng kiến cảnh vừa ra khỏi máy bay, mới chạm chân đến lãnh thổ nước Việt, lão đã được hai em chân dài eo nhỏ lao tới ôm bụng (tất nhiên là mỗi em một bên và không em nào cần ghen tị với em nào). Hai em còn thi nhau hôn vào miệng hắn, như thể cái hơi thở từng khiến toàn bộ máy bay mất ăn mất ngủ kia thơm tho ngọt ngào chưa từng thấy. Hành khách tức nổ mắt. Nhưng có tức nổ mắt thì cũng không làm gì được lão, vì lão không phạm luật, vì không ai có thể bảo thẳng vào mặt lão rằng bụng lão đầy mỡ, đầu lão nhẵn thín, lão không có quyền được các em chân dài eo nhỏ lao tới ôm, vào vòng hai hay vào đâu cũng không được. Tóm lại, sau khi đã mục kích cảnh tượng trên và bản thân ngay ngày đầu cũng mấy lần được các thiếu nữ ân cần đề nghị trao đổi địa chỉ và điện thoại, Derrick và Klein quyết định đã tới Việt Nam thì nên bỏ các diễn viên điện ảnh lại cho công chúng châu Âu, để tận hưởng mặt trời, nước biển, các em chân dài eo nhỏ và bất cứ món quà gì mà cuộc sống trao tặng.

Tới Việt Nam để trở về với chính mình! Nếu có thể, Derrick và Klein sẽ khuyên tất cả các hãng du lịch phương Tây lấy câu này làm quảng cáo cho các tua đi Việt Nam.

Tới Việt Nam để trở về với chính mình! Cô đồ rằng trong cơn mơ màng, hai vị thanh tra nhắc đi nhắc lại tới độ mở mắt rồi, nhìn một lượt khắp phòng mà vẫn cứ tưởng đang nằm trên một bãi biển thần tiên, đầy ắp ánh nắng nhưng lại mát lịm như máy lạnh made in Japan, xa xa là bóng dừa xanh ngắt, gần hơn là nước biển cũng xanh ngắt, còn ngay bên cạnh là trùng điệp đồ uống, nguyên sâm banh đã gần chục loại, chưa biết nên chọn loại nào để vừa nồng lại vừa êm, vừa ngọt ngào lại vừa đỡ buồn ngủ. Brut hay extra brut? Sec hay Bi-sec? Cru hay grand cru?

Derrick bất ngờ vỗ hai tay vào nhau, giọng ngái ngủ:

“Bắt đầu làm việc nhé!”

Klein im lặng, đứng lên vặn ba vòng lưng, rồi ngồi xuống thẫn thờ mở túi du lịch, lôi ra một máy ghi âm tí hon đặt lên bàn uống nước. Giơ tay ra hiệu cho cô ngồi gần lại, dưới bóng một cây dừa, và hướng về máy ghi âm, Klein hắng giọng nói một tràng tiếng Đức, không vấp chỗ nào nhưng uể oải tới phát khóc. Cô cố mãi cũng nghe được “Ho Chi Minh Stadt”, tên mẹ, tên anh Mai, tên cô. Tên cô nằm ở cuối cùng, không biết là chủ ngữ, bổ ngữ hay phụ ngữ. Ngữ pháp tiếng Đức nói chung cực kỳ phức tạp và rất ngược đời.

Derrick nhìn vào máy ghi âm, giọng vẫn ngái ngủ:

“Đề nghị kể một kỷ niệm sâu sắc với người quá cố!”

Cô im lặng. Quả thật cô không bao giờ tính đến một câu hỏi như thế.

Derrick vẫn nhìn vào máy ghi âm, gợi ý, giọng đã bớt ngái ngủ:

“Ví dụ, lần đầu được mẹ dẫn đến trường.”

Cô im lặng. Rồi bất ngờ nói:

“Mẹ không bao giờ dẫn đến trường.”

Derrick ngẩng lên, hỏi vội:

“Thế ai dẫn đến trường?”

Cô trả lời:

“Anh Mai.”

Derrick hỏi tiếp:

“Ai kiểm tra bài tập về nhà?”

Cô trả lời:

“Anh Mai.”

Derrick hỏi tiếp:

“Ai đi họp phụ huynh?”

Cô trả lời:

“Anh Mai.”

Derrick thay đổi tư thế ngồi. Klein có vẻ đã lấy lại tinh thần sau một giấc trái giờ. Derrick vừa dừng lại, Klein liền tiếp lời:

“Ai nấu cơm?”

Cô trả lời:

“Anh Mai.”

Klein hỏi tiếp:

“Ai rửa bát?”

Cô trả lời:

“Anh Mai.”

Klein hỏi tiếp:

“Ai xếp hàng mậu dịch?”

Cô trả lời:

“Anh Mai.”

Derrick và Klein quay ra nhìn nhau, rồi cùng nhún vai. Bản thân cô cũng ngạc nhiên. Có vẻ như không có buổi hỏi cung ngày hôm nay thì cô cũng quên hẳn những chi tiết ấy.

 

CHƯƠNG 18

Sài Gòn

 

Rồi, như thể bị ai đó nhập vào người, cô hít thật sâu rồi nói một mạch:

“Lần nào nhìn thấy anh Mai, cô giáo cũng nhíu mày. Cuối cùng, cô giáo viết giấy yêu cầu gặp riêng phụ huynh. Mẹ đã tới và để lại rất nhiều ấn tượng. Hôm sau cô giáo nói với cả lớp rằng mẹ là một phụ nữ phi thường, một phụ huynh kiểu mẫu, một trí thức xã hội chủ nghĩa điển hình, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng chiến thắng. Giảng viên đại học, bí thư đảng ủy, tổ trưởng bộ môn, vừa tận tình với Đảng vừa tận tình với con…”

Cô còn định nói thêm rằng đó cũng là lần đầu tiên cô nghĩ tới các vai diễn của mẹ. Nhưng dường như chính cái người vừa nhập vào cô đã ngăn cô lại.

Derrick bỗng e hèm một cái rồi nghiêm giọng:

“Hai mẹ con bao lâu rồi không gặp nhau?”

Cô trả lời:

“Mười năm.”

Derrick và Klein lại quay ra nhìn nhau rồi nhún vai. Rồi Klein hỏi:

“Vì sao?”

Cô im lặng. Câu hỏi này, cô biết thế nào các vị ấy cũng đặt ra, nhưng trả lời thì cô không muốn.

Không khí căng căng.

Derrick đứng dậy (lần đầu tiên trong buổi nói chuyện hôm nay), bước những bước dài quanh phòng, tay chắp sau lưng.

Klein quay về máy ghi âm, bối rối giơ tay bấm nút off (chẳng lẽ lại để máy ghi âm ghi toàn tiếng lộp cộp của giày đàn ông).

Phòng lại rơi vào im lặng. Nghe rõ tiếng tích tắc của đồng hồ và tiếng rì rào của điều hòa nhiệt độ.

Derrick làm thêm vài vòng phòng khách. Klein vò đầu bứt tai chục lần. Cả hai cứ thỉnh thoảng lại liếc về phía cô rồi quay sang nhìn nhau nhún vai. Cuối cùng, vị lớn tuổi ngồi xuống, ngả lưng ra ghế, hất đầu cho vị trẻ tuổi ngồi theo. Như không có chuyện gì xảy ra, hai vị thanh tra cùng thở phào một lượt. Derrick dướn người tóm lấy một chai Pommery Grand Cru Millésime, Klein quay ra nhấc một chai Pilsner Urquell. Trước khi đưa lên miệng, cả hai đồng thanh cái câu lúc nãy, với một thứ tiếng Pháp chuẩn hơn cả dân Paris:

“Tự nhiên nhé, bọn này khát cháy họng.”

Cửa phòng khách chẳng hiểu vô tình hay cố ý mà để ngỏ một cánh. Mùi đặc sản Việt từ dưới bếp bay lên quyện với mùi bia Đức thành một hỗn hợp cực kỳ dễ chịu. Klein ngửa cổ làm một hơi, nháy mắt với cô rồi giơ tay tắt luôn máy ghi âm, dường như chỉ muốn chấm dứt cái công việc buồn tẻ này càng nhanh càng tốt.

Cô cũng thở phào trong bụng, thế là đã qua một câu hỏi không muốn trả lời.

Từ đó về sau Derrick và Klein luân phiên đặt câu hỏi. Đại khái hồi bé đi sơ tán ở đâu, khi còn đi học phổ thông thì khá tự nhiên hay xã hội, vào đại học nào, khoa nào, tại sao, sang Pháp làm cho tư nhân hay nhà nước, lương có đủ tiêu, bao nhiêu con, con mấy tuổi, thỉnh thoảng có cho con đi tắm biển và phơi nắng, về Hà Nội lần cuối năm nào, công viên Lê-nin vẫn bày tượng Lê-nin, lăng Bác Hồ vẫn bày xác Bác Hồ?

Phải công nhận là hai vị thanh tra đến từ nước Đức nhanh trí, sau kinh nghiệm lúc nãy, không câu hỏi nào đặt ra là cô không thể trả lời. Máy ghi âm quay liên tục cả tiếng đồng hồ. Tuần tự một bên đặt câu hỏi, một bên trả lời, chưa bên nào phải đợi quá mấy giây.

Đồng hồ máy ghi âm chỉ số 80. Klein bấm vào nút off nhưng Derrick lập tức bấm vào nút on. Câu hỏi cuối cùng, dành cho anh Mai: “Anh trai cô là người như thế nào?”

Câu hỏi này không khiến cô bất ngờ. Chắc hẳn họ cũng từng hỏi anh Mai rằng cô là người thế nào, rồi lại hỏi bà giúp việc rằng anh Mai và cô là người như thế nào. Nhìn đôi cá ngựa vật nhau say sưa ngay dưới chân, cô lại hít một hơi thật sâu rồi chậm rãi nói:

“Anh Mai là một người tử tế, chưa bao giờ bị kiện ra tòa vị tội lừa đảo. Anh Mai cũng là người có hiếu. Anh đã tổ chức một đám tang ngang tầm Hollywood cho mẹ. Sau đám tang, anh Mai chỉ được cuốn CD sáu mươi phút và mấy trăm bức ảnh màu.”

Rồi cô cúi đầu làm một ngụm nước cam. Cô có quyền uống chút gì đấy vì từ khi buổi nói chuyện bắt đầu, chỉ có hai vị thanh tra là tự phục vụ và để lại một đống vỏ chai kha khá cạnh chân bàn. Nước cam khiến đầu óc tỉnh táo hơn, nhưng lại tạo ra một hố nhỏ ở bụng. Từ phía Derrick và Klein, không mảy may phản ứng, không hiểu có phải lại rơi vào một giấc ngủ mới. Mi mắt cô cũng bắt đầu nằng nặng. Nếu không có cái hố giữa bụng thì cô đã gục xuống bên cạnh hai vị thanh tra.

Khi đồng hồ máy ghi âm chuyển từ số 84 sang số 85, Derrick bừng tỉnh, Klein cũng giật mình. Cả hai quay ra nhìn cô chằm chằm khiến cô bỗng thấy tim hơi loạn nhịp. Cô cố trấn tĩnh rồi tiếp tục chủ đề anh Mai:

“Anh Mai rộng rãi, sáng nào cũng đưa cả nhà đi ăn sáng ở khách sạn Caravelle, khách sạn Caravelle phục vụ điểm tâm năm chục món. Buổi sáng đầu tiên sau đám tang mẹ, anh Mai chiêu đãi cả nhà cao lâu, món yến huyết made in China mỗi bát nửa triệu.”

Klein bật cười khùng khục, Derrick ngúc ngắc đầu, định quơ tay làm một chai gì đó, nhưng lại thôi. Đồng hồ máy ghi âm chỉ số 87. Ba phút nữa sẽ hết cuộn băng. Hai vị thanh tra ngồi thẳng dậy, tỏ ý muốn chấm dứt cuộc nói chuyện. Cô tự hỏi: có nên thông báo cho các vị ấy về tấm ảnh đen trắng tìm thấy trong sổ tay của mẹ? Rồi lại tự hỏi: ba phút có nên giao phó một bí mật?

Máy ghi âm kêu cạch một tiếng, ngừng quay. Klein hoan hỉ nhấc lên, mở ổ băng tí hon rút cuộn băng tí hon đút vào túi quần bên trái rồi lại mở ổ pin tí hon rút đôi pin tí hon đút vào túi quần bên phải, xong đâu đấy nhét máy ghi âm vào túi du lịch. Derrick quay sang bắt tay cô mỉm cười bảo “buổi nói chuyện” hôm nay đã kết thúc, rất cám ơn sự hợp tác của cô.

Cô thở dài nghĩ hai vị thanh tra về tới Đức sẽ làm được một bản báo cáo dài về cô để đưa vào hồ sơ tai nạn thang máy (băng ghi âm chín mươi phút và hai trí tưởng tượng kết hợp lại thì phải xào ra mấy chục trang A4), còn cô thì chẳng thu thập được thông tin nào từ hai vị ấy, không thể biết hai vị ấy đã điều tra đến đâu, có manh mối gì, sắp tóm được ai trong vụ án thang máy Sài Gòn.

Rồi cô lại nghĩ thực ra, cô đã dự cảm được điều này ngay khi nhìn thấy trang phục du lịch và nước da màu đồng của hai vị thanh tra. Hơn một tuần vừa qua, hai vị ấy còn mải “trở về với chính mình” ở một hay vài bãi biển nguyên sơ và thơ mộng nào đấy của Việt Nam. Nếu đôi khi hai vị ấy có nhíu mày, nghiêm mặt, hay bước những bước dài quanh phòng khách thì chỉ để cưỡng lại cơn buồn ngủ hoặc tránh những câu hỏi mà cô không muốn trả lời. Những câu hỏi mà cô không muốn trả lời không là mối quan tâm của hai vị ấy, nhưng lại gây ra những im lặng mất thời giờ. Hai vị ấy không cần cô im lặng, hai vị ấy cũng không cần “quay” cô, hai vị ấy chỉ cần cô trả lời cho hết 90 phút là xong trách nhiệm chuyến công tác chín ngày (đầu chuyến là 90 phút nói chuyện với anh Mai và bà giúp việc, cuối chuyến là 90 phút nói chuyện với cô, còn giữa chuyến là chín ngày “trở về với chính mình”). Hai vị ấy chưa bao giờ dọa cô và tỏ ý muốn dọa cô. Hóa ra một vài lúc, tim cô đã đổi nhịp một cách vô lý.

Cô tự nhủ, có lẽ chính vì thế mà Derrick và Klein đã trở thành hai nhân vật đáng yêu nhất trong ngành thanh tra. Hai nhân vật đáng yêu tươi cười cảm ơn lời mời “bữa cơm giản dị” chắc hẳn là rất hấp dẫn, nhưng “chúng tôi không còn nhiều thời gian, xin hẹn một dịp khác”.

Phòng khách đóng lại, lần này thì cả hai cánh hẳn hoi (hai vị ấy sợ cô chạy theo đòi được nói chuyện tiếp). Tiếng chân như chạy trong hành lang (hai vị ấy cũng sợ bà giúp việc lao từ bếp ra đòi được chiêu đãi đặc sản Việt).

Cô ngồi xuống đi văng thở dài, may mà không giao phó bí mật của mẹ cho hai vị thanh tra đáng mến. Hai vị thanh tra có nhìn thấy tấm ảnh của Paul Polotski thì cũng nhíu mày, nghiêm giọng hỏi tìm thấy bao giờ, bước vài vòng xung quanh phòng khách rồi nhét vào một ngăn nào đấy của hai túi du lịch. Mấy hôm nữa về tới Đức, trong lúc soạn quần áo bẩn mang đi giặt, nếu có vô tình sờ thấy cũng chẳng còn nhớ là của ai, hoặc nếu nhớ thì cũng tặc lưỡi vứt vào sọt rác vì tự dưng lại mua việc vào thân, biết khai thế nào vào báo cáo gửi cho hãng thang máy. Khai thật thì sẽ bị hỏi tại sao không ở lại thêm một vài tiếng để tiếp tục điều tra. Chẳng lẽ lại trả lời rằng một vài tiếng đấy chúng tôi đã sử dụng để “trở về với chính mình” lần cuối cùng, trước khi lên máy bay quay lại châu Âu âm u buồn tẻ.

Người ta bảo Berlin mùa xuân âm u và nhiều gió. Cô tự nhủ Paris mùa hè không có gió nhưng cũng âm u. Tháng Tám cửa hàng nào cũng đóng, trừ cửa hàng mỹ nghệ của bà Wang, bà Wang bảo khách Paris đi nghỉ hè nơi khác thì bán cho khách du lịch đến Paris nghỉ hè, rồi bày lên tủ kính một loạt tháp Eiffel bằng nhôm và khăn mùi xoa in hình lâu đài Versailles, nhưng cuối cùng cũng chẳng câu được khách nào. Chín tiếng một ngày, cô ngồi trên ghế khảm trai, uống nước chai và gặm bánh mì thịt nguội, một chồng tiểu thuyết trinh thám đặt bên cạnh, cuốn nào cũng dở dang.

Paris mùa hè nhớ nhất những cơn mưa rào, trời bỗng tối đen và nổi sấm đùng đùng.

 

[còn tiếp]

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021