thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG GHI CHÉP Ở TẦNG THỨ 14 [chương 5]

 

Đã đăng: [chương 1-2] - [3] - [4]

 

5.

 

Tuy Việt Nam là một cường quốc về thơ nhưng một trong những giới hạn lớn nhất của văn hoá Việt Nam là vấn đề từ ngữ. Có một sự thật là càng ngày tiếng Việt càng giàu ra và càng nghèo đi, cùng lúc. Theo một tài liệu tôi được đọc thì số vốn ổn định về từ ngữ của một người Việt bình thường là 1793 từ. Thủ đắc được chừng đó từ là người ta có thể nhẫn nhục sống qua ngày, sống một cách khá tệ, nhưng chưa phải là tệ nhất.

Tình trạng tệ nhất là khi con người có khả năng về thể chất — không bị khiếm khuyết các bộ phận phát âm như lưỡi, thanh quản... — để nói ra những suy nghĩ của mình, nhưng hắn bị đe doạ, thậm chí nghiêm cấm thực hiện điều đó. Có những kẻ bất chấp sự nghiêm cấm và phải trả giá cho sự ương bướng đó: họ bị trừng phạt. Hình phạt là bị tước đi khả năng phát biểu. Khi đó, cái miệng chỉ còn chức năng ăn, và bị tước đi chức năng nói.

Người ta cho rằng Việt Nam ngày nay đã có một bước tiến rất xa so với trước đây — trước đây có nghĩa là khoảng 30 năm trở về trước — khi đó, chẳng những đã đành không được nói, mà con người còn không được suy nghĩ. Người ta luôn quan sát nhau, dò xét nhau, để tìm hiểu xem kẻ kia có đang suy nghĩ gì không; nếu có, thì hắn đang nghĩ những gì. Con người không được suy nghĩ trái với những quy định, những nội dung, mà hắn được nhà cầm quyền cho phép. Hắn suy nghĩ khác đi, thì hắn không phải là con người xã hội chủ nghĩa. Không phải con người xã hội chủ nghĩa, thì không xứng đáng tồn tại trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, là phải bị loại trừ.

Hình thức kiểm soát suy nghĩ này dường như được sao nguyên bản và áp dụng trong các chương trình “Anger management”[1] dành cho những người bị cho là có vấn đề về tâm thần ở Mỹ. Trong các buổi học, có một vị chuyên gia tâm lý điều hành. Các học viên ngồi thành vòng tròn và lần lượt tự giới thiệu về mình, về lý do vì sao mình tham gia chương trình này, và tuyên xưng những tội lỗi vừa kịp hình thành trong đầu.

“Tôi tên là Betty Rose, 39 tuổi, hành nghề bác sĩ nhãn khoa, hiện ngụ tại 370 South Raineir Street, Bellevue. Tôi có gia đình, chồng tôi là John Doe, hai con tôi là Tim và David. Tôi tham gia chương trình này là do tôi có hành động vu khống chồng tôi ngoại tình và hành hung anh ấy vào lúc 9:45 tối 27 tháng Chín vừa qua. Tuần qua, tôi đã có những hành vi như sau:

- 6 giờ chiều ngày thứ Sáu tôi có ý định nện cho con chó nhà hàng xóm một gậy vì nó sang vườn nhà tôi ị một bãi.

- 3:45 giờ sáng ngày thứ Bảy, tôi có ý định, nếu có cơ hội, sẽ tìm cách làm tình với John là nhân viên vệ sinh trong bệnh viện của tôi. Tôi đã tưởng tượng mình sẽ có những cảm giác như thế nào khi làm tình với anh ấy.

- 9 giờ sáng ngày thứ Hai tôi lấy một cái bánh quy của Nick, người làm chung phòng với tôi, lẽ ra tôi nên hỏi xin anh ấy trước khi ăn nó.

Tôi rất xấu hổ vì những hành vi tiêu cực và ý nghĩ xấu xa của mình. Tôi sẽ cố gắng khắc phục và không làm những điều tệ hại đó nữa. Xin mọi người hãy phê phán và đề nghị hình phạt cho tôi, tôi sẽ nghiêm túc chấp hành. Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe.”

Vì sao mà tôi biết được những điều đó ư?

Tôi từng là một học viên của khoá học đó, với giá gần 2 ngàn đô-la, kéo dài trong 2 tháng.

Đó là chuyện ở Mỹ.

Trở lại chuyện Việt Nam. Tôi có xem tấm hình rất nổi tiếng về tình trạng bị tước quyền được nói này. Tấm hình mô tả một con người bị đưa ra xử ở một phiên toà. Người bị xử, bị còng tay trước bụng, ngồi sau vành móng ngựa, hai mắt ông nhắm nghiền. Một kẻ khác đứng ngay sau lưng ông, vòng tay ra bịt miệng ông, không cho ông nói. Hai bàn tay to bè, gân guốc, bịt chặt từ phần sống mũi trở xuống tận cằm. Có khi lịch sử mở rộng cửa cho người ta bước vào bằng một hành động có tính biểu trưng trong chớp nhoáng như vậy đấy.

Tôi nghĩ, với số vốn từ ngữ hạn chế đó, nói chung, đời sống tinh thần của người Việt có lẽ khá là nghèo nàn và tẻ nhạt. Có một số người được đặc quyền sử dụng số từ nhiều hơn số từ vựng căn bản đó, từ đó họ cố gắng tranh thủ ưu thế của mình để mưu cầu những ưu tiên trong đời sống.

Sự khác biệt về thân phận của con người được chỉ rõ ra trong từ ngữ người ta sử dụng để nói về cái còn lại của họ sau khi đã chết: xác, tử thi, thi hài, di hài...

Còn cái khỉ khô gì nữa nhỉ? Tiếng Việt, và những gì liên quan tới Việt Nam thật là phức tạp dối với tôi. Vừa hấp dẫn vừa quái dị, vừa thân thiết vừa xa lạ. Nhiều khi nó làm tôi phát khùng.

 

*

 

Thay vì cúng giỗ bằng thực phẩm thì người Việt có thể cúng nhau bằng những bài thơ; có khi chúng là những bài văn vần dài được gọi là điếu văn, hay hịch, hay trường ca. Cha tôi từng thấy những dải lời thơ màu xám tối bay là đà trong làn hơi nước đục mờ của buổi sáng sớm tinh sương, trên đầu đoàn người đưa ma. Chúng bay theo họ trên con đường từ làng, từ thành phố, đến các bãi tha ma.

Được đặt bên cạnh nải chuối, chén cơm, cái trứng luộc, ly rượu trắng, bát hương với những nén hương cháy dở có tàn tro cong cong, là một bài thơ tiếc thương người quá cố. Bài thơ luôn luôn được viết dở dang trên một tờ giấy thếp vàng, hoặc hiện đại hơn thì được in ra khổ giấy A4 từ máy vi tính. Bài thơ phải được viết dở dang, phải chưa bao giờ hoàn tất, chưa bao giờ viên mãn, như những cuộc vui dở dang mà vong linh đó chưa hưởng hết ở cõi tạm này mà phải ra đi.

Thi sĩ là một nghề rất phổ thông và là con đường ngắn nhất để có được danh phận trong cộng đồng. Bạn là thi sĩ thì sẽ được miễn trừ một số nghĩa vụ công dân như đi quân dịch, quét dọn đường sá và các nhà vệ sinh công cộng, vắt sữa bò ở các nông trường, đập đá ở các công trường thuỷ lợi... và điều tuyệt nhất là nếu bạn là kẻ đang làm ra tiền thì bạn sẽ được miễn khai thuế thu nhập hàng năm. Thay vì phải làm các việc tạp dịch đó thì mỗi năm các thi sĩ được tập trung lại ở một khu trại gọi là nhà sáng tác thi ca. Vô số những bài trường ca ca ngợi đảng cầm quyền và các vị lãnh đạo đất nước ra đời từ những khu trại đó. Những trường ca mà ngôn ngữ trong đó có độ lóng lánh cao và được đọc vang rền trên những chiếc loa ở khắp mọi nơi trên đất nước, ở mọi thời điểm trong ngày, trong thời chiến lẫn thời bình.

Thi sĩ! Nó là một thứ danh phận nằm lơ lửng và được nhào trộn giữa các vị trí như chí sĩ, chiến sĩ, tu sĩ, cuồng sĩ, bác sĩ, dược sĩ, hoạ sĩ, vô công rồi nghề, bịp bợm, hoạn lợn, gia nô, tù nhân, công an mật, lãnh tụ, bệnh nhân tâm thần, điềm chỉ viên, và liệt sĩ.

Cha tôi nói: “90% những người tù ở Việt Nam là thi sĩ. Và ngược lại, 99% thi sĩ là những tù nhân thực thụ hay ít ra là những kẻ có nhiều tiềm năng sẽ trở thành tù nhân.” Ông nói: “99% thôi, vì 1% còn lại là những kẻ không làm thơ nhưng đạo thơ của người khác.” Những bài thơ được làm trong thời gian ở tù luôn luôn là những tác phẩm trùng lặp nhau về tâm cảnh mất tự do, mơ ước cho tương lai khi ở ngoài hàng rào trại tù, ngoài song sắt buồng giam, và đấu tranh cho lý tưởng giải phóng. Nội dung của việc ai giải phóng ai, hay giải phóng cái gì, thì tuỳ thuộc vào phe mà thi sĩ chọn (có khi họ không chọn nhưng lại bị/được đặt để một cách ngẫu nhiên), tuỳ thuộc vào thân phận của thi sĩ, và vào từng thời điểm lịch sử. Khi thì A giải phóng A ra khỏi B; khi thì ngược lại, B giải phóng B ra khỏi A; hay cả hai A và B cùng giải phóng A+ ra khỏi C, ...vân vân... Tuy nhiên, hình như chưa có, hay rất ít, thi sĩ nào nói về những khắc khoải khi mất dần cái nhu cầu giao tiếp xác thịt với người khác giới trong những đêm cô quạnh; những đêm trằn trọc vì nỗi kêu đòi của nhu cầu bản năng giới tính. Khi thi sĩ tiến dần đến liệt sĩ là lúc họ teo dần đi cái khao khát mà họ từng kêu đòi khi còn ở ngoài không gian tự do.

 

*

 

Bạn có thể phạm tội giết người, nhưng không thể phạm tội chê thơ kẻ khác dở.

Đó là một tội ác ghê gớm!

Khi làm điều đó, bạn không chỉ huỷ diệt sinh mệnh của một con người, mà bạn đang đẩy ít nhất là một linh hồn xuống hoả ngục của sự khốn khổ, đau buồn, hổ thẹn đời đời. Nhiều khả năng linh hồn ấy chính là linh hồn của bạn.

Cha tôi kể một câu chuyện như thế này:

Hồi thập niên 50, ở miền Bắc, có hai ông bạn cùng trang lứa đều là những người làm văn nghệ. Một ông đa tài. Vừa làm thơ, vừa viết ca khúc, vừa vẽ tranh, vừa dịch sách. Sau này, khi túng thế, ông còn vẽ minh hoạ cho các tờ báo để có tiền mua rượu. Ông kia là một nhà thơ chưa có chút tiếng tăm gì cả vào lúc thanh niên. Họ đi kháng chiến, cùng sống và hăng say làm việc cho cách mạng ở trong chiến khu.

Một lần, sau nhiều đêm dài thao thức, ông nhà thơ chưa nổi danh khoe với ông thi- nhạc-hoạ-sĩ đa tài rằng mình mới làm được thơ rất hay. Ông này đọc xong bèn bĩu môi.

''Cái này là vè chứ có phải là thơ, có gì hay ho đâu nhỉ. Nhưng dù sao đi nữa, ông quả là một nhà thơ cần cù trong thi ca và là một chiến sĩ kiên định với cách mạng. Cố gắng lên nhé!”

Ông thi-nhạc-hoạ- sĩ là người vô tâm. Ông chỉ nghĩ rằng đây là một câu nói đùa, nói xong rồi quên, và nghĩ rằng bạn mình cũng vô tâm, hồn nhiên như mình vậy.

Có ngờ đâu câu nói đùa đó thành mối thâm thù, đã làm tổn thương và đeo đuổi ông nhà thơ kia mãi. Về sau, ông nhà thơ trở thành một ông quan lớn nắm quyền sinh sát trong ngành văn nghệ và tư tưởng của đảng. Ông ta thanh toán mối nhục cũ với kẻ dám chê thơ, coi thường tài năng của mình. Ông buộc cho ông thi-nhạc-hoạ-sĩ tội phản động, chống đảng, và vùi dập cho tan nát sinh mệnh chính trị của ông này. Cay độc và tàn nhẫn hơn, ông ra lệnh cấm tất cả các cửa hàng tư doanh cũng như quốc doanh bán thịt chó cho ông cựu tri kỷ của mình.

Cha tôi nói rằng, ở Việt Nam, mối liên hệ giữa thịt chó và nghệ thuật là một mối quan hệ gắn bó bền chặt và vô cùng thiêng liêng. Ông kết luận chắc nịch với giọng hài hước thì ít, mà cay đắng thì nhiều, rằng: “Không có thịt chó và mắm tôm (một loại nước xốt màu tim tím, dường như được làm bằng thi hài của một loài nhuyễn thể hay loài phiêu sinh gì đó, để cho phân huỷ, rất nặng mùi; cha tôi rất ưa mà mẹ tôi thì ghê tởm thậm tệ) thì khó lòng có nghệ thuật! Việc tước đoạt thịt chó ra khỏi đời sống của một nghệ sĩ chân chính thì cũng tàn nhẫn và phi lý ngang với việc tước đoạt khái niệm tự do ra khỏi đời sống của một người Mỹ. Đối với giới nghệ sĩ ở Việt Nam thì việc thiếu vắng thịt chó là một hình phạt kinh khủng nhất.”

Tôi nghĩ, chắc có lẽ sự thiếu vắng thịt chó cũng là nguyên nhân của sự thất bại trong sự nghiệp thi ca của cha. Ở Mỹ thì làm quái gì có thịt chó để ông ăn!

Tôi tra từ ‘chó’ trong từ điển tiếng Việt, thì:

chó: gia súc thuộc nhóm ăn thịt, nuôi để giữ nhà hay đi săn; thường dùng để ví kẻ ngu, kẻ đáng khinh miệt, và làm tiếng mắng nhiếc. Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng / Treo đầu dê bán thịt chó.

Nhưng theo cha tôi định nghĩa thì chó là cái gì đó nằm lưng chừng, nằm lơ lửng, một thế nằm vừa cụ thể vừa trừu tượng nhưng lại xác tín một cách kỳ lạ, ở giữa một cục thịt và cái tâm + cái tài của giới lãnh đạo đất nước.

May mắn thay, ông thi-nhạc-hoạ- sĩ là tác giả của bài quốc ca từ lúc nền độc lập của đất nước vừa chớm nở, và bài hát ấy còn được sử dụng cho tới tận ngày nay. Theo cha tôi thì bài hát đã có công rất lớn, có tác động rất lớn trong giai đoạn cách mạng đang giành độc lập cho đất nước. Nó giúp cho chiến sĩ thêm lòng dũng cảm lao lên chiến đấu bất chấp cái chết. Cha tôi đọc phần ca từ cho tôi nghe. Quả thật nó vô cùng kích động, làm cho tôi sôi máu lên ngay. Và thật rùng rợn. Tôi rợn người khi nghe ông đọc, hát rồi dịch lại cho tôi hiểu từng câu. Cái gì mà “... thề phanh thây uống máu quân thù...”, với lại “... đường vinh quang xây xác quân thù...”.

Hôm đó là lễ Tạ Ơn, hai cha con tôi vừa ra siêu thị mua thực phẩm về để ăn suốt tuần. Cha tôi lôi con gà tây to đùng ra từ lò nướng, bỏ lên cái khay bọc giấy bạc. Ông lấy dao nĩa ra bày cho tôi cách xẻ thịt con gà.

“Phanh thây là làm như vầy nè.” Ông vừa lóc thịt hai đùi, ức và cánh, vừa mổ bụng con gà, chia thịt ra thành từng miếng nhỏ, rồi chan nước dùng lên. Tôi quan sát những động tác của ông, hình dung con gà là một gã “quân thù” với đầy đủ đầu mình và tứ chi, rồi tôi cầm lấy dao nĩa phụ ông một tay. Một lúc chán, tôi lại đổi vai, chơi trò tưởng tượng mình là con gà “quân thù” nằm trên đĩa, còn ông là “chiến sĩ” đang phanh thây tôi, từng miếng từng miếng một. Nhưng có lẽ hình ảnh để minh hoạ cho cái cảnh này tốt nhất là hình ảnh một bộ lạc ở Phi châu thời xa xưa đang quây quần nhảy múa bên đống lửa sau cuộc đi săn, có cái giàn gác ngang treo một thằng người đang được quay thành món barbecue [2] thơm phưng phức và giòn rụm. Tuy vậy, hôm đó tôi không cách gì ăn cho vô món gà tây, cứ nhìn cái cánh ra cánh tay, nhìn cái đùi ra cái chân của thằng “quân thù”, rồi tôi no ngang. Tôi biết người Việt có món ăn làm bằng máu, gọi là tiết canh, nhưng tôi không thể hình dung ra cảnh uống máu quân thù được. Trí tưởng tượng nghèo nàn của tôi không sáng tạo được màn gì hay ho hơn cảnh cắn cổ hút máu trong điện ảnh. Chẳng lẽ nguồn cội mà cha tôi thuyết phục rằng nó là của tôi, dính liền với thân phận của tôi, là một xứ sở đầy những con ma cà rồng?

Cha tôi nói tiếp: “Nhờ cái bài hát ấy mà ông thi-nhạc-hoạ- sĩ giữ được mạng, tuy rằng phải sống mòn mỏi như đốm lửa lập loè trong tăm tối gần suốt phần đời còn lại. Một điều khổ tâm là ông bị theo dõi suốt, rồi khi người ta không còn thấy ông là thành phần nguy hiểm nữa và ngưng cho nhân viên an ninh theo dõi thì ông vẫn không tin điều đó. Chỉ thỉnh thoảng, thường thì 2 tháng một lần, ông được mời đi uống nước để báo cáo những hành vi của mình trong thời gian vừa qua: gặp ai, đi đâu, làm gì và nghĩ gì. Ông luôn có cảm giác của một con thú bị dồn đuổi, luôn thấy những con mắt rình mò mình ở khắp nơi để báo cáo, kể cả sự ngộ nhận những con mắt ấy đến từ những người thân trong bạn bè và gia đình.” Tôi không tin lắm về tất cả những gì cha tôi kể. Ông có sống ngoài Bắc trong giai đoạn đó đâu? Cha tôi bảo rằng ông đọc được các thông tin đó trên trang mạng talawas.org , nếu tôi không tin thì lên đó xem mà tìm hiểu. Trời đất, tôi đâu có thì giờ để làm chuyện đó, nhưng dù sao cha tôi cũng đã cho tôi những khái niệm sơ khởi để làm cuộc hành trình về nguồn cội.

Cha tôi nhấn mạnh, giọng chì chiết:

“Tin được không chứ, thật là bi tráng! Làm sao ông ta có thể chịu đựng được suốt 30 năm mà những chiếc răng trong miệng ông, những chiếc răng vẫn còn đầy đủ mọi chức năng phục vụ, lại hoàn toàn không được cắn ngập vào các món dồi lòng, chả chìa, hấp, nướng, rựa mận, xáo măng cơ chứ? Ý chí sống còn của ông ấy thật đáng kinh ngạc! Sống thế mà cũng sống nổi!”

Cha tôi ngờ nghệch khi nhận định về người khác như vậy đấy, ông quên mất thân phận cũng không kém bi đát vì thiếu thịt chó của chính mình. Thân phận một thi sĩ.

 

(Còn tiếp)

 

_________________________

[1]“Anger management”: Chế ngự, kiểm soát sự giận dữ. Có thể xem thêm thông tin ở link này: http://en.wikipedia.org/wiki/Anger_management

[2]barbecue: món thịt nướng.

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021