thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG GHI CHÉP Ở TẦNG THỨ 14 [chương 6]

 

Đã đăng: [chương 1-2] - [3] - [4] - [5]

 

6.

 

Sài Gòn cuối tháng Sáu đôi khi có mưa nhưng vẫn còn nóng lắm. Bạn có thể làm quen dần với nhiều điều kiện môi trường sống nhưng khó mà thoả hiệp được với cái nhiệt độ hầm hập và thứ tiếng ồn kinh dị của thành phố này.

Tôi đón taxi về khu Tây ba-lô, một khu nằm ở trung tâm thành phố, theo chỉ dẫn từ cuốn Lonely Planet mà tôi mang theo. Ở đó là khu dành cho những kẻ như tôi, bọn du lịch bụi bờ, bọn người bị mẹ tôi cho rằng là mọi thành phần rác rưởi mà thế giới văn minh đã từ chối, nhưng bà cũng dư biết rằng cái bọn bụi đời ấy cũng khinh rẻ và chán ngán cái thế giới trật tự văn minh của bà và chúng không chịu thoả hiệp với nó. Và, điều quan trọng là cậu con trai duy nhất của bà lại lăm le muốn trở thành một thành viên của cái đám ấy. Bà biết và không đồng ý, rồi cảm thấy bất lực vì không thể lái tôi theo cái hướng tương lai mà bà hoạch định và kỳ vọng. Ban đầu bà khuyên răn tôi. Khuyên răn không xong, bà phản đối. Phản đối không ăn thua, bà dùng biện pháp chế tài, cắt giảm tiền allowance. Rồi, khi tôi đã 20 tuổi thì bà mặc kệ.

Giá phòng trong các nhà nghỉ ở khu này tương đối là rẻ so với các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á, chừng 10 đô-la cho tới 20 đô-la / một đêm, có thể trả giá thấp hơn và không phải đặt chỗ trước.

Ở đây, nếu bạn không quá khó tính thì lúc nào cũng có chỗ để đặt lưng xuống qua đêm. Nhưng tôi không muốn trải qua những ngày đầu tiên trong một căn phòng tồi tàn. Tôi muốn có một chỗ nằm tươm tất với ga trắng sạch sẽ, máy lạnh mát rượi, và các tiện nghi của một khách sạn chứ không phải ở căn phòng trọ hẹp, bẩn, ngột ngạt, không cửa sổ. Tôi cũng cần một cái hiên nhỏ có tầm mắt khoảng khoát để nhìn xuống thành phố, để cái không khí nhiệt đới hầm hập từ từ thẩm thấu vào các lỗ chân lông và làn da còn tươm mùi của thế giới tư bản; như lời cha tôi dặn, một cách hơi cường điệu và văn hoa không cần thiết: “Hãy sẵn sàng cải tạo chính mình và hội nhập vào phần đất hiếm hoi còn lại của thế giới.” Riêng điều này, một trong những điều hiếm hoi, tôi đồng ý với ông. Thêm nữa, tôi muốn chụp hình nơi mình đang ở, gởi qua e-mail cho mẹ, để trấn an bà rằng quý tử của bà vẫn đang được cuộc đời đối xử không tệ.

Liên Hiệp Quốc loan báo rằng chính thức coi việc tự do truy cập Internet là một quyền cơ bản của nhân loại: Tất cả mọi người, không phân biệt tầng lớp, tôn giáo, giới tính, độ tuổi, dân tộc... đều có quyền được truy cập Internet và tự do thể hiện suy nghĩ, quan điểm, góc nhìn của bản thân họ trên mạng thông tin toàn cầu này.

Làm thế nào để xác quyết rằng mình đang sống trong một đất nước cộng sản hay tư bản ư? Tôi bắt đầu có kinh nghiệm về điều đó. Bạn cứ lên mạng, gõ facebook.com, nếu bạn có thể đăng nhập vào một cách nhanh chóng và dễ dàng thì bạn đang ở Texas hay Toronto hay Tokyo, còn nếu không vào được, thì bạn đang ở Bắc Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc, Việt Nam hay Pakistan...; tức là bạn đang ở một trong những đất nước độc tài hay cộng sản còn sót lại của thế giới.

Tôi chỉ lên mạng được để gởi e-mail cho mẹ, nhưng đếch vào facebook được.

Tôi đang ở Sài Gòn.

Thêm một kinh nghiệm nữa, khi tôi mở Ipad, bấm vào chương trình để xem phim của Netflix, một công ty cung ứng phim cho khách hàng xem trên mạng, thì được bọn ấy trả lời bằng dòng chữ: “We haven’t reached to this part of the world.” [1] Thế mới thấy cái bọn tư bản ấy phân biệt một cách chó đểu không chứ!

Tôi được bọn giang hồ vặt trên mạng cho biết rằng, không náo nhiệt như ở Bangkok hay Kalua Lumpur, nhưng Sài Gòn luôn có chỗ để bạn ngồi đến 3 giờ sáng với một chai bia 333, một loại bia địa phương khá ngon, và nhấm nháp từng hạt đậu phộng rang đựng trong đĩa nhựa, tán gẫu với một cô gái có số ngữ vựng tiếng Anh vừa đủ để hiểu nhau trong các đề tài thông thường. Tuyệt nhất là có thể phì phèo phun khói thuốc lá vào đám đông chung quanh mà không hề bị phản đối hay kỳ thị. Tôi không hút thuốc nên tôi sẽ không được hưởng cái khoái cảm tự do đó.

Khách sạn này nằm ở góc đường Đề Thám và Bùi Viện ở quận 1, nó có tên là “Murderers’ nightmare”. [2]

Tôi chưa từng giết người. Thỉnh thoảng tôi cũng có ác mộng với bàn tay nhỏ máu ròng ròng. Thường thì trong các giấc mơ khi gần sáng ấy tôi bị giết bằng một cách nào đó, thật dã man, bởi một kẻ mà tôi chưa hề quen biết. Những cơn ác mộng có vài tình huống cứ lặp đi lặp lại. Thường thì tôi bị cắt mất một hay hai bộ phận trên thân thể trước khi bị xô xuống từ một tầng lầu cao, hay từ một chiếc máy bay đang bay. Ngoài những khi bị giết bởi kẻ lạ, thì cũng có khi tôi bị cha tôi xô, khi thì bị mẹ tôi xô. Tôi thức giấc trước khi thấy mình chết hẳn; nằm một lúc định thần cho tỉnh, tôi sung sướng đến ngạt thở vì thấy mình còn sống. Có khi sung sướng quá vì còn được sống tiếp, tôi phải la hú lên thật lớn, cười sằng sặc, đập chân đập tay lên nệm ầm ầm. “Chúa ơi, con sướng quá!”

Tôi muốn thuê căn phòng trên lầu ba, phòng số 317.

Google cho tôi biết vào nhiều năm trước một vụ án mạng đã xảy ra trong chính căn phòng này. Một gã du khách gốc Thái Lan đã giết rồi chặt xác nạn nhân ra thành nhiều mảnh, bỏ vào bao rác, nhét xuống ngay dưới cái gầm giường mà tối nay tôi sẽ nằm. Lý do tôi muốn ở căn phòng này là tôi hi vọng cái không gian đó sẽ kích thích tôi, hay ít ra cũng gợi cho tôi một cái gì khác thường để tạo hứng cho trí tưởng tượng, hay tạo hứng cho việc viết.

Bà chủ khách sạn đồng ý giảm cho tôi 50% giá phòng khi tôi cho bà biết rằng tôi cũng biết cái thông tin kinh dị đó. Bà xuýt xoa tỏ vẻ khâm phục cái kiến thức có từ Google của tôi. Bà nói:

“Tôi thừa nhận là căn phòng đó có vấn đề bất thường, nhưng anh xem kìa, không phải chung quanh chúng ta chẳng có gì là bình thường cả sao? 22 đô-la là giá đặc biệt chỉ dành cho anh thôi đấy.”

Tôi nhìn vào tấm gương đối diện, bà chỉ hiện diện trong đó với một cánh tay phải, một nửa phần cái đầu bên trái được chẻ dọc bằng một lát cắt rất phẳng.

Tôi đưa bà tờ 50 đô-la cho 2 ngày đặt trước, với cuốn hộ chiếu, rồi lấy lại tiền dư, chìa khoá và hai cái điều khiển, một cho máy lạnh và một cho ti-vi, rồi kéo va-li vào thang máy.

Trong hộc bàn hay trên cái bàn nhỏ ở đầu giường trong các phòng khách sạn ở Việt Nam không có cuốn Thánh Kinh như khách sạn của Mỹ thường có. Tôi chưa đi châu Âu và châu Phi nên không biết các nơi đó như thế nào. Dù sao, tôi nghĩ Thượng Đế cũng nên hiện diện một cách cụ thể và công bằng ở khắp mọi nơi, nhất là các nơi như thế này, ít ra là cho những kẻ độc hành như tôi. Với những kẻ du hành cô độc thì một cuốn Thánh Kinh còn quan trọng và hữu dụng hơn chai dầu gió và thuốc tiêu chảy cộng lại. Không sao, tôi có mang theo trong túi xách một cuốn Tân Ước khổ nhỏ bằng bàn tay.

Tắm xong, tôi ngủ một giấc ngắn, cố làm quen với mùi thuốc xịt phòng gây gây, xốc lên mũi.

 

*

 

Tôi thức giấc nhưng chưa thoát ra khỏi trạng thái mê mệt khi nghe một tiếng nổ lớn rồi ngay sau đó đèn tắt phụp. Tôi để máy lạnh nên đã đóng hết cửa sổ và kéo màn lại. Căn phòng kín bưng và tối om. Tiếng động rì rì của máy lạnh và cái tủ lạnh im bặt, im bặt cùng lúc với tiếng nhạc dội lên từ dưới phố. Tôi có cảm giác căn phòng đang rơi trong một giấc mơ. Tôi nằm im lắng nghe tiếng tim mình đập. Tôi mở mắt ra, không thấy gì, nhắm lại. Khi nhắm mắt, dù có ánh sáng hay không, tôi vẫn thấy dễ chịu hơn là mở mắt. Việc nhắm mắt, không phải chú mục vào một gương mặt hay vật thể nào, cho tôi cảm giác yên bình. Nhắm mắt và lắng nghe một cách lơ đãng là trạng thái dễ chịu nhất, nhất là khi nằm bên người tình. Tôi đọc được điều này ở trong một cuốn sách mà không còn nhớ là cuốn gì, nhân vật chính có thói quen khi nằm bên người tình thì hắn không bao giờ mở mắt. Những kẻ nằm bên nhau mà mở mắt nhìn nhau thì trước sau gì cũng phải xa nhau nếu không muốn giết nhau. Vậy mà hắn liên tục phải xa rời hết người tình này đến người tình khác. Ở đoạn kết của cuốn sách, tác giả cho gã nhân vật bỏ được thói quen nhắm mắt, lúc này hắn luôn mở mắt và ngó mãi cái trần nhà hết đêm này đến đêm khác vì bên cạnh hắn không còn một ai.

Tôi ngửi thấy mùi khét của điện cháy. Có tiếng sấm dội lại từ đâu đó rất xa. Hình như có mùi nước mưa len vào từ cửa sổ. Một hai tiếng sột soạt thật nhỏ từ góc xa của căn phòng, có lẽ tiếng móng của một con gián cào lên mặt giấy.

Tôi cố nhớ lại, căn phòng này có hai giường được đặt song song, cách nhau chừng sải tay. Giường gỗ, có thành giường sát tận mặt đất, như khung của một cái hộp. Trên mỗi giường trải ga trắng, có hai gối kê, một gối ôm cũng được bao bằng vải trắng, một tấm chăn trắng mỏng, và cái khăn tắm cũng màu trắng được gấp lại dưới chân.

Lúc này, một ý nghĩ bật ra trong đầu: khi giết cô gái ấy xong, thì gã người Thái chặt xác ra làm nhiều phần, bỏ vào bao rác, nhét xuống gầm giường, nhưng gầm giường nào? Cái giường kề bên cửa sổ mà tôi đang nằm hay cái giường nằm gần nhà vệ sinh kia? Tôi hình dung ra mớ chăn gối, khăn đều màu trắng ướt sũng máu.

Tôi mở mắt, cố với tay ra mặt bàn đầu giường mò tìm, hi vọng bắt được bao diêm hay cái quẹt ga, nhưng không thấy gì cả, chỉ sờ tay đụng vào cái đế đèn ngủ bằng kim loại, lạnh ngắt. Mắt tôi tập làm quen với bóng tối. Một ánh chớp loé lên thật nhanh từ khe cửa sổ. Tôi thấy được những hàng số trên cái điện thoại bàn nhá lên chút ánh sáng.

Tiếng xe máy đột ngột rú lên. Không phải chỉ một chiếc, mà nhiều chiếc cùng rú máy. Tôi không muốn nằm im trong cảm giác chịu đựng và bất lực nữa. Tôi gượng ngồi dậy, dựa lưng vào tường. Tôi đang không mặc gì cả. Da lưng tôi cạ vào vách gai gai. Một giọt nước rơi trúng vào sống mũi lạnh buốt làm tôi giật mình. Mất vài giây tôi mới nghĩ được rằng có lẽ nước từ máy điều hoà nhỏ ra. Tôi hít sâu vào rồi thở ra thật chậm, dè sẻn từng chút không khí trong buồng phổi. Tiếng nước nhỏ từng giọt chậm trong phòng tắm. Từ vòi nước xuống cái xô. Hay từ vòi xịt bên bồn cầu xuống sàn nhà. Ban chiều, tôi đã ngạc nhiên khi thấy cái vòi xịt này, tôi chưa từng thấy nó bao giờ, rồi hiểu ra công dụng của nó khi nhấc lên xịt thử, một vòi nước bắn ra thật mạnh. À, ở đây ngoài giấy vệ sinh thì người ta còn dùng cái vòi nước này để rửa đít, tôi chưa thấy cái hình thái văn minh này ở Mỹ và các nước bên đó. Bạn thấy nó kỳ cục ư? Rồi bạn sẽ quen, tôi tin rằng tôi cũng sẽ làm quen với nó. Một cách thân thiện.

Cha tôi được kể rằng trong một hội nghị về văn hoá ở nước ngoài, một diễn giả Việt kiều tâm tình với cử toạ người ngoại quốc rằng thuở thiếu thời, khi ông ấy còn ở Việt Nam, chưa vượt biên ra khỏi nước, ông thường chùi đít bằng những viên đá ông nhặt được dọc theo đường rầy xe lửa gần nhà, ở một tỉnh miền Trung. Một cách tự nhiên, ông thường có lại cảm giác quen thuộc ở hậu môn, thấy dấy lên nỗi nhớ những viên đá ấm nóng được nung trong nắng trưa thời thơ ấu, nhớ da diết, mỗi khi đứng trước quầy hàng có hàng chục loại giấy vệ sinh mịn xốp và thơm tho. Hàng trăm người im lặng lắng nghe ông nói, rồi tiếng vỗ tay vỡ bùng lên khắp khán phòng khi ông dứt lời. Tôi muốn khóc khi nghe câu chuyện đó.

Trước đó, tôi không ngạc nhiên mấy khi thấy một cái hộp gỗ như cái tủ nhỏ, có mái che, bên trong có bức ảnh một ông râu dài mặt đỏ bên những hàng chữ Hoa, và hiểu ra đó là cái bàn thờ. Cái bàn thờ giống thế này thì tôi đã thấy trong các tiệm người Hoa ở các khu China-town bên Mỹ. Khác biệt là ở bên đó những cây nhang là đồ giả, sáng đỏ, lập loè, được làm bằng bóng điện như những con mắt nhỏ tí, còn ở đây người ta thắp nhang thật, mùi gây gây nồng khó chịu.

Mưa bắt đầu rơi lên kính cửa. Tôi quyết định ra khỏi phòng để tìm người hỏi vì sao cúp điện và khi nào thì có lại. Ít ra tôi cũng nên tìm cho mình một ít ánh sáng.

Đúng lúc đó, tôi thấy “nó”.

Thật ra, tôi không thấy, nhưng tôi cảm nhận được sự hiện diện của “nó”, ngay trong căn phòng này, ngay bên dưới cái giường tôi. Tôi không thấy “nó” bằng mắt, nhưng cảm nhận “nó” bằng tất cả mọi giác quan còn lại. Tôi cảm nhận cái mùi tanh tanh trong không khí; mơ hồ thấy cái vật thể tròn, to như một thân người, không đầu, không chân tay, lăn lướt nhẹ êm, chuyển động thật nhanh từ gầm giường tôi sang gầm giường bên kia, rồi lăn trở ngược lại; cảm nhận được cái chất nhơn nhớt “nó” để lại trên mặt sàn nhà như một vệt lân tinh sáng lên rồi từ từ tắt dần. Tôi cứng người vì sợ. Tôi không có gì để che chắn. Tôi nghe mình thét lên, một tiếng thét câm không thành tiếng:

“Chúa ơi!”

“Nó” bắt đầu đổi hướng, không theo lộ trình từ bên này sang bên kia giữa hai giường nữa. “Nó” như ngập ngừng phân vân, rồi dừng lại ở cuối chân giường tôi, chỉ cách chân tôi chừng một mét. Tôi thét lên, lần này tôi nghe tiếng mình thét, tay chân vùng đạp kinh hoảng.

“Nó” biến mất.

Tôi cảm thấy “nó” vụt biến mất thật nhanh như chưa từng hiện hữu nơi này, như một ngọn đèn tắt phụt. Tôi vơ cái gối, ném vào dưới chân giường, hướng “nó” đã có mặt. Cái gối rơi phịch xuống sàn nhà trống. Tôi mở căng mắt cố nhìn về hướng đó, không dám rời mắt, sau một lúc không thấy gì, rồi nhìn quanh căn phòng. Không có gì bất thường, mọi vật vẫn y nguyên như trước khi tôi chìm vào giấc ngủ mê mệt, ngoài cái gối nằm dười sàn nhà. Tôi ngồi yên, hít một hơi dài để trấn tĩnh.

Tôi xuống giường, mở cửa khi nghe tiếng người bồi phòng gõ khẽ. Ba người khách trọ cùng tầng lầu mở cửa phòng họ, ló đầu nhìn rồi bước hẳn ra hành lang nhờ nhờ sáng. Anh bồi cầm đèn pin, chìa ra mớ nến cho mọi người chia nhau, anh đưa tôi 2 cây nến, cố giải thích và xin lỗi lý do mất điện. Ngay lúc đó đèn bật sáng, có điện lại.

Tôi thấy mình đứng tồng ngồng trước cửa phòng, thân hình trắng bệch hiện ra trên tấm kính lát tường, tay cầm 2 cây nến, trông thật luống cuống ngớ ngẩn. Một cô gái đứng ở cửa phòng số 313 ngó tôi mỉm cười, rồi thật nhanh, nàng nheo mắt, đưa tay lên ra dấu như chĩa súng bắn. Tôi ôm ngực, vờ trúng đạn, loạng choạng ngã bật ra sau, ngã vào trong khung cửa phòng mình, đá cánh cửa đóng sầm lại.

Vài phút sau, bà chủ khách sạn gọi điện thoại hỏi thăm, đề nghị rằng tôi có thể đổi sang phòng khác nếu muốn, mà giá thuê không thay đổi, bà sẽ cho người lên thu dọn giúp. Tôi phân vân vài giây, rồi cám ơn và từ chối.

Tôi lấy trong va-li ra quyển Tân Ước, đặt lên bàn ngủ. Tôi đặt tay lên cuốn sách, thì thầm đọc bài kinh Lạy Cha, đọc đi rồi đọc lại 3 lần. Lạy Cha là bài kinh mà tôi thích nhất trong các bài kinh mà tôi biết. Mỗi khi đọc lên, đọc rất chậm, tôi cảm nhận được ý nghĩa của từng chữ thấm dần vào mạch máu mình, nó giúp tôi hồi sinh, giúp tôi thấy rằng mình nhỏ bé, yếu đuối dường nào nhưng luôn được bảo vệ trong tình yêu của Thượng Đế. Đó là cách tôi gõ cửa Thượng Đế. Mẹ tôi luôn dặn, “Con phải làm như vậy mỗi khi con có nhu cầu tìm đến sự an ủi và che chở của Cha Trên Trời.” Bà ít khi gọi Thượng Đế là God, hay Lord, mà bà trang trọng gọi Người là Our Father in heaven. [3]

Vì sao tôi không muốn đổi phòng?

Tôi tin rằng mình sẽ làm quen và vượt qua được vụ này, sự việc không đến nỗi sẽ trở nên quá tệ. Tôi sẽ làm bạn với “nó”. Sẽ từ tốn giải thích cho “nó” hiểu rằng tôi hoàn toàn có thiện chí, không hề có ý muốn xâm phạm vào không gian của “nó” với ý xấu. Và phần nào, tôi thấy việc rút lui khỏi căn phòng này sẽ như là dấu hiệu của sự thua cuộc, sự hèn nhát, của mình. Ngoài ra, đây mới là lý do chính. Tôi muốn gặp lại cô gái ở phòng 313, vì tò mò. Tôi muốn được nàng bắn mình thêm lần nữa. Lần này, tôi nhất định sẽ ngã về phía trước, phía nàng đứng. Nàng không phải là ma. Nàng không phải là người/ma. Tôi thấy nàng khá rõ, nguyên vẹn thân thể con người, từ chân tới đầu. Nàng rõ là người. Và rất quyến rũ.

 

(Còn tiếp)

 

_________________________

[1]“We haven’t reached to this part of the world”, tạm dịch: “Chúng tôi chưa vươn đến được cái phần [đất] này của thế giới.”

[2]“Murderers’ nightmare”, tạm dịch: “Ác mộng của bọn sát nhân”.

[3]Our Father in heaven: Cha của chúng con ở trên trời.

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021