thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG GHI CHÉP Ở TẦNG THỨ 14 [chương 7]

 

Đã đăng: [chương 1-2] - [3] - [4] - [5] - [6]

 

7.

 

Cha tôi khẳng định rằng gia tộc của chúng tôi là một gia tộc có bề dày truyền thống, nhiều tiếng tăm, giàu có và quý phái ở Huế, cái kinh đô trăm năm trước của thời phong kiến.

Họ chúng tôi đang mang là một dòng họ lớn. Ông nói.

“Chúng ta là danh gia vọng tộc.”

Tính cho tới ngày nay, cái làng mà dòng họ chúng tôi từng sinh sống có đến 1 ông tiến sĩ, 7 ông thạc sĩ và 24 ông cử nhân, còn tú tài thì vô số, không kể hết. Tôi không hiểu rằng cha tôi có kể luôn những người đã bỏ làng, bỏ nước, ra ngoại quốc như gia đình chúng tôi hay không. Vì nếu kể thì phải tính thêm một mớ kha khá nữa. Cha tôi nói với giọng kiêu hãnh rằng, “Kể về học hành, khoa bảng thì làng mình là oách lắm, cứ gọi là một trong những nơi đứng đầu chốn kinh kỳ. Ra ao làng, lấy rổ xúc một cái thì có cả rổ trạng nguyên với bảng nhãn.” Tất nhiên, trong cái rổ ấy không có ông, vì ông bỏ học rất sớm, chưa học xong trung học.

Kỳ, chỉ có chừng đó trí thức thôi mà cha đã lấy làm ghê gớm. Cái thành phố bé bằng cái lỗ mũi mà tôi đang sống có một trường đại học, trong đó có hàng trăm cái học vị mà cha tôi vừa kể. Tôi băn khoăn tự hỏi vì sao trong cái làng của chúng tôi chỉ có các ông vĩ nhân mà không có một bà vĩ nhân nào cả, rồi sinh lòng tự hào với mấy cái bằng cấp của mẹ tôi, vì tuy bà là cháu dâu thì cũng phải tính chứ, cho nó công bằng. Tôi hỏi ông về điều đó thì ông lộ vẻ bối rối trong một thoáng rồi nói lảng ra chuyện khác. Về sau tôi biết người ta không khuyến khích, thậm chí không cho phụ nữ đi học. Đàn ông không cho phép phụ nữ có địa vị và tri thức cao hơn họ. Đó là một thứ phong tục bất biến. Cha tôi nói, tất nhiên chỉ thì thầm với tôi thôi, rằng, tuy ông không có bằng cấp gì, nhưng lẽ ra mẹ tôi phải xé đôi tất cả những văn bằng mà bà có để chia cho ông, mỗi người một nửa, vì ông đã có công nuôi bà đi học. Tôi không đồng ý, phải xé ra để chia ba thì mới công bằng, một phần là của nhà nước Mỹ vì họ đã cho bà học bổng.

Ông cho tôi xem một tấm hình mờ ố vẽ truyền thần chân dung người cha của ông cố tôi, ông ấy là quan tri phủ. Có lẽ đây là một trong những người được chụp hình chân dung sớm nhất ở Việt Nam, chỉ sau vài vị hoàng đế và quan lại cao cấp trong triều đình thời đó. Điều làm tôi có ấn tượng nhất là một nốt ruồi hay cái bớt sậm màu, to bằng con ong bắp cày, nằm kề bên chòm râu dài ở bên mép phải của ông. Mẹ tôi nói những người có nốt ruồi như thế thì ăn bẳm lắm. Bà nhấn nhá giọng khi nói đến hai từ này. Ăn thì tôi hiểu, nhưng bẳm thì tôi không hiểu. Sau cùng tôi cũng hiểu rằng, với hai từ này, mẹ tôi ám chỉ việc ăn hối lộ hay tham nhũng gì đó. Cha tôi nói ăn như thế đã thấm gì với các ông quan cộng sản thời nay đâu.

Mẹ tôi rất quan tâm đến nhân tướng học. Gặp ai, bà cũng quan sát tướng tá, các chi tiết trên gương mặt, và ngay tức thì rút ra một kết luận về nhân cách và tương lai của kẻ đó, rồi quyết định có nên tiếp tục giao du với nữa không.

Bà cũng nói cô em dâu có cái nốt ruồi ngay dưới mắt phải là nốt ruồi trích lệ. Tất nhiên, nghe thì nghe vậy thôi, chứ làm sao tôi hiểu trích lệ có nghĩa là gì. Chú tôi thì có nốt ruồi ngay dưới mắt trái.

“Lãng mạn, đa tình lắm đấy. Sẽ khóc và đau khổ vì tình nhiều lắm đấy.” Bà kết luận.

Quả vậy, chẳng bao lâu sau thì chú thím tôi li dị, thím tôi dọn sang tiểu bang khác với anh chồng mới gốc Thuỵ Sĩ, còn chú tôi thì dọn vào sống với cô bồ gốc Mễ. Con bé Liz, con của họ không có cái nốt ruồi dưới mắt nào cả nhưng nó là kẻ khóc nhiều nhất, khóc trong ba ngày, khóc thầm thôi, sau vụ li dị này.

 

*

 

Ông quan tri phủ của gia tộc tôi chỉ làm quan trong 5 năm. Người ta đồn rằng tài sản của ông để lại rất lớn, ông không thừa nhận cũng không phủ nhận điều này. Cha tôi nói, nếu tính ra vàng thì phải vài chục ký, số vàng này được chôn giấu và cất giữ ở nhiều nơi. Trong nhà, ngoài vườn, ngoài đồng, và cả ở trong những hang động trên núi. Ông tri phủ ghi dấu lại những nơi đó trên tấm bản đồ làm bằng một vuông vải trắng do tự tay ông vẽ và ghi chú cẩn thận, bằng một thứ mật ngôn chỉ duy nhất một mình ông hiểu. Mảnh vải này được ông bỏ vào một cái hộp gỗ nhỏ bằng hộp diêm rồi vùi sâu dưới mớ tro trong cái bát hương để ở đầu giường. Tài sản lớn thế nhưng con cháu các đời sau lại không thể hưởng được.

Cha còn cho tôi xem một tấm hình khác, nó cũng ố vàng cũ kỹ như tấm chân dung kia, chụp một ngôi nhà trông giống như cái chùa khá to, có đôi sư tử đá ở hai bên thềm và mấy con rồng bay lượn trên mái ngói, một cây cổ thụ to, dây rễ chằng chịt, sừng sững toả bóng ngay trước sân. Cha bảo đó là nhà từ đường lúc các cụ còn sống. Tôi cần được cha giải thích từ đường là gì để không phải kinh ngạc vì làm sao người ta có thể xây dựng một ngôi nhà bằng sugar. [1]

Rồi cha lại đưa ra một tấm hình khác chụp ông ngồi xổm ở một bãi cỏ cao ngang đầu người, bên một ụ mối, nước đọng thành vũng, cái sân gạch có mấy cái gốc cột gãy; đây là những gì sót lại của cái nhà từ đường trong chuyến về thăm quê nhà duy nhất và sau cùng của ông.

Cha tôi không muốn về Việt Nam thêm lần nào nữa.

Lý do là ông luôn gặp ác mộng và không thể ngủ được khi ở trong địa phận Việt Nam, mà điều đó hoàn toàn không phải do jet lag [2] hay sự sai biệt về múi giờ, sự lệch đồng hồ sinh học. Hễ cứ máy bay vào địa phận Việt Nam là ông thấy mệt, choáng và có cảm giác bất an liền ngay lập tức. Tình trạng này khác hẳn với khi ông đi du lịch ở các nước châu Á khác. Khi ở Thái Lan hay Mã Lai trong những chuyến du lịch trước đó thì ông vẫn khoẻ khoắn, ăn ngon ngủ yên, thoải mái hưởng thụ kỳ nghỉ. Ở Việt Nam, ông hoàn toàn sống trong một cảm giác bất an thường trực, y như cái cảm giác ở cách đây 30 năm trước mà ông đã kinh qua. Ông kể.

“Lần đầu tao về thì thấy vẫn ok, chỉ có chút lo lắng ở khâu trình passport di trú và hải quan ở sân bay, cho tới khi về khách sạn. Thậm chí khi ngồi trên taxi, được nhìn lại và nhận ra vài khung cảnh cũ của Sài Gòn thì còn thấy vui và khoẻ nữa. Nhưng sau khi tắm xong ra, không biết trời xui đất khiến sao tao lại cầm cái điều khiển bấm nút mở ti-vi, nhằm đang lúc chương trình tin tức. Nó chiếu cảnh trước 75, ‘mùa xuân chiến thắng Mậu Thân’ hay cái con mẹ gì đó. Tao mệt và nổi khùng ngay lập tức. Đù má nó chứ, cả nửa thế kỷ rồi, hỏi chứ nó chơi vậy có điên không?”

Ông nói tiếp: “Từ đó, hễ cứ nhắm mắt sắp ngủ là tao mơ hồ lo sợ sẽ nghe tiếng gõ cửa của công an đến soát nhà hay kiểm tra hộ khẩu, rồi chúng sẽ bắt tao đi, y như tao đã từng bị như vậy khi chưa rời khỏi Việt Nam.”

Phải mất một lúc lâu ông mới giải thích được cho tôi hiểu hộ khẩu là gì, và vì sao người ta phải có hộ khẩu, và vì sao phải đăng ký tạm trú với công an địa phương khi đến một nơi khác với nhà mình để trú qua đêm. Những khái niệm này thật xa lạ với tôi. Tôi không thể hình dung ra điều đó vì nó chưa từng có ở nơi tôi sống, và có lẽ ở phần lớn mọi nơi khác trên thế giới trong thời đại này cũng không có. Nó cho tôi cái cảm giác như mình đang sống trong những cuốn phim về thời Đệ nhị Thế chiến, thời dân Do-thái sống dưới chế độ Đức quốc xã, những cuốn phim đen trắng hay chỉ có màu vàng nâu với nhiều vạch chớp cắt rạch ngang màn ảnh và âm thanh rất tệ, rột roạt, rột roạt, không rõ tiếng.

 

*

 

Về cuối đời, trên 70 tuổi, ông cựu tri phủ được chính quyền cách mạng cho ra làm một chức cán bộ nhỏ trong làng vì ông tình nguyện hiến hết gần 2/3 tài sản, gồm có ruộng đất và nhà, cho họ, như một nghĩa cử góp phần vào công cuộc cứu nước chống lại thực dân Pháp.

Mỗi chiều, ông dắt một đoàn con nít ra bến sông tắm. Ông là người duy nhất trong vùng sở hữu một cục xà-bông. Ông gói cục xà-bông trong một vuông vải rồi dắt vào lưng quần, chỉ dùng nó cho riêng mình. Ông bắt bọn con nít đứng sắp hàng thành vòng tròn ở khúc sông nước cạn, mỗi đứa cầm một miếng xơ mướp (tất nhiên, cha phải giải thích cho tôi biết trái mướp như thế nào, làm xơ mướp từ trái mướp ra làm sao), rồi đứa đứng sau kỳ lưng cho đứa đứng trước, rồi đứa đứng đầu sẽ quay lại kỳ lưng cho đứa đứng sau cùng. Ông cho đó là một trong những bài học vỡ lòng đầu tiên của ý thức cộng sản; sau này người ta diễn giải nó như là một lý thuyết về phục vụ và được phục vụ, hay nói nôm na là “một người vì mọi người và mọi người vì một người”.

Một chiều nọ, ông ra bến một mình rồi không trở về. Mọi người đổ xô đi tìm nhưng không thấy ông đâu cả. Có người cho rằng ông đi tòm tèm với nhân tình rồi không về, hay có khi ông đi chơi về khuya và đã bị ma giấu. Trưa hôm sau, đám trẻ chăn trâu phát hiện xác ông ở bãi hoang cuối nguồn sông, nằm sấp, úp mặt xuống nước. Một nhát chém vụng, xả từ sau gáy. Người ta cũng tìm thấy một cây rựa chẻ củi vấy máu ở một lùm cây cách bến đò khá xa. Vài hôm sau có tin đồn rằng kẻ sát nhân là một đứa nhỏ chăn trâu, chừng 13 tuổi, một đứa trong đám trẻ mà ông thường dắt xuống bến tắm. Thằng nhỏ đã bỏ đi từ buổi tối đó. Nó bỏ làng đi biệt. Đi theo cách mạng.

Ông cố tôi mang cây rựa về gói lại trong một vuông vải trắng, để lên bàn thờ, với lời nguyền sẽ rửa thù bằng chính cây rựa này, nhưng vài hôm sau tay trưởng đội du kích thôn đến tịch thu cây rựa, bảo rằng cần giữ nó làm vật chứng. Tin trong hội đồng cứu quốc, hay một tổ chức cách mạng đại loại gần giống như thế, cho rằng cậu bé chăn trâu yêu nước đã được tuyên dương xứng đáng vì có công tiêu diệt tên phản động — cha của ông cố tôi. Ông anh hùng cách mạng trẻ tuổi này về sau trở thành một sát thủ của quân kháng chiến trên núi, lừng danh với thành tích chuyên ám sát, tiêu diệt bọn phản động trong các thôn làng trong tỉnh. Chưa đến 20 tuổi mà ông đã có một danh sách hơn 20 mạng do chính tay mình hạ thủ. Đầu ông được treo giá mấy lượng vàng. Ông không hi sinh trong trận đánh nào cả, nhưng bị một đồng chí lụi cho một dao chí tử trong một bữa giỗ. Ngày nay, không còn ai nhớ đến câu chuyện cũ ngoài những người già còn sống.

Bí mật của những kho tàng cất giữ vàng bạc của ông cựu tri phủ cũng biến mất theo cái chết của ông, cho dù sau này những người trong gia đình tìm được mảnh vải vẽ bản đồ. Không ai đọc ra và hiểu nổi những gì được ghi trên đó. Người ta đoán mò rồi đào xới lung tung khắp mọi nơi mà họ nghi ngờ kho tàng được chôn, nhưng chỉ công cốc, họ không tìm được món gì cả. Có lẽ lúc đó người ta mới tin rằng ông chẳng có chút tài sản nào như lời đồn, ngoài hai cái rương gỗ chứa mớ sách chữ Tàu cũ nát.

Cái chết là một bí mật. Cái chết mang theo kho tàng, của cải, thì còn ghê gớm hơn thế: nó là bí mật của bí mật.

 

(Còn tiếp)

 

_________________________

[1]sugar: đường để ăn.

[2]jet lag: tình trạng mất quân bình trong chu kỳ thời gian sinh học của cơ thể, thường xảy ra sau một chuyến bay dài với vận tốc cao (trên phản lực cơ) băng qua nhiều múi giờ của trái đất, từ đông sang tây (hay ngược lại).

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021