thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG GHI CHÉP Ở TẦNG THỨ 14 [chương 8]

 

Đã đăng: [chương 1-2] - [3] - [4] - [5] - [6] - [7]

 

8.

 

“Chào cô.”

“Xin lỗi, tôi đang nói chuyện với ai đây ạ?”

“Thưa cô, tôi là người mà cô vừa bắn trúng ngực, cách đây nửa giờ. Tôi sống sót, và giờ xin mời cô uống với tôi một ly, nếu cô thấy không phiền.”

“À, tôi nhớ rồi. Anh lém lắm. Vì sao anh có thể gọi điện thoại đến phòng tôi?”

“Tôi hỏi người quản lý khách sạn, và bà ta cho số của phòng cô.”

“Anh tên gì? Tôi phải gọi anh như thế nào đây?”

“Tôi là William. Còn cô?”

“Gọi tôi là Cathy.”

“Cô đi uống với tôi một ly nhé, ngay dưới phố đây thôi.”

“Hấp dẫn nhỉ? Bao lâu nữa thì anh có thể đi?”

“Ngay bây giờ.”

“Vậy 10 phút nữa nhé. Gặp ở dưới khách sảnh.”

“Vâng, cám ơn cô. Tôi mừng quá.”

“Tôi cũng vui như anh vậy. Bye.”

“Bye.”

 

*

 

“Chào William, bây giờ trông anh khá hơn lúc nãy.”

“Vâng, tôi đã tỉnh ra, và đỡ hơn nhiều.”

“Chúng ta đi đâu đây?”

“Thú thật, tôi vừa đến đây lúc chiều, chưa biết gì về thành phố này. Có lẽ tìm một bar bất kỳ nào đó. Quán bên kia đường chăng? Ừ, quán ‘Go, go, go’ đó. Cô có đề nghị gì không?”

“Ở đó ồn lắm. Nếu anh không biết thì đi theo tôi. Tôi biết một chỗ có quang cảnh nhìn hay lắm. Ở cuối con đường này thôi, chỉ đi bộ chừng 5 phút.”

Tôi bước theo Cathy. Trời vừa tạnh mưa. Những vũng nước trên đường hắt lên ánh đèn màu lấp loá. Khu phố thật náo nhiệt. Người đi tràn xuống đường vì không có lề cho người đi bộ. Bắp chân Cathy trắng như sữa, thấp thoáng trong làn váy hoa.

Cathy dừng lại ở ngã tư đường. Cái bảng gỗ nhỏ kẻ tên quán “Santa”. Anh bồi cho biết chúng tôi có thể ngồi dưới nhà hay trên lầu tuỳ ý. Chúng tôi lên một cầu thang hẹp và tối, chỉ vừa một người đi. Bên trong có vài bàn, ánh đèn mờ, không để nhạc. Cathy đẩy tôi ra phía hành lang. Một dãy ghế cao kê dọc bên gờ tường thấp, được gá lên một mặt bàn bằng đá. Đã có vài người ngồi, có vẻ như toàn người nước ngoài, không có ai là người bản xứ. Chúng tôi ngồi dưới cây quạt máy gắn trên tường, tầm nhìn hướng chếch xuống phố. Ngay trước mặt, cách chỗ chúng tôi ngồi chừng 2 mét, là một trụ điện trông như cái cây kỳ dị, chằng chịt từng búi dây điện xoắn xít như những rễ cây toả ra. Nhìn xuôi theo hướng con đường, ngoài xa, là một toà nhà màu xám, cao hơn hẳn những tòa nhà khác, có lẽ nó là một trong những toà nhà cao nhất thành phố, có một sân máy bay trực thăng chìa ra ở lưng chừng. Toà nhà trông như một lưỡi đao đâm lên bầu trời thấp.

“Tôi đã nghĩ rằng anh là một người bản xứ ở đây. Anh không khác gì họ lắm về nhân dáng. Ý tôi muốn nói rằng anh là người Việt, chỉ cao lớn hơn họ một chút, và nói tiếng Anh.”

“Tôi là người Mỹ gốc Việt. Cha mẹ tôi người Việt. Tôi sanh ra và lớn lên ở Mỹ. Người ta nói những đứa như tôi thuộc về thế hệ chuối. [1] Nghĩa là ngoài vỏ thì vàng, còn bên trong ruột là trắng.”

“Ra là vậy. Tôi cũng có liên hệ với Việt Nam về mặt huyết thống, nửa phần. Cha tôi gốc Đức, mẹ tôi gốc Việt. Ông bà gặp nhau khi ông đi lính ở đây, rồi ông mang bà về Mỹ khi giải ngũ. Gia đình tôi ở Alabama. Họ cũng hay đi Việt Nam tuy rằng mẹ tôi không còn ai thân thích ở đây nữa. Họ thất lạc hết trong chiến tranh. Bà tìm mãi mà không ra ai nên bỏ luôn ý định tìm kiếm. Anh đi du lịch?”

“Tôi không biết. Tôi chỉ thích đến Việt Nam sống thử một thời gian ngắn, rồi sau đó hẵng hay. Chưa có ý định gì rõ rệt cả.”

“Anh có muốn nói tiếng Việt với tôi không, thay vì tiếng Anh?” Cathy đổi giọng, cô nói bằng tiếng Việt khá trôi chảy, không phải cố gắng.

Tôi trả lời bằng tiếng Việt.

“Ô, tôi muốn lắm. Đừng cười tiếng Việt của tôi nhé.”

Cathy cười.

“Được lắm, tiếng Việt của anh tệ, nhưng không tệ quá lắm đâu, tôi hiểu hết mà. Khi nào không thể nói được tiếng Việt thì hãy dùng tiếng Anh.”

Tôi làm theo lời cô. Thấy vui vì kiểu nói chuyện bằng 2 ngôn ngữ như thế này khá dễ dàng và nó kích thích đầu óc tôi làm việc nhiều hơn là một câu chuyện bằng tiếng Anh như bình thường, dễ dàng như khi tôi trò chuyện với cha mẹ và những người Việt khác ở Mỹ.

“Lúc nãy sao anh hét lên to vậy, lúc trong khách sạn đó?”

“Tôi nghĩ là tôi thấy ma.”

“Ma à? Ghê rợn thế?”

“Căn phòng tôi ở có ma. Mấy năm trước có kẻ bị giết và chặt khúc ra ngay trong đó.” Tôi vừa nói vừa chém bàn tay ra dấu. “Cô không biết ở đây nhiều ma lắm à?”

“Không. Tôi không biết.”

“Cô không thấy là bà chủ khách sạn và các nhân viên là người/ma sao?”

“Tôi không hiểu ý anh. Người/ma? Nghĩa là thế nào?”

“Nghĩa là họ nửa người, nửa ma. Cô không thấy hầu hết bọn họ là như thế hay sao?”

“Có vẻ như anh cần chút thời gian để bình tĩnh lại. Thú thật, tôi không thích đùa kiểu này và chúng ta không nên tiếp tục câu chuyện theo cái hướng ma quái này nữa. Nếu anh muốn tìm nơi để trút những thứ nhảm nhí đó thì, xin lỗi, anh tìm sai người rồi.”

Người bồi đến, chìa ra cuốn thực đơn bìa nâu, những tờ bên trong được bọc nylon nhàu nhò. Cathy gọi một ly Rhum, tôi cũng gọi như vậy.

Thấy cô im lặng ra vẻ phản đối, tôi nối lại câu chuyện bằng kể vắn tắt về mình và dự định của chuyến đi này. Cathy nghe, lơ đãng. Cô nheo mắt cười khi nghe tôi nói đến dự định viết một cuốn sách, nhưng không hỏi gì thêm. Cô chuyển đề tài.

“Rượu Rhum nội địa ở đây không ngon lắm, nhưng rất rẻ. Nếu mua nguyên chai ở tiệm tạp hoá thì chỉ hơn 1 đô-la. Các loại rượu nội địa làm bằng gạo khác thì cũng rẻ. Còn các loại rượu ngoại đều đắt, thường đắt hơn cả bên Mỹ, và nhiều phần là hàng giả.”

“Làm sao cô biết rành vậy?”

“Tôi đã sống ở đây đủ lâu để biết.”

“Là bao lâu?”

“Ba năm.”

“Cô làm gì ở đây đến ba năm?”

“Tôi làm thiện nguyện cho vài tổ chức phi chính phủ, và đi dạy.”

“Tuyệt nhỉ. Cô dạy gì?”

“Lăng nhăng, dạy tất cả những gì tôi biết mà người địa phương không biết, và ngược lại, học những gì họ biết mà tôi không biết, chủ yếu là dạy tiếng Anh. Tôi có thể dạy về critical thinking, [2] nhưng ở đây người ta còn dè dặt với môn này.”

“Nếu tôi không lầm thì cha tôi kể rằng ông đã ngồi ở đây, ngay quán này, ngay hành lang này. Không chừng ông đã ngồi ngay cái ghế mà tôi đang ngồi.”

“Hay nhỉ? Anh có chắc về điều đó không? Anh có thấy những điều ngẫu nhiên đều rất tuyệt phải không?”

“Ừ. Những điều ngẫu nhiên đều rất thú vị. Tôi nghĩ là đúng như vậy. Cha tôi đã ngồi ở ngay đây. Ông đã tả nơi này rất tỉ mỉ, với tôi. Ông đã tả búi dây điện trước mặt mình. Cái sân cho trực thăng đáp ở lưng chừng toà nhà ngoài xa xa kia. Căn nhà mái tôle lụp xụp đối diện bên kia đường, ông thắc mắc không hiểu vì sao họ không chịu sửa sang cho đồng bộ với những căn khác. Gánh hàng rong trên vỉa hè. Ông thắc mắc vì sao những chiếc ghế nhựa lại chịu nổi trọng lượng của người Tây phương, và vì sao họ lại có thể nhét cái mông to vào nó. Món rượu Rhum pha với nước trái quýt. Nước mưa làm chạm điện bắn lửa lẹt xẹt. Tiệm bán áo thun cho khách du lịch ở bên kia đường. Ông đã ngồi ngay đây. Bây giờ thì tôi có thể khẳng định vậy. Ông ngồi đây với cái laptop, vừa uống Rhum, vừa hút thuốc, vừa viết một truyện ngắn.”

“Không phải trái quýt. Trái này nhỏ hơn trái quýt, người ta gọi là trái tắc. Ba anh là nhà văn à?”

“Ừ, ông ấy viết thơ và truyện. Bằng tiếng Việt. Tôi có đọc, nhưng không hiểu gì nhiều, và không thích lắm. Ở Mỹ, tôi có học đọc và viết tiếng Việt ở chùa trong vùng.”

“Ông viết chuyện gì ở chỗ này?”

“Ông viết về những con rồng. Ông kể chuyện ông được bạn cũ mời đi ăn thịt rồng, ngay trong quán này, ăn xong thì ói ra máu. Chắc là ông bị lừa ăn nhầm một thứ thịt thú nào đó, và bị ngộ độc.”

“Có lẽ là vậy. Hoặc là anh đọc nhầm, hoặc ông ấy viết nhầm. Ở Việt Nam người ta chỉ ăn thịt rắn, trăn, các loài bò sát. Và côn trùng. Và hằng trăm thứ thịt thú hoang khác. Nhưng không có thịt rồng. Làm gì có komodo dragon [3] ở xứ này mà ăn!”

“Không, không phải chuyện thật, ông hư cấu mà.”

“Ừ, vậy à. Hư cấu thì được.”

Tôi nhằn ra hai hột trái tắc trong ly rượu của mình. Vị Rhum hăng, nhưng nhạt. Những viên đá tròn tròn chạm vào thành ly lanh canh, tan nhanh.

Cathy nói tiếp.

“Người ta ăn đủ thứ thịt. Một số khách du lịch đến từ Tây phương có thể ăn được thịt chó, thậm chí thịt mèo. Họ xem việc đó như là một bằng chứng, một điểm son, về khả năng hội nhập và tính hoà đồng của họ. Tôi không ăn. Người Việt uống cả mật con gấu pha với rượu. Họ nuôi gấu để lấy mật khi nó đang sống. Lấy mỗi ngày. Đâm ống tiêm vào bụng gấu rồi hút chất mật ra. Người ta nuôi con gấu như cách mở một trương mục ngân hàng. Rút mật nó như người ta rút tiền khi cần tiêu xài. Tôi có ông bạn ở Hà Nội làm như vậy. Ông bảo, ‘Tôi đãi cô một ly rượu quý nhé.’, rồi sai người lấy ống tiêm rút mật con gấu đang nuôi trong chuồng ở góc vườn ra, pha vào rượu nếp màu trắng đục, loại rượu như Volka, mời tôi.”

“Cô uống thấy ngon không?”

“Không, tôi không uống được, tôi ói.”

“Cô dở ẹt.”

“Tôi không làm chuyện man rợ.”

Ai tưởng mình đang đứng vững thì hãy coi chừng kẻo ngã. Thánh Phaolô nói như thế.”

“Dẹp câu châm ngôn lạc điệu và ông thánh man rợ của anh đi. Ông ấy đâu có uống mật gấu bao giờ.”

“Ở Ấn Độ người ta ăn cả cứt khỉ và uống nước đái bò.”

“Có người cho rằng cứt khỉ ở Ấn Độ thơm ngon như sô-cô-la của Bỉ. Nhưng chuyện đó khác với việc uống mật rút ra từ bụng con gấu khi nó còn sống. Sau này tôi nghe kể rằng con gấu đó đã nhịn ăn rồi chết. Nó tự sát. Ở Phương Đông này, loài vật cũng biết tự sát như loài người. Khi một sinh vật không còn hài lòng với đời sống nữa thì nó tự kết liễu.”

“Vậy sao? Cô không thích ứng với những thứ văn hoá lạ thì làm sao cô có thể sống được ở đây, và ở những vùng xa lạ khác trên thế giới?”

“Tôi thích ứng với các thứ văn hoá lạ, chỉ không thích ứng với sự man rợ, sự ác độc. Cha tôi từng đi lính ở đây 4 năm khi vừa lớn. Ông bảo ông đã trưởng thành nhờ khoảng thời gian này. Ông bắn người khác và bị họ bắn. Tôi không biết ông ấy có tự tay giết ai không, ông không kể, nhưng chắc mẹ tôi biết. Khi đó tôi chưa ra đời. Ông cho tôi xem sẹo và những miểng đạn được lấy ra từ thân thể. Đó cũng là một trong những lý do khiến tôi đến và ở lại đây. Tôi đi tìm cái hình ảnh và đoạn đời ông ấy đã sống, và của mẹ tôi.”

“Tôi cũng có ý định đó, tìm lại hình ảnh của các thế hệ trước, những người trong gia đình tôi, vì họ gọi nơi này là quê hương, ‘quê hương của chúng tôi’. Còn cô thì khác, nơi này có liên quan gì nhiều với cô đâu? Cô có xem nó là quê hương đâu. Cô tìm cái quá khứ của ông ấy để làm gì vậy?”

“Sao lại không liên quan? Trong tôi có nửa phần là Việt Nam mà. Tuy nhiên, tôi tìm cái phần đó chẳng để làm gì cả. Nó như một thôi thúc bí mật. Tôi không lý giải được sự thôi thúc đó.”

“Vì sao cô bắn tôi?” Tôi giơ tay ra dấu.

“Vì sao anh ôm ngực mà không ôm dái? Khi đó anh đang truồng tồng ngồng.”

“Vì tôi không muốn cô không thấy tôi đang truồng tồng ngồng.”

...

“Vì sao bây giờ cô bỏ đi khỏi đất nước này?”

“Tôi muốn thay đổi trong một thời gian.”

“Ba năm là khoảng thời gian không ngắn chút nào.”

“Nhưng bây giờ thì mọi chuyện đã khác, tôi hiểu tôi cần làm gì. Với lại, giờ đây Việt Nam hay một nước nào ở châu Phi hay Trung đông chắc cũng không có gì quan trọng hơn nhau. Tôi còn cả một thế giới để khám phá và 2/3 cuộc đời để sống. Tôi không thấy mình có trách nhiệm hay ràng buộc gì với cái quá khứ của cha mẹ mình nữa. Cái quá khứ mà tôi không có mặt.”

Cathy dừng lời, uống một ngụm, nói tiếp.

“Tôi sắp đi khỏi đây. Tôi đã đặt vé, đã thanh toán gần hết đồ đạc, đã dọn nhà, chỉ ở khách sạn vài hôm để lo cho xong việc, rồi đi.”

“Tôi có thể biết cô đi đâu không?”

“Tôi về Mỹ.”

“Cô có thấy uổng phí khi bỏ ra 3 năm sống ở đây không?”

“Tôi đã sống. Và đã hài lòng. Giờ thì muốn làm chuyện khác.”

“Cô mang gì về Mỹ?”

“Những câu chuyện.”

“Như chuyện gì?”

“Chuyện này chuyện kia. Như chuyện cha anh từ Mỹ về đây viết truyện ăn thịt rồng rồi quyết định không trở lại. Như chuyện tôi đi tìm con cá trê nặng hàng trăm ký ở sông Mê-kông, rồi hiểu ra rằng nó chỉ là chuyện nhảm, con cá đó chỉ là huyền thoại. Chuyện anh gặp ma và thấy người ta là người/ma. Đại khái những chuyện như vậy, chuyện có khi là thật mà nghe như huyền thoại.”

“Vì sao chỉ là huyền thoại?”

“Vì đây là một đất nước mà người ta sống bằng huyền thoại, có lịch sử được xây dựng bằng huyền thoại. Món này ở Mỹ thiếu, ở đó không có. Ở đó chỉ có những huyền thoại kiểu như Bill Gates.”

“Tôi định sẽ sống ở đây một thời gian. Cô có lời khuyên nào cho tôi không?”

“Có. Anh phải tìm thuê một phòng trọ cho ít tốn tiền, ở quận 3 hoặc Phú Nhuận cũng được, không xa lắm, hay ra ngoại ô ở Thủ Đức hay Bình Chánh. Nhưng đừng sống ở ngay quận 1, anh sẽ bị luộc chín vì sự hào nhoáng và tốn kém. Anh mua lại chiếc xe gắn máy của tôi để dùng, chỉ 500 đô-la thôi, cũ nhưng tốt. Anh nên đi chơi một vài chuyến, ra Hà Nội và miền Bắc, vào miền Trung, cũng nên đi Campuchia và Lào cho biết, đó là những đất nước tuyệt vời. Đi du lịch ở đây là rẻ nhất. Rồi xin đi dạy Anh văn để sống qua ngày trong khi làm quen với mọi thứ ở Việt Nam và tìm công việc khá hơn. Người ta tin rằng Anh văn là chìa khoá để mở cửa ra thế giới. Rồi tìm một cô bạn gái để sống chung, để học tiếng Việt và cho đỡ cô đơn. Tôi cũng đã từng có một anh bạn trai người Việt. Còn đêm nay thì hãy khoan tính đến việc ngủ với tôi. Tôi chưa sẵn sàng. Nếu anh cần thì hãy xuống dưới kia, có các cô mặc áo thun, váy và quần sọt ngắn. Giá chừng 30 cho tới 70 đô-la. Tôi khuyên anh nên dùng bao cao-su, và cẩn thận với những thứ như đồng hồ, ví, mắt kính… kẻo bị chôm mất, và hãy trả giá. Bọn đàn ông kể với tôi về những kinh nghiệm chơi bời của chúng, và họ khuyên nhau như vậy.”

“Đồng ý và cám ơn cho lời khuyên. À, tôi có thể chạy xe gắn máy, nhưng tôi nghĩ tôi không chạy xe được ở đây. Tôi chưa từng hình dung ra có một nơi nào mà giao thông lại hỗn loạn như thế này. Vả lại, tôi không có bằng lái của Việt Nam.”

“Anh phải lái được xe gắn máy nếu anh muốn sống ở đây. Không có cách nào khác. Còn bằng lái thì không cần. Cái này thay thế cho bằng lái.” Cô lục ví chìa ra cho tôi xem một tờ giấy bạc màu xanh. Tôi không kịp nhận ra mệnh giá của nó. Cô nói tiếp:

“Anh phải luôn luôn có ít nhất là một tờ 100 ngàn trong ví. 100 ngàn là đơn vị căn bản để giải quyết hầu hết những rắc rối trong đời sống ở đây. Từ việc vi phạm luật giao thông cho tới việc giải quyết những xung đột khác.”

“Tôi chưa hiểu ý của cô.”

“Nghĩa là, anh hãy đưa một tờ bạc 100 ngàn cho cảnh sát khi bị thổi phạt, đưa hai tờ cho nhân viên hành chánh khi đi đăng ký tạm trú, đưa năm tờ cho du đãng khi sắp bị hành hung trong quán bar, vân vân… Nghĩa là nó hữu dụng trong hầu hết mọi trường hợp rắc rối. Hãy tập làm quen với giá hối đoái và dùng tiền Việt thay vì đô-la. Khi anh dùng đô-la ở đây, anh sẽ hoang phí vì thấy cái gì cũng rẻ.”

“Cô nghĩ điều này, việc hối lộ, là đúng trong mọi trường hợp?”

“Đúng vậy. Hai mươi năm trước, người ta không dùng tiền như đơn vị để hối lộ, mà dùng thuốc lá, loại có đầu lọc, thuốc lá ngoại nhập, thường là thuốc lá hiệu 555. Một điếu là mời hút xã giao, 10 điếu là cho vi phạm luật giao thông, 1 gói trở lên là cho các vấn đề nghiêm trọng hơn. Họ dùng thuốc lá cũng như người thượng cổ dùng vỏ sò để giao dịch vậy. Nhưng bây giờ thì mọi chuyện đã thay đổi rồi.”

“Cô nói thật chứ? Vì sao lúc đó họ không dùng tiền cho đơn giản hơn?”

“Người ta kể với tôi như vậy, và tôi tin thật. Vì đạo đức. Vì tập quán. Vì tâm lý. Vì văn hoá. Vì những thứ đại loại như vậy.”

“Tôi nghĩ cô nên viết một cuốn sách về những kinh nghiệm riêng. Với nội dung đại khái như thế này, ‘làm sao một du khách sống sót ở Việt Nam’ chẳng hạn.”

“Ờ, ý kiến hay, nhưng bây giờ thì muộn mất rồi.”

“Ly nữa chứ?”

“Không, nếu anh thích thứ này thì để tôi kêu nguyên chai, khỏi mất công gọi nhiều lần. Hôm nào nếu còn kịp thì tôi đưa anh đi chơi với những học trò của tôi. Tôi thích những người trẻ tuổi ở đây, họ dễ thương và nhiệt tình.”

“Ok. Đêm nay cô ngủ với tôi nhé? Nhưng tôi không thể làm tình với bao cao-su. Tròng bao cao-su thì chỉ là một màn tập thể dục chứ không phải làm tình.”

“Không. Nếu không thích những cô gái dưới kia thì hãy ngủ với những con ma của anh, cho quen.”

Cathy gõ cái bật lửa vào thành ly những tiếng leng keng. Người hầu bàn bước tới.

“Cho tôi một chai Rhum Hiệp Hòa, sô-đa, và nước đá nhé. Cám ơn anh.”

 

(Còn tiếp)

 

_________________________

[1]thế hệ chuối: banana generation

[2]critical thinking: tư duy phê phán

[3]komodo dragon: loài rồng đất ở Indonesia

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021