thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG GHI CHÉP Ở TẦNG THỨ 14 [chương 12]

 

Đã đăng: [chương 1-2] - [3] - [4] - [5] - [6] - [7][8] - [9] - [10][11]

 

12.

 

Không biết với người khác thì như thế nào, riêng với tôi thì hầu như những kỷ niệm, hay sự kiện, đáng kể trong đời, và ngay cả của nhiều người Việt mà tôi biết, đều liên quan đến miếng ăn và những sinh hoạt tình dục. Khi tôi nói ra điều đó, thì mẹ tôi lý giải rằng là do chúng tôi đến Mỹ từ một đất nước nghèo khó, ở đó người dân đói thường xuyên, nên thực phẩm luôn là nỗi ám ảnh; và cho dù tôi sanh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng tôi cũng luôn có nỗi ám ảnh như các thế hệ trước vì nó là thứ bệnh tâm lý có tính di truyền qua nhiều đời kế tiếp nhau.

Vương Văn Quang, một ông nhà văn bạn của cha tôi, cà rỡn về câu chuyện cổ tích sớm nhất của Việt tộc về thực phẩm cổ truyền, món bánh chưng và bánh dầy, rằng:

“Thuở xa xưa, xứ Lừa [tôi không hiểu vì sao mà ông ấy lại ám chỉ Việt Nam là ‘xứ Lừa’], có em nhỏ kia đã lên làm vua, nhưng miếng ăn vẫn luôn lởn vởn thống trị tư tưởng ẻm. Có độc mụn con gái đến tuổi gả chồng, ẻm treo notification: Thằng nào kiếm tao món nhậu tốt, làm rể tao, ngai và luôn.

Bánh chưng bánh dầy Lừa tộc vẫn cắn mỗi khi Xuân về có từ khi ấy. Nó xuất phát từ bướm một nàng công chúa và tâm hồn đớp hít của một vị vua.” [1]

Ông Xuân là anh họ của cha tôi. Ông là lính của chế độ Việt Nam Cộng hòa, ông rời Đà Nẵng trong ngày cuối cùng trước khi miền Nam mất vào tay Cộng sản. Sang Mỹ, ông được một gia đình người Mỹ bảo trợ về một miền quê hẻo lánh, không có người Việt nào sống ở đó. Gia đình này làm nông trại, trồng bắp và nuôi bò. Suốt hơn một năm, bò là sinh vật ông giao tiếp với thường xuyên nhất, vì không mấy khi ông được gặp người, và lúc đó ông chưa thể sử dụng được tiếng Anh. Công việc của ông bắt đầu từ mờ sáng cho tới tận đêm, hết vắt sữa bò thì đến việc ngoài đồng. Chân lúc nào cũng xỏ trong đôi ủng để lội trong phân bò ngập ngụa. Người chủ Mỹ này không hề nhắc nhở gì đến lương tiền của ông, thậm chí còn không cho ông cơ hội để tiếp xúc với ai khác ngoài những người trong gia đình họ. Một hôm ông trốn đi, tìm đường về Cali, về với đồng hương. Cày cuốc ở Cali vài năm, ông lấy vợ, hai vợ chồng trôi giạt qua Virginia. Ban đầu làm công, rồi vay ngân hàng mở một tiệm giặt. Ông nói với cha tôi:

“Có nhiều tháng anh không hề nhìn thấy mặt trời là gì. Mờ sáng, ra khỏi nhà khi trời còn tối; đến khi xong việc, đóng cửa tiệm thì đã tối mịt, về đến nhà là nằm quay ra ngủ để lấy sức cho ngày mai cày tiếp. Một năm chỉ nghỉ ngày Noel và những ngày có bão tuyết không thể ra đường được thôi, còn lại 364 ngày kia là một chuỗi ngày lập lại y như nhau.”

Người Việt ở Mỹ không nói “đi làm” mà nói “đi cày” cho dù công việc không liên quan gì đến việc nhà nông, và cho dù có khi công việc cũng không nặng nề gì lắm.

Vợ chồng ông Xuân chí thú làm ăn, mua nhà, sắm sửa đủ mọi tiện nghi. Ông nói tiếp:

“Chịu cày là sẽ có hết. Muốn mua gì thì sẽ được mua thiếu. Vấn đề là có thời gian để hưởng thụ những tiện nghi đó hay không.” Với ông thì tất nhiên là không.

Tiệm giặt của ông ở một khu khá sầm uất. Ông vừa để máy giặt, máy sấy cho khách sử dụng, vừa nhận đồ dry-clean.[2] Khách tự giặt sấy lấy đồ của mình, trả tiền bằng đồng xu nhét vào khe cho máy tự động chạy. Tiệm lúc nào cũng đông khách. Công việc của ông là sửa chữa máy hư, đổi tiền giấy thành tiền xu cho khách, dọn dẹp vệ sinh, nhận đồ giặt thuê cho những ai yêu cầu, nhận và trả đồ sau khi đã giặt xong cho khách. Tất bật. Công việc làm mãi tạo cho ông một kỹ năng rất tuyệt, như một nghệ sĩ siêu hạng, trong việc lượng định số tiền xu bằng trọng lượng của chúng. Ông có thể lấy số tiền xu thật chính xác để đổi cho khách mà không cần đếm. Đưa cho ông 2 tờ bạc, một tờ $10 và một tờ $5, ông chỉ cần thò tay vào cái chậu đựng tiền xu, bốc một nạm, lắc lắc tay để cân nhắc trọng lượng, rồi thả số đồng xu trong tay ra cái đĩa. Có khi ông phải bốc hai lần vì số xu nhiều quá, bốc một lần không giữ được hết trong tay. Nhưng thế nào đi nữa, một lần hay hai lần, thì khi khách đếm lại cũng đúng ngay chóc 60 đồng 25 xu. Ông chỉ cười cười, ánh mắt có chút tự hào lẫn giễu cợt trước sự thán phục của những người khách.

Cha tôi kể, trong ngày đầu tiên ông và mẹ tôi đặt chân đến Mỹ sau gần 2 năm sống trong hoàn cảnh thiếu thốn ở trại tị nạn Mã Lai, hai ông bà được ông Xuân bảo trợ về sống chung. Ông Xuân nhờ vợ trông tiệm giùm, rồi chở cha mẹ tôi đi chơi, chuyến đi đầu tiên tiếp xúc với đời sống ở Mỹ.

Ông Xuân chở họ đến khu thương xá Eden ở Virginia. Ông mời hai người ăn trưa. Ngỡ rằng ông sẽ cho ăn một bữa thức ăn Mỹ, nhưng không, ông lại đưa họ vào tiệm phở Hoà. Thời đó, thương hiệu phở Hòa có chi nhánh ở nhiều tiểu bang trên nước Mỹ, đây là tiệm phở lớn nhất trong vùng.

Sau khi kéo ghế, ông Xuân lấy thực đơn, hỏi hai người thích ăn món gì. Cha mẹ tôi ngại ngùng, chưa kịp trả lời thì ông bảo ăn phở nhé, phở ở đây được lắm. Ông gọi người bồi bàn lại, bảo làm 3 tô: 2 tô đặc biệt và 1 tô nhỏ, cha mẹ tôi ái ngại nhìn nhau, ngầm nghĩ rằng 2 tô đặc biệt là dành cho 2 người đàn ông, còn phần mẹ tôi là tô nhỏ. Khi bồi khệ nệ mang cái mâm ra, ông bảo anh bồi 2 tô đặc biệt là của cha mẹ tôi, còn ông thì tô nhỏ. Trước mặt cha mẹ tôi là 2 cái tô to khổng lồ, to bằng chậu nuôi cá, ông bà chưa từng thấy cái tô phở nào kinh khủng như thế, ngồn ngộn những thịt là thịt, đủ thứ thịt: gầu, gân, tái, nạm, bò viên, chừng như nguyên cả con bò trong tô, chỉ nhìn thôi cũng đủ sảng hồn, họ nghĩ rằng có lẽ ông Xuân gọi nhầm. Kế bên là đĩa rau thơm, giá. Trên đĩa có đúng 3 nhánh rau quế, mỗi nhánh chừng 7 lá rau, đúng 3 lá ngò gai, những lát chanh vàng tươi, và ớt xanh xắt lát. Có vẻ như mọi thứ rau đều được tính toán kỹ lưỡng để chia đều đủ cho 3 tô phở. Mọi thứ rau đều có kích thước to quá khổ nếu so với những thứ đồng chủng ở Việt Nam trong ký ức của cha mẹ tôi. Lá rau quế to bằng 3 ngón tay, gấp 3 lần thứ rau cùng chủng loại ở Việt Nam. Cọng rau ngò gai cũng vậy, bản to dầy và cứng như một lưỡi kiếm thép.

Ông Xuân ép họ ăn, không cho thoái thác. Ông bảo, cứ ăn đi, ông sẽ cho họ biết lý do vì sao họ phải ăn tô phở to như vậy. Tất nhiên, làm sao cha mẹ tôi ăn hết tô. Với cái bao tử đã quen với những khẩu phần rất giới hạn của những ngày sống ở Việt Nam và trong trại tị nạn thì tô phở này chẳng những là một sự thừa mứa vô hạn ở phần dung lượng, mà còn như một sự trêu ngươi ở mặt tâm lý.

Ông Xuân bảo:

“Tôi muốn cho hai vị thấy sự hùng mạnh và dư thừa của nước Mỹ là như thế nào. Hai vị ăn được chừng nào thì ăn, không hết thì bỏ, không ai phàn nàn chút gì đâu. Đây là ‘tô phở tự do’. Sau này hai vị sẽ quen đi, không còn thấy lạ nữa, nhưng sẽ nhớ mãi bữa ăn đầu tiên trên quê hương mới này. Chúng ta đang sống trong cường quốc số 1 trên thế giới, và quý vị sớm muộn gì cũng sẽ là thành phần của đất nước này. Nó đặc biệt và đáng tự hào lắm đấy!”

Lời tiên đoán của ông Xuân chỉ đúng có hơn một nửa, chỉ có mẹ tôi trở thành một thành phần toàn vẹn của nước Mỹ, còn cha tôi thì, theo nhận định được cho là đã cân đo chính xác của ông, chỉ trở thành ¼ người Mỹ.

Đây là bài học đầu tiên cho cha mẹ tôi, mở ra cho ông bà khái niệm hùng cường của quê hương mới mà họ đã đánh đổi bằng cuộc cá cược sinh mệnh của mình trong những lần tù tội, những chuyến vượt biên trên biển. Bài học “tô phở tự do” này, với mẹ tôi thì bà đã quên đi rồi, bà có khả năng quên thật nhanh những điều gì bà thấy không cần lưu giữ, nhưng với cha tôi thì được ông tâm đắc lắm. Tôi biết, thỉnh thoảng sau này cha tôi thường mời những người thân quen của ông đi ăn phở khi họ vừa đặt chân lên nước Mỹ. Tôi không biết ông có áp dụng bài học này với họ hay không, nhưng không ít lần tôi được nghe ông kể lại chuyện “tô phở tự do” trong nhiều dịp khác nhau.

“Hồi đó, cái hồi mà tôi mới tới Mỹ, thì tô phở không phải chỉ là tô phở, mà nó là cái chậu nuôi cá, ngoài ra nó còn biểu trưng cho sự hùng cường và tự do. Ừ, hùng cường nằm ở chỗ thừa mứa. Còn tự do ở chỗ ăn không hết là bỏ, hổng có tiếc à nghen...”

Câu chuyện luôn luôn được cha tôi bắt đầu một cách đơn giản nhưng chân thành như vậy. Mọi giá trị đều quy thành thực phẩm.

 

*

 

Cha mẹ tôi được ông Xuân cho trú ngụ tại nhà ông trong thời gian đầu đến Mỹ. Một tuần sau, cha tôi tìm mọi cách để xin việc, rồi được nhận vào làm cho tiệm ăn nhỏ trong vùng, với mức lương tối thiểu và được giữ số tiền tip [3] mà khách tặng. Một gia đình người Mỹ, mà chủ nhà là cựu chiến binh tham gia chiến tranh Việt Nam, mời ông về sống với họ, cho ông ở miễn phí một căn phòng trong nhà, còn mẹ tôi thì vẫn ở tạm chỗ cũ.

Cầm được những đồng tiền đầu tiên do sức lao động của mình trên xứ người (lúc đó, cha mẹ tôi vẫn còn gọi Mỹ là xứ người để phân biệt với Việt Nam — nơi họ vừa liều mạng ra đi — là xứ mình, là quê hương) cha tôi cảm động lắm. Những khoản tiền tip 25 xu, 50 xu sẽ là chìa khoá mở cho ông cánh cửa vào một tương lai mới. Ông làm việc thật chăm chỉ, nhưng vẫn không có kết quả như mong muốn vì ông chưa thể giao tiếp được bằng tiếng Anh.

Công việc đầu tiên trong ngày là đến cửa tiệm vào 5:00 AM. Ông thức dậy lúc 4:00 AM, làm vệ sinh, mặc áo quần rồi đi bộ đến tiệm, cách nhà chừng 2 cây số. Trời mùa Đông xứ Bắc Mỹ lạnh buốt, tuyết rơi mù trời. Có sáng ông đến nhưng chưa có ai mở cửa tiệm để vào. Ngoài trời gió lồng lộng, phất phới tuyết. Lạnh quá, chịu không nổi, ông chui vào cái trạm điện thoại công cộng ngoài bãi đậu xe để trú. Trạm chừng một mét vuông, có vách che kín 3 phía, chừa lại một phía. Ông đứng quay mặt vào trong, chống hai tay lên ngăn để điện thoại và cuốn niên giám, chìa lưng ra ngoài, đếm từng giây, mong tay quản lý đến để được vào trong.

Ngày thứ Ba, thứ Năm, được chia phải làm ca tối, ông đi về lủi thủi trên đường vắng, bóng ngã mờ mờ dưới ánh đèn đường, cố gắng giữ ấm, đến nhà đã hơn 10:00 PM, mọi người đã ngủ. Ông lui cui lục tủ lạnh, tìm cho mình bữa ăn vội, có gì ăn nấy.

Đêm đó, bụng đói meo, về phòng thay đồ ra, ông không dám gây tiếng động, không bật đèn sáng. Vào bếp, lấy mấy khoanh bánh mỳ, ông tìm thức ăn nhưng không thấy món gì hấp dẫn ngoài phô-mai và bơ, những thứ ông chưa ăn quen. Ông lục ngăn tủ bên dưới thì thấy một thùng đựng nhiều món đồ hộp. Ông chọn đại một lon, không kịp đọc để hiểu là món gì, khui ra, thấy như thịt nấu với đậu, trút vào tô, rắc thêm tiêu, thơm phức, ngon quá. Ném cái lon rỗng vào thùng rác, mở thêm lon bia, ông ung dung, sung sướng ngồi thưởng thức bữa tối.

Sáng hôm sau, người chủ nhà kéo ông ra hỏi tối qua đã ăn gì. Ông bảo ăn bánh mỳ và với thịt hộp. Ông kia đưa cái lon rỗng ra hỏi có phải thức ăn trong lon này không. Ông gật đầu.

“Anh phải xem kỹ trước khi ăn, thứ này không phải là thức ăn dành cho anh!”

Cha tôi tái mặt vì ngượng, và lo. Ông nghĩ rằng mình đã ăn một món ăn quý, hay đắt tiền, mà lẽ ra không nên dùng.

“Không dành cho tôi? Tôi... không hiểu, thưa ông. Ô, tôi hiểu rồi. Tôi xin lỗi. Tôi đã không biết. Tôi sẽ không làm như vậy nữa. Không bao giờ làm như vậy nữa...”

Ông chủ nhà nói thật chậm, nhả từng tiếng một.

“Thứ - thực - phẩm - này - không - phải - là - thức - ăn - của - anh. Nó - không - phải - là - thức - ăn - dành - cho - người - ta. Nó - là - thức - ăn - dành - cho -Billy.”

“Billy? Billy là cái gì? Ai là Billy? Tôi xin lỗi, tôi không hiểu. Xin vui lòng chờ tôi một chút nhé. Tôi cần cuốn tự điển.”

Thằng bé con chủ nhà đứng bên, chỉ tay ra góc vườn, ở đó có cái nhà nhỏ như nhà cho trẻ con chơi, trên cửa có sơn chữ Billy màu đỏ sáng. Ông chủ nhà tinh ý, nhã nhặn vỗ vai cha tôi chúc một ngày tốt lành rồi cáo từ, đưa thằng nhóc con đi học.

Cha tôi vào phòng, lục trong va-li ra cuốn tự điển Anh-Việt Việt-Anh mang ra tra nghĩa. Ông cầm cái lon không lên, tra từng chữ, lúc này ông mới để ý trên nhãn lon có vẽ hình đầu một con chó xù. Ông đỏ rần mặt và quỵ xuống khi hiểu ra lon thức ăn ấy quả thật không dành cho mình, nếu mình là một Con Người.

Khi còn ở trong nước, thì một thằng tù không được nhìn nhận là một con người, gã là một con thú bị khước từ và săn đuổi.

Khi ở trại tị nạn, con thú khốn khổ đó đang trong quá trình nhận lại, ý thức lại, cái nhân phẩm mà gã ngỡ rằng đã mất, để trở lại thành một con người.

Còn lúc này, gã đến được quốc gia chấp nhận thân phận tị nạn của gã. Gã đang rị mọ, va vấp, học từng chút một cung cách của đời sống văn minh, và hiểu rằng mình vẫn chưa là một con người hoàn chỉnh trong nhận thức của đồng loại.

Một cảm giác đau buồn, nhục nhã ghê gớm xâm chiếm trọn vẹn tâm hồn ông. Ông không khóc được, chỉ muốn gào thét lên đau đớn.

Làm sao ông tin được rằng con chó trong nhà lại có cái tên Billy hoa mỹ như vậy?

Làm sao ông tin được rằng con chó Billy ấy được thưởng thức thứ thực phẩm ngon tuyệt, thứ của ngon vật lạ đối với ông?

Làm sao ông hiểu được người ta có thể ân cần trọng thị đến khẩu vị của chó Billy một cách tinh tế như vậy?

Bất giác, ông nhận ra thêm một điều rằng, con chó Billy có khả năng giao tiếp giỏi hơn mình, dường như nó hiểu hết những gì chủ nó nói, và ngược lại, chủ nó cũng hiểu nó lắm; còn ông, lúc này đây ông hoàn toàn chưa có khả năng đó, và cũng có thể chẳng bao giờ ông thủ đắc được cái khả năng giao tiếp đó. Ông cay đắng, chẳng lẽ là mình sẽ là một thằng người chậm lụt và trì độn mãi mãi sao?

Ở chỗ làm, ông không hiểu sao bọn đồng nghiệp lại cười phá lên khi nói đùa gì đó với nhau, ông ngờ rằng chúng ám chỉ điều gì về ông. Ông không hiểu, thậm chí ngay cả khi chúng nói với ông. Và ngược lại, chúng cũng không hiểu những gì ông muốn nói. Ngôn ngữ của ông không phải là thứ tiếng Anh cần thiết trong giao tiếp, nó bất lực hơn tiếng chó sủa. Nó bất lực hơn tiếng sủa của con Billy.

Bất lực và tuyệt vọng!

Cha tôi cầm cái lon vào nhà vệ sinh, ông rửa sạch thức ăn còn bám trên lon, gói nó lại bằng miếng giấy báo, rồi cất vào va-li. Tuần sau, tìm được phòng cho thuê có chủ là người Hoa, ông cám ơn gia đình chủ nhà và dọn ra.

Cái lon vẫn theo ông suốt bao nhiêu năm, như một vật kỷ niệm. Nó chưa rỉ sét và ông không dùng nó để chứa đựng thứ gì; nhưng thật ra, nó chứa một thứ vô hình mà có trọng lượng thật nặng nề, một thứ trừu tượng, một cảm xúc xám xịt: nó chứa một vết thương.

Một vết thương chẳng bao giờ lành, chẳng bao giờ lên da non, chẳng bao giờ thành sẹo.

Những lúc tâm hồn ông trở trời — ông gọi đó là những lúc “tâm hồn cục cựa” — nỗi bi phẫn trong con người mẫn cảm của ông dấy lên, thì vết thương ấy lên cơn sưng tấy, đau ngứa, xốn xang, một cách rất cụ thể, mà ông không thể xoa chạm vào, hay quơ tay gãi.

Lúc đó, ông chỉ nốc rượu cho say mèm, rồi nằm rũ rượi.

 

(Còn tiếp)

 

_________________________

[1]Trích facebook của blogger Quang Văn Vương

[2] dry-clean: giặt bằng cách hấp tẩy

[3]tiền tip: tiền bo

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021