thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ĐẮM [phần I, chương 11-15]

 

Đã đăng: [chương 1-5] - [6-10]

 

11.

 

Một cơn gió mạnh làm cô trở mình giữa hai chân anh, loay hoay một hồi, nhưng có lẽ không thấy cách nào để ngủ ngon hơn, cô ngồi dậy. Chiếc khăn choàng rơi ra. Anh nghiêng xuống liếm một chút vị mặn trên gáy cô. Ngày trước anh từng dùng mặt lau hết một lưng mồ hôi của cô thơm lừng mùi bánh thuẫn sau mỗi trận làm tình ác liệt, và cô bảo anh: “Coi lưng em này!”

Gió vẫn quần thảo chung quanh. Anh choàng ôm ngực cô, hỏi:

“Em chưa bao giờ ngủ lạnh lẽo như thế này, phải không?”

“Chưa. Nhưng đâu có lạnh. Em thấy ấm áp. Anh ngủ được chút nào không?”

“Anh biến thành cái nệm rồi, làm sao ngủ được.”

“Một tấm nệm cũ, vài chỗ không êm ái lắm.”

Cô nhoài người ra khỏi vòng tay anh, nhìn quanh:

“Trời còn sớm, chưa thấy bóng người nào cả, anh ngủ chút đi. Anh gối lên em ngủ nhé.”

Anh tựa mặt lên một bên vai cô, nhắm mắt, thấy cơn buồn ngủ dịu dàng xâm chiếm:

“Anh ngủ thế này cũng được.”

“Chừng nào mình về Sài Gòn hả anh?”

“Tùy em.”

“Em muốn tối nay về ngủ ở nhà anh.”

“Chưa được. Anh chưa chuẩn bị gì hết.”

“Anh phải chuẩn bị gì?”

“Ít nhất là một tấm nệm thật tốt.”

“Không cần. Em nằm đất cũng được. Anh đừng nói nữa, ngủ đi.”

“Anh vừa nói chuyện vừa mơ màng ngủ đây. Anh cũng muốn về nhà rồi.”

“Với em chứ?”

“Từ từ anh tính. Còn cả một ngày dài mà.”

Cô đứng dậy, đi vòng ra sau, ngồi xuống như anh nãy giờ vẫn ngồi, đỡ nhẹ anh nằm xuống lòng mình.

“Vài hôm nữa em sẽ đi tìm việc làm.”

“Em tính làm gì?”

“Hoặc copywriter hoặc đi dạy Anh văn hoặc viết báo.”

“Em giỏi quá vậy?”

“Mấy năm bên đó em tranh thủ đi học đủ thứ.”

*

Nhưng hai người không về, và không hứa hẹn khi nào sẽ về lại Sài Gòn. Xế trưa hôm đó, sau khi trả phòng, tự dưng anh có cảm tưởng như sắp xa cô. Hai người gởi hành lý nơi quầy tiếp tân rồi thả bộ dọc theo bờ biển, ngược với hướng dẫn ra đường lộ. Anh chỉ tay về phía xa, bảo nếu đi mãi sẽ đến một cái làng đánh cá, được bao bọc bởi một bên là biển và một bên là những đồi cát màu đỏ, màu hồng, màu trắng có thể thay hình đổi dạng sau một trận bão gió. Anh từng leo lên đỉnh những đồi cát đó với một người bạn. Bây giờ người bạn ấy đã thay đổi hoàn toàn không thể nào nắm bắt được dù chỉ một góc cạnh: như ngọn đồi được anh ta cho là đẹp nhất và đứng đó để anh chụp hình giờ không thể nào tìm lại dấu tích. Và một đống gạch đá đổ nát trên ngọn đồi ấy, là bối cảnh cho nhiều tấm hình của hai người, chưa chắc giờ này còn tồn tại.

Anh nắm tay cô, đi chậm lại, kéo cô đến ngồi xuống một mỏm đá nhỏ. Những con còng gió chạy nhanh rồi mất hút vào lòng biển. Một khúc gỗ mục dập dềnh trên đầu những ngọn sóng, mãi vẫn không vào được đến bờ.

Bỗng nhiên anh nói:

-“Mình đi Đà Lạt chơi vài ngày nghe em! Cách đây mấy hôm anh ngồi cà phê với mấy người bạn, một ai đó nói thành phố Đà Lạt bây giờ buồn lắm, không sống nổi. Tự nhiên anh thốt lên, anh có thể sống được, thậm chí ở heo hút dưới chân đèo Prenn hay vùng Lạc Dương xa ngái, miễn là anh biết chắc mình đang được tự do. Tự do vậy thôi, dù không để làm gì cả. Tự do cũng giống như tình yêu vậy. Có tự do, chúng ta sống trọn vẹn cô đơn vẫn sẽ thấy nhẹ nhõm. Em đồng ý không?”

Anh hỏi, nhưng không nhìn cô, mắt vẫn dõi ra xa. Cô gật đầu, anh không hay biết.

Cô ngập ngừng một hồi mới trả lời:

“Em thích lắm, nhưng thôi, mình về đi.”

“Sao vậy em?”

“Em thấy anh có vẻ bứt rứt vì không có việc gì để làm.”

“Không.”

Anh cứ nghĩ đến lúc cuộc sống thường nhật sẽ lại tràn lên cuốn phăng tất cả những khoảnh khắc này. Ở chung cư của anh, sáng sáng anh thường nghe những tiếng đàn piano chập chững, không biết từ đâu phát ra, và chỉ một lúc sau âm thanh xe cộ ồn ào của một ngày mới bên ngoài đường nuốt chửng những nốt nhạc thánh thót đó, không để lại chút dư âm nào. Anh có cảm giác cô bé hay cậu bé học trò nào đó không bao giờ có thể chơi piano điêu luyện được, chỉ vì tiếng động của cuộc sống mỗi ngày lại chứng tỏ sức mạnh xâm lăng của nó, đập tan bất kỳ một nỗ lực nghệ thuật nhỏ nhoi nào.

 

12.

 

Chiếc xe đò bò nặng nhọc qua khỏi một khúc quanh cùi chỏ, lên đến lưng chừng bên này đỉnh đèo Ngoạn Mục thì ngừng lại, tắt máy. Người tài xế thông báo “Xe không chạy nổi nữa. Tụi tui sẽ lần lượt đón xe và trả tiền cho bà con về Đà Lạt. Bà con thông cảm nha. Xe dở chứng chứ tụi tui không dở chứng đâu.” Anh nhìn đồng hồ: 11 giờ trưa. Nhưng không có chút nắng nào. Mọi người lục tục xuống xe. Cô còn ngủ say trên vai anh. Anh chờ cho người khách cuối cùng rời khỏi xe mới khẽ đánh thức cô dậy.

“Xe pan. Mình xuống đường nghỉ chút em.”

“Ồ, em ngủ một giấc ngon lành. Anh có bị đau vai không?”

“Không. anh chỉ tiếc không đem theo sách đọc.”

“Anh ít ngủ quá.”

Hai người xuống xe, thấy đám đông hành khách đang đứng ngồi cùng với balô, vali, túi xách đủ màu sắc dài dài theo vách núi, trông vui mắt như một cửa hiệu tạp hóa di động, rồi lát nữa một chiếc xe nào đó lại chuyển cái cửa hiệu này đi chỗ khác. Một khúc đèo vắng chợt ấm áp hẳn lên. Vài người tách ra, đi xa xa khuất hẳn sau một khúc quanh, chắc tìm chỗ tiểu tiện. Anh rủ cô đi tiểu. Cô gật đầu liền. Sau một giấc ngủ ngon, cái nhu cầu đó của con người rất rõ ràng. Anh nhờ người lơ xe trông giùm hành lý rồi kéo tay cô rời đám đông, leo qua mấy mỏm đá, mấy bụi rậm, dừng lại, canh chừng che chắn cho cô. Trên ngọn đèo này anh có một kỷ niệm với vợ anh. Anh đoán có lẽ phải mất mười lăm phút xe chạy mới tới chỗ đó. Buổi chiều hôm ấy, chiếc xe bus đồ sộ dừng lại nghỉ, đổ xuống đường mấy chục đôi vợ chồng, bồ bịch đi du lịch Đà Lạt. Tại chỗ dừng đó có thể phóng tầm mắt như con đại bàng nhìn về hướng thị trấn Sông Pha, thấy cây rừng xanh một màu kỳ hoặc như thể tất cả thế giới này được sinh ra và diệt vong tuần hoàn vĩnh cửu trong tấm màn mênh mông ấy, chợt tỉnh mộng thấy con đường ngoằn ngoèo màu xám dẫn tới nhà máy thủy điện, rồi lại bị hút vào mây trắng chảy từng giòng sữa non bên các sườn núi, những đám mây đã bỏ cõi người bận rộn ồn ã bụi bặm bay đến nơi đây, trốn khỏi sự săn đuổi của văn minh và của cả nghệ thuật con người. Những đám mây vô ngã. Nói vậy được không nhỉ? Hay lại có ai bảo triết lý rẻ tiền. Một người bạn đi trong đoàn đứng cạnh anh vừa nhìn vừa khẽ thốt lên, đúng là ngoạn mục, nhìn thấy đẹp mắt quá. Người bạn bảo anh đứng gần vào một cái cây để anh chụp cho một kiểu hình. Sau đó anh ta đưa máy ảnh cho anh, bảo, cậu chụp cho vợ con cậu đi. Anh mất một phút mới hiểu ra chuyện gì. Rồi anh chụp ảnh hai mẹ con. Khi vợ anh đứng dựa vào cái cây trơ trọi sát mép vực, màu vàng chiếc áo cô mặc với một dải thắt lưng hờ hững nổi bật lên giữa phông xanh núi rừng. Anh đã hết sức “nắn nót” về mặt tâm hồn để chụp cô, nhưng vì quá kém kỹ thuật nên tấm hình rửa ra không đẹp lắm. Nhưng vợ anh rất quí tấm ảnh đó. Anh nhớ hôm ấy anh không dẫn vợ anh đi tiểu. Một lúc nào đó anh không thấy cô ta đâu cả. Chắc hẳn những người phụ nữ, trong đó có vợ anh, đã rủ nhau đi làm cái việc kín đáo ấy. Nếu anh dẫn vợ anh đi tiểu, như giờ đây anh giúp người phụ nữ này, có lẽ cô ta sẽ khắc ghi mãi hình ảnh ấy trong tim.

Khi anh nắm thật chặt tay cô, dìu cô từng bước lẫm chẫm xuống dốc, trở lại mặt đường, anh có cảm giác có một tia nhìn vừa sắc vừa buồn hướng về phía hai người, hướng về anh. Tia nhìn đó lướt dọc ngang trên người anh như ánh đèn pin trong đêm của viên cảnh sát rọi từ đầu đến chân một tên ăn trộm mới vừa bị tóm cổ. Anh trượt chân lảo đảo suýt ngã, để lại trên con dốc sỏi đá một vệt giày dài bằng mấy gang tay.

Một hồi còi xe vang lên đâu đó từ cuối dốc, mọi người nhốn nháo đứng dậy. Anh hỏi cô:

“Em có muốn đón xe về Đà Lạt liền không?”

“Không, mình ngồi đây chơi chút đi anh.”

 

13.

 

Sau trận đói thấy cả địa ngục lẫn thiên đàng ở đường Cống Quỳnh lần đó, anh bắt đầu nghĩ đến tiền. Anh đi xe buýt thấy chị soát vé cầm cả một cọc tiền dày cộm thẳng thớm trên tay mà hoa cả mắt. Nếu mình là chị ta, mình sẽ đọc được trong mắt chàng thanh niên ốm đói kia nỗi thèm khát có được vài ngàn bạc để chắc chắn ngày mai có cái bỏ vào bụng. Cái đó là củ mì có từng sợi nhỏ cơm dừa rắc lên trên, chấm với đường cát. Nếu mình là chị ta mình sẽ ngắt ra chút ít trong cái cọc tiền kia đưa cho chàng thanh niên ốm đói. Sao chị ấy không là chị Lan của mình nhỉ? Còn ngoài ra anh không thấy tiền đâu cả. Tìm tiền đâu ra bây giờ?

Sau cùng rồi anh cũng có tiền, có ngay một lúc một cọc tiền không thua gì cọc tiền của chị soát vé xe buýt. Cùng gạo, đường, sữa, thuốc lá đủ sống trong hai tháng, và kem đánh răng, xà phòng, quần áo, mùng mền... Đổi lại, anh mất danh tính của mình. Anh không còn là Phúc Vinh nữa. Anh phải đứng tên một người khác, Nguyễn Văn Tân, một người bạn con nhà giàu lớn hơn anh mấy tuổi, lên vùng rừng núi thâm sâu tận ngã ba biên giới làm nghĩa vụ xây dựng vùng kinh tế mới thay cho anh ta. Sáng sớm hôm ấy (sao sớm quá vậy không biết?) khi người ta gọi anh lên xe, anh còn đang u sầu nghĩ ngợi lẩn thẩn đâu đâu vì không hiểu sao không có ai đưa tiễn mình. Không ai, kể cả Tân. Tối qua nó có đưa thêm cho anh một ít tiền, chắc nó cho như vậy là tình cảm lắm rồi. Đến khi nghe hét lên “Nguyễn Văn Tân đâu? Trốn rồi hả?” anh mới giật mình, sợ sệt bước lên xe. Anh tìm được một chỗ giữa hai hàng ghế, ngồi ôm cái ba lô vào bụng, cố nhắm mắt ngủ. Trên xe này toàn những người lớn tuổi, xa lạ. Ở những chiếc xe khác cũng vậy thôi, anh không tìm thấy ai quen biết. Sáng hôm trước khi tập trung nhận thẻ lao động, anh đến sớm rồi nán lại cho đến phút chót cố tìm một khuôn mặt thân quen nhưng không thấy. Không có một hơi ấm nào. Bạn bè đâu hết rồi? Sao tất cả đều xa lạ thế này? Những đứa con gái xấu xí vô duyên, những thằng con trai học dốt trong trường thường ngày anh không buồn tới gần giờ đây trừng phạt sự kiêu kỳ của anh bằng sự vắng mặt của họ. Lúc ấy anh thèm gặp bất kỳ một người nào trong số đó, nhưng chẳng hiểu sao anh không dám ước mơ được gặp Phước, Cang, Vinh, Minh, Phúc, Thành, Hòa... những người bạn thân thiết của mình. Anh lại càng không dám nghĩ đến thầy Học, thầy Chiến, những người thầy cưng quí anh vào bậc nhất nhiều năm qua. Và hoàn toàn không có một ý nghĩ nào về gia đình. Không hiểu sao như vậy...

Trong mấy tháng ở rừng làm rẫy ấy anh có một kỉ niệm nhớ đời.

Như những tiểu đội khác, tiểu đội anh được bố trí một cô gái cỡ tuổi anh lo việc bếp núc. Đó là cô gái mà anh cho là xinh xắn nhất trong số gần một trăm người nữ đột nhiên xuất hiện nơi một cánh rừng thanh vắng. Thân hình cô đầy đặn, chỗ nào cong ra thì cong ra, chỗ nào uốn vào thì uốn vào rõ rệt; cặp vú to ưỡn lên hết cỡ như muốn bật ra khỏi làn vải áo. Cả người cô tràn đầy nhục cảm mà dường như chưa có ai tát cạn bớt một chút nào. Đó là anh nghĩ vậy. Rồi mừng thầm. Nhưng anh sẽ làm được gì cô ta khi kinh nghiệm tình trường của anh chỉ hơn con số không chút đỉnh? Thế rồi, sau chỉ hai tuần, ma quỉ dẫn đưa, lửa gần rơm đã bén, với những đụng chạm qua loa trong bếp, hoặc khi võng trong nhà chật chội đêm đêm đong đưa quá đà. Anh thường đi làm trễ dăm bảy phút, về sớm năm mười phút để được gần cô. Vội vã ôm riết. Hôn hít vồ vập. Mò mẫm khắp từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Và kéo áo cô lên bú vú cô như kẻ đói khát lâu ngày. Rồi áp chặt cái cứng ngắc của mình vào cái nhô lên giữa hai chân cô. Rồi xoay người cô ra sau áp cái nóng bỏng của mình trên hai khe mông cô, hai tay xoa nắn vú cô, rồi như bị nam châm hút xuống chỗ kín, hai tay anh dính chặt lui tới ở đó không thôi. Và anh di chuyển vòng tròn trên mông cô cho tới khi lên cực khoái, phóng ra đầm đìa. Những trận làm tình chớp nhoáng mỗi trưa, mỗi khuya là nguồn vui lớn của anh. Chắc không ai trong đoàn quân lao động lầm lũi nhuộm xám xịt một vạt rừng mỗi ngày này sung sướng bằng anh. Đã vậy, thấy anh ốm yếu, các anh trong tiểu đội cũng chỉ giao anh những việc nhẹ nhàng. Anh suốt đời nhớ ơn các anh: anh Ngôn, anh Dũng, anh Nhựt... Không ngày nào anh không xuất tinh dưới một lần dù ăn uống chẳng có gì gọi là bổ béo ngoại trừ cơm độn khoai sắn, cá khô, nước muối chan, canh rau rừng, đậu phộng ran... Ồ, sức trẻ. Chỉ có thể là do sức trẻ mà thôi. Thế rồi tiểu đội của anh được lệnh đi sâu hơn vào trong rừng một tuần làm công tác đột xuất mà không cần chị bếp. Sầu đời quá. Không có cô bên cạnh, anh phải tưởng tượng hình bóng cô (vẫn còn nóng hổi) để thủ dâm mỗi tối trước khi lăn ra ngủ. Một tuần dài như bất tận rồi cũng trôi qua. Anh khấp khởi mừng, nhưng vẫn mơ hồ lo sợ cô đã bị điều đi tiểu đội khác. May quá, cô vẫn còn! Anh thầm reo lên khi thấy tấm lưng ong của cô lúi húi trong bếp. Thằng nhỏ của anh lại co giật mạnh, rỉ ướt. Anh nhủ thầm phải kiềm chế, để dành tối chứ. Nhưng kỳ lạ, cô có vẻ không vui khi gặp lại anh. Cô cười miễn cưỡng.Và dường như muốn lẩn tránh. Hai tay thay nhau kéo hai vạt áo gần cổ lại để che ngực. Anh hỏi gì cô cũng ậm ừ, không trả lời rõ ràng, không nhìn vào mắt anh như một tuần trước đây. Đúng là cô có điều gì muốn giấu. Anh nôn nóng chờ đêm xuống cùng đi gánh nước với cô như thường ngày. Lúc ấy anh sẽ hỏi.

Đêm ấy trăng sáng. Nhưng cô đả lẻn đi gánh nước một mình lúc chạng vạng không cho anh hay. Khi anh biết thì cô đang giữa đường xuống suối gánh đôi thứ ba. Anh chạy theo. Em giận gì anh vậy? Lắc đầu. Sao em không nói gì? Im lặng. Vẻ như muốn khóc. Và thật ngạc nhiên khuôn mặt cô ngửa lên, như chờ đợi được hôn. Anh thầm cám ơn ánh trăng đã trả lại nét mềm mại cho cô sau một ngày mệt nhọc. Cám ơn ánh trăng đã làm cho cô trở nên líu ríu nhạy cảm và sẵn sàng ngả vào vòng tay anh. Anh đi bên cạnh cô, vuốt ve cánh tay và bàn mông cô. Đến một khúc quanh, anh dừng cô lại, lấy đôi gánh trên vai cô xuống. Cô cũng không muốn đi. Cô đã không còn cái vẻ khó hiểu ban ngày nữa. Anh ôm cô vào lòng. Và lại tái diễn cái hòa tấu khúc của da thịt kiếm tìm, tay chân siết chặt, chuyển động dần đều, ướt át, liếm láp, hơi thở gấp gáp nóng hổi, câm nín, mùa lòa. Một bàn tay anh đi mãi đi mãi nơi vùng kín của cô – nó cao ráo và dày dặn, cứng cáp của khoái cảm và dịu êm của tính nữ, kín đáo mà kiêu hãnh. Anh quì xuống, úp mặt vào đó. Chỉ lúc ấy một cảm thức chắc chắn sở hữu và bị chiếm hữu đầy đủ nãy giờ còn mơ hồ mới dâng lên rần rần bao bọc khắp người anh. Chỉ lúc đó anh mới tin chắc mình đã về lại nhà cũ, có cô trong thực tại, còn cánh rừng sâu bảy ngày qua kia chỉ là một cơn mộng xa ngái. Anh đứng dậy, dìu cô đi một đoạn nữa xuống suối. Vẫn còn nhiều thời gian dành cho cặp vú của cô. Ôi, cặp vú Apsara cứng như đá, cao như tòa tháp, hai đỉnh nhọn cám dỗ và thách thức mọi dục vọng sung sức nhất của đàn ông. Nó là bất khả nắm bắt trọn vẹn, nó chống lại mọi sự trú ngụ lâu dài trên nó, nó bất toàn, đỉnh cao là bất toàn, nhà thơ Pháp Yves Bonnefoy nói vậy, nhưng nó lại cứ mở ra vô tận cõi miền khoái lạc. Lát nữa, bên bờ suối, anh sẽ xoay người cô về phía nhiều trăng nhất, để cho ánh trăng chảy đầy trên vú cô, và anh sẽ trèo lên tòa tháp đôi đó bằng lưỡi, môi miệng, mắt mũi và những ngón tay bé nhỏ vụng về...

Không đợi đến anh mời gọi hay nắm tay dẫn đưa, cô từ dưới lau lách ướt át bước lên, đứng trên một mỏm đá, người hướng về phía mặt trăng. Anh thoáng thấy vẻ gì bí ẩn trên mặt cô: bất chấp, cam chịu, liều lĩnh một lần cho tất cả. Anh lần cởi từng hạt nút áo, và khuy áo lót (ôi, sao hôm nay lại có áo lót?). Anh còn đang loay hoay thì cô tự cởi phăng ra tất cả. Một đám mây kéo qua mặt trăng, thả một chùm bóng tối xuống. Nhưng anh tưởng tượng thấy ánh sáng từ hai ngôi đền này rực lên, làm chói mắt anh. Anh nhắm mắt lại. Anh vục mặt vào giữa hai vú cô và đưa cái lưỡi đói khát quét nhanh những miếng tham lam đầu tiên. Ngay lập tức anh rùng mình, rụt người lại, rời mặt khỏi cô: luỡi anh vừa quét qua một đám gì lợm cợm, lám nhám, đúng hơn, lưỡi anh vừa đi qua một vùng toàn gai góc. Toàn ghẻ ruồi. Trăng ló ra. Hai bầu ngực cô giờ đây như hai gói xôi nếp lấm tấm những hạt đậu đen trên đó. Không có cách mô tả nào chính xác hơn. Hình như anh đã lảo đảo suýt té khi tháo lui mấy bước.

Anh không nhớ sau giây phút đó anh đã làm gì...

“Anh còn gặp lại cô ấy chứ?” Đang gần như nằm dài trên triền dốc, cô bật ngồi dậy, hỏi anh, vẻ ngơ ngác.

“Không. Sau đêm đó, cô ta trốn đi đâu mất.”

“Và thế là tự nhiên anh cất đi được một gánh nặng?” Cô ôm khuôn mặt anh bằng hai bàn tay, nhìn thẳng vào mắt anh, như thể tìm trong đó điều gì khuất tất.

“Không hẳn như vậy.”

“Vì sao?”

“Vì sau đó anh được biết gần như tất cả chị em trong toàn đơn vị đều bị ghẻ chốc đầy mình vì tắm suối độc.”

“Trời ơi!”

“Lúc bấy giờ anh mới thấy nhớ cô ta ghê gớm. Anh ân hận mình đã để lộ dưới ánh trăng đêm ấy vẻ kinh sợ của anh.”

“Em nghĩ cô ta đã đoán trước phản ứng của anh?”

“Sao em nghĩ vậy?”

“Vì em cũng là phụ nữ như cô ấy. Tất cả đã đổ sụp ngay ở nơi đẹp nhất của mình. Cô ta mở ngực ra là để chôn cất anh đó thôi.”

Anh bất giác gật đầu.

 

14.

 

Thành phố Đà Lạt khi hai người về tới cuối đèo Prenn đã ngập trong sương mù. Chiếc xe đò thả khách ở bến xe. Mưa rả rích. Ẩm ướt. Một chiếc taxi cặp sát bên hai người. Một phút dùng dằng: anh muốn đi bộ một quãng đường cho thoải mái sau cả ngày dài bó gối, nhưng nhìn xuống hai cái túi xách to bự anh đâm nản. Cuối cùng chiếc taxi nuốt gọn anh và cô vào trong với tiếng đóng cửa khô lạnh.

“Anh chạy chậm quanh bờ hồ một vòng đi đã.” Anh nói, không chờ cô có đồng ý hay không.

Chiếc xe vừa lướt đi thì anh kêu lên:

“Anh dừng đâu đó cho tôi mua mấy ổ bánh mì nhé?”

Hình như anh tài xế câm. Anh phải nói lại lần nữa và nhìn vào gáy anh ta. Cũng không thấy anh ta nhúc nhích. Cô lên tiếng:

“Anh dừng chỗ nào cho tụi tôi mua cái gì ăn nhé?”

Bấy giờ anh tài xế mới nói “vâng”, âm thanh như còn vướng víu trong râu ria răng lưỡi của anh ta, chỉ phát ra khe khẽ vừa đủ gây ra trong xe một làn sóng nặng nề. Anh quay sang nói nhỏ vào tai cô:

“Thính giác của anh ta như thính giác một con chim nào đó của rừng núi Đà Lạt, chỉ bắt được tần số âm thanh giọng nói đàn bà, giọng nói em.”

Cô hôn vào tai anh, thì thào:

“Có lẽ anh ta mải lục trong trí nhớ chỗ nào bán bánh mì ngay khi anh vừa hỏi, nên không kịp trả lời.”

“Nhưng nhìn cái gáy anh ta thấy khó chịu quá.”

“Không phải đâu. Vì anh đang đói bụng nên anh thấy vậy thôi.”

“Anh ta có thể đưa chúng ta xuống hồ như chơi.”

Cô hôn mạnh vào miệng anh.

Cái gáy to bè của người lái xe như tấm vách che giấu những gì đang diễn ra phía trước.

Chiếc taxi tấp vào lề trái, ngay trước một xe bánh mì.

Anh đẩy cửa bước ra.

Trong lúc chờ lấy bánh mì anh kín đáo quan sát người tài xế. Với một chút ánh sáng vàng vọt đèn đường, khuôn mặt anh ta chỉ là những góc cạnh lạnh lùng. Anh đến gần người tài xế, cúi người hỏi:

“Anh ăn bánh mì không?”

Một bàn tay rời vô lăng đưa lên ra dấu “không”.

“Anh có thể đưa chúng tôi đi vòng quanh hồ và lòng vòng thành phố trong khoảng hai tiếng không?”

Người tài xế hơi ngạc nhiên trong mắt, rồi gật đầu dứt khoát như thể xua đuổi sự nghi ngờ của anh.

Chính vẻ dứt khoát của người tài xế khiến anh cảm động. Và anh chợt nhớ một lần hai vợ chồng anh và đứa con trai đón xích lô ở Sài Gòn. Một người đàn ông già nua đạp xích lô từ đâu không biết đột ngột xuất hiện trước mặt anh. Anh ái ngại. Và anh hỏi liền “Bác có chở nổi không? Ba người lận.” Ông vừa nói được mà, được mà vừa hạ thấp càng xe xuống. Thằng con anh nhảy lên ngay. Vợ anh rón rén bước lên. Anh cứ chôn chân đứng đó, cảm thấy cả người mình như đeo đá tảng. Ông già giục anh. Cuối cùng anh cũng phải leo lên. Thật là xui xẻo. Vô lý. Trớ trêu. Cuốc xe tưởng dài vô tận với những vòng bánh xe quay chậm chạp nặng nề. Rồi khi bước xuống xe anh lại thêm một vố ân hận vì đã góp phần làm cho chiếc xe nặng thêm bằng những ý nghĩ u ám bực bội của mình. Gọi tình cảnh này là gì? Và tâm trạng lộn xộn đó có ý nghĩa gì về mặt đạo đức không? Hình như sách giáo khoa triết học bảo có đấu tranh dằn vặt là có lương tâm, nói như ngôn ngữ thời nay là lương tâm còn răng. Kẻ ngồi trên, ngồi trốc đã cảm thấy mình tội lỗi một cách tự nhiên. Kẻ ngồi trên cảm thấy xấu hổ. Nhưng Nietzsche sẽ khạc nhổ vào hình ảnh làm ra vẻ hai lần bất công đó (lần thứ nhất, cùng là người với nhau mà có kẻ bóc lột sức lao động người khác; lần thứ hai, kẻ có sức mạnh bóc lột bỗng dưng ứa nước mắt xót thương nô lệ của mình). Nietzsche sẽ bảo không có bất công nghịch lý gì ở đây cả. Đây là chiến thắng trước đạo đức ki-tô giáo yếu hèn. Và người ngồi trên bứt rứt trăm phần trăm duy lý duy tình lẫn kẻ còng lưng trăm phần trăm duy vật đều đáng chết đi, đáng phải bị vượt qua để cho siêu nhân xuất hiện thế chỗ vào. Nói như Nietzsche thì không cần đến những vòng quay ngày càng mở rộng bán kính của cuộc qui hồi vĩnh cửu thì siêu nhân mới đến với trần gian; siêu nhân đang đầy dẫy trong thành phố Sài Gòn và cùng với nó là một nền đạo đức sắt thép của sự thắng lướt. Một nền đạo đức sáng rực không biết đến bóng tối nhá nhem lấm lem ngoài kia. Không cần biết đến cả chiếc bóng đèn điều độ Aristotle lặng lẽ tỏa sáng trong lòng những người rách việc cả nghĩ như anh.

Đêm nay, người đàn ông lái xe này trẻ hơn và phương tiện của anh ta cũng hiện đại hơn. Nhưng sự bất động lặng im của anh ta lại hứa hẹn giông bão. Những đám mây tích điện cuồn cuộn bên trong một kẻ cam chịu, chứ không phải chờ đợi, từng biến cố chảy qua mình, càng không dự liệu đối phó hay trung hòa các biến cố. Những đám mây sẽ đem giông bão quét sạch ý nghĩa cuộc sống, lòng tin, hy vọng, sự thông cảm, mẫu số chung nhân văn ... Chúng sẽ làm rách toạc những từ ngữ đẹp nhất từng thêu trên các lá cờ văn minh.

Chiếc xe trôi đi nhẹ nhàng. Nhưng anh dám chắc mình vẫn nghe thấy sự bất toàn trục trặc đâu đó. Anh giống như nhà sư trụ trì lịch nghiệm nghe được tiếng kinh không thực sự thuần thục, tiếng kệ không thực sự đều đặn của nhà sư trẻ đang còn vướng lụy. Quả thật, thỉnh thoảng người tài xế có vẻ khoái trá băng qua một ổ gà nhỏ, hay phải thắng gấp khi một con vật hai mắt sáng choang (con chồn hay con sóc?) băng ngang đường, hay nép vào sát mép cỏ nhường đường cho hai chiếc xe đạp ngược chiều... Anh ta thích đâm vào những trở ngại nhỏ. Nếu được chở nhiều dục vọng hơn, chứ không chỉ là dục vọng tham luyến của chỉ hai người, anh ta có thể cho xe đâm vào những trở ngại lớn. Thỉnh thoảng anh liếc nhìn mặt hồ mênh mông bên phải anh. Như thể đó là cái bến đỗ cuối cùng một ngày kia anh sẽ về tới đó chứ không phải là những trạm dừng ngẫu nhiên đưa đẩy, như đến lưng chừng dốc, phải căng sức chống lại sự lôi cuốn của vực sâu sau lưng, như nửa khuya dừng lại giữa đỉnh đèo chỉ vì một bàn tay vẫy rối rít mà không nghi ngờ gì cả... Một ngày kia, anh ta sẽ không phải chạm mặt với những người khách không mời mà đến như anh nữa.

Anh nghĩ lan man như vậy trong khi cô vùi mặt vào lòng anh sau khi ăn ngon lành hết ổ bánh mì và uống gần một phần ba chai nước suối.

Chiếc điện thoại di động của cô hết pin từ trưa đến giờ và trở thành một vật vô dụng nằm trong xắc tay. Đúng ra từ nhiều ngày nay, từ hôm nói chuyện với chồng trong khách sạn bên bờ biển, cô không gọi đi đâu và cũng không ai gọi cho cô. Một ý nghĩ khủng khiếp chợt hiện ra trong đầu cô: chồng cô có thể đã tự tử vì không còn thấy cô đâu nữa, vì khoảng không mà cô để lại đầy khí độc anh không chịu được. Cũng như nếu anh đang ngồi bên cạnh đây mà đột nhiên biến mất trên cõi đời này, cô không thể sống nổi. Mới hồi nãy cô tưởng tượng ra cảnh tượng này: xe đột ngột dừng tại một khúc quanh vắng ngươi, mũi xe hướng thẳng về phía hồ, anh tài xế bước ra sau, mở cửa, kéo cô xuống xe (chỉ cần hai ba động tác nhanh gọn vì cô ngồi ngay sau lưng anh ta) rồi anh ta quay lại vô lăng, rú ga... Anh và cô không kịp phản ứng gì. Và tiếng ú ớ của anh cùng tiếng thét man dại của người tài xế như hai cái lông chim rơi tõm vào chiếc lưới khổng lồ của người thợ bẫy chết chóc. Trong phút chốc, không thấy một sủi tăm nào. Cô đứng đó, làm tấm bia đơn độc cho cả một đạo quân tối tăm, hung bạo siết chặt dần vòng vây và nhắm bắn. Không một viên đạn nào lạc mục tiêu, tất cả đều găm đầy trên người cô, rát lạnh. Nhưng cô không gục xuống chết ngay, cô chết từng cơn, kích thước thân thể thấp nhỏ dần, hai cánh tay mở rộng ra thành một vòng tròn chới với giữa không trung vì không có vai và cổ anh để vòng tròn ấy khép vào.

Nếu anh không biến mất dưới đáy hồ tối đen này anh cũng sẽ biến mất vào một nơi nào đó vào một ngày nào đó vì anh luôn có vẻ như bị một sợi dây vô hình kéo đi mãi vào chỗ không người, không cả cô. Anh lật đật đi đến chỗ hẹn của hư vô mà không cần biết có cô đồng hành hay không, nên nhiều lúc cô ghen tức với hư vô, muốn giành lại anh bằng phương pháp “khảo cổ học tinh thần của Freud” bắt anh bộc lộ những điều ẩn ức nằm sâu trong dĩ vãng gần ba mươi năm của anh, nhưng anh luôn ngập ngừng, nhát gừng hay gần như không nói gì. Lần này, sau nhiều năm, những mảnh vỡ đầu tiên từ đống đổ nát cuộc đời anh đã được anh run rẩy cầm lên, đưa ra ánh sáng, trong khi hai mắt anh hầu như luôn luôn nhắm lại không dám nhìn thẳng vào chúng... Cô luồn tay qua áo, vào người anh, len lỏi đặt lên chỗ kín của anh, cảm nhận ở đó chỉ là một vùng vắng ngắt buồn thiu.

Đột nhiên, như một con ma, người tài xế lên tiếng:

“Đã hết vòng hồ rồi. Lát nữa anh chị về khách sạn nào?”

Anh và cô cùng giật mình nhổm dậy. Anh đáp:

“Anh cứ chạy một vòng thành phố đi, để tôi xem xem.”

Một cái tên xuất hiện trong trí nhớ anh. Anh chồm tới cạnh vai người tài xế:

“Khách sạn Hoa Hồng trên đường 2/9, anh biết chứ?”

“Bông Hồng chứ không phải Hoa Hồng?”

“À, tôi nhớ nhầm. Khách sạn bình dân thôi mà.”

“Đúng vậy.”

“Thôi đến đó cho rồi, chứ biết tìm khách sạn nào bây giờ.”Anh nhủ thầm. Đó là khách sạn anh từng ngụ lại hai đêm với vợ con anh trong chuyến đi nghỉ mát năm ấy. Ba người nằm chung một chiếc giường không mấy rộng rãi, mà anh và vợ thì đã thấy thèm muốn nhau từ khi cái lạnh quyến rũ mơn man da thịt, từ trong bữa ăn tối có chút rượu vang, nên đến nửa khuya, yên trí rằng thằng con trai chín tuổi đang ngủ say, hai người bấm nhau rón rén nằm xuống thảm mang theo một cái mền. Nhưng một lúc sau thì không còn rón rén được nữa: những tiếng động lạ và nhanh dần vang lên biến căn phòng nhỏ thành hang ổ của một con vật mạnh mẽ đang kiên nhẫn hì hục đào bới gì đó; khi anh nghe thấy, ý thức được mình cần phải chậm lại, thậm chí dừng lại để xem động tĩnh thế nào, đừng có dữ dằn như thế, thì vợ anh lại không biết, cứ tưởng anh mệt, nên tự mình tạo ra những cơn dồn dập nối tiếp, anh giật mình, ra sức đè nén, thì sức chống kháng càng mạnh lên, và anh không kiểm soát được tình hình nữa rồi khi hoảng sợ nghe thấy tiếng kêu dài ra như tiếng còi tàu xa xăm trong miệng cô. Bỗng nhiên anh có cảm giác nhột nhột ở sau gáy. Anh ngoái đầu lại: ánh sáng mờ mờ từ thân thể anh và vợ anh hắt lên cho thấy thằng con anh quấn mền ngồi thu lu như con cóc trố mắt nhìn cha mẹ nó đánh vật nhau. Nó vừa có vẻ sợ sệt, vừa ghen tức điều gì đó. Gần năm năm qua, anh không thường xuyên gần gũi nó, ở nhà chỉ có hai mẹ con quấn quýt bên nhau, thân thiết như hai người bạn. Anh hiểu nó có quyền ghen tức. Và điều đó là bình thường, không cần viện đến lý thuyết của Freud. Anh xìu xuống. Vợ anh chưa hay biết gì, cứ thế đẩy anh lên như muốn hất tung anh ra khỏi người cô, đến khi thấy không còn anh đâu nữa bên trong cô, cô cấu vào tay anh một cái như vẫn thường làm vậy mỗi khi anh đột ngột làm cô mất hứng. Anh cúi xuống, thì thào vào tai cô. Cô tỉnh bơ, bảo anh lăn qua một bên, đắp mền lại. Anh làm theo. Còn cô ngồi dậy, mặc nhanh quần áo vào, lại gần con, vỗ về nó. Thằng bé ngã xuống giường liền, khoanh tròn người lại, ngủ tiếp. Anh không cương lên được nữa, thiếp đi. Một lúc nào đó vợ anh lại sà xuống sục sạo khắp người anh. Cảm giác buồn buồn, không hứng thú gì. Ngày xưa còn nhỏ, anh từng bị một gã pê-đê bú liếm anh suốt đêm trong khi anh ngủ, chỉ đến khi anh xuất tinh và đê mê anh mới mơ hồ nhận biết khuôn mặt ông ta đang ở giữa hai đùi mình. Nhưng không chắc như vậy. Căn gác nhỏ hẹp, mà anh thì ngủ xấu, hay lăn lộn xoay vòng, có thể là anh bị mộng tinh. Trên căn gác nhỏ xinh nhà ông ta có một tủ sách văn chương hàng trăm cuốn được đóng gáy, bọc da thật đẹp và xếp ngay ngắn trên kệ, anh bị mê hoặc ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy chúng, nhưng ông ta không cho mượn về, chỉ cho phép ngồi đọc tại chỗ. Ông lại có nhiều rượu ngâm ngon, nhẹ, vừa uống. Không thích rượu thì có trà, trà tàu Kim Phát hạng nhất. Đêm đêm anh thường đi với một hai người bạn mọt sách lên thư phòng ông, đọc sách, nhấm nháp chút rượu, nói chuyện thơ văn. Ông hay cười. Và cặp mắt thì lúc nào cũng mơ mơ trên khuôn mặt trắng tái. Nếu anh là cậu thiếu niên của những năm đầu thế kỷ 21 này, chắc chắn anh phải biết đó là những biểu hiện của kẻ đồng tính n m. Vả chăng làm sao anh biết thế khi cứ mải mê nhìn vào những cái gáy sách mạ vàng, rồi rút ra một cuốn, cắm đầu đọc ngốn ngấu. Cũng có hôm anh đến một mình và vì khuya khoắt, vì mưa to, hay vì ngấm rượu, anh nằm lại thư phòng ông ta, không mảy may nghi ngờ chuyện gì xấu xa. Ông ta luôn chăm sóc anh từng li từng tí. Anh không nhớ mình bị ông ta xâm phạm bao nhiêu lần nhưng lần nào ngủ lại nhà ông anh cũng có được cơn mơ cực khoái mà vẫn sạch sẽ, chứ không như ngủ ở nhà, sau mỗi lần mộng tinh, sáng ra anh thấy có gì nhớp nháp trong người. Nhưng chuyện đó đột ngột chấm dứt. Một lần anh đến, vợ ông ở nhà dưới xua tay, bảo ông không có nhà. Và lần cuối cùng bà ta bảo ông không muốn tiếp ai trên thư phòng của ông nữa, vì sách bị mất nhiều quá.

 

15.

 

Chiếc taxi dừng lại trước khách sạn Bông Hồng, nhưng anh không nhận ra đường nét gì quen thuộc ngày nào cách đây bảy năm ngoại trừ cái bề ngang của tòa nhà không thể to thêm được nhiều để tạo nên một ấn tượng khác lạ. Anh từng đứng ở giữa cánh cửa chính của khách sạn, giang hai tay ra hết cỡ thì gần đụng hai đầu tường giới hạn, bây giờ anh ước lượng, thấy cũng vậy. Tòa nhà chắc có thể cao thêm đáng kể (anh chưa kịp ngước lên nhìn) mới có thể đổ một hình bóng lạ lẫm xuống trước sân của nó để đánh lừa anh, quả thật, nếu anh không nhớ tên của nó (đúng ra anh chỉ nhớ được năm mươi phần trăm tên của nó) làm sao anh tìm đến được đây?

Anh trả tiền taxi, mỉm cười cám ơn người tài xế, lần này anh ta mỉm cười đáp lại, vẻ nhẹ nhõm như thể cất được gánh nặng. Anh chợt băn khoăn, nụ cười dễ chịu của anh ta khiến anh muốn trở lại xe đi dạo tiếp, nhưng cái vẻ nhẹ nhõm ấy lại như xua đuổi anh một cách lặng lẽ mà dứt khoát. Đâu là tâm hồn thật của anh? Vì đâu sự hàm hồ thị phi bao trùm lên hết thảy mọi sự của đời sống này để cho người ta phải khổ công chọn lựa hoặc thế này hoặc thế nọ mãi vậy? Không phải lòng tự trọng thanh sạch của con người, nhất là những người hạ lưu, là điều anh mong muốn được thấy và ngưỡng vọng sao?

Khi đang đứng ở quầy tiếp tân làm thủ tục nhận phòng, anh nhìn ra ngoài và phát hiện một sự vắng mặt: ông già bán thuốc lá ngồi cạnh cửa ra vào. Cái hộp tủ thuốc lá to gấp đôi tấm lưng ông kê trên một giá xếp, hết giờ ông mang lên vai đi mất hút xuống cuối con dốc kia. Ông bán toàn thuốc lá ngoại đắt tiền như Lucky, Camel, Kent, 555, Dunhill, Marlboro, Pallmall... nhưng sẵn sàng bán từng điếu lẻ và cẩn thận bật diêm cho khách mồi thuốc. Ông cũng chẳng tỏ vẻ gì đặc biệt khi anh mua của ông một gói Dunhill xanh (mặc dù trong thời gian đó anh bắt đầu cai thuốc, và anh tự đặt ra cho mình một kỷ luật chỉ mua từng ba điếu một). Ông khoảng trên sáu mươi tuổi, mặc chiếc áo vét trắng cũ nhưng thẳng li sạch sẽ, tóc chải bóng muợt, rẽ đường ngôi ở giữa, vẻ sang trọng từng ngự trị trên hình dáng ông không giấu đi đâu được. Sao ông lại ngồi đây với công việc mọn nhỏ nhàm chán này? Trông nó trái khoáy thế nào. Anh tự hỏi. Và tự trả lời: “Thì ngồi đây cũng được chứ sao. Người già luôn thích làm một việc gì đó, không bao giờ muốn ở không.” Nhưng cái tật tò mò của anh không chịu thỏa mãn. Và anh lân la hỏi ông. Để được biết rằng ông từng làm quản lý một khách sạn lớn ở Vũng Tàu, rõ ràng là một địa vị, rồi thời thế thay đổi ông phải về với gia đình, nhớ không khí khách sạn, và cũng không muốn làm phiền vợ con, ông tìm một công việc phù hợp ở đây. Đơn giản vậy thôi mà làm anh xúc động. Cái cách ông thu xếp đoạn cuối cuộc đời của mình thật đẹp và đáng kính trọng. Bây giờ ông ta đâu rồi? Lát nữa anh sẽ hỏi.

Sau khi hai người tắm xong, anh cảm thấy vẫn còn nhức mỏi khắp người, và chợt nghĩ đến việc mát xa... cho cô.

Và lần đầu tiên cô nằm ngửa trần truồng không như một bàn tiệc mênh mông để đãi anh. Anh không đói khát cô lúc này, nhưng anh vẫn thấy một nhu cầu được đi sâu vào thân thể cô. Anh ngồi một bên cô, nghiêm trang như trong một nghi thức.

Cô mở to mắt, vẻ hồi hộp khi hai bàn tay anh không đi theo một lộ trình nào rõ rệt. Quả thật, anh lắng nghe trong cơ thể mình chỗ nào không thanh thoát rồi đưa tay tìm đến đúng chỗ ấy nhưng là trên cơ thể cô. Từng ngón chân. Vai. Gáy. Cổ. Nhưng được một lúc đầu óc anh bị xâm chiếm bởi một ý nghĩ, đúng hơn là một thắc mắc xuất phát từ chính cơ thể anh, rằng giữa nhu cầu được xua tan nhức mỏi và nhu cầu khoái lạc thì cái nào cần hơn. Và anh tự trả lời bằng cách vuốt ve thật đằm thắm hai bên đùi cô, gần sát chỗ rậm rạp. Đúng là chỗ rậm rạp ấy nãy giờ không lặng yên đứng ngoài theo dõi cuộc phục hồi sức khoẻ của những vùng đất khác chung quanh nó; nó vẫn phồng lên chờ đợi cái cảm giác nó hằng chờ đợi không liên quan gì đến ý hướng của hai bàn tay ân cần thật thà của anh. Nó đã quen hai bàn tay ấy, nhất là bàn tay phải. Anh trực giác thấy điều đó. Rõ ràng cơn buồn ngủ vì mệt mỏi cả ngày không thắng được cơn khoái cảm. Hai mí mắt cô mới đó lim dim, gần như sắp khép lại thì bây giờ đã khép lại hẳn nhưng vẫn mơ màng tỉnh thức hoàn toàn theo một cách nào đó. Anh thẳng người dậy, đưa mắt nhìn một lượt từ đầu đến chân cô để xem có bỏ sót chỗ nào chưa đụng đến không. Chỉ có chỗ đó. Nhưng chạm tới đó là đã bước qua một nghi thức khác. Nghi thức Kama Sutra. Không, anh không đọc kỹ Kama Sutra, không biết phải làm gì với bàn tay mình. Anh không nghĩ ngợi gì nữa: bàn tay anh, bàn tay phải đã khép lại, đã đặt lên chỗ rậm rạp đó từ lúc nào như bị thu hút. Nó đang chuyển động nhẹ nhàng theo một quĩ đạo vừa gần gũi vừa xa xăm. Bỗng nhiên anh thấy mình cần phải chống lại sức hút này. Anh lật nhẹ cô nằm úp xuống.

Chỉ mấy phút sau, cô đã thiếp ngủ, một nửa khuôn mặt áp xuống gối, một nửa quay về phía anh.

Lần đầu tiên anh tận mắt nhìn thấy một người phụ nữ ngủ trong tư thế nằm úp và trần truồng trong đời thực gần giống với tư thế nằm của cô diễn viên N. trong phim Hè muộn của đạo diễn Đặng Trần Thức anh xem cách đây hơn ba mươi năm. Cô nữ diễn viên này không đẹp (lúc ấy anh thắc mắc, Thật lạ, tại sao toàn bộ phim Hè muộn đẹp gần như toàn bích như thế lại dung chứa một nhân vật xấu xí đến thế?) nhưng có thân hình đầy sức sống (lúc đó anh không biết đó là một vẻ đẹp khác); cô ta nằm trong tư thế có thể gợi cảm hơn cô lúc này, nó cho thấy cô ta đang hết sức thỏa mãn sau một cuộc làm tình tới bến.

Anh tò mò ngắm tấm lưng cô, thấy đường lõm giữa lưng đẹp quá. Vì sao nó gợi lên trong anh một mỹ cảm? Nếu nó quá sâu hay nếu nó quá mờ nhạt, anh có còn cảm thấy thích thú không? Tại sao một người phụ nữ đang thật đẹp trên khuôn mặt, bờ vai, bầu ngực bỗng nhiên mất đẹp khi nơi cái eo của mình không có được kích thước, hình dạng cần phải có của nó? Rất nhiều lần anh bực mình không phải vì trông thấy những người phụ nữ xấu nhưng vì giữa chừng cái nhìn dịu dàng của anh đang lần theo hình dáng một phụ nữ bị vấp phải một chi tiết phản bội sự trông đợi của anh. Cái nhìn của anh, thật ra, rất nặng nề, chứ không dịu dàng như anh tưởng, bởi đó không phải là cái nhìn của riêng anh, mà là cái nhìn của xã hội ngoài kia, đám đông ngoài kia. Niềm vui khi cái nhìn chiêm ngắm không còn là niềm vui của một mình anh; đó là niềm vui của cộng đồng mà anh là đại diện được sai phái đứng ở góc phố đó vào thời điểm đó để đón bắt từ những bước đi uyển chuyển đầu tiên của người phụ nữ. Nỗi thất vọng trong anh, tiếng thở dài trong anh chỉ là con sóng cuối cùng đã yếu đi nhiều rồi của đợt sóng lớn dạt xô từ xa tới. Nhưng anh đang yêu người đàn bà này với tất cả gánh nặng mà có cảm giác được chút sẻ chia nào đâu?

Anh nghe thoang thoảng hơi thở cô, thấy bờ vai cô chuyển động lên xuống đều đặn, biết rằng cô đang ngủ ngon. Và anh bất giác đặt nhẹ hai bàn tay lên lưng cô, xoa xoa những đường tròn nhỏ, như để hợp lực đẩy đưa con thuyền nhỏ này trôi ra đại dương êm đềm, ở đó không có anh với những tâm tư bất trắc như những mỏm đá lởm chởm, những vực nuớc xoáy bi phẫn, không có gai góc bất mãn, không bão tố của quá khứ đẫm máu đang đuổi theo không ngừng nghỉ, và vắng hẳn những chân trời dự phóng đột ngột sáng nắng chiều mưa.

Anh cảm thấy hai mắt muốn sụp xuống. Nếu anh buông lỏng, thỉ chỉ trong giây lát, sẽ có một giấc ngủ nặng nề, đầy ác mộng của anh kề bên một giấc ngủ nhẹ nhõm như chính hơi thở của cô.

Chợt cô cựa mình thức giấc, hé mắt nhìn anh, rồi nhắm mắt lại, quay người nằm ngửa, hai tay đưa lên khỏi đầu.

Em nghe nói ở thành phố này có nhà thờ Con gà, phải không anh?

Không đợi anh trả lời hay gật đầu, cô đã chìm trở lại vào cơn buồn ngủ của mình.

Quả thực dù đã đến thăm thành phố này nhiều lần anh chưa từng trông thấy nhà thờ Con gà, có thể anh đã đi qua nó khi ngồi trên xe, nhưng nó không để lại ấn tựong nào rõ rệt trong anh, bây giờ nếu hỏi anh màu chủ đạo của khối kiến trúc nhà thờ là màu gì, anh không trả lời được. Anh bỏ đi lễ chủ nhật, bỏ xưng tội, và bỏ đạo từ lâu rồi.

Vậy mà anh từng là một con chiên ngoan đạo khi còn ở tuổi thiếu niên, tuần nào anh cũng đi xưng tội, và mỗi lần xưng tội xong, anh có cảm giác cả người mình nhẹ bổng, có thể bay lên được. Là bởi vì anh đã được rửa sạch tội lỗi, linh hồn anh tâm trí anh không gợn một vết nhơ nào. Anh quì xuống nơi tấm vách đặc biệt bằng gỗ ngăn cách vị linh mục “ngồi tòa giải tội” với những con chiên tội lỗi. Anh áp mặt vào tấm màn có những cái lỗ nhỏ, thổn thức “lạy cha con đã không vâng lời cha mẹ, trốn học đi đánh bida, nói tục nhiều lần, con thường nghĩ sự dâm dục mỗi lần nhìn thấy cô bé hàng xóm... lạy cha làm phép giải tội cho con.” Và anh áp tai vào tấm màn nghe vị linh mục tha thiết nhỏ nhẹ từng lời yêu cầu “con phải luôn hướng về Chúa mọi lúc mọi nơi, thì Chúa sẽ soi sáng tâm hồn con, phải năng đi lễ đọc kinh con nhé... Thôi con về đọc 20 kinh lạy cha để chuộc tội.” Ôi, anh tưởng như Chúa đang ngự trị trong hồn anh. Và anh đã quì xuống, hướng về bàn thờ Chúa trong nhà thờ đọc đến 30 kinh lạy cha, thấy mình như tan hòa vào mùi thơm tinh khôi đạo hạnh đang vây phủ chung quanh. Có hôm anh bật khóc vì sung sướng. Anh nghiện cảm giác đó nên mỗi tuần cố tìm cho ra “tội lỗi” để được đến tòa giải tội, ngồi gần như giáp mặt với vị linh mục mà thường ngày quá cách bức, cao vợi. Đặc biệt là những lần anh được xung tội với vị linh mục tên Ngô. Ông này thường ngày rất hung dữ. Ông dạy giáo lý cho trẻ con mà trên tay luôn lăm lăm cây roi mây, buổi học nào cũng có đứa bị đánh rát mông mà không dám khóc. Ông la hét, vung roi dọa nạt những đứa không tập trung nghe ông giảng. Như tất cả những đứa trẻ khác, anh từng lấm lét nhìn ông, tránh xa ông, sợ hãi ông đến mức không dám gọi cả tên ông. Nhưng thật lạ, lúc ngồi tòa giải tội, giọng ông dịu xuống hiền lành, nhắn nhủ từng lời như người cha rất mực thương yêu đứa con ngoan mới phạm lỗi lần đầu. Ông đã biến thành một nhân cách khác. Dần dà tự sâu kín trong lòng anh có ý muốn biến đổi ông, một người lẽ ra không nên hung ác, thành một người hết sức thiện hảo chỉ bằng một cách đơn giản là quì xuống bên ông. Vậy là anh có thêm một niềm vui mới lạ mà không lý giải được.

Rồi anh được một đôi vợ chồng trẻ trong xóm chọn làm cha đỡ đầu, god father, cho đứa con đầu lòng của họ khi anh mới 15 tuổi.

Sau ngày giải phóng, khi gia đình thằng bạn theo đạo học chung lớp chuyển lên một tỉnh cao nguyên sinh sống, anh thường xuyên viết thư thăm hỏi nó, và cuối thư không bao giờ anh quên cầu Chúa phù trợ cho gia đình nó, và dặn nó dù khó khăn mấy đừng bao giờ bỏ đi lễ chủ nhật. Gần ba chục năm sau, Phúc, tên người bạn đó, vẫn còn giữ đạo, thỉnh thoảng về Sài Gòn gặp anh, hắn vẫn hay nhắc về những dòng dặn dò giữ điều răn thứ ba trong những lá thư anh gửi hắn. Anh cười cười lảng tránh. Nhưng hắn không tha cho anh, hắn cứ hỏi tới vì sao anh bỏ đạo. Anh nói anh đi thanh niên xung phong xây dựng vùng kinh tế mới, rồi sau đi bộ đội, không có điều kiện đi nhà thờ. Và sau bốn năm thì mất hẳn thói quen đi lễ chủ nhật.

Thật ra trong những ngày đầu tiên sau giải phóng, trên những bước đường lang thang của mình, anh đã cầu nguyện Chúa thật nhiều, nhưng dường như không được đáp lại, những cảm giác lâng lâng nhẹ nhõm sau mỗi lần được giải tội không còn nữa. Anh không có nhu cầu đi xưng tội, vì cảm thấy mình không có tội, ngược lại, anh thấy mình bị một thế lực thù địch vô hình vây khổn mỗi ngày. Có lúc anh nghĩ, nếu được ngồi trước tòa giải tội, anh sẽ tố cáo tội lỗi của ai đó đang gây ra cho anh, chứ về phần mình, anh không có tội lỗi gì để xưng ra cả.

... Cô trở mình, hé mắt, thấy anh vẫn chưa ngủ, cô cầm bàn tay anh đặt lên ngực mình:

“Anh ngủ một chút đi anh.”

“Em ngủ đi. Anh cũng sắp ngủ đây.” Vừa nói anh vừa nằm xuống bên cô. Cô áp mặt vào một chỗ dưới khủy tay anh, hít nhẹ:

“Anh đang nghĩ gì vậy?”

“Không. Anh nghĩ vẩn vơ thôi.”

Lúc ấy một hình ảnh lướt qua đầu anh, đó là hình ảnh anh hồi bốn tuổi phải nằm sấp xuống nền nhà nhận lãnh mấy ngọn roi đau điếng của bà xơ hiệu trưởng trường tiểu học nội trú của đạo công giáo. Thằng bé làm mất cây viết, lên văn phòng trình báo để mua cây viết mới, cha mẹ nó sẽ trả số tiền đó vào cuối tháng chung với học phí. Nó tưởng đây chỉ là một chuyện nhỏ. Nhưng trước khi được nhận cây viết mới, nó bị la mắng và bị nọc ra đánh. Nó không nhớ mình bị la mắng vì tội gì, nhưng những ngọn roi thì rất đau, đó là nỗi đau xác thịt lần đầu tiên trong đời nó cảm nhận được. Và nỗi đau đó theo anh suốt đời. Nó là ấn tượng về một quyền lực to lớn, bí ẩn và nặng nề sẵn sàng trừng phạt anh một cách vô lí. Và khi lớn lên với chút hiểu biết, anh nhận ra mình đã sớm có một trực giác rõ ràng về định mệnh từ hôm ngọn roi hung bạo của bà xơ quất xuống phía sau cơ thể mong manh của mình.

... Chuông điện thoại trong phòng reo. Anh nghiêng người cầm ống nghe vừa liếc nhìn chiếc đồng hồ treo tường: 11giờ.

“Alô.”

Giọng nữ nhẹ nhàng trả lời:

“Dạ, tiếp tân đây ạ. Tụi cháu sắp mang thức ăn lên cho cô chú đây.”

“Cô có nhầm phòng không?”

“Dạ không. Chú ở phòng 306 mà?”

“Đúng rồi. Cô chờ tôi chút.”

Anh quay qua lay lay vai cô:

“Em có đặt thức ăn khuya hả?”

Cô gật đầu.

Anh nói vào ống nghe:

“Cô cho mang lên đi. Cám ơn cô.”

Cô ngồi dậy, như không có vẻ gì đang buồn ngủ. Anh hỏi:

“Em đói hả?”

“Dạ. Sao anh cứ thao thức hoài vậy? Anh làm bụng dạ em cồn cào không yên.”

...

“Nhưng nãy giờ anh nghĩ gì vậy?”

Anh kể ngắn gọn cho cô nghe về trận roi ở trường nội trú, rồi kết luận:

“Bây giờ anh vẫn thấy còn đau.”

“Em biết là cảm thức tôn giáo hay cảm thức siêu hình trong anh sâu đậm lắm.”

Anh quay nhìn cô:

“Chắc là khuôn mặt anh đau khổ như người vác thánh giá phải không?”

Cô ôm khuôn mặt anh trong hai bàn tay:

“Trái lại. Em nhìn khuôn mặt anh, cũng như hầu hết những người có tín ngưỡng, thấy nét chung là thanh thoát, trong khi khuôn mặt của những kẻ hả hê tự nhận mình là vô thần sao em thấy đầy vẻ tham sân si nặng nề. Tự nhiên em thấy vậy. Hình như ánh sáng của bầu trời buổi sáng rạng chiếu lên mặt những người thành tín; còn với người vô tín ngưỡng, không có thứ ánh sáng lạ lùng đó. Khuôn mặt em cũng là khuôn mặt của kẻ vô thần xấu xí. Anh nhìn kỹ em đi.

Anh bật cười:

“Anh thấy em có tham lam gì đâu. Em hồn nhiên quá.”

“Em đam mê tình yêu. Em muốn anh luôn ở bên em. Là một phần của em. Em muốn sở hữu anh. Em tội nặng quá phải không anh?”

“Anh không biết.”

Cô lặng im. Anh không biết chỉ riêng điều đó hay anh không biết gì cả về mình. Anh chưa bao giờ tò mò về cuộc sống và quá khứ của mình. Có lần anh nói rằng mỗi khi anh nhớ cô, anh cảm thấy anh đi từ cơn mệt mỏi này đến cơn mệt mỏi khác, không muốn làm gì. Anh nói đó là một cảm giác quen thuộc, có từ thuở thiếu niên khi anh thất tình một cô bạn gái cùng lớp. Anh yêu nhiều quá. Anh là nạn nhân của niềm đam mê tình yêu quá lớn trong anh. Nhưng ngược lại, cũng vì thế mà chắc là anh đã gây ra không ít khổ đau cho phụ nữ. Và họ cũng là nạn nhân. Cô có là nạn nhân của anh không? Lát nữa, khi nằm xuống bên anh cô sẽ nghĩ kỹ về điều này.

Cô nhìn anh. Anh dường như không muốn nói gì nữa, mắt lim dim rồi.

Ngày mai họ sẽ làm gì? Suốt đêm nay không ai đặt ra câu hỏi đó. Làm như căn phòng này đã là một thế giới mênh mông không bao giờ đi hết vậy. Cô tự hỏi mình có muốn đi chơi Thung lũng Tình yêu, đi thuyền ngược lên thượng nguồn nơi có mấy quán nhậu thịt rừng, đi nhà ga cũ, đi bộ lên đỉnh Lang Biang không? Cô không trả lời được. Những câu hỏi đó phải được đặt ra cùng lúc bởi hai người thì may ra mới có câu trả lời. Nhưng cũng không có gì chắc chắn là anh và cô sẽ trả lời dứt khoát. Mọi quyết định sẽ đến vào một lúc nào đó không định trước. Không có chương trình sự kiện gì để có thể ở thêm vài ngày giữa thành phố này, và ngược lại cũng không biết nhìn vào đâu để thấy thời gian ở đây đang cạn dần như đêm cạn dần về sáng để phải gấp gáp về lại Sài Gòn. Anh không bao giờ đụng đến cây bút giắt trong túi áo. Cái túi áo vẫn sạch – vì bình thường, nếu anh lấy ra đút vào cây bút, thì sẽ có lúc anh quên đậy nắp và nhét ngược đầu cây bút vào túi và thế là túi áo anh thấm đầy mực, có lúc là một vệt dài màu đỏ nhìn rất sợ. Anh không đụng đến điện thoại di động, đến mức cô không nhớ anh có mang nó theo không. À có, anh có mang nó theo, cô nhớ thấy anh lấy nó từ trong túi quần để cất vào túi xắc hôm đầu tiên. Anh không nhắc gì đến Sài Gòn, nơi anh có một căn hộ, một đứa con, và một việc làm. Nhiều người Sài Gòn đi đâu xa vài ngày đều nói rằng họ cảm thấy nhớ Sài Gòn, nhưng anh không tỏ một dấu hiệu nào cho thấy điều đó. Thời gian đã dừng lại đâu đó trong anh, qua từng câu chuyện rời rạc anh kể. Anh đang ngược dòng thời gian, và dường như bị lạc lối. Cô muốn đánh thức anh dậy. Không, không phải như vậy, vào lúc này. Đây chỉ là một giấc ngủ sinh học. Anh đang ngủ ngon. Gương mặt thanh thản. Nhưng cô biết có một gương mặt khác của anh không thanh thản chút nào, gương mặt nhìn vào quá khứ. Như vị thần hai mặt. Gương mặt lúc này của anh, với những đường nét đã phần nào lắng đọng sau một ngày, cô có thể cúi xuống hôn, và ve vuốt. Còn khuôn mặt kia, làm sao? Cô cũng muốn âu yếm và làm dịu nhẹ gương mặt kia nữa. Cô muốn đánh thức anh hoàn toàn ra khỏi giấc ngủ miên man nặng nề mà tâm thức anh đang đắm chìm. Nhưng dường như anh chưa “đủ giấc”. Làm sao lần theo giấc ngủ đầy mộng mị của anh, dẫu có phải xuống thêm vài tầng tối tăm nữa, để đến chặng cuối cùng, sau đó cùng anh bước ra, rũ bỏ tất cả. Và bắt đầu thức dậy một ngày mới. Một cuộc đời mới. Lúc đó anh mới là trọn vẹn của cô. Nghĩ đến đây, cô chợt thấy mình vô lý: Cô đã lúc nào, sẽ khi nào thuộc về anh trọn vẹn? Cô không có một dĩ vãng ác mộng vây ám như anh, nhưng cô cảm thấy cuộc đời thực của cô còn ngăn cách cô với thế giới của anh không kém gì dĩ vãng của anh ngăn cách anh với cô. Nhưng cô vẫn không ngừng nghĩ đến anh, sống trong thế giới tưởng tượng và ký ức, không có một mảy may thực tại nào, không một bối cảnh nào, chỉ có anh và cô, chỉ có hai người tạo thành một thế giới, một thế giới vô tận từ chân tóc đến bàn chân nhau, từ nụ cười đến ánh mắt mỗi người chất chứa một hiện diện trên đời không lẫn vào ai, chỉ đôi khi lẫn vào nhau. Có thể là cay đắng và cô đơn, nhưng cô nhẊn ra mình tồn tại như một đốm sáng. Thấy mình tự do như một áng mây. Tự do đi tìm, nhẹ bay theo một áng mây khác. Từng ngày, từng tháng, từng phút giây, không gấp gáp. Không huy hoàng một lần cho xong, để tạo nên một khoảnh khắc chói lòa, như các nhân vật nữ đẹp nhất vẫn thường hay xuất hiện chiếm hết màn ảnh trong phim, đập vào mắt mọi người một ấn tượng kỳ vĩ. Cô yêu anh, thế thôi. Với tình yêu này cô không mong chiếm hữu một cái gì chắc chắn bên ngoài cô; cô chỉ ngày càng chắc chắc về những gì đang có trong cô, tuy cái đó cũng hết sức mơ hồ, nhưng từ nhỏ đến giờ cô chưa có nhiều cái mơ hồ như vậy, chưa bao giờ tâm hồn cô bềnh bồng như vậy, chưa bao giờ trong tâm hồn cô bóng tối và ánh sáng hòa trộn nhảy múa cùng nhau huyền ảo như vậy. Cô yêu anh rất nhiều, và cô biết anh cũng yêu cô như thế, nhưng tình yêu đó không thay đổi cô bao nhiêu. Cô vẫn là cô thôi, vẫn thường tình như bao nhiêu người đàn bà khác, vẫn cạn cợt, và không mong tìm cách sâu sắc hơn. Bao năm nay từ lúc yêu anh, cô vẫn lo xa nghĩ gần cho gia đình, cho chồng và cho con. Anh là một người rất quan trọng trong đời cô, nhưng anh ở đâu đó thật xa, phải mất nhiều thời gian thu xếp mới đến với anh được, như người anh trai của cô vẫn đang dạy học trên cao nguyên, thương anh biết bao, vì anh có một cô vợ hung dữ và keo kiệt, nhưng đâu dễ gì gặp anh; như cô bạn gái ở Pháp mấy năm mới gặp một lần, thèm ngồi tán dóc với nó chừng nào, nhưng hình như nó mê chồng hơn cô... Anh có lẽ còn xa hơn, không phải vì chuyến bay hai mươi bốn tiếng đồng hồ... Mùa hè này cô đã thu xếp được một chuyến đi thế này. Hai năm một lần. Cô biết anh đã chấp nhận để hai người được gặp nhau, bất kể công việc của anh đang như thế nào. Cô không hỏi, vì anh thường nói ok trước mọi đề nghị của cô. Vậy là cô đi. Sau khi đã “lo xa” mọi việc cho gia đình nhỏ của cô. Đi thăm một người yêu mình, chờ được gặp mình, để cụ thể hóa những tâm trạng sâu xa đó thành những cử chỉ, lời nói, động tác quen thuộc, nồng ấm. Nhưng anh ngày càng buồn hơn.

 

[còn tiếp phần II]

 

 

-------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021