thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CẢNH TƯỢNG SAU TRẬN CHIẾN [trích]: Trong vòng tay của Joseph Vissarionovitch

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

JUAN GOYTISOLO

(1931~)

 

 

TRONG VÒNG TAY CỦA JOSEPH VISSARIONOVITCH [1]

 

Tôi bước vào một cảnh vật ngổn ngang những phế tích ý thức hệ: những tượng bán thân biến dạng, những pho tượng sụp đổ, những cột trụ vỡ nát, những mẩu đà ngang và diềm cột lụn vụn bị tàn phá bởi một tai biến, có lẽ là một cuộc đào thoát đột ngột và dữ dội nào đó. Các nhà bác học và khảo cổ đào bới tỉ mỉ khoảng đất này, làm nổi lên những công trình kỷ niệm bị chôn vùi, khai quật những nền tảng của chủ nghĩa duy vật biện chứng, thu hồi những giáo điều và tiên tri có một giá trị vô lường. Công việc nặng nhọc kiên nhẫn của họ, thực hiện dưới một mặt trời gắt gao, được tưởng thưởng bằng những phát hiện xứng đáng với những nỗ lực của họ: một cái đầu gần như nguyên vẹn của Karl,[2] một pho tượng đã bị rỉ sét của Friedrich,[3] một miểng sọ hói và chòm râu cằm danh hiệu Vladimir Ilitch.[4] Nằm riêng một bên, là những sạp hàng được cây lá che nắng bày biện trước du khách những tàn tích ít quan trọng hơn: những di vật của Dolorès,[5] của Maurice[6] và của Palmiro,[7] một bức đắp nổi cảnh Mao[8] lội qua sông Dương Tử, những cây súng ngắn và điếu xì-gà của ông vua râu xồm và bất tử. Các hướng dẫn viên biết nhiều thứ tiếng giải thích cho người nước ngoài về những đặc điểm chủ yếu của ý thức hệ đã bị chôn vùi: những kiểu sùng bái trong phạm vi gia đình và cá nhân, những kiểu phản tỉnh, những nghi thức và việc khai trừ,[9] những toà án, những hội nghị trung ương và tự kiểm, những nguyên do có thể gây ra suy đồi và tan rã. Những thanh niên, ăn mặc như dân bản xứ, bày ra những đồ lưu niệm, những chiếc vòng, những vật tổ, bưu thiếp, hình ảnh xác ướp bảo quản bên bờ Moskova, những chuyến dạo chơi trên thuyền gondole, du ngoạn từng nhóm, những ông đơn độc thì đi thăm nhà thổ Pompéi[10] ngày xưa Lev Davidovitch[11] vẫn lui tới. Chạy trốn cái rầy rà liên tục ấy, tôi đi đến bãi đất mênh mông vắng vẻ phía trước do Steinberg thiết kế: chỉ có hai hay ba lính canh bất động, béo tròn y như những chòi gác, ngắt đứt đoạn đường chân trời. Mấy cái loa phát thanh phổ biến một tuyên ngôn khoa trương ca tụng nghệ thuật và văn học như vũ khí hay công cụ chiến đấu, một nền sân khấu và điện ảnh chứng nhân và tranh luận, một nền âm nhạc và hội họa hiếu động, mang tính động viên, một dòng tiểu thuyết thấm đẫm hệ tư tưởng, một nền thi ca tố giác phục vụ những người bị áp bức, những nhân vật tích cực, những kỹ sư tâm hồn, những trung tâm điện lực, những hầm mỏ, cửa đập nước, những phương trình chính trị đạo đức được giải theo những phương thức công nghiệp tiến bộ. Trong khi tôi cố tìm lại những nhịp điệu quen thuộc của cái văn bản ấy, tôi khám phá ra, ban đầu là ngạc nhiên, rồi tiếp theo là xấu hổ và rụng rời, chính mình cũng đang nhận trách nhiệm đã sinh ra nó. Bị đeo đẳng bởi những lời bình phẩm chế giễu và những tiếng cười châm chọc, tôi ẩn náu trong căn phòng của cái nhà bảo tàng tôi vẫn lui tới chăm chỉ thăm viếng. Ông đứng đấy, đứng cố định trong cái dáng kiêu kỳ, nhìn tôi với vẻ che chở, nhân từ: bất cứ ai đến thổ lộ với Ta những nỗi đau và nỗi buồn của mình sẽ tìm thấy nơi Ta chỗ dựa và sự chống đỡ. Cái cát-kết thống chế của ông, bộ ngực đầy ắp những huân chương loè loẹt của ông, bộ râu mép rậm rạp và quăn tít của ông, tất cả che giấu một sự dịu dàng bất di bất dịch, một lòng khoan dung rất gần với tình thương yêu. Ông giản dị biết bao, nhân từ biết bao, bạn thưa. Và Ông: ngươi chớ tin những chuyện truyền thuyết mà đám kẻ thù của ta thêu dệt; nếu như ngươi biết được ta đau khổ ra sao! Không có cô đơn nào tệ hơn cái cô đơn của kẻ có quyền! Một giọt nước mắt lấp ló chảy xuống cái má sần sùi của ông, ông nhẹ nhàng nắm tay của bạn và kéo bạn đi vài vòng luân vũ. Đầu tựa sát chiếc áo cổ cao, bạn để yên ông kéo theo điệu nhảy, thắm thiết những tình cảm mê ly, dửng dưng trước cái bĩu môi khinh bỉ của Agnès và cô vợ mỉa mai của mình. Nhịp điệu mấy bản luân vũ của Strauss mỗi lúc càng nhanh và anh quay cuồng như một con vụ say sưa cho tới khi anh bảo vệ nhà bảo tàng ngắt ngang anh và kéo tay anh, mặt giận dữ: này anh kia, anh tưởng anh đang ở đâu thế này? Đây là chỗ nghiêm túc! Nếu như anh muốn nịnh bợ o bế, thì hãy tới nơi khách sạn mà làm những trò bỉ ổi của mình!

 

 

________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Joseph Vissarionovitch STALINE.

[2]Karl MARX.

[3]Friedrich ENGELS.

[4]Vladimir Ilitch LÉNINE.

[5]Dolores IBÁRRURI hay Isidora Dolores Ibárruri Gómez (1895-1989), nổi danh với tên “La Pasionaria”, lãnh đạo phe Cộng hoà Tây-ban-nha thời Nội chiến, là một nhà chính trị cộng sản gốc Basque, từng là Tổng bí thư (1942-1960), rồi Chủ tịch Đảng Cộng sản Tây-ban-nha cho tới cuối đời.

[6]Maurice THOREZ (1900-1964): Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Pháp (1930-1964), từng là Bộ trưởng (1945), rồi Phó Thủ tướng Chính phủ Pháp (1947).

[7]Palmiro TOGLIATTI (1893-1964), chính trị gia Ý, một trong những sáng lập viên, rồi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Ý (từ 1927 cho đến khi qua đời), từng là Bộ trưởng trong nhiều nội các (1944-1946) nước này.

[8]Biến cố “nổi tiếng” loan khắp thế giới: Mao Trạch Đông bơi qua sông Dương Tử năm 1966.

[9]Anathème: có nghĩa là rút phép thông công.

[10]Nhà thổ Pompéi là nhà thổ nổi danh nhất trong thành phố đổ nát Pompéi thuộc La mã, cũng được biết đến với tên Lupanare Grande.

[11]Lev Davidovitch Bronstein, tức LEON TROTSKY (1879-1940).

 

 

---------------------------
“Trong vòng tay của Joseph Vissarionovitch” dịch từ chương “Dans les bras de Joseph Vissarionovitch” (bản tiếng Pháp của Aline Schulman) trong Juan Goytisolo, Paysages après la bataille (Paris: Fayard, 1985). Nhan đề của nguyên tác tiếng Tây-ban-nha của cuốn tiểu thuyết này là Paisajes después de la batalla.

 

 

Những tác phẩm khác của Juan Goytisolo đã đăng trên Tiền Vệ:

... Trên cao, bộ tứ cha già của chủ nghĩa duy vật lịch sử — hai triết gia, ông đầu hói với chùm râu cằm và ông râu mép cáo già — dường như kín đáo đóng vai cha đỡ đầu cho bức ảnh đóng khung của đám con cháu lỗi lạc và trung kiên của mình: cái pho tượng khổng lồ rất ư nổi danh ngày nay đang đảm đương làm di sản của họ và chỉ ra con đường thắng lợi cho tất cả những quốc gia bị áp bức trên Trái Đất... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Đột nhiên, khi chúng tôi đã mất hết hi vọng, thì phép lạ xảy ra. Nhân vật của chúng ta đã cẩn thận kéo cái chốt cửa căn hộ loàng xoàng của mình và, bọc người trong chiếc áo mưa, cái nón nỉ ca rô đội lên đầu, anh đi dọc theo hành lang hẹp về hướng thang máy. Anh thấy cánh cửa thang máy mở và bên trong, anh ngạc nhiên khám phá ra vợ mình... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
... Tôi vừa cố gắng che giấu sự xúc động của mình vừa trả tiền chỗ tem mà cô nhân viên đóng dấu, đi về phía tiệm cà phê ngoài trời gần đó, và, khi đã ngồi xuống rồi — tôi cảm thấy nổi da gà và củ dương căng cứng... | ... Mặt cô đanh lại, nhưng, khi anh bắt đầu tuyệt vọng, thì cô đưa bàn chân trái nhỏ nhắn của mình ra trước và đặt lên đầu anh. Những mệnh lệnh của cô, thốt lên bằng một giọng sắc, sẽ làm anh đi thẳng lên đến cõi cực lạc... (...)
 
... Mày làm cái giống gì một mình, xa lánh mọi người, tự giam trong phòng kín như một ẩn sĩ thế? Bộ mày tưởng là đời sống đã ngừng trôi? Những khát vọng và cuộc đấu tranh của chúng ta bộ mày không còn quan tâm nữa? Có lẽ mày nghĩ là con người có thể đổi qua sống ở một hành tinh khác?... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Thưa ông chủ nhiệm: nếu tôi dám cầm cây viết lên và gửi những dòng vụng về nhưng thành thật này cho mục thư bạn đọc của tờ báo mà ông là vị chủ nhiệm lỗi lạc, ấy là nhân danh những truyền thống và lý tưởng của chủ nghĩa tự do, của sự khoan dung và hiếu khách làm nên những nền tảng xã hội của đất nước chúng ta... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
... Anh nhận một thư mời trình diện của Sở Cảnh Sát: một tờ giấy in hình chữ nhật trên đó có tên họ anh và địa chỉ anh cũng như ngày và giờ ghi rõ ràng anh phải có mặt trước ông cò. Anh hoàn toàn không biết lý do cuộc hội kiến và, trong khi bước quanh co qua các hành lang và cầu thang dẫn đến văn phòng ông... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Tội ác ở nhà ga Chamartín  (truyện / tuỳ bút) 
... Đi từ ga Atocha đến ga Chamartín, xem bảng ghi giờ khởi hành của các chuyến xe lửa đi Barcelona, mua một cái vé, ngái ngủ bước những bước lạc lõng loanh quanh căn phòng và nhẹ nhõm khi khám phá ra một dãy ghế có thể đặt lưng xuống. Cô đơn, vô định, buồn bã, mệt, ngủ, rồi ngủ say. Abdellah Arrouch không biết, hay giả vờ không biết, là khi nằm dài trên ghế ngồi mà không bỏ giày ra... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021