thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trong ngày tàn cuộc chiến
trích đoạn từ tiểu thuyết “kẻ lạ trên thiên đường” [chưa xuất bản]

 

Tôi vừa đọc mẩu tin trên báo, thằng bé 16 dùng súng bắn một loạt năm mạng người đi đoong. Ngày ra toà xử tội, một người đàn ông trung niên nói: “Tôi không tội nghiệp nó bởi nó đã không tội nghiệp ai cả.” Một bà trung niên khác nói: “Nó tính toán giết người như một người lớn.” Tôi nhìn mặt thằng bé, nó thua tôi hai tuổi ngày tôi nhập ngũ. Tôi ôm súng nặng nề trong tay để giết thù địch. Tôi không giết họ thì họ giết tôi. Họ cũng là những thằng mặt búng ra sữa như tôi, cũng thích sống chứ không thích chết. Thích la cà với bạn bè hơn lội bộ trong rừng sâu nước độc. Tôi từng là thằng lính, thủ vai giết người. Tôi chưa hề thổ lộ điều này với bất kỳ ai. Trong thời chiến, thanh niên con nhà nghèo bị buộc gia nhập quân đội. Những năm phục vụ quân đội, lần nào giáp trận tôi cũng thấy như sắp ngã quỵ và bầu trời sắp sụp ngay lúc đó. Không gian toả mùi tử khí quyện trong tiếng gào thét. Lâu quá rồi, tôi muốn bôi xoá tất cả hình ảnh, âm thanh, mùi vị. Tôi bôi xoá thằng lính trong tôi. Tôi đã từng có ý định đào ngũ. Tôi chẳng thích chiến tranh chút nào. Tôi chẳng muốn nhớ đến thời lính tráng. Tôi thay đổi đời tôi nhờ biến cố 30/4/1975.

Thằng bé 16 tuổi sống trong thời bình xứ sở Mỹ giàu có văn minh bậc nhất khơi khơi xách súng đi bắn năm mạng ở năm địa điểm khác nhau trong cùng một ngày. Lý do vì sao thì giờ đây các nhà tâm lý, xã hội, giáo dục... mang ra phân tách, mổ xẻ. Tôi làm báo thì tôi phải thông tin đến độc giả. Đêm qua tôi khó ngủ. Thường khi khó ngủ thì những hình ảnh xưa cũ thấp thoáng trở về. Tôi ở trong trạng thái không rõ vì hình ảnh xưa cũ làm tôi khó ngủ hay vì khó ngủ mà những hình ảnh xưa cũ trở về. Lúc đấy, tôi thoáng ngậm ngùi, xót xa cho quãng đời trai trẻ mà tôi đã thẳng tay bôi xoá.

Trong cuộc chiến, sự sống con người luôn bị đe doạ bởi cái chết . Mà cái chết thì không ai có kinh nghiệm cả. Tôi đã ngửi, sờ, nếm, thấy được sự vô nghĩa của đời lính. Tôi và thằng Hiếu cùng tuổi, ở cùng xóm, nhập ngũ cùng ngày, ở cùng đơn vị. Thằng Hiếu cao và gầy, giọng nhỏ nhẹ, không phá làng phá xóm như tôi. Nó ưa huýt sáo và triết lý “vụn”. Nó thường bảo tôi và nó đang bị nhốt chung trong cái rọ, đành chịu chung số phận. Trực diện sự phi lý của cuộc chiến mà nó căm thù không muốn gọi tên, thằng Hiếu bơm vào đầu tôi những suy nghĩ “lạ lùng” ấy trong giờ giải lao. Thằng Hiếu trút bầu tâm sự, tôi im lặng lắng nghe, riết nhập tâm khi nào không hay. Đôi khi thằng Hiếu còn tỏ ra xót xa cho cả cái chết của địch nữa. Thế thì làm đéo gì nó có thể cầm súng bắn vào tim địch? Nhìn thằng Hiếu, tôi thật tình nghĩ vậy.

Thằng Hiếu đâu phải là thằng Trường? Tàn cuộc chiến nó sống nhăn răng? Chính thằng Châu vuốt mắt cho thằng tôi mà. Một cái chết thật. Một cái chết trong ngày tàn cuộc chiến. Một cái chết không có trong tưởng tượng.

 

-------

 

Tâm trạng của tôi không chút xáo trộn khi tôi quyết định rút cái thẻ sinh viên của thằng Trường, rồi gỡ cái kiếng cận của hắn. Chỉ hành động chớp nhoáng trong vài phút mà tôi đã định đoạt một thằng tôi mới toanh. Hơi thở mở tương lai. Vuốt mắt thằng Trường đồng nghĩa với đóng kín quá khứ. Tôi vuốt mắt một người và mở mắt một người. Hơn hai mươi năm tôi đã sống theo ý muốn của người khác, tuân theo kỷ luật của người khác đặt để. Tôi tự tạo số phận tôi hoàn toàn mới lạ. Tôi không cho phép tôi lún sâu trong vũng lầy ký ức bất lực, tủi nhục, sầu đau, uất hận. Tôi phải tìm cho tôi con đường đi tới phía chân trời rộng mở. Tôi không được phép hối hận. Và cùng với sự thông tuệ, học thức sẵn có của thằng Trường, phận số thằng Châu chấm dứt.

 

-------

 

Nóng, nắng, mệt, lo, buồn, sợ lẫn liều mạng... Tuổi trẻ vừa dẫm chân vào đời là dẫm chân vào đời lính. Chín tháng quân trường tập bò tập chui tập chạy tập luồn lách tập bắn súng tập trèo đồi vượt suối tập ném lựu đạn tập trải qua mọi thử thách gian khổ. Tập cách sống còn và tập giết quân địch. Tôi thẳng tay bôi xoá chúng khỏi ký ức. Chẳng phải là cuộc hành trình đi lại dĩ vãng, bằng cách chống lại sự quên lãng. Thế nhưng, đôi khi chúng bất chợt ùa về, dù lỗ chỗ, vá víu, nhưng lắm tội tình. Tôi chẳng tiếc thương chút gì về những năm lính tráng. Tôi cố không nhớ, không nhắc, không nghĩ gì cả. Với tôi, chúng chẳng có gì kiêu hùng, mà là một chuỗi kết những cục bướu kinh hoàng, oan khiên, tủi hận. Tôi bị buộc phải hành động như thế vì không có lựa chọn. Ngày 30/4/75 tôi mới có được quyền định đoạt được đời tôi. Cái sống của tôi trả giá bằng sinh mệnh của kẻ khác. Cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc vào ngày cuối tháng tư năm bảy lăm, đồng nghĩa với lịch sử của mấy chục triệu người cũng sang trang theo lịch sử mới. Tôi có chỗ đứng mới. Vui hay buồn tuỳ kinh nghiệm, tuỳ cách nhìn của từng cá nhân. Như lá cờ của hai miền cùng màu sắc giống nhưng ý thức hệ ngược chiều. Tôi, thằng lính không lon trong quân lực Việt Nam Cộng Hoà, từng chứng kiến đồng đội ngủm trong tích tắc. Hành quân, dừng chân, ngửa cổ tu ngụm nước từ bi-đông, vài giờ sau là tạch. Những cái chết vô danh, những thất tổn vô lý, những đồng lương tiêu sạch trước khi lãnh. Ăn nhậu, đánh bài, chơi đĩ. Thằng nào cũng ham sống và sợ chết. Mà chưa sống tại sao phải chết? Bị dồn phải sống hết mình trong giây phút hiện tại. Chết mà bụng no bao giờ cũng đỡ hơn bụng đói. Bước chân vào lính là bắt tay tử thần. Chiến tranh chấm dứt đồng nghĩa với sự sống bắt đầu. Thằng sinh viên, tên Trường, đeo kiếng cận, da trắng, tóc mảnh loà xoà, mười ngón tay thuôn dài hơn hai mươi năm cầm bút, chưa hề sờ báng súng, từ giã cõi đời với khuôn mặt vô cảm hay không tôi đéo nhớ, đéo quan tâm, đéo cần biết. Giờ thì tôi đang sống nốt cuộc đời thằng Trường. Hơn hai mươi năm nay, tôi là hắn. Và hắn là tôi. Bí mật này chỉ tôi và hắn biết. Đầu óc tôi tiếp tục ngập ngụa những con chữ và ý nghĩ, suy tư, nhận thức của hắn. Da tôi trắng dần ra, tay tôi bớt chai sạn, tóc tôi mọc dài và mềm. Tôi nói năng từ tốn, nhỏ nhẹ. Tôi ham đọc và mau hiểu. Tôi đi nốt con đường trí thức chữ nghĩa của hắn. Tôi thể hiện hắn qua cách hành nghề viết báo và in mấy tập thơ. Tôi gửi gắm thân phận con người phất phơ trước cuộc sống phù du ngắn ngủi, buồn nhiều hơn vui. Tôi tránh kêu trời than đất. Tôi cố sống trọn vẹn trong khả năng hắn/tôi có. Tôi là sản phẩm của tôi hay của thằng Trường? Tôi có một con cu, một cái đầu và một trái tim. Tôi nên dừng lại ở đây. Tôi không muốn lẩn thẩn, lải nhải vì tôi. Tôi là hai mảnh đời gộp lại. Một cái tôi mang theo qua bên kia thế giới không hề hé lộ với bất kỳ ai. Tôi là tôi, do thằng tôi phục sinh, tái tạo.

 

 

-------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021