thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG CHI TIẾT CẦN ĐƯỢC LÀM RÕ TRONG LÝ LỊCH TRÍCH NGANG CỦA MỘT CON NGƯỜI [chương 1]

 

1.

 

Theo số tuổi thọ bình quân của đàn ông trên đất nước này, hình như được cho là 70 tuổi, thì tôi là một gã đã đi được hơn 2/3 đường, sắp đến cái đích cuối cùng của cuộc đời: cái chết.

Năm nay tôi 59 tuổi, có trọng lượng là 43 ký, có khi tôi lên được 45 ký rồi lại sụt xuống số 40. Tôi khá hài lòng và vui sống với thể trạng đó.

Tôi không còn nhớ gương mặt cha tôi ngoài đời thật, tôi chỉ thấy ông trong những tấm hình mẹ tôi cất giữ trong cuốn album duy nhất của gia đình. Đó là những tấm hình đen trắng, có vài tấm được tô màu. Tôi thích nhất tấm mà bà dán vào trang đầu của cuốn album. Hai vợ chồng nắm tay nhau thả bộ trên một vỉa hè trung tâm thành phố, hình như là đường Nguyễn Huệ, vì tôi nhận ra sau lưng họ là Toà Đô Chính, sau năm 75 người ta đổi toà nhà này thành Ủy ban Nhân dân Thành phố. Người đàn ông đứng tuổi, đẹp trai, vận áo vest đỏ sậm, cà-vạt to bản, sang trọng và đĩnh đạc. Mẹ tôi vận áo dài hồng nhã nhặn, khoác áo bầu bằng voan trắng. Tôi có mặt trong tấm ảnh đó, khoảng 3 tháng tuổi, trong bụng của bà. Hai người là hình ảnh của miền Nam trong thập niên 50 - 60, thời thịnh vượng của nền Đệ nhất Cộng Hoà. Cha tôi đi vào đời của mẹ tôi, họ có một mối tình say đắm, làm cho tôi hiện hữu, rồi vì những lý do gì đó (mà mẹ tôi không kể lại) làm họ chia cách. Bà chỉ nói rằng ba tôi làm chính trị, ông phải bỏ nhà mà trốn đi vì bất đồng chính kiến với chế độ lúc ấy, sau lúc hai anh em tổng thống Ngô Đình Diệm bị giết. Tôi không còn nhớ lần cuối cùng mình thấy ông là lúc nào, chắc khi đó tôi còn bé lắm. Có tin đồn rằng ông đã vào bưng theo Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, có tin đồn rằng ông cùng đồng chí lập chiến khu ở vùng Hạ Lào để chống lại cả cộng sản lẫn quốc gia, rồi bị thủ tiêu ở đó. Những tin đồn lúc này lúc khác, đều khả tín và không khả tín. Sau cùng, chúng tôi biết được ông rời Việt Nam vài năm trước biến cố 75. Ông và mẹ tôi mất liên lạc, rồi nối lại với nhau qua những lá thư tay. Mẹ tôi ở vậy nuôi tôi và cô em gái dù bà còn son trẻ và rất đẹp khi không còn sống với cha tôi nữa. Khi còn bé, tôi có ý oán cha tôi vì đã bỏ bê mẹ và anh em tôi. Mẹ tôi qua đời khi tôi đã lấy vợ được 7 năm. Khi lớn lên, tôi tìm được những đứa em cùng cha khác mẹ, và biết được cha tôi sống thời gian cuối đời ở nước Anh, rồi ông lặng lẽ qua đời ở bên đó, một mình, không ai là người thân bên cạnh. Tôi tự hỏi ông già cô độc, lưu lạc ở một đất nước xa lạ thì đời sống buồn tủi đến như thế nào. Nghĩ đến đó, lòng tôi ngập tràn hối tiếc và thương cha khôn xiết. Những gì tôi biết về cha mình, về tiểu sử của ông, là một màn sương mờ mịt.

Bù lại với thể chất yếu đuối, tôi có một tinh thần khá tốt. Bạn tôi thường đùa rằng tôi có một tinh thần tráng kiện được chứa trong một thể chất bạc nhược. Tôi nhanh trí, có khả năng ứng biến và trí tưởng tượng phong nhiêu. Tôi có trí nhớ tuyệt vời về những ca khúc của miền Nam trước năm 75. Chỉ cần ai đó nhắc một câu hay một giai điệu nào đó thì tôi có thể hát lại cả bài. Thậm chí tôi còn có thể sửa lời hay đặt lời lại một cách hài hước ngay tức thì. Tôi có được khả năng này là nhờ những năm trước 75 mẹ tôi mở quán bán cà-phê, tôi giúp bà, phụ trách phần âm nhạc của quán. Công việc của tôi là đi mua đĩa nhạc và thay đĩa cho khách nghe, nhờ đó mà tôi biết và nhớ đủ loại ca khúc, nhạc Việt và nhạc ngoại quốc.

Tôi hát khá hay, chơi đàn, vẽ tranh. Tôi luôn là cây đinh trong các cuộc tụ họp, nhậu nhẹt. Diễn đàn trên các bàn nhậu luôn dành cho tôi. Ôm cây đàn lên, tôi có thể ứng tác ngay tại chỗ một bài hát quen thuộc mà ai cũng biết thành một bài được sửa lời rất dí dỏm. Sau này, người ta gọi những bài hát này là “nhạc chế”, chúng luôn có tính châm chọc, giễu cợt những thói dởm, những cái rởm, của xã hội đương thời.

Tôi lớn lên ở khu xóm đạo, chợ Ông Tạ. Mẹ tôi là giáo dân đạo gốc ngoài Bắc, ở Hà Nội, di cư vào Nam từ năm 54. Em gái tôi tham gia ban Thánh ca của nhà thờ. Tôi từng làm phụ lễ cho cha xứ. Tôi lớn lên với hình ảnh thơ mộng của những cô bạn cùng xóm vận áo dài trắng trong sân nhà thờ mỗi sáng, với những mái tóc dài, đen nhánh, thơm hương bồ kết, cúi xuống thì thầm kinh kệ trước tượng Đức Mẹ Đồng Trinh. Khi trưởng thành, tôi vẫn tin và nhớ đến Chúa những khi khốn khó, nhưng tôi không đi nhà thờ nữa. Mẹ tôi cũng bán căn nhà mang nhiều kỷ niệm thời thơ ấu, rồi dời vào quận Phú Nhuận. Hàng năm, vào chiều 30 tết, tôi về xóm cũ, đứng tần ngần dưới cái cột đèn, nơi mẹ tôi từng ngồi bán hàng lúc sinh thời, khấn thầm: “Chiều cuối năm con về thăm mẹ, mẹ ơi!”

Tôi có một kho tàng chuyện tiếu lâm đen trong bụng để kể làm mọi người cười lăn chiêng. Tôi có khả năng nhái giọng rất giống. Trong vài giây tôi có thể hoá thân thành kẻ khác, từ ông lãnh tụ cao vời đã khuất núi cho tới tay lãnh đạo hãnh tiến đương thời, biến các nhân vật ấy thành những thằng hề ngốc nghếch. Không có tôi thì đời buồn tênh.

Tôi được nhiều phụ nữ yêu mến. Tôi có một thói xấu không nghiêm trọng lắm mà hầu như tay đàn ông bình thường nào cũng vướng, là thói háo sắc. Tôi mến nhiều phụ nữ nhưng chỉ yêu vài người, họ phải là phụ nữ đẹp.

Nhưng kinh nghiệm về phụ nữ không phải bao giờ cũng êm xuôi, mượt mà, như mong đợi; với con người nói chung, nhiều khi chúng ta chỉ là món đồ chơi trong tay nhau, bàn tay của đứa trẻ vô tư mà tai quái. Trong sâu xa, tăm tối của tâm hồn, tôi còn có những dục vọng ác độc không thể kềm hãm. Sự nhanh nhạy của tôi có khi như con rắn phóng vụt ra, tung đòn hiểm, phóng nọc độc làm nạn nhân tê liệt.

Tôi lập gia đình với một phụ nữ tuyệt vời. Vợ tôi không đẹp như những người đẹp mà tôi say mê nhưng có đức tính mà bất cứ gã đàn ông nào cũng mơ ước người vợ mình có: lòng khoan dung và sự nhẹ dạ, tất nhiên là sự nhẹ dạ đối với chồng. Cô tha thứ tất cả những trò hư hỏng của tôi mỗi khi tôi mè nheo và tỏ ra hối lỗi, như Thượng Đế đã độ lượng với loài người khi chúng tỏ ra ăn năn để rồi tiếp tục lầm lỗi. Cô không hề tỏ ra bất đồng với tôi về bất cứ chuyện gì. Cô chỉ bày tỏ sự quan tâm đến công việc và những điều riêng tư của tôi một cách khéo léo và thầm lặng. Tôi yêu thương cô trong từng phút, và phản bội cô trong từng giây. Tất nhiên, tôi thừa thông minh để biết giới hạn của lòng khoan dung ấy mà không lạm dụng nó quá mức. Khi cô chấp nhận lấy tôi, mẹ tôi cảm động, nói với cô, giọng thương cảm: “Mẹ thương con lắm, bởi con sẽ khổ vì thằng con trai của mẹ. Như mẹ từng khổ vì cha nó và anh em nó. Giờ con chia sẻ với mẹ, con gánh bớt cái gánh nặng của mẹ trong hơn 20 năm nay. Yêu người đàn ông như họ là vinh dự mà cũng là chịu khổ nạn, con à!”

Vợ tôi chịu thương chịu khó. Niềm vui của vợ rất đơn giản, là chăm sóc cho chồng con và lũ mèo trong nhà.

Ban đầu, vợ tôi xin được 2 con mèo nhỏ về nuôi. Khi lớn lên, mỗi năm chúng đẻ từ 1 đến 2 lứa mèo con. Dần dà lúc nào trong nhà tôi cũng có số mèo trên dưới xấp xỉ 10 con. Chúng tự do sinh hoạt mọi nơi, không giới hạn không gian. Chúng tôi sống giữa mùi mèo, tiếng mèo, sinh hoạt của mèo, rồi trở thành những sinh vật thiểu số trong ngôi nhà của mình.

Tôi sẽ kể tiếp về chuyện những con mèo quan trọng như thế nào trong đời sống của chúng tôi.

 

(còn tiếp)

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021