thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG CHI TIẾT CẦN ĐƯỢC LÀM RÕ TRONG LÝ LỊCH TRÍCH NGANG CỦA MỘT CON NGƯỜI [chương 4]

 

Đã đăng: [chương 1] - [2] - [3]

4.

 

Sáng chủ nhật hôm đó tôi định ra trung tâm thành phố. Một cuộc biểu tình sẽ nổ ra ở đó vào lúc 8 giờ 30, mọi người hẹn nhau trên mạng như vậy. Tôi dắt xe ra cổng.

Nhà tôi nằm sâu trong con hẻm nhỏ, có hai lối ra. Một là đi băng qua cái vườn nhỏ của nhà kế bên, vốn là nhà của gia đình vợ tôi, rồi theo đó mà ra đường. Tôi ít khi đi theo lối này vì ngại phiền. Lối còn lại là đi từ sân nhà tôi, qua cánh cổng nhà rồi ra đường, con ngõ hẹp ké, chỉ vừa đủ để dắt xe gắn máy.

Tôi vừa ngồi lên xe, loay hoay đội mũ bảo hiểm thì một bàn tay từ sau lưng vịn lên vai tôi. Tôi ngoái đầu lại. Hai gã thanh niên đứng ngay sau lưng tôi. Hai gã khác cũng vừa bước tới chặn đầu xe tôi. Nhìn họ, tôi hiểu ngay họ là ai và chuyện gì đang tới, nhưng tôi vẫn hỏi:

“Các anh là ai? Làm trò gì vậy?”

“Chú không cần biết chúng tôi là ai. Mà chắc chú cũng biết rồi. Sáng nay chú định đi đâu? Thôi, vào nhà ngủ nghỉ cho khoẻ đi chú...” Gã đặt tay lên vai tôi nói, giọng giả tạo, ra vẻ thân mật.

“Các anh không có quyền ngăn cản sự tự do đi lại của tôi!”

Tôi ngó quanh. Giờ này con đường nhỏ rất vắng, không ai qua lại, những nhà hàng xóm còn đóng cửa im lìm. Tôi cân nhắc tình thế. Nếu chúng ra tay hành hung thì tôi đành thua, sẽ ăn đòn một mình mà không có ai can thiệp.

Gã đang vịn vai tôi bỗng siết mạnh tay. Vai tôi đau điếng. Gã khoẻ thật.

Gã đứng trước đầu xe thì chụp lấy bàn tay trái tôi đang cầm tay lái, gằn giọng thô lỗ, đe doạ: “Ông vào nhà ngay. Tụi tôi có lệnh không để ông ra khỏi nhà hôm nay. Đừng buộc tụi tôi phải khiêng ông vào. Tôi nói là tôi sẽ làm. Không ai can thiệp cho ông đâu.”

“Các anh thuộc đơn vị nào?”

“Ông không cần biết. Đi vào!”

Gã kia rút chùm chìa khoá xe của tôi ra khỏi ổ. Gã định xốc tay qua nách để nhấc tôi lên. Tôi vội nói: “Các anh không cần phải làm như vậy đâu. Nhưng khoan đã, tôi sẽ không vào nhà. Tôi muốn nói chuyện với sếp các anh cho ra lẽ...”

“Không có sếp nào cả. Ông thắc mắc gì thì nói với tôi.” Gã đang giữ tay tôi nói.

“Anh tên gì?” Tôi hỏi.

“Gọi tôi là Quang.” Gã nói.

Tôi biết đó không phải tên thật.

“Các anh có biết tôi sẽ đi đâu không mà ngăn cản tôi?”

“Ông đi làm chuyện xằng bậy, đi phá rối an ninh trật tự.”

“Không, sai rồi. Tôi đi làm nghĩa vụ của người dân trước hoạ ngoại xâm.”

“Không tới phiên ông làm điều đó. Đừng làm cho tình hình thêm rối rắm.”

“Tôi sẽ kiện cơ quan của các anh.”

“Giờ thì ông vào nhà đi, rồi muốn kiện tụng gì thì làm.”

“Tôi muốn xem giấy lệnh của các anh.”

“Không có lệnh nào cả. Ông vào đi. Tụi tôi cũng không vui vẻ gì khi phải làm chuyện này. Sáng chủ nhật ai cũng muốn nghỉ ngơi, cà-phê cà pháo, đưa gia đình đi chơi. Mấy thằng em này cũng muốn đưa đào đi chơi chứ không phải đứng đây. Phải đứng đây thiệt là không vui chút nào.”

“Hay thế này, các anh vào nhà chơi, tôi mời cà-phê, mình nói chuyện đời cho vui, nhé?”

“Không, ông vào và cam kết rằng hôm nay không ra khỏi nhà, thì tụi tôi sẽ rút. Khoẻ cho cả hai bên.”

“Không, tôi không cam kết gì cả. Vì sao tôi phải cam kết với các anh?”

“Không cần cam kết. Ông hứa là không ra khỏi nhà là được.”

“Tôi không đi biểu tình thì cũng cần đi đây đó chứ.”

“Không, không đi đâu cả, ông không được ra khỏi nhà cho tới sau 8 giờ tối.”

“Tôi cần đưa bà xã tôi đi chợ.”

“Không, bà ấy sẽ tự đi.”

“Bà ấy không chạy xe được...”

“Bà ấy sẽ đi taxi.”

“Tôi phản đối cung cách làm việc, cách ép buộc người của các anh.”

“Đành phải vậy. Chúng tôi cũng rất tiếc nhưng không có cách gì khác.” Gã đứng sau lưng tôi nói.

“Tôi sẽ loan báo việc này cho mọi người biết. Các anh tiêu tốn tiền thuế của nhân dân vào những chuyện vô ích và vô lối như thế này là sai...”

“Ông không nên làm như vậy. Chúng tôi vẫn kiên nhẫn và ôn hoà với ông.”

“Chiều nay tin tôi bị bắt sẽ loan ra khắp thế giới!”

“Chúng tôi không bắt ông...”

“Đây là một hình thức cầm tù người lương thiện vô cớ chứ còn gì nữa?”

“Chúng tôi chỉ bảo vệ ông. Ông ra ngoài đó sẽ nguy hiểm lắm. Biết đâu sẽ có kẻ ám hại ông trong lúc lộn xộn.”

“Tôi cần tự do. Tôi không cần ai bảo vệ cả. Tôi từng ra trận đánh nhau...”

Một đôi nam nữ chở nhau chạy ngang, thấy tôi lớn tiếng thì chạy chậm lại nhìn. Gã lớn tuổi hơn trừng mắt với họ, nạt: “Đi! Muốn ăn đòn hả?”

Chiếc xe vọt nhanh khỏi góc đường.

“Chú nghe lời tụi cháu đi chú...” Gã trẻ tuổi xuống giọng năn nỉ.

“Tôi không nghe lời ai cả. Đừng hăm doạ tôi. Còn có pháp luật nữa chứ...” Tôi nhận ra mình nói hố, tới nước này thì còn trông mong gì vào pháp luật. Chắc chúng cũng làm việc với công an phường rồi nên công an phường sẽ làm ngơ, không đến can thiệp.

Thấy đứng mãi đây thì mất thì giờ mà cũng không giải quyết được việc gì, và chắc chắn chúng sẽ không để tôi đi, nên tôi nói: “Trả chìa khoá cho tôi.”

Tôi nhận lại chùm chìa khoá. Gã trẻ tuổi giúp tôi dắt xe vào cổng. Tôi vào, khoá cổng, rồi lên sân thượng nhìn xuống qua tàn lá của giàn hoa. Họ không rút hết. Tôi nhìn về phía cuối đường vẫn thấy hai người đứng bấm điện thoại như đang chơi game hay lên mạng. Vợ ra đứng sau lưng tôi từ lúc nào, vẻ mặt lo lắng. Nàng đã hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi kể lại tình trạng lúc nãy và trấn an nàng. Chương đi làm xa mấy hôm nay, tôi sẽ nói chuyện với nó sau. Tôi bấm số gọi mấy người bạn trong nhóm. Họ đều bị ngăn giữ như tôi. Không một ai thoát ra được.

Tôi mở laptop, lên Facebook. Gõ.

“Tôi phản đối! Tôi bị ngăn cản không cho ra khỏi nhà! Luật pháp ở đâu?”

Tôi vẫn là hot boy như thường khi. Trong chừng 30 phút có hàng trăm người nhấn like cho status tôi vừa post.

Tôi ra ban-công nhìn xuống. Hai gã đó vẫn đứng loanh quanh cuối đường, canh chừng. Tôi thử đi ra cổng, giả vờ đi mua gói thuốc lá. Ngay lập tức hai gã bước tới chặn lại, rồi gã trẻ tuổi, gã hồi nãy đã bóp vai tôi, đề nghị để gã ra tiệm tạp hoá gần đó mua thuốc giùm tôi. Gã không lấy tiền tôi đưa, quay đi, lát sau trở lại với gói Con Mèo. Sau 8 giờ tối họ mới rút như lời đã nói.

Suốt ngày, tôi bức bối, lồng lộn. Tôi có cảm giác mình không còn là một con người, mà là con thú bị dồn đuổi vào góc chuồng. Tôi gầm gừ muốn cắn vào cổ họng ai đó. Chẳng có ai. Chỉ có vợ và lũ mèo. Tôi không tự cắn vào cổ họng của mình được. Tôi đứng trước gương giơ tay ra huơ múa, chân tôi vẫn dính vào mặt đất, tôi thấy đôi mắt đỏ kè của mình đang long lên sòng sọc.

Tôi sắp điên!

 

(còn tiếp)

 

 

-------------

Đã đăng:

... Có thể ví dụ về sự nổi tiếng của tôi như thế này: nếu một tay trong cái đám từng là lãnh đạo đất nước này qua đời thì tôi tin chắc rằng hắn có thể có một quốc tang rình rang trọng thể, nhưng hắn sẽ không được người dân biết đến hay nhớ đến nhiều hơn là cái chết, vì một tai nạn lãng xẹt, như nhậu xỉn té xuống ao chẳng hạn, của tôi... (...)
 
... Tuy nhiên tôi không hài lòng lắm về cái tiểu sử buồn tẻ của đời mình. Khi nào có hứng, tôi sẽ vẽ — vẽ chứ không viết — vẽ lại nó với những nét chấm phá theo ý mình. Ờ, mà hãy nhìn lại lịch sử xem nào, đâu phải tôi là kẻ duy nhất có ý muốn vừa đi đường vừa tán nhảm về cuộc đời lộng lẫy của mình?... (...)
 
... Tôi có một kho tàng chuyện tiếu lâm đen trong bụng để kể làm mọi người cười lăn chiêng. Tôi có khả năng nhái giọng rất giống. Trong vài giây tôi có thể hoá thân thành kẻ khác, từ ông lãnh tụ cao vời đã khuất núi cho tới tay lãnh đạo hãnh tiến đương thời, biến các nhân vật ấy thành những thằng hề ngốc nghếch. Không có tôi thì đời buồn tênh... (...)

 

———————————-

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021