thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG CHI TIẾT CẦN ĐƯỢC LÀM RÕ TRONG LÝ LỊCH TRÍCH NGANG CỦA MỘT CON NGƯỜI [chương 5]

 

Đã đăng: [chương 1] - [2] - [3] - [4]

5.

 

Tôi bị giam lỏng liên tục những ngày cuối tuần, thứ Bảy và Chủ Nhật. Cứ mỗi sáng sớm ngày thứ Bảy là có 4 kẻ đến canh, chúng đứng loanh quanh trước khu nhà tôi. Chúng không thèm giấu mặt. Tôi không căm ghét chúng, chỉ bực. Tôi hiểu những cậu thanh niên khi làm chuyện này cũng không hào hứng gì, nhưng đó là công việc được giao phó, một cái nghề để kiếm cơm. Tôi đặt tên chung cho chúng là “cái đuôi”, và tất nhiên những kẻ điều khiển cái đuôi phải là “cái đầu”. Tôi hình dung ra những “cái đầu lớn” và những “cái đầu nhỏ”, và những “cái vai” và những “cái móng” và những “cái nanh” và những “cái bụng”... vân vân... Có tới mấy tổ thay phiên nhau, mỗi ngày một tổ, tôi cố nhớ nhưng không thể biết mặt tất cả, ngoài một gã thanh niên thường xuyên có mặt, dễ nhận dạng hơn những tay còn lại, có lẽ gã này đặc trách theo tôi. Qua cái áo thun cũ, cái quần sọt gã đang mặc, và chiếc xe Wave tàu cà tàng gã chạy, cái đuôi này có vẻ là một cái đuôi nghèo. Tôi đặt cho gã tên này luôn: thằng Đuôi Nghèo.

Hàng xóm tôi bắt đầu biết chuyện vì đám “cái đuôi” ấy loan tin rằng tôi là thành phần phản động và chúng có nhiệm vụ canh giữ tôi. Chúng chụp hình và ghi lại số xe của những người đến chơi nhà tôi. Tới giờ thì không chỉ là thuần tuý canh giữ nữa mà là một phương cách khủng bố tinh thần. Người trong khu phố bắt đầu nhìn tôi e dè. Người ta nói xa nói gần về tình trạng của tôi trong những cuộc họp dân phố, và họ ngồi lê đôi mách về tôi. Tôi không có cơ hội để giải thích, mà tôi có cố gắng giải thích thì chắc cũng không thể làm cho mọi người hiểu. Những cái đuôi không chỉ ngăn trở tôi vào những ngày cuối tuần mà còn theo sát tôi trong những ngày thường. Mỗi khi tôi ra khỏi nhà là có kẻ đi theo. Thường thì 1 đứa, và nó là Đuôi Nghèo, có khi 2 đứa. Tôi chạy, chúng chạy. Tôi dừng, chúng dừng. Như những cái bóng đeo dính. Tôi vào quán nhậu hay cà phê với bạn, chúng không vào theo nhưng đứng đâu đó cách một đoạn khoảng 30 mét, trông chừng. Tôi làm một con tính: lương, tiền ăn, tiền ngồi quán, tiền xăng của 2 cái đuôi để canh tôi mỗi ngày chắc ít ra cũng chừng 1 triệu đồng. Vậy là vì tôi mà mỗi tháng chính phủ làm lãng phí tiền thuế của nhân dân một số tiền khá lớn. Tôi có nên góp thêm tiền thuế để bớt đi mặc cảm tiêu tốn của nhân dân hay không? Nhưng ngẫm lại cũng có cái hay: nhờ có những cái đuôi canh chừng ấy mà khu phố tôi đỡ hẳn tệ nạn giật dọc và trộm cắp vặt.

Ban đầu tôi không chịu nổi ý nghĩ mình là một tù nhân bị giam lỏng. Tôi phản ứng, tôi gào lên tố cáo điều tệ hại ấy mỗi khi có dịp. Mọi người biết chuyện cũng bất bình, nhưng rồi quen dần, không còn mấy ai lưu tâm. Tôi hiểu ra rằng tôi không phải là trường hợp cá biệt, nhiều người khác cũng nằm trong tình trạng như tôi. Những người quen tôi ban đầu cũng e dè, có vài người tránh mặt vì sợ vạ lây; những người khác thì lấy điều đó làm trò tiêu khiển, thành chuyện để bàn tán và món mồi cho bàn nhậu. Có người cho rằng tôi hô hoán lên chứ làm gì có chuyện theo dõi kỳ cục như vậy. Tôi không biết phải lý giải như thế nào, vì xét cho cùng thì đây là thời có vô vàn ngộ nhận.

Bị theo dõi là một cảm xúc kỳ dị, vừa bực mình vừa thấy mình là thành phần ngoại lệ, bất thường, đứng hỏng chân lơ ngơ, cao hơn mặt đất một phân, thấy mình thật sự hiện diện trong đời sống nhạt nhẽo và nhàm chán. Tôi không biết các nhân vật bị dán nhãn phản động của thời trước, thời Nhân văn Giai phẩm chẳng hạn, cảm thấy như thế nào, có giống với chúng tôi trong giai đoạn này không. Với riêng tôi, nó là thứ cảm giác vừa sợ hãi vừa kích thích, rồi dần dần trở nên quen thuộc. “Tụi tôi đóng thuế để nuôi vệ sĩ cho cha nội. Thật là bất công!”, “Tiêu chuẩn yếu nhân của chế độ mới được bảo vệ kỹ như ông, ông làm tụi tôi ganh tỵ quá!”, bọn bạn tôi đùa như vậy, tôi chỉ biết cười trừ.

Có lần tôi mời hai chú em theo tôi vào quán lai rai chung cho vui, nhưng chúng lãng ra, không đáp lại thiện ý của tôi.

“Sao em không tìm một việc gì khác tử tế mà làm?”, một lần khác tôi bước đến hỏi Đuôi Nghèo khi gã theo tôi vào trạm xăng. Nhìn kỹ tận mặt, Đuôi Nghèo chừng 25 tuổi, xấu trai, nhưng toát ra sự chân chất của người quê ở miền Tây, không tạo ra sự ác cảm cho tôi. Gã đang ngồi trên xe, lúng túng không trả lời, vội quay xe ra khỏi trạm, đứng chờ tôi đổ xăng xong, rồi nhẫn nhục, lầm lũi chạy theo, vẫn cách một đoạn.

Có hôm, tôi trổ tài cắt đuôi. Đang chạy chầm chậm, tôi đột ngột tăng tốc, lách qua đám đông rồi vọt mất. Tôi thấy mình như con chuột tinh quái đang chạy trốn con mèo ác độc nhưng khờ khạo trong phim hoạt hình. Tôi tạt vào quán, kêu chai bia lạnh thưởng thức trò chơi của mình. Tôi thú vị với trò này, tưởng tượng cảnh Đuôi Nghèo đứng tần ngần giữa dòng xe cộ, dưới cái nắng thiêu người, rồi khi về cơ quan thì bị “cái đầu” mắng vì để sổng mất đối tượng - con mồi. Nhưng khi uống xong chai bia thì tôi vẫn phải trở về nhà, và lại thấy Đuôi Nghèo kiên nhẫn chờ tôi ở đầu đường vào nhà. Tôi vẫn nằm trong bàn tay kiểm soát của chúng, trừ phi tôi không về nhà nữa. Không về nhà thì đi đâu? Mà chắc gì đã thoát. Chúng có trăm tay nghìn mắt.

Một sáng cuối tuần. Tôi mở sẵn cái máy ảnh du lịch nhỏ theo chế độ chụp nhanh liên tiếp, bỏ máy vào túi áo khoác, đi ra. Đuôi Nghèo bươn bả chạy đến định ngăn tôi. Tôi đưa máy ảnh lên, không cần ngắm, bấm một loạt. Đang hùng hổ chạy tới, thấy tôi giơ máy bấm, Đuôi Nghèo vội vàng dừng sững lại. Tôi bấm máy mà có cảm giác như đang bấm cò khẩu AK.47 thời còn đi thanh niên xung phong đánh nhau với bọn Polpot ở biên giới Tây Nam. Nạn nhân không ngã vì loạt đạn. Thay vì vậy, gã ngồi sụp xuống, hai tay vụng về che mặt trong một tư thế vừa thảm hại vừa buồn cười. Sau vài giây, gã bật dậy, lao tới nhưng không kịp. Tôi quay lại, đi vội vào, đủ thời gian để khoá cổng lại. Tôi và gã đứng ngó nhau, cánh cổng sắt chắn giữa. Tôi đọc được sự căm giận điên cuồng và cả sự van lơn trong ánh mắt gã. Gã bước tới, lay cái cửa.

“Chú đưa cái máy cho cháu!”

“Không!”

“Không cần đưa cái máy. Tháo thẻ nhớ ra đưa cháu. Nghe cháu đi, không thì rắc rối lắm...”

“Anh cút đi!”

“Thôi, không cần tháo thẻ. Chú mở hình ra và xoá đi, cho cháu thấy chú xoá là xong!”

Gã chồm tới, hai tay níu vào thanh sắt chấn song, lay mạnh, tự thấy bất lực, không thể vượt qua cổng. Cánh cổng sắt nhà tôi cao 2.5 mét, vững chắc một cách quá đáng so với căn nhà.

Tôi cẩn thận lùi lại một khoảng ngoài tầm tay với của gã, “Tôi không xoá. Tôi suy nghĩ rồi sẽ quyết định làm gì với nó.”

“Chú sẽ làm gì?”

“Tôi không phải báo cho anh biết rằng tôi sẽ làm gì. Này, anh tên gì? Sao anh làm nghề này?”

Gã khựng lại khi nghe tôi hỏi, cân nhắc, rồi đáp, “Chú không cần biết tên cháu, gọi là gì cũng được.”

“Vậy tôi sẽ gọi anh là ‘Đuôi Nghèo’.”

Gã lộ vẻ ngạc nhiên, “Vì sao là ‘Đuôi Nghèo’?”

“Vì mày là cái đuôi, cái đuôi của tao. Và vì mày nghèo. Vì mày nghèo hơn những thằng đồng nghiệp của mày. Hiểu chưa? Nhìn tụi nó đi. Nhìn lại mày đi. Áo quần, xe cà tàng, đôi giày, bộ dạng... mọi thứ. Mọi thứ ở mày tiết lộ cho tao biết mày nghèo! Và tệ hơn nữa, là mày bị lợi dụng!” Tôi đổi giọng, lớn tiếng bất ngờ.

“Không ai lợi dụng được tôi cả. Ông nói bậy. Mẹ kiếp, ông nói bậy rồi!” Gã cũng đổi giọng, gầm gừ, hét lên.

Tôi biết gã đã cắn câu, gã đang mất bình tĩnh. Tôi muốn nghe gã nói thêm.

“Mày nhìn quanh xem. Có ai như mày không? Ai cũng muốn sống đàng hoàng, có ai muốn đi làm cái nghề rình rập, chỉ điểm, trấn áp người tử tế không? Người ta trả lương mày bao nhiêu để làm cái trò này?”

Gã ngó chòng chọc vào mặt tôi, nhưng không thể trả lời.

“Quê mày ở đâu, Cà Mau hay Rạch Giá? Mày lên Sài Gòn được mấy năm rồi? Ba má mày làm ruộng, làm cá có sống được không?”

“Ông không cần biết những điều đó. Tôi biết tôi đang làm nhiệm vụ. Tôi làm đúng!”

“Mày làm sai. Mày là thiên lôi, chúng nó chỉ đâu mày đánh đó, bất kể đúng sai. Sao mày không chịu khó suy nghĩ một chút. Mình đang mất nước! Hiểu không? Đừng nói là để nhà nước lo. Mày thấy mọi chuyện đang xảy ra có lạ không, có đúng không? Mày có thấy sai trái và bất công không? Mày có thấy bọn con ông cháu cha nó sống đế vương thế nào không? Không chỉ bất công cho mọi người, bất công cho cả mày nữa đó!” Tôi nói và hỏi dồn dập.

“TÔI CỐNG HIẾN!” Gã gào lên.

“Không, mày không cống hiến gì cả. Mày hiểu cống hiến là như thế nào không? Cách mày nghĩ về hai từ này đã lạc hậu rồi. Bao nhiêu thế hệ mang máu xương ra để cống hiến để được cái tan hoang của hôm nay đó. Cống hiến mà mù quáng thì chỉ bị bọn ma giáo điếm đàng lợi dụng thôi. Thật lòng mày không nghĩ vậy đâu, tao biết. Mày chỉ nghĩ đó là cách duy nhất để một đứa nhà quê, thất học, nghèo hèn, như mày, tiến thân. Có phải vậy không?”

“Tôi đéo nói chuyện với ông nữa. Tôi chán cái giọng đạo đức dởm của mấy ông. Mấy ông không làm cái đéo gì được đâu. Không thay đổi được cái đéo gì đâu. Các ông tưởng rằng các ông thông minh, tài giỏi, trí thức lắm, và có thể thay đổi được đất nước này. Thật ra là các ông ngu lắm. Các ông sống trên mây, các ông đầy ảo tưởng. Ông đéo hiểu gì về tôi, về cuộc sống của tôi đâu. Tôi nói thật đấy.”

Tôi choáng vì những lời bất ngờ gã vừa nói. Tôi thấy dường như mình đã đánh giá sai về gã. Gã ngừng lời giây lát, có vẻ như gã đang chọn lời để nói tiếp.

“Xoá hình tôi đi. Việc ai nấy làm. Ông không việc gì mà làm hại tôi. Chẳng lợi lộc gì, chỉ có hại cho cả hai thôi. Tôi không muốn rắc rối. Tôi không oán thù ông, tôi cũng biết ông không oán thù gì tôi. Xoá hình đi, rồi đời ai nấy sống.” Lúc này gã nhỏ giọng, nhìn tôi khẩn khoản.

“Tao không muốn mày làm cái nghề này nữa. Về quê làm ruộng với ba má mày đi, lấy vợ sinh con đi. Sống tử tế cho ra con người đi... Mày là đứa tử tế, tao biết vậy...” Tôi nói, nhưng biết rằng mình không thể nào thuyết phục hay làm gã thay đổi.

“Ông xoá đi. Tôi cấm ông tung lên mạng hay làm trò gì bậy bạ...”

“Anh canh tôi như canh con thú, không cho tôi đi đâu, tước đoạt tự do của tôi thì có bậy bạ không?”

“Tôi nói rồi, vô ích. Tôi không tranh cãi với ông. Tôi chỉ làm nhiệm vụ. Tôi cấm ông tung hình tôi...”

“Không ai cấm được tôi cả, tôi sẽ cứ làm điều tôi thích...”

“Ông đừng làm... Ông không được làm. Ông... Các ông không chống được chúng tôi đâu. Người ta nghiền nát ông ra đấy!” Gã gằn giọng.

“Đừng doạ tao!”

“Ông cũng đừng doạ tôi. Trái lời tôi, đừng trách. Tôi ra tay thì ông có hối hận cũng không kịp đâu!”

“Mày về đi. 20 phút nữa lên mạng mà xem cái mặt thảm hại của thằng tay sai như mày.”

“Tao cấm mày. Tao giết mày...!” Gã đổi giọng, mắt long lên.

“Vào đây mà giết!” Tôi cũng gào lên.

Tôi la lên đủ lớn để hàng xóm nghe. Vài cái đầu thò ra từ cánh cửa nhà kế bên. Tôi biết, họ cũng đã kịp lấy điện thoại di động ra quay lại hoạt cảnh này. Ngày nay, máy ảnh và máy quay phim là những món đồ chơi luôn có sẵn trong điện thoại di động, và internet trở thành một thứ vũ khí của kẻ yếu.

Tôi bỏ mặc gã đứng đó, vào nhà.

Tôi thấy vừa buồn cười, vừa tội nghiệp, cho mình, và cho Đuôi Nghèo. Tôi hiểu rằng những cái đuôi như gã cũng là một thứ nạn nhân. Gã sẽ gặp rắc rối với xếp gã, nhưng tôi lại nhớ tới hôm đầu tiên chúng đến, vai tôi đau điếng khi bị gã siết, những ngón tay cứng và mạnh như gọng kìm.

Những vấn đề liên quan đến tôi không được quyết định bởi gã, mà là ở “cái đầu”. Mà “cái đầu” to cỡ nào, có nanh có sừng như thế nào, ở đâu, thì có trời mới biết!

Biết vậy, nhưng lòng tôi vẫn dấy lên một niềm vui, một khoái cảm mà trước đây tôi chưa hề có. Tôi đã phùng mang, chồm tới, phóng ra, mổ một cú chí tử, phun nọc độc vào con thú mạnh hơn mình. Và nhìn nó giãy giụa.

Đáng đời mày, đồ ngu, tao sẽ cho mày biết tay!

15 phút sau, loạt ảnh “cái đuôi che mặt” được tung lên mạng.

 

(còn tiếp)

 

 

-------------

Đã đăng:

... Suốt ngày, tôi bức bối, lồng lộn. Tôi có cảm giác mình không còn là một con người, mà là con thú bị dồn đuổi vào góc chuồng. Tôi gầm gừ muốn cắn vào cổ họng ai đó. Chẳng có ai. Chỉ có vợ và lũ mèo. Tôi không tự cắn vào cổ họng của mình được. Tôi đứng trước gương giơ tay ra huơ múa, chân tôi vẫn dính vào mặt đất, tôi thấy đôi mắt đỏ kè của mình đang long lên sòng sọc. Tôi sắp điên!... (...)
 
... Có thể ví dụ về sự nổi tiếng của tôi như thế này: nếu một tay trong cái đám từng là lãnh đạo đất nước này qua đời thì tôi tin chắc rằng hắn có thể có một quốc tang rình rang trọng thể, nhưng hắn sẽ không được người dân biết đến hay nhớ đến nhiều hơn là cái chết, vì một tai nạn lãng xẹt, như nhậu xỉn té xuống ao chẳng hạn, của tôi... (...)
 
... Tuy nhiên tôi không hài lòng lắm về cái tiểu sử buồn tẻ của đời mình. Khi nào có hứng, tôi sẽ vẽ — vẽ chứ không viết — vẽ lại nó với những nét chấm phá theo ý mình. Ờ, mà hãy nhìn lại lịch sử xem nào, đâu phải tôi là kẻ duy nhất có ý muốn vừa đi đường vừa tán nhảm về cuộc đời lộng lẫy của mình?... (...)
 
... Tôi có một kho tàng chuyện tiếu lâm đen trong bụng để kể làm mọi người cười lăn chiêng. Tôi có khả năng nhái giọng rất giống. Trong vài giây tôi có thể hoá thân thành kẻ khác, từ ông lãnh tụ cao vời đã khuất núi cho tới tay lãnh đạo hãnh tiến đương thời, biến các nhân vật ấy thành những thằng hề ngốc nghếch. Không có tôi thì đời buồn tênh... (...)

 

———————————-

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021