thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG CHI TIẾT CẦN ĐƯỢC LÀM RÕ TRONG LÝ LỊCH TRÍCH NGANG CỦA MỘT CON NGƯỜI [chương 6]

 

Đã đăng: [chương 1] - [2] - [3] - [4] - [5]

6.

 

Tôi đã quen với sự có mặt của những cái đuôi. Điều kỳ lạ mà tôi vẫn không hiểu được là vì sao họ sử dụng biện pháp ấy đối với tôi một cách kiên trì đến vậy, trong khi chỉ cần vài thao tác đơn giản của kỹ thuật hiện đại là họ có thể nắm được mọi hành tung của tôi. Ví dụ, sao họ không cài một con chíp vào xe gắn máy của tôi là có thể định vị được tôi đang ở đâu, với ai, đang làm gì. Thậm chí đang nghĩ gì.

Tôi cùng lúc có hai kinh nghiệm. Một, kinh nghiệm của một con thú bị nhốt vào cái chuồng bé tí trong những ngày cuối tuần. Hai, kinh nghiệm của con thú bị cột vào một sợi dây vô hình, sợi dây đủ dài để con thú chạy lăng quăng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của họ.

Lâu nay trong tôi hình thành một khả năng mới: tôi dễ dàng nhận biết những kẻ đang theo mình, nhận ra chúng hoàn toàn bằng trực giác chứ không cần phải quan sát và phân tích bằng lý trí. Cái đuôi luôn bốc lên, toát ra, một thứ mùi đặc thù mà tôi nhận ra ngay cho dù gã có bỏ công ngụy trang thế nào đi nữa. Đây là thứ trực giác bản năng của loài thú yếu để tự vệ và sống còn, chỉ khác là con thú có cái kỹ năng ấy để tự vệ và tồn tại trước những con thú khác loài, to hơn và hung dữ hơn, trong chốn núi rừng; còn tôi thì khác, tôi được trang bị và mài giũa cái kỹ năng đó giữa đám đông huyên náo, giữa những toà nhà cao tầng, những đường phố đông đúc của cái thành phố lớn nhất nước, và con thú hung mạnh kia là đồng bào của tôi.

Tôi không còn thấy Đuôi Nghèo đâu nữa. Chắc gã đã bị khiển trách và đổi qua nhiệm vụ khác. Đôi khi nhớ về gã, tôi thoáng dấy lên chút ân hận. Họ thay đổi phương cách đối phó với tôi. Thay vì cho một cái đuôi nhất định như Đuôi Nghèo theo tôi, thì họ cho nhiều đứa thay ca. Tôi không nhận diện và ghi nhớ được một đứa nào.

Một chiều nọ, không hiểu vì sao mà tôi được thả lỏng. Không có cái đuôi nào bám theo. Tôi chạy chậm một đoạn, chọn con đường tương đối vắng, dừng lại quan sát những người khả nghi chạy sau lưng, nhưng không nhận ra ai là cái đuôi.

Không dưng, tôi có một phức cảm kỳ dị: trống. Trống, và thiếu. Tôi thấy thiếu thiếu thứ gì đó mà tôi không nhận rõ được ngay lúc ấy, cho đến mãi một lúc sau. À, nó đây rồi: thiếu cái ánh mắt dán lên lưng.

Rồi, ngay lập tức tôi thấy cuộc đi chơi của mình đang trở nên vô vị. Những câu chuyện, những dự định, mà tôi sắp kể với những người bạn bỗng trở nên vô vị. Cái đặt tay lên vai trần của cô gái mà tôi thích cũng sẽ không còn mấy cảm xúc. Ly cà-phê và những điếu thuốc trở nên nhạt nhẽo. Vị cay nồng, êm mượt của chai Whisky 18 tuổi trở nên tầm thường. Những câu nói đùa trở nên vô duyên. Những gương mặt quen trở nên nhàm chán.

Tôi dừng xe lại, tắt máy, đá chống xe, rút chìa khoá bỏ vào túi quần. Xuống xe, tôi bước vài bước, tì tay lên thành cầu, đứng lặng yên một lúc lâu trên cây cầu đang sửa, mặc kệ dòng xe vùn vụt chạy lướt qua, mặc kệ tiếng giàn máy đổ bê-tông kêu rền rĩ bên kia con kênh cạn. Mùi bùn thốc lên mũi làm tôi ngạt thở. Mình đang làm cái trò gì với cuộc đời mình đây? Đây là một trò chơi ư? Tiếp tục chơi như thế nào? Cho tới bao giờ?

Chúng là kẻ thù của mình ư?

Không phải, không phải vậy. Chúng chẳng bao giờ là kẻ thù của mình. Có thể mình ghét chúng, nhưng xem chúng như kẻ thù thì không.

Mình là kẻ thù của chúng ư?

Không biết, mình không biết.

Đầu tôi đầy cứng. Và trống toang.

Tôi ngồi bệt xuống đất. Những âm thanh huyên náo loãng dần rồi tắt lịm. Mắt tôi nhoà đi và tôi không nghe thấy gì nữa.

Đèn đường bật lên. Xe cộ vùn vụt lia đèn. Vòm mái cong của ngôi chùa bên kia bờ kè mờ dần rồi chìm vào bóng tối. Một người bán rong bước nặng nề, đẩy xe khô mực lên dốc cầu. Tàn lửa từ lò than trên xe ông bắn ra lấp lánh. Một người đàn bà chìa xấp vé số vào mặt tôi. Tôi xua tay. Tôi thò đầu ra lan-can cầu nhìn xuống dòng nước cạn. Tôi vuốt mặt. Cái kính cận rơi xuống. Tôi mò tìm.

Cũng tối thui. Cũng tối thui. Cũng tối thui...

Ý nghĩ sau cùng bật lên trong đầu là một câu, chỉ một câu, nhảy nhót, vờn múa: “Cái gì rồi cũng tối thui...”

“Xỉn hả chú?” Hai thằng trai trẻ dừng xe lại, đứa ngồi sau hỏi tôi.

“...” Tôi ấp úng, mơ hồ nghe lời gã hỏi, không kịp hiểu, không thể đáp.

Tiếng động lại trở về, dấy lên u u... Đám đông bắt đầu tụ lại, vây quanh tôi.

“Không, không có mùi rượu. Chắc ổng trúng gió...”

“Ê, tụi mày làm gì vậy? Bỏ tay ra. Không được lấy đồ...” Ai đó nói.

“Nè, nè... Mấy người làm chứng nghe. Tôi lấy ví ổng ra để xem địa chỉ à nha...” Gã thanh niên phân bua.

“Không được lấy ví người ta. Kêu công an tới giải quyết đi. Không ai được...”

“Cái kính của chú, nè chú...” Một con bé đưa kính cho tôi.

Cái kính được gắn lên sống mũi. Nó bị rạn, vỡ một tròng bên trái. Những vết rạn chia cắt hình ảnh trước khi vào trường thị giác của tôi. Tôi chống tay, vịn thành cầu, đứng dậy. Đám đông giạt ra.

“Ổng tỉnh rồi...”

“Chú tỉnh chưa chú?”

“Rồi. Tôi tỉnh rồi. Tỉnh queo rồi. Cám ơn nghen. Cám ơn bà con nghen. Tôi về...” Tôi đáp, ngồi lên xe.

“Nè, lau mặt cái đi cho tỉnh, cha nội?” Ông khô mực dúi vào tay tôi một bao khăn giấy còn mát lạnh. Tôi xé bao, lau mặt.

“Nhìn mặt ổng thấy quen quen. Cái tướng còm nhom này nữa. Hình như tui có gặp chả ở đâu rồi đó!”

“Ngó ổng giống Trịnh Công Sơn, mà hổng phải...”

“Làm sao mà phải! Cha nội Trịnh Công Sơn chết queo hồi nào rồi, mầy...”

“Chạy được không chú? Nhà ở đâu vậy? Tụi cháu chạy theo sau, đưa chú về nhé?” Gã trai hỏi.

Trịnh Công Sơn? Một ý nghĩ bật lên trong đầu tôi. Chơi? Ừ, sao lại không? Cứ chơi tới luôn, cho vui. Tôi đưa tay ra làm hiệu cho mọi người im lặng, họ thấy tôi ra hiệu, từ từ lắng lại. Chờ họ im lặng, tôi cất giọng, tôi hát.

“Anh nằm xuống, sau một hồi, anh đứng lên, đứng lên xong, anh lại nằm dài... đứng lên xong anh lại ngồi thừ...”

Đám đông vây quanh xáp lại gần tôi hơn để nghe cho rõ. Tôi hát to hơn. Bài này là một ca khúc của Trịnh Công Sơn, tôi sửa lời lại, nó là một trong những chiêu tôi thường sử dụng trong các bữa nhậu.

“...ngồi một lát, anh bồn chồn, anh đứng lên... anh đứng lên, một hồi... anh đứng lên, một hồi, xong anh lại nằm...”

Có tiếng vỗ tay, nhiều tiếng vỗ tay theo.

“Bài này là bài ‘Cho một người nằm xuống’ mà sao ổng hát gì kỳ vậy trời?” Một cô gái trong đám đông nói.

“Ờ, hổng phải vậy. Tôi cũng biết bài này. Gì mà nằm xuống, rồi đứng lên, hát trật lất hết vậy!”

“Nhạc chế! Nhạc này là của Trịnh Công Sơn mà ổng chế lại, hahaha...!” Một anh phát hiện.

“Đúng rồi... nhạc này ổng chế. Mà, im đi... Nghe hát kìa...”

“... nằm một lát, anh thấy anh kỳ... mới đành... ngoi lên...”

“Im, im... im đi. Nghe ổng hát kìa...”

Tôi không còn nghe âm thanh nào khác. Không còn tiếng xe cộ. Không còn tiếng cười nói. Chỉ còn tiếng hát của tôi, lập lại từ đầu.

“… Anh nằm xuống, sau một hồi, anh đứng lên, đứng lên xong, anh lại nằm dài... đứng lên xong anh lại ngồi thừ...”

Ca từ đảo qua, lập lại, chỉ từng ấy câu. Tha thiết và hài hước.

Tôi lại hát lại từ đầu. Khán giả vẫn im lặng, thành kính lắng nghe.

Tôi thấy những ánh mắt quen. Chúng ngưỡng mộ, vuốt ve tôi. Tôi đã làm chủ tình thế. Tôi biết mình đã làm chủ tình thế. Như mọi khi, tôi đang trở thành giáo chủ giữa một đám tín đồ đang thành kính ngưỡng mộ. Tôi đã khuất phục họ bằng màn diễn của mình. Bài hát chấm dứt trong tiếng vỗ tay rần rần.

“Bis, bis... Hay quá, hay quá...! Hát nữa đi. Hát nữa đi chú...”

“A, tôi nhận ra ông này rồi, ổng là ông Lãng nhạc sĩ chứ còn ai nữa...! Hồi đó ổng hay lên ti-vi.” Lại một phát hiện mới.

“Qua kia nhậu đi anh! Qua bên kia cầu, quán 36 kia kìa, làm vài chai đi anh. Lâu nay em thần tượng anh lắm mà không có dịp...” Một người đứng tuổi mời, giọng khẩn thiết.

“Đi thì đi... Mấy em này nữa. Qua kia làm vài chai với mình. Mình mời... ” Tôi nói.

“Để em dắt xe cho anh. Đừng lo mất...”

“Không, không... mày nói bậy bạ quá. Đi, mày chở anh. Chìa khoá nè... Bạn nào hứng thì mình mời nha.” Tôi nói với gã trai.

Tôi móc ví lấy tiền, đưa cho ông bán khô mực, “Cho tôi 5 con đi ông anh. Anh qua nhậu luôn nghen?”

“Không đi được, phải bán lai rai kiếm gạo nuôi con nuôi vợ ông ơi. Anh em mình với nhau… Ông mua mực nhậu giúp tôi là đẹp rồi!”

“Mua ủng hộ đậu phộng luộc luôn nghen, anh?”

“Chơi luôn, nguyên rổ luôn. Nhiêu? Tiền nè...” Tôi chưa kịp đáp thì gã trai trả tiền, lấy bọc đậu của chị bán rong, móc bọc đậu vào cái móc trên thân xe, rồi leo lên xe, nổ máy, tôi dịch ra sau chừa chỗ cho gã.

Chị vé số nói với theo, vớt cú chót, “Vé số Đồng Nai mai xổ luôn đi anh...”

“Mười tờ, cho tôi 10 tờ...”

“Còn có 8 tờ à. Lấy hết luôn nghen.”

“Ừ, lấy hết. Chị giữ luôn tiền thừa nha.”

“Không, thối 20 ngàn nè. Thương nhau thì mua giùm chứ tui hổng có xin...”

“Dạ, dạ... xin lỗi chị.” Tôi nhét mớ vé số và tiền lẻ vào túi. Chiếc xe lảo đảo lách ra khỏi đám đông, qua cầu, chạy về hướng quán bia.

Một đoàn 5 chiếc, 10 mạng, chạy theo sau xe tôi.

Dừng xe. Kéo ghế, cả bọn ngồi quanh một cái bàn đặt ngoài hiên.

“Chủ quán đâu, cho mượn cây ghi-ta, mang ra đây!” Một gã nói với vào trong quán.

Tôi cầm món vũ khí quen thuộc của mình lên, cây ghi-ta nào được tôi sử dụng thì nó sẽ trở thành thánh tích. Tôi búng vài nốt.

Tôi điều khiển buổi nhậu tình cờ, tưng bừng, náo nhiệt, vui nhộn như đã từng điều khiển hàng ngàn bữa nhậu trong đời, đám bạn nhậu trở thành những tín đồ ngoan hiền, trung tín theo ý tôi.

Cụng ly. Hát. Nói đùa. Cười. Khen nhau...

“Dô, dô, dô...”

Cụng ly. Hát.

Bắt tay. Lè nhè. Cụng ly với mấy em phục vụ. Chụp hình. Hẹn hò gặp lại. Trao đổi số điện thoại...

Chụp hình.

Add em vô Facebook của anh nghen.”

“Facebook của tao đầy rồi, nó không cho thêm bạn...”

“Vậy thì em follow anh. Khi nào anh unfriend đứa nào thì nhét em vô...”

“Chụp thêm vào nữa... góc này nè. Coi chừng cái đèn sau lưng, coi chừng ngược sáng. Chụp thêm vài cái làm kỷ niệm...”

“Dô, dô cái nữa đi anh…”

“Đù, dô thì dô cho tới bến…”

“Dô…!”

...

Tàn cuộc.

Mọi người tranh nhau trả tiền. Sau cùng, tôi thu mỗi người một ít, bù thêm một ít, trả tiền bữa nhậu và bo cho mấy em phục vụ. Mọi người bá vai nhau hát một bài chia tay cho quán đóng cửa.

Tôi tỉnh queo, từ chối, không cần đứa bạn nhậu mới quen nào đưa về.

Con đường nhỏ vắng ngắt. Không có cái đuôi nào. Cuộc đời vắng ngắt. Không có cái đuôi nào. Không ai chờ tôi, ngoài vợ. Và lũ mèo.

Dừng xe dưới cột đèn đầu hẻm, men bia tan nhanh. Tôi trực diện với một thứ tình cảm kỳ dị: tôi nhớ cái đuôi.

Tôi trực diện với một phức cảm kỳ dị mới cảm nhận được: không có cái đuôi, cuộc đời trở nên tẻ nhạt, thậm chí vô nghĩa. Cái đuôi có một ý nghĩa đặc biệt mà không ai thay thế được.

Tôi không còn thấy phiền hà vì bị cái đuôi đeo bám. Ngược lại là đằng khác, tôi thấy mình đang thầm lặng đeo bám theo cái đuôi. Tôi nghiện cái cảm giác bị ánh mắt của cái đuôi dán dính trên lưng, như nghiện cái cảm giác hỏng chân và mùi hương trong những giấc mơ. Lúc nào, ở đâu tôi cũng cảm thấy cần có ánh mắt đeo dính sau lưng mình, của bất cứ ai.

Tôi dắt xe vào, khoá cổng.

 

(còn tiếp)

 

 

-------------

Đã đăng:

... “Mày làm sai. Mày là thiên lôi, chúng nó chỉ đâu mày đánh đó, bất kể đúng sai. Sao mày không chịu khó suy nghĩ một chút. Mình đang mất nước! Hiểu không? Đừng nói là để nhà nước lo. Mày thấy mọi chuyện đang xảy ra có lạ không, có đúng không? Mày có thấy sai trái và bất công không? Mày có thấy bọn con ông cháu cha nó sống đế vương thế nào không? Không chỉ bất công cho mọi người, bất công cho cả mày nữa đó!” Tôi nói và hỏi dồn dập... (...)
 
... Suốt ngày, tôi bức bối, lồng lộn. Tôi có cảm giác mình không còn là một con người, mà là con thú bị dồn đuổi vào góc chuồng. Tôi gầm gừ muốn cắn vào cổ họng ai đó. Chẳng có ai. Chỉ có vợ và lũ mèo. Tôi không tự cắn vào cổ họng của mình được. Tôi đứng trước gương giơ tay ra huơ múa, chân tôi vẫn dính vào mặt đất, tôi thấy đôi mắt đỏ kè của mình đang long lên sòng sọc. Tôi sắp điên!... (...)
 
... Có thể ví dụ về sự nổi tiếng của tôi như thế này: nếu một tay trong cái đám từng là lãnh đạo đất nước này qua đời thì tôi tin chắc rằng hắn có thể có một quốc tang rình rang trọng thể, nhưng hắn sẽ không được người dân biết đến hay nhớ đến nhiều hơn là cái chết, vì một tai nạn lãng xẹt, như nhậu xỉn té xuống ao chẳng hạn, của tôi... (...)
 
... Tuy nhiên tôi không hài lòng lắm về cái tiểu sử buồn tẻ của đời mình. Khi nào có hứng, tôi sẽ vẽ — vẽ chứ không viết — vẽ lại nó với những nét chấm phá theo ý mình. Ờ, mà hãy nhìn lại lịch sử xem nào, đâu phải tôi là kẻ duy nhất có ý muốn vừa đi đường vừa tán nhảm về cuộc đời lộng lẫy của mình?... (...)
 
... Tôi có một kho tàng chuyện tiếu lâm đen trong bụng để kể làm mọi người cười lăn chiêng. Tôi có khả năng nhái giọng rất giống. Trong vài giây tôi có thể hoá thân thành kẻ khác, từ ông lãnh tụ cao vời đã khuất núi cho tới tay lãnh đạo hãnh tiến đương thời, biến các nhân vật ấy thành những thằng hề ngốc nghếch. Không có tôi thì đời buồn tênh... (...)

 

———————————-

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021