thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG CHI TIẾT CẦN ĐƯỢC LÀM RÕ TRONG LÝ LỊCH TRÍCH NGANG CỦA MỘT CON NGƯỜI [chương 7]

 

Đã đăng: [chương 1] - [2] - [3]
[4] - [5] - [6]

7.

 

Em Lăn là sinh vật giống đực có tư chất cực kỳ thông minh, thông minh đến độ tinh quái. Nó có một số phận đặc biệt.

Cuối năm ngoái, khi đến một lúc quá mệt mỏi, không kham nổi với lũ mèo, vợ tôi quyết định sẽ không nuôi thêm con nào nữa. Tình yêu mèo của nàng suy giảm trầm trọng. Chúng không còn là niềm vui và trách nhiệm. Chúng trở thành gánh nặng. Cánh tay của chúng tôi đầy vết xước do mèo quào. Thời gian của chúng tôi bị chia cắt và vắt cạn bởi lũ mèo. Nàng nói với mọi người quen rằng nếu ai thích thì có thể đến chọn và lấy bất cứ con nào họ muốn nuôi. Nàng cho bớt lứa mèo con mới ra đời nheo nhóc chừng một tháng. Vẫn còn mấy con, nàng nhờ tôi chụp hình chúng rồi đăng lên Facebook để quảng cáo, chào mời các vị muốn nuôi. Thế giới mệt mỏi vì nạn nhân mãn, chúng tôi thì khổ sở vì nạn miêu mãn. Em Lăn xuất hiện trong đời sống của chúng tôi vào dịp đó.

Một sáng nọ, vợ tôi ra lượm tờ báo Tuổi Trẻ mà chúng tôi đặt dài hạn vừa được người ta ném vào sân, thì nàng thấy cái hộp giấy nằm dưới gốc cây mận, loại hộp đựng giày, ngoài nắp hộp có mảnh giấy được ràng vào hộp bằng dây thun, trên giấy ghi tháu và to, bằng bút lông đen, 4 chữ: “Thằng chó, liệu hồn!”. Khi nàng bước tới, cái nắp hộp rớt ra, bên trong là một con mèo nằm thoi thóp. Bộ lông nó ướt mèm, bèo nhèo, ép sát vào làn da đỏ hỏn, những cái xương hằn lên theo nhịp thở phập phồng. Một vết thương rách toang trên cổ, còn rỉ máu, do bị đập bằng chai vỡ hay chém bằng dao. Lũ kiến đen leo vào hộp, bắt đầu bu quanh thân nó. Nhìn con mèo thảm hại, vợ tôi muốn xỉu, khi định thần lại, nàng hoang mang không biết phải làm gì. Nàng hốt hoảng gọi tôi.

Nghe nàng gọi, tôi bước ra sân. Tôi bần thần nhìn món quà dành cho mình. Con mèo này chừng vài tháng tuổi, tôi nghĩ vậy, và chắc nó sống không nổi. Mục đích của kẻ đã vất nó vào đây thì quá rõ. Chúng hăm doạ tôi. Nhưng chuyện đó tính sau, chuyện ngay trước mắt là tôi phải làm gì với con mèo hấp hối này đây?

Đơn giản nhất là vất cái hộp ra thùng rác, rồi quên đi, mà tiếp tục sống. Mọi người đều sẽ làm như vậy. Tôi cũng nghĩ đến việc gọi công an khu vực, nhưng thấy vô ích. Vất đi và quên ư? Nhưng vợ tôi không làm được điều đó, tôi cũng không làm được. Nếu con mèo khoẻ mạnh và lành lặn thì dễ dàng cho chúng tôi hơn: chúng tôi sẽ cho nó ăn một bữa rồi thả đi, nếu nó không đi thì sẽ đuổi đi. Còn đây là con mèo sắp chết. Giữ lại thì nó cũng chết. Vất đi thì nó chết chắc. Và, nó chết là vì chúng tôi. Không phải thế sao? Rõ ràng là con mèo này bị giết với mục đích là để khủng bố chúng tôi.

“Anh tính sao đây? Em sợ quá!” Vợ tôi hỏi, giọng run rẩy.

“Anh không biết, tuỳ em.” Tôi buộc miệng, rồi thấy là mình đang trút trách nhiệm cho vợ. Tôi thấy mình đúng là đồ tồi.

“Không, không thể tuỳ em. Em không thể chăm sóc cho nó, cũng không thể ném nó đi... Anh biết mà... Nhưng vấn đề không chỉ là con mèo, mà là con người. Là mình. Chúng muốn nói rằng chúng có thể giết mình như giết con mèo.”

Tôi tin chắc rằng kẻ làm chuyện này là một độc giả trung thành của Mario Puzo, hẳn là gã phải ghiền cuốn “Bố Già” và hiểu những sinh hoạt của vợ chồng tôi lắm. Gã bắt chước màn gởi thông điệp cho kẻ thù bằng một xác chết. Thay vì gởi con cá chết gói trong tờ báo như trong “Bố Già”, thì gã gởi cho tôi con mèo hấp hối, vì biết chúng tôi yêu mèo.

Tác giả của trò khủng bố này không phải là thằng Đuôi Nghèo. Sau cái cú bị tôi chụp hình tung lên mạng, gã căm thù tôi, chắc chắn vậy, nhưng vụ này không thể là gã. Gã không có đủ thông minh và thủ đoạn để chơi trò này. Và chắc chắn gã chưa từng đọc “Bố Già”. Gã có thể là kẻ thực hiện, nhưng không thể là kẻ chủ mưu bày trò, tôi nghĩ vậy.

“Thôi, cho nó ăn gì đi, xức thuốc cho nó, rồi tính.” Tôi nói.

“Anh bón sữa cho nó đi, em vừa khuấy một ca cho mấy con nhóc, bỏ trên ổ trên sân thượng đó. Cho nó uống chung cũng được. Rồi xức thuốc cho nó.”

Tôi mang cái hộp giày lên sân thượng. Con mèo bốc mùi tanh chua. Mắt nó nhắm nghiền. Chạm vào nó tôi thấy ghê tay như chạm vào một nguồn lây bệnh truyền nhiễm, một ổ vi trùng. Đặt cái hộp xuống đất, tôi xé cái khăn cũ ra làm 2 mảnh, rồi nhúng nước ấm, cẩn thận lau cho con mèo. Nó mở mắt nhìn tôi rồi bất thần, trút hết tàn lực, vung chân quào tôi một phát thật nhanh và mạnh, cùng lúc gào lên một tiếng “NGAO...!”. Tôi rụt tay không kịp, móng sắc xé toạc da thịt trên bắp tay tôi sâu hoắm. Máu trào ra. Tôi vung tay hất cái hộp vào vách. Con mèo văng ra nằm sóng soài, co giật nhè nhẹ. Tôi ôm tay, bước tới. Không dám sờ vào nó, tôi lấy cây chổi đẩy nó ra ngoài nắng rồi vào nhà nhờ vợ rửa vết thương bằng nước sát trùng, bôi thuốc kháng sinh lên.

Tôi trở ra. Con mèo chưa chết. Nó hết co giật, vẫn thoi thóp. Nắng ấm đã làm khô bộ lông. Con mèo có bộ lông tuyền một màu xám tro, không lẫn màu gì khác. Tôi mang bao tay cao-su dày và dài tới khuỷu ra ngoài tay áo Jean để ngừa nó cào cắn lần nữa, lấy bông gòn chậm thuốc kháng sinh mà tôi vừa dùng cho mình xức lên vết thương của nó. Con mèo rùng mình vì rát, mở đôi mắt xanh biếc ngó tôi. Xức thuốc xong, tôi bơm sữa vào miệng nó bằng ống xi-lanh như khi cho bọn mèo con ăn. Nó rên lên nho nhỏ, thè lưỡi ra liếm sữa. Tôi làm cho nó cái ổ bằng giẻ rách trong cái thùng carton, bỏ nó vào. Vậy là nó trở thành bệnh nhân èo uột mà tôi phải chăm sóc, rồi thành một thành viên ngoại lệ của miêu tộc trong nhà tôi.

Vài ngày sau con mèo quen dần với không gian mới, vết thương cũng lành dần nhưng cái cổ chẳng thể nào trở lại bình thường, nó luôn ngoẹo qua bên trái, bên lành. Nó không bày tỏ sự hung dữ với tôi, nhưng ngoài tôi ra thì nó không chơi với ai khác, cả bọn mèo kia và vợ tôi. Chúng — bầy mèo — không cần phải tẩy chay con mèo mới. Con mèo mới chủ động tẩy chay chúng. Ăn riêng, ở riêng, chơi một mình, không tham gia vào trò chơi bầy đàn nào. Nó thành con mèo cô độc. Sinh vật duy nhất mà nó kết bạn là tôi. Khi tôi chơi với đám mèo, nó lẳng lặng bỏ đi. Khi tôi một mình, nó đến bên cạnh. Khi có con mèo nào khác lân la đến, ngay lập tức nó chồm ra tấn công dữ dội. Nó không cắn đùa như bọn mèo kia. Đòn của nó tung ra là đòn của sát thủ. Khi có sinh vật nào tới gần, nó lùi vào góc tường, lông dựng ngược lên, cong người lại thủ thế, sẵn sàng bung ra cho một trận quyết tử. Nhỏ con hơn, nhưng nó ra đòn nhanh, mạnh, và hiểm ác hơn những con mèo kia gấp bội. Nhờ tài tránh né nhanh nhẹn, trải qua nhiều trận đánh nhau mà nó không bị vết thương nào đáng kể, còn con nào đụng với nó cũng lãnh đòn nặng. Giữa đám mèo tầm thường kia, nó là tay võ sĩ mang bản lãnh tuyệt nghệ. Đám mèo đụng độ với nó vài lần, đâm sợ, rồi tự động lãng ra, tránh mặt. Nó đánh hết, bất kể mèo đực hay cái, to hay nhỏ, và luôn dành phần thắng. Nó dành luôn khoảng sân thượng làm lãnh thổ, không đứa nào được bén mảng tới, và nó cũng không bao giờ xuống nhà dưới, nơi lũ mèo kia chiếm hữu. Việc phân chia không gian sống của nó và lũ mèo rất rõ ràng, như một thoả hiệp mà hai bên phải tôn trọng sự bất khả xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của nhau, được đặt trên niềm tin thiêng liêng, và danh dự.

Sau ba tuần sống ở nhà tôi, tình bạn giữa tôi và nó bắt đầu hình thành, và tiến triển rất nhanh. Nó có cách chào tôi và biểu lộ tình cảm rất đặc biệt, khác hẳn với những con mèo khác. Thấy tôi, nó meo lên một tiếng, hay phóng tới trước mặt, để tôi biết sự hiện diện của nó. Rồi nó từ tốn co người lại, lăn một vòng tới, cạ vào chân tôi. Ban đầu, tôi không nhận ra cử chỉ đó là đặc biệt. Đến khi phát hiện nó lập đi lập lại nhiều lần, tôi mới hiểu rằng đó là cách nó chào tôi, cách nó báo hiệu sự có mặt của nó, và biểu lộ tình cảm âu yếm nó dành cho tôi. Tôi kể cho vợ nghe, rủ nàng ra xem con mèo mới biểu diễn, thì nàng mới tin. Tuy nhiên, lạ là nó chỉ làm điều đó với tôi mà không làm với vợ tôi, dù nàng có khuyến khích đến mấy. Từ đó, chúng tôi gọi nó là Em Lăn thay vì những cái tên thông thường dành cho bọn mèo kia. Từ đó, tôi biết rằng có một sinh mệnh sẽ dính liền vào mình, một tấm chân tình, của BẠN. Và tin rằng chỉ có những đứa ngu hơn mèo mới cho rằng mèo là loài phản phúc hay không có tình cảm với người bằng loài chó. Vậy mà có lần tôi ngu, vì tôi nghĩ rằng nó đã rời bỏ tôi mà đi, mãi mãi.

Sau khi sống với chúng tôi một thời gian, được chăm sóc kỹ lưỡng, vết thương của nó đã lành, sức khoẻ hồi phục hẳn, lông mọc ra đẹp mướt, nó gần như trở thành một con mèo bình thường, chỉ có cái cổ bất bình thường, luôn lệch sang bên trái. Tôi ngỡ rằng sau cái tai nạn suýt làm nó chết bởi kẻ ác độc nào đó muốn khủng bố tôi, thì cái chấn thương tâm lý ấy chắc đã phai nhoà đi hay đã lành hẳn, tinh thần nó đã ổn định trở lại. Nhưng tôi lầm, không phải vậy.

Một hôm nọ, trong lúc đang vui vẻ đùa giỡn với tôi, Em Lăn nổi hung bất ngờ. Tôi vừa đưa tay vuốt ve thì nó gầm gừ, kêu lên “NGAO...” một tiếng dữ tợn, rồi phóng lên, tạt cả 2 chân trước vào mặt tôi một đòn hung hiểm. Tôi không kịp né, choáng váng bởi cú tát mạnh đầy móng sắc. Má tôi tươm máu ròng ròng. Tôi ôm mặt đau đớn. Nó lùi vào góc tường, nhún thấp xuống, thân cong lại lấy thế để sẵn sàng tung đòn tiếp.

Meo... meo... meo..., mày làm trò gì vậy, con quỷ!”, tôi thét lên.

Em Lăn như sực tỉnh, nó vọt ngang, đổi hướng trên không, tránh cú đá tôi vừa phóng tới. Khi chân vừa chạm đất, nó dừng lại ngó tôi trong tích tắc rồi vọt lao đi qua giàn hoa, mất dạng.

Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra với nó. Tôi gọi với theo nhưng nó không đáp. Vì sao nó vô cớ tấn công tôi như thế?

Nó đi biệt. Không chỉ ngày hôm đó mà cả ngày hôm sau, hôm sau nữa, hôm sau nữa, biền biệt không tăm hơi. Tôi vừa giận vừa nhớ nó da diết. Tôi thấy như mình vừa bị một người thân yêu phản bội. Tôi đi lòng vòng trong xóm dò hỏi nhưng không ai biết tăm tích nó đâu. Cả lũ mèo trong nhà cũng không biết con quái ấy đi đâu. Tôi buồn vô hạn, nghĩ rằng nó đã bị bọn bợm nhậu bắt làm thịt mất rồi. Dạo này quán bán thịt mèo mọc lên khắp nơi, thịt mèo thành một thứ đặc sản cạnh tranh với thịt chó, những quán này thường trương bảng hiệu Tiểu Hổ. Tôi không thể làm ăn, vẽ vời viết lách gì cả. Những ý nghĩ về nó, về sự bất thường của nó, về sự an nguy của nó, ám ảnh, ngập tràn trong đầu tôi. Nhiều lần, tôi có cảm giác nó vẫn ở loanh quanh đâu đó rất gần, đang quan sát tôi, đang theo dõi tôi. Tôi nằm mơ thấy nó. Đêm đêm, ngồi thẫn thờ trên sân thượng, tôi có cảm giác nó đang cạ mình vào chân tôi như mọi khi. Những ngày đầu vết thương trên gò má tôi sưng tấy, làm độc. Tôi phải đi bác sĩ chích ngừa. Cả tuần sau vết thương mới khô vảy, vợ tôi lấy nghệ bôi lên, để lại một cái sẹo mờ mờ.

Vợ tôi giận và bực. Nàng thấy sự quan tâm của tôi với con mèo quá bất bình thường.

Cho tới khi tôi hoàn toàn tuyệt vọng thì Em Lăn trở về.

Đêm đó, nó về thật lặng lẽ. Tôi cầm ly rượu ra sân thượng, vừa ngồi xuống ghế thì nó hiện ra dưới chân tôi, đang lăn đến, lăn một vòng, cạ vào chân tôi như mọi khi, như không có chuyện gì đã xảy ra giữa tôi và nó. Như không có khoảng thời gian cách biệt. Em Lăn còm nhom, xơ xác, bốc mùi thối hoăng, chua loét. Tôi cúi xuống bồng nó lên. Nó dụi đầu vào lòng tôi, run rẩy, rên lên nho nhỏ những tiếng grrừ grrừ trong họng với vẻ hối lỗi. Thằng con hoang đàng trở về từ địa ngục. Tôi mừng quá đỗi.

Tôi vuốt ve mớ lông ẩm ướt, bẩn thỉu. Ngón tay tôi lần theo từng đốt xương gồ lên dưới làn da. Tôi giơ nó ra trước ánh đèn để kiểm tra xem nó có bị thương tích gì hay không. Nó nằm thật im, thở phập phồng trong tay tôi. Tôi ôm nó, thương cảm và trân quý. Tôi đang ôm một sinh thể có định mệnh gắn liền với định mệnh của mình, vì tôi mà nó phải chịu thương tích, bất công. Nó là báu vật, thứ báu vật không phải để làm trang sức cho con người, nhưng là kẻ chịu nạn vì con người, vì tôi.

Vài giọt mưa rớt xuống. Tôi và con mèo vẫn cứ ngồi im như vậy. Tôi cúi gập xuống che mưa cho nó. Nó cảm nhận được hơi ấm của tôi, thỉnh thoảng lại rùng mình, rên khe khẽ, nhìn lên. Đôi mắt xanh xám của nó ánh lên tia mắt của một tâm hồn bị thương tổn trầm trọng. Tôi không muốn thay đổi tình trạng này. Tôi muốn truyền cho nó hơi ấm và làm cho nó hiểu những tình cảm mà tôi dành cho nó. Khi mưa bắt đầu nặng hạt, vẫn bồng nó trên tay, tôi đứng dậy vào nhà. Lau rửa xong, tôi bón sữa cho nó. Tôi cho Em Lăn lên giường nằm cùng. Nó rúc vào chăn, cạ người lên thân thể tôi, liếm tôi, co móng sắc lại, vuốt ve tôi. Từ đêm đó chúng tôi hình thành một thói quen mới: ngủ với nhau. Nó bắt đầu ngủ với tôi hằng đêm. Đêm nào tôi vào ngủ chung phòng với vợ, nó cũng theo vào, nhưng không nằm trong lòng tôi mà nằm dưới chân. Nàng chiều tôi, nuông luôn nó.

Nàng nói từ khi nó bỏ đi đến khi trở về là 12 ngày. Tôi không biết điều đó, thời gian trôi đi mù mịt bất kể, có nghĩa gì với tôi đâu.

 

(còn tiếp)

 

 

-------------

Đã đăng:

... Dừng xe dưới cột đèn đầu hẻm, men bia tan nhanh. Tôi trực diện với một thứ tình cảm kỳ dị: tôi nhớ cái đuôi. Tôi trực diện với một phức cảm kỳ dị mới cảm nhận được: không có cái đuôi, cuộc đời trở nên tẻ nhạt, thậm chí vô nghĩa. Cái đuôi có một ý nghĩa đặc biệt mà không ai thay thế được... (...)
 
... “Mày làm sai. Mày là thiên lôi, chúng nó chỉ đâu mày đánh đó, bất kể đúng sai. Sao mày không chịu khó suy nghĩ một chút. Mình đang mất nước! Hiểu không? Đừng nói là để nhà nước lo. Mày thấy mọi chuyện đang xảy ra có lạ không, có đúng không? Mày có thấy sai trái và bất công không? Mày có thấy bọn con ông cháu cha nó sống đế vương thế nào không? Không chỉ bất công cho mọi người, bất công cho cả mày nữa đó!” Tôi nói và hỏi dồn dập... (...)
 
... Suốt ngày, tôi bức bối, lồng lộn. Tôi có cảm giác mình không còn là một con người, mà là con thú bị dồn đuổi vào góc chuồng. Tôi gầm gừ muốn cắn vào cổ họng ai đó. Chẳng có ai. Chỉ có vợ và lũ mèo. Tôi không tự cắn vào cổ họng của mình được. Tôi đứng trước gương giơ tay ra huơ múa, chân tôi vẫn dính vào mặt đất, tôi thấy đôi mắt đỏ kè của mình đang long lên sòng sọc. Tôi sắp điên!... (...)
 
... Có thể ví dụ về sự nổi tiếng của tôi như thế này: nếu một tay trong cái đám từng là lãnh đạo đất nước này qua đời thì tôi tin chắc rằng hắn có thể có một quốc tang rình rang trọng thể, nhưng hắn sẽ không được người dân biết đến hay nhớ đến nhiều hơn là cái chết, vì một tai nạn lãng xẹt, như nhậu xỉn té xuống ao chẳng hạn, của tôi... (...)
 
... Tuy nhiên tôi không hài lòng lắm về cái tiểu sử buồn tẻ của đời mình. Khi nào có hứng, tôi sẽ vẽ — vẽ chứ không viết — vẽ lại nó với những nét chấm phá theo ý mình. Ờ, mà hãy nhìn lại lịch sử xem nào, đâu phải tôi là kẻ duy nhất có ý muốn vừa đi đường vừa tán nhảm về cuộc đời lộng lẫy của mình?... (...)
 
... Tôi có một kho tàng chuyện tiếu lâm đen trong bụng để kể làm mọi người cười lăn chiêng. Tôi có khả năng nhái giọng rất giống. Trong vài giây tôi có thể hoá thân thành kẻ khác, từ ông lãnh tụ cao vời đã khuất núi cho tới tay lãnh đạo hãnh tiến đương thời, biến các nhân vật ấy thành những thằng hề ngốc nghếch. Không có tôi thì đời buồn tênh... (...)

 

———————————-

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021