thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CON RÙA BÒ NGANG MẶT ĐẤT [2]

 

 

CON RÙA BÒ NGANG MẶT ĐẤT

Đã đăng: [1]

 

2.

 

Khuya qua ta ăn một con cá chết.

Ta biết chắc nguyên do cái chết của nó. Ta nói cho mi biết nhé: nó chết vì chứng trầm cảm!

Khi mi ăn một con cá, hay một con gà, hay một con bò, hay bất cứ một con vật nào khác bị chết vì chứng trầm cảm thì mi có nguy cơ bị lây nhiễm cái xung lượng trầm cảm ấy. Ta biết thế, nhưng ta bất chấp.

Con cá, không, cái xác cá thì chính xác hơn, vì nó đang chết, trắng bệch, nằm phơi bụng, nổi phập phềnh trên mặt nước cạn. Dưới ánh đèn ngoài xa hắt lại, ta thấy dường như nó vẫn còn sống. Ta quan sát nó một chặp lâu. Ta thấy một hơi thở phập phồng, mong manh thoát ra khỏi cái miệng há hốc, thành một cái bọt khí – một bong bóng nhỏ tí – rồi vỡ tan. Bụng nó máy động thật nhẹ. Cái bong bóng khí vỡ ra, tan vào làn sương nhạt nhoà trên mặt nước, bốc mùi khăm khẳm.

Ta bơi thật nhẹ tới gần rồi lựa thế cắn ngang thân cá. Cắn ngay ở bụng. Ta táp hơi mạnh. Răng ngập vào thịt, day nghiến. Nó giãy nhẹ. Cơ thịt giật khẽ một cái rồi nó duỗi thân ra. Vị máu tanh ngấm xuống cổ họng ta. Ta bắt đầu gặm dần từng miếng thịt nhỏ, nhấm nháp thưởng thức, rồi nuốt. Những cọng rong trơn nhớt vướng vào mép ta. Khi ta nuốt xong miếng cuối cùng thì đúng hai giờ khuya.

Ta biết là hai giờ khuya vì ngay lúc đó có hai tiếng chuông trầm trầm trong thinh không âm u từ một ngôi chùa ngoài núi xa vọng lại. Ta là kẻ duy nhất nghe được tiếng chuông đó.

Ta trầm mình lặn xuống đáy bùn. Ta tiêu hoá cùng lúc con cá và âm thanh của tiếng chuông. Vị tanh của những tế bào thịt thấm dần vào cổ họng rồi dưỡng chất lan ra khắp thân thể, còn tiếng chuông thì xuyên qua tai rồi thốc lên óc.

Ngay lúc đó, ta hiểu ra lý do của sự có mặt dai dẳng của mình trên cõi đời này.

Đúng rồi, lý do tồn tại của ta trong mấy thế kỷ qua là chờ đợi để làm điều này: lúc hai giờ khuya, ăn một con cá chết vì chứng trầm cảm, lắng nghe hai tiếng chuông hắt hiu vọng lại từ xa xăm và xa xưa.

Chỉ mình ta biết được điều đó. Chỉ mình ta.

 

*

 

Ta là ai?

Ta là Kụ!

Kụ!

“Kụ” chứ không phải là “Cụ”.

Bất kể việc lâu nay người ta kính cẩn gọi ta là “Cụ”, rồi bỏ trong hai dấu ngoặc kép như thế này: “Cụ Rùa”, ta vẫn tự gọi mình là “Kụ”. Cùng cách phát âm, nhưng khác nhau ở chỗ chữ “K” thay vì chữ “C”.

Ta muốn được gọi như thế để được phân biệt minh bạch giữa cá nhân mình với những thứ “Cụ” khác. Ta không muốn có sự đánh đồng, hay sự nhầm lẫn, hay sự tiếm danh.

Ta là “Kụ”, vì hai lý do:

Thứ nhất là, ta tách biệt. Ta là một cá thể đặc biệt, hoàn toàn tách rời với mọi khái niệm về thân thế và danh xưng của cái đám nhân quần xu nịnh và nhạt nhẽo kia. Ta không muốn mình bị ngộ nhận, bị đánh đồng với những đứa xưng “Cụ” khác. Chúng là những “Cụ” mạo danh; tệ hơn, những “Cụ” tiếm danh. Chúng là bọn ma đầu, những đứa ranh vặt, những đứa chưa ráo máu đầu đã lăm le nhảy lên đầu lên cổ của thiên hạ, nhờ vào sự gian manh và hung bạo của chúng và sự dốt nát của họ.

Thứ hai là, mi có thấy sự khác biệt về hình thức giữa chữ “K” và chữ “C” không?

“C” có hình thể tròn trịa, xoàng xĩnh, rất dễ bị nuốt chửng vào sự tầm thường, sự vô tăm tích.

Nhưng “K” thì khác! Thế đứng xoãi chân và vươn tay chồm tới của nó khẳng định cái cá tính cương ngạnh của ta.

Thử lần lượt bỏ chúng vào miệng mà xem, mi có thể ngậm cho tan ra rồi nuốt hết chữ “C” nhưng không thể nào làm vậy với chữ “K”. Mi có thể nuốt “Cụ” nhưng không thể nào nuốt “Kụ”.

 

*

 

Về mặt không gian, ta đang sống ở thủ đô, giữa trái tim của cả nước.

Về mặt tinh thần, ta đang sống giữa cái gọi là “hồn thiêng sông núi” của lịch sử dân tộc này.

Bao nhiêu đời nay, người ta gọi ta là di sản vô giá gắn liền với những truyền thuyết lịch sử và văn hoá linh thiêng. Sinh mệnh của ta gắn liền với sinh mệnh của cái kinh đô ngàn năm tuổi, gắn liền với những biến thiên, những thay đổi theo các tên gọi của nó qua nhiều thời kỳ.

Nhưng theo ta thì kinh đô này phải có tên là Trầm Quy mới đúng, chứ không phải Thăng Long như nó là. Nhất là nó rất đúng trong bối cảnh của đất nước lúc này. Thật vậy đó, vì ở đây có con linh thú nào nhấc thân bay lên trời cao đâu? Có thứ linh thú nào khác ngoài ta? Ngoài một mình ta bao lâu nay là một con rùa rúc đầu xuống đáy bùn cơ chứ?

Ta đã sống dưới lòng hồ này đã lâu lắm rồi. Ta không ý thức được độ dài ngắn của thời gian. Với ta, thời gian là vô thuỷ vô chung, cho dù phải có một cái mốc để khởi đầu đã lạc mất đâu đó trong trí nhớ và kéo dài đến vô tận. Ta không thể nhớ hết thời thơ ấu cũng như biết bao biến thiên, dời đổi, mà mình đã chứng kiến chúng diễn ra trên đất nước này.

Giờ đây ta biết thời gian của mình đã sắp hết, ta cần an nghỉ.

Ta chỉ là một con rùa sống lâu. Lâu cho tới nỗi trí nhớ ta lần hồi chìm vào cõi mù sương lú lẫn.

Lâu cho tới nỗi có khi ta quên rằng mình là một cá thể động vật hoang dã như hàng trăm ngàn loài khác.

Lâu cho tới nỗi ta ngỡ rằng có một thứ ánh sáng huyền thoại bao phủ lên thân xác ta, bao phủ lên sự tồn tại của ta trên cõi đời này.

Trong ta quá dư thừa huyền thoại, mà thiếu một chút sự thật.

Điều làm ta khác với mọi sinh thể khác là ta sống, ta ăn, ta thở, ta bơi, ta ngủ, ta bài tiết… tóm lại là tất cả mọi hành vi của ta, đều nằm trong huyền thoại; ngoại trừ một việc, một việc mà đã lâu rồi ta không làm, đó là hành vi sinh hoạt tình dục. Lâu rồi ta không làm chuyện đó.

Ta tiếc rằng mình đã không kịp đưa một sinh linh nào mang huyết thống của ta vào huyền thoại này để thừa hưởng nó.

Ta là loài máu lạnh, thân nhiệt ta có thể thay đổi theo môi trường. Trong mùa đông ta thường ngủ một giấc đông rất dài. Mùa đông ở đây lạnh, gió lùa từng cơn lồng lộng trên mặt hồ rét cóng; ta trú trong các hốc cây, hốc đá, lấy lá cây và rác rưởi làm ổ, rồi vùi mình trong đó, không nhúc nhích dịch chuyển, để mặc cho rong rêu và những loài ký sinh bám lên.

Tuy là loài máu lạnh, ta mẫn cảm, ta có nhiều cảm xúc, ta cô đơn vô cùng. Ta đang sống những ngày cuối cùng của đời mình trong bệnh hoạn, và cô độc.

Ta mang trên thân thể vô số chứng bệnh, từ sự lão hoá của các bộ phận, chúng dần dà mất đi khả năng khiển dụng, đến các chứng viêm nhiễm do môi trường nước ngày càng trở nên tệ hại. Ta bị chứng ghẻ lở, nhưng nói như thế cũng chưa đủ, cái nguy hại nhất là chứng trầm cảm, sự chán chường. Ta chán chường đến nỗi không còn thiết tha gì việc kéo dài sinh mệnh này.

Con người thường nói về, và bị ám ảnh bởi, sự cô độc, nhưng ta nói thật cho mi biết nhé, lũ người bọn mi không bao giờ cảm nhận được hết sự cô độc là như thế nào đâu.

Ta đã sống một mình như thế này qua nhiều trăm năm. Cô độc tuyệt đối. Thử hình dung mi sẽ sống như thế nào khi phải luôn mang ý nghĩ nặng trĩu về một cái chết không bao giờ đến, mà không thể chia sẻ cùng ai?

Oái oăm thay, trong những ngày này, ta lại là kẻ được nhắc đến nhiều nhất ở mọi nơi, trên mọi thứ diễn đàn, trên báo chí dưới đất, cũng như internet trên trời, và trong mọi câu chuyện trên bàn nhậu, bàn cà-phê trên khắp đất nước này.

Bọn chúng quan tâm đến sự sống và cái chết của ta.

Chúng gọi ta là công dân đặc biệt, là biểu tượng văn hoá của kinh đô; chẳng những thế, chúng còn phong thánh cho ta, gọi ta là anh linh sông núi của quốc gia, của tổ tiên, của dân tộc… Thậm chí có kẻ bàn đến việc tổ chức một lễ quốc tang nếu ta qua đời.

Có vô số ý kiến khác nhau về ta, cả đồng thuận lẫn trái ngược nhau. Có đứa phát ngôn một cách bất kính rằng cả cái dân tộc tự hào có ngàn năm văn hiến mà lại đi tin thờ mù quáng vào một con rùa già ghẻ lở; ngược lại cũng có kẻ cho rằng khi “Cụ” quy tiên thì phải tẩm ướp di hài để bảo quản, cho “Cụ” vào nằm trong lồng kiếng để nhân dân đến cúng vái và chiêm ngưỡng. Chúng dự định sẽ xây cho ta một cái lăng to đến cả hàng mẫu đất ngay giữa trung tâm thủ đô, có cả đội vệ binh nghiêm trang bồng súng đứng gác, rồi bán vé cho khách vào tham quan. Mỗi khi có dịp, các bậc phụ huynh thay vì đưa con cái đi xem xiếc thú thì hãy đưa bọn trẻ vào kính cẩn chiêm ngưỡng di hài của ta, chúng gọi những chuyến tham quan ấy là việc gìn giữ truyền thống.

Hẳn mi cũng đã có lần đến xem một cái xác rùa giống như ta đang được trưng trong lồng kính ở đền Ngọc Sơn? Thú thật, ta không còn nhớ kẻ đó là ai!

Ta không hề muốn như thế. Ta không hề muốn sau khi qua đời thì thân xác này bị biến thành một cái tiêu bản nằm trong lồng kính, được trưng ra cho bọn giả dối, bọn chồn cáo, vờ thương cảm ta để lợi dụng, như cái tiêu bản hiện nay nằm trong cái đền trên hồ kia. Vì, cho dù cao vời hay lấp lánh huyền thoại đến đâu thì rốt cục cái xác phàm tục chỉ là cái xác từ từ phân huỷ; như lẽ ra nó chỉ đáng được tiêu huỷ và biến mất trong quên lãng của dòng chảy thời gian, phải vậy không nào?

Ta biết, tuy nằm yên không còn chút sinh khí như thế, vong hồn không siêu thoát của cái tiêu bản ấy vẫn bay phơ phất, bảng lảng dật dờ trên mặt hồ này, trên kinh đô này. Và nó nhận biết được tất cả những ý nghĩ bất kính, giễu cợt trong đầu bọn người đang giả vờ chiêm ngưỡng, bái vọng nó. Ta vẫn thấy cái vong hồn ấy thỉnh thoảng lao ra, chúi đầu, nôn thốc tháo mọi thứ cặn bã tanh hôi xuống mặt hồ. Vì sao ư?

Vì nó bội thực sự giả dối.

Ta có cần đến những thứ vinh danh phù phiếm của bọn trí trá ấy đâu? Cái ta cần là một tay bác sĩ thú y lành nghề giúp ta bớt đi nỗi đau đớn thể xác trong những ngày cuối cùng này, và giúp ta chút bình an trong tâm thế, chút thư thái để đón nhận giờ phút ra đi về cõi vĩnh hằng.

 

(Còn tiếp)

 

 

———————————-

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021