thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CON RÙA BÒ NGANG MẶT ĐẤT [5]

 

 

CON RÙA BÒ NGANG MẶT ĐẤT

Đã đăng: [1] - [2] - [3] - [4]

 

5.

 

Đêm hôm qua, người ta dựng vội bốn cái sân khấu ngoài trời ở bốn góc phố rồi cho mở loa to hết cỡ, phát những bài hát ca ngợi chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ. Họ làm như thế với chủ ý dùng tiếng loa để phân tâm và át đi tiếng hô của những người biểu tình.

Sáng nay, đám đông những người biểu tình đã bị chia cắt và dồn đuổi tan tác. Cờ và biểu ngữ rơi vương vãi khắp nơi. Một cô gái mặc áo dài trắng ngã xuống vũng nước đọng bên vỉa hè, lấm lem, ướt sũng, tà áo rách toạc bày ra một khoảng lưng trần. Cô thét lên:

“Buông tôi ra! Buông tôi ra! Sao các người ác vậy?”

Ba bốn cánh tay vồ lấy cô. Ta rướn nhanh tới bên họ, định cứu cô. Chúng tóm lấy ta. Một thằng đạp chân lên mai, một thằng vung dùi cui nện xuống chan chát. Một đứa mang kính trắng cúi xuống, thét vào mặt ta:

“Mày là ai? Công tác ở đâu? Cơ quan nào quản lý? Chứng minh nhân dân đâu? Xuất trình ra ngay.”

“Ta là Kụ, ta là bạn của vua. Ta sống cùng thời và là bạn với cái ông đứng đằng kia!” Ta nghếch đầu chỉ về hướng bức tượng của ông vua lập quốc.

“Tao đếch biết. Tao đếch cần biết thằng đó là đứa nào? Đồ phản động! Bắt nó lại, ném lên xe, nhốt nó cho tao!”

“Không, không được hỗn láo. Ta là Kụ đây.”

“Mày vừa hô hoán chống đối chính quyền. Tóm cổ nó về đồn trước, giải quyết sau.”

“Ta là người yêu nước. Ta là nhân dân. Không được đàn áp nhân dân.”

“Tao không nhân dân với mày.”

“Chúng ta là đồng chí.”

“Tao không đồng chí với mày!”

“Chúng ta có cùng lý tưởng.”

“Tao không lý tưởng với mày!”

“Chúng ta cùng giai cấp!”

“Tao chẳng bao giờ cùng giai cấp với mày!”

Ta bị bọn chúng vây quanh tứ phía. Chúng vật ngửa ta ra. Ta không kịp rụt đầu và bốn chân vào trong mai như thường khi; rồi bốn thằng nắm tứ chi, một thằng đỡ cái đầu, ì ạch khênh ta ngửa bốn chân lên trời, như khênh một con súc vật tầm thường. Chúng khênh ta ngang qua đường rầy. Ngửa mặt lên trời, ta thấy những đám mây bồng bềnh trên cao dập dềnh theo bước chân chúng. Sáng nay màu mây xanh lạ thường. Tiếng ai la “Không được bắt người, không được bắt người...” vẫn còn vang lên chói lói phía sau.

“Chúng bắt Cụ rồi! Giải thoát cho đồng chí Cụ, giải thoát cho Cụ!”

“Thả Cụ ra, không được hỗn, thả đồng chí Cụ ra ngay!”

Không vùng vẫy nổi, ta hớp vội mấy ngụm không khí cho bớt cơn ngạt thở. Chúng khênh ta đến chiếc xe buýt màu vàng đậu sẵn từ sớm. Xe mở cửa. Ta nghe tiếng người la lối ồn ào trên xe. Ta ngó lên. Một thằng trạc trên ba mươi, cao to, vẻ mặt bặm trợn nhưng khá đẹp trai, mặc áo thun vàng hiện ra nơi khung cửa. Hắn bước xuống một bậc thang cho khoảng cách giữa ta và hắn gần lại. Hắn co chân lên, đạp xuống, “cheeeeep...”. Đế da giáng vào đầu, vào mặt ta, đau điếng, chẹp nhẹp cả cứt là cứt.

Hắn vừa đạp vừa cười khẩy lên lấy nhịp, “Biểu tình này! Dân chủ này! Yêu nước này! Cụ này!”, bốn cú cả thảy. Về sau, người ta có thể liên tưởng và áp đặt ý nghĩa cho những cú đạp đó là đạp vào mặt nhân dân; đạp vào mặt nền dân chủ; đạp vào mặt tổ tiên; đạp vào mặt những giá trị nền tảng đạo đức, luân lý, văn hoá; hay ghê gớm hơn: đạp vào mặt lịch sử... nhưng ta thì nghĩ khác. Ta nghĩ, hắn đạp vì tiện chân, đạp cho đỡ buồn chân, vậy thôi. Cái đạp đó không có chút thù hận nào, hắn lãnh đạm với mọi việc bên ngoài con người hắn, và hoàn toàn không có cảm xúc thù hận. Lúc đó bất kể là ai nằm trong tầm chân thì hắn cũng đạp, đạp khơi khơi, đạp cho vui, đạp để mà đạp, vì chức năng của đôi chân hắn — cũng như những đôi chân của phần lớn đồng nghiệp của hắn — ngoài việc dùng để di chuyển thì dùng để đá, để đạp. Ta đau thì có đau, nhưng cái đau không khó chịu bằng cái mùi thối hoắc dính vào mặt; dép thằng này đã đạp phải cứt ở đâu đó trước khi đạp xuống mặt ta. Hắn nhảy xuống phụ bọn kia nâng ta lên. Chúng ném ta vào nằm lăn lóc trên sàn xe, ở khoảng trống giữa hai hàng ghế. Cô gái áo trắng quỳ xuống bên ta, thút thít khóc.

Ta lịm đi, mùi thối làm ta ngất vì ngạt thở.

 

*

 

Căn phòng khá rộng, bài trí tuềnh toàng, màu chủ đạo là màu đỏ, mọi thứ đều đỏ, từ các lá cờ cho đến tấm thảm trải giữa phòng, cho đến màu gạch, cho đến các tấm khăn trải bàn. Chính giữa bức tường ở một đầu phòng là bức tượng bán thân quen thuộc.

Họ đặt ta lên một cái bàn thấp. Ba người vận quân phục nhấc ghế ngồi quanh, trên tay có sổ ghi chép, một người đặt chiếc máy ghi âm lên trước mặt ta.

“Ông cho phép chúng tôi làm vài thủ tục hành chánh trước rồi chúng ta cùng làm việc nhé.” Thằng có vẻ như là thủ trưởng nói.

“Ta không phải là ông. Ta yêu cầu các người xưng hô đúng đắn cho phải phép.”

“Thưa, không gọi là ông thì chúng tôi nên gọi là gì? Là đồng chí nhé.”

“Ta không phải là đồng chí với quý vị. Lúc nãy có tay ở ngoài trạm xe buýt kia không nhận ta là đồng chí, mà đồng chí thì không đạp vào mặt nhau như thế này.”

“Vậy thì ông muốn được gọi là gì nào?”

“Hãy gọi ta là Kụ! Ta yêu cầu gọi ta là Kụ.”

“Vâng, thế thì tôi gọi Cụ vậy.”

“Không, không phải Cụ, mà là Kụ!”

“Tôi không hiểu ông muốn gì, Cụ mà không phải Cụ. Là sao?”

“Thằng cha này hâm, chắc có vấn đề thần kinh.” Một trong hai tay còn lại nói thầm với nhau, tuy nhiên ta nghe được.

“Không được hỗn láo. Ta không phải là ông, ta cũng không phải là Cụ, ta muốn được gọi một cách chính danh là Kụ.”

“Yêu cầu ông nghiêm túc.”

“Không có gì là không nghiêm túc cả. Kụ là ka u ku nặng Kụ, chứ không phải cờ u cu nặng cụ, hiểu chưa?”

“Kụ là ka u ku nặng Kụ? Thôi được, đồng ý, vậy Kụ là tên thật hay bí danh?”

“Không phải tên thật, cũng không phải bí danh, mà là tước vị. Mà sao các ông hành hung và bắt giữ ta trái phép? Nhưng trước hết phải cho ta đi rửa ráy. Bẩn thỉu quá!”

“Thôi được, muốn Kụ thì được Kụ. Không cãi chầy cối với Kụ nữa. Ôi, mặt mũi đầu cổ gì mà trây đầy cả cứt, tởm quá, ra vòi nước ngoài sân kia kìa mà rửa ráy đi.” Hắn quay sang hai người kia, “hai đồng chí đo kích cỡ, cân xem nặng bao nhiêu, đo áp huyết, sơ khám tình trạng tim mạch nhé.”

Hai gã kia gọi thêm hai người nữa vào. Họ nhấc bỏ ta xuống đất rồi đưa ra vòi nước ngoài sân cho ta rửa ráy. Ta rửa thật kỹ cho sạch hết mùi cứt dính trên mặt. Xong, họ bắt đầu đo từ bên này mai sang bên kia mai bằng thước dây thợ may; khênh ta lên rồi tròng dây quanh người, cân ta bằng cân tạ để cân heo hơi; rồi tròng dây của dụng cụ đo huyết áp quanh cổ ta để đo, mọi thông tin đều được ghi lại vào sổ và biên bản. Sau 15 phút, khi mọi chuyện đã hoàn tất, họ lại đặt ta lên bàn.

“Bây giờ chúng tôi sẽ lấy lời khai. Yêu cầu Kụ khai báo thành khẩn, đầy đủ và trung thực. Trả lời mọi câu hỏi chúng tôi đưa ra, không được khai báo sai lạc sự thật hay che giấu bất cứ điều gì. Ngoài việc ghi chép thì chúng tôi cũng sẽ ghi âm lại. Nào, chúng ta bắt đầu.”

“Kụ, họ tên gì?”

“Ta là Kim Quy, họ Kim tên Quy.”

“Ngày sanh?”

“Không biết.”

“Không biết là thế nào? Hãy cho biết thời gian ra đời, áng chừng cũng được, không cần phải chính xác.”

“Trên một ngàn năm tuổi.”

“Nguyên quán?”

“Có lẽ ở Bắc bộ, lưu vực sông Hồng.”

“Họ tên cha? Ông ấy còn sống không?”

“Không biết. Chắc đã chết rồi.”

“Vậy là vô danh nhé? Họ tên mẹ?”

“Vâng, vô danh. Mẹ cũng vô danh. Cũng chết rồi.”

“Anh chị em? Bà con nội ngoại gần xa?”

“Không có ai cả. Tuyệt đối không có một ai.”

“Chỗ ở thường trú hiện nay?”

“Trên mặt đất.”

“Phải khai báo địa chỉ nơi chốn rõ ràng! Số nhà, tên đường, thuộc xã, phường, quận huyện, tỉnh thành, quốc gia nào?”

“Ta không có địa chỉ cụ thể nhất định. Địa chỉ của ta là trên mặt đất! Chính xác là trên địa cầu.”

“Quốc tịch?”

“Không biết. Có kẻ bảo rằng ta thuộc giống Lạc Hồng hay Lạc Việt, nhưng ta thấy mình không thuộc quốc tịch nào cả.”

“Không quốc tịch ư? Giới tính?”

“Ta không nhớ giới tính mình là gì, đực hay cái, hay cả hai.”

“Yêu cầu nghiêm túc và thành khẩn. Giới tính gì?”

“Ta rất nghiêm túc. Ta không còn nhớ mình thuộc giới tính nào.”

“Giới tính chưa xác định. Cần phải xét nghiệm. Nghề nghiệp?”

“Nghề nghiệp chuyên môn của ta là làm ‘biểu tượng’, biểu tượng cho nhiều thứ giá trị, cụ thể lẫn trừu tượng.”

“Nghề làm ‘biểu tượng’ là nghề gì? Hoạt động ra sao, cơ quan nào chủ quản, chức vụ, mức lương? Biểu tượng là biểu diễn như người mẫu ư?”

“Không phải người mẫu. Ta không có cơ quan chủ quản, không có chức vụ chính thức, chỉ có tước danh là Kụ, không có lương, chỉ thi thoảng có nhận cúng dường của nhân dân, nhưng không phải tham nhũng. Ừ, biểu tượng thì cũng na ná như một loại nghề nghiêp nhưng không phải là làm người mẫu.”

“Chứng minh nhân dân, hộ chiếu... số mấy? Do ai cấp? Cấp ở đâu? Ngày tháng cấp? Bao giờ hết hạn?”

“Ta không có bất cứ một loại giấy tờ nào mà ông kể. Ta có một vài cái linh vị được nhân dân bày ra thờ cúng ở đây đó.”

“Đảng phái, là thành viên của đảng phái chính trị nào?”

“Không đảng phái. Không tham gia đảng phái nào cả.”

“Trình độ văn hoá? Bằng cấp? Ngoại ngữ?”

“Thất học, ta chưa từng đến trường, biết đọc nhưng không biết viết. Không bằng cấp. Ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Rùa nhưng đã lâu không sử dụng, ngoại ngữ chính là tiếng Việt, biết chút chút tiếng Tàu, tiếng Anh, không thông thạo lắm.”

“Tín ngưỡng? Có là tín đồ của tôn giáo nào không?”

“Ta theo đạo Rùa và thờ cúng ông bà; tuy nhiên, do không xác định được dòng dõi, cha mẹ là vô danh, nên ta tin thờ vào cái hư vô.”

“Cái hư vô là cái quái gì? Nhảm quá! Tình trạng hôn nhân? Họ tên vợ hay chồng, và con cái?”

“Hôn nhân là gì?”

“Tình trạng hôn nhân là hiện nay là có lập gia đình hay không, với ai?”

“Vậy thì ta không thể nhớ nổi mình có hôn nhân ở đâu và với ai chưa. Dường như ta có dan díu với ai đó hay ai đó dan díu với ta, ở tận bên Tàu thì phải, nhưng lâu lắm rồi. Có lẽ vụ này thì ta giống Cụ, vì cho rằng Cụ có vợ thì cũng đúng mà không có vợ thì cũng đúng. “

“Cụ nào nữa?”

“Cụ chủ tịch.”

“Chủ tịch nào?”

“Ông ấy kia kìa.” Ta nghếch đầu hướng về phía bức tượng bán thân ở đằng kia.

“À, ra thế. Không được quy chụp, nói xấu lãnh tụ, phát biểu bậy bạ, mất lập trường giai cấp. Vậy là không phải độc thân, tôi ghi là ly dị nhé?”

“Ừ, thì ly dị vậy.”

“Kẻ ấy bây giờ hiện ở đâu? Còn sống hay qua đời rồi? Có tái hôn không? Nghề nghiệp gì? Có tham gia đảng phái nào không?”

“Chắc là họ đều đã qua đời rồi. Ta không biết chi tiết nào khác.”

“Mấy con?”

“Con? Con gì?”

“Tất nhiên là con rùa rồi. Con là con cái đấy, Kụ có hậu duệ không?”

“Cho tới nay thì ta mơ hồ không nhớ rõ mình có đứa con cái, hậu duệ nào chăng, và chúng lưu lạc thất tán nơi đâu. Nhưng về mặt chính thức trên giấy tờ thì tuyệt đối không có, một mống cũng không. Thế, nếu có thì hậu duệ của ta có được liệt vào thành phần thần thánh và sẽ hưởng được bổng lộc như ta không?”

“Hưởng cái đạp vào mặt ấy. Vậy là có nguy cơ tuyệt tự rồi. Kụ có bao giờ tham gia thực hiện tiến trình ‘sinh sản vô tính’ không?”

“Chưa từng.”

“Tôi sẽ đề nghị cấp trên lưu ý đến việc này. Có khi vì lý do nào đó mà nhà nước sẽ thực hiện làm ‘sinh sản vô tính’ cho Kụ, có thể làm vì lý do nhân đạo chăng? À, mà không được, chỉ có thể là lý do bảo tồn thú hiếm, thú sách đỏ, thú sắp tuyệt chủng, chứ không thể là lý do nhân đạo hay chính xác là ‘quy đạo’ được.”

...

“Còn thành phần bản thân? Và thành phần gia đình của Kụ là gì nào? Bần nông, trung nông, phú hào, địa chủ, công nhân, sinh viên, tư sản, tiểu tư sản, trí thức? Gia đình có công với cách mạng không? Hay thuộc thành phần ác ôn, có nợ máu với nhân dân?”

“Nhân dân nào?”

“Tất nhiên là nhân dân Việt Nam rồi, chẳng lẽ là nhân dân Tàu à?”

“Vâng, vậy thì khai như thế này cho ta nhé, phải giữ đúng y như lời ta nói đấy. Thành phần bản thân của ta là ‘thần thánh’, có công lớn với cách mạng, là khai quốc công thần, có công lớn với nhân dân Việt Nam, và có nợ máu với Tàu, cụ thể là các chính thể của Tàu kể từ hàng ngàn năm trước.”

“Nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc là anh em, là đồng chí. Kụ không thể có công với một bên và có nợ máu với bên còn lại. Chân lý ấy không thể tranh cãi, nghe chưa?”

“Ta không tranh cãi với ông, nhưng cứ ghi vào biên bản như thế cho ta.”

“Kụ phải chịu mọi trách nhiệm pháp lý về những lời khai ngoan cố và phản động của mình đấy!”

“Đừng doạ ta. Ta nhất định khai như thế đấy.”

“Quá trình bản thân?”

“Quá trình bản thân là gì?”

“Là khai ra mọi hành vi kể từ khi ra đời cho đến bây giờ.”

“Vậy thì ta không thể nào nhớ hết. Không nhớ thì ta không thể khai. Thôi, xong chưa? Mệt rồi, ta đi ngủ đây.”

“Chưa xong đâu. Kụ có biết vì sao bị đưa về đây không?”

“Vì ta đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược.”

“Ai xúi giục Kụ đi? Kụ nhận tiền của ai thuê để đi biểu tình? Chống Trung Quốc hay diễn biến hoa nhài?”

“Không ai xúi giục hay thuê mướn gì ta cả. Ta đi vì thấy rằng đó là việc chính đáng cần phải làm và nhiều phần vì ta thấy vui. Ta cũng chưa quan tâm đến hoa nhài hay hoa bụp gì cả. Hôm nay chúng nó còn đạp vào mặt ta.”

“Thật không? Ai đạp vào mặt Kụ? Có thương tích gì đâu?”

“Ừ, không thương tích gì cả và ta cũng không có ý định kiện cáo; ta chỉ muốn nhắn với cái gã đạp ta là khi ra đường hãy nhớ nhìn kỹ xuống đất, nơi gã sắp đặt chân xuống, kẻo đạp phải cứt. Xứ kinh thành này, cứt của bọn ỉa vất vương vãi lổn nhổn phục kích khắp nơi, cũng nhiều ngang với bọn thạc sĩ, tiến sĩ ngành bảo vệ, à... ngành xây dựng... à,... đúng rồi, ngành xây dựng đảng..., sơ sẩy là đạp phải chúng ngay. Dép giày đạp cứt rồi mà chà lên mặt người khác thì tội cho nhân dân lắm đấy...”

“Có tâm tư nguyện vọng gì không?”

“Có, nguyện vọng lúc này là ta mong được ăn một chút gì đó rồi đi ngủ.”

“Được rồi, hôm nay tàm tạm vậy. Ngày mai làm tiếp.” Hắn quay sang các đồng sự: “Các anh đưa Kụ đi nghỉ. Nhớ theo chế độ số 1 đấy nhé.”

Chúng nhốt ta trong một cái hồ nhân tạo bé xíu. Chúng cử bác sĩ thú y chăm sóc thuốc men cẩn thận, và cho nhân viên có nghiệp vụ theo dõi mọi hành vi hằng ngày, thói quen, khẩu vị, tình trạng sức khoẻ thể chất và tinh thần của ta. Chúng còn ‘làm việc’ với ta vô số lần nữa. Chúng muốn thấu hiểu hết tất cả mọi điều về nhân thân, quá trình, tư tưởng, nói theo kiểu của chúng là tâm tư nguyện vọng, của ta. Chúng còn mua chuộc ta bằng nhiều thức ăn ngon và hứa hẹn một tương lai lâu dài và rực rỡ trong cái hồ bé tí đó, còn hứa sẽ cho ta sang Tàu để chữa bệnh ghẻ và chứng tâm thần phân liệt, thậm chí còn hứa sẽ làm quốc tang khi ta qua đời.

Chúng ghi lại trong biên bản rằng giới tính của ta là cả nam lẫn nữ, tuỳ thuộc vào sự tưởng tượng của kẻ tiếp cận. Chúng mời những tay thầy bàn có tài biện luận đến để lý giải thân thế của ta.

Có kẻ cho rằng ta là loài sang trọng, vì mai rùa phía trên giống như biểu tượng của mái vòm, cong cong như bầu trời, phía dưới thì lại phẳng như mặt đất; chừng đó cũng đã tiết lộ rằng ta là một biểu tượng hoàn chỉnh của vũ trụ.

Có kẻ còn lo xa mai này ta qua đời, chúng muốn đặt mua trước cái mai, giá bao nhiêu cũng mua, để dùng làm đồ nghề xem bói. Chúng còn đưa ta đến một tay chuyên nghiên cứu về rùa, gọi là nhà Quy Sĩ, để nghiên cứu ta.

Qua chúng, ta biết rằng tại Ecuador có một vùng quần đảo thật đặc biệt; ở đó, hàng vạn con rùa biển khổng lồ nằm chen chúc nhau trên các bãi cát, nên được gọi là Đảo Rùa, tiếng Tây-ban-nha là Galapagos. Kỳ dị là ở Galapagos còn có một “Cụ Rùa” được dân địa phương đặt tên là “George cô độc”, Cụ là cá thể duy nhất còn sót lại của một loài rùa tưởng đã tuyệt chủng. “George cô độc” được tách ra cho ở một khu riêng, và các nhà rùa học lâu nay cố tìm một bạn đời cho cụ để cụ khỏi tuyệt tự. Nghe thế lòng ta chớm lên niềm hi vọng.

Thôi kệ, ta có những ngày tháng khá nhàn hạ vì không phải lo đến sinh kế. Chúng thả cá và các loại ốc làm thức ăn cho ta, thực đơn thỉnh thoảng có thêm ếch nhái để đổi món; nhưng rồi ta cũng ngán các món thực phẩm được mớm cho ăn, chỉ thèm nhấm nháp chút mây trời in hình trong một cặp mắt đẹp.

Sau ba tháng điều dưỡng, nhưng thực ra là tạm giam để điều tra, các vết thương trên mai, cổ đã lên da non, triệu chứng nấm cũng tạm hết, vậy là những căn bệnh về thể chất gần như bình phục. Nhóm bác sĩ chữa trị cho ta đã ứng trực 24/24 để đảm bảo quá trình theo dõi, chăm sóc, chữa trị được an toàn.

Chúng cũng phát hiện ra đoạn gươm gãy trên lưng ta, nhưng không dám giải phẫu lấy ra, ngược lại, chúng còn giữ kín sự tồn tại của nó như một bí mật, bí mật quốc gia, không thể tiết lộ, vì điều đó có khả năng làm cho lòng dân hoang mang. Theo chúng, ổn định chính trị phải luôn là mục tiêu tiên quyết. Vả lại, có ai dám nhận lấy trách nhiệm làm công việc giải phẫu ấy đâu, lỡ mà ta có mệnh hệ gì thì làm sao mà gánh nổi. Chúng quan niệm rằng chỉ chữa chạy được đến đâu hay đến đó những chứng lặt vặt, còn các chứng trầm kha chí nguy thì để mặc. Tuy nhiên, chúng cũng làm các tiểu phẫu để lấy ba cái lưỡi câu nằm dưới bụng và trên cổ ta ra.

Một hôm, những tên công an cũ lại đến. Chúng bắt ta nhúng hai chi trước vào lọ mực đen rồi ịn vào bản cam kết không chống phá đảng và nhà nước, sau đó chúng mang ta thả về cái hồ cũ nay đang được nạo vét và làm sạch nước bẩn, cải tạo môi trường để đảm bảo các yếu tố thuỷ sinh, nhiệt độ, vi lượng... Ta nghĩ: mình có chống phá đất nước này bao giờ đâu; ta chỉ chống cái ác, cái xấu, và nhất là chống bọn Tàu có dã tâm xâm lược.

Chúng bí mật gắn gắn thẻ định vị ở đâu đó trên thân thể ta để tiếp tục theo dõi, và ra thông báo cho rằng ta là loài đặc biệt quý hiếm, thuộc nhóm trong danh sách các loài bị đe doạ tuyệt chủng, cấm mọi hành vi mua bán, vận chuyển.

Cho tới nay, sau khi xét nghiệm, chúng cũng không tiết lộ cho ta biết giới tính của ta. Ta quyết định rồi, ta sẽ lên đường đi tìm George. Vì sao ư? Vì ta chạm được vào nỗi cô độc của hắn; ta cảm nhận được nỗi cô độc của hắn đang mang trên thân phận chẳng khác gì nỗi cô độc của ta, chẳng khác gì cái mai mà ta và hắn cùng mang trên lưng.

 

(Còn tiếp)

 

 

-----------------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021