thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CON RÙA BÒ NGANG MẶT ĐẤT [7]

 

 

CON RÙA BÒ NGANG MẶT ĐẤT

Đã đăng: [1] - [2]
[3] - [4] - [5] - [6]

 

7.

 

Chiều hôm qua, ta lững thững đi vào khi thành phố vừa lên đèn. Con đường này trước đây là con đê cao, hai bên là ruộng. Hàng xe hơi giạt ra hai bên tránh đường cho ta. Đám xe máy thì trở đầu, chạy từ từ theo đuôi ta thành một đám rước. Chúng thấy ta là Cụ Rùa. Còn ta, ta thấy mình là một con khổng tượng.

Gió thổi mạnh làm hàng cây hai bên đường nghiêng ngả từng cơn. Mưa bắt đầu rơi. Chẳng mấy chốc mưa càng lúc càng lớn, nước dưới cống tuôn ồ ồ ra mặt đường, làm ngập hết những con phố hẹp, có đoạn ngập xấp xỉ một mét nước, giao thông hỗn loạn. Xe hút nước phải dùng bơm để đẩy nước từ làn đường bị ngập nặng sang phía ít ngập hơn để thông đường, các cửa hàng dọc các tuyến phố trũng thấp phải dùng ván gỗ ngăn nước trào vào nhà mỗi khi có ô-tô chạy ngang qua.

Dưới màn mưa, đoàn xe và người vẫn theo sát sau ta thành một đám rước. Đám xe gắn máy dần dần chết máy, người ta vất xe lại, lội bì bõm. Vài đứa trẻ ngồi trên mấy chiếc xuồng tự chế bằng mốp chèo theo.

Một bà cụ vừa lội vừa kéo một sợi dây, đầu kia sợi dây cột vào cái thau nhựa lớn, trên thau là một thằng nhóc còm nhom, ở trần, chỉ mặc cái quần đùi thun, thằng nhóc đang chơi với năm con chuột con mới đẻ, còn đỏ hỏn, để trong một cái thau nhôm nhỏ. Nó thả cái thau nhôm trên mặt nước làm thuyền, chiếc thuyền có năm thuỷ thủ.

“Nào, tiến lên các đồng chí. Sẵn sàng nhé, sẵn sàng nã đạn vào quân xâm lược dã man. Thề nào, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh!”

“Mày nói nhảm nhí gì thế hở Tỏi?”

“Cháu đang điều quân bảo vệ tổ quốc! Bảo vệ tổ quốc không phải là chuyện nhảm nhí đâu bà à.”

“Ừ, không phải chuyện nhảm nhí. Nhưng cẩn thận đấy, dù là yêu nước hay bảo vệ tổ quốc hăng say đến mấy thì cũng phải cẩn thận, kẻo nhào đầu xuống nước mà không ai kịp cứu đâu đấy!”

“Bà ơi, bà có thích chiến hạm của cháu không?”

“Chiến hạm nào?”

“Chiến hạm này này. Cháu là đô đốc hạm trưởng đang điều khiển chiến hạm ra khơi chống xâm lược. Còn đây là tàu tuần duyên và hộ tống chiến hạm của cháu.” Nó chỉ vào cái thau có năm con chuột.

“Tỏi chơi bẩn quá. Ai lại chơi với chuột bao giờ?”

“Không phải là chuột đâu, bà à. Chúng là thuyền trưởng và thuyền phó đấy. Đồng chí thuyền trưởng tên là Quyết Chiến, còn đồng chí thuyền phó là Quyết Thắng, còn hai đồng chí này Quyết Liệt, Quyết Tử, còn đồng chí này thì cháu chưa kịp nghĩ ra tên. Chơi với bọn nó vui lắm bà ạ. Bọn nó không bao giờ cãi lệnh đô đốc đâu.”

“Mày chỉ giỏi nói nhăng nói cuội, con à...”

“Bà ơi, mình đi đâu đây?” Thằng bé hỏi bà.

“Mình theo Cụ, cháu à.” Bà chỉ vào đoàn người bì bõm đằng trước.

“Cụ trông giống con rùa to quá. Mà Cụ đi đâu thế bà?”

“Bà không biết, cháu à. Làm sao bà biết được là Cụ sẽ đưa chúng ta đến đâu, nhưng dân ta luôn luôn một lòng theo Cụ.”

“Tỏi cũng một lòng theo Cụ chiến đấu bà ạ.”

Ta cảm động dù biết ở đây có sự ngộ nhận, lúc này ta không phải là Cụ như họ nghĩ.

Ta rẽ qua một con phố lớn. Ta có một người bạn cũ ở con phố này. Theo cách hiểu thông thường thì ông là đồng nghiệp của ta, nghề của bọn ta làm lịch sử cho tới khi về hưu thì làm “biểu tượng”.

Khi đến trước nhà ông, ta dừng lại, ta muốn vào thăm ông. Tên lính canh trên cái chòi gác trước ngôi biệt thự xua tay ra hiệu cho ta không được phép dừng lại. Ta đứng tần ngần chưa rời đi. Hắn chĩa súng xuống, lên đạn, vẻ mặt căng thẳng. Thế là sao, ta không được vào thăm bạn cũ ư?

Có thời ông từng là Tổng tư lệnh quân đội, giờ thì ông đã về hưu, trở thành biểu tượng cho truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc. Ông góp tay làm kết thúc hai cuộc chiến với hai cường quốc mạnh nhất thế giới. Người ta, đúng hơn là những kẻ từng là kẻ thù của ông, cho rằng ông không chỉ là một huyền thoại mà có lẽ còn là một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20, là một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại: ông nâng việc binh lửa chiến chinh lên thành một nghệ thuật - nghệ thuật chiến tranh. Để làm được điều đó, ông nướng mất chừng nửa triệu binh sĩ, dù chính ông chưa từng ra trận. Công trạng hiển hách là vậy, vậy mà có thời chúng chơi đểu, chúng từng làm nhục ông. Ông chưa từng quỵ ngã với bất cứ kẻ thù ngoại xâm nào, nhưng không ít lần ông bị nếm đòn thù và làm lơ bởi chính bọn đồng chí và hậu bối của mình, chúng không xem sự hiện diện của ông ra gì. Chúng buộc ông làm một công việc khốn nạn của một tay thư lại quèn khi ông thất thế. Ông cắn răng chịu nhục khi bị bọn hoạt đầu và lưu manh chính trị đẩy ra ngoài lề quyền lực, và bất lực nhìn những người thân tín bị chúng bách hại. Trên đất nước này, ông là người thâm cảm chữ “nhẫn” hơn ai cả. Đó cũng là điều mà chúng gọi đểu là nhân cách cao cả của một vĩ nhân trước các biến cố thời cuộc.

Một phần lớn nhân dân yêu kính ngưỡng vọng ông. Một phần cũng lớn không kém là những kẻ chỉ lợi dụng tên tuổi ông. Lòng yêu kính đó được thể hiện không chỉ trên mọi phương tiện truyền thông hiện đại nhất, mà còn bằng những lời kể mộc mạc bên bếp lửa bập bùng đêm đêm ở những làng bản xa xôi của người thiểu số, những phận mệnh người vừa rời khỏi đời sống trong hang động không lâu.

Giờ đây ông gầy đét, hom hem như một cái xác ve. Lẽ ra ông không còn sống nữa nếu ông là một cụ già bình thường sống đến trăm tuổi, tuy nhiên ông còn cầm hơi được đến tuổi này là nhờ được chăm bón hằng ngày bằng các loại sâm hảo hạng và đủ mọi phương pháp y học tối tân nhất để duy trì sự sống.

Mỗi khi lễ lạc hay dịp đầu năm thì chúng lũ lượt đến thăm ông. Từng đoàn, từng đoàn, hết đoàn này đến đoàn khác. Ta thấy ông nằm yên trên giường, từ bụng trở xuống là một tấm chăn mỏng đắp hờ che phần hạ thể. Ông chỉ mặc áo. Trên ngực áo đính đầy huân chương, huy chương và ngôi sao. Dưới tấm chăn ông không mặc quần, chỉ đeo một cái tã dành cho người lớn, giống như loại dành cho trẻ con, nhưng to và dày hơn. Người ta không mặc quần cho ông vì thấy không cần thiết. Có kẻ nào cả gan dám giở cái tấm chăn ấy ra để xem cái gì bên dưới ấy đâu. Đây là thời có lúc con người không khác chi một món hàng giữa chợ, người ta chỉ quan tâm đến phần nào tốt đẹp, bóng bẩy để bày ra ngoài thôi, dân chạy hàng chợ gọi thao tác này là “làm mặt”.

Chúng vây quanh giường ông, cười cười nói nói, cung kính nâng tay ông lên bắt, thậm chí còn nín thở cúi xuống ôm ông, hôn lên trán ông, rồi chụp ảnh. Ông cũng cố rặn ra một hai nụ cười ngô nghê. Chúng ca ngợi ông bằng những lời tán tụng mà ông hiểu rằng đầy sự giả dối, sáo mòn và ngớ ngẩn. Ông cũng thều thào ậm ự đáp từ bằng những lời hoa mỹ, sáo rỗng không kém cho phải phép. Hôm sau, hình ông sẽ hiện diện trên trang nhất của hầu hết hàng trăm tờ báo với những dòng tít như: “Thống soái đã thay đổi vận mệnh đất nước”; “Thống soái sống mãi trong lòng dân tộc”; “Thống soái mất đi là niềm tiếc nuối không nguôi của toàn dân”; “Sức khoẻ thống soái đang được phục hồi rất khả quan”; “Chúng ta sẽ ra sao nếu ngày mai không còn Thống soái?”; “Toàn dân quan tâm đến tinh thần của Thống soái hơn cả sự trồi sụt của giá vàng”; “Chúng ta chờ lắng nghe những lời thơ can trường của Thống soái vào dịp đầu xuân”; “Cách mạng sẽ không còn là cách mạng nếu chúng ta không còn Thống soái”; “Tên của Người hoà vào máu thịt của hàng triệu người”; “Toàn thể phụ nữ đồng lòng vinh danh Thống soái”; “Hãy sanh cho tổ quốc những đứa con dũng mãnh như Thống soái”; “Cuộc đời Thống soái là một bài thơ bất tử”, vân vân.

Ông căm ghét những chuyến viếng thăm, những bài báo, những lời nhắc nhở đại loại như vậy về sự hiện diện của mình, nhưng ông không cưỡng được chúng. Ông không chịu nổi ý nghĩ rằng mình đang bị lãng quên như đã từng chứng kiến sự lãng quên của biết bao kẻ khác, những kẻ cùng thời đã qua đời và đang trôi khuất. Tuy nằm một chỗ ở đây, ông vẫn nghe tiếng vọng lại khi người ta hô vang tên ông trong những cuộc biểu tình ngoài phố. Ông tự nhủ, “Ta chưa chết, vì chúng vẫn còn nhớ tới ta.” Ông thấy vui vì điều đó.

Thống soái nghĩ, sống lâu là một nỗi nhục, một nỗi nhục thầm lặng chỉ mình mình biết, không thể chia sẻ với ai. Người sống lâu chẳng những chỉ có nỗi buồn riêng là phải chứng kiến quá nhiều chuyện chướng tai gai mắt, mà còn phải chứng kiến quá nhiều người tốt ra đi. Tệ hơn nữa, ông chứng kiến nhiều người bị chính cái họ tạo ra: “cách mạng”, ăn thịt. Cách mạng ăn thịt những kẻ tạo ra nó và những kẻ do nó tạo ra. Vì sao? Vì sau một cuộc cách mạng thành công thì nó không cho phép bất cứ cuộc cách mạng nào khác xuất hiện, ra đời, sau nó. Nó là cuộc cách mạng độc quyền, duy nhất và cuối cùng.

Đôi khi, ta chui vào những giấc mơ của ông.

Đừng tưởng nhầm rằng những giấc mơ của một vị danh tướng hẳn là phải dữ dội, đẫm máu như đời sống của ông. Không đâu, các giấc mơ của ông thường rất lành, thường có bối cảnh của thời thơ mộng trai trẻ. Nếu không là một buổi chiều êm đềm với người yêu, bên con suối róc rách hiền hoà trong chiến khu, thì cũng một đêm trăng nào đó đi bên nàng giữa lòng thành phố thời bị tạm chiếm. Nhiều khi các giấc mơ không có hình ảnh gì rõ rệt, mà chỉ có mùi. Khi thì mùi hoa lài thơm ngào ngạt, khi thì mùi mồ hôi lẫn với mùi dầu dừa thoang thoảng trên mái tóc một người nữ nào đó.

Ông vẫn có những giấc mơ ngắn và rối rắm. Ông không chịu nổi các giấc mơ nhạt nhẽo. Chúng tra tấn thần kinh của ông. Ông thấy mình không điều khiển hay định hướng được chúng. Ông nhận biết nỗi bất lực đau đớn: trong một thời điểm nào đó, khi đã lên được đến vị trí có trong tay tuyệt đỉnh quyền lực, cá nhân có thể định hướng cho cả một cộng đồng đông đảo, thậm chí cả một dân tộc, theo ý mình, bằng mọi giá, nhưng lại hoàn toàn tuyệt vọng với ý muốn định hướng giấc mơ của mình dăm phút ngắn ngủi trong lúc tàn đêm. Các giấc mơ trơn tuột như thân thể loài lươn, không thể nắm bắt.

Có nhiều đêm ông mơ cùng một giấc mơ với ta, như lúc này chẳng hạn, ông đang thấy mình là con khổng tượng có đôi ngà cong vút, lông lá phủ dài khắp người, bước từng bước đủng đỉnh, ngang nhiên, khệnh khạng vào thành phố.

Ông thấy ông dừng lại trước cửa ngôi biệt thự cổ là dinh thự của chính mình, cất một hồi rống làm chấn động cả vùng, rồi thản nhiên đái vào một gốc cây bên đường. Nước từ cu ông tuôn ra nhanh mạnh. Càng đái thân thể khổng tượng càng vươn cao to lên, vươn cao lên mãi tới tận lưng chừng trời. Khổng tượng khinh bỉ nhìn xuống cái nhân gian thấp bé tầm thường. Vòi nước tuôn xối xả, sủi ngầu bọt, sôi réo, thành thác lũ, làm những cao ốc trong thành phố ngập ngụa chìm dần chìm dần. Ngôi biệt thự đổ sụp xuống cùng hàng trăm ngôi nhà khác giữa con nước xoáy. Đám xe ô-tô bị thổi giạt đi như những chiếc lá, nhiều chiếc bị cuốn xuống hồ, lật ngửa, chổng bốn bánh lên trời, trôi ra sông, rồi ra biển. Cái giường trải drap trắng mà ông đang nằm nổi lên bềnh bồng rồi trôi đi vùn vụt, vùn vụt, càng lúc càng nhanh, rồi mất hút khỏi tầm mắt trong nháy mắt. Khổng tượng quỵ hai chân trước xuống, cặp ngà chống xuống đất từ từ rạn gãy ngay tận gốc. Tiếng rạn gãy lắc rắc nhỏ, đều đều, lớn dần, lớn dần, xói vào tai ông.

Ông giật mình thức giấc, mồ hôi tháo đầm đìa, cái tã bên dưới mông ướt sũng. Ông trở mình, cái tã kêu lẹp nhẹp. Không thể ngủ lại vì ướt, vì ngứa ngáy, và mùi khai hoăng, ông thở thoi thóp mệt nhọc, trằn trọc mãi, nhưng không gọi bọn người làm vào giúp thay tã cho.

Ông chờ một giấc mơ mới.

Ông nằm trong bóng tối, chờ một giấc mơ mới, cho dù có thể đó là một giấc mơ đau đớn kì dị, như gã thợ đào huyệt ngồi với cái xẻng xúc đất, chờ lúc lấp chôn cỗ quan tài, của chính mình.

Nó đến rồi, một giấc mơ khác, giấc mơ lúc tàn đêm. Ông thấy mình là một con cá khổng lồ, thân đỏ rực, quẫy lượn, rẽ nước như tên bắn, rồi tung mình lên không, bọt nước trắng xoá, trùng trùng đại dương, bầu trời chớp giăng, vần vũ những đám mây trôi vùn vụt.

 

(Còn tiếp)

 

 

-----------------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021