thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CON RÙA BÒ NGANG MẶT ĐẤT [9]

 

 

CON RÙA BÒ NGANG MẶT ĐẤT

Đã đăng: [1] - [2] - [3]
[4] - [5] - [6] - [7] - [8]

 

9.

 

Cho đến những ngày này ta chưa từng thấy biển. Cả ngàn năm tuổi ta chỉ quẩn quanh trong đất liền.

Với ta, đại dương vẫn là một điều bí ẩn, và đe doạ. Kể cũng lạ, không chỉ riêng mình ta thôi, mà cả Việt tộc sống trên dải đất trải dài bên bờ Thái Bình Dương này, cả các triều đại, các chính thể nối tiếp đều như nhau: thảy đều quay lưng lại với biển. Thảy đều không có tâm thức vươn ra biển để tìm đến những khao khát ở ngoài chân trời xa xôi bát ngát kia, ngoại trừ những người dân chài dũng cảm, nhưng nghèo khó.

Mãi cho đến cuối thiên kỷ vừa qua, người ta lại tuôn ra biển, nhưng không phải ra để lấy về của cải từ biển, mà đó là cuộc cuống cuồng chạy trốn để truy tầm một tương lai mù mịt, một tương lai chưa từng biết, ở bên kia bờ đại dương. Hàng trăm ngàn sinh mạng đã vùi sâu không tăm tích dưới mặt nước.

Ngẫm cho cùng, với dân tộc này thì biển không chỉ là mặt nước, xanh và mặn, mà còn là một cái nghĩa trang mênh mông không bia mộ, khi chập chùng bão tố, khi lặng ngắt u uẩn.

 

*

 

Ta dẫn thằng cu Tỏi ngồi trên cái thau nhựa to, giả làm chiếc chiến hạm, kéo theo cái thau nhôm nhỏ trong có năm con chuột con còn đỏ hỏn, giả làm chiếc tàu nhỏ và thuỷ thủ đoàn, cùng ra khơi, về hướng đảo Lý Sơn. Trước mặt ta là năm ngọn núi nhô lên giữa biển. Chúng ta đến đảo vào lúc tờ mờ sáng. Vất cái thau nhựa lại trên bãi cát, ta và Tỏi và năm con chuột đi dần vào bờ.

Ta nằm áp bụng thật sát xuống mặt đất, nhận lấy hơi nóng từ cát toả lên. Quanh đây, rễ cây cắm xuống lòng đất khô nẻ, hút dưỡng chất để sinh ra trái ngọt. Những quả dưa hấu tròn thuôn, vỏ xanh mướt, nằm lổm ngổm đây đó. Cách nơi này một cánh đồng mà người dân trồng hành tỏi là tới biển.

Gió đưa sóng vào, rồi cuốn ra. Ta nương theo âm thanh của gió ra thật xa. Ta nằm yên như thế thật lâu, cảm nhận từng tế bào trong thân thể như đang tan rữa từng chút một, thấm vào lòng đất, cho tới khi ta không còn là một sinh thể, không còn là ta, mà thành đất, với đất, là đất.

Loanh quanh mãi đến trưa, ta tìm được ngôi chùa cổ trong một hang động khoét vào lòng núi. Bãi cát trước mặt sẫm màu xám đen, dài trăm thước. Dưới nắng chang chang, dăm dáng người đang lui cui mò cua bắt ốc từ trong bờ cạn ra đến tận mép nước. Giữa không gian trời biển, mỗi thân phận con người là một chấm nhỏ li ti. Thành quả của một ngày mải miết lom khom vất vả của họ sẽ làm được một đĩa mồi hải sản trên bàn nhậu của bọn người thành phố.

Trong những ngày ở lại đây, ta thường tha thẩn giữa những hàng mộ gió vô danh. Chúng nằm san sát bên nhau, trùng điệp nhấp nhô như những ụ mối to, có đôi cái được che chắn bằng phên lá sơ sài. Ta tìm được những cỗ quan tài rỗng, bên trong lớp gỗ mục không còn lại gì, chỉ có chuột. Ta thả mấy con chuột con vào, để chúng chơi với bọn chuột trong đó. Ta nằm lặng lẽ nhìn chúng rúc rích với nhau.

Có lần ta moi đào rồi chui vào một ngôi mộ vì tò mò muốn xem cái gì bên dưới, thì gặp một hình nhân – thứ hình nhân để thay thế xác người. Ngôi mộ có lẽ đã có từ hàng trăm năm rồi, vậy mà hình nhân bên trong gần như còn nguyên, nằm duỗi dài như một thân người thật. Thân hình nhân làm bằng đất sét, khung xương bằng cành dâu đã mục. Khi ta chạm vào, mớ áo xống liền tan ra thành bụi.

Thằng Tỏi luôn tha thẩn theo ta, nhiều hôm nó cứ nằm miết dưới bóng cây râm ngó mông ra biển, trầm ngâm, không hiểu nó đang nghĩ gì.

Tiếng ngâm nga não nuột của người đàn bà nào đó trên hàng dương vọng lại:

Mãn mùa tu hú kêu thanh
Cá chuồn đã vãn sao anh chưa vềềềềề...

Tiếng hò dứt nghẹn một lát lâu, rồi một giọng khác cất tiếp, vọng lại, mơ hồ:

Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn
Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây...

Có đêm ta thấy mình trên chiến thuyền theo hải đội triều Nguyễn trở về từ Hoàng Sa, nằm giữa những đòn bó xác người bằng chiếu. Nhiều thuỷ thủ chết trong chuyến hải hành, đồng đội cố mang xác về nhưng đường còn xa quá, đành làm lễ thuỷ táng cho họ. Chút muối, chút gạo, vài nén hương thắp vội. Đòn bó xác được nhẹ nhàng thả xuống mặt nước, xoay xoay, rồi chìm mất.

Trong ánh chiều tà nhá nhem, ta ghé qua một ngôi miếu nhỏ nhằm lúc đang có một buổi lễ cúng vía. Ngoài sân là vài tấm bia xi-măng rêu phong khảm hình thần hổ bằng mảnh sành xanh. Ta bò vào trong, giữa những tấm linh vị đỏ chói của những người vị quốc vong thân. Ta thấy một người đàn ông vận áo dài xanh, khăn vành trắng đứng làm chủ lễ. Ông khấn niệm rì rầm trước bệ thờ, rồi xướng lên một câu, những người dự lễ sì sụp bái lạy khấn theo. Trong đám người xúm xít, không chỉ có người lớn mà còn cả đám trẻ loắt choắt còi xương. Bát hương đang nghi ngút khói không dưng bùng lên, bốc cháy phừng phừng, thành lửa ngọn. Vong hồn lũ lượt hiện về, quần tụ chập chờn trong ánh lửa.

Ta đưa Tỏi lên đồi Thới Lới. Con đường vòng vèo, một bên là sườn đồi khô trơ vách đá, bên còn lại là vực thoải, kéo dài ra tận chân biển. Ta dừng lại ở một khúc quanh, nhìn ra khơi. Từ điểm này đi về hướng Đông một ngày một đêm là đến Hoàng Sa; chếch ra ngoài một chút, đi miết bốn ngày bốn đêm là đến Trường Sa. Vào thời triều Nguyễn, nếu theo hải đội Hoàng Sa thì chuyến hải hành dài hơn cả chục lần, tuỳ theo mùa biển động hay biển lặng.

Một cái lô-cốt nhô lên bên đường, dường như vừa mới được xây xong không lâu. Dưới xa, có tiếng súng cắc-bụp của lính tập bắn, từng phát nổ rời rạc dội vào vách đá. Thằng Tỏi mỏi, muốn dừng lại nghỉ chân ở nơi cách đỉnh đồi chừng 300 mét. Nó nằm, gối đầu lên mai ta, nhìn xuống chân sóng.

Tỏi hỏi: “Hôm đó tại sao họ biết chắc rằng đảo sẽ mất mà lại để mặc cho bọn cháu phải chết? Cái chết của bọn cháu có ý nghĩa gì? Hay họ mong chờ lòng nhân từ của bọn khát máu ấy tha mạng cho bọn cháu? Hay họ thí quân vì mạng bọn cháu quá rẻ rúng bèo bọt?”

Ta không thể trả lời.

“Tại sao lại có lệnh ‘chỉ được xáp lá cà bằng lê’?[*] Dùng lê để đánh giáp lá cà với tàu chiến trang bị súng máy và đại bác ư? Kụ có hình dung ra cảnh tượng điên rồ ấy như thế nào không? Sau này có kẻ làm thơ ví von bọn cháu thành hình tượng văn chương sang trọng ‘như một tràng hoa biển’.[*]

...

“Kụ hiểu không? Bọn cháu là công binh, không phải là đơn vị chiến đấu, gần như không có khả năng và kinh nghiệm chiến đấu. Hôm đó không phải là một trận chiến, mà là một cuộc thảm sát. Người ta chỉ gọi là trận chiến khi có sự đối kháng giữa hai bên. Ở đó không có đối kháng. Chỉ một bên bắn giết bên còn lại. Không có một phát súng nào bắn trả, dù bắn trả trong tuyệt vọng. Chỉ có người đưa ngực ra hứng đạn. Bọn cháu đứng nắm tay nhau giăng ngang làm hàng rào quanh góc đảo, che chắn cho ngọn cờ sau lưng, nhưng chặn làm sao được chứ? Chẳng khác gì đứng làm bia cho tàu chiến của chúng. Chúng hò hét ‘Tả lơ! Tả lơ!’. Đạn đại liên cày xuống mặt nước làm sủi bọt ùng ục thành những ngọn sóng máu. Đứa bên phải vỡ sọ ngã sấp, đứa bên trái nảy tưng người lên khi trúng đạn, không khác gì những con vật lần lượt bị giết thật nhanh trong lò sát sinh. Cả bọn đứng nghiến răng, mắt trừng trừng, dại đi, chờ cái chết. Nỗi căm hận man rợ biến thành một cơn đồng thiếp câm lặng.”

...

“Anh thiếu úy giữ cột cờ thét to, ‘Thà hy sinh chứ không để mất đảo!’ máu từ ngực anh trào ra, rồi quỵ xuống cách cháu chừng hai sải tay. Cháu lội nhanh đến, một tay ôm ngang lưng anh, một tay níu giữ cột cờ không để ngã. ”

Tỏi nấc lên khóc, không kiềm hãm.

“Tàu của chúng cứ lừ lừ tiến gần đến. Bọn cháu không đứa nào quay lưng chạy. Không thể chạy, không muốn chạy. Nước ngập hơn thắt lưng. Nắng loá mắt. Cháu ràn rụa nước mắt, không thấy gì nữa. Chúng đến rất gần, chỉ còn chừng mười thước, trong tầm ném lựu đạn. Rồi cháu trúng đạn, chìm xuống và ngất đi.”

...

“Các anh ấy chết. Chết gần hết. Chỉ vài người sống sót thôi, Kụ ạ.”

...

“Giờ đây, ngày này là ngày giỗ của họ. Họ còn trẻ lắm, vậy mà... xác thân trai trẻ đã tan rữa hết rồi.”

...

“Chỉ những người trong gia đình là biết với nhau thôi. Không còn ai nhớ! Đó là câu chuyện không được ai kể, họ cấm, trong một thời gian dài. Nhưng cháu nghĩ có nhớ cũng vậy thôi, chẳng để làm gì. Cháu nghĩ đến chuyện làm một khu mộ gió cho riêng họ. Người ta có làm lễ tưởng niệm và cúng cầu hồn cho anh em cháu ở trong đất liền... Điều quan trọng là chúng ta không thể để một chuyện khốn nạn như thế này xảy ra lần nữa.”

...

“Cháu cứ băn khoăn mãi điều này, thật là ngớ ngẩn, sau 23 năm ngâm dưới nước biển thì thịt xương của con người có còn chút gì không, còn lóng xương nguyên vẹn nào không? Vong hồn họ đã siêu thoát chưa, hay còn vất vưởng đâu đó dưới làn nước xanh sâu lạnh lẽo kia? Chỉ còn cháu và vài người sống sót trong hôm đó. Những người còn sống có một trách nhiệm – là trách nhiệm sống và nói ra sự thật, thay cho những người đã chết!”

...

Kể cho ta nghe xong câu chuyện thì Tỏi không còn là thằng bé với năm con chuột. Nó già quắt đi thật nhanh trước mắt ta. Nó thoắt biến thành một gã trung niên gầy gò, tóc bạc trắng từng chòm xơ xác, da sạm mưa nắng, run rẩy, bất lực trước những khổ đau của cuộc đời.

Chiều tắt nắng. Những ngôi sao đầu tiên lấp lánh hiện ra trên bầu trời. Tỏi thiếp dần vào giấc ngủ. Trong cơn mơ chiều, nó băn khoăn chẳng biết thịt xương của anh em nó, đồng bào nó, có còn chút gì không? Những lóng xương nằm dưới biển Đông đã hoá thạch chưa? Còn lại chút gì không?

 

*

 

Ta là kẻ đa nhân thân, đa nhân cách, là kẻ có một thân thế được gán ghép mù mờ, thoắt ẩn thoắt hiện, khi thế này khi thế khác. Ta bò ngang mặt đất, rồi ra khơi. Ta bơi qua biển rồi biến mất. Ta chẳng bao giờ siêu thoát!

Có khi cái-còn-lại của ta là những mẩu vôi vụn, là mảnh của chiếc mai khô vỡ. Vậy ta có cần cái-còn-lại của mình không? Ta nghe tiếng gió lùa qua mảnh mai vỡ của mình và những lóng xương đây đó của con người. Gió u u, hiu hắt.

Một thứ huyền sử được biến thành lịch sử. Lịch sử của dân tộc luôn ở trong sự tương quan khốc liệt với những quốc gia thù địch qua từng giai đoạn, trong đó gay cấn khắc nghiệt nhất là những cuộc chiến chống lại kẻ thù truyền kiếp đến từ phương Bắc.

Hôm nay, trước mặt là nỗi đe doạ trở thành một dân tộc nô dịch không chỉ trong mười năm, trăm năm hay ngàn năm, mà có thể là vĩnh viễn. Một thứ nô dịch tàn khốc và tinh vi. Nó sẽ vắt cạn kiệt tài nguyên, nguyên khí quốc gia. Nó sẽ chiếm trọn từ từng giọt máu trong mỗi thân thể con người đến những thứ trừu tượng như tâm thức con người, nền độc lập của tổ quốc.

Lúc này ta lo lắng và đau lòng quá. Ta linh cảm thời gian sắp tới sẽ là những ngày tháng tàn khốc.

Ngủ đi Tỏi.

Ngủ đi những Tỏi. Ngủ với ta, dưới trời sao đêm nay. Đêm không thể nào dài mãi. Ta muốn nói với cháu rằng hãy đổ máu lần nữa để từ chối làm tôi mọi cho bọn Đại Hán! Từ chối bị đối xử như súc vật chứ không như con người với đầy đủ phẩm cách và nhân vị!

Ngày mai thức dậy. Hãy lao ra biển với mọi tiềm lực và quyết tâm, đó là phương cách duy nhất để chúng ta tìm lại tương lai.

 

(còn tiếp chương cuối)

 

_________________________

[*]Trích từ bài thơ “Chân Sóng” của Thanh Thảo.

 

 

-----------------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021