thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ĐĨ THÚI & PHẦN CÒN LẠI Ở ĐỜI SAU [Vĩ thanh]

 

Đã đăng: [1-5] / [6-10]

[Vĩ thanh]

& PHẦN CÒN LẠI Ở ĐỜI SAU

 

Người ta tìm thấy thằng cu, cái hĩm trong rừng Mỹ Sơn vào khoảng những năm cuối thế kỷ 19, khi chúng đã hóa đá sau hàng ngàn năm ngất xỉu từ một cú đâm thấu suốt vào nhau. Cuộc ngộ nạn tuyệt đối này thật ra đã có một lịch sử rất lâu hơn thế, và nó mang lại cho con người một niềm cảm hứng nghệ thuật và tôn giáo bất tận. Nhưng mặc kệ các loại nghệ thuật và tôn giáo, thằng cu – cái hĩm đã đi xuống âm phủ và ở đó chúng tìm thấy linh hồn của mình.

Các nhà phục chế của thực dân Pháp đã đến Mỹ Sơn và họ làm sống lại cái thể xác của thằng cu – cái hĩm. Nhưng các nghi thức thần thánh để con người vươn tới cực lạc và viên mãn đã vĩnh viễn không còn nữa. Sự giao hoan của con người trở thành hoài niệm và chìm đắm trong thời gian.

Tôi từ dưới đất chui ra và đi tìm một cái lỗ huyệt để chui vào. Ở Mỹ Sơn, những cái lỗ huyệt được kính trọng như những vật thể hiển linh. Nó cai quản mùa màng nhưng việc cúng tế trời đất lại được giao cho những thằng cu như tôi. Vì thế, những thằng cu lại trở thành quan trọng như những phúc lộc của thiên nhiên ban tặng cho con người. Ở Mỹ Sơn, chúng tôi ăn ngủ, chăn nuôi súc vật, gieo trồng và thánh chiến. Chúng tôi luôn luôn thánh chiến. Chúng tôi gọi là thánh chiến mọi cuộc tranh dành và chiếm hữu. Đất đai và nô lệ. Tập thể và cá nhân. Kể cả với một cái hĩm hay thằng cu.

Thằng cu, bản chất là một cây gươm. Tôi được sinh ra từ một cái lỗ huyệt sau một buổi tế lễ của cha mẹ. Tuy nhiên, tôi luôn luôn là một đứa bé mồ côi. Và tôi hồi hướng đấng sinh thành bằng cách đi tìm cái lỗ huyệt của mình. Tri ân và phụng hiến. Cuộc thánh chiến của tôi vì thế cũng là một truy vấn về căn nguyên và cứu cánh tôi. Nhưng tại sao chúng tôi lại tàn lụi như những phế tích, khi chúng tôi luôn luôn thánh chiến? Đó là một câu hỏi không ngừng ám ảnh tôi.

Tôi xuống âm phủ.

Âm phủ giống như cái cối xay đá. Tất cả mọi linh hồn đều bị chà xát bởi một bóng tối. Tất cả mọi thiền định đều dối trá. Mọi minh triết đều lừa đảo. Khi linh hồn tan ra, chủ nghĩa duy mỹ tụng kinh gõ mõ. Tôi bước từng bước trong cái rãnh của cối xay đá, lập ngôn cho tôi.

Tôi nói “Đây là tôi”. Tức thì, những giọt máu văng tung toé và lóng lánh âm vang “Đây là... Đây là...”. Những bóng ma xuất hiện và chúng đầy chật tôi. Âm phủ lúc ấy chỉ là những phóng ảnh của tôi. Bọn chúng không mang số tù và hỗn độn bốc mùi.

Âm phủ hay háng có khi là một, có khi là nhiều và tách bạch nhau.

Ở đây, các loại ngôn ngữ khác biệt trở nên phổ quát. Vì thế “Háng” sẽ được viết là “Hang” trên tấm bảng chỉ đường và có thể hiểu theo cả nghĩa tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Nó mặc định nơi chốn và tình trạng. Trước hết, nó là một cái hang và hình thái của nó là treo, móc, bị treo, nhưng cũng là đi dong... đồng thời biểu hiện cách làm, cách treo, dốc, đường dốc, khái niệm, sửa lại cho vừa... Theo cách ấy, âm phủ là nơi con người bị treo trong hang/háng nhưng đối với tôi, háng hay hang đều biểu thị một âm tính mạnh mẽ.

Tôi phân vân không biết nên đi về háng của những Đồ Chiểu, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Trần Thủ Độ, Lý Công Uẩn, Nguyễn Huệ... hay háng của Kiều Nguyệt Nga, Thúy Kiều, Thị Nở, Cúc Hoa...

Tôi nhắm mắt để chảy tự nhiên về nơi tôi sẽ phải tới.

Một cái hĩm non hỏi: “Anh có thấy đôi mắt em buồn không?”

Tôi bảo: “Buồn ngược với cái miệng rất tươi của em.”

Hĩm non giải thích: “Vì đôi mắt em nhìn mưa.”

Bất chợt tôi sến chảy nước nhìn thấy toàn bộ cái hĩm ấy là một cơn mưa. Cái cổ dài ba ngấn ngóng mưa. Tóc ướt mưa. Đôi môi ngậm mưa. Đôi tai mỏng nghe mưa. Cánh mũi phập phồng mưa.

Hĩm non nói tiếp: “Sâu thẳm.”

Tôi hơi bất ngờ. Đôi mắt em nhìn mưa sâu thẳm. Tôi điên cuồng nói: “Anh muốn mưa vào em.”

Hĩm non bảo: “Thì cứ mưa đi.”

Tôi ngày ngày xách dái chạy rông bị treo giữa cơn mưa. Và dầm mưa cho đến khi rơi xuống âm phủ.

Đó là một cái háng đang ầm ì rung động bởi rất nhiều linh hồn hoang dại. Tôi nhìn thấy đầu tiên là một đôi mắt sáng như mắt mèo, bởi vì hắn đang nhìn tôi như thể hỏi: “Mày từ đâu tới?” Đó là một thằng cu bạc phếch.

Tôi hỏi lại: “Xuống đây cũng buộc phải khai báo sao?”

Hắn rung hàm râu: “Đây là háng trình báo.”

Tôi nhủ thầm, đéo ở đâu thoát. Tuy nhiên, tôi trả lời: “Tôi từ một cái hĩm non.”

Thằng cu già tỏ ra thân thiện hơn: “Tốt. Rất tốt. Một vĩnh hằng đáng kính. Một bác kính yêu.”

Tôi hỏi hắn: “Còn ông?”

Cu già rung hàm râu như thể hắn chỉ là một hàm râu: “Tao từ một cái hĩm ngoại.”

“Tuyệt chứ?”

“Tao tôn thờ.”

Tôi nôn nóng muốn biết mình sẽ phải đến chỗ nào, hỏi: “Tôi sẽ phải đi đâu nữa?”

Hắn bảo: “Cứ ở đây chờ.”

Tôi hỏi: “Bao lâu?”

Cu già rung lắc hàm râu mạnh hơn, nói: “Không biết. Không ai biết.”

Tôi tiếp tục hỏi: “Tôi phải trình báo ai?”

Lão tỏ vẻ sợ hãi: “Không biết. Không ai biết.”

Tôi hỏi: “Ông gặp Diêm vương chưa?”

“Chưa. Tao không muốn gặp.”

Không biết tự bao giờ một bộ lông rất rậm đứng cạnh tôi, nói: “Mày muốn kết thúc sớm à? Đừng ngu. Hãy giữ cho mình niềm hy vọng.”

Tôi nhận ra đó là một cái hĩm ngoại bóng mượt vì được tôn thờ. Tôi nghĩ, còn hy vọng cái con mẹ gì ở thế giới này. Tôi làm quen với mụ: “Em đã ở đây bao lâu?”

Mụ nói: “Ở đây không có thời gian, mặc dù vẫn có sáng - tối.” Rồi mụ khuyên tôi: “Tốt nhất là tự tìm lấy một chỗ rồi treo lên.”

Tôi đi vòng quanh và nhận ra có nhiều khuôn mặt quen, nhưng không một ai tỏ ra vui mừng hay một thái độ nào đó cho sự gặp gỡ này, như thể một người lạ và việc có tôi hay không cũng không có gì khác.

Bất ngờ tôi nghe thấy tiếng ca vọng cổ từ đâu đó vọng lại. Tôi đi về phía xa xăm. Tuy không có bảng địa chỉ, nhưng tôi vẫn nhận biết được đó là háng Nguyễn Đình Chiểu. Tôi bước vào, Nguyễn Đình Chiểu đang treo ở một cái hõm cao nhất, xung quanh là Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Bùi Kiệm... và cả những nghĩa sĩ Cần Giuộc. Cao Văn Lầu đang đánh đàn nguyệt. Tôi biết Nguyễn Đình Chiểu đã bị mù từ khi còn trên dương thế, nhưng tôi biết là ông ta nhìn thấy tôi.

Tôi là kẻ vãng lai.

“Gặp đây đương lúc giữa đàng,
Của tiền chẳng có bạc vàng cũng không.
Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi...”

Tôi nhận biết Kiều Nguyệt Nga đang nói với mình. Tôi không ân oán gì với Nguyệt Nga hay Nguyễn Đình Chiểu. Tôi hỏi một nghĩa sĩ đang treo gần chỗ tôi đứng nhất: “Hình như có sự nhầm lẫn nào đó phải không?”

Ngài cu đen nói: “Cô ấy đang nói với ông đấy...”

Tôi không hiểu và không biết phải nói sao. Giữa lúc ấy, Nguyễn Đình Chiểu lên tiếng: “Tất cả bọn tui chào chú. Bọn tui bao giờ cũng tôn trọng nhân nghĩa, vì thế, Kiều Nguyệt Nga muốn giãi bày sự tri ân của một nhân vật tiểu thuyết với một nhà văn như chú”.

Chết mẹ tôi rồi, tôi muốn khóc thét, nhân quả nhãn tiền. Tôi nói: “Dạ, không dám. Thiệt tình không dám. Tôi chỉ là kẻ vãng lai.”

Lục Vân Tiên nhảy ngang vào nói theo kiểu giang hồ Nam bộ: “Nếu ông bạn vui lòng, hãy ở lại với chúng tôi.”

Không đặng. Không đặng. Tôi la lên. Tôi sẽ yêu Kiều Nguyệt Nga và làm mích lòng Lục Vân Tiên. Tôi phải bỏ chạy. Vĩnh viễn bỏ chạy khỏi các nhân vật kiều diễm.

Tôi nói với Lục Vân Tiên: “Đa tạ đại huynh, tôi không muốn bị treo giữa sự ngang trái.”

Lục Vân Tiên ôn tồn bảo: “Thế giới đã thay đổi. Chúng tôi hoài cổ nhưng không câu nệ. Ông bạn không nghe dân gian truyền miệng Vân Tiên nấp dưới bụi môn, đợi khi trăng lặn rờ... lưng Nguyệt Nga sao? Khi trăng lặn, mọi điều đều có thể.”

Tôi cười, hỏi: “Thế còn cụ Đồ Chiểu?”

Lục Vân Tiên cũng cười: “Cụ đang viết một cuốn sách khác, Lục Vân Tiên dị bản để gần với nhân dân hơn.”

Ở đây, bao giờ trăng cũng lặn.

Tôi nhìn Kiều Nguyệt Nga diễm lệ đoan trang. Và tôi ở lại. Các nghĩa sĩ Cần Giuộc rót cho tôi một ly rượu đế Gò Đen. Bình sinh tôi không biết uống rượu, nhưng tôi chết rồi, say cũng chẳng hề chi. Tôi cùng mọi người nâng ly uống cạn. Tôi lại nhìn Kiều Nguyệt Nga, chính xác là hĩm Kiều Nguyệt Nga. Trăng lặn. Hĩm Kiều Nguyệt Nga tiếp tục ca vọng cổ. Tôi bắt đầu một dị bản khác về các nhân vật của cụ Đồ Chiểu. Tôi đến gần Kiều Nguyệt Nga bằng cách treo mình bên cạnh nữ tỳ Kim Liên của nàng. Một mùi hương lạ phảng phất, tôi khao khát đón lấy, không phân biệt được là mùi của Kim Liên hay Nguyệt Nga. Đây là cách tôi có thể đi sâu vào bản thể của cái nõn nường muôn thuở.

Ngài cu đen đáng kính sử dụng song loan giữ nhịp cho Kiều Nguyệt Nga dường như cũng nghe được nhịp thở của tôi. Mỗi một tiếng “cốp” vang lên là một lần tôi đứt hơi. Tôi chợt nhận ra đây là một quần thể hợp nhất mà một người khác như tôi không nên bước vào, cho dù họ rất hiếu khách. Đó là những kẻ thánh chiến. Cuộc trường chinh của họ mang âm sắc rêu phong, nhưng lại quá quyết liệt. Làm sao tôi có thể buông thả mình mà không gây ngộ nhận và tử thương. Mùi của Kim Liên và Nguyệt Nga vẫn quyến rũ tôi. Văn dĩ tải đạo bóp cổ, bịt mũi tôi. Nguyễn Đình Chiểu giành lấy song loan và ông gõ nhịp nhân từ giải thoát tôi. Đạo lý đích thực không phải giáo điều. Tôi nhìn cái đẹp lung linh. Trăng lặn. Hĩm Kiều Nguyệt Nga đổ một cơn mưa ngọt ngào.

Tôi đã từng một lần vào sâu trong miệt vườn ở Cà Mau. Trong căn chòi của người đàn bà góa, tôi thấy một khạp rượu lớn. Những căn chòi khắp Nam bộ, rượu chảy lênh láng. Ngài cu đen nghĩa sĩ Cần Giuộc tiếp tục rót rượu cho tôi. Và tôi, kẻ vãng lai say rượu mượn lời ong bướm ca cải lương với hĩm Kim Liên và Nguyệt Nga về sự xa vắng của tinh trùng. Cho đến khi tất cả đều say, trạng thái treo trở nên lắc lẻo và cái khát vọng giao hợp hoàn toàn trở thành trống rỗng xuyên qua cái trống rỗng của Kim Liên và Nguyệt Nga. Tôi nói tôi đi chết đây.

“Hỡi các linh hồn,

Chúng ta muốn sung sướng, chúng ta phải chịu nhục. Nhưng chúng ta càng chịu nhục, bọn cường hào càng hung hãn ác độc, vì chúng quyết bắt ta làm nô lệ muôn kiếp.

Không! Chúng ta thà mất tất cả, chứ chúng ta không chịu mất dái, nhất định không để bọn chúng thiến chúng ta như những củ hành.

Hỡi các linh hồn,

Chúng ta phải giương súng lên.

Bất kỳ nam phụ lão ấu, không phân biệt đảng phái hay giai cấp, muốn sướng chúng ta phải chiến đấu. Ai có cu dùng cu, ai có hĩm dùng hĩm. Ai không thích dùng cu hay hĩm thì dùng miệng. Chúng ta nhất định phải sướng cho bằng được.

Giờ hành động đã đến. Tôi kêu gọi mọi linh hồn không treo mình nữa.

Âm phủ muôn năm...”

Tôi nghe ra giọng Chí Phèo. Quả thật bất ngờ, âm phủ đã làm hắn tỉnh rượu. Và hắn làm cách mạng. Chí Phèo đứng trên một bục cao được dựng lên bởi những cái bóng, hắn nói sùi bọt mép. Cho dù tôi chưa bao giờ ngưỡng mộ Chí Phèo hay Nam Cao, nhưng tôi tin rằng những người nổi tiếng luôn biết cách để nổi tiếng cho dù họ ở bất cứ đâu. Đám quần chúng các linh hồn man rợ hò reo theo hắn, âm phủ muôn năm, sung sướng muôn năm... Rồi họ xông vào các háng và đè nhau ra. Cách mạng tất có đổ máu và chửi rủa. Cách mạng tràn ngập tiếng rên. Cách mạng tất có bên thắng cuộc, bên thua cuộc. Cách mạng không phải là hòa giải hay hòa hợp. Trên dưới đảo lộn. Giữa lúc Chí Phèo chưa biết làm gì khác ngoài việc khẳng định sự nằm trên của mình, thì Xuân Tóc Đỏ xuất hiện. Kẻ bao giờ cũng đến đúng lúc.

Hắn nói: “Vô sản âm phủ hãy đoàn kết lại, hãy giành lấy chính quyền.”

Chí Phèo trong lúc tự sướng cũng vẫn còn tỉnh táo nói: “Ai cho mày chõ mõm vào đây? Chính quyền tao đã cướp được rồi thì không nhường cho ai nữa.”

Xuân Tóc Đỏ đổi giọng: “Thưa đồng chí Chí Phèo kính mến, ý em chỉ là chúng ta phải đoàn kết để cùng chia chiến lợi phẩm.”

Chí Phèo cười nhạt: “Bà Phó Đoan của mày tao không giành. Toàn thể hĩm các loại thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Hiểu chửa?”

Xuân Tóc Đỏ cười cầu tài: “Vâng thưa đồng chí Chí Phèo kính yêu, em hiểu. Đồng chí phân phối vĩ đại. Em phục vụ đồng chí.”

Chí Phèo hỏi: “Mày muốn gì?”

Xuân Tóc Đỏ xun xoe: “Thưa đồng chí Chí Phèo kính mến, dạ xin đồng chí cho em một xuất Kiều Nguyệt Nga trang đài được không ạ?”

Chí Phèo lớn tiếng: “Làm cách mạng thì không được phong kiến. Mày cần học tập tấm gương Chí Phèo kính yêu là trung thành với lập trường giai cấp.”

Tôi bất giác nhìn lên đỉnh háng. Thị Nở và những cái hĩm thâm đen được gọi là vợ nhặt đang mấp máy gợi tình. Tất cả họ đều sẵn sàng chơi không sợ hết hơi.

Tôi nghe tiếng bà Phó Đoan nói nhỏ: “Đây không phải là chỗ của chúng ta. Ông Vũ Trọng Phụng đang chờ anh.”

Tôi theo bà Phó Đoan đến háng Vũ Trọng Phụng. Ông Phụng ho sù sụ. Ông chết trẻ nhưng nhìn hom hem như một cành khô bạc phếch trong sương muối. Tôi cúi đầu chào. Ông lắc cu bảo đừng trịnh trọng làm gì. Sự thể của tất cả chúng ta chỉ là cu và hĩm trong háng tăm tối.

“Cậu đừng chờ đợi. Văn chương không phải là cái để chờ đợi. Hoặc là cậu vứt nó đi, hay là cậu treo nó vào háng.”

Tôi nói: “Tôi để nó ở trần gian. Vấn đề tôi muốn hỏi ông là các linh hồn chờ đợi gì ở âm phủ?”

Vũ Trọng Phụng trầm ngâm: “Thật ra, tôi cũng không biết.”

Tôi lại hỏi: “Những người làm chính trị như ông Trần Thủ Độ có biết không?”

Vũ Trọng Phụng bảo: “Tôi không thấy Trần Thủ Độ ở đây.”

Tôi hỏi: “Có thể hiểu thế nào về cuộc cách mạng của Chí Phèo?”

“Làm gì có cuộc cách mạng nào. Đấy chỉ là huyễn tượng thôi. Cậu đừng tin những gì cậu nhìn thấy ở đây”.

“Kể cả đám đờn ca tài tử của Cao Văn Lầu?”

Vũ Trọng Phụng gật đầu: “Đấy là lý do tôi muốn gặp cậu”.

Tôi thầm hỏi, Vũ Trọng Phụng này là ai? Vũ Trọng Phụng nói: “Cậu cũng không cần quan tâm tôi là ai. Bản chất của chúng ta là trong suốt. Sự hình thành nên mỗi cá nhân là vay mượn. Có một sự bí ẩn ở đây là bỗng nhiên một ai đó biến mất một cách tuyệt đối, nghĩa là không còn gì kể cả trong ký ức của những người còn lại, nhưng nó không thường xuyên và tất yếu như cái chết ở dương gian.”

Tôi nói: “Phải chăng đó chính là điều chờ đợi?”

Vũ Trọng Phụng bảo: “Không. Đây là nơi tận cùng rồi, vì thế cảm thức chờ đợi không có”.

Tôi nói: “Chúng ta vẫn đang sống”.

Vũ Trọng Phụng bảo: “Chúng ta đang chết”.

Đồng chí Chí Phèo kính yêu đến. Ngài dõng dạc nói: “Nhân danh ước muốn của giai cấp vô sản, tao tuyên bố: Từ nay, tất cả các háng cá thể phải vào hợp tác xã. Để tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa tập thể, mọi cu và hĩm phải thuộc về sở hữu toàn dân. Ai thích cu dùng cu, ai thích hĩm dùng hĩm, ai vừa thích cu vừa thích hĩm thì cứ dùng cả hai. Cống hiến theo năng lực, hưởng thụ theo nhu cầu. Không ai được quyền từ chối người khác. Vì từ chối người khác là ích kỷ tư hữu xấu xa, thiếu quyết tâm cách mạng, không có tình yêu thương đồng loại. Để quyết định này được thi hành triệt để, tất cả mọi hĩm và cu được đặt dưới sự lãnh đạo của tao và các đồng chí của tao.”

Cuộc cách mạng của Chí Phèo và đồng bọn làm rung chuyển âm phủ. Linh hồn nào chống đối hoặc có ý định chống đối đều bị khép tội phản động và bị Chí Phèo đích thân hãm hiếp. Chí Phèo nói với tôi: “Không có ngoại lệ cho các nhà văn. Cho dù ông có một kịch bản khác.”

Từ đó, các háng trong âm phủ được đổi tên theo nhóm: Đồng tính nam, đồng tính nữ, dị tính, lưỡng tính và chuyển giới. Muốn di chuyển từ háng này qua háng kia phải có giấy phép tạm vắng và tạm trú do Ban điều hành háng cấp. Âm phủ không chấp nhận bọn ngoài luồng, vô chính phủ. Nhưng nói cho công bằng, âm phủ cũng khá tiện nghi, phục vụ mọi lợi ích và nhu cầu. Tôi bị dồn vào háng dị tính theo một dòng chảy tự nhiên, nhưng để được hưởng thụ theo nhu cầu, tôi thường xuyên làm đơn xin tạm trú trong háng hĩm lưỡng tính. Thật ra tôi cũng không biết khi chứng kiến cảnh các hĩm làm việc với một thằng cu khác thì tôi có tởm không, nhưng tôi thích các hĩm vừa làm việc với nhau vừa làm việc với tôi. Đó là một cảnh tượng hài hòa, nếu chỉ có một thằng cu duy nhất là tôi. Nhưng cuộc cách mạng sở hữu toàn dân này không cho phép tôi độc quyền hưởng thụ theo kiểu phong kiến. Chia sẻ với người khác là một lý tưởng. Ở háng được gọi là B (bisexual), tôi hoàn toàn sung sướng với các hĩm song trùng nhị bội, nhưng sẵn sàng bỏ chạy khi những thằng cu tồng ngồng nham nhở khác đòi chung đụng. Tôi không thể nào làm quen được với tính tập thể của lý tưởng vô sản. Tôi luôn luôn cảm thấy bị xúc phạm.

Tôi gặp lại cả Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, Kim Liên trong háng B. Cuộc cách mạng sở hữu toàn dân của Chí Phèo đã giải phóng Kim Liên khỏi thân phận nô tỳ và nâng nàng lên bình đẳng với Nguyệt Nga cũng như Lục Vân Tiên.

Tôi hỏi Lục Vân Tiên: “Ông chấp nhận sự lãnh đạo của Chí Phèo sao?”

Lục Vân Tiên cười buồn: “Ngày xưa tôi có thể đánh tan bọn giặc cướp Phong Lai dễ dàng, nhưng với bọn cặn bã Chí Phèo thì quân tử Tàu Lục Vân Tiên đành qui hàng cho lành.”

Và Lục Vân Tiên tiếp tục đờn ca tài tử vui thú điền viên với hai hĩm Kim Liên và Nguyệt Nga đề huề sinh thái. Vì là hợp tác xã, tôi cũng hương đồng cỏ nội với Nguyệt Nga và Kim Liên. Tôi rất thích cảnh Kim Liên và Nguyệt Nga phục vụ nhau. Từ tốn nhưng ngây ngất. Kim Liên và Nguyệt Nga cũng phục vụ tôi như tôi phục vụ họ. Tuy nhiên, tôi thường tránh mặt Lục Vân Tiên khi vui chơi với hai nàng bằng cách chúng tôi treo nhau theo chiều thẳng đứng.

Sự vô tận của thời gian phía trước và thời gian phía sau cho phép chúng tôi sống/chết không hối tiếc. Thỉnh thoảng Chí Phèo và đồng bọn lại ra một nghị quyết mới tùy theo những cảm xúc của chúng. Mỗi lần như thế, mỗi háng lại có một buổi học tập qui định mới theo kiểu thực hành tại chỗ. Chẳng có linh hồn nào không thông suốt. Nghị quyết mới nhất được ban hành sau khi Chí Phèo phát hiện ra lỗ tai là nơi có nhiều xúc cảm hơn bất kỳ chỗ nào trên mặt. Theo đó, từ nay qui định mọi giao tiếp giao tình chỉ được thực hiện thông qua lỗ tai. Qui định này được các linh hồn vốn là nhà thơ hưởng ứng nhiệt liệt. Họ sáng tác đủ kiểu đường mật để làm mẫu mã cho các loại giao hợp. Mỗi háng được tăng cường thêm 3 cái loa đặt ở bốn góc để tăng mật độ và cường độ cho sự thụ hưởng của lỗ tai. Các nhà thơ luôn tìm cách chiếm diễn đàn cứ như thể nếu không được tán tỉnh thì các nhà thơ sẽ ngáp. Nhưng cạnh tranh với các nhà thơ khốc liệt nhất lại là Chí Phèo. Đồng chí Chí Phèo kính yêu được dịp không chỉ chửi cả làng Vũ Đại mà chửi tuốt hết ba nghìn thế giới. Tôi vốn thích nói tục khi làm tình nhưng vẫn bị mất hứng vì nhịp độ chửi tục của Chí Phèo thường làm tôi lỡ nhịp ở những giây phút quyết định khi lên đỉnh cao. Vì thế tôi thường liếm tai Nguyệt Nga và thay cho những lời nói phấn khích hoặc đọc thơ là những hơi gió nhẹ nhàng tôi thổi vào tai Kim Liên.

Những buổi học tập thực hiện nghị quyết đôi khi rất vui, đặc biệt khi nhái giọng lãnh tụ Chí Phèo hoặc các nhà thơ để rót vào tai thính giả.

Những nghị quyết của tập đoàn Chí Phèo không phải lúc nào cũng vô lý và ngớ ngẩn như bọn xấu mồm nói. Một thành công bất ngờ của nghị quyết buộc mọi linh hồn phải thể hiện cảm xúc bằng lỗ tai đã nâng tầm nghệ thuật tuyên truyền lên một đỉnh cao mới. Mọi chống đối hoặc bất mãn bỗng biến mất. Một bầu khí thuần thành và lãng mạn lan tỏa khắp các háng. Mọi nỗi niềm được chia sẻ. Nhưng một hôm gặp Vũ Trọng Phụng trong háng bà Phó Đoan, tôi nghe ông nói: “Đừng tin bọn này, chúng nó ru ngủ các linh hồn đấy.”

Cuộc cách mạng của Chí Phèo không ngừng ở chỗ áp đặt ý muốn của mình lên người khác mà quan trọng nhất, hắn nhận ra tầm quan trọng của chính mình và muốn xiển dương điều ấy. Chí Phèo cho lập Ủy ban Tuyên truyền Giáo dục, gọi tắt là Ban Tuyên dục có nhiệm vụ thúc đẩy mọi linh hồn tôn thờ đức hạnh của hắn. Từ ấy, câu nói cửa miệng của tất cả thằng cu cái hĩm là “Nhờ ơn lãnh tụ Chí Phèo kính mến mà chúng tôi được thoải mái như hôm nay”.

Dưới Ban Tuyên dục có các tiểu ban hoạt động trong các háng bên cạnh các ban ngành đoàn thể khác. Các tiểu ban này kiểm soát tư tưởng văn hóa của mọi thằng cu cái hĩm.

Từ ấy, các nhà thơ thi nhau làm thơ ca tụng sự vĩ đại của Chí Phèo. Và Chí Phèo càng ngày càng cảm thấy mình vĩ đại thật. Tôi cũng nhận thấy Chí Phèo phát tướng ra. Từ một anh vô sản dưới đáy hom hem dơ bẩn, Chí Phèo bỗng phương phi nhân hậu như một ngài chí thánh. Hình ảnh của Chí Phèo được treo khắp nơi. Xúc phạm Chí Phèo là một trọng tội. Xả thân vì Chí Phèo hay gìn giữ ảnh tượng Chí Phèo đều là những hành động được tuyên dương.

Từ ấy, tôi không bao giờ được diễm phúc đến gần ngài. Ngài sợ các thế lực thù địch ám sát, mặc dù dưới âm phủ không ai chết thêm lần nữa.

Làm gì cho qua thời gian? Xưng tụng Chí Phèo là một niềm vui bất diệt. Xưng tụng lẫn nhau là một phẩm hạnh cao quí. Một cái đẹp tuyệt đối là mình vì mọi người, mọi người vì mình. Cu và hĩm luôn sẵn sàng. Các triết gia thất nghiệp vì tư tưởng đã kết thúc ở đây. Mọi sáng tạo hay suy tưởng không xuất phát từ lãnh tụ Chí Phèo anh minh đều nhảm nhí và đáng bị lên án. Bởi thế, văn nghệ sĩ các loại gặp nhau chỉ để nhậu. Để được kính trọng, họ tán dương lẫn nhau về khả năng phóng tinh hay độ ướt của hĩm.

Tôi tìm niềm vui của mình trong háng Kiều Nguyệt Nga diễm lệ và Kim Liên hoang dại. Những cuộc gặp gỡ với Nguyễn Đình Chiểu hay Vũ Trọng Phụng rất hãn hữu, vì tất cả chúng tôi đều không muốn bị phiền hà bởi Ban Tuyên dục.

Tôi không biết điều gì đã thúc đẩy tôi một hôm đi sâu vào bên trong, nơi tôi không nghe bất cứ ai nói về nó.

Tôi từng hỏi Vũ Trọng Phụng: “Ông đã bao giờ đi tới cuối háng chưa?”

Vũ Trọng Phụng nói: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy.”

Tôi lại hỏi: “Có thể có thiên đàng ở phía sau háng chăng?”

Vũ Trọng Phụng trả lời: “Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ về điều ấy.”

Rồi tôi nhớ lại khứa lão đầu tiên đã gặp khi tôi xuống âm phủ. Lão bảo cứ chờ đợi. Có nghĩa là sẽ còn chuyển hóa hay đến một nơi chốn khác. Nơi khiến cho người này khác người kia hoặc nơi ngụ cư của những linh hồn khác hay thế giới khác. Tôi hỏi Vũ Trọng Phụng có muốn đi với tôi không, ông ấy bảo không có nhu cầu đến một nơi khác, nhưng ông bảo tôi nên đi cùng Xuân Tóc Đỏ.

Xuân Tóc Đỏ vốn là người thông minh giỏi ứng biến và thích nghi được với mọi hoàn cảnh, đi với hắn, tôi yên tâm.

Càng vào sâu trong háng càng tối, nhưng chúng tôi cũng quen dần và có thể nhìn thấy mọi thứ không chỉ bằng mắt mà giống như huệ nhãn, chúng tôi nhìn thấu suốt qua thời gian. Vì thế, chúng tôi nhìn thấy nhiều thể loại và sự chuyển hóa của sống/chết. Tuy nhiên, thế giới dường như bất động và mờ ảo. Tôi không biết đấy có phải là sự phai mờ dần hay không. Điều khủng khiếp nhất không phải là những cảnh nhục hình bởi quỷ dữ mà là sự tương thông giữa trong và ngoài tôi một cách đối nghịch. Nó làm cho sự cảm hoài của tôi trở nên không chịu nổi. Nó soi chiếu qua mọi không gian và thời gian, mọi thực tại. Tôi tự hỏi, phải chăng đây mới chính là địa ngục?

Tôi nhìn qua người đồng hành, một nhân vật tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, dường như hắn cũng đang bị co kéo bởi các thực tại khác nhau.

Xuân Tóc Đỏ bảo: “Quay lại thôi.”

Tôi nhìn lại sau lưng, chỉ là sương khói mù mịt trên vực thẳm, hỏi: “Có cách để quay lại không?”

Hãy nhắm mắt lại. Hãy đóng lại mọi cánh cửa. Đó là cách để chúng mày quay về.

Đúng lúc ấy, tôi nhìn thấy Hồ Tôn Hiến đang gục xuống bên chén thuốc độc. Tôi muốn cứu ông ta. Nhưng tôi bỗng cảm thấy mình rơi xuống cùng với ông ta càng lúc càng nhanh. Tôi tự nhủ hãy nhắm mắt lại, hãy đóng mọi cánh cửa. Và tôi không thấy gì nữa.

Mở mắt ra, ngay khi chưa kịp nhìn ra chung quanh, tôi đã cảm thấy cái mùi quen thuộc của háng B. Kiều Nguyệt Nga đang sờ tai tôi, nàng trách móc: “Anh đã bỏ em.”

Tôi nói: “Không, anh không bỏ em hay bất cứ một cái hĩm nào. Anh chỉ muốn đi đến cùng đích.”

Kiều Nguyệt Nga bảo: “Không có cùng đích ở bất cứ đâu.”

Tôi không tranh luận về việc này bởi tôi biết rằng, tôi sẽ không dừng lại ở đây.

Vũ Trọng Phụng đến tìm tôi, ông nói: “Có thể tìm thấy thiên đàng ở một nơi nào đó.”

Tôi cũng tin như vậy và tôi nói: “Một lúc nào đó, tôi sẽ đi tiếp, nhưng Xuân Tóc Đỏ không phải là bạn đồng hành đáng tin cậy của tôi.”

Vũ Trọng Phụng bảo: “Bà Phó Đoan cũng là một người thích tìm kiếm. Cậu có thể đi với bà ấy.”

Có lẽ tôi sẽ mượn bà ấy.

Trong thời gian chờ đợi, tôi treo mình trong háng B cùng lúc treo trong háng Kiều Nguyệt Nga và Kim Liên. Đây cũng là thời gian Chí Phèo cho tổng kết tình hình thực hiện nghị quyết sống và làm việc bằng lỗ tai. Tất cả mọi thằng cu cái hĩm được tập hợp tại sảnh đường của háng trung tâm. Tôi thấy đủ mọi màu sắc và tiếng nói khác nhau. Các lỗ tai được trang trí đủ kiểu từ cài hoa cho tới xăm trổ hoặc đeo các loại trang sức bằng lửa. Tuy nhiên kiểu trang trí phổ biến nhất vẫn là hình cái lưỡi màu đỏ vẽ từ hai bên má đến sát lỗ tai. Gần như ai cũng đăng ký phát biểu và cũng gần như bài phát biểu nào cũng giống nhau. Biểu tượng của sự nhất trí tuyệt đối, trung thành tuyệt đối và tính tổ chức tuyệt đối. Nội dung chủ yếu đều cảm tạ công đức của lãnh tụ Chí Phèo kính yêu, nhờ ngài mà con người mới biết thế nào là cực lạc. Không được nói và không được nghe là một thiệt thòi lớn. Sau phần tụng ca đến màn đấu tố. Tôi là một trong số ít bị Ban Tuyên dục mang ra phê bình kiểm điểm. Lý do thứ nhất, tôi đã không tuân thủ lệnh thể hiện mối quan hệ xã hội ưu việt từ lưỡi qua lỗ tai mà trực diện phản động từ con cu vào lỗ hĩm. Thứ hai, qua việc vọng tưởng về một thế giới khác, tôi đã để mất niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của lãnh tụ Chí Phèo kính yêu. Ban Tuyên dục yêu cầu tôi viết tự kiểm, nhìn nhận sai lầm của mình và thành khẩn sám hối, trong lúc quần chúng các linh hồn tinh tuyển xỉ vả tôi phản cách mạng, phủ nhận mọi thành tựu đáng trân trọng của chế độ và thời đại quang vinh của lãnh tụ Chí Phèo kính yêu.

Tôi sao lục trong ký ức những bản tự kiểm của tất cả các nhà văn khi còn trên dương thế và tôi khám phá được một điều quan trọng: văn học đích thực, bản chất con người và sự phù phiếm xã hội không nằm trong tác phẩm mà được thể hiện sâu sắc trong các bản tự phê bình của họ. Rồi tôi chép lại một bản tự kiểm dài nhất để chứng tỏ tôi thật sự thành khẩn cải tạo. Bản tự kiểm của tôi được đọc trước toàn thể các đẳng linh hồn và tôi được khoan hồng cho ở lại trong háng B. Nhưng chứng nào tật ấy, tôi vẫn thích đút cu vào hĩm hơn là dùng lưỡi liếm lỗ tai. Kim Liên, Kiều Nguyệt Nga và tôi treo mình dưới những tán lá môn và chờ trăng lặn.

Mặt trăng dưới âm phủ thật ra cũng chỉ là bóng của một cái hĩm. Vì thế, khi treo trên bầu trời, trông nó giống như một con diều. Sự vọng dục của các linh hồn làm cho mặt trăng lung linh và chao đảo. Bóng tối do nó toả ra có mùi đất thó và làm cho sự đắm chìm của các linh hồn càng trở nên sâu thẳm. Trong sự trải nghiệm của tôi, sự đắm chìm ấy là một cơn mù khơi khi cả tôi, Kim Liên và Kiều Nguyệt Nga cùng chạm đáy bản thể.

Để đạt đến trạng thái vô sở trú của linh hồn, chúng tôi phải tận dụng tất cả mọi cơ năng của thân thể trong việc thụ hưởng khoái cảm nhục dục. Khi bấu chặt vào nhau, sự giải thoát sẽ đến. Đó là sự biến đổi mang tính đốn ngộ, như sự xuất hiện của cái có.

Ông Đồ Chiểu nói với tôi: “Con người phải biết nhắm mắt thì huệ nhãn mới khởi sinh.”

Tôi nói: “Thấy hết, biết hết cũng chẳng để làm gì khi chúng ta ở âm phủ và là âm phủ.”

Bản chất cuộc sống là sinh dục và sinh dưỡng. Dục để dưỡng và dưỡng để dục. Vì thế, tôi cứ để tôi treo vào ái dục và vô minh.

Ông Đồ Chiểu la lên: “Tải đạo, tải đạo...”

Ông Cao Văn Lầu búng vào dây đàn khẩn cấp như có giặc cướp đến.

Lòng tôi tràn ngập một nỗi xốn xang đợi chờ.

Khi ấy, lãnh tụ Chí Phèo kính yêu đang xem phim cấp 3 trong nội phủ để nghiền ngẫm một nghị quyết mới.

Xuân Tóc Đỏ đã hoàn hồn sau lần dấn thân vào cõi mịt mùng để tìm thiên đường với tôi, hắn âu yếm lỗ tai tôi và nói: “Tôi đã tìm thấy chân lý.”

Ngạc nhiên, tôi hỏi lại: “Ở đâu?”

Hắn bảo ở ngay chính sự ái dục của chúng ta. Tôi càng ngạc nhiên, Xuân Tóc Đỏ vốn chỉ là một gã cơ hội. Hắn dẫn tôi đến gốc đa trên mặt trăng, dặn: “Bí mật nhé.”

Tôi gật đầu.

Hắn nói: “Cỡ Chí Phèo làm cách mạng được thì tại sao tôi với ông lại không làm được?”

Tôi bảo ai cũng có thể làm cách mạng, vấn đề là dám hay không thôi. Tôi không dám vì tôi sợ. Sợ nhiều thứ cho dù đã vào âm phủ. Xuân Tóc Đỏ chửi thề. Trí thức đúng là cục cứt.

Xuân Tóc Đỏ nói: “Tôi sẽ làm cách mạng, nhưng tôi không thể làm một mình. Tôi cần có sự ủng hộ.”

Tôi bảo tôi sẵn sàng ủng hộ. Hắn từ giã tôi bằng một cái bắt tay thật chặt.

Tôi nhìn vào đám rễ chằng chịt của cây đa và phát hiện bà Phó Đoan đang đái.

Tôi hất đầu cười: “Cần gì phải kín đáo thế.”

Bà Phó Đoan cũng cười: “Chẳng phải em lịch sự đoan trang gì đâu.”

Tôi đùa: “Cũng muốn làm cách mạng à?”

Bà Phó cười lả lơi: “Chẳng giấu gì anh, em thủ dâm đấy.”

Tôi bảo tôi chấp hành mọi chính sách của chế độ Chí Phèo nên tôi sẵn sàng phục vụ bà nếu bà muốn.

Bà Phó ôm tôi nói nhỏ: “Không phải thế đâu. Anh còn nhớ truyện cổ tích về cây đa thằng Cuội không?”

Tôi bảo tôi nhớ.

Bà nói tiếp: “Là thế này, em muốn bắt chước vợ thằng Cuội đái vào gốc đa xem nó có bay lên không.”

Lại một linh hồn làm tôi ngạc nhiên. Tôi nói: “Không phải Chí Phèo đã mang đến cho chúng ta mọi lạc thú rồi sao?”

Bà Phó bĩu môi: “Anh nói cứ như cán bộ, chán như con gián.”

Tôi nói: “Tôi đã nghe Vũ Trọng Phụng nói về em. Tôi cũng muốn bay đến một nơi nào khác. Em sẽ đi với tôi chứ?”

Chúng tôi làm tình với nhau không theo luật của Chí Phèo. Tai mắt nhân dân ở khắp nơi, Thị Nở bắt gặp quả tang chúng tôi phạm pháp.

Giữa lúc tôi còn bối rối, Thị Nở nói: “Chiều em đi, em sẽ không tố cáo với tổ chức.”

Tôi bảo: “Mẹ mày, đi mà tố cáo.”

Thị Nở nói: “Em đùa thôi mà. Cho em làm tình chung với.”

Chúng tôi treo lên cành đa. Đệ nhất phu nhân Thị Nở cười sằng sặc.

Thị Nở kể: “Thằng Chí Phèo nhà em nó dâm dục lắm. Nhưng nó chỉ dâm dục với những con gọi là cái gì quốc tế ấy, chứ nó chả thèm em đâu. Em ức lắm mà chả biết làm sao. Hôm nay gặp được anh chị, em thỏa mãn lắm.”

Bí mật cung đình chán cơm thèm phở của lãnh tụ Chí Phèo kính yêu do Thị Nở tiết lộ không làm rúng động thế giới hĩm. Bà Phó Đoan bảo thằng cu nào chả thế. Tôi nói dù sao cũng nên học tập. Bà Phó bảo tôi hơi bị khiêm nhường. Tôi nói cu nhân dân không thể so sánh với cu lãnh tụ. Bà Phó cười, chả trách được. Lấy Tây vẫn là mơ ước của bà.

Cành đa la đà. Bà Phó bảo: “Tây hiếp sướng lắm.”

Thị Nở nói: “Hồi xưa thấy bọn Tây vào làng, em hồi hộp ơi là... hồi hộp, mong được nó hiếp xem thế nào. Nhưng bọn khốn kiếp ấy nó vờ không thấy em.”

Bà Phó nói: “Cái bọn lê dương ấy chúng nó không tha ai bao giờ.”

Thị Nở bảo: “Em nói thật đấy, chúng nó coi em như cứt đái. Đời em gặp được thằng Chí Phèo tưởng đã là may mắn, không ngờ còn có ngày tuyệt đẹp hôm nay.”

Tôi bảo: “Em muốn sướng thì cứ bắt thằng Chí Phèo nó thực thi cái luật pháp của nó với em.”

Thị Nở nói: “Ôi giào, luật với lệ gì thằng ấy. Nó bảo luật pháp là để cai trị chứ không phải để tu thân.”

Kỷ niệm ngày cách mạng thành công, Chí Phèo tuyên đọc nghị quyết mới giữa buổi mít tinh trọng thể tổ chức tại quảng trường trung tâm hay còn gọi là Háng Lớn.

“Hỡi các linh hồn,

Chúng ta muốn sung sướng, và chúng ta đã được sung sướng. Nhưng chúng ta càng ngày càng muốn sướng hơn, vì thế nay tôi quyết định:

Mọi giao dịch, quan hệ xã hội bất kể là gì, tình ái hay giao lưu văn nghệ, nhất thiết chúng ta chỉ sử dụng cái mũi.

Tại sao thế? Bởi vì cái mũi là nguồn tiếp xúc với vũ trụ giúp chúng ta duy trì sự sống qua hơi thở. Đây là chân lý. Để nâng tầm sự sống lên một đỉnh cao mới, chúng ta cần vượt qua sự hạn hẹp của lỗ tai, chỉ sử dụng lỗ mũi làm phương tiện của hạnh phúc nơi âm phủ vĩnh hằng này.

Lỗ mũi muôn năm.

Âm phủ muôn năm.

Chí Phèo kính yêu muôn năm.”

Tất cả các linh hồn đều vỗ tay hoan hô và cảm động rơi nước mắt. Chúng ta lại có một niềm sung sướng mới.

Ban Tuyên dục triển khai nghị quyết hạnh phúc qua lỗ mũi bằng cách soạn một văn bản hướng dẫn tường tận cách đánh hơi như thế nào để định giá đối tượng, có bao nhiêu loại mùi, đặc trưng và tác dụng của từng loại mùi hay hít hà tận hưởng như thế nào cho sướng khoái. Vui nhất vẫn là những ngày học tập và thực hành nghị quyết.

Làm gì cho qua cái vĩnh hằng?

Tôi vui sống vì đời tôi đã có lãnh tụ Chí Phèo kính yêu. Nhờ ngài mà tôi đánh hơi được tới sâu thẳm mọi hang hĩm và hít hà mọi nỗi niềm ẩn mật. Nhờ ngài mà tôi tìm thấy tôi trong mọi khát vọng và sướng thoả.

Cũng nhờ học tập thông suốt nghị quyết này mà Thị Nở đánh hơi được tôi trong mọi ngóc ngách treo mình với Kiều Nguyệt Nga, Kim Liên hoặc bà Phó Đoan. Tôi cần phải minh xác điều này, về bản chất Thị Nở thâm đen hay Kiều Nguyệt Nga trắng ngần cũng không khác gì nhau. Hĩm nào cũng là hĩm. Trong thế giới vô hình tướng, tất cả bản năng và hình thái chỉ là một.

Thói quen đánh hơi và hít hà làm cho lỗ mũi của tất cả các linh hồn đều to ra và cánh mũi mỏng hơn. Không biết tự lúc nào trên khuôn mặt của các linh hồn chỉ còn hiển hiện một cái mũi. Điều này chỉ được phát giác khi lãnh tụ Chí Phèo kính yêu vi hành vào các háng. Không ai nhận ra ngài để đón chào và tung hô. Âm phủ không còn giai cấp và khoảng cách đạo đức cách mạng. Lẽ ra đây phải được coi là thành tựu tuyệt đối của cách mạng, nhưng cũng vì thế lãnh tụ Chí Phèo kính yêu đã tự đánh mất tính chính danh của mình.

Xuân Tóc Đỏ ý thức được thời cơ đã đến, hắn nói với Bá Kiến: “Thằng Chí Phèo làm đảo lộn mọi trật tự. Ông phải lôi cổ nó xuống đánh cho nó mấy roi để nó tỉnh ra biết trên biết dưới.”

Bá Kiến gừ gừ trong miệng như tích tụ thù hận đã lâu, nói: “Chúng nó không biết mình là ai.”

Xuân Tóc Đỏ nói thêm: “Ông cần dạy cho nó biết lễ độ.”

Bá Kiến nghiến răng: “Cách mệnh! Cách mệnh cái con củ cặc!”

Xuân Tóc Đỏ nói: “Ông đừng nói thế. Tất cả chúng ta đều là cặc. Bọn chúng là cặc thối.”

Bá Kiến gật gù: “Ừ, phải. Bọn cặc thối.”

Rít một hơi thuốc lào, Bá Kiến bảo: “Mày lôi cổ thằng Chí Phèo về đây cho tao.”

Xuân Tóc Đỏ vội thoái thác: “Dạ, con không làm được đâu ạ.”

Bá Kiến hỏi: “Thế ai mới làm được?”

Xuân Tóc Đỏ rụt rè thưa: “Dạ, chỉ có ông mới làm được thôi ạ.”

Bá Kiến bảo: “Chỉ có tao? Thôi được để tao tính. Thời cơ chưa chín mùi.”

Thời cơ chẳng bao giờ tự nó chín mùi. Chí Phèo vẫn là lãnh tụ kính yêu của mọi linh hồn.

Một hôm, tôi nói với bà Phó Đoan: “Em đi với anh.”

Chúng tôi đi về phía tây. Ở phía bao giờ nắng cũng tắt, chúng tôi nhìn thấy những bông hoa mọc tràn lan trên những lỗ huyệt trống trải, bát ngát. Hoang dại và u uẩn.

Bà Phó Đoan bảo: “Hoa là hĩm của cây cỏ. Lỗ huyệt là hĩm của trần gian. Ở đâu có lỗ huyệt ở đó là hĩm.”

Tôi bảo: “Hĩm của em đẹp và giống như một cánh lan.”

Bà Phó Đoan bảo: “Chỉ có một cửa ngõ duy nhất là hĩm, nếu anh muốn tìm một điều gì đó.”

Tôi đứng lại nhìn bà Phó Đoan. Thế giới ở đây. Ở đây không thuộc về tôi. Tôi muốn tìm một cánh cửa khác không phải hĩm. Nhưng tôi không thấy gì khác ngoài hĩm. Hĩm khô, hĩm ướt, muôn trùng hĩm thì hĩm cũng chỉ là hĩm.

Tôi nói với bà Phó Đoan: “Ở đây hay ngoài kia, anh muốn tìm một cái gì khác.”

Sự nhàm chán là địa ngục. Đây là địa ngục. Tôi phải thoát ra như thế nào? Liệu có thoát được không?

Bà Phó ham vui, nói: “Nếu anh có thể tìm thấy một cửa ngõ nào khác, cho em đi với.”

Tôi nói: “Hãy đứng lên và đi.”

Tôi cũng không hiểu sao, tôi vẫn quyết định đi về phía giả định là phía tây. Phía tàn lụi. Những bóng ma phất phơ nhưng ẩn ức mông lung. Họ bị trì kéo bởi những giấc mơ và treo trên những nghiệp chướng nhân quả. Họ không tự bứt được khỏi nhân quả để làm những con ma tự do. Nhưng tự do đôi khi cũng chỉ là ảo tượng. Không phải những tiếng thét gào, nhưng sự im lặng của thế giới này mới khủng khiếp làm sao.

Bà Phó nói: “Phải chăng đây mới chính là cõi chết?”

Tôi nói, khi còn cảm nhận được một điều gì đó thì chưa hẳn đã là chết. Chúng ta không đi tìm sự chết. Tôi muốn tìm Nguyễn Du, Vương Thuý Kiều, Đạm Tiên, Mã Kiều Nhi của Đoạn Trường Tân Thanh. Họ đã siêu thoát hay vẫn còn hệ luỵ? Siêu thoát ở đâu và hệ luỵ ở đâu? Tôi sợ sự vô tận.

Sau cõi lặng câm, chúng tôi rơi xuống một cõi hỗn mang. Sự hỗn mang dường như đã làm chúng tôi rơi ra xa nhau trong một khoảnh khắc.

Tôi nói: “Coi chừng lạc.”

Ngay lúc đó, tôi không còn thấy bà Phó Đoan đâu nữa. Chúng tôi bị hút đi mỗi người mỗi ngả. Tôi cầu chúc cho bà tìm thấy điều bà mong ước, cho dù điều ấy vớ vẩn.

Khi mở mắt ra, tôi thấy Vương Thuý Kiều, Mã Kiều Nhi và Đạm Tiên đang từ chỗ Hồ Tôn Hiến bước lại. Họ vồ lấy tôi. Và phủ đầy linh hồn tôi mùi nước hĩm của họ. Tôi nhớ lại lời bà Phó Đoan, chỉ có một cánh cửa duy nhất là hĩm.

Tôi kêu lên: “Oan gia.”

Ba cô gái cười nắc nẻ. Thế giới nào cũng thế thôi, ông anh ạ. Tuy nhiên, người tôi muốn gặp lại nhất là Hồ Tôn Hiến. Tôi cảm thấy vui vì tôi nghĩ đây là lúc tôi có thể nói chuyện với ông một cách bình đẳng nhất, không vướng vất huyền thoại hay quyền lực.

Tôi nói với ba cô gái: “Các em vẫn xinh tươi là vui rồi. Nhưng cho anh chào người chăn dắt các em cái đã.”

Đạm Tiên nói: “Thúc Sinh còn sống ở Dubai, ở đây chỉ có đại ca Hồ Tôn Hiến thôi.”

Tôi bảo tôi muốn gặp ông ta. Họ treo tôi trong háng và dẫn tôi đến chỗ Hồ Tôn Hiến.

Họ bảo: “Đây là cách an toàn nhất.”

Hồ Tôn Hiến vẫn đường bệ và kiêu hãnh cho dù ông ta đã phải uống thuốc độc bước xuống tuyền đài.

Hồ Tôn Hiến nói ngay: “Nhà văn cũng không thể thay đổi lịch sử phải không.”

Tôi đáp: “Vâng, nhà văn không làm thay đổi điều gì cho ai ngoài chính hắn.”

Hồ Tôn Hiến nói: “Tôi cũng không tin là ông có thể tự thay đổi.”

Tôi đáp: “Vâng, đấy chỉ là điều tôi mong muốn.”

Hồ Tôn Hiến bảo: “Chúng ta đều đã làm việc vô ích.”

Tôi nói: “Không chỉ vô ích mà đôi khi tàn ác.”

Hồ Tôn Hiến bảo: “Trong những hoàn cảnh nhất định, khó có thể làm khác như tôi đã làm. Vấn đề chỉ là các điều kiện.”

Tôi nói: “Tôi không có ý định phán xét ông.”

Trong lúc chúng tôi nói chuyện, Đạm Tiên, Mã Kiều Nhi và Vương Thuý Kiều xoa bóp cho Hồ Tôn Hiến và tôi cảm nhận được quyền lực của ông.

Tôi hỏi: “Ông vẫn có thể tìm được cho mình những thứ của trần gian sao?”

Hồ Tôn Hiến cười: “Cũng rẻ thôi. Đây chỉ là hàng mã hoá vàng do độc giả của ông gửi xuống.”

Hồ Tôn Hiến nói tiếp: “Tôi biết ông xuống đây cũng đã lâu, nhưng dường như ông vẫn chưa biết gì về âm phủ.”

Tôi gật đầu.

Hồ Tôn Hiến nói: “Thật ra, thế giới của các ảo tượng như Chí Phèo, Kiều Nguyệt Nga vân vân... mà ông đã trải qua cũng không khác thế giới của xương thịt máu me như ông hay tôi. Tất cả chỉ do ý lực mà thành. Ông hãy thử đi.”

Tôi nói: “Có ý lực là có tranh giành.”

Hồ Tôn Hiến bảo: “Phải. Đây là cõi hỗn mang. Cũng vui mà.”

Tôi cảm thấy không còn gì để nói với Hồ Tiên Hiến dù trước đó tôi rất muốn được ông chia sẻ những kinh nghiệm lịch sử trần thế.

Lòng tôi nguội lạnh.

Bà Phó Đoan đã rơi vào háng nào? Tôi cần phải đi tìm bà.

Ngay khi tôi mới chỉ khởi lên ý nghĩ ấy, bà đã xuất hiện trước mặt tôi: “Em vẫn ở bên anh.”

Tôi hỏi trong lúc tôi gặp Thuý Kiều, Mã Kiều Nhi, Đạm Tiên và Hồ Tôn Hiến thì bà ở đâu?

Bà Phó cười trơ tráo: “Em muốn vào hội với họ và em đã ở trong háng Hồ Tôn Hiến.”

Tôi hỏi: “Em sẽ ở lại hay đi tiếp với anh?”

Bà Phó nói: “Đây là thế giới của em và em muốn ở lại.”

Tôi ôm bà Phó một lúc để chia tay.

Tôi cúi nhìn nơi tôi sẽ rơi xuống. Làm thế nào đến bến mê, xoá sạch mọi ký ức? Tôi tung người và tôi thấy tôi lộn vòng. Khi rơi xuống, tôi vẫn chỉ thấy bà Phó Đoan đứng đó bịn rịn.

Bà Phó bảo: “Anh cần phải đi qua một cái háng.”

Chẳng có chọn lựa nào khác, tôi chui vào háng bà Phó.

Ở phía bên kia tôi nhìn thấy những bộ xương trắng đang bốc hơi. Tôi cũng nhìn thấy nhiều người đang đi tìm hài cốt của mình. Họ bới móc và lắp ráp vào thân thể mình những lóng xương tìm thấy. Đôi khi không khớp, họ quăng đi và tiếp tục tìm kiếm. Tôi nghĩ tôi cũng có thể tìm thấy những chiếc răng sâu của mình ở đây, tuy không cần ăn nữa, răng vẫn tạo ra cảm giác. Nhưng tôi không thể đánh hơi được răng của mình ở đâu trong đống xương vô định này.

Tôi chợt rùng mình vì nghĩ đến việc sẽ thoát ra khỏi cõi này như thế nào nếu không đi qua một cái háng? Tôi thử tung người và lộn vòng. Tôi rớt xuống giữa đống xương. Tôi nghĩ phải tạo ra một cái háng. Và tôi tìm một bộ xương háng. Rồi tôi chui qua. Tối tăm mù mịt. Tôi không sang được phía bên kia mà tôi đang ở trong háng-tối-tăm-mù-mịt. Cụ Đồ Chiểu ơi, cứu tôi. Tôi chìm trong sự ẩm ướt. Những linh hồn lạnh giá cào cấu tôi như thể họ muốn lột da tôi. Tôi bàng hoàng nhận ra họ đang lóc thịt tôi bằng sự lạnh giá của họ.

Sự lạnh giá làm tôi tê cứng. Chẳng bao lâu tôi sẽ chỉ còn là một bộ xương khô như họ. Tôi sợ. Tại sao tôi lại sợ mặc dù tôi biết tôi đã ở thế giới của sự chết và sự sợ hãi? Tôi cố gắng vùng vẫy. Khi tôi đứng lên được, tôi không còn nhìn thấy bộ xương nào nữa mà trước mặt tôi là một ông già vẻ mặt quắc thước nhưng run rẩy vì lạnh.

Tôi hỏi ông ta: “Những bộ xương đã biến đi đâu?”

Ông già nói: “Ta đã làm củi đốt để sưởi ấm hết rồi.”

Tôi hỏi lại: “Trong một khoảnh khắc?”

Ông ta đáp: “Cái lạnh ấy không thể dùng lửa bình thường mà sưởi ấm được, cũng không chỉ đốt một vài bộ xương khô là đủ.”

“Và ông sẽ tiếp tục tìm củi xương để sưởi ấm?” tôi hỏi.

Ông ta bảo có đốt hết nhân loại trên mặt đất này cũng không đủ. Tôi muốn đạp cho ông một cái và tôi nghĩ không thể không đạp ông ta. Rồi tôi nhảy lên đá song phi vào mặt ông ta. Nhưng tôi chỉ trượt vào khoảng không.

Sự oán giận làm tôi không trụ chân xuống được. Tôi tiếp tục trượt đi vô định.

Tôi nghĩ cần phải có một cái háng để treo mình lại. Tôi hồi hướng về Mã Kiều Nhi, ngay lập tức, tôi thấy tôi đang treo giữa tử khí của một cung đình đã lụi tàn.

Hồ Tôn Hiến đang họp với bọn môn khách, thấy tôi Hiến nói: “Ngồi xuống đi, ông cũng nên tham dự.”

Không biết chuyện gì, nhưng tôi cũng ngồi xuống.

Hồ Tôn Hiến nói: “Tin thông thiên địa cho biết, bọn cực tả Chí Phèo đã làm cuộc cách mạng giai cấp trên toàn bộ các bộ phận chức năng của cơ thể. Tình hình rất phức tạp. Bọn chúng có thể tấn công vào triều đình phong kiến của chúng ta, gây mất ổn định chính trị và đặc quyền đặc lợi của chúng ta. Đề nghị chư huynh đệ cho biết biện pháp đối phó.”

Một vị môn khách có vẻ như từng là một quan chức lớn đã về hưu, nói: “Thưa ngài lãnh tụ vĩ đại, với bọn vô sản trên răng dưới dái như Chí Phèo, chúng ta chỉ cần bảo nó, triều đình sẽ bảo đảm cho chúng một cuốn sổ hưu vĩnh hằng, tất chúng sẽ hoan hỉ nhận ơn mưa móc, vâng phục tôn ti trật tự của triều đình.”

Hồ Tôn Hiến quay ra hỏi tôi: “Ông thấy thế nào?”

Tôi bảo tôi không có kinh nghiệm về sổ hưu.

Một vị môn khách khác nói: “Chúng ta đừng quên rằng, Chí Phèo cũng có thể cung cấp các sổ hưu cho đồng bọn, có khi còn hậu hĩ hơn.”

Một vị môn khách có màu da đỏ như lửa nói: “Không được nói thế. Triều đình của chúng ta là ưu việt. Sổ hưu của chúng ta cao quí nhất trong toàn cõi trời và đất, vì chúng ta đã phục vụ một vị chúa tể của mọi chúa tể.”

Hồ Tôn Hiến sờ cái cằm không râu của mình, nói: “Chư huynh đệ không đi vào trọng tâm của vấn đề. Trong chúng ta, ai biết Chí Phèo thực sự muốn gì?”

Tất cả im lặng.

Hồ Tôn Hiến nói: “Đây là chỉ thị, sau khi tôi chiêu đãi ông Nguyễn đây một chầu nhất dạ đế vương xong, chư huynh đệ phải báo cáo chi tiết cho tôi mọi khát vọng thâm sâu của Chí Phèo. Hết họp.”

Hồ Tôn Hiến dẫn tôi đi giữa hai hàng mỹ nhân dợn sóng gợi dục. Tôi nhận ra một số khuôn mặt quen mà trên dương thế gọi là hot-girl, tôi thật sự muốn họ.

Nhưng Hồ Tôn Hiến bảo: “Ông dùng chi cái thứ lá cải ấy.”

Rồi Hiến dẫn tôi đến một nơi chỉ là ánh sáng, thứ không thể tìm thấy dưới âm phủ mù mờ. Ánh sáng như ngọc lung linh. Hiến bảo: “Ông hãy tắm gội thư giãn bằng thứ ánh sáng huyền hoặc này để thanh lọc linh hồn trước khi đón nhận những niềm vui mới.”

Tôi chìm ngập trong ánh sáng và linh hồn tôi long lanh trong suốt. Ánh sáng rửa sạch tôi và ánh sáng xoa bóp tôi, tôi cảm thấy nhẹ nhàng nhưng đói khát. Rồi ánh sáng mờ đi, hương hoa trái của trời đất hoà với hương của hĩm đàn bà dìu dặt rồi đậm đặc dần, tôi hít thở bằng thứ thanh khí ấy và tôi căng phồng dần lên. Khi tôi đầy sức mạnh cũng là lúc tôi cảm thấy mình hoang dã nhất, tứ đại mỹ nhân Trung Hoa từ từ tụ hình và tôi bị treo giữa Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Quí Phi. Lòng tôi khát cháy.

Hồ Tôn Hiến cùng Mã Kiều Nhi, Vương Thúy Kiều, Đạm Tiên xuất hiện. Hồ Tôn Hiến nói: “Ông muốn được là Đường Minh Hoàng, Ngô Phù Sai, Hô Hàn Tà... hay tất cả cũng ok. Chúc ông thoả mãn.”

Tôi bảo: “Đa tạ thịnh tình của ngài, nhưng tôi vốn không có chân mạng đế vương để hưởng lạc thượng thừa nên với các bậc mẫu nghi thiên hạ này xin kính nhi viễn chi. Nếu có thể được, tôi chỉ muốn Trần Viên Viên dân giả, kỹ nữ của thành Giang Tô hoa lệ.”

Trần Viên Viên đến, tay bắt mặt mừng với các nàng hầu của Hồ Tôn Hiến. Cùng trong một cõi phong trần, họ toát ra mùi dâm đãng quí phái. Hồ Tôn Hiến tặng tôi cả bốn nàng kỹ nữ.

Tôi hỏi Hồ Tôn Hiến: “Có điều kiện gì không?”

Hồ Tôn Hiến nói: “Cứ vui chơi và quên đời.”

Chúng tôi cầm kỳ thi hoạ như những kẻ tao nhã trước khi bốn nàng kỹ nữ tháo rời tôi từng mảnh và thả trôi tôi trong các mạch máu của họ. Một lạc thú tôi chưa từng biết tới và không thể mô tả.

Rồi tôi thấy lại đời.

Hồ Tôn Hiến hỏi: “Không quên đời được à?”

Tôi đáp: “Tôi và đời khác chi nhau.”

Hồ Tôn Hiến nói: “Vậy thì, ông sẽ theo tôi hay theo Chí Phèo?”

Nghe cứ như cái thuở quá độ “chống cộng đến cùng” hoặc “cộng sản đến chết” của đồng bào mình.

Tôi đành xúc phạm Hồ Tôn Hiến: “Hồ Tôn Hiến hay Chí Phèo khác gì nhau?”

Hồ Tôn Hiến nói: “Người quân tử phải biết chữ thời.

Tôi đáp: “Tôi, dân vỉa hè, chỉ biết chữ không.

Hồ Tôn Hiến ném trả tôi về háng-tối-tăm-mù-mịt. Lão già vẫn dùng xương làm củi sưởi ấm đang ngồi trước háng một mình. Tôi không hiểu tại sao chỉ có duy nhất lão ở cõi này.

Tôi hỏi: “Hồi trên dương thế, cụ đã làm gì?”

Lão vuốt râu ra vẻ hài lòng về cách xưng hô của tôi: “Ta chỉ làm vì thôi. Chú hiểu không?”

“Nghĩa là cụ bị tiếm quyền?”, tôi hỏi lại.

Lão ta gật đầu: “Bọn khốn nạn mượn danh ta lộng hành.”

Tôi hỏi: “Sao cụ lại để bọn khốn nạn ấy mượn danh mình?”

Lão già có vẻ ngậm ngùi: “Bởi vì chính ta cũng đã là một kẻ mượn danh người khác.”

Tôi lờ mờ hiểu và dật dờ im lặng. Bọn khốn nạn ấy nắm được bí mật lão, nhưng không dám giết lão vì sợ cái thế lực đã dựng nên lão. Bọn chúng buộc phải vô hiệu hoá lão và vẫn dùng lão như một biểu tượng không thể thay thế. Có lẽ không ai lạnh giá hơn lão.

Tôi cảm nhận một nỗi nguy hiểm khi ngồi bên lão. Lão có thể đốt cả tôi để sưởi ấm sự cô đơn tuyệt đối của mình. Tôi cần phải bỏ chạy hoặc giết lão, nhưng không thể. Tôi nhớ lại lời Hồ Tôn Hiến, vấn đề chỉ là ý lực. Và tôi tập trung ý lực hướng tới sự tha thứ.

Khi tôi trở nên thanh thản hơn, tôi nói với lão ta: “Tôi biết những đống xương kia do cụ tạo ra và cụ tìm cách thủ tiêu nó. Nhưng sự huỷ diệt chỉ tạo ra sự huỷ diệt khác. Tôi chân thành cầu chúc cụ siêu thoát.”

Chẳng có ai siêu thoát trong thế giới này. Nhưng lão đã biến đi. Tôi dứt bỏ lão khỏi tâm trí.

Bây giờ tôi chỉ còn một mình. Và tôi nghĩ về sự cô đơn. Tôi nhớ khoảng năm 1980 trên dương thế, khi tôi bị lực lượng an ninh đón lỏng bắt tại nhà ông bạn già, người hợp tác với tôi biên soạn tài liệu chống chế độ độc tài toàn trị trong điều kiện hợp pháp. Hai tên ép tôi ngồi giữa trên xe gắn máy chở về trại giam. Chiều chập choạng đông người, nhưng nỗi cô đơn mới ớn lạnh làm sao. Tôi chỉ có một mình trước cửa ngục tù và huỷ diệt. Tôi chỉ có một mình của sử lịch nhân gian. Bầu trời này rồi khép lại. Hai tay tôi bị còng. Tôi sẽ không với tới bất cứ một cái gì khác.

Thế giới vắng lặng. Nhà tù vắng lặng. Tôi cũng vắng lặng. Tôi không cầu mong điều gì cho tôi.

Tôi nhớ quà tiếp tế trong tù của mẹ tôi. Tôi nhớ trần gian. Tôi hiện về trong giấc mơ của vợ tôi bảo hãy gửi xuống âm phủ cho tôi tất cả những người bạn. Vợ tôi vào Chợ Lớn đặt hàng vài chục hình nhân vừa nam vừa nữ, rồi dán tên từng người vào lưng áo họ giống như vận động viên bóng đá, hoá vàng. Nhờ thế, tôi cập nhật được thời sự. Cũng nhờ thế, thỉnh thoảng tôi tham gia ký tên trong các tuyên bố hay kiến nghị về tình hình xã hội, đất nước.

Những người bạn tôi ngạc nhiên vì âm phủ không phải là nơi an nghỉ. Tôi nói với họ đã đến lúc cả âm phủ và dương gian phải vùng dậy. Đúng lúc ấy, bọn côn đồ xông đến, chúng ném mắm thối và gạch đá vào chúng tôi. Đó là những kẻ vĩnh viễn không thể đầu thai, bởi vì chúng phục vụ cho một ý chí tồn tại mang tính đặc quyền. Trong lúc mọi người còn hoảng loạn, Chí Phèo xuất hiện. Lãnh tụ kính yêu lớn tiếng át mọi ý lực còn mơ hồ:

“Hỡi các linh hồn,

Ai muốn sung sướng, hãy theo tôi á. Và để được sung sướng hãy tùng phục tôi á. Ai không tùng phục tôi, kẻ ấy sẽ phải đau khổ á. Vì tôi là chân lý, hãy hoan hô và kính yêu tôi á. Sau khi mãn hạn phục vụ tôi, ai cũng được cấp một sổ hưu vĩnh hằng á. Ngay từ bây giờ, hãy nhận lấy vinh quang này á...”

Toàn bộ âm phủ được thanh lọc. Những bạn bè tôi biến mất.

Hồ Tôn Hiến đứng cạnh tôi, lo lắng hỏi: “Liệu thành phần như tôi có phải đi học tập cải tạo không?”

Được làm vua, thua làm giặc, bận tâm làm gì. Tôi muốn nói với Hồ Tôn Hiến, nhưng tôi im lặng.

Dưới chính sách khoan hồng của cách mạng, phong kiến như Hồ Tôn Hiến bị vất vào trong háng thối. Đồi trụy phản động như tôi không bị tập trung cải tạo nhưng phải viết kiểm điểm cho đến bao giờ hết chữ.

Một hôm, Hồ Tôn Hiến hỏi tôi: “Cách mạng xét cho cùng là gì?”

Tôi bảo, vấn đề của ông chỉ là thay vì tự ca tụng mình, ông chuyển sang ca tụng Chí Phèo.

Hồ Tôn Hiến gật gù, lại hỏi: “Như vậy thì khi người ta làm lãnh tụ hay có quyền lực trong tay, người ta sẽ thông minh hơn hay trở nên tối dạ?”

Tôi bảo, chỉ những kẻ biết từ bỏ quyền lực mới là người thông minh.

Khí thế của cuộc chỉnh đốn lên ngút trời. Một trật tự khác được thiết lập. Hồ hởi phấn khởi nhất vẫn là các đồng chí theo voi ăn bã mía. Các đồng chí này tự ý chia nhau các háng sang trọng và tiện nghi nhất. Những hĩm hoặc cu thơm tho cũng bị họ chiếm đoạt tự do theo ý thích.

Trong những ngày huy hoàng ấy, Kim Liên tiểu muội rất mực nhu mì cũng vớ được một thằng cu cách mạng triệt để. Hắn làm cán bộ quản lý một háng toàn những cựu danh gia vọng tộc. Kim Liên không thiếu thứ gì. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Kim Liên đã ngoại tình với một cu cựu danh gia thất thế phải làm trâu ngựa cho các quan cách mạng cỡi. Kim Liên tâm sự, hoài cổ với anh giai chế độ cũ, phong vị của đời con gái quả không uổng phí. Chồng Kim Liên nổi điên, rút cặc ra nói: “Cặc tao vừa to, vừa có quyền lớn, thế mà mày còn ngoại tình là sao?” Kim Liên không bào chữa hay giải thích, nàng xin ly dị.

Kim Liên không về háng tập thể, nàng chọn một cái hóc bà tó thâm sơn cùng cốc ăn chay tụng kinh hành thiền. Nàng nói, em ngộ ra làm người là một cơ duyên hãn hữu trong vô lượng kiếp trầm luân trước cánh cửa giải thoát. Vì thế cần tận dụng cơ hội này để vượt qua luân hồi nghiệp chướng bước vào niết bàn chân như.

Hãy tu tập với em. Kim Liên bảo tôi.

Tôi nghiêm trang nói, anh là một công án. Em cứ tu tập và hồi hướng về anh mà tịnh độ.

Kim Liên ca vọng cổ, anh bông lơn cà chớn lăng nhăng bát nháo, hồi hướng về anh mà tịnh độ được thì cũng siêu phàm thoát tục, nhưng em trường túc đa dâm thủy nếu tụng niệm anh thì chắc là sẽ sa đoạ bộn bề chín cõi thọ tiễn sa trường...

Tôi bảo, tính không của niết bàn vẫn phải mượn tính không của bộn bề sa đọa để quá giang, vì thế hãy đi qua anh mà đến với chân lý.

Kim Liên bảo anh ngụy ngôn xảo trá.

Tôi cười nói, em đã ly dị chồng rồi thì cũng nên ly thân với mọi thứ kinh thư giáo điều mà ma cà bông tồng ngồng phiêu hốt một phen.

Kim Liên bảo em chán mọi sự đời. Tôi nói sự đời hay sự đạo thì có khác chi nhau.

Kim Liên bảo, nói vậy mà không phải vậy.

Tôi nói ừ. Rồi cũng theo Kim Liên đến hang cùng ngõ hẻm. Tu đạo.

Đạo tu là đạo tù. Tôi tự giam tôi trong mật pháp. Làm thế nào có thể giải phóng mình giữa bộn bề sa đoạ? Làm thế nào thoát khỏi vô minh âm phủ? Kim Liên cho tôi ăn chay và chỉ cho phép tôi làm tình chay với nàng. Chế độ cai trị của tập đoàn Chí Phèo bao cấp toàn diện. Ăn uống theo thực đơn của chế độ, kể cả ăn chay. Yêu đương làm tình theo công thức của chế độ. Lao động và nghỉ ngơi theo chính sách của chế độ. Thưởng thức và tư duy nghệ thuật theo định hướng của chế độ. Mọi lập trường quan điểm theo mẫu của chế độ... Vì thế, mỗi chúng tôi đều được phát một cẩm nang gọi là sống và làm việc theo gương Chí Phèo, chúng tôi chỉ cần giở sách là có thể giải quyết mọi vấn đề. Việc tu đạo của chúng tôi nhờ thế tinh tiến rất nhanh. Chúng tôi hoàn toàn xả kỷ buông bỏ mình, không vọng động tà niệm. Sống an bình trong bao cấp của chế độ. Chúng tôi đã đạt đạo.

Một hôm, Xuân Tóc Đỏ đến, nói: “Biết gì chưa?”

Tôi hỏi lại như kẻ truy vấn về đạo: “Biết là biết cái gì?”

Xuân Tóc Đỏ nói: “Có một nhân vật mới vừa xuất hiện dưới âm phủ”.

Tôi cười: “Giây phút nào chẳng có nhân vật mới xuất hiện.”

Xuân Tóc Đỏ ra vẻ quan trọng: “Ai chẳng biết thế. Đây là nhân vật có thể làm thay đổi số phận chúng ta.”

Tôi bảo: “Không ai có thể thay đổi số phận chúng ta, ngoài chính chúng ta.”

Xuân Tóc Đỏ bảo: “Đây là nhân vật đặc biệt.”

Tôi hỏi: “Tập Cận Bình, Obama hay Putin?”

Xuân Tóc Đỏ nói: “Steve Jobs”.

Tôi trầm ngâm, tự hỏi, liệu một phù thủy công nghệ thông tin có thể đấu trí với một thằng chính trị lưu manh hay không?

Xuân Tóc Đỏ nói ngay: “Công nghệ thay đổi, cuộc sống thay đổi, chính trị cường quyền không thể câu thúc được.”

Tôi nói: “Cũng tuỳ những điều kiện cụ thể. Công nghệ phục vụ công ích hay nhu cầu chính trị tùy thuộc vào bối cảnh chính trị mà nó trú ngụ.”

Tuy nhiên, tôi vẫn đón nhận tin Steve Jobs đến với một niềm vui.

Vô số điện thoại di động và máy tính bảng được gửi xuống âm phủ. Vợ tôi cũng hoá vàng cho tôi một cái iPhone 5. Những kẻ không biết gọi ai để nói chuyện mang điện thoại ra vọc như vọc cặc tìm cái cảm giác khám phá, đặc biệt những ứng dụng về hình ảnh và games. Còn tôi, việc đầu tiên từ khi có điện thoại là gọi lên dương gian cho vợ dặn dò gửi một số đồ ăn và quần áo, một tập quán có từ khi tôi ở tù chế độ cộng sản, trước khi nói những chuyện khác.

Vợ tôi hỏi, âm phủ cũng giống trại tù cải tạo hay sao?

Tôi bảo, chỉ khác mỗi điều là không phải lao động thôi.

Vợ tôi nói, như vậy thì âm phủ cũng tốt.

Tôi bảo, không phải lao động nhưng cũng rất phức tạp.

Vợ tôi hỏi, anh có được tự do không?

Tôi bảo cũng tùy, một người sống như con cừu sẽ không cảm thấy mất tự do, hoặc coi sự tự do của mình là gấp triệu lần loại người khác.

Em hiểu rồi, vợ tôi nói, ôm anh.

Nhờ điện thoại di động và internet, âm phủ và dương gian không còn cách trở. Ma và người nhập nhòa với nhau hầm bà lằng hổ lốn.

Tôi gặp Steve Jobs ở quán cà phê Starbucks nằm trên ngã ba ngang trái. Ông ta treo hai chân bên cửa sổ nhìn ra thác sám hối, nơi các linh hồn tự đổ xuống như nước

Steve Jobs nói với tôi, âm phủ không giống như niềm tin tôn giáo của ông ta.

Tôi bảo, vì đây là âm phủ nên mang màu sắc đông phương, nếu you xuống hoả ngục thì có lẽ khác.

Tôi nói thêm, tôi không tin một người như you lại phải xuống hoả ngục.

Steve cười, vì thế tôi đã ở đây.

Steve hỏi tôi có thể cho ông ta một lời khuyên của người đến trước không?

Tôi nói, thật ra cũng chẳng có gì khác trần gian, vì thế you nên tự tìm hiểu lấy. Tôi bảo không có đúng sai và cũng không có giới hạn. Nếu chúng ta sống như một bầy cừu, chúng ta sẽ không phải bận tâm điều gì.

Steve bảo, chắc có sự nhầm lẫn khi ông ta rơi xuống đây và tự treo trong một hệ điều hành ẩn chứa nhiều lỗi cơ bản.

Chính vì thế, tôi nói, có nhiều người đặt hy vọng vào ông ta.

Steve nói, tôi chỉ muốn được an nghỉ trong ánh sáng và tình yêu của Chúa. Những gì cần làm tôi đã làm rồi.

Tôi nói, đấy không phải là tính cách của Jobs.

Steve bảo, nhưng tôi đã chết rồi. Một người đã chết thì nên chấm dứt mọi sự vụ. Tôi cũng muốn được giải thoát theo tinh thần Phật giáo.

Tôi chợt hiểu Jobs trong cái ẩn mật về tính không của danh và sự, sắc tướng.

Cho dù Steve Jobs không làm gì, sự có mặt của ông ta trong âm phủ cũng đã kích hoạt các bộ não đang mờ dần mọi ký ức. Các linh hồn bỗng nhận ra sự khác thường trong cuộc sống treo của mình, cũng như vai trò lãnh đạo toàn diện của tập đoàn Chí Phèo.

Ban Tuyên dục gán cho Steve Jobs cái mác “thế lực thù địch”. Họ tìm cách cô lập và vô hiệu hoá Steve Jobs. Bất cứ ai đến uống cà phê với Steve Jobs đều bị Ban Tuyên dục cho người theo dõi và trấn áp. Bọn an ninh Tuyên dục thường giả dạng côn đồ hành hung những linh hồn có ý đồ phản tỉnh. Bầu khí khủng bố man rợ len lỏi vào tận các háng hoang sơ.

Kim Liên bảo, em thấy nhiều âm binh lảng vảng quanh đây, đầy sát khí.

Tôi nói, không hiểu được.

Kim Liên bảo bọn giặc cướp ở đâu cũng như nhau. Nàng nói tiếp, bọn khốn này muốn làm nản lòng những ai muốn thoát khỏi tay chúng, nhưng cách làm của chúng đê tiện hèn hạ quá.

Tôi hơi bất ngờ về nhận xét của Kim Liên. Bọn chúng thiếu tự tin vào sự chính danh và luật lệ của mình, tôi nói, một dấu chỉ của tàn lụi. Tuy thế, vẫn có rất nhiều người đến uống cà phê với Jobs. Họ nói, con người biết sợ nhưng con người cũng biết cách vượt qua nỗi sợ. Phẫn nộ là một ý thức về lẽ phải và sự công bằng.

“Thế lực thù địch” nơi Steve Jobs là niềm cảm hứng về sự thay đổi. “Thế lực thù địch” nơi mỗi công dân, trong bối cảnh độc tài toàn trị, là ý thức phản kháng, sự khác biệt và tự do. Khổng Tử cũng đã từng cổ vũ cho sự đổi mới, nhật tân-nhật tân-hựu nhật tân, nhưng Khổng Tử lại quá đề cao lòng trung thành, bởi thế trong vùng ảnh hưởng của ông ta, con người bị dìm trong cái chết của sự trung thành ngu muội.

Chí Phèo chưa bao giờ tuyên xưng mình là cộng sản, phong kiến, tư sản hay bất cứ một mô hình xã hội nào, bản chất vô sản và khát vọng cướp chính quyền của hắn là một cuộc cách mạng tự kỷ. Nó giải phóng chính hắn thoát khỏi những ẩn ức bị đày đọa và khinh rẻ bằng cách đày đọa và khinh rẻ người khác.

Steve nói, ý thức về sự bất lực có thể lại là một địa ngục khác.

Hồ Tôn Hiến bí mật cho người đến gặp Steve đề nghị hợp tác.

Steve bảo: “Dù thế nào, tôi cũng là một ma Mỹ, sự có mặt của tôi trong hàng ngũ các anh dễ bị chụp mũ là thế lực thù địch nước ngoài xúi giục. Bọn cai trị không tin vào khả năng tự nhận thức và hành động quật khởi của sự phẫn nộ nơi người bị áp bức. Có một sự thật, các anh – kẻ cai trị hay bị trị - đều mang tâm thế của người nhược tiểu, không đủ tự tin và sức mạnh nội tại để gánh vác vận mệnh của mình. Sự vay mượn từ bên ngoài khiến các anh mất tự chủ để hành xử cho xứng hợp và giam cầm lẫn nhau.”

Hồ Tôn Hiến cho vời tôi đến, nói: “Người Mỹ không ủng hộ chúng ta. Phải tính sao?”

Tôi bảo: “Tính sao là việc của ông. Nhà văn không phải người ngoài cuộc nhưng văn chương tự nó chẳng có nghĩa vụ gì cả.”

Hồ Tôn Hiến nói: “Các anh cần phải hòa nhịp trái tim với trái tim đồng loại, đồng hành với dân tộc...”

Tôi đáp: “Vâng, nhưng đồng loại hay dân tộc không bắt buộc phải là anh.”

Ban Tuyên dục của Chí Phèo cũng mời tôi làm việc. Họ nói: “Chúng tôi có thể bắt anh về tội tuyên truyền chống chế độ bất cứ khi nào chúng tôi muốn. Muốn tồn tại để viết, hãy cộng tác với chúng tôi.”

Tôi tự hỏi mình có muốn tồn tại không và tồn tại như thế nào?

Kim Liên bảo an toàn nhất là chui vào háng em.

Tôi không chui vào háng Kim Liên mà tìm gặp cụ Đồ Chiểu, hỏi: “Cụ có phải là dân tộc không?”

Cụ Đồ Chiểu cười hiền: “Tôi thác ở Bến Tre và xuống âm phủ này theo cách của một người mù. Có thể gọi tôi là ông già Ba Tri nhưng tôi tuyệt đối không đại diện cho dân Bến Tre hay Ba Tri.”

Tôi hỏi cụ: “Cụ theo Chí Phèo hay Hồ Tôn Hiến?”

Cụ lại cười: “Tôi theo dân tộc.”

Lục Vân Tiên xách chai rượu đến: “Uống với dân tộc một miếng đi.”

Lục Vân Tiên rót cho tôi một chén. Tôi vốn không biết uống rượu, nên đổ rượu vào hốc mắt. Tôi thấy dân tộc nhoè nhoẹt.

Lục Vân Tiên nói: “Không phải cứ dân tộc là không có phe.”

Tôi đáp: “Tôi biết điều ấy.”

Và tôi chán ngấy dân tộc. Vân Tiên tiếp tục rót rượu cho tôi. Mỗi lần uống, tôi đổ vào một bên hốc mắt. Khi say tôi hỏi: “Mả mẹ mày, dân tộc đâu rồi?”

Lục Vân Tiên cười ha hả, nói: “Đất nước này có 54 dân tộc cùng chung sống, mày muốn hỏi thằng nào?”

Tôi nói: “Có thằng nào giống mày không?”

Lục Vân Tiên bảo: “Chúng nó chết hết rồi.”

Tôi bảo: “Thế thì kêu tụi nó đến đây uống rượu.”

Tức thì 54 thằng Lục Vân Tiên có mặt.

Tôi bảo: “Chúng mày là đồ đểu.”

Đến lúc ấy tôi không phân biệt được đâu là Vân Tiên chính chủ, đâu là Vân Tiên phiên bản. Thôi thì, tao chấp nhận bản báo cáo hoàn hảo của chúng mày. Nào, vô...

Chúng nó cùng hô “vô”.

Rượu đổ vào những linh hồn trong suốt và làm cho chúng trở nên long lanh. 54 thằng Lục Vân Tiên cùng nói: “Thế giới này được tạo thành bởi rượu.”

Tôi bảo: “Nhưng không phải vì thế mà chúng mày có thể mượn rượu nói càn.”

54 thằng Lục Vân Tiên cùng nói: “Bọn tao chỉ nói những điều chân lý.”

Tôi bảo: “Không có chân lý trong sự đồng dạng như chúng mày.”

54 thằng Lục Vân Tiên cùng cãi: “Sự đồng dạng là biểu hiện của chân lý đúng đắn.”

Tôi bảo: “Chúng mày chỉ là cái loa, đéo phải người.”

54 thằng Lục Vân Tiên cùng la lớn: “Chúng tao là người.”

Tôi tỉnh rượu khi 54 thằng Lục Vân Tiên cùng lúc xéo qua linh hồn tôi với đờm rãi.

Xuân Tóc Đỏ gặp tôi. “Thời cơ đã chín mùi chưa?” Hắn hỏi.

Tôi đáp: “Đây là lúc ông có thể hành động.”

Hắn lại hỏi: “Steve Jobs có giúp chúng ta không?”

Tôi đáp: “Steve Jobs không giúp ai, nhưng sản phẩm của ông ta có thể giúp chúng ta.”

Xuân Tóc Đỏ biểu lộ thất vọng: “Tôi không hiểu.”

Tôi nói: “Mọi tư tưởng đã trở thành lỗi thời, những cuộc cách mạng xã hội đích thực chỉ đến sau những cuộc cách mạng công nghệ. Với internet, ông có thể tiến hành một cuộc chiến không bao giờ thua khi vũ khí của ông là sự thật.”

Xuân Tóc Đỏ nói: “Tôi cần thời gian để suy nghĩ về điều này”.

Tôi nói: “Trong các chế độ độc tài thì sự ngu dốt và giả dối là sức mạnh. Vì thế, chỉ có sự thật mới có khả năng làm cho sức mạnh của sự ngu dốt và giả dối ấy bị lật tẩy và được khai sáng.”

Xuân Tóc Đỏ không cần thời gian để suy nghĩ, hắn chạy đến chỗ Hồ Tôn Hiến, hỏi: “Ngài có thể tìm được một triệu dư luận viên ủng hộ mình không?”

Hồ Tôn Hiến đáp: “Một triệu hay một tỉ không phải là vấn đề. Điều quan trọng là tập hợp họ như thế nào? Ngươi có cách chăng?”

Xuân Tóc Đỏ, nói: “Dạ, không cần phải tổ chức, chỉ cần giao việc cho họ. Hãy bảo họ nói sự thật mọi nơi mọi lúc trên iPhone và iPad.”

Hồ Tôn Hiến hỏi: “Sự thật nào?”

Xuân Tóc Đỏ nói: “Cho mọi linh hồn biết họ đang bị treo và ai là kẻ treo họ.”

Hồ Tôn Hiến lại hỏi: “Ngươi có biết không?”

Xuân Tóc Đỏ nói: “Dạ biết mà không dám nói.”

Hồ Tôn Hiến hỏi: “Ngươi nghĩ ai là kẻ dám nói?”

Xuân Tóc Đỏ bảo: “Chúng ta bỏ tiền ra mua sự can đảm.”

Hồ Tôn Hiến cười lạnh: “Ta mua nhà ngươi được không? Giá bao nhiêu?”

Xuân Tóc Đỏ toát mồ hôi hột, hắn nói: “Tôi nào có đáng chi.”

Hồ Tôn Hiến rót cho Xuân Tóc Đỏ một cốc rượu: “Ta ghi nhận ý kiến của ngươi. Hãy cầm lấy chai rượu và thể hiện sự can đảm của mình.”

Xuân Tóc Đỏ cầm chai rượu quý của Hồ Tôn Hiến ra ngoài và trước khi đến háng trung ương của Chí Phèo hắn đã tu hết chai rượu. Chí Phèo tiếp Xuân Tóc Đỏ trong một nếp gấp của háng Thị Nở.

“Anh bạn có kiến nghị à?”

Xuân Tóc Đỏ nói: “Bọn phản động đang tác yêu tác quái trên iPhone và iPad. Chúng xuyên tạc, nói xấu chế độ, thậm chí có âm mưu lật đổ. Chúng ta cần phải thành lập ngay một lực lượng dư luận viên hùng mạnh phản bác chúng nó.”

Chí Phèo cho triệu ngay Chủ tịch Ủy ban Tuyên dục đến, hỏi: “Cần có bao nhiêu dư luận viên để át giọng thù địch, hát hò nhảy múa tụng ca chế độ tuyệt vời của chúng ta?”

Chủ tịch Ủy ban Tuyên dục nói: “Thưa lãnh tụ, tôi đã nghĩ đến vấn đề này và đang cho lập dự án để trình lãnh tụ.”

Chí Phèo hỏi lại: “Cần bao nhiêu cái loa?”

Chủ tịch Tuyên dục nói: “Dạ, theo tỉ lệ địch một ta mười. Các đồng chí tổ phụ của chúng ta không bao giờ ngần ngại trong việc lấy thịt đè người. Và họ đã luôn luôn chiến thắng.”

Chí Phèo bảo được, cho thi hành ngay.

Cuộc chiến giữa phe Hồ Tôn Hiến và Chí Phèo lại bùng nổ. Vô số ngôn từ mới phát sinh để thích nghi với tính đa dạng của các chiêu thức hạ đẳng. Phổ biến nhất vẫn là sự văng tục được biến cải từ hĩm và cu, như thể cu và hĩm là một loại vũ khí tối thượng có khả năng làm tê liệt đối thủ bằng sự điếm nhục. Một nghịch lý mang tính hủy hoại toàn bộ ý nghĩa cuộc sống con người bất kể là âm phủ hay dương gian. Cái tốt đẹp nhất trở thành cái xấu xa nhất. Và vì thế ngôn từ càng trở nên phong phú hơn và lắt léo hơn bởi sự bất thường mà người ta phải đối phó với thói quen văn hoá của mình.

Để làm sống động hơn và tăng tính hiệu quả cho cuộc chiến, phe Hồ Tôn Hiến cho đặt hàng trên dương thế những chiếc mặt nạ mang hình cái hĩm, và sẵn sàng dán vào mặt bất cứ dư luận viên nào cứ như thể họ chưa bao giờ ở trong hĩm. Trong khi phe Chí Phèo cho làm những con cu bằng giấy cạc tông nhồi và tống ngay vào miệng những ai lên tiếng chỉ trích chế độ cai trị của họ.

Tôi gọi điện thoại bảo vợ, cuộc cách mạng đích thực đã tới. Dương gian và âm phủ đã tiếp cận được với nhau một cách trực tiếp thông qua công nghệ hoá vàng. Vì thế âm phủ có thể tác động với dương gian và ngược lại. Nghĩa là nếu bạn muốn có một vị trí tốt dưới âm phủ, bạn có thể đầu tư ngay khi còn sống bằng cách nắm bắt tình hình và đầu tư vào một phe nào đó. Tất nhiên mức độ may rủi cũng như chơi chứng khoán thôi. Tôi hỏi vợ, em có muốn làm bà chúa dưới âm phủ không? Vợ tôi bảo, thà làm ma vất vưởng ở dương gian còn hơn làm bà chúa dưới âm phủ. Tôi hỏi sao vậy? Vợ tôi bảo anh có điên không? Tôi bảo đùa thôi. Rồi tôi nói tôi sẽ thu xếp để vợ tôi có thể trở thành nhà cung cấp vũ khí cho cả hai phe. Một cơ hội làm giàu ngon lành. Vợ tôi bảo đừng đùa dai thế.

Tôi thuộc khuynh hướng chống lại sự cai trị và áp đặt. Vì thế, tôi ngầm ủng hộ phe Hồ Tôn Hiến. Tôi biết sau khi bị Mã Giám Sinh bức tử, Hồ Tôn Hiến muốn tìm cách lật đổ Chí Phèo nhằm lấy lại quyền cai trị của mình bằng cách liên kết với bọn phản động và các thế lực thù địch cả ở dưới âm phủ và trên dương thế. Hồ Tôn Hiến tinh khôn như chồn cáo, nhưng Hồ Tôn Hiến không biết Chí Phèo bựa như chính danh của hắn. Những đòn của Hồ Tôn Hiến đánh vào Chí Phèo vì thế giống như đánh vào quả cầu xoay, nó trượt đi không để lại dấu vết. Nhưng ngôn ngữ của Chí Phèo lại làm tổn thương Hồ Tôn Hiến nghiêm trọng. Hồ Tôn Hiến cần một sách lược hiệu quả mang tính quyết định.

Tôi nói tôi không thể giúp ông ta, Steve Jobs cũng không thể giúp ông ta, nhưng con người mà ông ta thù oán là Mã Giám Sinh có thể giúp ông. Hồ Tôn Hiến tỏ ra ngạc nhiên, thằng bán tơ ấy ư?

Tôi nói, người giết ông được thì cũng có thể cứu ông được.

Hồ Tôn Hiến hỏi, làm sao có thể gặp hắn? Tôi bảo ý lực là lòng thành.

Mã Giám Sinh đến.

Hắn hỏi Hồ Tôn Hiến: “Ông không còn oán hận tôi sao?”

Hồ Tôn Hiến tỏ ra bình thản: “Nói không thì cũng không đúng. Nhưng dù sao chúng ta cũng đều đã phải chết. Cái chết không hoà giải nhưng đã xoá mờ mọi khác biệt giữa chúng ta. Tôi muốn chúng ta bắt đầu lại một cuộc cờ khác. Ông giúp tôi chứ?”

Mã Giám Sinh hỏi: “Ông còn dám tin tôi sao?”

Hồ Tôn Hiến bảo: “Không có điều gì che giấu được sau cái chết.”

Mã Giám Sinh nói: “Được”.

Hồ Tôn Hiến hỏi: “Ông muốn được đền đáp như thế nào?”

Mã Giám Sinh nói: “Tôi không phải là người theo đuổi quyền lực. Vì thế, tôi chỉ muốn ông giao lại cho tôi ba cô gái: Đạm Tiên, Vương Thuý Kiều và Mã Kiều Nhi.”

Hồ Tôn Hiến bảo: “Sau danh vọng và quyền lực, thì ba cô gái ấy là báu vật, đặc biệt trong cõi vĩnh hằng này. Tuy nhiên, tôi sẵn sàng giao lại cho ông.”

Mã Giám Sinh dắt ba cô gái đi. Hắn nói với ba cô: “Suốt cuộc đời Chí Phèo trên dương thế chỉ có được 5 ngày ngửi mùi hĩm. Nhờ 5 ngày đó hắn biết thế nào là ái tình, con người và sự lương thiện. Nhưng 5 ngày đó cũng đủ chừa cho hắn tất cả thời gian còn lại dưới âm phủ là mất đi vĩnh viễn bản chất con người. Những gì hắn cho thực thi trong âm phủ này chỉ là trả thù cho sự mất mát đó. Nhiệm vụ của các cô là gieo mầm sự sống vào lòng hắn bằng sự đam mê mông muội của ái tình nhục dục. Khi hắn biết hắn là người thì hắn sẽ phải chết. Cái ác sẽ kết thúc.”

Hồ Tôn Hiến vui vẻ gặp tôi. “Còn cậu, cậu muốn được thưởng cái gì?”

Tôi bảo, tôi chỉ muốn nhìn thấy sự thay đổi.

Hồ Tôn Hiến nói: “Tôi đã sống trong các chế độ độc tài từ phong kiến đến toàn trị, và tôi biết cái khó khăn của mọi cuộc cách mạng không phải là tìm kiếm sức mạnh áp đảo từ bên ngoài mà chính là giải tỏa sức nặng của cái ngu trung nội tại trong lòng chế độ. Chính cái bọn ngu trung là lực cản lớn nhất cho mọi thay đổi.”

Hồ Tôn Hiến nói tiếp: “Chính vì thế, chỉ làm biến chất Chí Phèo không thôi thì chưa đủ. Cần làm cái gì đó toàn diện hơn để chuyển hóa cả đám đông.”

Tôi bảo đám đông chỉ là một lũ a dua bầy đàn thôi. Tuy nhiên, thời của các lãnh tụ muôn năm cũng đã hết. Vấn đề là kích động được đám đông.

Hồ Tôn Hiến bảo: “Âm phủ là một đám đông đã liệt kháng.”

Tôi nói, không. Đấy là nghệ thuật của chính trị.

Hồ Tôn Hiến hỏi tôi: “Muốn đánh cờ không?”

Tôi nói, không. Tôi chán cái trí khôn của tôi quá rồi. Rồi tôi treo tôi lên sự trống vắng trong cái háng không còn mùi hĩm của ba cô gái tôi yêu quí bỏ lại.

Những gì Chí Phèo biết về thế giới chỉ là mối quan hệ đấu tranh giữa kẻ cai trị và bị trị của những nhà cách mạng nuôi chí căm thù phục hận theo kiểu cướp cạn, trong thời gian hắn ở tù, tương tự mối quan hệ của hắn và Bá Kiến. Vì thế, để giải phóng mình khỏi cái ức chế bị coi là công cụ, Chí Phèo biến thế giới thành công cụ và mọi mối quan hệ xã hội thành dây xích.

Khi Mã Giám Sinh mang ba cô gái đến, Chí Phèo rất bựa bảo: “Buôn vua hay buôn gái, tội đều đáng chết.”

Mã Giám Sinh nói: “Vâng, tôi đáng chết. Nhưng xin ngài cứ thượng hưởng.”

Chí Phèo cười lạnh: “Hãy sử dụng sự thông minh của mình đúng chỗ.”

Mã Giám Sinh ngay tức khắc tự xử bằng cách đập vỡ vỏ chai rượu trên bàn và đâm vào mặt mình như xưa kia Chí Phèo đã từng làm như thế ở nhà Bá Kiến.

Chí Phèo nói: “Ngươi có thể ra đi.”

Mã Giám Sinh cầm theo chai rượu vỡ cùng với khuôn mặt đầy máu bước ra vĩnh viễn khỏi tầm nhìn của Chí Phèo.

Tin vui lan nhanh trong toàn thể âm phủ. Ba cô gái của Đoạn Trường Tân Thanh có mặt trong háng trung ương của Chí Phèo. Có người bảo Chí Phèo muốn nếm mùi đoạn trường, nhưng cũng có người nói, hắn biết sống rồi đấy. Dẫu sao, người ta cũng hy vọng, nước nhờn của các cô sẽ làm cho Chí Phèo trở nên con người và tươi mới hơn.

Chí Phèo thú nhận với các cô gái: “Ta chưa từng biết tới sự diễm lệ của những giọt nước mắt hay sự sang trọng nồng nàn của ái tình vương giả. Vì thế các nàng cứ tự nhiên mà phô bày trình diễn mọi kiểu cọ cung đình quí tộc để cho Chí Phèo này một phen biết thế nào là thần tiên lạc cảnh.”

Đạm Tiên cười tươi như hoa: “Anh hai vào vai thật tuyệt. Để tạ lòng tri kỷ, chúng em xin tận tâm phục vụ. Không phải hĩm nào cũng là hĩm. Anh hai sẽ là Ceasar đại đế của đêm đông phương kỳ ảo.”

Ba cô ríu rít cởi quần áo lột trần Chí Phèo đưa đi tắm và xoa bóp cho hắn.

Chưa xong công đoạn vệ sinh và hâm nóng cơ thể, Chí Phèo đã bảo: “Ra rồi.”

Các cô bảo: “Không sao, chúng em sẽ làm cho anh hai tiếp tục ra một cách oai hùng lẫm liệt cho đến muôn đời sau.”

Đúng như các cô nói, với tinh thần phục vụ không biên giới, các cô đã làm cho Chí Phèo lúc nào cũng ra nước như người bị hượt tinh mãn tính. Tuy nhiên, cả ba cô đều biết một cách chính xác rằng, không có một con tinh trùng nào ở trọ trong thứ nước nhớp ấy. Họ gọi đó là hiện tượng “xuất tinh khống”, xuất tinh do sướng về mặt tinh thần. Đối với Chí Phèo, được giải phóng khỏi sự ức chế tâm lý vô sản, khi hắn làm chủ nhân ông của ba cô gái, là một cảm giác vừa phiêu hốt vừa tràn đầy, nó đẩy cái khối lượng thể chất của Chí Phèo cao lên một tấc cách mặt đất và làm hắn mất trọng lực. Vì thế, xuất tinh trở thành một hiện tượng thường trực và không thể kiểm soát.

Nhưng điều ấy không làm cho thế giới trở nên hân hoan hơn. Mọi chính sách của Chí Phèo đều phát sinh từ cái nguồn cơn bất định của cảm giác rất Chí Phèo ấy. Nó bao giờ cũng bất hợp lý và vì thế luôn luôn thay đổi. Tuy thế, cái bất hợp lý cũng chưa phải là một thứ không chịu đựng nổi mà bởi chính cái tự coi mình ưu việt hơn tất cả của Chí Phèo để lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, mới là địa ngục. Nó xoá bỏ mọi cái không phải Chí Phèo. Để tồn tại, người ta phải chấp nhận sự đồng nhất với Chí Phèo.

Đạm Tiên, Vương Thuý Kiều và Mã Kiều Nhi không những không thể làm cho Chí Phèo biến chất, mà còn làm cho sự bất định và vô lý của Chí Phèo được nâng lên một tầm cao mới. Một phần không thể thiếu của cuộc sống. Ban Tuyên dục mở chiến dịch tung hô và học tập theo gương đổi mới của Chí Phèo. Không sống và làm việc như Chí Phèo không phải là người.

Với tôi, khoản học tập gái gú theo gương Chí Phèo thì quả không có gì phải phàn nàn. Nhưng các cụ như Đồ Chiểu hay thậm chí Vũ Trọng Phụng lại khác. Họ cho rằng sự vô độ là biểu hiện của suy thoái đạo đức, phỉ báng truyền thống dân tộc.

Cụ Đồ Chiểu cho gọi Lục Vân Tiên đến, nói: “Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh làm câu trau mình. Ta không thể nhắm mắt làm ngơ mãi với bọn vô văn hoá mất gốc như Chí Phèo. Ngươi cần tụ nghĩa cần vương dẹp loạn.”

Lục Vân Tiên e dè thưa lại: “Thưa thày, cần vương là cần cho ai?”

Cụ Đồ Chiểu bất ngờ bị hỏi ngược, bối rối nói: “Ờ... thì ta cũng không biết cần vương cho ai, nhưng vẫn cứ phải cần vương, phục hưng đạo lý thánh hiền.”

Lục Vân Tiên đứng giữa trời than: “Chí làm trai da ngựa bọc thây, nhưng ta biết phục vụ ai giữa chốn tù mù này?”

Mã Giám Sinh bảo: “Hãy đến với Hồ Tôn Hiến.”

Lục Vân Tiên đến háng của người tụ nghĩa.

Hồ Tôn Hiến hỏi: “Anh bạn đã từ giã vợ con chưa?”

Lục Vân Tiên thưa: “Tôi vì nghĩa lớn, gác lại tình riêng.”

Tuy thế, Hồ Tôn Hiến vẫn nói: “Anh bạn cứ về nhà bàn bạc với vợ con rồi đến với ta cũng không muộn.”

Lục Vân Tiên chán nản về nhà. Nhưng Mã Giám Sinh nói: “Cậu không hiểu sự nhân từ đức độ của Hồ Tôn Hiến sao?”

Lục Vân Tiên vỡ nhẽ, Hồ Tôn Hiến quá nhân bản.

Hồ Tôn Hiến biết mình biết người. Kẻ mà ông ta chờ đợi vẫn chưa tới.

Tin đại nguyên soái băng hà được truyền xuống âm phủ vào một ngày cuối thu, tất cả các facebooker từng là chiến binh đều hoan hỉ. Họ nói, chúng ta đã chết để ngài trở thành đại nguyên soái, thì cũng đến lúc đại nguyên soái phải chết để chúng ta tiếp tục là chiến binh của ngài như ý trời đã định.

Hồ Tôn Hiến cho chuẩn bị một lễ tiếp nhận trọng thể. Ông ta hoàn toàn có lý do để tin rằng, đại nguyên soái xuống âm phủ sẽ đến thẳng chỗ ông ta mà không phải bất cứ háng nào khác. Bởi đại nguyên soái là một biểu tượng của sự trung thành bất chấp thời thế.

Quả nhiên, sau đúng 49 ngày, đại nguyên soái rơi thẳng xuống lễ đài nơi Hồ Tôn Hiến treo cờ quạt tưng bừng đón tiếp. Cả âm phủ khóc rống lên vì vui mừng, từ nay họ sẽ có nguyên soái để lãnh đạo cuộc trường chinh mới, tiếp tục đổ máu cho một mục đích không bao giờ đến. Nhưng cũng có không ít người chờ đợi để hạch hỏi nguyên soái về máu xương họ hy sinh đã mang lại điều gì thiết thực? Thậm chí có người còn đặt câu hỏi: “Nguyên soái có phải là người vô can trong cái chết của họ và tình trạng lâm sàng của các thế hệ kế tiếp trên dương thế?”

Dù thế nào, nguyên soái cũng đã có mặt trong háng Hồ Tôn Hiến. Thay vì giơ tay chào kiểu nhà binh, ông ta cúi gập người xuống rất lâu, cho đến khi Hồ Tôn Hiến bước đến nâng ông ta, nguyên soái mới đứng thẳng người lại với khuôn mặt đầy nước mắt.

Hồ Tôn Hiến rất cảm động hỏi: “Chú có điều gì oan ức chăng?”

Nguyên soái: “Thưa đại ca, em chờ lệnh.”

Hồ Tôn Hiến nói: “Chú ngồi xuống, ăn miếng cháo lú của âm phủ. Chúng ta bắt đầu lại.”

Nguyên soái hỏi: “Có nhất thiết phải ăn cháo lú không?”

Hồ Tôn Hiến nói: “Nếu không ăn sẽ không thể chịu đựng nổi với ký ức.”

Nguyên soái bảo: “Em không muốn quên bất cứ điều gì”.

Hồ Tôn Hiến nói: “Không cần thiết. Hoàn toàn không cần thiết. Ý lực mới sẽ mang đến tất cả mọi điều chúng ta muốn. Nhưng trước hết, chúng ta cần có một ý lực cách mạng tập thể đủ mạnh để áp đảo những ý lực phản động rời rã khác.”

Nguyên soái: “Chiến thuật biển người trong mọi trường hợp đều đúng.”

Ở háng trung tâm, Chí Phèo đón nhận tin nguyên soái xuống âm phủ với một chút lo lắng. Cái lo lắng thật sự không phải vì tài năng cầm quân của nguyên soái, mà ở ngay trong nội bộ hàng ngũ phe đảng Chí Phèo, những kẻ cơ hội. Làm thế nào ngăn ngừa sự đào ngũ trở cờ tự diễn biến của thuộc hạ? Chí Phèo cho gọi Xuân Tóc Đỏ.

Chí Phèo nói: “Ta có mấy câu hỏi cho ngươi: Một, nếu chiến sự nổ ra giữa ta và Hồ Tôn Hiến, ta có thể ăn vạ Diêm vương được không? Diêm vương có giúp ta không? Hai, niềm tin của ta cần đặt vào đâu?”

Xuân Tóc Đỏ: “Ngón võ ăn vạ vẫn là tuyệt chiêu của ngài. Diêm vương không thể không vì ngài. Về câu hỏi thứ hai, xin ngài luôn nhớ, chúng ta đang sống trong thế giới vô hình, vì thế hãy là vô hình trước mọi cuộc tấn công. Chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về ngài.”

Chí Phèo hỏi: “Bọn âm binh vẫn hưởng bổng lộc của ta sẽ làm gì?”

Xuân Tóc Đỏ nói: “Chúng sẽ phục vụ người chiến thắng.”

Xuân Tóc Đỏ được Chí Phèo ban cho ân huệ theo đóm ăn tàn, luôn có mặt bên cạnh hắn trong mọi cuộc xuất hiện trước công chúng. Xuân Tóc Đỏ dùng hình ảnh đó để tống tiền và tình mọi viên chức và các cơ quan đoàn thể trong hệ thống.

Chí Phèo trở thành người điếc trước dư luận oán thán và những kiến nghị thay đổi của những kẻ trung thành. Hắn cũng là người mù lòa trước những nguy cơ sập bẫy do chính hắn tạo ra.

Không một ai có thể được coi là đứng ngoài cuộc tranh chấp quyền lực giữa Chí Phèo và Hồ Tôn Hiến. Nạn nhân đầu tiên là những kẻ nghiêng ngả không dứt khoát theo ai. Những kẻ tưởng mình khôn có thể hưởng lợi từ hai phía, nhưng họ đã bị tuyên án tù, hoặc phải chết do trâu bò húc nhau mà không ai phải chịu trách nhiệm. Nhân dân hay các đẳng linh hồn không còn biết mình là ai. Đứng ở đâu cũng là cá nằm trên thớt. Giữa lúc ấy, tôi tình cờ đọc được thông tin này:

TUYÊN BỐ CỦA NHÂN DÂN BA XÃ PHỤNG CÔNG,
XUÂN QUAN, CỬU CAO HUYỆN VĂN GIANG
 
Chúng tôi những người nông dân bị cướp đất cho dự án đô thị Ecopark (khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang).
 
Trong 9 năm vừa qua, chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại tố cáo đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng đến nay các cơ quan pháp luật đó vẫn cố tình không giải quyết. Để mặc nhà đầu tư dùng xã hội đen đàn áp nhân dân để cướp đất. Chúng tôi, 1244 hộ dân có đất bị cướp không thể chịu đựng thêm được nữa. Xin tự nguyện đăng ký mỗi hộ dân ít nhất một người quyết CẢM TỬ với bọn cướp đất để bảo vệ đất đến cùng.
 
Văn Giang, ngày 7 tháng 10 năm 2013

Điều này mang đến cho tôi một nguồn cảm hứng kỳ lạ. Tôi gặp Lục Vân Tiên và kể cho chàng nghe về việc những nông dân mất niềm tin vào pháp luật và công lý, đứng lên tự giải quyết các mâu thuẫn xã hội bằng chính sinh mạng của họ. Tôi nói, âm phủ cũng cần quyết liệt như thế, dù với bọn Tuyên dục hay thậm chí Chí Phèo hoặc Hồ Tôn Hiến.

Lục Vân Tiên bảo: “Tôi không làm lãnh tụ được.”

Tôi nói, cuộc cách mạng đích thực nơi mỗi linh hồn không cần có lãnh tụ. Hãy cảm tử đi.

Nhưng Lục Vân Tiên nói: “Tôi chỉ còn là một biểu tượng. Tất cả ý chí của tôi, cái có thể biến thành hành động, đã lụi tàn trong những giáo điều về con người trí thức mẫu mực.”

Tôi không còn cách nào khác là viết một kịch bản mới.

Nhân ngày Vu lan, cửa âm phủ mở ra, tôi về trần gian bảo vợ ra chợ Kim Biên tìm mua cho tôi một chai thuốc độc.

Vợ tôi hỏi: “Anh không muốn đầu thai nữa sao?”

Tôi nói: “Anh cần chấm dứt mọi sự một cách tuyệt đối.”

Vợ tôi không tin, cười nói: “Làm sao anh đến được thế giới tuyệt đối?”

Tôi bảo: “Vấn đề chỉ là thái độ.”

Hồ Tôn Hiến cũng quay lại trần gian. Tôi gặp ông ta ở quán thịt chó.

Tôi hỏi: “Ông có điều gì hối tiếc không?”

Hồ Tôn Hiến bảo: “Không, lịch sử là cái không thể thay đổi. Nếu có điều gì phải hối tiếc thì đó chính là tôi đã biến thành người do dự vào giai đoạn cuối đời và cái sự bất tử của tôi đã không như tôi muốn.”

Tôi nói: “Ông vẫn còn cơ hội làm lại danh vọng mình trong cuộc chiến đấu với Chí Phèo dưới âm phủ.”

Hồ Tôn Hiến bảo: “Thật ra Chí Phèo cũng chỉ là một thái cực khác của tôi thôi. Trong thế giới vĩnh hằng, cái bản chất của chúng ta cũng vĩnh hằng, vì thế tôi hành động chỉ để hành động, nghiệp chướng không vì thế tăng lên hay giảm xuống.”

Và như biết được ý định của tôi, Hồ Tôn Hiến nói: “Hãy đưa chai thuốc độc cho tôi. Tôi không cần sự bất tử.”

Tôi nhìn Hồ Tôn Hiến chăm chú. Tôi cảm nhận được sự thấu suốt của ông ta về sự sống. Tôi đưa chai thuốc độc cho ông. Chúng tôi cùng quay lại âm phủ.

Tôi gặp Diêm Vương.

Tôi biết tôi đã thực sự chết. Và đây là niềm hy vọng của tôi. Tôi thưa với Diêm Vương: “Tôi không có gì để tri ân ngài về cái chết và cuộc chờ đợi của tôi trong âm phủ này. Tôi đã không phải đền tội hay bất cứ thử thách nào cho quá khứ và tương lai của tôi. Nhưng tôi thành thật mong ước xin ngài một ân huệ.”

Diêm Vương im lặng.

Tôi nói tiếp: “Hãy biến âm phủ thành một nơi chờ đợi của niềm vọng tưởng mãi mãi.

Diêm Vương: “Thay đổi công năng của âm phủ là điều hoàn toàn có thể. Nhưng không vì thế mà ta có thể trở thành một Thượng đế nhân từ. Tuy nhiên, với ngươi, ta gia hạn cho ngươi thời gian để quán tưởng về âm phủ. Bởi vì âm phủ đích thực là nơi chờ đợi của niềm vọng tưởng vĩnh hằng. Quân đâu, hãy mang tên này trả lại trần gian.”

 

2014

 

----------------
Bấm vào đây để đọc CHUYÊN ĐỀ về NGUYỄN VIỆN

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021