thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
LÔNG & SỪNG [chương 3]

 

3.

 

Giác Thành Mao đã trở thành huyền thoại ngay khi ông ta còn sống.

Trong một biệt thự vừa để ở vừa làm khách sạn do Giác Thành Mao làm chủ, nơi trước kia gọi là xứ sở ngàn thông, giờ đây chỉ còn là những đồi trọc lô xô nhà cửa, ông ta ngồi trước tách trà nóng bên hiên nhà, nhìn mông lung xuống thung lũng xanh tái cũng đang nhấp nhổm mọc lên những khối bê-tông lạnh.

Từ Mỹ, Giác Thành Mao về Việt Nam có vẻ như để an cư những ngày cuối cùng của mình trên quê hương. Thật ra, Giác Thành Mao không về, ông tiếp tục một chuyến đi khác, cũng không chắc là chuyến đi cuối cùng. Ông không an nghỉ. Giác Thành Mao không quê hương. Bản quán của ông là những dặm trường.

Nhưng có một nỗi khẩn thiết từ sâu thẳm hối thúc Giác Thành Mao trở về. Ông muốn tìm lại Mao Thành Giác như cách để hoàn nguyên một bản thể. Đáng tiếc, Mao Thành Giác đã theo Mao Trạch Đông làm cách mạng xã hội và ẩn mình đâu đó trên một dặm trường khác. Cũng không quê hương như ông.

Làm thế nào họ có thể trở lại thành một như nó vốn thế?

Người bạn thuở ấu thời đã về làm quản lý khách sạn cho Giác Thành Mao, nói: “Tôi chắc chắn rằng Mao Thành Giác thuê hàng ngàn mẫu đất rừng ở ngã ba Đông Dương làm căn cứ địa, thời hạn năm mươi năm, do Bắc Kinh hỗ trợ.”

Giác Thành Mao hỏi: “Có thật hắn là người của Bắc Kinh?”

Viên quản lý nói: “Chắc chắn. Ông ấy có vợ người Tàu và đã gửi lại vợ con cho Chu Ân Lai chăm sóc.”

Giác Thành Mao lại hỏi: “Hắn làm gì ở ngã ba Đông Dương?”

Viên quản lý tỏ ra đăm chiêu: “Người ta bảo đó là một khu tự trị, hay còn gọi là Đặc khu Đông Dương. Ngoài việc khai thác gỗ, sản xuất cocain, các loại hoá chất dùng trong công nghiệp thực phẩm, môi giới hôn nhân cho đàn ông Trung Hoa lục địa và Đài Loan... gần như công khai, ông ấy còn bí mật tổ chức đào tạo các chiến binh khủng bố do cố vấn Trung Quốc phụ trách.”

Giác Thành Mao băn khoăn: “Thực sự hắn muốn gì?”

Viên quản lý: “Không ai biết ông ta thực sự muốn gì, ngoài việc đang làm cho Bắc Kinh như tôi nói.”

Giác Thành Mao hỏi: “Liệu hắn có theo đuổi tham vọng chiếm hữu Đông Dương không?”

Viên quản lý thưa: “Việc này do Bắc Kinh định đoạt. Ông ta có thể mượn gió bẻ măng, hoặc đơn giản chỉ là tay sai Bắc Kinh.”

Giác Thành Mao: “Cậu nghĩ thế nào, nếu ta bắt tay với hắn?”

Viên quản lý: “Tôi nói thật nhé, chưa chắc Mao Thành Giác cần đến ông. Hơn nữa, ông bắt tay với ông ấy để làm gì chứ? Ông muốn chia chác Đông Dương với ông ta à?”

Giác Thành Mao cười buồn: “Thú thật với cậu, tôi không còn ham muốn tiền bạc hay quyền lực chính trị. Nhưng tôi cảm thấy không thể không đi tìm hắn. Một thôi thúc mà tôi cũng không biết để làm gì.”

Viên quản lý không thể hiểu một con người bị phân đôi và nhu cầu hợp nhất của nó. Ông ta nói: “Tôi e rằng điều ấy sẽ làm cho ông mất đi sự bình an.”

Giác Thành Mao nói: “Tôi lại cảm thấy rằng tôi sẽ không thể nào bình an, nếu không gặp hắn.”

Viên quản lý trầm ngâm: “Tôi sẽ tìm cách xem sao.”

Giác Thành Mao: “Thôi, chuyện đó tính sau. Bây giờ, cậu tìm cho tôi một cô gái khác cho tháng này. Kiếm người K’Ho nhé.”

Viên quản lý cười vui vẻ trở lại: “Được thôi.”

Nhu cầu tình dục của Giác Thành Mao dường như vô tận. Ông thích thay đổi, nhưng không quan hệ với gái điếm. Ông ta cũng không muốn bỏ công để tán tỉnh hay theo đuổi một cô nào. Vì thế, mỗi tháng viên quản lý mang về cho ông một cô theo dạng hợp đồng lao động. Có thể là nhân viên tiếp tân, hoặc dọn phòng. Việc còn lại là của ông. Việc của ông cũng đơn giản, cho nhân viên ăn uống chung với mình và họ sẽ làm theo những gì ông muốn. Những gì ông muốn cũng sẽ là những điều họ muốn. Ông không giữ cô nào quá một tháng bên mình. Ông bảo, “thế gian này hoa trái nhiều quá, chẳng nên phí của giời.”

Sau một tháng thử việc, viên quản lý tìm cách cho họ ra đi. Cô nào muốn ở lại, ông chấp nhận với điều kiện không ghen, không đòi hỏi. Nếu thích, ông cho tham gia trong những cuộc làm tình tập thể, chủ yếu để vui. Ông sống cuộc đời vua chúa một cách thầm lặng. Đôi khi ông cũng làm tình với khách đến trọ, nếu họ gây cảm hứng cho ông.

Cô gái K’Ho có nước da tái, đôi mắt dài dại như thể lúc nào cũng trong cơn say tình. Cô vừa học xong phổ thông, không có khả năng vào đại học không phải vì cô thiếu thông minh mà vì nhà cô nghèo, sống dưới chân núi Lang Biang với vài con heo và mấy luống rau củ. Thỉnh thoảng cô vẫn nhận giúp việc nhà. Viên quản lý của Giác Thành Mao tìm được cô do ông nhạc sĩ cũng người K’Ho, lâu lâu đến chơi đàn uống rượu với ông, giới thiệu. Ông nhạc sĩ bảo: “Cô này tin được.”

Giác Thành Mao cũng cảm thấy “cô này tin được” ngay khi gặp cô lần đầu.

Ông hỏi: “Em biết nấu ăn không?”

“Dạ, ở nhà em vẫn nấu cơm.”

“À... Em có thích trở thành một người nấu ăn giỏi không?” Ông hỏi tiếp.

Cô hồn nhiên: “Em thích được ăn ngon. Vì thế em cũng thích trở thành người nấu ăn giỏi.”

Ông cười: “Tốt. Tôi sẽ đãi em một bữa ăn ngon. Bù lại, em sẽ phải nấu cho tôi một bữa ăn mà em thích nhất. Cần gì cứ cho tôi biết. Được chứ?”

Cô cười thoải mái: “Dạ. Khi nào thì bắt đầu ạ?”

“Ngay hôm nay.” Ông nói.

Cô hỏi: “Thế còn công việc sao ạ?”

“À... cô thích là người nấu ăn cho tôi chứ?” Ông hỏi lại.

“Dạ, em rất vui...” Cô nói.

Giác Thành Mao muốn biết cô thích ăn uống ra sao. Đưa tiền cho cô đi chợ, ông nói: “Em cứ mua thứ gì em thích. Tôi sẽ ăn với em.”

Món ăn mà cô thích nhất chỉ là nghêu sò ốc hến. Ra chợ Đà Lạt, cô mua sò huyết, ốc hương và nghêu. Cô cũng không quên chạy về nhà lấy món cháo chua để đãi ông món truyền thống của người K’Ho.

Sò huyết cô làm sốt me, ốc hương nướng, còn nghêu hấp sả. Thật ra, cô chưa làm mấy món này bao giờ. Nhưng cô đã từng được ăn nó trong vài dịp đi chơi với bạn. Và cô làm đại theo hướng dẫn của người bán hàng. Cô vui sướng được chế biến chúng và cô thấy nó thật thịnh soạn.

Ông cũng thấy vui trước niềm vui của cô.

Ông bảo cô: “Uống một chút bia hay rượu nhé?”

Cô nói: “Dạ, ông uống gì cho em uống theo.”

Rót bia cho cô, ông bảo: “Uống cái này cho khỏi khát.”

Ông cụng ly với cô. “Chúc mừng em đến đây với tôi.”

Cô nói: “Dạ, em cám ơn ông.”

Ông ăn thử từng món và ông thấy các món ăn cũng chân chất như cô.

Ông hỏi: “Chắc còn nhiều món em thích nữa chứ?”

Cô ngây thơ bảo: “Hết rồi.”

Ông bật cười.

Cuối bữa, cô xuống bếp bưng quả bầu đựng cháo chua lên.

Cô nói: “Đây là món đặc biệt em dành cho ông.”

Ông thích thú nói: “Em muốn tôi nhập tịch K’Ho à?”

Cô cười: “Dạ, em không biết phải làm món nào cho ông thích, vì thế, em muốn ông nếm thử món đơn sơ này. Dẫu sao cũng là món truyền thống của người K’Ho. Nó được ủ kỹ nhiều ngày. Người lớn bảo món này do thần linh chỉ dạy.”

Ông nhìn cô với một chút ngạc nhiên: “Ồ... món ăn của thần linh sao?”

Cô nói: “Thật ra, nó là món ăn của người nghèo.”

Húp một miếng cháo, ông khen: “Cũng là lạ...”, như thể ông nói về mùi người.

Ăn xong, ông bảo cô: “Ngày mai, tôi sẽ dạy em nấu món tôi thích.”

Khi về già, những món Giác Thành Mao thích lại là những món “mẹ nấu” ngày xưa, cho dù ông chẳng nhớ gì mẹ hiền. Có thể chỉ vì nó ngon thật và phong vị thích hợp.

Ông bảo: “Tôi muốn em cùng ăn với tôi, vì thế em cần nhập gia tuỳ tục... Thích những món tôi thích. Vả lại, tôi cũng muốn tìm một cảm giác gia đình mà tôi chưa từng có...”

Cô cảm động, không nói gì.

Món đầu tiên ông dạy cô nấu là canh cá rô với cải xanh.

Nhìn cô làm bếp từ phía sau, ông bị kích thích vì mông cô tròn, nhưng ông kiềm chế. Ông nói: “Bí quyết làm cho món canh cá rô cải xanh ngon chỉ ở chỗ lấy xương và đầu cho vào cối giã nhừ, rồi lọc đổ vào nối nấu tiếp. Nhất thiết phải có gừng.”

Ngày thứ hai, ông dạy cô kho cá thu với rau răm và trà tàu.

Ngày thứ ba, ông bảo cô làm món ốc bươu nấu chuối xanh.

Cô nói cô thích thịt kho tàu, nhưng ông gạt đi. Ông cười bảo: “Em nên tập ăn món thịt heo kho tiêu. Đó là món truyền thống dành cho phụ nữ thời kỳ hậu sản.”

Cô hồng đôi má, nói: “Có ai chịu lấy em đâu mà hậu sản.”

Ông bảo: “Em muốn lấy chồng thì để tôi làm mối cho.”

Cô cười: “Thôi... Em không lấy chồng đâu.”

Ông hỏi: “Sao vậy? Con gái lớn phải lấy chồng chứ?”

Cô bẽn lẽn: “... Em không thích.”

Ông cố tình truy vấn cô: “Tại sao lại không thích được?”

Cô cúi mặt xuống, ngập ngừng nói nhỏ: “... Vì nếu em lấy chồng thì ai nấu ăn cho ông?”

Ông cười lớn: “Tôi thuê người khác được mà.”

Cô tiếp: “Nhưng em thích được nấu ăn cho ông.”

Ông ậm ừ trong miệng: “Được... Được...”

Cô nghe không rõ nên hỏi lại: “Sao ạ?”

Ông nói: “Cứ tạm thời như thế. Có lẽ tôi sẽ còn sống lâu đấy.”

Cô hớn hở: “Em sẽ chăm sóc ông.”

Ông quay mặt đi.

Khi ấy đang là chiều. Ngoài sân, trời im vắng. Chỉ có chút gió đùa cợt lá. Ông cũng đang đùa với cuộc đời mình. Tại sao ông không ôm cô, hôn cô, làm tình với cô như tất cả những cô gái khác ông đã gặp? Ông đâu cần phải ngại ngần điều gì, ông sợ sự thanh khiết chăng? Hay ông lại quay về với cái nền văn hoá cố cựu Nho giáo?

Nghĩ tới văn hoá, ông buồn cười. Chẳng lẽ cái thứ thổ tả ấy, giờ đây lại ám ảnh ông, đủ sức làm ông xấu hổ? Không, lão Khổng Khâu đã chết ngay khi ông còn là một thằng nhỏ thích ngửi háng phụ nữ ở làng Mơ, xứ Mận. Ông có văn hoá của riêng ông.

Chiều tà. Lòng ông lắng xuống. Ông nhớ tới từng cô gái mà ông đã xực và những vĩ cuồng ngờ nghệch của một anh nông dân coi trời bằng vung. Ông đã đạt được tất cả những gì ông muốn rồi quẳng đi không thương tiếc. Trở về Việt Nam, không phải ông đã ngộ ra điều gì sâu sắc của tư tưởng hay bình dị của hạnh phúc. Đấy là cái gì ông cũng không thực sự biết.

Ông nói với viên quản lý: “Đừng nói với tôi về sự phù du.”

Viên quản lý cười nhẹ nhàng: “Không nói về sự phù du hay cuộc đời này phù du, nhưng mọi thứ vẫn cứ đang phù du.”

Ông bảo: “Tôi không quan tâm đến nó, cho dù ngày mai tôi chết. Cả hai cái thứ triết lý sống như ngày cuối cùng, hay sống như mới bắt đầu, với tôi đều là cục cứt.”

Viên quản lý trả lời: “Có vẻ như ông không còn định hướng...”

Ông cười: “Không đúng... Tôi đang xoá bỏ.”

Bất chợt ông hỏi: “À... tên cô gái là gì nhỉ?”

Viên quản lý: “Hình như tôi có nói với ông rồi. Tên cô ta gọi ở nhà là Đambri, có nghĩa ‘đợi chờ’, hay đấy chứ?”

Ông gật gù: “Tôi không thích đợi.”

Nhưng thật bất ngờ với bản chất con người ông, ông đang đợi.

Thỉnh thoảng, ông vẫn đi dạo trong rừng, Đambri cùng đi với ông. Thích mùi rừng, ông cũng thích mùi của cô. Rừng và cô hoà quyện nhau. Cô như cây cỏ và mùi hoang dã. Rừng như cô lồng lộng và sâu kín. Ông thấy vui khi mỗi lần gõ cây gậy trúc vào một gốc cây nào đó. Tên mày là gì? Rừng không trả lời ông, nhưng cô nói: “Là em đấy.” Rồi cô nói tên mọi loại cây.

Khi mệt, ông ngồi xuống. Cô bảo: “Dựa vào lưng em nè.”

Khi dựa vào lưng cô, họ nhìn ra hai hướng. Ông nhìn trời. Cô nhìn đất. Cô khều cát dưới chân và muốn chôn chân mình xuống. Ý nghĩ cô sẽ mọc rễ và lớn lên như một loại cây làm cô thích thú.

Cô hỏi ông: “Ông đang nghĩ gì?”

Ông nói: “Tôi như một đám mây không bay nữa. Cũng không nhìn thấy nữa.”

Cô hỏi: “Có phải nó đang rơi xuống không?”

Thảng thốt, ông tự hỏi, đây là một cô gái K’Ho sao?

Ông nói: “...À... à... Tôi không biết nữa.”

Cô nói: “Em thấy nó đang rơi xuống.”

Ông cũng biết nó đang rơi xuống, nhưng ông đùa: “Ở đâu để tôi nhặt lại?”

Cô dập lưng cô vào lưng ông: “Đây này.”

Ông cười sảng khoái.

“Thế thì phải đi tiếp kẻo ngồi mãi nó tan ra.” Ông đứng lên.

Cô cũng đứng lên. Và cô luôn đi sau để trông chừng ông. Cô lo ngại ông có thể vấp té. Ông vừa đi vừa tiếp tục cầm gậy gõ vào các gốc cây, lẩm cẩm hỏi: Mày khoẻ phải không?

Đến một con suối đá. Toàn đá. Như một hành tinh khô cạn. Ông đập cây gậy vào mấy hòn đá dưới chân, mường tượng cảnh đá vỡ ra những giọt nước, nhưng không có gì xảy ra, chỉ vang âm những tiếng khô chát, rất nhỏ.

Ông ngồi xuống lần nữa trên một hòn đá lớn trong bóng mát của cây thông. Cô ngồi cạnh ông. Nắng đã bắt đầu gắt.

Cô nói: “Nên về thôi.”

Ông bảo: “Lấy đồ ăn ra đi.”

Cô mở ba-lô bày ra hai gói xôi đậu phụng, hai ổ bánh mì, một hộp phô-mai và mấy quả chuối.

Ông ăn một gói xôi, nghĩ, mình đang thuần Việt trở lại. Rồi ông tự hỏi, Đambri của ông có thuần Việt không? Ông không dám chắc thế nào là đúng. Ông nhìn cô và ông thấy vui. Ít ra cô cũng đang ở đây với ông trong bầu trời này, trong khoảnh khắc này.

Cô cùng ăn xôi với ông, mặc dù cô thích phô-mai hơn.

Ông nói: “Em ăn thêm phô mai đi.”

Cô ăn thêm một miếng phô mai cho ông vui.

Ông nói: “Tôi ngồi nghỉ. Em thích đi đâu hay làm gì thì cứ làm nhé.”

Cô hỏi: “Ông muốn ngả lưng một chút không? Em có mang theo cái áo mưa.”

Ông bảo: “Thôi khỏi cần, tôi dựa vào gốc cây được rồi.”

Cô tìm một gốc cây khác và cô nhắm mắt. Khi nhắm mắt, cô nhìn thấy ông ở trong cô. Vì thế, cô lại mở mắt để nhìn sang ông. Bên kia, ông cũng đang nhắm mắt. Trời im vắng. Không tiếng chim. Không tiếng suối. Không tiếng gió. Nhưng cả ông và cô đều dạt dào một niềm im vắng khác.

Trên đường về, cô hái một bó hoa lớn, đủ loại và nghĩ sẽ cắm trong phòng ngủ của ông.

Người quản lý đón họ ở bìa rừng.

Người quản lý nói: “Hôm nay con trai tôi đã tới.”

Giác Thành Mao hỏi: “Cậu sẽ đi với nó hay để nó đi một mình?”

Viên quản lý: “Chúng ta cần tìm người giới thiệu trước. Con tôi có một số bạn bè khai thác gỗ quanh ngã ba Đông Dương. Hy vọng họ có thể bắt liên lạc được giúp mình. Mao Thành Giác chưa bao giờ xuất hiện công khai ở đó. Ông ta vẫn như huyền thoại.”

Giác Thành Mao nói: “Hãy nhắn tin cho hắn rằng, một người anh em song sinh của ông ta muốn tham gia mở rộng lãnh địa.”

Người quản lý nói: “Thế lực của Bắc Kinh không thiếu đâu. Tôi nghĩ ông nên tìm một lý do khác.”

Giác Thành Mao cười: “Chẳng lẽ bảo hắn rằng tôi có thuốc cường dương hay trường sinh bất lão?”

Người quản lý cũng cười: “Biết đâu ông ta lại đang tìm thứ đó.”

Giác Thành Mao trở lại nghiêm túc hơn: “Tôi muốn gì, chắc hẳn anh ta cũng muốn thế. Vì vậy, cứ nói Giác Thành Mao đã về.”

Người con trai của viên quản lý tên Thành. Trung niên, thông minh, rắn giỏi. Anh ta đến Đà Lạt theo yêu cầu của bố.

Trong bữa cơm chiều, Giác Thành Mao hỏi Thành: “Công việc của cháu tốt không?”

Thành thưa: “Dạ, cũng vừa đủ thảnh thơi để muốn đi đâu thì đi.”

Giác Thành Mao nói: “Tốt. Bác cần cháu giúp một việc nhỏ, thăm hỏi bạn bè giùm có thể tiếp cận được Mao Thành Giác không?”

Thành nói: “Dạ, nhưng cháu cũng không chắc, vì chính cháu cũng chỉ nghe đồn có một nhân vật tên Mao Thành Giác làm chủ một vùng rộng lớn ở ngã ba Đông Dương, nơi được coi là một thứ Tam Giác Vàng như ở biên giới Myanmar, Lào, Thái Lan. Bề mặt chỉ là trồng rừng và khai thác gỗ. Nhưng có lẽ ông ta sản xuất ma tuý, hoặc huấn luyện khủng bố thì đúng hơn, vì nơi đây rất bí ẩn. Bác muốn làm ăn với ông ta à?”

Giác Thành Mao nói: “Không, tài sản của bác đủ để không phải bận tâm đến chuyện làm ăn. Cái khách sạn hay nhà nghỉ này, chỉ để cho bác nhìn thấy tình yêu và nghe được những tiếng rên vì tình của thiên hạ thôi. Bác quan tâm đến ông ta vì bác có một người anh em song sinh thất lạc mà bác tin chắc chính là Mao Thành Giác.”

Thành nói: “Ô... vậy thì cháu sẽ cố gắng giúp bác.”

Những ngày ở Đà Lạt, Thành cũng đụng mặt Đambri nhiều lần. Anh thấy cô hay, nhưng cảm nhận được mối quan hệ giữa cô và ông chủ Giác Thành Mao không bình thường, nên anh không bắt chuyện hay bày tỏ điều gì.

Hai ngày sau, Thành đi Kontum. Người bạn cho xe đến đón anh đưa về trại cưa ở Ngọc Hồi.

Người bạn hỏi: “Ông đến chỗ khỉ ho cò gáy này làm gì?”

Thành cười: “Đổi không khí chút.”

Người bạn bảo: “Ông muốn đi đào sâm Ngọc Linh thì được, chứ còn tìm gái lạ không có đâu.”

Thành đùa: “Nhưng ông vẫn có thể tìm được những thú hoang quí hiếm cần bảo tồn mà, phải không?”

Người bạn cười: “Tất nhiên, ông muốn gì cũng có.”

Thành nói: “Tôi cần tìm một thứ không những quí hiếm mà còn có phần nguy hiểm thì sao nhỉ?”

Người bạn: “Người hay vật?”

Thành tỏ ra như không có gì nghiêm trọng: “Ông có nghe nói về Mao Thành Giác không?”

Người bạn: “Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình.”

Thành hỏi: “Nghe thế nào?”

Người bạn: “Tại sao ông quan tâm đến hắn?”

Thành: “Tôi không quan tâm. Bạn của bố tôi muốn gửi ông ta một lời nhắn.”

Người bạn: “Thế à? Cho tôi biết nội dung được không?”

Thành: “Cũng chẳng có gì đặc biệt. Chỉ là anh em thất lạc muốn gặp mặt nhau thôi.”

Người bạn: “Tôi nghe nói Mao Thành Giác người Tàu mà.”

Thành: “Thật ra, tôi cũng không biết gì nhiều về những người này. Nhưng bạn bố tôi ngày xưa sống cùng làng, chơi với nhau từ thời thơ ấu.”

Người bạn nói: “Chắc ông đã biết cả Tây nguyên rất nhạy cảm. Riêng vùng này bị coi là nguy hiểm. Không ai đến gần khu đó được. Một là bị lính biên phòng hay an ninh bắt, hai là bị người của Mao Thành Giác giết.”

Thành cố hỏi: “Không đến gần được nhưng nhắn tin được không?”

Người bạn: “Tôi nghĩ vô ích, vì không ai biết Mao Thành Giác có thật không. Những gì nghe nói về ông ta chỉ là tin đồn, đại loại như ông ta sống trong hang động. Người bảo như tiên ông, đọc sách và câu cá dưới suối. Người bảo là một lãnh tụ cách mạng do Mao Trạch Đông cài cắm. Người bảo sản xuất ma tuý cùng với một cung đình tuyển gái đẹp khắp thế giới... Chưa ai nhìn thấy ông ta bằng xương thịt. Theo tôi, có thể đó là một tập đoàn đa quốc gia.”

Thành: “Nhưng cũng phải có người đứng đầu chứ?”

Người bạn: “Người ta truyền tụng là Mao Thành Giác.”

Buổi chiều họ ra huyện lỵ Plei Kần nhậu. Thành nhận ra đang bị an ninh theo dõi. Anh nghĩ: ngay cả việc kiếm gái vui chơi cũng nguy hiểm.

Trở về Đà Lạt, Thành nói với Giác Thành Mao: “Cháu xin lỗi.”

Đambri đãi Thành bữa cháo chua của bản làng với một món thuần Việt, cá bống kho tộ.

Thành nói với Đambri: “Tôi đã nghe danh vua bếp thế giới của bác Giác Thành Mao từ khi bác chưa về Việt Nam. Nhưng chỉ qua bữa ăn đơn giản này, dù không phải do chính tay bác làm, tôi cũng cảm nhận được tinh hoa của thực phẩm và tài hoa của người nấu. Tôi nghĩ là cô đã được bác truyền lại y bát.”

Đambri cười: “Cám ơn anh. Thực ra, em chỉ đang tập tành thôi. Nếu anh ở lại chơi lâu, em sẽ có dịp trổ tài mấy món rất lạ, không Ta không Tàu, tất nhiên là không Tây do ông mới dạy em...”

Thành nói: “Tiếc quá, sáng mai tôi phải đi rồi.”

Giác Thành Mao bảo: “Bác vẫn có ý định sẽ trồng một số cây dược liệu để làm hương vị và tăng hiệu quả dinh dưỡng cho các món ăn. Mấy món mà Đambri nói, bác đang thử nghiệm.”

Thành nói: “Hy vọng lần sau trở lại cháu sẽ được nhìn thấy vườn cây thuốc và thưởng thức tuyệt chiêu của bác.”

Giác Thành Mao cười nói: “Nhưng nếu tham ăn quá không những bội thực mà còn bội mấy cái linh tinh khác thì bác không chịu trách nhiệm đâu.”

Thành cười theo: “Chết vì được ăn ngon cũng vui mà.”

Giác Thành Mao chợt đổi giọng: “Ờ... người ta luôn nghĩ sống vì cái này, cái kia mà sao không mấy người nghĩ mình chết vì điều này, điều nọ ngoài bệnh tật và tai nạn nhỉ?”

Bấy giờ người quản lý mới lên tiếng: “Sống vì cái gì thì chết cũng vì cái ấy thôi.”

Khi chia tay, Thành nói với Giác Thành Mao: “Chúc bác hạnh phúc.” Và nói với Đambri: “Chúc em may mắn.”

Đambri nói: “Dạ, cám ơn anh. Em cầu chúc anh bình an ạ.”

Những ngày tiếp đó như tuột xuống một khoảng trống. Im vắng. Ông không tìm cách giải trí với những cô gái đến khách sạn của ông như ông vẫn thường làm.

Giác Thành Mao luẩn quẩn với mấy cây rau thơm trong vườn. Mùi của sự im vắng nhạt, nhường chỗ cho những tiếng nói xa khuất của Malika, Amanat, Scarlett... dấy động trong ông.

Ông không nghĩ mình là con người của những hồi tưởng. Dù vậy, những cô gái mà ông đã từng yêu cứ như những bóng ma về ám ảnh ông. Chẳng để làm gì, ông nghĩ thế, cuộc đời ông vẫn ở phía trước. Nhưng ông không thể không nhớ đến những ngày ông cùng họ vui sướng. Không tiếc nuối. Ông luôn luôn sống hết sức mình. Buông thả và tận hưởng. Thế mà bây giờ ông chần chừ... Phải chăng, ông đã già? Ông muốn mọi sự chậm lại và nhìn ngắm nó cũng như soi chiếu trong lòng mình một cảm thức khác về cuộc sống?

Giác Thành Mao nói với người quản lý: “Mình thu xếp về quê một chuyến nhỉ?”

Người quản lý ngạc nhiên: “Có còn gì đâu mà về?!”

Ông nói: “Gia đình, dòng họ và cả ngôi nhà cũ đã không còn... Nhưng tôi vẫn muốn trở lại, nhất là có cậu đi với mình... Bạn bè thuở ấy còn ai không nhỉ?”

Người quản lý: “Tôi là người cuối cùng còn sống và tôi cũng đã rời bỏ nó khi tôi bắt đầu cầm súng...”

Ông trở nên xa vắng: “Không còn ai... Có lẽ tiếng gà gáy, tiếng trâu nghé ọ cũng không còn nữa... Nhưng tôi vẫn muốn ngửi lại cái mùi của quá khứ... Chúng mình về một chuyến...”

Người quản lý cười: “Ừ, đóng vai người du lịch tham quan, khám phá lại chính cội nguồn dòng chảy của cuộc đời mình, có khi lại thú vị không chừng...”

Đôi bạn già về quê.

Không còn gì của ký ức kể cả những con đường làng. Chỗ xưa kia là ngôi nhà vách đất mà Giác Thành Mao đã sinh ra bây giờ đã được chia nhỏ cho mấy căn nhà gạch. Cái ao trước nhà không còn dấu vết. Những con đường đất dẫn trâu ra đồng cũng đã được bê-tông hoá. Mùi phân và cây cỏ dại đã bay đâu mất. Quá khứ chỉ còn trong trí tưởng. Tuy thế, hai người bạn cũng dạo qua khắp các nơi chốn cũ mà họ còn nhớ được và nhắc cho nhau nghe.

Giác Thành Mao nói: “Chỗ cánh đồng này là nơi tôi đã ngửi háng phụ nữ lần đầu tiên trong đời. Không biết cô ấy sau này ra sao.”

Người bạn: “Đó cũng là người phụ nữ mà tôi đã từng thủ dâm suốt thuở dậy thì...”

Giác Thành Mao bật cười: “Thế à? Cô ấy đẹp nhất làng phải không?”

Người bạn: “Ừ.”

Giác Thành Mao tò mò: “Khi nào cậu mới có người tình đầu tiên?”

Người bạn: “Thú thật là tôi chưa từng có cái may mắn ấy. Khi chuẩn bị đi bộ đội, tổ chức cưới vợ cho tôi.”

Giác Thành Mao nhận ra sự khác biệt giữa mình và người bạn không chỉ ở tính cách mà còn là hoàn cảnh sống. Ông hỏi: “Giả dụ bây giờ có điều kiện, cậu có thể thích hay tấn công một cô gái khác không?”

Người bạn: “Chưa bao giờ tôi nghĩ đến điều ấy, dù tôi đã từng có những cuộc gặp gỡ mà tận thâm tâm mình thấy cô ấy đẹp thật, hoặc cô ấy hay thật.”

Giác Thành Mao cười: “Tôi thì không bỏ qua một cơ hội nào...”

Người bạn muốn đặt một câu hỏi về trường hợp của Đambri nhưng lại thôi vì ông cảm thấy nó chưa chắc lắm.

Không có một quán ăn hay quán nước nào để dừng chân, vì thế họ đã đi lướt qua ngôi làng cũng như quá khứ và những kỷ niệm. Ngoài một chút xao xuyến ban đầu, nơi chôn nhau cắt rốn không níu kéo họ bởi bất cứ điều linh thiêng hay thông thường nào khác. Thay vào đó, Giác Thành Mao lại nhớ đến Malika và những ngày mê đắm ở Algeria. Ông thấy mình đã đi quá xa như không thể quay trở lại, dù ông đang trở lại. Nhưng quê hương, ôi quê hương... chút mùi mắm trong háng cô gái mà ông đã liều mình xục vào năm xưa chẳng khơi dậy điều gì, ông chỉ thấy buồn cười vì sự nghịch ngợm của mình hồi đó.

Và như thế, ông đã chôn quê hương trong chính lòng đất của nó.

Trở lại với rừng thông, mùi lạnh và mùi nhựa thông làm cho phổi ông nở rộng ra. Ông hít thở nỗi hoang mang về sự vô định của mình.

Giác Thành Mao từng nói với Malika: “Yêu em, anh cảm thấy mình đi xa hơn bất cứ chỗ nào trên mặt đất.”

Malika cười: “Đôi khi, em cũng cảm thấy mình không thuộc về mặt đất này.”

Những lúc như thế, bao giờ Malika cũng kéo đầu ông áp vào háng mình, như thể đó là cách nàng xác lập mình thuộc về một nơi nhất định thông qua cái cảm giác được lay động, đánh thức về một trần gian hệ luỵ.

Nhìn Đambri lui cui trong bếp, ông tự hỏi: “Phải chăng mình đang về gần? Thế nào là gần?”

Dù sao, ông cũng cảm thấy một nỗi niềm ấm áp và lắng đọng ở nơi nhỏ bé này. Chẳng phải Đambri đã nói muốn chăm sóc ông sao. Đôi khi, ông thấy mình lẩn thẩn. Ông vẫn là người đàn ông muốn gì được nấy và đủ sức khoẻ cho những ham muốn của mình.

Ông hỏi Đambri: “Em đã đi những đâu rồi?”

Đambri thưa: “Dạ, em chỉ mới biết Sài Gòn, mà đến đó có một lần thôi.”

Ông hỏi: “Em chưa nhìn thấy biển phải không?”

Đambri: “Dạ, chỉ thấy trên ti-vi.”

Hôm sau, ông đưa cô đến Nha Trang và đi thẳng tới biển. Sóng làm cô dập dềnh.

Trong quán ăn, cô nhìn ông bằng đôi mắt biết ơn: “Cảm giác khi đứng trước biển thật dạt dào. Nó làm cho mình muốn hít thở đầy lồng ngực, muốn hớp lấy hết cả bao la...”

Ông nhìn cô nồng ấm: “Ừ, nó cũng làm cho mình muốn chạy để lao đến vô tận.”

Đambri: “Cảm giác khi xuống nước thật kích thích, mặc dù cũng hơi sợ.”

Ông nói: “Em tắm nữa đi.”

Đambri bảo: “Em không muốn để ông ngồi một mình.”

Ông nói: “Không sao. Tôi thích nhìn thấy em tung tăng dưới nước.”

Cô cười: “Em không biết bơi, lỡ chết đuối thì sao?”

Ông cũng cười: “Tôi chưa chết làm sao em chết được. Đừng ra xa quá.”

Đambri nắm bàn tay ông trên bàn: “Em xuống tắm tiếp nhé. Đừng trông chừng em như đứa bé.”

Ông nhớ bãi biển Paradise dành cho người tắm truồng ở Hy Lạp. Lần đó, ông đã đội Scarlett trên đầu và bước xuống biển. Rồi khi lên bờ, ông cho nàng đứng một chân trên ngọn cương dương ngoại hạng của mình, một chân gác trên vai như cách để ông tôn vinh cái đẹp thân xác và sự tự do. Bây giờ, ngọn cương dương của ông vẫn ngoại hạng nhưng ông không còn ngông cuồng nữa. Ông thích sự riêng tư. Như con bò già, ông nằm nhai cỏ trên cánh đồng của sự im lặng. Scarlett đã chết trong một cơn say đắm với ông dưới chân những ngọn sóng. Có thể nàng đã bị cảm lạnh, cũng có thể tim nàng ngừng đập khi vượt quá tốc độ của cảm xúc. Nhưng chắc chắn nàng đã chết trong sự viên mãn của cuộc sống. Câu cuối cùng nàng nói với ông: “Nữa đi anh... em sướng...”

Giờ đây nhìn Đambri cồn cào như sóng, ông không muốn mối quan hệ của ông với cô như hoài niệm với Scarlett và những cô gái mà ông đã đâm thủng họ. Ông không muốn Đambri bị rò rỉ hay thối rữa. Đambri trinh bạch và ông muốn cô mãi mãi trinh bạch.

Đambri lên bờ với ông và vẫn để người ướt. Cô không mặc đồ tắm, hai đầu vú cô trong chiếc áo thun như muốn lọt ra ngoài. Ông nói: “Em đứng yên đó.” Và ông nhìn ngắm cô trong khoảng ba thước. Không nói gì nữa, ông chỉ chiếc ghế. Rồi ông rót cho cô ly bia mới. Họ cụng ly. Nhưng trước đó cô đổi ly cho ông, cô nói: “Em muốn uống tiếp cái của ông.” Ông cầm bàn tay còn lại của cô bóp nhẹ.

Sự trong lành của biển là món quà của thượng đế dành cho con người. Giác Thành Mao cũng muốn dành sự thuần khiết cho Đambri như phần còn lại cuối cùng của đời ông.

Ông nói: “Em là người được chúc phúc.”

Đambri nhìn ông trìu mến: “Dạ, em biết em được chúc phúc bởi ông.”

Ông nói: “Không, bởi thượng đế.”

Đambri: “Thượng đế ở trong ông.”

Ông chợt hỏi: “Em theo đạo Tin Lành hay Công giáo?”

Đambri thưa: “Em không theo đạo nào cả.”

Ông thở phào nhẹ nhõm. Ông không muốn cô có lỗi với đạo của mình.

Ông nói: “Khi nào muốn tắm tiếp, em cứ xuống, cứ tắm cho thoả thích đi.”

Đambri: “Sóng biển thích thật.”

Khi nghĩ đến những điều ví von này nọ về sóng biển trong cuộc sống con người, ông cảm thấy mình sến. Vì thế, ông chỉ dặn: “Sóng lớn có thể đánh gãy xương đấy.”

Đambri lè lưỡi: “Xương em cứng hơn tất cả mọi loại gỗ quí.”

Ông cười: “Nhưng đừng để sóng đánh dập các phần mềm của em nhé.”

Cô lườm ông. Ông thấy vui, nói: “Tắm tiếp đi em.”

Cô bảo: “Thôi, em không tắm nữa kẻo sóng đánh dập mấy cái dễ vỡ.”

Ông cười ha ha...

Và hỏi: “Em muốn ăn thêm gì không?”

Cô bảo: “Ông ăn cháo hào nóng với em nhé?”

Ông gật đầu.

Sau khi gọi thức ăn, ông nói với người phục vụ: “Có báo hôm nay không, cho tôi mượn?”

Người phục vụ thưa có và đi lấy báo cho ông.

Tin người dân Ấn Độ biểu tình khắp nơi đòi hỏi chính phủ phải có biện pháp mạnh để chấm dứt nạn hiếp dâm tràn lan trong xã hội đập vào mắt ông. Một bà lão bị năm thanh niên hiếp đến chết trong một công viên giữa Bombay. Người đàn bà ấy tên Amanat. Lòng ông quặn thắt. Ông nghĩ ngay đến Amanat của ông ngày nào. Bà làm gì ở công viên vào ban đêm? Một con điếm già? Bà không có nơi tá túc?

Giác Thành Mao bỏ rơi tờ báo xuống đất. Ông nhắm mắt. Amanat tràn đầy trong lòng ông. Amanat làm ông tắc nghẹn ở đâu đó.

Đambri cầm tay ông lắc lắc: “Có chuyện gì? Ông sao vậy?”

Ông mở mắt nhìn Đambri của hiện tại. Ông nói: “Không có gì. Tôi mệt chút thôi.”

Đambri lo lắng: “Bây giờ phải làm sao?”

Ông nói: “Để tôi nhắm mắt một lúc là được.”

Họ trở về nhà sớm hơn dự kiến.

Giác Thành Mao nhận được thư của người bạn thuỷ thủ gửi từ Algeria báo tin Malika chết vì HIV sau nhiều năm tàn úa.

Dồn dập hai bản tin ngắn nhưng đầy bão tố, nếu không có Đambri bên cạnh chăm sóc, có lẽ ông đã bị nó cuốn đi.

Malika từng nói như một nhà tiên tri: “Nhảy múa là thuộc tính của châu Phi và cũng là thuộc tính của cuộc sống. Ai không biết nhảy múa trong đời này thì cũng sẽ không biết nhảy múa cho đời sau.” Cũng giống như ông đã nghĩ về Amanat, báu vật của Ấn Độ không phải là Upanishad, Bhagavad Gita hay Kamasutra... mà chính là nghệ thuật nhảy múa của nàng. Qua Amanat và Malika, ông thấu cảm được cái sinh thành và tối hậu của vũ trụ cũng như cuộc sống. Malika và Amanat nhảy múa không giống nhau, nhưng tất cả đều soi chiếu rạng ngời trong sâu thẳm lòng ông một bản năng sinh tồn mãnh liệt cũng như khát vọng thánh hoá với Thượng đế. Với cả hai, Malika và Amanat, ông vừa truỵ lạc vừa thánh thiện khi nhìn họ nhảy múa cũng như khi làm tình.

Phải chăng, chính ông cũng đã nhảy múa theo cách của riêng ông?

Nhưng rồi Malika và Amanat chết khi đi tới cùng cuộc nhảy múa của mình hay là một bi kịch khác, tầm thường, đau khổ và vô nghĩa?

Còn ông, sẽ kết thúc thế nào khi ngày ấy đến? Ông không muốn nghĩ đến nó. Ông không muốn nghĩ đến bất cứ điều gì. Bởi vì, tất cả đều vô ích. Ông cũng không muốn chờ đợi nó, bởi điều ông chờ đợi là Đambri, một sinh thực khí nồng nàn, một bầu trời trong vắt... nhưng ông lại không muốn bị chết ngộp vì nó. Bởi ông cũng đang từ chối nó. Sẽ vô cùng phí phạm nếu ông uống hết hơi cái sinh thực khí ấy, cái bầu trời ấy. Thật ra, ông cũng không hiểu được mình tại sao lại lần khân, chần chừ đến thế.

Ông vốn là một con thú săn mồi đơn độc và không bao giờ chê của trời cho. Với ông, bất cứ phụ nữ nào cũng là một quà tặng của Thượng đế và ông tận hưởng với lòng biết ơn. Mọi cuộc làm tình đều được ông trân trọng, cho dù thuần tuý nhục dục. Giờ đây, không phải suối nguồn đã cạn, mà ông muốn trầm tĩnh nhìn ngắm tình yêu để hân thưởng nó theo cách của hoa cỏ, lắng nghe tiếng vọng của nó trong tận cùng bản thể sự sống nơi ông. Một thứ hạnh phúc khác ông chưa từng biết tới, bởi ông đã luôn luôn vội vã lao đi như đuổi bắt một phóng thể vô định.

Trong khi đó, người bạn quản lý của ông vẫn tìm cách mang đến cho ông những cô gái mới. Đôi khi, ông cũng ngủ với họ, nhưng ông không thấy mình là con thú săn mồi nữa. Nó chỉ là một thói quen.

Người bạn nói: “Sao không bảo Đambri làm những món ăn đặc biệt cho ông?”

Ông bình thản: “Có lẽ tôi cảm thấy không cần thiết nữa.”

Người bạn: “Ông muốn sám hối hay tu tỉnh chăng?”

Giác Thành Mao bật cười: “Tôi đâu có làm gì sai để sám hối hay tu tỉnh.”

Người bạn: “Không phải chúng ta đã đi đến cuối đường sao?”

Giác Thành Mao: “Với tôi, đầu đường hay cuối đường không có nghĩa gì cả. Lúc nào cũng là giữa đường. Cậu biết điều này chứ?”

Người bạn: “Tất nhiên. Nó không phải là một tư tưởng mới. Nhưng tôi muốn nói tới cái cảm thức.”

Giác Thành Mao: “Cảm thức hay lý trí thì tôi với Mao Thành Giác vẫn là một. Mặc dù tôi biết Malika hay Amanat đã có những kết thúc không vui và ngoài ý muốn như số phận một con người. Nhưng tôi tin trong bất cứ tình huống nào, tôi vẫn cứ là Mao Thành Giác hay Giác Thành Mao. Không so đo.”

Người bạn: “Tôi chúc mừng ông. Vì điều ấy không đơn giản.”

Người bạn chuyển đề tài: “Tôi mới gặp được một cô sinh viên. Dường như đã từng nghe tiếng tăm của ông. Cô ấy bảo muốn ở trong danh sách sưu tập của ông, không điều kiện.”

Giác Thành Mao: “Cậu bảo với cô ta: lầm rồi. Tôi không phải nhà sưu tập. Tôi là con thú săn mồi. Ăn thịt và hết.”

Người bạn: “Tôi đoán là cô ta muốn sưu tập ông thì đúng hơn.”

Giác Thành Mao: “Ngọn cương dương sấm sét của tôi là giấc mơ của nhiều người. Nhưng tôi không phải là thứ để sưu tập. Dù sao, cô ấy cũng bạo liệt đấy. Nếu cô ấy chỉ tò mò thôi, tôi sẵn sàng.”

Người bạn quản lý thu xếp cho Giác Thành Mao gặp cô sinh viên vào ngày Đambri về thăm nhà.

Đó là một cô gái thon thả, khuôn mặt đằm sâu ẩn giấu sự dâm đãng trong đôi mắt. Nụ cười rất tươi. Cô không có vẻ xốc nổi như ông tưởng.

Sau khi uống một hơi ly rượu nóng, ông hỏi thẳng cô: “Em không còn trinh nữa phải không?”

Cô hỏi lại: “Sao anh hỏi vậy?”

Ông nhìn cô nghiêm túc: “Bởi vì tôi không muốn chịu trách nhiệm về tất cả những hậu quả tâm lý, tinh thần hay thể xác em.”

Cô cười: “Anh yên tâm, em mất trinh lâu rồi. Bị hiếp dâm từ lúc mười tuổi.”

Bất giác ông ồ lên: “Cảm giác em thế nào?”

Cô vẫn cười: “Thích. Một trò chơi trẻ con ấy mà.”

Ông tò mò: “Với thằng nhỏ hàng xóm à?”

Cô lại cười: “Không, ông anh yêu quí.”

Ông gật đầu: “Em vẫn thích trò chơi ấy?”

Cô gật đầu: “Đặc biệt với người lớn tuổi.”

Ông hỏi: “Nhưng sao lại là tôi? Chúng ta chưa từng gặp nhau.”

Cô nhìn ông không giấu vẻ thích thú: “Vì em nghe đồn anh là một ngọn cương dương sấm sét.”

Ông không hài lòng lắm về sự ngợi khen này: “Đấy là cách nói để tôi tự hào một mình thôi. Tôi không nghĩ là có bất cứ một ai biết đến tên gọi ấy.”

Cô nói: “Quả thật, đó cũng chỉ là hình dung về cái ngoại hạng của anh, mà em tự nghĩ ra.”

Bây giờ ông ngạc nhiên thật sự. Sao lại có người đọc được mình như vậy? Ông hỏi: “Chắc là em thích đọc sách?”

Cô gật đầu: “Dạ. Và thật tò mò.”

Ông nói: “Tôi không tin thế đâu.”

Cô bảo: “Em muốn biết những gì em thích.”

Ông hỏi: “Em có phải là người viết văn hay làm thơ không?”

Cô cười: “Dạ không. Nhưng em giỏi môn văn.”

Ông nói: “Vậy cứ viết thử xem.”

Cô hóm hỉnh: “Em sẽ kể cái của ông nhé.”

Ông cười lớn: “Nguy hiểm thật.”

Cô nói: “Biết đâu nhờ thế em trở thành nhà văn.”

Ông bảo: “Vậy thì em cần phải biết sâu hơn về tôi.”

Cô nói: “Dạ, không chỉ là cái ấy.”

Ông nói: “Cho tôi nhìn ngực em được chứ?”

Cô cởi cúc áo. Ông vẫy cô đến bên ông. Một bộ ngực nhỏ, thanh tân. Ông áp mặt vào đó.

“Tôi vẫn nghe ở Việt Nam có thú bia ôm, nhưng tôi cũng chưa từng đi thử.” Ông nói.

“Em là con đĩ của anh đêm nay.” Cô nói.

Và cô được biết nhiều hơn tất cả những gì cô thích.

Trước khi chia tay, cô nói với Giác Thành Mao: “Em bỗng ao ước sau này sẽ lấy được chồng già như anh.”

Ông cười hôn lên tóc cô: “Cuộc đời vốn ngắn, lấy chồng già, cuộc đời càng ngắn hơn.”

Cô bảo: “Ngắn mà đủ còn hơn dài mà thiếu.”

Ông đùa: “Đủ vốn để viết văn chưa?”

Cô nói: “Bọn nhà văn cũng ỡm ờ.”

Ông bảo: “Em thông minh đấy.”

Cô nói: “Cám ơn anh vì tất cả.”

Rồi cô bước đi. Ông biết sẽ không bao giờ còn cơ hội gặp lại cô nữa.

Một chút bâng khuâng trong lòng ông như sương khói. Đã có bao nhiêu cuộc ra đi vô tăm tích trong đời ông, cái còn ở lại cũng chỉ là cái không mùi.

Giác Thành Mao hỏi người bạn quản lý: “Cậu tìm được cô ấy ở đâu vậy?”

Người bạn: “Trên mạng. Tôi vẫn tìm bạn gái cho ông theo cách ấy và tất cả đều được thẩm tra lại.”

Giác Thành Mao nói: “Cô ấy làm cho tôi cảm thấy mình lạc hậu.”

Người bạn: “Họ bước ra từ một thế giới ảo. Có rồi mất. Dường như cuộc biến đổi ảo diệu của tạo hoá đang trở nên nhanh hơn.”

Giác Thành Mao hỏi: “Cậu nhớ truyện Bích Câu Kỳ Ngộ không?”

Người bạn nói: “Nhớ.”

Giác Thành Mao: “Cậu nghĩ cô ấy có quay lại không?”

Người bạn nói: “Cô ấy có quay lại hay không còn tuỳ thuộc ông.”

Giác Thành Mao lắc đầu: “Không. Tôi không có thẩm quyền với cô ấy.”

Ông nhớ những ngày ở Paris, đám phụ nữ bám lấy ông, ai cũng muốn được tận mắt nhìn, tận tay sờ, tận hưởng cái kỳ quan ngoại hạng của ông trong miệng hay hĩm của họ. Kỳ quan của ông bây giờ vẫn ngoại hạng, nhưng ông không còn cảm thấy nó quan trọng. Ông nghĩ, kỳ quan hay chỉ là một con sâu buồn cũng không khác nhau gì mấy.

Cô gái sinh viên ấy đã để lại cho ông một nỗi ngẩn ngơ về cái thoáng chốc. Một thoáng chốc, ông biết rằng mọi điều ông theo đuổi trong cuộc đời này, rốt cuộc, đang trở nên vô nghĩa như Malika, như Amanat...

Ông bần thần nghĩ đến Mao Thành Giác. Giờ này hắn thế nào? Giấc mộng chia phần vương giả của kẻ vô sản trong rừng sâu đã đi đến đâu? Mao Trạch Đông đã chết. Nhưng giấc mộng thiên triều của ông ta không bao giờ lụi tàn. Mao Thành Giác vẫn là âm binh của Mao Trạch Đông ở ngã ba Đông Dương. Phải chăng đấy là sứ mệnh sinh tử của hắn?

Ông muốn nhắn gửi điều gì với Mao Thành Giác hay chỉ là một khát khao quay về, hiệp nhất để tiêu vong như một định mệnh? Nhưng Mao Thành Giác của ông vẫn im lặng. Trong cơn chìm không đáy của Giác Thành Mao, chợt, ông thấy mình bơ vơ.

Giác Thành Mao hỏi người bạn quản lý: “Cậu có tin rằng Mao Thành Giác đã nhận được tin nhắn của tôi?”

Người bạn: “Có đấy. Tai mắt của Mao Thành Giác ở khắp nơi.”

Giác Thành Mao hỏi: “Cậu nghĩ hắn e ngại điều gì mà không muốn gặp tôi?”

Người bạn: “Có thể ông ấy sợ sẽ nguy hiểm cho cả hai. Và cũng có thể, ông ấy đang bảo vệ ông theo một cách nào đó, không chỉ là tránh mặt.”

Giác Thành Mao xao xuyến: “Cậu nghĩ tôi cũng có kẻ thù sao?”

Người bạn hỏi: “Ông không nhìn thấy kẻ thù?”

Giác Thành Mao: “Xưa nay, tôi chỉ yêu thôi mà. Từ yêu gái đến yêu nhân loại. Đặc biệt là yêu bản thân.”

Người bạn: “Nhưng tôi lại tin rằng Mao Thành Giác biết nhận mặt kẻ thù.”

Giác Thành Mao: “Nó là ai?”

Người bạn: “Những kẻ thua kém ông ấy và những kẻ muốn tranh giành với ông ấy.”

Giác Thành Mao: “Cậu nghĩ kẻ thù của tôi chính là các ông chồng, các chàng trai mà tôi đã cướp người yêu của họ?”

Người bạn: “Đấy cũng là một góc nhìn.”

Giác Thành Mao: “Quả thật, trước nay tôi không hề nghĩ đến điều ấy. Nhưng tôi nào có phải tên ăn cướp. Cậu biết điều đó, đúng không?”

Người bạn: “Tôi biết. Và kẻ thù của ông có khi còn là các cô gái đã từng đến với ông.”

Giác Thành Mao: “Nhảm thật.”

Người bạn: “Ở đâu có tham lam thì ở đó cũng có ti tiện.”

Giác Thành Mao hỏi: “Bây giờ tôi cần phải làm gì?”

Người bạn cười: “Nếu có thể được, đích thân ông nên đi tìm Mao Thành Giác.”

Giác Thành Mao: “Tôi đâu cần hắn che chở.”

Người bạn: “Có thể ông không cần, nhưng đấy là cách duy nhất để ông thoát khỏi hoàn cảnh khó chịu này.”

Giác Thành Mao: “Cậu muốn tôi đi làm cách mạng? Tôi đâu phải là kẻ thích bạo loạn?”

Người bạn: “Không. Với tôi, bản chất của cách mạng không tất yếu phải là bạo động.” Vả lại, ông đã luôn bạo động.

Giác Thành Mao: “Chẳng phải Mao Thành Giác cũng rất bạo động đó sao? Vậy thì tôi có thể tìm thấy điều gì nơi hắn?”

Người bạn: “Ông sẽ tìm thấy bình an trong chính sự bạo động của ông và hắn.”

Giác Thành Mao: “Tôi không rõ ý cậu lắm.”

Người bạn: “Thực ra, chính tôi cũng đang cảm thấy mình mơ hồ. Nhưng tôi tin rằng, khi ông gặp Mao Thành Giác, mọi chuyện sẽ trở nên rõ ràng hơn.”

Giác Thành Mao hỏi: “Cậu có thấy Mao Thành Giác tuyển mộ người không?”

Người bạn: “Tôi không biết. Nhưng nghe nói người Trung Quốc đã thuê hết đất biên giới và họ đưa nhân công của họ đến. Trong khu của Mao Thành Giác cũng có người Trung Quốc.”

Giác Thành Mao: “Họ làm cố vấn hay chỉ là nhân công thôi?”

Người bạn: “Có thể cả hai. Vì thế, tôi có cảm giác ông ta đã bị khống chế. Đó cũng là lý do ông ta không thể gặp ông.”

Giác Thành Mao: “Tôi có thể làm gì cho hắn?”

Người bạn: “Có lẽ... chỉ để ông và ông ta cùng bớt đơn độc thôi.”

 

[còn tiếp 2 chương]

 

-----------

Đã đăng:

... Hơn một tháng sau, tàu ATF cập cảng Le Havre. Nước Pháp làm Mao Thành Giác mờ mắt. Hắn xuống tàu và không bao giờ trở lại. Lần mò đến Paris, hắn tìm được vài người đồng hương. Họ giúp hắn kiếm tiền bằng cách đi giao báo. Họ cũng dạy hắn tiếng Pháp hoàn chỉnh và dạy cách hắn viết báo để kiếm thêm tiền. Đấy là lúc Mao Thành Giác khát khao nhất được nhận vào trường Thuộc Địa, nhưng đơn xin đặc cách của Mao Thành Giác gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa không được chấp nhận, mặc dù hắn đã thành khẩn “Tôi nguyện làm tôi tớ trung thành của mẫu quốc vĩ đại.” ... (...)
 
... Khi ấy, Mao Thành Giác ở Đông Dương đã trở thành anh hùng cách mạng vô sản. Hắn được tôn thờ như thần thánh ở khắp Liên bang Đông Dương. Mao Trạch Đông gả cô em họ xa cho Mao Thành Giác để ràng buộc hắn. Nhưng người vợ này cũng như mọi phụ nữ khác trong đời Mao Thành Giác không bao giờ có trong lý lịch. Tất cả những người đàn bà đi qua đời hắn chỉ là tin đồn... (...)

 

---------------------------------------------------------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021