thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chia tay thôi, Columbus [kỳ 6/8]
(Phạm Viêm Phương dịch)

 

Philip Roth (sinh năm 1933) Nhà văn có những tác phẩm đặc trưng với đối thoại sắc bén, mối quan tâm đến đời sống của người Do Thái trung lưu, và những quan hệ bi đát giữa tình yêu trai gái và tình yêu gia đình.
       Roth tốt nghiệp Đại học Chicago và bắt đầu nổi tiếng với Goodbye Columbus ('Chia tay thôi, Columbus', 1959; giải National Book Award 1960). Tiểu thuyết đầu tiên của ông, Letting Go ('Buông thả, 1962), và cuốn kế, When She Was Good ('Khi nàng còn tốt', 1967) đều không thành công lắm cho đến khi ông viết Portnoy’s Complaint ('Lời khiếu nại của Portnoy, 1969). Cuốn này được xếp vào loại kinh điển của văn học Mỹ gốc Do Thái, mô tả những đau khổ và thiệt hại mà bối cảnh văn hóa đã gây ra cho nhân vật Portnoy. Mấy tác phẩm đáng kể khác của ông là The Ghost Writer ('Kẻ viết thuê', 1979), Zuckerman Unbound ('Zuckerman vô hạn định', 1981), Anatomy Lesson ('Bài học giải phẫu', 1983), The Counterlife ('Phản sinh', 1986) và American Pastoral ('Điền dã Hoa-kỳ', 1997; giải Pulitzer 1998).
      Goodbye Columbus gồm tám chương, kể về một mối tình ngắn ngủi – chỉ một mùa hè – giữa một chàng trai Do Thái nghèo sống tự lập và con gái một gia đình thị dân Do Thái trung lưu. Chàng trai luôn cảm thấy một tương lai tan vỡ cho mối tình của họ, nhưng thực ra trở ngại với anh chính là lối sống thực dụng và các thành kiến của gia đình cô gái.

 

6

Sáng hôm đó được coi là sáng cuối cùng tôi lưu lại nhà Patimkin; tuy nhiên, khi tôi bắt đầu nhét đồ vào túi lúc cuối ngày, Brenda lại bảo tôi có thể bỏ đồ ra – bằng cách nào đó nàng đã xoay xở thuyết phục bố mẹ nàng đồng ý một tuần nữa, và tôi có thể ở luôn đến Lễ Lao động, khi Ron làm đám cưới xong; rồi, sáng hôm sau đó Brenda sẽ trở lại trường đại học còn tôi đi làm tiếp. Vậy là chúng tôi sẽ ở bên nhau cho đến phút cuối cùng của mùa hè.

Điều này lẽ ra phải khiến tôi vui mừng quá đỗi, nhưng khi Brenda chạy xuống cầu thang để cùng cả nhà ra phi trường – họ đi đón Harriet – tôi lại không thấy vui mà chỉ thấy rầu thúi ruột, vì tôi có ý nghĩ ngày càng rõ rằng khi Brenda trở lại Radcliffe, đó sẽ là dấu chấm hết cho tôi. Tôi thấy chắc rằng ngay cả cái đôn của bà Winney cũng không đủ cao cho tôi nhìn thấu tới Boston. Tuy nhiên, tôi vẫn móc đồ ra vất vào các ngăn kéo và sau cùng, đã có thể tự nhủ rằng Brenda chưa hề có dấu hiệu gì tỏ vẻ kết thúc chuyện của hai đứa, và mọi cảm giác nghi ngờ, mọi khó chịu tôi có, chỉ sinh sôi trong con tim bất định của tôi. Rồi tôi vào phòng Ron để gọi điện cho bà dì.

“Alô?” bà lên tiếng.

“Dì Gladys,” tôi nói, “dì khoẻ không?”

“Mày bệnh à.”

“Không, con đang vui cực kỳ. Con muốn cho dì hay con sẽ ở chơi thêm một tuần nữa.”

“Sao vậy?”

“Con nói rồi. Con đang vui cực kỳ. Bà Patimkin bảo con ở chơi đến Lễ Lao động.”

“Mày có đủ đồ lót sạch không?”

“Con giặt mỗi tối. Ổn thôi mà, dì Gladys.”

“Giặt tay không sạch được đâu.”

“Sạch được mà. Kìa, dì Gladys, con đang vui cực kỳ mà.”

“Thằng ngốc đi ăn nhờ ở đậu mà bảo tôi đừng lo.”

“Chú Max thế nào?” tôi hỏi.

“Ông ấy phải thế nào nữa? Chú Max vẫn là chú Max. Mày. Tao không thích cái giọng mày nói.”

“Sao? Bộ giọng con nghe cứ như đang mặc đồ lót dơ hả?”

“Mày lanh dữ. Rồi mày sẽ biết.”

“Cái gì ạ?”

“Mày nói cái gì nghĩa là sao? Mày sẽ hiểu ra. Mày ở đó lâu thì sẽ là quá tốt cho vợ chồng tao.”

“Không đời nào, dì yêu,” tôi nói.

“Có thấy thì tao mới tin.”

“Ở Newark mát không, dì Gladys?”

“Trời đang có tuyết,” bà ấy nói.

“Cả tuần không mát chút nào sao?”

“Mày ngồi không cả ngày thì thấy mát. Còn với tao thì bây giờ đâu phải tháng Hai, tin tao đi.”

“Được rồi, dì Gladys. Cho con gửi lời chào mọi người.”

“Mày có thư của mẹ mày đấy.”

“Hay quá. Chừng nào về con sẽ đọc.”

“Mày không chạy xe về mà đọc được sao?”

“Đâu có gì gấp. Con sẽ gửi thư cho bố mẹ con. Dì đừng cáu mà,” tôi nói.

“Còn vớ mày thì sao?”

“Con đi chân không. Tạm biệt, dì thân yêu.” Và tôi gác máy.

Ở dưới bếp Carlota đã chuẩn bị xong bữa tối. Tôi luôn ngạc nhiên vì công việc của Carlota hình như không bao giờ ảnh hưởng tới cuộc sống của cô. Cô khiến công việc nội trợ nhàm chán thành những hoạt động minh họa cho bất cứ điều gì cô đang hát, thậm chí, như lúc này, với bài “I Get a Kick out of You.” (Có anh em thích quá). Cô ta đi từ lò sang máy rửa chén bát – cô nhấn các nút, xoay mặt số, dòm qua cửa kính của lò nướng, và thỉnh thoảng lại ngắt một trái nho đen từ một chùm đặt trong bồn rửa. Cô ta nhai liên tục, vừa nhai vừa hát âm ư, và rồi, theo một cách cẩu thả có tính toán, cô phun bắn vỏ và hạt vào giỏ đựng rác. Tôi chào cô khi theo cửa sau ra ngoài, và tuy cô không chào lại, tôi vẫn cảm thấy một sự gần gũi với một người, giống như tôi, đã ít nhiều bị mê hoặc và chinh phục bởi trái cây nhà Patimkin.

Ra ngoài sân cỏ tôi ném bóng rổ một hồi; rồi tôi nhặt một cây gậy golf và quất một trái banh golf bay khật khừ vào không gian đầy nắng; rồi tôi đá một trái banh về phía cây sồi; rồi tôi lại thử ném rổ phạt đền. Chẳng gì khiến tôi bận trí được – tôi cảm thấy bụng dạ trống hoác, cứ như tôi không ăn gì suốt mấy tháng vậy, và dù tôi trở vào nhà và trở ra với một nắm nho, cảm giác ấy vẫn tiếp tục, và tôi biết rằng nó chẳng liên quan gì tới lượng thức ăn tôi đưa vào cơ thể; nó chỉ là một lan truyền của sự trống rỗng vẫn xuất hiện khi Brenda vắng mặt. Dĩ nhiên, ý nghĩ về sự ra đi của nàng đã có trong tôi từ lâu, nhưng đột nhiên nó khoác màu sắc u ám hơn. Một cách kỳ lạ, sự u ám ấy lại ít nhiều dính dáng đến Harriet, vợ sắp cưới của Ron, và có lúc tôi đã nghĩ chẳng qua là sự xuất hiện của Harriet đã trầm trọng hóa chuyện thời gian đang qua: chúng tôi đã đề cập chuyện đó và đột nhiên nó đến gần kề – giờ lên đường của Brenda té ra đã tới trước khi chúng tôi kịp nhận ra.

Nhưng còn hơn thế nữa: việc Harriet kết hợp với Ron nhắc tôi nhớ rằng sự chia cách không nhất thiết là tình trạng miên viễn. Người ta có thể cưới nhau, cho dù họ trẻ! Và tuy Brenda với tôi chưa từng đề cập chuyện hôn nhân, có lẽ ngoại trừ đêm đó ở hồ bơi khi nàng nói, “Khi anh yêu em, mọi chuyện sẽ ổn.” Phải, tôi yêu nàng, và nàng yêu tôi, nhưng mọi chuyện coi bộ không ổn gì cả. Hay là tại tôi bịa ra những rắc rối? Tôi nghĩ lẽ ra mình phải thấy số phận mình được cải thiện rất nhiều; tuy nhiên, trên bãi cỏ này, trời tháng Tám trông quá đẹp và mau qua đến chịu không nổi, và tôi muốn Brenda lấy tôi. Nhưng kết hôn không phải là điều tôi đề nghị với nàng khi nàng lái xe tới trước nhà, một mình, độ mười lăm phút sau đó. Lời đề nghị đó hẳn phải cần tới một kiểu can đảm mà tôi nghĩ là mình chưa có được. Tôi cảm thấy mình chưa chuẩn bị cho bất cứ câu trả lời nào ngoài câu “Lạy Chúa tôi!” mọi kiểu trả lời đồng ý khác sẽ không làm tôi thỏa mãn, và mọi câu từ chối, kể cả kiểu che giấu sau những lời lẽ như, “Mình hãy chờ đã, cưng,” cũng có nghĩa là kết thúc với tôi. Nên tôi tưởng tượng đó là lý do tại sao tôi đề nghị một chuyện khác, mà sau cùng nó té ra còn kinh khủng hơn mức tôi nghĩ vào thời điểm đó.

“Chuyến bay của Harriet bị trễ, nên em lái xe về,” Brenda nói.

“Thế mọi người đâu?”

“Họ chờ và ăn tối ở phi trường. Em phải cho Carlota hay,” và nàng đi vào trong.

Vài phút sau nàng xuất hiện trên thềm. Nàng mặc một cái váy màu vàng cổ khoét hình chữ U ra tới hai vai, và làm lộ ra toàn bộ phần da rám nắng phía trên bộ ngực nàng. Ra đến bãi cỏ nàng bỏ đôi giày cao gót và đi chân trần tới chỗ tôi ngồi dưới bóng cây sồi.

“Phụ nữ lúc nào cũng đi giày cao gót sẽ bị lệch buồng trứng,” nàng nói.

“Ai bảo em thế?”

“Em không nhớ. Em thích nghĩ mọi sự vẫn đâu vào đấy trong đó.”

“Brenda, anh muốn yêu cầu em một việc…”

Nàng kéo cái mền có chữ O to tướng lại chỗ tôi và ngồi xuống.

“Cái gì?” nàng hỏi.

“Anh biết vụ này hơi bất ngờ, tuy thực ra không phải vậy… Anh muốn em mua một cái màng tránh thai. Cứ tới bác sĩ nào đó hỏi mua một cái.”

Nàng mỉm cười. “Đừng lo, cưng, mình rất cẩn thận. Mọi chuyện đều ổn.”

“Nhưng thế là an toàn nhất.”

“Mình an toàn mà. Việc đó chỉ lãng phí.”

“Tại sao lại để bị rủi ro?”

“Nhưng mình đâu bị rủi ro. Anh cần đến bao nhiêu thứ?”

“Kìa cưng, anh đâu có quan tâm đến khối lượng. Thậm chí đó không phải là an toàn nữa.”

“Anh chỉ muốn em có một cái, phải vậy không? Như cây gậy cầm tay, hay cái nón bảo hiểm…”

“Brenda, anh muốn em có một cái vì… chỉ để sướng thôi.”

“Sướng? Ai sướng? Bác sĩ hả?”

“Anh sướng,” tôi nói.

Nàng không đáp, chỉ rà ngón tay dọc gờ xương đòn để chùi những hạt mồ hôi li ti đột nhiên hiện ra ở đó.

“Không, Neil, chuyện đó thật ngốc.”

“Tại sao?”

“Tại sao? Nó chỉ vậy thôi.”

“Em biết tại sao nó ngốc mà, Brenda – bởi vì anh yêu cầu em làm chuyện đó.”

“Vậy lại còn ngốc hơn.”

“Nếu em muốn anh mua một cái màng tránh thai thì mình chỉ cần lật Những trang vàng và tìm một tay bác sĩ phụ khoa có làm việc chiều thứ Bảy.”

“Em chẳng bao giờ yêu cầu anh làm chuyện đó.”

“Đó là sự thật,” tôi nói, tuy đang mỉm cười. “Đó là sự thật.”

“Không phải,” nàng nói, rồi đứng dậy và đi ra sân bóng rổ, ở đó nàng bước trên lằn vôi trắng mà ông Patimkin mới vạch hôm trước.

“Trở lại đây đi,” tôi nói.

“Neil, chuyện đó ngốc và em không muốn nói chuyện đó nữa.”

“Sao em ích kỷ vậy?”

“Ích kỷ? Anh mới là người ích kỷ chứ. Chính vì cái sướng của anh mà…”

“Được rồi. Cái sướng của anh. Tại sao không chứ!”

“Đừng lên giọng như thế. Carlota ơi.”

“Bước lại đây giùm coi,” tôi nói.

Nàng bước về phía tôi, để lại dấu chân trắng trên cỏ. “Em không nghĩ anh là sinh vật trần tục vậy,” nàng nói.

“Em không ngờ sao?” tôi nói. “Anh chỉ nói cho em nghe điều em phải biết. Anh thậm chí không hề nói tới chuyện khoái lạc xác thịt.”

“Vậy thì nói thẳng, em không biết anh đang nói về cái gì. Tại sao anh lại lo nghĩ vậy. Thứ mình xài chưa đủ sao?”

“Anh lo nghĩ chỉ vì anh muốn em tới một bác sĩ và mua một màng tránh thai. Vậy thôi. Không giải thích. Chỉ làm thế thôi. Hãy làm vì anh yêu cầu.”

“Anh không chút hợp lý…”

“Mẹ kiếp, Brenda!”

“Mẹ kiếp chính anh thì có!” nàng nói và đi luôn vào nhà.

Tôi nhắm mắt, dựa ra sau và trong mười lăm phút, hoặc ít hơn, tôi nghe tiếng ai vụt trái banh golf. Nàng đã thay quần soóc và áo thun và vẫn đi chân không.

Chúng tôi chẳng nói gì với nhau, nhưng tôi nhìn nàng giơ cây gậy tới mang tai, cằm nàng nghếch lên theo đường bay mà một trái banh golf bình thường sẽ bay qua.

“Cú đó năm trăm thước,” tôi nói.

Nàng không đáp nhưng đi theo trái banh và lại sẵn sàng cho một cú vụt khác.

“Brenda. Lại đây giùm đi mà.”

Nàng bước lại, kéo lê cây gậy trên cỏ.

“Gì vậy?”

“Anh không muốn tranh luận với em.”

“Em cũng không muốn,” nàng nói. “Đây là lần đầu.”

“Anh yêu cầu chuyện đó là khó chịu lắm sao?”

Nàng gật đầu.

“Bren, anh biết có lẽ chuyện đó hơi bất ngờ. Chuyện đó là vì anh. Nhưng tụi mình đâu còn trẻ con nữa.”

“Neil, đơn giản là em không muốn làm. Mà cũng không phải vì anh yêu cầu nữa. Em không hiểu anh kiếm đâu ra ý nghĩ đó. Nó không phải vậy.”

“Vậy nó là tại sao?”

“Ồ, tại mọi thứ. Em chỉ cảm thấy mình chưa đủ già để phải xài thứ đó.”

“Tuổi tác thì có dính gì với vụ này?”

“Em không ám chỉ chuyện tuổi tác. Em chỉ muốn ám chỉ – ơ, chính em. Em thấy chuyện đó trơ tráo quá làm không được.”

“Dĩ nhiên là quá trơ tráo. Chính xác là thế. Em không thấy sao? Nó sẽ biến đổi chúng ta.”

“Nó sẽ biến đổi em.”

“Cả hai đứa. Với nhau.”

“Neil, anh biết em cảm thấy thế nào khi phải nói láo với bác sĩ không.”

“Em có thể tới phòng khám Margaret Sanger, ở New York. Họ không hỏi han gì cả.”

“Anh đã từng làm chuyện này rồi à?”

“Không,” tôi nói. “Anh chỉ biết vậy thôi. Anh có đọc Mary McCarthy.”[1]

“Hết sức đúng. Đó là điều em cảm thấy về mình, như một ai đó thoát thai từ bà ấy.”

“Đừng bi thảm hóa,” tôi nói.

“Anh mới là người bi thảm hóa. Anh nghĩ chuyện này sẽ có vẻ hết sức qua đường. Mùa hè rồi, tao có chơi với con nhỏ đó, tao biểu nó đi mua…”

“Ôi, Brenda, em đúng là con ngựa ích kỷ lấy mình làm trung tâm! Em chính là người nghĩ chuyện ‘mùa hè rồi’, về kết thúc cho chuyện hai đứa ta. Sự thực, đó là toàn bộ vấn đề, không phải nó…”

“Đúng thế. Tôi là con ngựa. Tôi muốn chuyện này kết thúc. Thế cho nên tôi mới kêu anh ở chơi thêm một tuần nữa, và cho anh ngủ với tôi ngay trong nhà tôi. Anh có vấn đề gì vậy ! Sao anh với mẹ tôi không thay phiên nhau luôn đi – bữa nay bà ấy hành, bữa kế tới anh…”

“Thôi đi !”

“Qủi tha ma bắt hết mấy người đi !” Brenda nói, và bây giờ nàng bật khóc và khi nàng bỏ chạy đi tôi biết tôi sẽ không thấy mặt nàng cho đến hết buổi chiều đó, và quả thực như vậy.

* * *

Harriet Ehrlich khiến tôi có ấn tượng cô ta như một tiểu thư hoàn toàn không ý thức gì về một động cơ ở chính cô hoặc người khác. Tất cả là bề ngoài, và cô ta có vẻ thật xứng với Ron, và với cả nhà Patimkin luôn. Sự thực, bà Patimkin đã cư xử y như Brenda đã tiên đoán: Harriet xuất hiện, và bà mẹ Brenda nhấc một bên cánh lên rồi kéo cô gái vào chỗ ấm áp cạnh người bà, nơi mà chính Brenda chắc cũng muốn rúc vào. Harriet có vóc dáng giống Brenda, tuy hơi có ngực hơn, và cô ta gật đầu bền bỉ mỗi khi có ai nói gì. Đôi khi cô ta thậm chí còn nói theo bạn mấy từ cuối câu, tuy không thường xuyên lắm; chủ yếu là cô ta gật đầu và khoanh hai tay lại. Suốt buổi tối, trong khi nhà Patimkin bàn chuyện cặp vợ chồng mới cưới này sẽ sống ở đâu, phải mua sắm đồ đạc gì, bao lâu thì phải có em bé – suốt lúc đó tôi cứ nghĩ Harriet đang đeo găng trắng, nhưng thực ra là không.

Brenda với tôi chẳng liếc nhìn hay nói với nhau một lời; chúng tôi ngồi đó, lắng nghe, Brenda té ra thiếu kiên nhẫn hơn tôi. Gần cuối buổi Harriet bắt đầu gọi bà Patimkin là “Mẹ”, và có một lần, gọi là “Mẹ Patimkin,” và đó là lúc Brenda đi ngủ. Tôi ngồi lại, hầu như bị mê hoặc vì kiểu mổ xẻ, phân tích, xem xét, và sau cùng, cách bao quát những tiểu tiết. Rồi ông bà Patimkin cũng lục tục đi ngủ, và Julie, cô bé đã ngủ gục ngay trên ghế, được Ron bế lên phòng. Còn lại là hai kẻ không mang họ Patimkin chúng tôi.

“Anh Ron nói anh có một công việc thú vị.”

“Tôi làm việc trong thư viện.”

“Tôi lúc nào cũng thích đọc.”

“Thế tuyệt quá, việc kết hôn với Ron đó.”

“Ron thích nhạc.”

“Phải,” tôi nói. Tôi đã nói gì nhỉ?

“Đầu tiên anh phải thử sức với những tác phẩm bán chạy nhất,” cô ta nói.

“Đôi khi.” Tôi nói.

“Rồi,” cô ta nói, vỗ hai tay lên đầu gối, “tôi chắc mình sẽ rất vui với nhau. Ron với tôi hy vọng anh với Brenda sẽ sớm bước cặp với tụi tôi.”

“Nhưng tối nay thì không,” tôi mỉm cười. “Hẹn gặp lại. Xin phép cô nhé?”

“Chúc ngủ ngon. Tôi rất thích Brenda.”

“Cám ơn,” tôi nói khi bắt đầu bước lên thang.

Tôi gõ nhẹ cửa phòng Brenda.

“Em ngủ rồi.”

“Anh vào được không?” tôi hỏi.

Cửa phòng nàng hé ra một chút và nàng nói. “Ron lên liền bây giờ đó.”

“Mình sẽ để cửa mở. Anh chỉ muốn nói chuyện.”

Nàng để tôi vào và tôi ngồi trên cái ghế quay mặt vào giường.

“Em thích bà chị dâu không?”

“Em đã gặp chị ấy trước rồi.”

“Brenda, em đâu cần ăn nói căng thẳng thế.”

Nàng không đáp và tôi chỉ ngồi đó kéo dây rèm cho nó chạy lên chạy xuống.

“Em vẫn còn giận hả?” sau cùng tôi hỏi.

“Ừ.”

“Đừng mà,” tôi nói. “Em có thể quên đề nghị của anh đi. Nó chẳng đáng nếu chuyện tụi mình xảy ra thế này.”

“Thế anh mong nó xảy ra thế nào?”

“Chẳng mong gì cả. Anh không nghĩ nó lại kinh khủng đến thế.”

“Đó là do anh không hiểu được phía bên em.”

“Có lẽ.”

“Không có lẽ gì trong vụ này cả.”

“Thôi được,” tôi nói. “Anh chỉ mong em nhận ra em đang giận cái gì. Em không giận cái đề nghị của anh, Brenda ạ.”

“Không phải à? Thế em giận cái gì?”

“Giận chính anh.”

“Ôi, đừng tiếp tục kiểu đó nữa, được không? Dù nói gì thì em cũng không thắng được.”

“Có, em thắng chứ,” tôi nói. “em đã thắng.”

Tôi bước ra khỏi phòng nàng, khép cửa lại sau lưng và không chạm lại vào nó cả đêm ấy.

Khi tôi xuống nhà vào sáng hôm sau thì mọi người đang tíu tít công việc. Trong phòng khách tôi nghe bà Patimkin đọc cho Harriet một danh sách trong khi Julie chạy ra chạy vào các phòng để tìm một cái khóa vặn ốc giày trượt băng. Carlota đang hút bụi tấm thảm; mọi dụng cụ trong bếp đều đang sôi lụp bụp, xoay tròn, và rung lắc bần bật. Brenda chào tôi với một nụ cười hết sức thoải mái và trong phòng ăn, nơi tôi bước vào để nhìn ra sân sau xem thời tiết thế nào, nàng khẽ hôn vào vai tôi.

“Chào,” nàng nói.

“Chào.”

“Sáng nay em phải đi với Harriet,” Brenda bảo tôi. “Nên mình không chạy bộ được. Trừ khi anh muốn chạy một mình.”

“Không. Anh sẽ đọc hay làm gì đó. Em đi đâu vậy?”

“Tụi em đi New York. Mua sắm. Chị ấy mua áo cưới. Để sau lễ cưới chị mặc nó đi hưởng tuần trăng mật.”

“Còn em định mua gì?”

“Một cái váy làm phù dâu. Nếu em đi với Harriet thì em có thể tới Bergdorf mà không bị mẹ càm ràm chuyện phải mua ở Ohrbach.”

“Mua cho anh một món, được không?” tôi nói.

“Ôi, Neil, anh lại nói chuyện đó nữa à!”

“Anh chỉ đùa thôi. Thậm chí anh chẳng còn nghĩ tới nó nữa.”

“Thế sao anh nói vậy?”

“Ôi Chúa ơi !” tôi nói, rồi đi ra ngoài lái xe tới trung tâm Millburn để ăn sáng với trứng và cà phê.

Khi tôi trở về, Brenda đã đi khỏi, và chỉ còn bà Patimkin, Carlota và tôi ở nhà. Tôi cố tình không bước vào phòng nào có mặt họ, nhưng sau cùng té ra tôi với bà Patimkin lại ngồi đối diện nhau trong phòng tivi. Bà đang kiểm lại các tên họ trên một tờ giấy dài cầm trên tay; cạnh bà, trên bàn, là hai cuốn sổ ghi số điện thoại mà thỉnh thoảng bà lại lật ra xem.

“Người mệt nhọc chẳng được nghỉ ngơi gì cả,” bà nói với tôi.

Tôi nhe răng cười, chấp nhận câu tục ngữ cứ như bà Patimkin vừa mới chế ra nó. “Phải, dĩ nhiên,” tôi nói. “Bác cần cháu giúp không? Cháu có thể giúp bác kiểm tra cái gì đó.”

“Ồ, không,” bà nói với cái lắc đầu từ chối, “Nó là cho hội Hadassah.”

“Ồ,” tôi nói.

Tôi ngồi và nhìn bà cho đến khi bà hỏi, “Mẹ cậu có trong hội Hadassah không?”

“Cháu không rõ bây giờ mẹ cháu còn sinh hoạt không. Mẹ cháu đã sống ở Newark mà.”

“Bà ấy là hội viên hoạt động hả?”

“Cháu đoán vậy, trước mẹ cháu luôn trồng cây ở Israel cho ai đó.”

“Vậy sao?” bà Patimkin nói. “Mẹ cậu tên gì?”

“Esther Klugman. Bây giờ mẹ cháu đang ở Arizona. Ở đó có chi hội Hadassah không?”

“Ở đâu có phụ nữ Do Thái là có.”

“Vậy cháu nghĩ mẹ cháu còn sinh hoạt. Mẹ cháu ở với bố cháu. Họ sống ở đó để đỡ bệnh suyễn. Cháu đang sống với bà dì ở Newark. Bà ấy không tham gia Hadassah. Nhưng bà dì Sylvia của cháu thì có. Bác biết họ không, Aaron với Sylvia Klugman? Họ cùng hội với bà. Họ có đứa con gái tên là Doris…” tôi không dừng lại được, “… Họ sống ở Livingstone. Có thể dì Sylvia không tham gia Hadassah. Cháu nghĩ đó là một tổ chức bài lao nào đó. Hay ung thư. Có lẽ là loạn dưỡng cơ. Cháu biết dì ấy quan tâm tới thứ bệnh tật gì đó.”

“Vậy là rất tốt,” bà Patimkin nói.

“Ồ đúng vậy.”

“Họ làm việc tốt lắm đấy.”

“Cháu hiểu.”

Bà Patimkin, tôi nghĩ, đã bắt đầu thấy thích tôi; đối mắt tím của bà thôi không nhìn nheo nheo nữa mà chỉ nhìn quanh mọi sự mà không phê phán gì cả. “Cậu có quan tâm đến B’nai Brith không?” bà hỏi tôi. “Ron sắp vào hội đó, ngay khi lấy vợ xong.”

“Cháu cũng cố đợi tới lúc đó,” tôi nói.

Nản chí, bà Patimkin trở lại với mấy cái danh sách, và tôi nhận ra mình thật ngốc khi dám bông đùa với bà trong những chuyện dính tới dân Do Thái. “Bác cũng hoạt động tích cực trong đền thờ chứ?” tôi hỏi với tất cả vẻ quan tâm có thể huy động được.

“Phải,” bà nói.

“Cậu đi đền thờ nào?” bà hỏi sau một lát.

“Nhà cháu thường đi đền Hudson Street. Từ hồi ba mẹ cháu đi, cháu chẳng sinh hoạt gì nhiều.”

Tôi không rõ bà Patimkin có nhận ra giọng vờ vịt của tôi không. Bản thân tôi thì nghĩ rằng mình đã đóng trò rầu rĩ thú nhận rất ngon lành, nhất là khi tôi kể lại thời kỳ vô tín ngưỡng trước khi bố mẹ tôi đi xa.Nhưng bà Patimkin đã hỏi ngay – và coi bộ rất chiến lược – “Nhà tôi luôn đi lễ tối thứ Sáu. Sao cậu không đi chung? Ý tôi là, cậu thuộc phái chính thống hay bảo thủ?”

Tôi ngần ngừ. “Ơ, cháu không sinh hoạt lâu nay… Cháu đã đổi…” tôi mỉm cười. “Cháu chỉ là người Do Thái,” tôi nói đầy thành thật, nhưng như thế cũng đã đẩy bà Patimkin trở về với cái hội Hadassah của bà. Tôi tuyệt vọng cố nghĩ ra cái gì đó để thuyết phục bà rằng tôi không phải kẻ rối đạo. Sau cùng tôi hỏi: “Bác biết công trình của Martin Buber không?”

“Buber… Buber,” bà nói, mắt vẫn nhìn danh sách Hadassah. “Ông ấy chính thống hay bảo thủ?” bà hỏi.

“Ông ta là triết gia.”

“Bộ ông ta cải cách hả?” bà hỏi, bực bội vì kiểu tránh né của tôi hoặc vì khả năng Buber có thể dự lễ tối thứ Sáu mà không đội mũ, và bà Buber chỉ có một bộ chén dĩa trong bếp.

“Chính thống,” tôi nói yếu xìu.

“Thế thì tốt,” bà nói.

“Dạ.”

“Đền Hudson Street cũng chính thống hả?” bà hỏi.

“Cháu không biết.”

“Tôi tưởng cậu là giáo hữu ở đó.”

“Cháu làm lễ thêm sức ở đó.”

“Và cậu không biết nó là chính thống?”

“Có. Cháu biết chứ. Nó chính thống.”

“Vậy cậu cũng phải là chính thống.”

“Dạ, phải,” tôi nói. “Còn bác thì sao?” tôi buột miệng, đỏ cả mặt.

“Chính thống. Ông nhà tôi thì bảo thủ,” tôi suy ra vậy có nghĩa là, ông ta chẳng quan tâm. “Brenda chắc cậu biết, chẳng theo gì cả.”

“Ồ?” tôi nói. “Không, cháu không biết vụ đó.”

“Nó là đứa học tiếng Hebrew giỏi nhất mà tôi từng gặp,” bà Patimkin nói, “nhưng rồi, dĩ nhiên, nó trở nên quá tự phụ.”

Bà Patimkin nhìn tôi, và tôi tự hỏi phép lịch sự có yêu cầu tôi phải tán thành hay không. Sau cùng tôi đành nói, “Ồ, cháu không biết.”

“Tôi đã nói Brenda là phái bảo thủ. Có lẽ hơi cải cách nữa…”

Điện thoại reo, cứu thoát tôi, và tôi thầm đọc một lời cầu nguyện chính thống với Thượng Đế.

“A lô,” bà Patimkin nói. “… không… Tôi không thể. Tôi còn phải gọi điện cho cả hội Hadassah…”

Tôi vờ như đang lắng nghe lũ chim bên ngoài, tuy cửa sổ đóng kín chẳng để lọt chút âm thanh thiên nhiên nào.

“Bảo Ronald chở nó lên… Nhưng mình không chờ được, không thể được nếu mình muốn nó đúng giờ…”

Bà Patimkin liếc nhìn tôi; rồi bà lấy tay che ống nói. “Cậu chạy xe về Newark giùm được không?”

Tôi đứng dậy. “Được chứ bác.”

“Ông ơi?” bà lại nói vào điện thoại, “Neil sẽ xuống chở… Không, Neil, bạn con Brenda đó… Ừ… Tạm biệt.” Rồi bà quay sang tôi. “Ông Patimkin có mấy mẫu đồ bạc mà tôi muốn coi. Cậu chạy xe về đó chở nó về đây được không?”

“Dĩ nhiên.”

“Cậu biết xưởng chỗ nào không?”

“Biết ạ.”

“Đây,” bà nói, đưa xâu chìa khóa cho tôi, “Lấy cái Volkswagen mà đi.”

“Xe cháu đậu ngay ngoài kia.”

“Lấy cái này đi,” bà nói.

* * *

Xưởng Bồn rửa và Bồn tắm Patimkin nằm ngay giữa khu da đen của Newark. Nhiều năm trước, vào giai đoạn di dân dữ dội, nó từng là khu Do Thái, và đến giờ người ta vẫn còn thấy những cửa hàng cá nhỏ bé, những tiệm bán đồ ăn kiêng theo luật Do Thái, những nhà tắm kiểu Thổ, nơi ông bà tôi đã mua sắm và tắm táp hồi đầu thế kỷ. Ngay cả mùi của chúng vẫn còn đâu đây: mùi cá hồi trắng, thịt bò muối, cà chua ngâm dấm – nhưng bây giờ, trùm lên tất cả, là mùi dầu mỡ của các xưởng phế liệu xe hơi, mùi chua lè của xưởng bia, mùi khen khét của xưởng thuộc da, và trên đường phố, thay vì tiếng Do Thái, người ta thường nghe tiếng la hét của trẻ con da đen chơi ở bãi Willie Mays với một cái cán chổi và nửa trái banh cao su. Khu lân cận đã thay đổi: những người Do Thái già như ông bà tôi đã phấn đấu và đã chết, con cháu họ đã phấn đấu và giàu lên, và đã chuyển đi ngày càng xa về phía tây, về phía ngoại vi Newark, rồi vượt khỏi đó, lên sườn núi Orange, cho đến khi họ lên tới đỉnh và bắt đầu đi xuống sườn bên kia, tràn vào vùng lãnh thổ phi-Do-Thái giống như dân Ireland và Scotland đã tràn qua đèo Cumberland. Thực ra, bây giờ người da đen cũng đang làm một cuộc di cư như vậy, theo bước chân người Do Thái, và những ai còn ở lại khu quận Ba này đã sống một đời cực kỳ khốn khổ và nằm trên những tấm nệm bốc mùi của họ để mơ tới mùi cây thông của những đêm tại Georgia.

Tôi tự hỏi, chỉ trong giây lát, liệu mình có gặp cậu bé da màu ở thư viện ngay trên những đường phố ở đây không. Dĩ nhiên, tôi không gặp tuy tôi chắc rằng cậu sống ở một trong những tòa nhà nhếch nhác, lở lói kia lúc nào cũng có chó, trẻ con, và đàn bà quấn tạp dề đi tới đi lui. Trên tầng thượng, những cửa sổ mở toang, và những người rất già, vốn từ lâu chẳng còn lụm cụm lê theo những cầu thang dài thượt để xuống tới mặt đường, được đặt ở đâu thì cứ ngồi yên chỗ đó, bên trong những cửa sổ không lưới, tựa khuỷu tay trên những cái gối xẹp lép, và đầu họ rũ tới trước, nhìn theo cuộc bon chen của đám thanh niên và những phụ nữ có mang và lũ thất nghiệp. Ai sẽ tiếp bước người da đen? Ai bị bỏ lại? Chẳng ai cả, tôi nghĩ, và một ngày nào đó những con phố này, nơi bà nội tôi uống trà nóng trong một cái ly cũ kỹ, sẽ hoàn toàn vắng người và tất cả chúng tôi hẳn đã dời lên tận đỉnh dãy Orange, và lúc đó bộ những người chết nằm trong hòm sẽ không ngừng đá vào lớp ván sao?

Tôi đậu cái Volkswagen ngay trước một cổng gara lớn với bảng hiệu chạy ngang đàng trước:

XƯỞNG BỒN RỬA VÀ BỒN TẮM PATIMKIN

“Đủ cỡ – Đủ kiểu”

Bên trong tôi có thể thấy một văn phòng gắn kiếng kín mít nằm giữa một nhà kho mênh mông. Hai xe tải đang được chất hàng ở phía sau, và ông Patimkin, khi tôi thấy, đang ngậm một điếu xì gà và quát tháo với ai đó. Người đó là Ron, đang mặc áo thun có in dòng chữ Hiệp hội Điền kinh bang Ohio trước ngực. Tuy anh ta cao hơn ông Patimkin, và cũng to con ngang ngửa, nhưng đôi tay anh ta thả xuôi xị bên mình cứ như của một chú nhóc; điếu xì gà bập phà trên miệng ông Patimkin. Sáu anh da đen đang chất hàng cho một trong mấy chiếc xe tải bằng cách thảy chuyền cho nhau – ruột tôi thót lại – những cái bồn rửa tay.

Ron rời khỏi chỗ ông Patimkin và trở lại chỉ đạo đám nhân công. Anh ta vung tay tán loạn nhưng nhìn chung trông anh ta có vẻ khá bối rối, anh ta coi bộ không hề lo chuyện ai đó sẽ làm rớt cái bồn sứ. Đột nhiên tôi lại thấy chính mình đang điều khiển đám thợ da đen đó – trong một giờ chắc tôi đã bị một khối loét. Tôi hầu như nghe được tiếng đồ men sứ vỡ tan dưới sàn. Và tôi nghe mình la: “Coi chừng, cha nội. Cẩn thận chút, được không? Ốiii! Làm ơn… coi chừng! Coi chừng! Ô!” Giả sử như ông Patimkin sẽ tới bên tôi và nói, “Được rồi, con trai, cậu muốn cưới con gái tôi, để coi cậu làm được gì.” Được, ông sẽ coi: trong chốc lát sàn nhà sẽ là một bức tranh ghép vỡ tan tác, một lối đi toàn mảnh sứ vụn. “Klugman, cậu là thứ thầy thợ nào vậy? Cậu làm cứ như ăn!” “Đúng rồi, đúng rồi, tôi là con chim sẻ, để tôi đi thôi.” “Thậm chí cậu cũng không biết chất hàng đổ hàng nữa hả?” “Ông Patimkin, ngay cả việc thở với tôi cũng gian nan, ngủ cũng làm tôi kiệt sức, để tôi đi thôi…”

Ông Patimkin đã quay trở lại căn phòng lắp kiếng để trả lời điện thoại, và tôi rùng mình thoát khỏi cơn mơ màng và cũng đi về phía văn phòng. Khi tôi bước vào, ông Patimkin ngước lên nhìn; điếu xì gà ướt nhẹp trên tay vẫy về phía tôi, một lời chào. Ở ngoài tôi nghe được Ron gào lên, “Mấy ông đâu có nghỉ ăn trưa một lượt được. Mình đâu còn nhiều thời gian!”

“Ngồi đi,” ông Patimkin bảo tôi, tuy khi ông ta tiếp tục điện đàm thì tôi thấy trong phòng chỉ có một cái ghế, dành cho ông ta. Người ta không ngồi ở Bồn tắm Patimkin – ở đây bạn kiếm ra đồng tiền rất cực nhọc, ở tư thế đứng. Tôi bèn xoay ra ngắm mấy cuốn lịch treo ở mấy tủ hồ sơ; chúng in tranh vẽ những phụ nữ phơi đùi phơi ngực trông rất mộng mơ và ly kỳ đến độ không thể gọi là khiêu dâm được. Đám họa sĩ vẽ ra lũ con gái trên lịch này cho mấy thứ như “Công ty xây dựng Lewis” rồi “Xưởng sửa chữa xe hơi Earl” và “Hãng hộp giấy Grossman và Con trai” đã bịa ra một giống thứ ba tôi chưa từng được thấy.

“Được rồi, chắc ăn mà,” ông Patimkin nói vào điện thoại. “Ngày mai, đừng nói với tôi ngày mai. Ngày mai thế giới nổ tung rồi.”

Đầu dây bên kia có người đang nói. Ai vậy? Lewis ở công ty xây dựng? Earl ở xưởng sửa chữa xe hơi?

“Tôi đang điều hành một doanh nghiệp, Grossman, chứ không phải một cơ sở từ thiện.”

Vậy là Grossman đang bị rủa xả ở đầu dây bên kia.

“Ỉa vào đó,” ông Patimkin nói. “Ông đâu phải tay duy nhất ở xứ này, bạn già,” và ông ta nháy mắt với tôi.

Ah-ha, một âm mưu chống lại Grossman. Giữa tôi với ông Patimkin. Tôi mỉm cười một cách đồng lõa theo kiểu tôi biết.

“Thôi được rồi, chúng tôi còn ở đây tới năm giờ… Không trễ hơn.”

Ông ta viết cái gì đó vào một mẩu giấy. Đó chỉ là một chữ X tổ bố.

“Con trai tôi sẽ có mặt ở đây,” ông ta nói. “Phải, nó cũng vô nghề rồi.”

Grossman nói gì đó bên đầu dây kia khiến ông Patimkin bật cười. Rồi ông gác máy mà không nói tạm biệt gì ráo.

Ông ta nhìn ra phía sau coi Ron làm ăn ra sao. “Bốn năm đại học mà nó không dỡ hàng một cái xe tải được.”

Tôi không biết phải nói gì nhưng sau cùng tôi chọn sự thật. “Chắc cháu cũng không làm được.”

“Mình học được. Tôi là cái gì, thiên tài chắc? Tôi học. Chăm chỉ thì chẳng ai chết cả.”

Tôi đồng ý điều đó.

Ông Patimkin nhìn điếu xì gà. “Làm việc chăm chỉ thì người ta có được cái gì đó. Cứ ngồi một chỗ thì chẳng đi đến đâu cả, cậu biết đó… Những người bảnh nhất nước này cũng phải lao động chăm chỉ. Kể cả Rockfeller. Thành công không phải tự nhiên mà tới…” Ông ta không nói đến cỡ này khi ông nghĩ ra nó trong lúc giám sát lãnh địa của mình. Ông ta không phải mẫu người mê chữ nghĩa, và tôi có cảm giác rằng điều đã dẫn ông đến hàng lô những nhận định tổng quát này có lẽ là kết hợp giữa sự có mặt của tôi và hiệu quả công việc của Ron – tôi, người ngoài mà một ngày kia có thể thành kẻ trong gia đình. Nhưng liệu ông Patimkin có xét đến khả năng đó không? Tôi chẳng biết; tôi chỉ biết rằng vài lời ông ta nói ra khó có thể chuyển tải toàn bộ sự thỏa mãn và ngạc nhiên của ông với cuộc sống mà ông đã xoay xở tạo dựng được cho chính ông và gia đình.

Ông lại nhìn ra chỗ Ron. “Nhìn nó kìa, nếu nó chơi bóng rổ kiểu đó thì người ta đuổi mẹ nó ra khỏi sân rồi.” Nhưng khi nói thế ông ta lại mỉm cười.

Ông đi đến bên cửa lớn. “Ronald, cho họ đi ăn trưa đi.”

Ron la đáp, “Con tính cho một nhóm đi, rồi một nhóm ăn sau.”

“Sao vậy?”

“Vậy thì lúc nào cũng có người…”

“Đừng vớ vẩn,” ông Patimkin quát. “Tất cả nghỉ ăn trưa liền.”

Ron quay lại. “Thôi được, mình ăn trưa!”

Ông Patimkin lại nhìn tôi. “Sáng dạ, hả?” ông tay vỗ vào đầu. “Vụ đó cần cái đầu, ha? Nó không hết lòng với công việc. Nó lý tưởng quá,” và lúc đó tôi nghĩ ông Patimkin đột nhiên nhận ra tôi là ai, và hăng hái điều chỉnh để đừng làm tôi mích lòng. “Thôi được, cậu biết đó, nếu cậu là thày giáo, hoặc như cậu là sinh viên hay đại loại như thế. Ở đây cậu cần có chút chất gonif trong người. cậu hiểu chữ gonif mà, phải không?”

“Trộm cắp,” tôi nói.

“Anh hiểu biết hơn mấy đứa con tôi đó. Tụi nó còn con nít, chỉ hiểu được cỡ đó thôi.” Ông ta nhìn nhóm thợ da đen đi ngang qua văn phòng và la lên với họ, “Một tiếng không lâu đâu, phải không? Một tiếng trở lại nghe!”

Ron bước vào văn phòng và dĩ nhiên là bắt tay tôi.

“Anh có mớ đó cho bà Patimkin chưa?” tôi hỏi.

“Ronald, lấy cho cậu ấy mấy mẫu đồ bạc.” Ron quay đi và ông Patimkin nói, “Hồi tôi lấy vợ, tụi tôi mua dao nĩa ở cửa hàng năm tới mười đô. Bọn trẻ bây giờ đòi ăn với dao nĩa bằng vàng kìa,” nhưng ông không có chút giận dữ, mà còn ngược lại kìa.

* * *

Chiều hôm đó tôi lái xe của mình lên vùng núi, và đứng một lát ở hàng rào kẽm gai ngắm lũ hươu phóng chạy thong dong, ngần ngừ ăn cỏ dưới những tấm bảng ghi dòng chữ, ĐỪNG CHO HƯƠU ĂN, Ban Bảo Tồn Núi Nam. Dọc hàng rào kế bên tôi là hơn chục đứa trẻ, chúng cười rinh rích và ré lên khi con hươu liếm món bắp rang trên tay chúng, và rồi rầu rĩ khi tiếng la hào hứng của chúng lại khiến chú hươu con phóng đi về cuối cánh đồng nơi những con hươu mẹ lông vàng nâu đứng đường bệ ngắm dòng xe cộ bò lên con đường núi. Những bà mẹ trẻ trắng trẻo, khó mà già hơn tôi, và nhiều bà còn trẻ hơn, ngồi trong xe mui trần đậu sau lưng tôi tán gẫu, và thỉnh thoảng nhìn ra xem bọn trẻ ở đâu. Trước đây tôi đã gặp họ, khi Brenda với tôi đi ăn cái gì đó vào buổi chiều, hoặc lái xe lên đây ăn trưa: từng nhóm ba bốn người họ ngồi trong những quán hamburger thô sơ nằm rải rác trong khu bảo tồn trong khi con cái họ ăn ngấu nghiến hamburger và bột ngũ cốc pha sữa, rồi bọn trẻ được cho mấy xu lẻ để nhét vào máy chơi nhạc. Tuy chẳng đứa nào trong bọn trẻ đủ lớn để đọc được tựa bản nhạc, nhưng hầu hết đều có thể gào theo bài hát, và chúng làm vậy thật trong khi mấy bà mẹ, có vài người tôi nhận ra học trung học cùng thời với tôi, trao đổi về chuyện da rám nắng, siêu thị và những kỳ nghỉ. Ngồi đó trông họ như bất tử. Tóc họ sẽ giữ nguyên màu sắc họ mong muốn, quần áo sẽ đúng loại vải và sắc độ; trong nhà họ sẽ có đồ Thụy Điển hiện đại khi chúng là hợp thời trang, nếu cái kiểu barốc to kềnh xấu xí hợp mốt trở lại thì xin mời cái bàn cà phê chân gầy đi ra và thay vào là đồ theo kiểu Louis mười bốn. Họ là những nữ thần, và nếu tôi có là Paris[2] thì cũng không thể chọn được ai trong bọn họ vì họ hầu như chẳng khác gì nhau. Số phận đã đổ họ chung thành một đống. Chỉ có Brenda tỏa sáng. Tiền bạc và tiện nghi sẽ không xóa được vẻ độc đáo của nàng – không xóa, hay chưa xoá được? Tôi tự hỏi mình đang yêu cái gì đây, và vì tôi không phải kẻ có thể tự thọc dao mổ vào người mình, nên tôi đành lật lật bàn tay bên hàng rào và để cho một con hươu cái liếm sạch những suy nghĩ của mình đi.

Khi tôi trở lại nhà Patimkin, Brenda đang ở trong phòng khách trông xinh đẹp hơn bao giờ hết. Nàng đang mặc thử chiếc với mới cho Harriet và mẹ nàng coi. Ngay cả bà Patimkin cũng có vẻ dịu lại khi ngắm nàng; làm như bà đã được chích một loại thuốc an thần nào đó, cả những bắp thịt cáu gắt với Brenda quanh mắt và miệng bà cũng dãn ra.

Brenda, không đeo kính, đã mặc váy xong đâu vào đấy; khi nàng nhìn tôi thì cái nhìn có vẻ mệt mỏi và lờ đờ, và tuy những người khác có thể lý giải đó là do thiếu ngủ, nhưng trong thâm tâm tôi lại nghĩ đó là sự thèm khát. Sau cùng bà Patimkin cũng phát biểu rằng nàng đã mua một cái váy rất đẹp còn tôi nói trông nàng rất dễ thương và Harriet bảo nàng rất đẹp và lẽ ra nàng phải là cô dâu, thế là có một khoảng im lặng khó chịu khi mọi người thầm hỏi ai sẽ là chú rể của nàng.

Khi bà Patimkin đã kéo Harriet vào bếp, Brenda đến bên tôi và nói, “Lẽ ra em phải là cô dâu.”

“Đúng thế, em cưng.” Tôi hôn nàng, và đột nhiên nàng bật khóc.

“Chuyện gì vậy, em yêu?” tôi hỏi.

“Mình ra ngoài đi.”

Ở bãi cỏ, Brenda thôi khóc nhưng giọng nàng nghe rất mệt mỏi.

“Neil, khi ở New York em đã gọi cho Dưỡng đường Margaret Sanger.” nàng nói.

Tôi không đáp.

“Neil, họ hỏi em đã có gia đình chưa. Chúa ơi, cái bà đó ăn nói y hệt mẹ em…”

“Rồi em nói sao?”

“Em nói chưa.”

“Rồi bà ta nói gì?”

“Em không biết. Em gác máy.” Nàng bỏ đi và vòng quanh cây sồi. Khi ló ra sau gốc cây, nàng đã bỏ giày và bám một tay lên cây, cứ như đang khiêu vũ vòng quanh cây cột kết hoa trong lễ hội mùa xuân.

“Em có thể gọi lại mà,” tôi nói.

Nàng lắc đầu. “Không, em không thể. Thậm chí em không hiểu tại sao mình lại gọi họ nữa. Tụi em đang mua sắm và tự nhiên em bỏ đi, xem lại số điện thoại và gọi cho họ.”

“Vậy em có thể tới gặp một bác sĩ nào đó.”

Nàng lại lắc đầu.

“Coi kìa, Bren,” tôi nói, bước vội lại chỗ nàng, “Mình sẽ cùng đi, tới gặp bác sĩ. Ở New York…”

“Em không muốn tới mấy cái phòng mạch bẩn thỉu đó…”

“Không đâu. Mình sẽ tìm một tay phụ khoa bảnh nhất New York. Một tay có phòng nhận bệnh to bằng cái thương xá. Em thấy sao?”

Nàng cắn môi.

“Anh sẽ đi với em chứ?” nàng hỏi.

“Anh sẽ đi.”

“Tới phòng mạch luôn?”

“Em cưng, ông chồng không vào phòng mạch.”

“Không à?”

“Ông ta bận đi làm.”

“Nhưng anh đâu có bận.” Nàng nói.

“Anh đang kỳ nghỉ,” tôi nói, nhưng tôi không trả lời vào câu hỏi. “Bren, anh sẽ chờ và khi em làm xong tụi mình sẽ uống mừng. Mình sẽ đi ăn tối.”

“Neil, lẽ ra em không nên gọi Margaret Sanger – thật sai lầm.”

“Không sai đâu, Bren. Đó là việc đúng nhất mà mình có thể làm.” Nàng bước đi và tôi thấy kiệt sức với việc năn nỉ. Tôi có cảm giác lẽ ra tôi đã thuyết phục được nàng nếu tôi khôn khéo hơn chút đỉnh; nhưng tôi không muốn sự khôn lanh làm nàng đổi ý. Tôi im lặng khi nàng trở lại, và có lẽ chính cái đó, việc tôi chẳng nói gì cả đấy, đã khiến nàng sau cùng thốt ra, “Em sẽ hỏi mẹ coi mẹ muốn mình rủ Harriet đi cùng không…”

 

[còn tiếp]

 

----------

Đã đăng:

Chia tay thôi, Columbus [kỳ 1/8]

Chia tay thôi, Columbus [kỳ 2/8]

Chia tay thôi, Columbus [kỳ 3/8]

Chia tay thôi, Columbus [kỳ 4/8]

Chia tay thôi, Columbus [kỳ 5/8]

_________________________

[1]Mary McCarthy (1912-1989) nữ văn sĩ Mỹ, quan tâm tới nữ quyền.

[2]Paris: con trai của vua Priam ở thành Troy. Theo truyền thuyết, anh ta được thần Zeus cử ra để chấm xem ba nữ thần – Hera, Athena và Aphrodite – ai là người đẹp nhất. Anh ta chọn Aphrodite (thần tình yêu và sắc đẹp) vì nữ thần này hứa cho anh ta quyến rũ được người đàn bà đẹp nhất dưới trần.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021