thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
XỨ NẮNG [chương 11-15]

 

11

 

Ngày xửa ngày xưa... Bốn chữ bắt đầu cho bất kỳ câu chuyện cổ tích nào trên trái đất này.

Đêm mưa, ôm cánh tay chồng, ấm yên, lòng rủ như lụa, lắng nghe chồng thủ thỉ kể chuyện Người Mẹ.

.....

Giờ thì bà đang ngồi đằng kia, cách tôi một cái vói tay. Nhưng sao tôi chẳng thấy đầu bà? Bà không đầu ơi! Tôi gọi, giọng gió.

Chồng tôi giờ này bên kia nửa quả địa cầu, áo khoác Norstrom, cà vạt Banana Republic, vớ Macy’s đang ngồi trên lầu chín ở Union Square, San Francisco sử dụng cái đầu, cái lưỡi để giải quyết vấn nạn, tìm cách đổi đen thành trắng, biến trắng thành đen, bằng mọi cách moi tiền thiên hạ.

... Mẹ anh, người đàn bà, cả quần cả áo cả tóc cả tai cả móng tay móng chân cân chưa tới 70 pounds... Anh kể, tôi gác cả hai chân lên người anh. Đêm mùa đông, nước mưa loáng hết hai mặt lá miền bắc Cali.

Người đàn bà. Mẹ anh... Mẹ anh. Và mẹ anh... Bao nhiêu lần tôi nghe câu chuyện cổ tích xưa tựa trái đất này. Như nước mưa từ trời muôn ngàn năm vẫn đổ. Mẹ anh... dứt câu chuyện, nghẹn ngang lồng ngực anh, rồi lây sang lồng tôi bao giờ không biết. Tiếng thở dài chở ngàn khối đá tuyệt vọng qua muôn ngàn vạn dặm. Không gian và thời gian. Mất mát chia lìa. Trốn tránh rồi tìm kiếm. Sợ hãi lẫn đương đầu. Nhưng là bất lực. Bất lực ngay khi óc não trắng sền sệt khoanh tròn ngự trị trong đầu anh vừa nhú mầm, đã có chút trí khôn, đặt câu hỏi, như tín đồ Thiên Chúa Giáo phải thông qua lễ rửa tội. Biết tập ngắm nhìn sự vật bằng nẻo lý trí.

Nếu trên trần gian này có chữ cho, hiến dâng, tặng, biếu... thì Mẹ anh là biểu tượng.

 

 

12

 

Bố anh suốt đời là lính. Lính trơn đúng nghĩa. Thời gian ông ở trong quân đội dài bằng cuộc chiến. Cấp bằng cuối cùng khi được giải ngũ là thượng sĩ nhất. Ông đi khắp bốn vùng chiến thuật. Thời còn trẻ, sức mẹ còn dai, vác trên vai đàn con bám sát gót giày nhà binh của ông. Về sau cạn sức, mẹ dừng chân lại ở đất Dục Mỹ, còn ông vẫn đi đó đi đây sống đời quân ngũ. Thỉnh thoảng ông về, ồn ào đã từ ngoài ngõ... Trái ngược anh, mỗi năm về nhà hai bận, tết và hè, chỉ nằm nhà, hoặc đi loanh quanh vài con đường cụt trong xóm, thỉnh thoảng ra suối tắm. Dục Mỹ buồn thê thảm em ạ! Trong nhà, anh là thằng khá nhất, phải công nhận như thế. Mẹ nhận ra được điều này, có lẽ nhờ mấy gói phần thưởng bọc giấy kiếng đỏ anh bưng về mỗi cuối năm tiểu học. Mẹ quyết tâm dành dụm, chắt mót từng đồng gửi anh vào Nha Trang tiếp tục học, ở trọ nhà người cậu xa.

Tôi nhìn tỉnh lỵ, không thấy bề sâu, chỉ thấy bề dày. Vài ba con hẻm cụt, như đường chỉ tay, nối liền nhưng chẳng đủ dài để nuôi nổi cơn mộng đời của bất cứ dân cư nào sinh sống nơi đây. Hình ảnh Trinh, ngồi rồi đứng, vô rồi ra, phụ mẹ dọn hàng, đếm tiền lẻ, đong gạo, xếp từng trứng vịt muối, bó gọn gói miến khô. Anh Cả đến tuổi đi lính. Thanh niên bốn phương còn bị xúc đổ về đây, huống gì anh, từ nhà ra trại lính có thể đi bộ được. Nghề lính là nghề cha truyền con nối ở xứ sở này. Ngày trước truyền gươm giáo, ngày nay truyền súng đạn. Tôi ngồi duỗi chân hình dung ra hình ảnh anh, rõ ràng như con số chẵn, lẻ. Ngày đầu nhập ngũ, viên đạn phóng phọt trúng ngay ót, giây phút đó, miệng anh có lẩm nhẩm, cân lượng, bó, đong, gói, đếm... có băn khoăn tự hỏi ai sẽ khuân vác kéo lôi những kiện hàng, bao gạo, đóng cửa, gài then mỗi sáng, mỗi tối cho mẹ thay anh? Mẹ ngày đó còn da còn thịt còn chút mỡ màng, chứ không cả quần cả áo cả tóc cả tai cả móng tay móng chân cân nặng chưa tới 70 pounds như bây giờ...

Người đàn ông, chồng tôi gọi bằng bố, hiếm hoi được gặp. Hình ảnh ông kiên nhẫn ngồi đánh bóng đôi giày bằng xira màu đen đặc quánh, mùi hăng hắc, anh xớ rớ lại gần, nghểnh mũi ngửi, như mùi cao su khét. Anh ngắm say sưa cái hộp tròn, màu đỏ đen, hình tựa bùa chú. Cái mùi ngầy ngậy đầy khiêu khích. Anh nhích lại gần hơn. Ông ngưng tay, cút!

Anh ra sân sau ngồi, tự hỏi, cái mùi hăng hắc như cao su khét kia đến từ đâu? Phải là xa lắc xa lơ. Mỹ, Tàu, Tây, Nhật, Đại Hàn, Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi, Gia Nã Đại, Ai Cập, Mễ Tây Cơ, Ba Lan? Đầu óc anh bay bổng, không nơi bám, trụ, như đám mây đang bay ngang bầu trời Dục Mỹ.

Người đàn ông, chồng tôi gọi là bố, ít nói, hút thuốc liên miên, hít vô thở ra, như ống máy bơm, xịt khói. Ông làm bất cứ gì cũng chậm chạp, uể oải, miễn cưỡng, kể cả ăn. Chỉ trừ đánh bóng đôi giày, tỏ ra như không bị ràng buộc, hối thúc, đúng giờ, kỷ luật, nhắc nhở. Nghỉ phép đúng nghĩa. Còn anh, nhận ra cơm mẹ làm ngon hơn, mở cửa hàng muộn hơn, bầy con ít bị la mắng hơn. Như thế, là được tự do hơn, riêng tư hơn, thoải mái hơn.

Người đàn ông, chồng tôi gọi là bố, ngoài nghiện thuốc lá, còn có cái tật ghê gớm như răng sắt nghiền nát mặt đường là rượu. Thứ rượu trắng, gọi tắt là đế, gọi đùa là nước mắt quê hương, mùi nồng xông ngộp mũi khi đứng gần. Hôm nào từ quán bà Đệ về, say nhẹ, ông chỉ lẩm bẩm, như cầu kinh rồi đi ngủ. Hôm nào say nặng, ông vung tay múa chân, miệng chửi rủa la lối, mắt đỏ như tướm máu, cả nhà thấp thỏm chờ đợi ai sẽ là nạn nhân, tự tìm đường trốn. Đứa chui gầm giường, đứa lảng sau hè, đứa ôm cột nhà, thằng Út lết níu chặt áo mẹ. Tay chân ông quờ quạng như Sơn Đông mãi võ. Hai tròng mắt phủ trùm màu máu. Giọng ồm ồm như còi xe vận tải ào ào xuyên Việt trong đêm. Rờn rợn tựa tiếng heo thét lúc nhát dao đầu tiên thọc sâu vào cổ.

Chỉ mẹ chịu đương đầu, tóc bà xổ tung, ngã vật trong bóng tối, lửa tỏa từ tròng mắt, bóng mẹ... Trời! anh chỉ muốn nhào ra ôm chặt lấy bà, và bóp cổ bố anh. Cái tát, cái đá, ngọn nịt quất lằn trên da thịt vợ, con, giật tóc, mắt trắng dã, xùi trào bọt mép, tỉ tê, khóc lóc, van xin, chửi bới, rủa thề... bố đá, mẹ hét, bố tát, mẹ đập đồ... Ôi trò chơi người lớn, con người hành hạ lẫn nhau, nếu có thượng đế ngồi trên cao, chắc ông mỉm cười thỏa mãn vì tạo nên con người, để nhìn thấy rõ sự tàn nhẫn nơi con người.

Ông giét tôi, trời ơi là trời.

Mày câm mồm, con đĩ thối tha kia.

Con đĩ, tao giết mày, con đĩ, mày ngủ với trai, mày phỉnh lừa tao, con mày đâu? con đĩ thối chẩy thây, vợ với con, con mày, mày giấu nó đâu? hay bị chết bờ chết bụi. Tao là thằng bị lừa, cả dòng họ nhà mày lừa tao.

Những lời lẽ tuôn trào, như thác nước vỡ trong đêm, in sâu trong trí não anh suốt thời ấu thơ. Lời lẽ... anh không hiểu, hoàn toàn không hiểu, lờ mờ hiểu, cố gắng hiểu, bi kịch gia đình, như tấm jigsaw puzzle rời rạc, mảnh còn, mảnh mất.

Ngày đó, anh chỉ biết mẹ bị đá, bị tát, bị đánh, bị đấm, bị túm ngược tóc. Anh bịt tai, chạy ù ra sau sân trường Chùa, lòng rát bỏng, rấm rứt khóc, rồi ngủ quên. Mẹ ra tìm anh ẵm về, bước chân xiêu vẹo trong bóng đêm. Trên con đường từ trường Chùa về nhà độ vài chục bước, bẩy tuổi, anh rờ được trái tim mẹ, đỏ hỏn, phập phồng, đẫm ướt... nước mắt anh ứa trên vai mẹ, anh muốn chùi, dụi, nhưng sợ mẹ thả anh xuống bắt đi bộ. Vào nhà, mẹ đặt anh xuống giường, mẹ vừa quay lưng, anh mở mắt, hai cục xương vai mẹ nhô cao, cứng, nhưng sao khi nãy anh áp mặt vào, nhẹ như lông ngỗng.

.....

Rồi một ngày anh rời mẹ, rời gia đình, rời tổ ấm, rời Dục Mỹ, mảnh đất để lại trong anh không nhiều kỷ niệm ấu thơ đẹp, rời quê hương đất nước đầy những khổ nạn, anh ra đi, phủi sạch hai tay, mang theo những mảnh jigsaw puzzle không bao giờ tìm kiếm lại được.

 

 

13

 

Những cảnh xô xát, chén bát vèo vèo như sao bay trong bầu trời đêm. Cũng may, nhà dùng toàn đồ nhựa, vất, liệng, ném vẫn lì lợm không vỡ.

Mảnh vai mẹ nhẹ tựa lông ngỗng rung rung, và nước mắt thấm ướt. Giờ đây anh lớn, hiểu ra rằng, mẹ biết anh còn thức, những vẫn bế vác anh, bởi lúc đó, chính bà, cũng cần nơi nương tựa, chở che. Bóng đêm, tàn lá, mùi mẹ, và tiếng nấc lòng. Những bước chân lạo xạo ngả nghiêng của mẹ, không khua nổi sỏi đá dưới chân.

Môi thằng Út tím ngắt. Mặt anh Cả cắt không một giọt máu. Bóng anh Quyến lấp ló. Mắt thằng Trinh trắng dã.

.....

Bi kịch gia đình bắt nguồn từ cái thai.

Mười sáu tuổi, trăng rằm, tròn lẳng, tuổi của mẹ.

Chuyện xảy ra trong một đêm không trăng...

Người chú họ chuyên buôn bán đường xa. Cái hòm gỗ vuông vức, sơn đỏ, đựng đủ tượng Đức Chúa Con, Đức Mẹ Đồng Trinh, các vị Thánh, tràng hạt, thánh giá... chú luôn đeo cứng bên mình. Ban ngày là cái ghế, ban đêm là cái gối. Năm thì mười hoạ chú ghé nhà, ở chỉ độ dăm ba ngày. Một hôm vì lý do gì đó, hứng chí chú lấy tờ giấy bạc 50 đồng quấn thuốc lá hút, nhả khói trắng bay lững lơ. Mấy chục nóc nhà trong xóm bàn mãi câu chuyện “đốt tiền” cả năm sau khi chú rời khỏi. Chú kể những câu chuyện nơi chốn xa xôi, thành thị phố xá làng mạc đã từng đi qua. Mọi người trố mắt hả miệng vểnh tai nằm-ngồi-đứng nghe chật nhà. Mười sáu tuổi, trăng rằm, tròn lẳng, mẹ cùng cái xó bếp cũng lắng tai nghe. Rồi một đêm mẹ ngủ, thiếp sâu, một cánh tay đàn ông khổng lồ chụp lấy bẻ quặp người mẹ ra sau, nhét kín chiếc khăn vào miệng mẹ. Một tay kéo tuột quần. Mười sáu tuổi trong một đêm không trăng... Mười sáu tuổi trăng rằm, tròn lẳng. Trăng mẹ gẫy vụn nhàu nát như bánh tráng phồng ướt đẫm nước mưa.

Người chú họ ra đi nơi chốn xa xôi gió cát với những bức tượng kể cả Đức Chúa Con trần truồng nghẻo đầu bị đóng đinh trên thập tự giá. Khuôn mặt Đức Mẹ Sầu Bi tràng hạt xanh đỏ tím vàng lấp lánh trái tim các vị thánh mở toang đỏ choé.

Tấm hình nhỏ, in mặt Đức Mẹ Đồng Trinh, chú nhét vội vào túi áo mẹ trước ngày rời nhà. Cầu nguyện, cháu cứ cầu nguyện, Đức Mẹ sẽ giúp, cháu sẽ được cứu rỗi... Cầu nguyện, cứu rỗi. Mười sáu tuổi, tuổi trăng rằm, tròn lẳng, màng trinh mẹ rách toạc.

Những ngày kế, mẹ lết như rắn, “nơi ấy” tấy rộp sưng đỏ. Người mẹ lệch hẳn sau đêm không trăng ấy. Hé mồm là chết, nghe rõ chưa? Trong tay, chú ôm khư khư cái hộp gỗ vuông vức sơn đỏ chứa toàn đấng cứu rỗi, cứu chuộc. Ban ngày là cái ghế, ban đêm là cái gối. Để lại người sống dưới mấy chục nóc nhà biết bao nghi vấn, lẫn tiếc ngẩn ngơ tờ giấy bạc 50 đồng, cùng khối tưởng tượng khổng lồ đất đá bầu trời gió cát nơi chốn xa xăm, nhưng không thể hình dung ra được những khuôn mặt con người bên kia chân cầu mục nát. Bên trên đỉnh nón rách tưa viền.

Chỉ riêng mẹ, với cái mầm sống đang bắt đầu nhú nụ.

Cái mầm sống cứ thế mà tăng trưởng. Cái bụng mẹ phình to. Ban đầu người trong nhà đè mẹ ra đánh đập, tra hỏi, xỉ vả, qủy đầu thai, ma ám, hàng xóm tránh né, dèm pha xì xào. Mọi người quên tuốt luốt người chú họ ra đi biền biệt cùng cái hòm gỗ vuông vức sơn đỏ, ban ngày là cái ghế, ban đêm là cái gối, đựng đầy tượng, toàn đứng cứu rỗi, cứu chuộc.

Chín tháng mười ngày đứa bé chui ra từ nơi chốn vật lạ mà người chú họ đã đâm vào. Mẹ, mười bẩy tuổi, bẻ gẫy sừng trâu. Đúng ba ngày sau khi sinh, đứa bé gái đỏ hỏn được bồng đi cho người đàn bà ở làng cạnh nhà không con nhưng đầy của.

Câu chuyện một đêm không trăng xảy ra đã bao nhiêu năm, bao vật đổi sao dời, giờ vẫn như cơn mộng du, chuyện cổ tích. Một lần là một đời ám lấy mẹ.

 

 

14

 

... bố anh, con nhà nghèo (Việt Nam thì ai chẳng nghèo!) Nghèo hơn cả nhà mẹ anh (lại đem cái nghèo nhà mẹ anh, nhà bố anh ra so sánh!) Chẳng có mảnh đất cắm dùi. Làm thuê ở đợ mấy mươi đời. Mai qua mối lại, rồi lấy, về ở với nhau, di cư vào Nam. Những đứa con lần lượt ra đời.

Gần nhau, bố anh có vuốt ve dịu dàng mẹ anh hay ào ào trả thù?

Hình ảnh con trâu điên khổng lồ đổ ập trên thân xác người đàn bà thay vì đấm, đá, đánh, tát, đạp, bợp tai, ghì tóc... như lúc ông đang say rượu. Say tình thì dương vật ngổng như thỏi đồng pha sắt, nóng hổi, cứng ngắc húc sâu mạnh dồn dập vào cửa mình người đàn bà. Nơi cội nguồn sinh diệt. Yêu thương thù hận. Nơi anh chui ra để làm chồng tôi ở chốn trần gian này. Để tôi sẻ nửa phần đời tôi. Tối dạ cũng từ đó mà ra, và nó có khả năng xoay vần hay xếp đặt ngôi vị và thứ bậc của cả nhân loại.

Tôi nằm đây, đưa tay phải đặt nhẹ vào nơi ấy. Cửa mình, cửa trần gian, cửa mở ra sự sống. Nơi chồng tôi bao lần vục mặt, mân mê chùm lông man dại, bảo rằng như rừng rậm hoang dã. Anh là nhà văn không thành. Henry Miller nhà văn đã thành, và đã có lần viết, tôi dấu con chim của tôi trong đám lông man dại của nàng.

.....

Và đứa bé gái đúng ba ngày lọt khỏi lòng đã bị bế đi, khi hai bầu vú bà đang rạn nứt sữa căng, khi cửa mình bà rách bươm như bị dùi dao đục khoét. Một tháng sau, bà ra sau hè, đứng xé vụn tấm ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh, thả xuống lỗ cầu tiêu, dội nước cho trôi sạch.

Đứa bé gái... mãi nhiều năm sau, “chị Thoa” mẹ đặt tên, gọi chị trong giấc mơ, trong trí tưởng, trong những câu chuyện rớt rơi... đến giờ này, anh chưa lần gặp mặt, nhưng chị Thoa là điểm tựa, là hi vọng, là giấc mơ cho đời mẹ vin lên bao phen gục ngã.

Nghĩa là, người đàn bà không đầu đang ngồi đằng kia, kìa.

Bà là mẹ, sinh ra chồng tôi. Sa con gọi bà là bà nội.

 

 

15

 

Về đây, tôi ôm được cái bóng khổng lồ trong lòng anh. Rờ được vết đau tươi rói, căng phồng máu mủ nguyên thủy, để tin chắc rằng, sẽ chẳng bao giờ là vết sẹo phủ bọc da non. Gia đình, một bịch máu mủ, cuống rốn, buồng trứng, tinh trùng đúng nghĩa. Từng khuôn mặt, tên gọi, giọng nói, ngôn ngữ, dòng họ, nóc nhà, mảnh sân trước, góc vườn sau... một thời chia sẻ tưởng rằng sống chết cho nhau, vì nhau, cùng nhau... giờ thì không là một phần đời sống mà là toàn bộ đời sống nghiệt ngã, bi thương, khổ nạn. Càng ấn sâu, càng trồi mạnh. Càng đè xuống, càng bùng lên, phọt ra, lan tràn, trườn trồi qua muôn vạn ngả.

 

(còn tiếp)

 

Đã đăng:

XỨ NẮNG [chương 1-5]

XỨ NẮNG [chương 6-10]

 

____________________________________________
Lê Thị Thấm Vân, Xứ Nắng (California: Anh Thư, 2000)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021