thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
XỨ NẮNG [chương 16-20]

 

16

 

Lần về thứ nhất.

Đàn bà ba miền bận áo thâm quần đen như nhau, nhưng anh nhận ngay ra mẹ. Mẹ níu áo anh, hít hà da thịt anh. Con về đấy hả Đức? Mẹ không tin là con còn sự sống. Phải là phép nhiệm mầu. Ngày đầu anh về, những con đường cụt Dục Mỹ không một làn gió. Ngày cuối anh rời, trời mưa làm đất Dục Mỹ dẻo quẹo, trồi lên giữa những kẽ chân.

Lần về thứ nhì.

Còn một chút nhận ra. Những gói vải lụa, xoa, sa-tanh, mỹ-á mẹ gói gọn, xếp ngay ngắn, cuôn chặt cất giấu trong rương. Sao mẹ không may mà mặc? anh nói, vừa thương xót, vừa bực bội. Để dành. Mẹ nói nhỏ. Mẹ để dành cho ai? Mẹ nhìn anh bối rối lẫn lấm lét. Anh nhói dạ. Mẹ xem áo mẹ đang mặc sờn vai, bẩn thỉu, hôi... Anh nghẹn. Thì mặc lâu ngày sờn vai, bẩn thỉu... Mẹ định nói gì thêm, nhưng thôi, rồi cười. Những chiếc răng còn lại dơ bẩn hơn cả màu áo mẹ đang mặc. Cái hang sâu hoắm luồn sâu vào cống rãnh. Bốc mùi. Bao lâu rồi mẹ chưa tắm?

Anh cầm tay mẹ dẫn vào nhà tắm. Hứng nước đổ đầy thau, cởi áo cho mẹ rồi ra ngồi đợi trước cửa nhà tắm. Chưa bao giờ cổ anh đắng ngắt như thế. Nước mắt anh cứ thế trào ra.

Anh nghe tiếng nước xối, nhè nhẹ, đứt quãng. Mẹ ơi... mẹ ơi... anh gọi. Mẹ trở ra, đầu không ướt nước, lại cười, hở lợi, anh cười theo. Bộ đồ mới, nếp gấp sắc nhọn. Mẹ đừng để dành, rách con may thêm cho mẹ, mẹ nhé!

Anh nghĩ tới ngày xưa. Giờ đã xa như tuổi ấu thơ. Anh muốn nói một câu sâu tận đáy lòng nhưng không thể, không được, và sẽ chẳng bao giờ còn có dịp, có cơ hội... Hoàn toàn bất lực. Những tấm áo cũ đắp vá, móng tay cáu bẩn, ghẻ mụn tanh hôi, giép đứt quai, nước dãi, mũi quẹt cánh tay trần. Tuổi thơ của con, của anh em con, của gia đình mình, mẹ ơi!

Lần về thứ ba.

Cả quần cả áo cả tóc cả móng tay móng chân lông cáu ghét cân nặng chưa tới 70 pounds. Người đàn bà đó là mẹ anh ư? Đầu bà còn đó, nhưng bà không còn đó. Bà còn, bà còn, phải bà còn đó. Tự trấn an dỗ lòng. Phải còn có cái gì chìm sâu khuất nẻo trong đầu bà chứ? Giòng máu, tế bào luân lưu di chuyển trong thân xác bà chứ!

Nhiều đêm anh nằm cạnh mẹ, mẹ như con mèo lả bệnh, gói gọn mất hút trong anh. Sáng sớm choàng thức, lông bám đầy hai cánh tay. Mùi khắm chua tanh.

Nhiều đêm. Anh nghe tiếng mẹ gọi. Từ tinh cầu gió. Lồng lộng gió. Chứa toàn gió. Con ơi! Đức ơi!

.....

Một sáng, anh xổ tung khăn đầu mẹ, trời ơi! một ổ chấy, cả rừng chấy, lúc nhúc, đen, nâu, nhạt... anh ghì... chấy rơi rụng rớt níu lấy nhau, níu lấy mẹ, níu lấy anh. Buông mẹ ra. Người anh toàn chấy.

Thế giới chấy hút hết sức lực, máu thịt mẹ. Những sợi tóc loe hoe không sắc màu, cả đời anh chưa một phút hình dung. Những mái tóc con gái, đàn bà anh từng đưa tay vuốt vò vọc ghì hôn rậm rạp, dày mỏng, thưa thớt, quăn tít, mượt mà, mỏng manh, thời trang, nhuộm màu, uốn ép, dài ngắn, bù xù, cũn cỡn, thẳng đuột...

Còn tóc mẹ anh!

Anh kiếm cái kéo, hớt sát chân tóc. Mẹ ngồi yên, ngô nghê. Anh gội đầu cho mẹ, mẹ ngồi yên. Những đầu ngón tay anh nham nhám. Cả thế giới chấy rơi tuột xuống cống rãnh, sau hiên nhà.

Anh quên mất nụ cười của mẹ.

Anh quên mất giọng nói của mẹ.

 

 

17

 

Mẹ trong trí nhớ anh...

Là một người rất đỗi thực tế. Chính xác như cái cân đo lường. Chắc nịch như những con số chẵn lẻ.

Là niềm tin như cái ống sữa bò bóng nhẵn đong gạo, đậu xanh, đậu đen, đậu phộng, nếp tẻ, nếp than lâu ngày.

Là bức tường đúc xây bằng xi măng sắt thép, kiên cố, vững chắc, sẵn sàng đương đầu.

Là mái tranh thấm hết được nước mưa từ trời đổ xuống.

Là con cọp cái với móng sắc dài nhọn, dữ dằn, chẳng chịu thua ai bao giờ. Nếu cần, bà chửi nhau với hàng xóm nhiều ngày. Khác hàng đàn ông, léng phéng với bà, bà thẳng tay đuổi ra khỏi cửa, cùng cái nguýt dài, bĩu môi, nhổ toẹt bãi nước bọt.

Là cành dương chắn gió mang hơi hướm dữ tợn của người đàn ông bà gọi là chồng, bầy con gọi là bố. Bà chống đỡ bằng mọi cách, cấu xé, giằng co, củi cây, thanh sắt.

Là âm thanh van xin, nguyền rủa, khóc lóc.

Là muôn mặt, pha lẫn khôn ngoan học ở trường đời.

~~~~~~

Sao anh không đưa bà sang đây? Câu hỏi, tôi vẫn giữ mãi trong lòng.

 

 

18

 

Tôi vén mùng, bước ra khỏi giường.

Mẹ. tôi gọi. Mẹ, mẹ, con đây mẹ. Không biết bên kia nửa quả địa cầu, đêm là ngày, ngày là đêm, chồng tôi có nghe không?

Tôi ôm hai vai. Những móng tay vừa nhú, bấm sâu da vai. Bấm sâu, mạnh, lút. Ừ thì tôi đang có mặt ở đây, nơi chốn này.

Tôi bước ra ngoài. Hừng đông.

Đời sống rào rạt vọng từ ngoài ngõ. Tiếng chị Hạnh và bà hàng xóm. Tôi nheo mắt, ngóng tai về phía tiếng động. Nắng chói lòa. Trắng xóa một màu.

Tiếng thăm hỏi, chào đón, mở hàng, mời gọi thường nhật. Tiếng giép lết, nhấc không nổi mặt đường. Tiếng trẻ con, gà gáy, chó sủa, còi xe, máy nổ. Tôi ngồi xuống bực thềm, tựa cột nhà, cố lắng tai nghe tiếng réo của lá me non. Đôi mắt ai đang nhìn tôi từ phía sau, quay phắt lại, Trinh.

 

 

19

 

Thằng lết, thằng què, thằng khờ, thằng câm, thằng ngố, thằng út... nó được đặt nhiều tên nhất trong dòng họ. Tùy tâm tính từng người, gọi tên gì, nó cũng chấp nhận.

Tên trong khai sinh nó là Hoán, chẳng biết bố mẹ muốn hoán đổi điều gì chăng?

Bốn người anh lớn cùng họ Trần, Văn cùng chữ lót. Trần Văn Tịnh, Trần Văn Quyến, Trần Văn Đức, Trần Văn Trinh, chỉ thằng Út là Trần Huy Hoán. Huy Hoán nghĩa là gì? Ai chọn cho nó, dấu hiệu văn hoá văn minh của dòng họ Trần biểu lộ qua tên lót thằng Út. Nó lọt lòng, đỏ hỏn, như chuột con ngấu nghiến nút vú mẹ. Nó ra đời chẳng bao lâu thì anh phải đi học xa. Mùa hè đầu tiên anh về lại nhà, thấy mẹ luôn bế nó trong lòng. Một tay quạt, một tay khua liên hồi trên mặt hàng, miệng nói không ngưng nghỉ. Mồ hôi vã trên người bà như vừa mới tắm xong. Hè năm sau anh về, một tay thằng Út vân vê tóc mẹ, một tay níu ghì vú mẹ, vú mẹ chẩy dài tận rốn, miệng nó không ngừng nhai, nút vú mẹ. Mẹ vẫn luôn đeo nó trong lòng, nhưng sao mắt mẹ đỏ hoe như sắp khóc hoặc vừa khóc xong. Những năm kế, anh về, nó lê lết bám theo mẹ, quanh mấy hũ mắm, lọ muối, cùng những cục cứt của nó rãi trong nhà ra ngoài chỗ mẹ ngồi. Những vũng nước đái chưa kịp khô.

Thỉnh thoảng nghe tiếng ré của nó, biết nó vừa ngã đâu đó, hoặc đầu va vào tường, tay kẹt cánh cửa, vấp phải cái ghế, kiến cắn cu. Nó bụ bẫm, hút hết chất sống trong mẹ. Sáu tuổi, vẫn còn sờ vú mẹ mỗi đêm.

Cái đầu nó to dị thường, trí khôn thì ngược lại. Hai mươi bốn chữ cái học hoài chẳng nhớ. Bà mẹ Mạnh Tử ngày xưa bên Tàu, dạy con phải dọn qua bao chỗ ở, nhà quàn, lò giết thịt, cuối cùng dừng cạnh trường học. Thằng Út trường ở sát sau lưng, lại rủi như chân trái, bị thịt lắc lư.

Một buổi sáng, có người đàn ông trung niên lạ mặt đến mua bao thuốc lá. Thấy thằng Út, ông buột miệng, thằng nhỏ bị ảnh hưởng thuốc khai quang. Mẹ chẳng ngước nhìn ông khách, nhưng anh hỏi khai quang là gì? Là chất độc Mỹ phun trên rừng để diệt trụi lá. Những ngày sau đó, anh cứ thắt mắc, khai quang có cái mùi hăng hắc nồng, đen ngòm tựa thuốc chùi giầy của bố không nhỉ?

.....

Tôi nhìn thằng Út ngồi lọt thỏm trong lòng ghế bố. Nó hút thuốc liên miên, hết còn khóc ré, nhưng ít nói. Chồng tôi nói đúng, cái đầu nó to thật.

Tiếng ruồi vo ve.

Từ trước đến nay, anh và nó chưa hề trao đổi điều gì quá năm câu. Nó hay lẩm bẩm, một mình, như hát thầm điệu nhạc, cái nạng là nhịp điệu anh nắm bắt được.

Cũng cái nạng, mọi người sợ hãi tránh xa khi nó lên cơn. Một lần đã đâm thằng Hòe, con của tên công an cuối xóm lủng con ngươi bên trái. Điện tín đánh qua xin tiền chuộc tội đúng ngay đêm Giáng Sinh, anh đang học thi ra trường.

~~~~~~

Sao anh không bảo lãnh thằng Út sang đây? Vẫn là câu hỏi chưa bao giờ tôi đặt thành lời.

 

 

20

 

Cái áo thun màu tro Jokey bó sát người tôi, khoắm sâu hai vai. Một khoảng lưng trần buổi sáng, mời mọc. Tôi quay người nhìn về phía Trinh. Trinh biến nhanh về phía giếng.

Tôi vẫn ngồi ở bực thềm, tựa người vào cột nhà.

Tiếng múc nước, đổ nước. Xối xả. Tiếng đánh răng, xúc miệng, khạc nhổ. Buổi sáng nắng lên nhanh. Sàn xi măng mát lạnh lòng bàn chân. Chùm hoa trang màu gạch cua nở trong nhà hàng xóm.

Tôi đứng dây, đi về phía Trinh. Đứng ngửa cổ nhìn tàn lá dừa trên cao. Những trái dừa non, đếm được tám trái. Từ đây đến lúc hái xuống, may ra còn hai, những trái rơi rụng, chết non.

Tôi nghĩ, phải vào nhà lấy bàn chải đánh răng, khăn lau mặt. Nghĩ, nhưng hai chân vẫn dậm cứng tại chỗ. Tôi nhìn nửa mặt bên trái của Trinh, hao hao giống Đức, sống mũi thẳng, tròn vo ở chóp. Giờ này Đức đang làm gì? Tôi đang đứng đây. Tôi phải vào nhà lấy bàn chải đánh răng, khăn lau mặt. Cái chóp mũi tròn vo. Tám trái dừa non trên cao, rồi sẽ rụng, chỉ còn hai.

Trinh quay phắt mặt lại. Miệng tôi há hốc. Kinh ngạc.

Mặt tôi thế này! Nhìn đi, nhìn kỹ đi. Tia mắt hắn bắn lửa, thay lời. Mặt tôi thế này, chị thấy chưa? thấy rõ chưa?

Cái quay mặt nhanh bất ngờ, tôi đỡ không kịp.

.....

Đẹp đẽ gì mà chụp. Thằng bé trồi người lên từ dòng sông, nhìn thẳng vào mặt tôi, nói một câu như thế. Hai tay ôm chặt trong mình những lon bia, coke rỗng không. Mặt nước sông đen, đặc quánh như đêm Sài Gòn.

Tôi xấu hổ.

.....

Miệng tôi há.

Gió lùa kín miệng.

Mắt Trinh vẫn phóng lửa.

Mặt đối mặt. Buổi sáng. Tôi và Trinh.

.....

Tôi ôm ghì hai vai. Trở vào nhà, mang theo khuôn mặt Trinh.

Chân trái thằng Út. Bóng người đàn bà ngồi trong góc xó.

Và nửa bên phải khuôn mặt Trinh.

 

(còn tiếp)

 

Đã đăng:

XỨ NẮNG [chương 1-5]

XỨ NẮNG [chương 6-10]

XỨ NẮNG [chương 11-15]

 

____________________________________________
Lê Thị Thấm Vân, Xứ Nắng (California: Anh Thư, 2000)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021