thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
XỨ NẮNG [chương 31-35]

 

31

 

Mặt trời sáng rỡ. Mưa đêm còn sót ủ trên những tán lá. Trinh chở tôi trên chiếc xe máy hai bánh. Chúng tôi chạy ngược hướng mặt trời mọc. Tiến vào cõi âm. Thế giới của người khuất mặt. Men theo mùi tử khí. Lắc léo qua trăm, ngàn xe đủ loại. Tránh vô số ổ gà lớn nhỏ. Vượt qua không biết bao nhiêu khuôn mặt buồn vui. Nắng mới ban mai tua tủa vào mặt.

Trinh bỏ đường lớn, tách vào ngõ nhỏ, dài, thông hai bên đường rào rạt. Càng vào sâu, càng hoang vắng, tĩnh lặng. Đâu cũng thế, trên trái đất này, cõi âm bao giờ cũng hoang vắng, tĩnh lặng, bình yên.

Về Việt Nam ai cũng phải đi thăm người chết.

Ở Mỹ bao nhiêu năm tôi chỉ bước chân vào nghĩa địa vài lần. Tôi nói.

Trinh im lặng, mắt dõi tìm mộ.

Mỹ hay Việt, ai cũng có chung niềm khát vọng. Không thích khổ, chỉ thích sướng. Đấy là mục tiêu của đời sống.

Tôi nói, chân bám sát chân Trinh. Mắt Trinh vẫn dõi tìm mộ.

Lịch sử nhân loại càng dài, khổ đau càng chồng chất, mộ chôn càng nhiều, riết rồi chẳng có đất cho người sống.

Tôi nói, chân vẫn bám sát chân Trinh.

Mộ ở Mỹ bằng phẳng như bận đồng phục, mộ Việt Nam nhấp nhô to nhỏ như nhà tranh, nhà ngói, lâu đài.

Trinh có nghe tôi lẩm bẩm như con mẹ khùng không? Tôi chẳng biết, chẳng cần. Hai cái bóng cụt ngủn đứng ngọ, giữa trưa. Hai cái bóng chẳng thể nhập làm một. Tôi nhìn bóng cụt của Trinh, thầm nghĩ, chắc phải lâu lắm Trinh mới vào lại nơi này.

Người tôi bắt đầu vã mồ hôi. Nắng châm chích trên da lưng.

Trở lui, trở ra, đi vào, đi loanh quanh... Nghĩa trang mịt mùng, bạt ngàn. Con số người chết chắc chẳng thua con số người đang sống. Trên sườn núi lác đác mộ bia mới. Hai ống chân tôi cỏ may bám trắng. Chẳng nhớ mộ nằm ở đâu à? Tôi bắt đầu mất kiên nhẫn. Trinh dừng, mắt quét bốn phía. A, đây rồi, chỉ vài bước... Tôi chợt lắc đầu, không hiểu, quá nhiều điều không hiểu.

Hai ngôi mộ nằm chẳng xa nhau. Cỏ dại bao phủ. Nhìn khuôn mặt cậu thanh niên non như quả bí đầu mùa. Hai má phúng phí, bất chợt tôi nghĩ, anh đã gần đàn bà chưa nhỉ?

Anh Tịnh chết oan nên thỉnh thoảng cứ về nhập vào người thằng Út. Nó nhại y chang giọng anh. Trinh nói.

Tôi im lặng nghĩ, trên đất nước này người sống và người chết bao giờ chẳng níu ghì lấy nhau.

Trinh và tôi đi quanh mộ. Nhổ cỏ dại, biết bao giờ mới hết, mới sạch. Mộ nào cũng như mộ hoang, dân tứ xứ thì người chết cũng chung số phận, thiếu vắng nhang khói. Người sống còn lo họ chưa xong, sao có khả năng lo cho người khuất mặt. Những chậu hoa nhựa bạc màu úp mặt trên đất.

Bãi tha-ma-ngút-ngàn-mênh-mông-lung-linh trong nắng trưa.

Nắng chói chang. Xứ sở không bao giờ thiếu nắng.

Ra mộ là phải mang theo nhang khói phải không? Tôi hỏi.

Ồ em quên mất. Trinh trả lời.

Thế thì suốt ngày Trinh nghĩ gì trong đầu. Trinh không nhớ, làm sao tôi nhớ. Bánh trái, hoa quả, cúng vái, nhang đèn, bày biện.... Tôi muốn hỏi, vì sao, nhưng nhìn sang Trinh đang ngồi cong lưng bứt cỏ dại. Trinh đang nghĩ gì trong đầu? Tôi tự hỏi. Ồ, mà biết đâu hắn chẳng nghĩ gì. Tôi tự trả lời.

Cả hai đi lại ngồi dưới gốc cây thông. Tôi phải gỡ hết những cọng cỏ may bám vào gấu quần, đâm xuyên thấu qua da.

Câu chuyện kể lại:

1. Đi nghĩa vụ ở Campuchia.

Sao Trinh không trốn?

Trốn không được. Đến tuổi phải đi. Nghĩa vụ của người dân. Bạn em đứa nào cũng phải đi, lúc đó đã làm gì có chuyện đút lót. Mà cũng chẳng ai có tiền.

Đánh nhau ghê lắm nhỉ?

Khỏi phải nói. Kinh khiếp lắm. Mỗi lần đụng trận là người bị chết, bị thương rãi ra như ra. Có thằng nói chưa xong câu đã ngủm.

Trinh sợ không?

Sợ khiếp đi chứ!

.....

Tụi Khờ Me Đỏ ghê lắm, ác lắm. Tụi nó chạy nhanh như mũi tên phóng.

.....

Người Cam Bốt hận thù người Việt đến tận xương tủy. Bắt sống được người Việt nào là họ chỉ muốn đập vào đầu cho chết, đỡ phí một viên đạn. Họ hay nói ‘cáp duồn,’ chặt đầu người Việt, trả thù chuyện ngày trước cha ông mình chặt đầu tướng lãnh họ, đặt ba góc, làm lò đun trà.

.....

Nhớ nhà dễ sợ. Không biết khi nào mới về được, chẳng có ngày nghỉ, ngày phép gì ráo. Lắm lúc vừa buồn vừa tức vừa tủi thân. Đất nước thống nhất rồi mà mình còn phải bị đi lính. Hồi đó em có thằng bạn thân tên Nghĩa. Nó cứ nói, ngày trước bố tao đi bộ đội, bố mày đi quân đội. Giờ đây tao với mày đi nghĩa vụ quốc tế, ngày sau con cái tụi mình chắc đi đánh người hành tinh quá.

.....

Tiếng súng ầm ầm trên đầu, đất rung rền dưới chân, tiếng la hét, cây ngã, người ngã, em ngã... ngất đi, tỉnh dậy thấy mình nằm trong bệnh xá.

Tờ giấy ghi tên tuổi em, đặt trên bụng, gió thổi bay, có người đi nhặt lại bỏ đúng trên bụng em. Kể ra cũng còn may chứ người ta bỏ lộn người khác là thường.

Kinh khiếp nhất là lúc khâu mặt. Họ chẳng tiêm thuốc tê. Cứ thế mà cắt, kéo, khâu, vá, xiết, bỏ... Em đau ngất người, nghe được cả tiếng cắt da, kéo da, khâu da, lột da.

.....

Khát nước lắm chị ạ!

.....

Đau khủng khiếp. Đau lắm. Nói ra không ai hiểu được đâu, chị cũng không thể hiểu được đâu.

Sau đó vài ngày thì rất tủi thân vì chẳng có ai ruột thịt quanh mình.

2. Đi núi.

Bên kia núi là gì Trinh nhỉ?

Những năm bố còn sống em thường đi núi. Mỗi chuyến đi kéo dài có khi cả tháng, cùng vài người có chung giấc mộng làm giàu. Đôi khi em cũng tự hỏi, nhưng khác chị, là bên kia núi có gì?

Những tảng đá tím trong, đục mời gọi. Giấc mộng triệu phú, nếu gặp may, trúng được mánh. Những tảng đá đã chôn sập biết bao đàn bà, đàn ông, già trẻ ở cái đất Dục Mỹ này chị biết không? Chẳng chết vì súng đạn, mà chết vì giấc mơ làm giàu.

Chỉ vì vài người trong xóm khuân về mấy tảng đá bán cho người Đài Loan, họ mang về nước đúc tượng, lọ, bình bán cho triệu phú.

Em ở nhà chẳng biết làm gì, đi vô đi ra nghe bố say sưa chửi rủa, mẹ váng vất như cái bóng, thằng Út vừa què vừa câm. Trong xóm vài người bắt đầu gọi em là thằng ... té giếng.

Em đào đất, khuân đá. Trời sáng thì biết là ngày, trời tối thì biết là đêm, cứ đi, đi miết, khi nào hết gạo thì về.

Có những lúc băng qua đồi, suối, sông, lạch, phạt bao nhiêu cây lá, cỏ dại tưởng tượng mình là người khai hoang cũng kỳ thú, hồi hộp nữa. Lâu lâu thấy hoa rừng nở cũng đẹp, cảnh hùng vĩ cũng thích, trái cây lạ ăn cũng ngon. Chỉ sợ thú dữ rắn rít, với lại đất sụp.

Ở cái xứ Dục Mỹ này thì có công việc gì làm đâu. Tiền anh Đức lúc đó gửi về chỉ đủ để nuôi con sâu rượu của bố, thuốc thang cho mẹ, và mấy miếng ăn, giữ cái nóc nhà không đổ là may lắm rồi. Thân em, em lo, em leo núi, em đào đá, em phiêu lưu, em tự chọn, em đeo đuổi giấc mơ làm giàu như mọi người tỉnh táo quanh em. Khổ chứ, khổ lắm, khổ như chó. Nhưng nghĩa lý gì so với mấy năm đi nghĩa vụ quân sự.

Tôi đứng dậy, phủi đít quần, nhìn thẳng vào mặt Trinh, tìm nét “đẹp trai nhất nhà” của mẹ. Tôi tìm thấy nét hiền lành, nhẫn nhục trong đó.

Giấc mơ, tự nó chẳng tội tình gì, chẳng oan nghiệt gì. Tôi nói.

 

 

32

 

Tôi ôm chặt người Trinh, hai bầu vú áp sát lưng Trinh. Cho Trinh đỡ sợ và tôi không bị ngã. Một thoáng giây vụt hiện đến, tôi biết, biết mình không nên làm như thế.

Ở Việt Nam, nhiều điều không nên làm như thế.

Ở Việt Nam, tại sao lại làm như thế.

Ở Việt Nam, không dự định, không sắp đặt, không biết trước. Bước chân kế có thể rơi lọt xuống hố sâu.

Giờ thì tôi biết tôi đang ôm sát người Trinh. Trên đường từ nghĩa địa về nhà. Nghĩa địa nơi có bố chồng, anh chồng đã rục xương rã thịt. Con dâu, em dâu sao chẳng thắp cho một nén hương, khấn vái trò chuyện thủ thỉ đôi ba câu?

Mặt trời hung dữ. Đầu tôi nhức buốt. Tôi nhắm nghiền mắt, áp mặt vào vai Trinh. Tôi cần chỗ tựa, nhưng sao...

Tai tôi vẫn vểnh như tai chó.

Mũi tôi vẫn thính như mũi chó.

.....

Quán ăn Mễ nằm cuối đường số Hai, giữa lòng phố. Nhạc guitar rộn ràng, sôi nổi. Soft taco ở đấy rất ngon. Hầu như mỗi tuần Đức và tôi đều ghé lại. Những cái bàn lát gạch bông, sắp xếp những hình thù khác biệt, màu sắc tươi vui. Chai ớt tương đỏ cay xé lưỡi, in hình người đàn ông đội mũ rộng vành, râu mép dày đen, xương cằm bạnh, đôi mắt u uẩn, nhưng nghiêm khắc.

 

 

33

 

Buổi chiều xuống dần. Một ngày nữa lại trừ đi trong cuộc sống này, ở trần gian này.

Tôi nằm đây, ngửa mặt đếm từng con thằn lằn, cả thẩy bẩy con. Chúng bám chặt vách. Một con cuộn đuôi ở góc, nó là đực hay cái, có nghĩ ngợi gì không?

Con người, xã hội được cấu tạo thành hình bởi tôn ti trật tự lớp lang. Có trước có sau. Hình tròn của tổ ong. Sự di chuyển thẳng hàng của bầy kiến. Cái bánh cưới nhiều tầng. Tầng dưới bao giờ cũng to hơn từng trên. Xây cái nhà phải có đủ vật liệu. vừa lọt ra khỏi bụng mẹ, là gia đình, ra ngoài vài bước nữa, là cô thầy, bạn bè, hàng xóm, đi xa thêm đoạn nữa, là ấp trưởng, xã trưởng, rộng chân hơn nữa, thì quận trưởng, tỉnh trưởng, và cuối cùng là tổng thống, chủ tịch muôn năm!

Tôi làm một chuyến hành trình bay xa, tận mãi bên kia nửa quả địa cầu.

Trời ơi tôi thèm đạp một cái gì đó. Đạp cho nó ngã nhào, lộn tung như xốc đĩa. Đạp phăng bức tường chắn ngang, hàng rào dựng đứng. Xé toạc tấm màn nhung, màn sắt, màn tre, màn lụa, màn sương mỏng, màng trinh tiết.

Những gì mẹ tôi để lại cho tôi. Trường học dạy tôi. Sách vở đổ vào đầu tôi. Xã hội uốn nắn tôi. Về tới đây, đứng trước người đàn bà không đầu. Khuôn mặt thương tích. Bị thịt lắc lư vô dụng. Tất cả trong tôi bỗng trở thành con số không to tướng. Rỗng ruột.

Tôi phải sống ra sao? Cư xử ra sao? Đối phó ra sao?

.....

Lilian, con bạn chơi thân từ năm lớp chín. Nó sinh ở Lào, đang sống ở San Francisco trong studio sàn gỗ cũ mòn, cửa sổ rộng, cầu thang cao sâu hun hút. Bố mẹ còn sống trờ ra đó mà cũng như không. Nó bị bố mẹ không chấp nhận, hết muốn nhìn mặt, chỉ vì nó yêu người cùng phái. Nó vùng vẫy vẽ tranh. Miệng bao giờ cũng gào lên khi gặp tôi.

Nếu mày là da vàng, lesbian, lại vẽ tranh, để len vào có chỗ đứng, có tên tuổi trong xã hội Mỹ này khó hơn trúng số độc đắc, thậm chí trời đánh còn dễ bị hơn.

Tôi nghe, nghĩ nó nói hơi quá, thiếu tự tin, lại có tính hơi sốt ruột.

Thì mày cứ vẽ, cứ sống, cứ yêu, cứ chờ đợi, cứ nghĩ là mình đang được làm cái điều mình ưa thích. Còn lại phó thác cho tài năng, và may mắn.

Lúc mày mở miệng là mắt mày nhắm. Phải thấy người cụt chân mới bớt than là sao mình không có giày.

Tôi lặp lại lời của bà ngoại.

Tôi nói, nó cũng nói. Tôi nói to, nó nói to hơn. Lilian đã phá vỡ, dám sống, còn tôi sao đang nằm nơi đây, lại nghĩ đến nó trong giờ phút này.

 

 

34

 

Trời lại đổ mưa. Mưa rào, nặng hạt. Tôi nghĩ tới con hẻm hẹp, nhầy nhụa, đất bùn trồi lên ở từng khoé chân trần, gót nứt nẻ, bóng người lầm lũi đội mưa, đi trong đêm.

Hun hút. Màu hoang tưởng.

Bóng tối xuyên thủng mọi sự vật.

Hơi mát phủ trùm bó hoa nhựa phai màu, úp mặt trên nấm mộ.

Sự mềm mại của làn da rắn chế biến thành những cái sắc tay.

.....

Giấc ngủ vẫn chưa tơí.

Nhấc người nhìn đồng hồ. Đã nửa đêm.

Tiếng nạng gõ lóc cóc ngoài sân. Thằng Út đã về.

Khi chiều, sau giờ cơm, nó ngồi im lìm ở cái ghế gỗ ngoài sân. Tôi lại gần, ngồi cạnh. Nó hút thuốc liên miên. Tôi hỏi em đi đâu cả ngày chị không gặp. Nó nhìn tôi, miệng cười mà mắt không cười. Em đến nhà người bạn. Làm gì bên ấy? Chơi. Ừ thì chơi. Tôi về đây, sao nó chẳng xuýt xoa thăm hỏi, bình thường, như muôn nghìn gia đình có Việt kiều. Nó chẳng hỏi, chẳng thưa, chẳng rằng. Đúng ra giờ này em ra ngoài ngõ coi phim bộ, nhưng có chị về nên em không đi. Nó nói thêm. Sợi dây kéo gần khảng cách chị dâu em chồng một chút. Ngồi hơn một tiếng trao đổi không quá mười câu, mà thiện chí hoàn toàn do tôi.

Lại thêm một trận mưa rào. Mưa chảy ào ào dọc theo máng xối. Âm thanh vỡ òa. Tiếng chó tru một hơi dài. Tôi thiếp đi...

Không biết bao lâu... Thời gian.

Có cái bóng ai đó đang đứng đầu giường. Cái bóng vuốt ve mái tóc chẩy dài của tôi. Đêm im lắng. Sâu thẳm. Người đàn bà cụt đầu? Không phải. Không thể nhẹ nhàng và run rẩy như thế. Bàn tay của ai? là ma hay qủy? Tôi đang mê hay tỉnh? Mặt tôi giáp vách. Tay trái tôi duỗi xuôi theo thân hình. Bấu mạnh vào da, có cảm giác. Cảm giác truyền nhanh đến trí óc. Mùi đàn ông. Mùi đất-đá-khói-súng-máu-lửa. Bàn tay đói tình. Bàn tay của Trinh.

Tôi nằm yên như thế. Chắc nịch và chính xác.

Bàn tay vuốt ve. Ôi! rất đỗi mềm mại.

.....

Cái mùng khẽ lay động.

Ai đã bỏ cục đá lạnh vào lò nướng? mà đá vẫn còn nguyên.

Bàn tay vuốt ve mái tóc, chạm khẽ vai trần. Im lặng, nín thở, tích-tắc-tích-tắc-tích-tắc.

Tôi chờ đợi một tiếng rú, tiếng thét, tiếng nổ, tiếng gào.

Bàn tay khẽ vuốt mạnh. Cái vuốt mạnh bất thường làm chân phải tôi co giật. Bàn tay rút nhanh. Cái lò xo bật tung. Cái bóng phóng nhanh.

Tôi mở mắt. Bóng phóng là Trinh.

 

 

35

 

Tôi nằm yên như thế. Người tê đi.

Ý niệm về thời gian, mất hút. Không gian trắng xóa. Bảy tuổi, ngồi nhìn bờ biển, không thể mường tượng ra đâu là chân trời và đâu là bể khơi.

Màu đêm, sao nơi nào cũng giống nhau. Trên địa cầu, trong vũ trụ. Nó không ngôn từ, không lý giải, không luận cứ, không hình thể. Hàng tỉ năm trước nối liền hàng tỉ năm sau, và ngay trong tích tắc này.

Mưa đã tạnh, mùi hoa sứ thoảng thơm ngoài khung cửa sổ.

.....

Tiếng heo gào thét. Ba giờ sáng. Giờ giết heo. Thọc cổ heo. Lấy huyết heo. Ác mộng ùa tới như núi lửa, phún thạch trào tràn.

Người tôi bật run. Cơn sốt tuôn tủa toàn bộ giây thần kinh. Mồ hôi đặc như máu rịn kín từng lỗ chân lông.

Tiếng con heo khác lại gào-thét-van-xin. Tôi gắng sức ngồi dậy. Vẫn gào thét-van-xin. Bịt kín hai tai. Âm thanh nước chẩy trong người tôi trào ra. Tiếng heo im bặt. Tôi gập người. Tiếng heo lại gào-thét-van-xin. Tôi bật cong người. Tiếng heo thở hắt. Tôi buông xuôi.

 

(còn tiếp)

 

Đã đăng:

XỨ NẮNG [chương 1-5]

XỨ NẮNG [chương 6-10]

XỨ NẮNG [chương 11-15]

XỨ NẮNG [chương 16-20]

XỨ NẮNG [chương 21-25]

XỨ NẮNG [chương 26-30]

 

____________________________________________
Lê Thị Thấm Vân, Xứ Nắng (California: Anh Thư, 2000)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021