thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
XỨ NẮNG [chương 56-60]

 

56

 

Không hiểu sao tôi lại gật đầu nhận lời đi cùng Trinh ra nơi chốn vắng vẻ này? Con người, thú vật, xe cộ, tiếng động ồn ào bỏ dần sau lưng. Càng tiến sâu vào trong vách núi, bước chân người càng thưa thớt dần. Tiếng nước chẩy róc rách. Vài người ngồi giặt quần áo, Kinh lẫn Thượng, như màu đá thẫm giữa màu đá nhạt. Cả hai tiến vào sâu hơn, đá cát, cỏ khô lạo xạo dưới chân.

Em quên không mang theo quả trứng, có chỗ nước nóng có thể luộc chín được.

Trinh không biết tôi là đứa rất ghét trứng, lại là trứng luộc.

Càng vào sâu tôi càng tự hỏi. Sao mình đi cùng Trinh vào nới đây?

Cây cối thổi ra gió, khói bốc từ những hốc nước. Lá khô, gió khô, cả nắng khô khốc đổ túa lên cả người tôi. Dừng, thở dốc, tôi chẳng cần phải đi tìm cái ‘sức nóng.’ Nắng đang quấn chặt người tôi. Tôi bỗng mệt nhoài, cảm giác như thân cây vừa bị đốn ngã. Nằm bệt xuống đất. Trời chao lượn trên cao, mặt trời rực máu.

Tia mắt Trinh quét trọn người tôi, từ sợi tóc đứt ngắn chĩa trên đỉnh đầu đến gót chân dính toàn bụi cát. Quét một lượt, rồi dừng lại nơi chốn phải dừng ‘suối khe, gò bồng đảo.’ Miếng táo Adam trồi trục trơn trợt như viên chè trôi nước. Tôi chợt phì cười, thấy mình vô duyên tệ.

Nhạy cảm, mày là đứa quá nhạy cảm. Phải, đã nhiều lần giúp tôi bay cao, như chim, mở toang cánh cửa thiên đường, ngụp lặn trong bể hạnh phúc tuyệt đỉnh. Đồng thời, cũng đạp xô tôi xuống tận đáy đen địa ngục, đớn đau, tủi nhục, ê chề biết bao.

Hai mắt Trinh vẫn liếm dọc, ngang trên người tôi. Mỗi cái quét mắt là một vết cứa. Bốn bề vắng lặng, chỉ gió, đất đá, cây cối, sức nóng và tiếng nước róc rách. Tôi nghĩ đến mảnh da vá chằng chịt nhàu nát khâu vội. Trả thù cho sự bất công. Ừ, cứ đè đại xuống. Hất tung. Bất chấp. Phá hủy. Đòi hỏi giữa người và người.

Tưởng tượng, mày là đứa giàu tưởng tượng. Một cái gì đó đâm phập vào cửa mình tôi, hốt hoảng, hả dạ, cười, bặm chặt môi, mắt long lên, trợn ngược, chỉ toàn màu đờm. Mẹ kiếp. Fuck you! thì đã sao. So what? Đã chứ, đụ má nó, cuộc đời. Bình đẳng nằm ở đâu? chỉ toàn nghiệp chướng. Tại sao phải là thằng Trinh này, kẻ bị trừng phạt. Tại sao? Đụ má, kệ, tới đâu tới, ha ha, ha ha... Thân xác và đầu óc. Một chấm đen li ti, u mê và tỉnh táo. Hạt bụi nổi bật trên tấm giấy trắng phau học trò. Màu trắng vô nghĩa. Quỷ ma rình rập. Khổ đau là thật. Chắc chắn như chết. Hấp dẫn như phá hủy. Chiến tranh, ừ phải, trong chiến tranh: từ bi, tình yêu, tha thứ là xa xỉ phẩm.

Vấn đề là hoàn cảnh, cơ hội, thuận tiện, có dịp.

... sự có dịp của một đời người đang xảy ra ngay trong khoảnh khắc này, tại nơi đây.

Sự trả thù đời.

Sợ hãi làm bụng tôi trương cứng như đàn bà chửa. Mùi mồ hôi từ nách bốc ra, gần-gũi-ấm-êm-dỗ-dành-trìu-mến.

Nếu hắn đè mình ra ngay lúc này, tại nơi đây? Dám lắm, tại sao không? Mắt hắn vẫn như mặt chổi quét lia lịa trên người tôi. Đôi mắt đắc chí của gã thợ săn dốt nát, mới đi rừng ngày đầu, nhưng vận may, gặp con mồi béo bở. Tay hắn cầm cọng cỏ khô, vuốt qua vuốt lại trong lòng bàn tay, như liếc dao sẵn sàng cắt cổ vịt.

Yên lặng và bóng tối, đầu con rắn hổ mang không nhúc nhích di động, nhưng hai mắt chòng chọc vào bị thịt. Bị thịt là tôi, chỉ cần tiếng động khẽ, nhích nhẹ, mỏ rắn mỗ ngay tròng mắt, tôi.

.....

Tôi bật dậy, nóc hòm bật tung. Đi, đi về...

Trinh vất nhanh cọng cỏ khô.

Chị nằm nghỉ một lát cho đỡ mệt, mình chưa vào trong coi...

Tôi mệt quá! Đi về.

Tôi nói nhanh, mê man trong từng bước chân vội vã, vươn dài.

Bước chân Trinh cũng vội vã, vươn dài.

Trời lóa nắng, chói chang, khô khốc. Xứ sở chẳng bao giờ thiếu nắng. Tôi thấy bóng người đàn bà đứng sẵn ngoài cổng ngóng chờ tôi.

Tôi ngã người vào lòng bà, chạm phải trái tim ấm nồng, mềm mại. Mẹ, tôi gọi.

Cái đầu bà đã mọc. Nhưng mọc ngược.

 

 

57

 

Không thể, không nên đem suy nghĩ đời mình ra xét đời trước. Cũng như, đời sau nghĩ sao, sống sao là chuyện của họ. Thời tiền sử nhe răng xé thịt sống. Thời mình ăn rau đậu, trái cây, tránh thịt như tránh bệnh tật.

Về lại chốn này, tựa cuốn phim quay chậm. Đoạn còn đoạn xóa sạch. Đi qua vùng đất, giẫm chân lên dấu chân cha ông đã hằn in trên đoạn đường Nam tiến, trong cảnh chiều tà, những tháp Chàm, di tích một thời hiển hách, uy nghi nay rớt rơi, sót lại. Đêm ở Huế, tôi bận quần cụt, áo ngắn tay, ngồi cùng vài người khách phương tây chơi trò thả đèn xuống dọc dòng Hương giang. Trời đêm, nước sông óng ánh đen tuyền như màu quần sa tanh của người đàn bà ngồi tựa mạn thuyền ca bài Nam Bình. Chân, tay, miệng, mắt, giọng... trôi theo cung đàn nhịp phách.

Nước non ngàn dặm ra đi, mối tình chi

Mượn màu son phấn, đền nợ Ô Ly

.....

Tình đem mà cân

Đắng cay trăm phần.

Chị tôi ngày chưa lấy chồng, hay ngân nga dỗ dành, vuốt ve tự ái sau những mối tình gẫy đổ qua đướng, không như mối tình làm nên lịch sử của Huyền Trân công chúa bảy trăm năm trước.

Cũng không bằng... thương nhớ người

mới hay tình nhẹ như... tơ

Chữ tơ chị kéo dài, thật dài.

Còn bé, hay tin điều người lớn truyền dạy, “thằng Mán, thằng Mường. Vàng chì lẫn lộn. Lũ Hời...” Lớn lên, nhận thức ra rằng, tiền nhân ta kiêu ngạo quá lố, tự tôn quá đáng. Chiêm Thành xứ sở thời đó văn hóa cao, đồng thời không kém phần lãng mạn, tự chọn bông hoa sắc trắng, có mùi hương đặc biệt đặt tên cho xứ sở mình. Chiêm Thành đã thuộc về tiền kiếp, và tháp Chàm giờ đây, tựa như nghĩa trang tích tụ, ẩn náu cho những oan hồn bay bổng trong không gian. Mỗi viên gạch là một linh hồn. Áp sát tai, nghe tiếng thì thầm rên rỉ ru hời. Gió hú từng cơn trên đỉnh tháp, âm khí lạnh lẽo, mây đen đùn về tứ phương. Tháp phơi sương sớm, nắng gắt, mưa rào, trăng chiếu sáng trôi hằng bao thế kỷ.

Ngày trước, vua cha mộ đạo Phật như Trần Nhân Tông cũng cậy nhờ con gái để bành trướng lãnh thổ, mở mang bờ cõi.

Ngày nay, phụ nữ Việt Nam tự chọn đàn ông ngoại quốc làm chồng. Đủ mọi giống dân, màu da, ngôn ngữ.

Lịch sử văn minh nhân loại, đàn bà quả là khai phóng, khai hóa, dám phá bỏ biên cương, lãnh thổ, nhấc chân ra khỏi lũy tre làng. Đàn ông luôn cố giữ gìn, duy trì sợ mất giống, mất gốc, sợ bị đồng hóa. Bằng mọi cách, phải kiếm cho được thằng con trai để giữ cái họ, dù rằng, trong quá khứ, cái họ, đã nhiều lần bị đổi.

Mối bi kịch của đất Chiêm Thành.

Sự thất tín của người Việt Nam.

Dù sao, công chúa Huyền Trân không bị tuẫn táng trên hỏa đàn, mà được cùng người tình Trần Khắc Chung lênh đêm trên sóng nước hơn một năm, thời gian dài hơn làm bà hoàng hậu xứ Chàm với mỹ hiệu Parameshvari, Nữ Thần Tối Thượng.

 

 

58

 

Thập niên 60, những người nồng nhiệt tham gia chống chiến tranh Việt Nam. Thắp nến đi vòng quanh trong sân trường, dưới lòng bàn chân là thảm cỏ mướt mịn, miệng gào to, “make love, not war!” Họ là thành phần phản chiến, thân cộng, ủng hộ Hà Nội. Mary McCarthy, Susan Sontag, Joan Baez, Jane Fonda... cùng hàng vạn người khác. Gờ đây, xong việc, trang sử đã lật, họ cũng như hàng vạn người khác trôi theo tuần hành sinh lão bệnh tử. Jane Fonda qua tay ba đời chồng. Mary McCarthy đã chết. Susan Sontag trải qua cơn bệnh ung thư ngực. Joan Baez giải nghệ. Và còn ai nữa? Đất nước Mỹ vẫn giàu, vẫn mạnh, vẫn quyền lực. Những công ti to nhỏ giờ đây đi bằng máy bay vào thẳng phi trường Nội Bài, thay vì đổ bộ vào hải cảng Cam Ranh. Peterson thời chiến là tù binh Hòa Lò. Thời bình là đại sứ thong dong đạp xe đạp quanh 36 phố phường Hà Nội, được quan quyền kính cẩn bẩm thưa.

Một chị bạn tôi quen biết, có người xúi chị ra CD vì nghe giọng chị hát karaoke... hay. Chị bỏ việc làm, dốc hết tiền để dành ra cho được đĩa nhạc. Sau một năm, đĩa bán chẳng ai mua, không ai nhắc nhở, người xúi chị ra CD cũng chẳng nhớ đã từng khen, chị trắng tay, đắng cay trở về nghề cũ, ca sĩ một sớm một chiều trở thành giấc mộng. Hát karaoke chơi chơi cho vui khác nghề ca sĩ thực thụ. Một anh bạn khác, rủ bạn bè đến nhà ăn, được bạn bè khen món phở anh nấu ngon, đồng thanh đồng lòng xúi anh, mày nên mở tiệm, ngon đứt thiên hạ. Thế là anh dốc hết tiền để dành, cầm nhà mượn nợ trên trăm ngàn, quyết chí mở tiệm. Những người bạn ngày trước đồng lòng khen chỉ tới ngày đầu khai trương ăn free, sau đó quên tuốt, chẳng còn ai nhớ. Phở nhà nấu khác phở tiệm. Cái giá phải trả cho những lời khen phù phiếm là mất toi trên trăm ngàn đô, lại còn bị vợ li dị. Thiên hạ khen rồi chẳng nhớ. Họ về nhà sống đời họ. Hai người tôi quen biết sống vì lời khen của thiên hạ, chẳng phải vì ý thích riêng của mình.

Việt Nam trả giá cho trò chơi trí thức của vài người nghĩ ra, luôn áp dụng mọi chủ nghĩa, chủ thuyết một cách sốt sắng, kỹ càng, tới nơi tới chốn. Chủ nghĩa Cộng Sản, hậu quả giờ là một trong những nước nghèo dốt nhất. Thủ tướng nước ta là chuyên viên đi xin tiền và khất nợ.

Không phải lúc nào cũng cả tin như chiếc áo tơi, mưa gió tạt hướng nào ta che hướng đó. Không phải đơn giản như lời Trinh nói ban trưa, em bắt chước mẹ, nóng trong người thì nấu canh rau má ăn cho giải nhiệt, mà lạnh trong người thì ngậm gừng cho ấm bụng.

Áo tơi mưa, rau má hay gừng thì kiếp này,

Mặt Trinh rách vẫn là rách

Mẹ mất trí

Và thằng Út không thể chạy được.

 

 

59

 

Tôi gọi điện thoại nhắn chị Hạnh, anh Sơn, về Dục Mỹ gấp.

Tôi quyết định rời Dục Mỹ sớm hơn hai ngày.

Phá hủy ước lệ, bẻ sập hàng rào. Phiêu lưu, mạo hiểm, thí nghiệm, khám phá để đón nhận nguy hiểm, bất trắc.

Nhưng ngu xuẩn không phải bao giờ cũng có lý do để biện hộ, bào chữa, mà là sự thật.

Tôi còn Đức, còn đứa con trong dự tính. Căn nhà với mái ngói nâu non, những chồng CD xếp hoài không bao giờ gọn, hàng rào có hoa tím leo, mỗi năm nở hai mùa.

Khôn ngoan, tỉnh táo, sáng suốt, sử dụng cái đầu. Tôi nói với tôi, ôm xiết vai mình.

Chiều sâu của lý trí – Chiều sâu của tình cảm.

Và sức mạnh của bản năng.

.....

Tôi phải chuẩn bị, một ngày, Alyssa nếu muốn, con tôi nếu có. Chúng hỏi tôi phía bên nội, tìm về gốc gác, cội nguồn. Tôi sẽ dẫn chúng về đây, kể cho chúng nghe, tựa câu chuyện cổ tích dân gian, huyền thoại hoang đường. Ngày xửa ngày xưa... bà nội một ngày quyết định trở thành người mất trí để khỏi phải tiếp tục hứng chịu mọi oan khiên nghiệt ngã. Đừng tưởng rằng, người đàn bà chân quê, sức chịu đựng là vô biên, không đáy. Bà nội cũng là người, đừng phong bà làm thánh sống.

 

 

60

 

Đêm cuối cùng, mưa không rả rích, không làm đất mục rã.

Và giấc mơ.

Trong giấc mơ, cuộc đời là đẹp. Tôi sống như hằng mong muốn, ước ao. Tôi lăn giữa con người.

Tôi ngồi cạnh Trinh trên ngọn đồi cỏ mượt màu ngọc bích. Gió thổi nhạc, hoa dã quỳ vàng rực nỗi hân hoan bất tận. Những người tôi quen biết đều mang màu da dưới ánh lửa bập bùng.

Trong giấc mơ, cuộc đời là đẹp. Người đàn bà không đầu là cô giáo dạy tôi năm lớp bốn, thương quý vô ngần. Mắt cô trong vắt, lông mi rậm rạp, môi luôn mỉm cười, dáng người đẫy đà, mềm mại, nhân ái, màu da dưới ánh lửa bập bùng.

Trong giấc mơ, cuộc đời là đẹp. Người đàn bà mất dấu, phía trước mặt là con đường rộng mở. Mặt đất lót đá men xanh. Từng bước chân bà chắc nịch, bám sát mặt đường, mặt ngước ngửa, không gian mở ra theo từng bước chân

.....

Tôi thức dậy. Đối diện là cái trần nhà. Bên phải bên trái là khoảng không, bất tận.

Thức dậy, cuộc đời là trách nhiệm, bổn phận.

Tôi nghĩ đến câu chuyện đọc trên báo Tuổi Trẻ. Nhà báo hỏi cụ già chín mươi chín năm sống trên đời, trải qua cuộc chiến chống Pháp, Nhật, Mỹ, Nam-Bắc phân tranh. Sắp từ giã cõi đời, điều gì nặng nề nhất đối với cụ?

Tước bỏ huy chương, tước bỏ sứ mạng, tước bỏ anh hùng.

Cụ trả lời.

Chín mươi chín năm làm người Việt Nam. Giờ phút lìa đời, tự tột trần huy chương trước ngực, nơi kề cận con tim nhất, không thể bảo là không thật, dù là lời nói thành hình trong vô thức hay ý thức.

 

(còn tiếp)

 

Đã đăng:

XỨ NẮNG [chương 1-5]

XỨ NẮNG [chương 6-10]

XỨ NẮNG [chương 11-15]

XỨ NẮNG [chương 16-20]

XỨ NẮNG [chương 21-25]

XỨ NẮNG [chương 26-30]

XỨ NẮNG [chương 31-35]

XỨ NẮNG [chương 36-40]

XỨ NẮNG [chương 41-45]

XỨ NẮNG [chương 46-50]

XỨ NẮNG [chương 51-55]

 

____________________________________________
Lê Thị Thấm Vân, Xứ Nắng (California: Anh Thư, 2000)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021