thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỞ RỘNG PHẠM VI ĐẤU TRANH [trích]
Nguyễn Đăng Thường dịch từ nguyên bản tiếng Pháp.

 

Lời người dịch:
Người kể chuyện vô danh kiêm nhân vật chính của cuốn truyện dày 160 trang này là một chuyên viên điện toán đã mất tin tưởng, không hài lòng với cuộc đời và xã hội mà anh càng ngày càng cảm thấy xa lạ. Sau khi bị người yêu bỏ, anh sống vất vưởng hai năm không tình dục, lạnh lùng nghiên cứu các đồng nghiệp và đồng loại như một nhà côn trùng học để tìm một giải pháp cho sự phi lý của tất cả. Extension du domaine de la lutte (1994), cuốn truyện đầu tiên của Michel Houellebecq, là bản cáo trạng không nhân nhượng trước chủ nghĩa cá nhân điên cuồng, thị trường tự do, và tình dục thả cửa từ thập niên 60 đến nay.
    Cánh tả thích thú vì coi nó như là sự đả kích nếp sống tư bản tiêu thụ. Cánh hữu thì coi nó như là sự chống đối cuộc giải phóng tình dục. Nhân vật chính thường ói mửa, một cái nháy mắt khôi hài đen về thái độ buồn nôn của Sartre, một tác giả mà Houellebecq khinh miệt. Tỉnh lẻ, nhà tro đìu hiu, phòng khách sạn trơ trụi, nghề nghiệp nhỏ bé, đồng lương vừa phải, bạn bè ít, thân nhân không nhiều, một đêm Giáng Sinh buồn bã, một dự tính trả thù không thành công với một thẳng bạn còn trinh bị ám ảnh về tình dục, rồi cái chết tức tưởi trên xa lộ trong đêm Chúa ra đời của Tisserand, thằng bạn, đưa nhân vật chính đến một cơn động tim nhẹ và một cuộc khủng hoảng phải vào điều trị trong bệnh viện tâm thần.
    Vài năm trước, khi đọc xong Extension du domaine de la lutte, cuốn truyện đầu tiên của Michel Houellebecq, tôi thích nên dịch chơi vài đoạn rồi quên luôn. Thích, vì nó khiến tôi nghĩ tới cuốn truyện đầu tiên của Camus. Ít lâu sau, một nhà điểm sách người Anh cũng nghĩ Mở rộng phạm vi đấu tranh ...Người xa lạ đã được Kafka viết lại. Một nhà phê bình khác thì nghĩ nó là cuốn Người xa lạ của thế hệ truyền thông đại chúng. Cuốn truyện nói thẳng nói thật này, bất kể chính trị nghiêm túc, đã được đạo diễn Philippe Harel đưa lên mạc bàn và vào vai chính trong năm 1999. Tình cờ tìm thấy lại khi dọn dẹp các file, tôi xin gửi đến Tiền Vệ để độc giả mua vui trong lúc chờ đợi một bản dịch đầy đủ và xuất sắc hơn.
Nguyễn Đăng Thường

 

 

MICHEL HOUELLEBECQ (1958~)

 

 

MỞ RỘNG PHẠM VI ĐẤU TRANH

[trích]

 

 

Sự phá sản của nữ quyền luận

 

Tối thứ sáu, tôi được một đồng nghiệp mời tới nhà dự tiệc. Có độ ba chục mạng, toàn là loại cán trung bình trong lứa tuổi từ hăm lăm đến bốn mươi. Vào một lúc nào đó, một con ngốc bỗng vũ thoát y. Nó vừa cởi T-shirt, rồi xú-chiêng, rồi váy, vừa làm những điệu bộ khó tin nổi. Nó tiếp tục vặn vẹo trong chiếc quần lót tí teo thêm vài giây nữa, rồi nó lặp lại những trò khỉ đó, vì chẳng còn trò gì khác nữa. Vả, nó là một con nhỏ không chịu chơi. Điều đó càng khiến hành động của nó thêm phi lý.

Sau ly vodka thứ tư tôi bắt đầu thấy khó chịu, tôi lại nằm trên đống gối sau lưng cái sofa. Một lát sau có hai con khác tới đó ngồi. Hai ả này chẳng đẹp tí nào cả, thật ra tụi nó là hai khúc thịt dồi của sở. Tụi nó đi ăn chung với nhau và tụi nó đọc các cuốn sách về sự phát triển ngôn ngữ nơi một thằng nhóc, mấy cái thứ lăng nhăng đó.

Vừa đặt đít xuống tụi nó liền bàn bạc về tin tức trong ngày, và đó là cái chuyện một con nhỏ trong hàng nhân viên đã mặc váy ngắn tới sở, một cái váy ngắn cũn cỡn hết cỡ, chỉ vừa giáp mí mông nó.

Và tụi nó đã nghĩ như thế nào? Tụi nó đã cho như vậy là hay. Hai chiếc bóng phóng đại của tụi nó in hình lên tấm vách ở ngay trên đầu tôi. Giọng tụi nó có vẻ như từ một chỗ thật cao rơi xuống, tựa như tiếng nói của Thánh Thần. Nhưng đúng ra là tôi đã thấy khó chịu trong người, rõ ràng quá.

Tụi nó lại tiếp tục nhảm nhí như vậy thêm mười lăm phút nữa. Và cái con kia nó có quyền ăn mặc theo ý muốn, và nó làm vậy không với mục đích kích thích bọn đàn ông, và nó làm vậy chỉ để cảm thấy thoải mái, cốt để cho mình được hài lòng thế thôi, vân vân. Những cặn bã cuối cùng, thảm thương, của sự phá sản của nữ quyền luận. Trong một lúc nào đó chính tôi đã thốt to những lời đó: “những cặn bã cuối cùng, thảm thương, của sự phá sản của nữ quyền luận”. Nhưng tụi nó không nghe thấy.

Chính tôi cũng có để ý tới con nhỏ đó. Khó tránh nhìn thấy nó. Vả lại, chính anh trưởng phòng cũng đã nghe nứng cặc.

Tôi đã thiếp ngủ trước khi cuộc bàn cãi của hai đứa nó chấm dứt, nhưng tôi đã chiêm bao một giấc nặng nề. Hai khúc thịt dồi quàng tay nhau đi trong hành lang xuyên suốt sở làm, chúng nhấc chân lên thật cao và hát vang vang:

Nếu em để đít để khu ra ngoài,
Đâu phải vì tại muốn dụ dỗ ai!
Nếu em đã khoe cái cặp giò lông,
Là chỉ để cho em được hài lòng!

Con nhỏ mặc váy mini lúc đó đang đứng trong một khung cửa, nhưng lần này nó khoác một chiếc áo dài đen, huyền bí và giản dị. Nó mỉm cười nhìn hai con kia. Trên vai nó có một con két khổng lồ, hóa thân của ông sếp sòng. Thỉnh thoảng con bé vuốt ve mớ lông trên bụng con két, với một bàn tay lơ đễnh nhưng thành thạo.

Khi tỉnh dậy, tôi nhận thấy mình đã nôn mửa trên tấm thảm nhung. Cái party đang tàn. Tôi giấu đống mửa dưới những chiếc gối, rồi tôi gượng dậy để về nhà. Lúc đó tôi mới hay mình đã đánh mất chùm chìa khóa xe.

 

Một thứ cực chẳng đã

 

Tôi vừa tròn ba mươi. Sau một lần rà máy hỗn độn, tôi đã gặt hái thành công khá tốt đẹp trên đường học vấn; hiện nay, tôi là cán bộ hạng trung. Nhân viên phân tích - lập chương cho một hãng cung cấp và phục vụ ngành điện toán, lương tháng chẵn chòi gấp hai lần rưởi đồng lương SMIC; đó là một khả năng mua sắm đã khả quan. Tôi có thể hy vọng một sự thăng chức đáng kể tại xí nghiệp; nếu tôi không tính chuyện, như khá nhiều đồng nghiệp, nhảy ra ngoài làm cho một khách hàng. Tóm lại, tôi có thể coi như là mình đã toại nguyện trên bình diện địa vị xã hội. Trên phương diện tình dục thì ngược lại, thành quả đã ít sáng chói hơn. Tôi đã có được một số phụ nữ rồi, nhưng chỉ trong những khoảng thời gian hạn chế. Cá nhân tôi không duyên dáng đẹp trai, mà lại hay gặp những cơn khủng hoảng tinh thần, tôi hoàn toàn không xứng hợp với cái điều ưu tiên mà phái nữ luôn luôn tìm kiếm. Do vậy tôi vẫn cảm thấy một sự thối lui nhẹ nơi những người đàn bà đã hé mở cái giống của họ cho tôi, ở nơi sâu thẳm thì đối với họ tôi tiêu biểu cho một thứ cực chẳng đã. Đó là một điểm mọi người đều phải công nhận là không tốt cho một mối liên hệ dài lâu.

Từ ngày tôi chia tay với Véronique, hai năm trước đây, thật ra tôi chưa được biết mùi một phụ nữ nào khác nữa; những thử nghiệm mềm yếu và lỏng lẻo về hướng đó chỉ đưa tới một sự thất bại thấy trước. Hai năm, có vẻ như là một khoảng thời gian rất lâu dài. Nhưng trên thực tế nó chóng qua, nhất là khi ta có nhiều công việc.

Rất có thể là bạn, ơi bạn đọc thân mến, cũng thuộc về phái nữ. Nhưng bạn đừng bận tâm, bởi đó là những việc có thể xảy ra. Vả chăng nó cũng chẳng mảy may thay đổi cái điều tôi muốn nói với bạn. Tôi hỏng rộng mà.

 

Cha sở nói chuyện sex

 

Thông thường, tôi không gặp mặt ai lúc cuối tuần. Tôi ở nhà, dọn dẹp chút đỉnh: tôi xuống tinh thần nhè nhẹ.

Thế nhưng, thứ bảy này có một thời gian dành cho xã giao, giữa hai mươi và hai mươi ba giờ. Tôi sẽ tới một nhà hàng Mễ-tây-cơ để ăn tối với một người bạn làm linh mục. Thức ăn của nhà hàng ngon; không có vấn đề gì từ phía đó. Nhưng thằng bạn tôi nó có còn là bạn tôi không?

Chúng tôi đã học chung trường với nhau; lúc đó chúng tôi mới hai mươi, hai gã thanh niên đạo mạo. Bây giờ thì đã ba mươi rồi. Bằng kỹ sư trong tay, thằng bạn tôi đi thẳng vào một chủng viện; nó đã rẽ đường. Ngày nay, nó làm cha sở ở Vitry. Một giáo khu không mấy yên tĩnh.

Tôi ăn một chiếc bánh mặn có những hạt đậu đỏ, và Jean-Pierre Buvet nói chuyện sex cho tôi nghe. Theo hắn, sự chú ý mà xã hội chúng ta giả vờ dành cho sự kích dâm (qua quảng cáo, các đặc san, ngành thông tin nói chung) là hoàn toàn giả tạo. Thật ra, đại đa số mau thấy chán về đề tài đó; nhưng họ giả vờ nói khác đi, bằng một thứ đạo đức giả đảo ngược.

Hắn đi tới luận án của hắn. Văn minh chúng ta, hắn nói, đang khắc khoải vì sự kiệt quệ sinh khí. Ở thế kỷ của Louis XIV, lúc sự ham sống còn cao, văn hóa chính thức nhấn mạnh sự phủ nhận lạc thú và xác thịt, luôn luôn nhắc nhở rằng đời sống xa hoa chỉ cống hiến những niềm vui không trọn vẹn, cái nguồn hạnh phúc hoàn toàn, thật sự và duy nhất, chính là Thượng Đế. Ngày nay, hắn cam đoan, một luận thuyết như vậy sẽ không được dung nạp. Chúng ta cần có phiêu lưu và khiêu dâm, bởi chúng ta cần được nghe lập lại rằng cuộc đời này là tuyệt vời và kích động; và tất nhiên chúng ta cũng phải có đôi chút nghi ngờ.

Tôi có cảm tưởng hắn xem tôi như một biểu tượng thích đáng của sự kiệt quệ sinh khí ấy. Không tình dục, không tham vọng; giải trí thật ra cũng không nốt. Tôi chẳng biết phải trả lời hắn thế nào; tôi có cảm tưởng rằng mọi người đều như vậy cả. Tôi tự xem mình là một người bình thường. Cuối cùng, có thể không hẳn là như vậy, nhưng đâu có ai có thể là như vậy, phải không chứ? Nghĩa là bình thường 80%.

Tuy nhiên, để có chuyện nói, tôi đưa ra nhận xét rằng ở thời đại chúng ta, mọi người vào một lúc nào đó trong đời mình đều phải cảm thấy mình là một kẻ thua thiệt. Chúng tôi đồng ý về điểm này.

Câu chuyện sa lầy. Tôi cắn cắn các cọng bún cháy. Hắn khuyên tôi nên trở về với Chúa hoặc bắt đầu một cuộc phân tâm; tôi giật mình vì sự tương đồng. Hắn bàn thêm, hắn để ý đến trường hợp của tôi; hắn dường như nghĩ rằng tôi đang ở trong một tình thế kẹt. Tôi cô đơn, quá cô đơn; như vậy là không được bình thường, theo ý hắn.

Chúng tôi uống một ly rượu ngọt, hắn đặt lá bài xuống. Hắn nói, Chúa Giê-su là giải đáp, là nguồn sống. Một đời sống phong phú và linh động. “Mày phải chấp nhận thiên tính yêu Chúa của mày” hắn nói to; thực khách ngồi bàn bên cạnh xoay lại nhìn. Tôi cảm thấy đã hơi mỏi mệt; tôi có cảm tưởng chúng tôi đã lâm vào một ngõ bí. Tôi mỉm cười vu vơ. Tôi không có nhiều bạn hữu, tôi không muốn đánh mất luôn cái thằng bạn này. “Mày phải chấp nhận thiên tính yêu Chúa của mày…” hắn lặp lại một cách dịu dàng hơn; tôi hứa tôi sẽ cố hết sức. Tôi chêm thêm vài câu, cố gắng tái lập một sự thỏa hiệp.

Kế đó là cà phê, và ai về nhà nấy. Rốt cuộc, đó là một buổi tối tốt đẹp.

 

Mỗi ngày là một ngày mới

 

Chứng kiến một cái chết, hôm nay, tại Nouvelles Galeries. Một cái chết rất giản dị, kiểu Patricia Highsmith (tôi muốn nói là với sự đơn giản và sự bạo tàn đặc biệt của cuộc đời thật như người ta cũng bắt gặp trong tiểu thuyết của Patricia Highsmith).

Mọi việc đã xảy ra như sau. Khi len vào tới cái chỗ của cửa tiệm trang bị cho khách hàng tự phục vụ, tôi thấy một người đàn ông nằm sóng sượt dưới đất mà tôi không nhìn thấy mặt mũi (nhưng sau đó tôi được biết, khi lắng nghe câu chuyện giữa các cô thâu ngân, hắn khoảng bốn mươi). Nhiều người đã lăng xăng quanh hắn. Tôi bước qua và cố tránh đứng lại lâu để khỏi lộ vẻ tò mò bệnh hoạn. Lúc đó khoảng sáu giờ chiều.

Tôi mua sắm rất ít: phô mai và bánh mì lát, để mang về ăn trong căn buồng khách sạn (buổi tối hôm đó tôi muốn tránh sự chung đụng với thằng Tisserand, để được nghỉ ngơi một mình). Nhưng tôi đã tư lự trước các chai rượu vang, đủ loại, đang cống hiến cho sự thèm thuồng của khách. Điều bực bội là tôi không có đồ khui rượu. Vả lại, tôi không thích rượu vang, lập luận cuối cùng này đã thắng, và tôi vớ một chùm Tuborg.

Lúc tới chỗ trả tiền tôi được biết người đàn ông đã chết, nhờ nghe lóm câu chuyện giữa các cô thâu ngân và một cặp nam nữ đã dự cuộc cứu sống người đàn ông, ít nhất là trong giai đoạn cuối. Người đàn bà của cặp này là một y tá. Bà này nghĩ rằng người ta đã có thể cứu người đàn ông nếu làm mát-xa tim. Tôi thì mù tịt, chẳng biết gì cả, nhưng nếu đã thế, thì tại sao bà này lại đã không làm thế? Tôi thực tình không hiểu nổi một thái độ như vậy.

Dẫu sao thì tôi đã đi tới kết luận rằng người ta có thể dễ dàng từ sống bước qua chết — hay không làm vậy — trong vài trường hợp.

Người ta có thể cho rằng đó là một cái chết thiếu trang nghiêm, với tất cả những người qua lại, đẩy các chiếc caddies (lúc ấy là lúc tấp nập nhất), trong cái bầu không khí gánh xiệc đặc trưng nơi các siêu thị. Tôi còn nhớ lúc đó có cả bài hát quảng cáo cho Nouvelles Galeries (có thể nó đã được thay thế rồi); đặc biệt là cái điệp khúc gồm những câu như: “Nouvelles Galeries, ngày nay ay ay ay…, mỗi ngày là một ngày mới…”

Khi tôi bước ra ngoài, người đàn ông vẫn còn nằm đó. Người ta đã quấn cái thi hài lại bằng những tấm thảm, hay đúng hơn, với những cái chăn dầy cộm, cột giây thật chặt. Ấy đã chẳng còn là một người đàn ông nữa, mà một kiện hàng, nặng nề và bất động, mà người ta đang tìm cách để mang đi.

Và ấy là công tác. Lúc đó là mười tám giờ hai mươi.

 

Trò chơi nơi quảng trường khu Chợ Cũ

 

Một cách hơi phi lý, tôi đã quyết định ở lại Rouen cuối tuần này. Tisserand đã ngạc nhiên; tôi giải thích với hắn rằng tôi muốn viếng thành phố, và tôi chẳng có chuyện gì để làm ở Paris. Nhưng thật tình tôi không muốn viếng thành phố.

Tuy nhiên có khá nhiều di tích đẹp từ thời trung đại, những ngôi nhà cổ xưa với nét duyên dáng thực sự. Năm hay sáu thế kỷ trước, Rouen chắc đã là một trong những thành phố nguy nga nhất nước Pháp; nhưng bây giờ thì mọi thứ đều đã hỏng. Tất cả đều dơ dáy, cáu bẩn, thiếu chăm sóc, làm hỏng bởi sự có mặt thường xuyên của xe cộ, tiếng động, ô nhiễm. Tôi không biết ai làm thị trưởng ở đây, nhưng chỉ cần đi bộ mười phút trong khu phố cổ để nhận thấy ngay rằng ông ta là một kẻ bất tài và tham nhũng.

Để thêm sự thích hợp, có vài chục tên du đãng phóng mô-tô và mô-bi-lết lượn qua lượn lại, ống xì hơi không gắn đầu lọc. Chúng kéo về đây từ vùng ngoại ô nơi đang có sự sụp đổ hoàn toàn của công nghệ. Mục đích của chúng là phát ra một tiếng động khét tai, càng gây nhiều khó chịu càng hay, một tiếng động quả thật rất khó chịu đối với những người ở hai bên đường. Chúng đã thành công mỹ mãn.

Khoảng bốn giờ chiều, tôi rời khách sạn. Không do dự, tôi tiến thẳng tới quảng trường của khu Chợ cũ. Đó là một chỗ khá rộng lớn, vây bọc bởi quán cà phê, tiệm ăn và cửa hàng xa xí phẩm. Đây chính là cái chỗ người ta đã thiêu sống Jeanne d’Arc hơn năm trăm năm trước. Để tưởng niệm, người ta đã xây một cái kiến trúc trông tựa như một đống chồng chất những lát đá bê-tông uốn cong ngược rất kỳ cục, phân nửa lún xuống đất, mà nhìn kỹ lại thì té ra là một cái nhà thờ. Cũng có mấy bãi cỏ còn trong dạng phôi thai, vài khóm hoa, và những cái nền nghiêng dường như là để cho các tay trượt skateboard — nếu không là để cho các chiếc xe của những kẻ bị què cụt, khó mà đoán nổi được. Nhưng sự phức tạp của cái chỗ này không ngừng tại chỗ đó: cũng có những cửa tiệm nằm ngay giữa quảng trường, một thứ nhà tròn có mái vòm bằng bê-tông cùng với một tòa nhà giống như chỗ đậu xe.

Tôi tới ngồi trên một lát bê-tông, quyết định làm sáng tỏ mọi vấn đề. Chỗ này dám có thể là trái tim, là trung tâm của thành phố lắm nha. Trò gì được chơi ở đây?

Tôi nhận thấy thiên hạ thường di chuyển theo từng băng, hay từng nhóm nhỏ từ hai đến sáu mạng. Chẳng có nhóm nào giống nhóm nào dưới con mắt tôi. Tất nhiên họ rất giống nhau, họ giống nhau rất nhiều, nhưng sự tương tự không thể gọi là lý lịch được. Hình như họ đã lựa chọn cách cụ thể hóa sự tương phản thường theo kèm mọi sự cá biệt hóa bằng cách ăn mặc, di chuyển, tụ họp theo những công thức chỉ chênh lệch nhau tí thôi.

Kế đến tôi nhận thấy những người này hình như rất mãn nguyện về chính họ và vũ trụ, thật đáng kinh ngạc mà cũng hơi đáng sợ nữa chớ. Họ bước khoan thai, kẻ với nụ cười xấc xược, người với nét mặt ngu si. Một số trong nhóm các người trẻ tuổi nhất khoác blouson có thêu những kiểu vẽ vay mượn lại của các ban nhạc hard-rock dã man nhất; người ta có thể đọc những câu như: “Kill them all!”, hoặc “Fuck and destroy!” nhưng hầu hết họ đều thông cảm nhau trong một niềm tin chung sẽ có được một buổi trưa thú vị, mà sự cốt yếu là dành cho tiêu thụ, và do vậy là để cho sự tự xác định lại bản thân.

Sau cùng, tôi cũng nhận thấy rõ rằng tôi cảm thấy mình khác với họ, nhưng mặc dù vậy tôi vẫn không thể minh định được sự khác biệt đó.

Rốt cuộc, tôi đâm chán sự quan sát không có lối thoát đó và tôi tìm chỗ ẩn trong một quán cà phê. Thêm một sai lầm nữa. Một con chó giữ nhà to lớn len lỏi giữa những cái bàn, trông nó dữ tợn hơn hầu hết các đồng chủng của nó. Nó dừng lại ở trước mỗi thực khách như để thầm hỏi coi nó có thể táp hay không.

Cách tôi hai mét là một cô gái ngồi nơi một cái bàn trước một tách sô cô la lớn sủi bọt. Con chó đứng lại khá lâu nơi chỗ cô ta, nó đưa cái mõm của nó ngửi cái tách như thể nó muốn tớp nội dung của cái tách bằng một cái táp lớn. Tôi cảm thấy cô ta đã bắt đầu lo sợ. Tôi đứng dậy, định bước tới can thiệp, tôi ghê tởm những con thú như vậy. Nhưng cuối cùng con chó đã bỏ đi.

Kế đến, tôi thơ thẩn trên các con phố nhỏ. Tình cờ tôi bước vào mộ địa chung của ngôi thánh đường Saint-Maclou: một chiếc sân vuông, lộng lẫy, bao bọc bởi những tác phẩm điêu khắc gô-tích bằng gỗ sậm.

Ở một nơi xa hơn tôi thấy một đám cưới đang từ trong nhà thờ bước ra. Một đám cưới theo kiểu xưa: đồ lớn màu xanh-xám, áo dài trắng và hoa cam, mấy cô phù dâu nho nhỏ… Tôi ngồi trên một cái ghế băng không mấy xa các bậc thềm của ngôi nhà thờ.

Cô dâu chú rể tuổi đã khá cao. Một người đàn ông to béo mặt hơi đo đỏ có vẻ như là một nông dân giàu có; một người đàn bà hơi cao hơn người đàn ông, mặt xương xẩu, đeo kính. Tất cả, tiếc thay tôi phải báo cho độc giả biết, có vẻ hơi kỳ cục. Vài người trẻ tuổi đi qua và chọc quê cặp vợ chồng mới cưới. Tất nhiên.

Trong vài phút tôi có thể quan sát mọi thứ một cách hoàn toàn khách quan. Và rồi một cảm giác khó chịu bắt đầu xâm nhập tôi. Tôi đứng dậy và bỏ đi thật nhanh.

Hai giờ sau, vào lúc đêm xuống, tôi lại rời khách sạn. Tôi ăn một cái pizza, ăn đứng, một mình, trong một cửa hiệu vắng tanh — và nó vắng teo như vậy là phải lắm. Bột bánh tồi hết chỗ nói. Trang trí thì chỉ có gạch vuông tráng men trắng và đèn bằng thép xám như trong một phòng giải phẩu.

Sau đó tôi đi xem một cuốn phim porno tại một rạp hát ở Rouen chuyên chiếu các loại phim tương tự. Khán giả đông được nửa rạp, như vậy là khá lắm rồi. Phần lớn tất nhiên là các ông đã nghỉ hưu và dân di tản; tuy nhiên cũng có vài ba cặp đàn ông đàn bà.

Sau một thời gian tôi ngạc nhiên thấy khán giả cứ hay dời đổi chỗ ngồi không lý do. Muốn hiểu rõ cái trò kỳ cục đó tôi bèn xê dịch theo một tên. Thật ra thì rất giản dị: khi có một cặp đàn ông đàn bà đi vào là họ bị hai ba tên xích tới ngồi cách vài cái ghế và bắt đầu thủ dâm. Tôi đã nghĩ hy vọng của bọn này là sẽ được người đàn bà liếc nhìn dương vật.

Tôi ngồi trong rạp độ một giờ, rồi tôi thả bộ qua các đường phố của Rouen để tới nhà ga. Vài tên ăn mày lê lết trong phòng đợi với nét mặt hăm dọa; tôi không buồn để ý tới chúng mà chỉ ghi nhớ giờ khởi hành về Paris.

Sáng hôm sau tôi dậy sớm, tôi tới nơi vừa kịp chuyến xe đầu tiên; tôi mua vé, tôi chờ, và tôi không lên đường; tôi không hiểu tại sao. Thảy đều rất khó chịu.

 

--------------------------------
Nguồn: Extension du domaine de la lutte (Paris: Editions J’ai lu, 1997). Các tiểu tựa: "Sự phá sản của nữ quyền luận", "Một thứ cực chẳng đã", "Cha sở nói chuyện sex", do người dịch chọn đặt thêm.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021