thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chinatown [V]

 

Tiểu thuyết Chinatown viết xong tháng 5 năm 2004, được nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tháng 3 năm 2005. Với sự cộng tác của tác giả, chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả Tiền Vệ toàn bộ tác phẩm, đăng thành 10 kỳ để tiện theo dõi. Trên thực tế, Chinatown không hề phân chương hay đoạn, gồm tiểu thuyết chính bọc lấy 2 trích đoạn của một tiểu thuyết phụ (có nhan đề I’m yellow, do nhân vật chính sáng tác). Các dấu chấm xuống hàng, vì vậy, chỉ có mặt trong các phần của I’m yellow. Cám ơn sự theo dõi của độc giả.
__________

 

kỳ trước: Chinatown [IV]

 

Hàng năm, tôi vẫn xin nghỉ một ngày để đến bến tàu điện ngầm Cité, chui vào cái thang máy khổng lồ theo đoàn người rồng rắn tiến về sở Công An. Mười năm nay, tôi thuộc mặt hầu hết các nhân viên của phòng gia hạn thẻ cư trú. Một cô rất trẻ, chân dài, tay đeo nhiều nhẫn. Lần cuối cùng tôi gặp thấy đeo thêm cái nhẫn cưới. Một cô mặt vuông, tóc tém, không bao giờ cười. Có vẻ là trưởng phòng. Có vẻ không tiếp ai. Một cô rất khó đoán tuổi, tóc quăn, lần nào đến cũng thấy mặc áo thun ngắn tay màu trắng. Cô ấy đã tiếp tôi lần đầu tiên năm tôi mới sang. Cô ấy bảo tôi có giấy tờ gì bỏ hết ra đây, giọng thẫn thờ, mi mắt trên chỉ trực rơi xuống. Tôi sợ. Tôi đau bụng. Từ ngày ở Hà Nội, tôi đã có thói quen đau bụng mỗi khi đến bệnh viện và lên gặp công an. Tiếng Pháp của tôi hồi ấy khổ sở lắm nên tôi càng đau bụng. Đang ngồi thì cô ấy bỏ đi đâu mất. Tôi hoang mang. Tôi không hiểu tôi đã nói gì để cô ấy phật lòng. Hay giấy tờ của tôi có vấn đề. Hay cô ấy sang phòng bên để gọi điện xin ý kiến cấp trên, cấp trên của cô ấy đã gọi điện lên bộ Ngoại Giao ở Quai d’Orsay, bộ ngoại giao lại gọi điện xin ý kiến bộ Nội Vụ nước chủ quản, chuông điện thoại reo ba mươi lần mà đầu kia vẫn không ai cầm máy. Tôi định chạy ra tìm cô ấy để bảo bốn giờ chiều Paris, mười giờ đêm Việt Nam, ông thường trực không đang xem đá bóng thì cũng ngáy khò khò đợi nửa ngày nữa các nhân viên bộ Nội Vụ đến đánh thức mới dậy. Tôi không biết nên ngồi đợi thêm nửa ngày hay đi về nhà trẻ đón thằng Vĩnh sưng họng từ mấy ngày nay. Tôi loay hoay hai giờ trên mặt ghế cứng rồi cô áo thun trắng cũng quay lại. Mi mắt trên vẫn chỉ trực rơi xuống. Cô ấy cầm giấy tờ của tôi lên đọc tiếp, như không có việc gì xảy ra. Tôi lại đau bụng. Tôi muốn xin phép cô ấy ra ngoài để chạy vào nhà vệ sinh. Nhưng tiếng Pháp của tôi khổ sở lắm. Tôi không dám mở miệng. Tôi sợ cô ấy phật lòng. Tôi cũng không dám nhìn vào mắt cô ấy cùng chiếc áo thun trắng cùng những ngón tay trắng. Khuôn mặt của tôi cũng khổ sở lắm, tôi sợ nó cũng sẽ làm cô ấy phật lòng. Tôi đau bụng. Tôi đau quặn cả bụng. Tôi đau bụng thêm nửa tiếng nữa thì cô ấy lại đứng lên bỏ đi đâu mất. Tôi chưa kịp hoàn hồn thì cô ấy quay về chìa cho tôi cái hộ chiếu. Mi mắt trên vẫn chỉ trực rơi xuống. Tôi cuống quít. Tôi tưởng tượng ông thường trực bộ Nội Vụ nước tôi, tranh thủ mười phút lúc đội Công an Sài Gòn và đội Cảng Hải Phòng nghỉ giải lao, quay ra làm một chầu thuốc lào, đang thông ngòi châm đóm thì phát hiện chuông điện thoại reo lần thứ ba mươi. Nhờ ba năm tiếng Pháp của trung học Nam Định, ông thường trực biết trả lời oui non bà thư kí của Quai d’Orsay. Rồi không hiểu bà này áp dụng ba mươi năm kinh nghiệm thư kí bộ ngoại giao đến đâu mà ông thường trực bổ sang phòng lưu trữ tìm một phút ra hồ sơ của tôi, nó nằm trên mười hồ sơ khác, mười hồ sơ của mười gia đình Hoa kiều tin Đảng ở Hà Nội. Bà thư kí của quai d’Orsay cám ơn sự hợp tác thân mật của bộ Nội Vụ nước chủ quản, hẹn ông thường trực một dịp sắp tới, rồi quay máy báo cáo cấp trên. Tôi tưởng tượng trong hộ chiếu của tôi người ta mới đóng thêm hàng chữ mực đỏ: thẻ cư trú không được chấp nhận, lý do nội bộ. Ngày mai tôi và thằng Vĩnh sẽ ra sân bay kết thúc ba tháng hai ngày ở Pháp. Bố mẹ tôi đêm nay được tôi gọi điện thông báo sẽ khóc hu hu. Hai cái khăn mùi xoa ướt cũng chẳng ai buồn vắt. Lần này bố mẹ tôi ốm thật sự. ốm đến nỗi không đủ sức ra sân bay Nội Bài đón tôi và thằng Vĩnh từ thiên đường trở về, không đủ sức làm gì hết, thậm chí không thể ngồi dậy chạy ra đầu phố mua nửa lạng thịt nạc nấu một bát cháo cho cái họng đang sưng của thằng Vĩnh. Ai đó kéo cái ghế tôi đang ngồi. Ai đó bảo tôi xong rồi thì ra cho người khác vào. Ai đó thảy cho tôi tập giấy tờ tôi làm rơi trên sàn. Tôi kịp quên cái họng của thằng Vĩnh để chào ai đó và cô nhân viên áo thun trắng. Họ có chào lại tôi không tôi không biết. Tôi đang nín thở chiêm ngưỡng tấm thẻ cư trú tạm thời đầu tiên của tôi ở Pháp. Tên tôi, tên thằng Vĩnh, kèm họ Âu của Thụy, rồi ngày tháng năm sinh, rồi địa chỉ ở Belleville, rồi ngày hai mẹ con đặt chân đến Charles de Gaulle, tất cả đều chính xác một trăm phần trăm. Tôi đi như bay ra khỏi cổng sở Công An. Tôi đứng lại chơi với con vẹt trước cửa hàng chim cảnh cạnh tàu điện ngầm. Tôi sung sướng phát hiện nó biết nói nỉ hảo. Chắc được một đoàn khách du lịch Đài Loan mới dạy cho. Tôi bước vào cái thang máy khổng lồ mà không thấy đau bụng như ban sáng. Về đến nhà, vừa ngắm lại tấm thẻ cư trú tôi vừa tiếc đã quên không dạy con vẹt từ xin chào. Nếu nó không nói thành xin cháo thì tôi sẽ tập cho nó từ drástvuiche. Năm sau đó, tôi lại được cô nhân viên áo thun trắng tiếp lần nữa. Cô ấy không thay đổi gì. Tóc vẫn quăn. Mi mắt trên vẫn chỉ trực rơi xuống. Cô ấy bảo có giấy tờ gì bỏ hết ra đây, giọng thẫn thờ như trước đó một năm. Tôi sợ. Tôi bắt đầu đau bụng. Tôi đau quặn cả bụng khi cô ấy đang ngồi thì đứng lên đi đâu mất. Sau này tôi phát hiện ra cô ấy có thói quen sang phòng bên cạnh uống cà phê, chắc để chống buồn ngủ. Uống xong cốc cà phê mà vẫn chưa tỉnh thế nào cô ấy cũng nhấc máy lên gọi điện thoại. Giọng thẫn thờ. Mi mắt trên vẫn chỉ trực rơi xuống. Tôi ngờ cô ấy nói chuyện với một cô bạn cũng vừa uống cà phê chống buồn ngủ cách đấy mấy phòng. Tôi ngờ hai cô lăn quay ra làm một giấc để mỗi ngày thêm ấy người nước ngoài suýt phải gọi cấp cứu vì chứng đau bụng cấp tính. Nhân viên mà tôi thấy dễ thương nhất đảo Cité là một phụ nữ da màu lớn tuổi, mập mạp, giọng nói dịu dàng. Hồ sơ của tôi có dịp rơi vào tay bà ấy một lần. Tôi quên giấy chứng nhận của hiệu trưởng trường tôi đang dạy. Tôi bảo tôi về nhà lấy. Nhà tôi không xa. Nhà tôi ở Belleville. Bà ấy phẩy tay. Bà ấy gia hạn cho tôi ngay. Năm ngoái, tình cờ tôi nhìn thấy bà ấy trong tàu điện ngầm. Tôi muốn đến gần chào một câu, thế nào khỏe chứ, cười một cái rồi đi, không làm phiền, không hối lộ. Tôi ngần ngại. Tôi lại thôi. Bà ấy hàng ngày tiếp bao nhiêu phụ nữ Á châu đến xin thẻ cư trú, bao nhiêu người trong số đó không từng quên giấy chứng nhận của cơ quan, hợp đồng thuê nhà, phiếu lương ba tháng cuối cùng, biên lai đóng thuế thu nhập hàng năm, biên lai tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại kì cuối. Sở Công An phân phát trước một danh sách giấy tờ nhưng phụ nữ Á châu bao giờ cũng cười xin lỗi quên cái gì đấy, bao giờ cũng phải vẫy tắc xi lộn về nhà tìm cái gì đấy, bao giờ cũng phải bấm điện thoại di động bảo người nhà mang xe máy bổ sung cái gì đấy. Tôi ngần ngại. Tôi không chào. Bà ấy cũng không nhận ra tôi. Chúng tôi đi qua nhau. Tôi cũng đã quên chuyện hồ sơ quốc tịch. Từ lần phỏng vấn cuối cùng, tôi không có tin tức của ủy ban Di trú. Tôi yên tâm làm công dân Việt Nam để hàng năm tiếp tục xin phép nghỉ một ngày đến đảo Cité. Tôi không thể tưởng tượng nổi có ngày sẽ quay lại đấy chỉ vì con vẹt biết nói nỉ hảo trước cửa hàng chim cảnh. Ngày mai tôi ba mươi chín tuổi. Như nhân vật chính của tiểu thuyết I’m yellow. Anh ta vừa mới kí vào đơn ly dị, đang lang thang ở ga Hàng Cỏ. Đầu tiên tôi muốn đấy là một phụ nữ. Sau tôi do dự. Tôi lo Phượng của Made in Vietnam lại quay về ăn vạ. Mấy tháng liền tôi thấy Phượng gõ cửa. Phượng nói chị ơi, chị lại cho em làm nhân vật chính của chị nhé. Lằng nhà lằng nhằng thế mà Phượng thắng. Phượng lẻn vào được hai truyện ngắn của tôi. Không phải là tôi không biết. Nhưng lần này thì tôi kiên quyết. Để cắt hết mối liên quan với Phượng, tôi sẽ cùng anh ta rời Hà Nội. Nhưng đi đâu thì tôi chưa rõ. Sài Gòn, không ổn, Phượng từng xuống cả ga Bình Triệu lẫn sân bay Tân Sơn Nhất. Huế, tôi loại ngay từ đầu. Màu tím của nó làm tôi rất ngại. Đà Lạt tôi loại thứ hai. Nó cũng tím không chịu nổi. Mấy trưa nay tôi đọc báo điện tử tiếng Việt. Đất nước tôi thay đổi từng ngày. Ngay cả đông bắc và tây bắc giờ đây cũng tím không chịu nổi. Hoa ban cũng tím không chịu nổi. Hoa ban cũng nhan nhản trong các truyện ngắn, truyện dài, phim tình cảm xã hội, hội họa đương đại, ca nhạc thính phòng. Các thị xã, thị trấn từ bắc vào nam tôi không biết dừn ở đâu. Hai mươi chín năm thống nhất đủ để chúng thành anh chị em một nhà, đủ để ba trăm địa phương cùng rộ lên ba trăm phong trào nuôi tôm xuất khẩu, cùng tưới xăng đốt ba trăm xí nghiệp nuôi gà trong dịch sốt gà Đông Nam Á, cùng tổ chức ba trăm đêm nhạc Khúc ca bên sông Nậm Rốn mừng nửa thế kỉ chiến thắng Điện Biên. Các thị trấn từ ga Hàng Cỏ đến ga Bình Triệu, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Tam kì, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Phan Thiết... tôi để anh ta tự chọn cũng như tôi sẽ cho anh ta toàn quyền quyết định những gì anh ta sẽ làm. Quan điểm của tôi là không đóng các nhân vật vào những cái khung gỗ vuông, lồng kính rồi treo lên tường. Anh ta sẽ thấy tôi có thể nhảy xuống bất cứ ga nào trong ba mươi ga của đường tàu Thống Nhất. Nếu anh ta muốn leo lên xe khách để leo tiếp lên Buôn Mê Thuột, rồi từ Buôn Mê Thuột lại leo tiếp lên Đắc Lắc, tôi cũng sẽ không bao giờ kêu chóng mặt. Tôi sẽ đi sau lưng anh ta cả tháng, cả năm. Máy bay, xe khách, xe ôm, tàu hỏa, tàu thuỷ tôi không bao giờ cần túi nôn hay thuốc chống say sóng. Anh ta sẽ thấy tôi là một bạn đồng hành chung thủy. Mười bảy năm chè đỗ đen, óc lợn hấp nồi cơm Hà Nội. Năm năm bắp cải thịt cừu căng tin đại học tổng hợp Leningrad. Mười năm sáng mì ăn liền, trưa bánh mì, tối bánh mì hoặc mì ăn liền, Paris và các vùng lân cận. Lý lịch ẩm thực đó khó ai đạt nổi. Về vấn đề tiện nghi, có lẽ anh ta cũng chỉ nên lo lắng cho bản thân mình. Tôi đã có thói quen gật gù ba tiếng một ngày ngay giữa những giờ buồn ngủ nhất, ngay giữa những lúc đổi xe buýt chuyển tàu hoả gay cấn nhất. Tôi cũng không lạ gì cảnh đang ăn cơm thì mất điện, đang tắm thì hết nước nóng, đang dưới âm độ thì lò sưởi nằm quay đơ. Anh ta sẽ thấy, tôi không là cái gì nhưng tôi là bạn đồng hành dễ tính nhất. Anh ta cũng sẽ thấy, tôi chấp nhận tất cả trừ việc biến anh ta thành Thụy, trừ việc cùng anh ta đến Chợ Lớn. Tôi không muốn viết về Thụy. Tôi cố không viết về Thụy. Với tôi, viết không phải để nhớ lại. Cũng không phải để quên đi. Chỉ đến tiểu thuyết cuối cùng tôi mới biết viết để làm gì. Chỉ đến tiểu thuyết cuối cùng, tôi mới hiểu được Thụy. Tiểu thuyết cuối cùng tôi để giành tặng Thụy. Thụy là một điều bí ẩn. Tôi đã yêu Thụy như yêu một điều bí ẩn, điều bí ẩn chứa những điều bí ẩn. Yên Khê mãi mãi là điều bí ẩn đầu tiên. Yên Khê. Thụy sinh ra không phải ở Hà Nội, bệnh viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ em như tôi, hay trạm hộ sinh Cây đa nhà bò như hầu hết bọn trẻ con cùng phố. Yên Khê. Đi chơi về rồi phải cố mà học bù. Bố mẹ tôi bỗng dưng dễ tính không ngờ. Yên Khê. Chúng ta cứ để học trò Âu Phương Thụy đi cắm trại cùng với toàn trường, nhiệm vụ của chúng ta là theo dõi sát. Thầy giáo phụ trách tư tưởng tự nhiên mất cảnh giác. Yên Khê. Để vai tôi có dịp được đầu Thụy ngả lên. Để năm năm học ở Nga không sao quên nổi. Để bây giờ vẫn không yên. Yên Khê. Tôi chưa thấy cái tên nào lạ lùng đến thế. Thụy dẫn tôi về lại Yên Khê. Yên Khê. Yên Khê. Trên xe ô tô, tôi hỏi tại sao. Thụy cười tiếng Hán của Thụy cũng chịu không biết. Tại sao. Tôi im lặng. Tôi cho Yên Khê là số phận. Mọi số phận đều bí ẩn. Hai mươi bảy tuổi, tôi nghĩ đến số phận. Thế là sớm hay muộn. Con trai con gái chơi kéo co. Kéo hăng quá. Kéo đứt cả dây. Cả bọn vỗ tay rầm rập. Nhưng tôi và Thụy, hai đứa hai đầu, đâm xầm phải nhau. Kính tôi tan tành. Mặt Thụy rớm máu. Mẹ tôi dậm chân cắm trại là trò vô bổ nhất trên đời. Bố tôi nghiến răng sẽ không bao giờ cho tôi tham gia trò vô bổ nào nữa. Yên Khê là trò vô bổ cuối cùng. Yên Khê cũng là đêm đầu tiên mất ngủ. Thế là số phận hay sự tình cờ. Yên Khê. Hai đứa ngồi bên bờ một con sông không đủ rộng, nước không đủ trong, Thụy cũng không đủ dũng cảm để nói với tôi, tôi cũng không đủ dũng cảm để sờ vào tay Thụy, những ngón tay tuyệt đẹp tôi chưa từng nhìn thấy, từ lần ấy đi chơi vẫn chỉ chọn bờ sông Hồng không bao giờ đủ rộng, nước không bao giờ đủ trong, để lại ngồi bên nhau im lặng. Yên Khê. Nhổ trại xong, toàn trường tụ tập dưới gốc cây đa. Cái đài đặt ở giữa. Cô phát thanh viên nghẹn ngào bộ đội đại bác Trung Quốc vừa bắn năm quả đại bác vào địa phận Đồng Đăng. Cô giáo dạy văn nghẹn ngào Đồng Đăng có phố Kì Lừa, có nàng Tô Thị có chùa Tam thanh. Thầy giáo lịch sử nghẹn ngào sáng ra bờ suối tối vào hang, Pắc Pó của Hồ chủ tịch ngay cạnh Đồng Đăng. Cô giáo dạy địa lý nghẹn ngào Hà Nội cách Đồng Đăng một trăm năm mươi cây số đường bộ, một trăm cây số đường chim bay. Toàn trường nghẹn ngào Yên Khê cách Hà Nội một tiếng rưỡi ô tô. Toàn trường nghẹn ngào nhìn Thụy. Tôi cúi mặt xuống đất. Tôi chỉ sợ Thụy òa lên khóc. Tôi chỉ sợ tôi sẽ khóc theo Thụy. Tôi sẽ khóc rất to, đằng nào kính cũng đã vỡ. Thụy cũng sẽ khóc rất to, khóc to đến nỗi bông băng quấn trên mặt tan vào nước mắt. Hai đứa chúng tôi sẽ khiến toàn trường phải lấy tay bịt tai. Khiến cái đài cũng phải thôi nghẹn ngào. Nó tự động chuyển sang kênh khác. Cô phát thanh viên tươi tỉnh giới thiệu chương trình ca nhạc theo yêu cầu thính giả. Bài hát mở đầu Việt Nam-Trung Hoa núi liền núi sông liền sông. Ca sĩ Trung Kiên trình bày theo yêu cầu của giáo viên và học sinh thị xã Đồng Đăng. Giáo viên và học sinh thị xã Đồng Đăng gửi tặng bài hát đến bộ đội đại bác Việt Nam và Trung Quốc. Toàn trường vỗ tay theo nhịp. Thầy giáo phụ trách tư tưởng vỗ tay nhiều nhất. Thầy có biệt hiệu là thầy vỗ tay. Thầy thường xuyên vỗ tay nga cả khi chẳng ai vỗ tay nữa. Thầy bảo tư tưởng biểu hiện ở những tràng pháo tay. Xe chạy từ Yên Khê về Hà Nội, cả xe lẫn khách cùng lắc theo nhịp Việt Nam-Trung Hoa. Cái đài cũng lắc. Càng qua ổ gà, càng lắc khỏe. Chú lái xe lắc như lên đồng, cô giáo dạy văn, thầy giáo dạy sử, cô giáo dạy địa lý cũng lắc như lên đồng. Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên phục vụ nhân dân liền tù tì một tiếng rưỡi vẫn không mệt. Mười năm sau, thầy giáo phụ trách tư tưởng vẫn nhớ, hội trường lần nào cũng kể kỉ niệm cắm trại Yên Khê, học sinh giáo viên vỗ tay nhiệt tình chưa từng thấy, tư tưởng chắc chưa từng thấy. Mười năm sau tôi bảo lúc đấy tôi chỉ muốn là người Việt gốc Hoa để toàn trường nghẹn ngào nhìn cả hai đứa. Thụy bảo lúc đấy Thụy thèm biến thành con kiến mà chui vào cây đa. Tôi đùa Thụy là con kiến Việt gốc Hoa. Thụy cười. Tôi đùa tiếp Thụy đi đâu tôi đi đấy, tôi làm con kiến cái bò vào cây đa theo Thụy. Thụy vẫn cười. Tôi lại đùa tôi cõng một con kiến con lẽo đẽo sau Thụy cả đời. Thụy chỉ cười. Tôi thích ngắm nụ cười của Thụy. Nó cũng lạ lùng như những gì liên quan tới Thụy. Thụy dẫn tôi loanh quanh mấy vòng nhưng cây đa thì Thụy tránh. Cây đa khụ khị. Nó bị sét chém mất cả đầu. Tôi cũng không dám lại gần. Cây đa thế nào cũng có vài con ma đang tranh nhau chỗ ở. Thế nào cũng có một con ma cái đêm đêm vật vã vì trán sưng bốn quả ổi mà chẳng thắng nổi bốn thanh niên mười tám tuổi hy sinh không trong kháng chiến chống Pháp thì trong kháng chiến chống Mỹ, hay rất gần đây, trong đợt đua xe máy Trung Quốc quanh bờ hồ thị xã. Tôi ở Nga năm năm. Mùa đông nước Nga cây cối cũng biến thành tuyết. Nhưng tôi chưa thấy cây nào như cây đa nước tôi. Tôi ở Pháp mười năm. Không ít học trò tôi có số phận khác thường. Nhưng tôi chưa thấy số phận nào như số phận Thụy. Người Việt khổ, người Hoa khổ, không ai khổ bằng người Việt gốc Hoa...

 

[còn tiếp]

 

Đã đăng:

Chinatown [I] (tiểu thuyết)
Đồng hồ đeo tay chỉ số mười. Thằng Vĩnh nhỏm dậy kêu mỏi. Nó ngủ trong tàu điện ngầm. Đầu ngả vào vai tôi. Tàu đến một ga nhỏ thì dừng lại. Mười lăm phút rồi vẫn không nhúc nhích. Người ta phát hiện một túi du lịch vô chủ. Người ta nghi âm mưu đánh bom một cái ga hiu hắt thế này chứa một âm mưu khác nguy hiểm hơn nhiều... (...)
Chinatown [II] (tiểu thuyết)
Đêm. Đêm có màu vàng của chiếc bóng đèn nhỏ duy nhất trong hành lang. Tôi nhìn rất lâu vào đêm. Tôi ném chiếc chìa khóa vào đêm. Trong màu vàng của đêm, nó không gây một tiếng động nào... (...)
Chinatown [III] (tiểu thuyết)
Tôi bắt đầu như thế. Tôi đã gửi đăng báo. Người ta đã đọc nó như một truyện ngắn. Tôi cũng đã coi nó như một truyện ngắn. Tôi muốn chấm dứt ở đấy. Tôi biết tôi phải chấm dứt ở đấy thì mới bắt đầu được những cái khác... (...)
Chinatown [IV] (tiểu thuyết)
Tôi còn nhớ như in một buổi tối cuối năm, bố tôi lao vào căn hộ mười tám mét vuông khu tập thể đê La Thành. Mẹ tôi lao theo. Bố tôi rút từ trong cặp ra một bản phô tô cóp pi. Mẹ tôi cầm lấy đưa cho tôi. Bố tôi hạ giọng bố mẹ có cái này cho con. Mẹ tôi cũng hạ giọng bố mẹ có cái này cho con... (...)

 

----------------------

Mời độc giả xem cuộc phỏng vấn Thuận và Phố Tầu: Dùng nghịch lý để kể những nghịch lý do Nguyễn Chí Hoan thực hiện.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021