thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chinatown [VIII]

 

Tiểu thuyết Chinatown viết xong tháng 5 năm 2004, được nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tháng 3 năm 2005. Với sự cộng tác của tác giả, chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả Tiền Vệ toàn bộ tác phẩm, đăng thành 10 kỳ để tiện theo dõi. Trên thực tế, Chinatown không hề phân chương hay đoạn, gồm tiểu thuyết chính bọc lấy 2 trích đoạn của một tiểu thuyết phụ (có nhan đề I’m yellow, do nhân vật chính sáng tác). Các dấu chấm xuống hàng, vì vậy, chỉ có mặt trong các phần của I’m yellow. Cám ơn sự theo dõi của độc giả.
__________

 

kỳ trước: Chinatown [VII]

 

Chủ nhật bốn giờ chiều. Hắn gọi điện. Hắn hỏi hồi này không thấy thằng Vĩnh đến chơi với thằng Paul và thằng Arthur. Tôi chưa biết giải thích thế nào. Hắn lại bảo có viết thì đừng kể chuyện người quen. Bạn bè mày ở trong nước đọc Made in Vietnam đều không hài lòng. Con bạn thân nhất của mày gọi điện đến khóc lóc với bố mẹ mày, yêu quí nhau gì mà viết về nhau như thế, mày ghi hẳn tên họ nó, cơ quan nó vào đấy, lại còn bịa ra một đống chuyện loăng quăng, nó sợ nó chẳng dám cho ai đọc, chồng nó nó dấu đầu tiên, nó sợ chồng nó cũng hiểu lầm. Ông hàng xóm nhà mày, viện trưởng viện nào không biết, hầm hầm vào nhà không thèm gõ cửa, hầm hầm bảo bố mẹ mày rằng mày ở Pháp thất nghiệp hay sao mà lôi chuyện ông ấy phát biểu trên vô tuyến ra kể lể để nhân viên trong viện nhìn thấy ông ta là bụm miệng cười. Ông ấy dọa sẽ lôi mày ra kiện. Ông ấy dọa sẽ lôi cả nhà xuất bản của mày ra kiện. Ông ấy bảo chủ nghĩa tư bản mới không trị được các nhà văn, mới bó tay trước cái lối tự do du đãng. Ông ấy sẽ chứng minh tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Tin này tôi biết rồi. Bố mẹ tôi đã kể từ lâu. Bố mẹ tôi phải xin lỗi con bạn thân của tôi, phải hứa với ông hàng xóm viện trưởng sẽ viết thư khuyên nhủ tôi. Bố mẹ tôi giữ lời. Bố mẹ tôi bảo thừa thời gian thì bỏ luận án ra mà bảo vệ. Bảo vệ luận án xong vẫn thừa thời gian thì cùng hắn về Việt Nam để ra mắt họ hàng, nhân tiện trình bằng mới. Một công đôi việc như thế càng có ý nghĩa. Đám cưới như thế càng có ý nghĩa. Bây giờ phố nào chẳng có một cái máy phô tô cóp pi, bố mẹ tôi sẵn sàng đứng từ sáng đến tối để nhân luận án của tôi thành vài trăm bản. Mỗi thiếp mời kèm một luận án cao học. Ba tiếng ở khách sạn tôi sẽ đứng lên thuyết trình đề tài nghiên cứu, cứ áo choàng đen, mũ đen mang về mà diện lại, đỡ mất công may áo dài trắng, khăn voan trắng. Ban tổ chức cũng đỡ mất công mời dàn nhạc, mời người hướng dẫn chương trình, mời người giới thiệu quan khách. Quan khách cũng hài lòng vì không những no sâm banh và bánh ga tô mà còn được hẳn một gói kiến thức cao học Pháp mang về, hôm sau giới giáo sư tiến sĩ Hà Nội mở ra thế nào cũng bùng lên vài cuộc tranh luận, tranh luận bức xúc đến nỗi vị nào cũng nhờ báo điện tử tiếng Việt làm trọng tài, một tháng liền các báo sẽ tranh nhau đưa đôi lời nhận xét cùng luận án cao học Pháp. Đám cưới của tôi với hắn sẽ lên trang đầu của tất cả hệ thống thông tin đại chúng. Đâu đâu người ta cũng sẽ nhất loạt ca ngợi cô dâu chú rể vui duyên mới không quên học tập. Ba mươi chín năm hy sinh của bố mẹ tôi sẽ được bạn đọc cả nước công nhận, được đảng và chính phủ tuyên dương. Họ hàng, đồng nghiệp, người quen cứ g ? là lại khoe hộ đám cưới đặc biệt nhất, trí thức nhất Hà Nội. Tôi không dám đọc hết thư của bố mẹ tôi. Càng ngày tôi càng gờm trí tưởng tượng của bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi xứng đáng vào vài tiểu thuyết nữa. Tôi bảo hắn hay là mày kể chuyện Rennes cho tao viết thử. Hắn trả lời hắn cũng hãi làm nhân vật của tôi. Hắn hãi tôi bịa ra một đống chuyện loăng quăng rồi ghi hẳn tên họ hắn, cơ quan hắn cho người khác đọc. Bố mẹ tôi, ông hàng xóm viện trưởng, con bạn thân nhất của tôi, tôi còn chẳng tha nữa là hắn. Hắn là tư bản hắn biết kiện tôi, kiện nhà xuất bản của tôi ở đâu. Hè tới hắn vừa lớ ngớ trước cổng nhà tôi ở Hà Nội, bố tôi chưa kịp vác xe đạp lên gác, mẹ tôi cũng chưa kịp pha nước chanh, một anh X hay Y sẽ nhanh nhảu chạy lại hỏi hắn nơ đen âu phục đen đâu không diện, ô tô trắng đâu không đi, cưới chưa mà sao không thấy gửi giấy mời kèm luận án cao học của bà xã. Chưa kể, nghỉ hè rỗi rãi tôi lại lôi sách ra dịch, một nhà xuất bản be bé đang cần vài cây viết ếch dô tích sẽ gật bừa một cái, in bừa một cái ra vài trăm bản, bày bán ở bến tàu điện ngầm. Đồng nghiệp của hắn một ngày ba tiếng trong phương tiện công cộng, chống cự các cơn buồn ngủ, phải tìm cái gì đấy mà bắt hai con mắt làm việc. Một trăm người thế nào cũng có một người rơi vào cuốn sách của tôi. Lướt qua mấy trang chi chít tên Việt Nam giống nhau như đúc, tự nhiên vấp phải một cái tên Pháp thế là dừng lại, thế là đọc, thế là bật máy di động kể cho một đồng nghiệp khác. Đồng nghiệp khác cũng đang vật vã chống cự một cơn buồn ngủ, nghe xong chợt tỉnh như sáo, bật di động lên gọi cho một đồng nghiệp khác nữa. Một tiếng sau, hắn chưa kịp chui ra khỏi ga tàu điện ngầm, năm mươi đồng nghiệp đã nhào đến, mười hai lần đi Việt Nam thật à, từ Bắc vào Nam thật à, xe máy Liên Xô thật à, quen tất cả các nhân viên điện đài thật à. Hắn chưa biết đính chính thế nào thì năm mươi đồng nghiệp khác lại nhào vào, chúng mày đều đã có gia đình trước thế cũng không sao, thế lại càng mừng, càng thông cảm cho nhau, không nên câu nệ quá. Chúng mày nên tính đến chuyện chính thức hóa, nên về ở với nhau, gia đình nên có vợ có chồng, con cái nên có bố có mẹ. Hắn toát cả mồ hôi. Hắn đề nghị tôi tha cho hắn. Hắn chê lòng độ lượng của tôi chưa bằng cái lỗ kim, sợi chỉ cũng không chui lọt. Hắn quả quyết bố mẹ của Phượng chính là bố mẹ tôi. Hắn bảo chi tiết cụ ông cụ bà rủ nhau tắm chung cho đỡ bị sặc nước là chi tiết ác nhất. Tôi phì cười. Tôi cũng không nhớ chi tiết ấy, bố mẹ tôi quả thực mà tắm chung với nhau thì đáng yêu biết bao. Hắn bảo mày loăng quăng thế nào thì loăng quăng nhưng đừng quên mấy cái dấu chấm để độc giả còn được xuống hàn nghỉ ngơi, cũng đừng quên mấy trang lại làm một chương để độc giả có dịp đếm từ một đến mười. Tôi phì cười. Tôi cũng không ngờ độc giả yêu cầu cao đến thế. Hắn bảo mày loăng quăng thế nào thì lăng quăng đừng để các nhà phê bình đội cho cái mũ phản kháng, đội mũ ấy không về thăm bố mẹ được đâu. Tôi phì cười. Tôi cứ tưởng các nhà phê bình không nhanh trí bằng ủy ban chống gián điệp của bộ Nội Vụ. Hắn bảo mày cho thằng nhân vật chính của I’m yellow đi từ Bắc vào Nam cũng được nhưng đừng thuê cho nó xe máy Liên Xô, đừng biến tao thành nó, tao đề nghị mày tha cho tao. Tôi phì cười. Tôi có ý định cho người quen này người quen kia vào tiểu thuyết nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến hắn. Tôi giật mình. Làm sao hắn đã đọc được tiểu thuyết mới của tôi. Tôi còn chưa viết xong. Tôi còn chưa đưa cho nhà xuất bản. Thằng Hao Peng bảo thằng Vĩnh là Bắc Kinh tài tình lắm. Bắc Kinh năm 2000 đã chế tạo được một con vi khuẩn lưỡng tính chui đâu cũng lọt. Bắc Kinh nhân nó ra một tỉ để thả vào một tỉ máy vi tính trong và ngoài lãnh thổ Trung Hoa. Tháng nào cũng tóm được mấy chục vi tính đang truyền bá tự do dân chủ đa ngôn đa đảng, Bắc Kinh vừa nhận huân chương vàng giải Đàn áp Internet do hội Phóng viên không biên giới trao tặng. Hay hắn làm việc cho Bắc Kinh. Hay Bắc Kinh biết tôi họ Âu nên ra lệnh cho hắn thả một con vi khuẩn vào máy của tôi. Hay mười hai lần ra Bắc vào Nam bằng xe máy Liên Xô hắn đã kịp thời thành nhân viên phản gián của Hà Nội. Hà Nội mới mua lại của Bắc Kinh một con vi khuẩn lưỡng tính năm 2000, mang về nhân lên thành tám mươi triệu rồi thả vào tám mươi triệu cái máy vi tính trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tôi chưa có biểu hiện gì, tôi loăng qua loăng quăng, nhưng nhiệm vụ của hắn là theo dõi sát. Hắn đọc hết những gì tôi đã viết. Hắn nhớ những chi tiết mà tôi cũng không nhớ. Hắn phê bình cả văn phong của tôi. Hắn còn định mớm cho tôi ý này ý kia. Chủ nhật nào hắn cũng rủ tôi chạy ba vòng công viên Belleville chẳng qua để kiểm tra thông tin. Năm nào hắn cũng ghé nhà bố mẹ tôi ở Hà Nội cũng không phải vì bố tôi vác xe đạp lên gác thành thạo hơn các chủ nhà khác hay nước chanh của mẹ tôi nhiều đường nhiều đá hơn mấy nghìn hàng nước chanh đá của Hà Nội. Tôi tự nhủ phải vô cùng cảnh giác với hắn. Tôi nói sang chuyện khác. Nói sang chuyện khác là chuyên môn của tôi. Tôi bảo trên vô tuyến tao thấy Rennes nhà mày có cái trường đại học tổng hợp to vật vã, sinh viên suốt ngày biểu tình, giáo viên còn vỗ tay hoan nghênh, cả sinh viên lẫn giáo viên đều thuộc diện khó trị, cánh hữu cũng ngán, cánh tả cũng gờm mặt. Hắn hào hứng tao học ở đấy bốn năm. Bốn năm đẹp nhất đời tao. Tao gặp Hélène ngay từ hôm đầu tiên. Hai tháng sau bọn tao ăn hỏi, hai năm sau có thằng Paul, hai năm sau đấy nữa có thêm thằng Arthur. Hai vợ chồng thay nhau xuống đường chống chính phủ, thay nhau đến lớp, thay nhau lên thư viện, thay nhau trông con, đi chợ, nấu cơm, dọn nhà. Hôm nhận bằng tốt nghiệp, vợ bế thằng bé, chồng bế thằng lớn. Lần nào đi xin việc, vợ cũng đứng đợi chồng, chồng đứng đợi vợ, thằng bé trên tay, thằng lớn dưới đất. Thằng bé được ba tháng, thằng lớn hơn hai tuổi, cả nhà bốn người nằm ngay trước cổng trường đòi thủ tướng phải cách chức bộ trưởng Giáo Dục đương thời. Sinh viên toàn trường lũ lượt mang sữa, mang tã cho thằng Arthur, mang nước, mang đồ chơi cho thằng Paul. Các kênh truyền hình liên tục đòi phỏng vấn, báo chí cũng xin viết mấy bài. Hélène và tao nhất định chỉ trả lời phóng viên địa phương. Đến trưa đã thấy ảnh nhà tao lù lù trên báo Le Monde. Đến chiều cảnh sát phải mang xe đến chở cả bọn về nhà. Tao và Hélène ôm nhau cười sằng sặc. Hai thằng con không hiểu gì cũng cười sằng sặc. Tôi không kịp cản hắn. Hắn nói không ngừng. Tôi ngại nghe chuyện riêng của hắn sau này lại phải kể cho hắn chuyện riêng của tôi để hắn làm báo cáo ba trang gửi lên Bắc Kinh. Nhưng hắn có vẻ bị kích động. Hắn vào cơn nói. Sống với nhau thêm hai năm nữa, bọn tao ra tòa. Hélène bảo tao ngáy to, hút thuốc lá nhiều, tắm không xoa xà phòng, hắt xì hơi không biết lấy tay che mũi cũng không biết mở miệng xin lỗi người đối diện. Hélène bắt tao phải bỏ những thói quen ấy. Toà cho hai năm thử thách nhưng Hélène chỉ chấp nhận sáu tháng. Tháng thứ bảy Hélène dọn đi. Mỗi một cái va li nhỏ. Không cho địa chỉ mới. Ba bố con tao ở lại căn hộ. Con mèo cũng ở lại. Một năm sau, tao ra tòa một mình. Hélène không đến. Tao đợi đến tối mịt mà Hélène không đến. Người ta bảo phải hoãn. Người ta cho một cái hẹn nữa. Lần ấy vẫn chỉ mình tao có mặt. Người ta lại cho một cái hẹn nữa. Quá tang ba bận. Bây giờ hồ sơ xếp lại hẳn rồi. Tao không biết Hélène ở đâu. Ba bố con khăn gói lên Paris. Bố mẹ tao khóc lóc cả tháng trời, một mực quen ai trên ấy mà lên. Căn hộ trả lại chủ nhà. Căn hộ ấy tao đã tìm thấy trong mục rao vặt ở kí túc xá. Chủ nhà muốn cho sinh viên thuê. Sinh viên mà lại có chồng có vợ có con thì càng nghiêm chỉnh, càng được ưu tiên. Căn hộ ấy tao lau dọn nửa ngày rồi đến nhà hộ sinh đón Hélène và thằng Paul. Căn hộ ấy có ba phòng ngủ. Hélène bảo thằng Paul ở một phòng, còn phòng kia cho em nó. Khi thằng Arthur ra đời, Hélène lại bảo hai anh em chung một phòng còn phòng kia cho em của chúng nó. Thời gian bọn tao ở đấy, căn phòng lúc nào cũng bỏ không. Sau này tao lên thư viện hỏi Freud. Freud bảo Hélène mắc chứng sợ sinh nở. Con người ta cứ sợ cái gì thì hay bị cái đó ám ảnh. Hélène đang chửa thằng Paul đã nghĩ đến th኱ng Arthur, rồi đang chửa thằng Arthur lại nghĩ đến đứa con khác. Trong sáu năm ở với tao, Hélène chuẩn bị quần áo đồ dùng cho sáu đứa trẻ sơ sinh. Căn phòng thứ ba lúc nào cũng bỏ trống nhưng Hélène vẫn lo không đủ chỗ cho bốn đứa con tiếp theo. Freud giải thích đến đâu tao thương Hélène đến đấy. Tao không biết Hélène ở đâu. Tao không hỏi bố mẹ vợ tao. Tao cũng không bảo thằng Paul và thằng Arthur hỏi ông bà ngoại chúng nó. Các cụ hồi đầu hay gọi điện lắm, lần nào cũng khóc lóc, lần nào cũng bắt trả lời Noel ba bố con có trang trí cây thông không, mấy tháng hè ba bố con có đi tắm nắng không, những lúc hai thằng cùng sưng họng thì tao biết nhờ cậy ai, sinh nhật chúng nó tao có biết đường mang bánh ga tô đến lớp để cô giáo cắm mấy cái nến cho chúng nó thổi. Tao đoán các cụ cũng không biết Hélène ở đâu. Tao đoán các cụ cũng muốn hỏi tao Hélène ở đâu. Những gì liên quan đến Hélène tao giữ lại hết. Đôi dép đi trong nhà, chiếc khăn tắm, lọ nước gội đầu còn một nửa, hộp phấn chưa bao giờ mở nắp, thỏi son vẹt một góc, bình nước hoa cạn tới đáy, tao cho vào một hộp, quần áo quá mốt, giầy mùa đông, sách ôn thi, bưu ảnh cũ, tao xếp vào bốn hộp nữa. Năm hộp đánh dấu thứ tự cất ngay cạnh giường ngủ, đến căn hộ mới ở Paris cũng vẫn ngay cạnh giường ngủ. Những tháng đầu khi Hélène đi, trong hòm thư ngày nào cũng có một cái đề tên Hélène. Những năm sau ít dần. Bây giờ thì chẳng ai còn viết cho Hélène. Ngay cả quảng cáo người ta cũng không gửi cho Hélène. Bây giờ mở hòm thư ra chỉ thấy tên ba bố con với một đống ca-ta-lô, giầy đàn ông, tất đàn ông, quần đùi đàn ông, nước hoa đàn ông, cắt tóc đàn ông, cắt móng tay móng chân đàn ông, viagra, xì gà, bao cao su, xe máy phân khối lớn. Mười hai năm qua, tao chỉ sợ Hélène tới bất ngờ mà ba bố con không ai có nhà. Một lần, hồi còn ở Rennes, đi làm về tao phát hiện con mèo căng bụng nằm một góc. Mười tiếng tao ở cơ quan, thằng Paul ở mẫu giáo, thằng Arhur ở nhà trẻ, ai vào đây mà cho nó ăn được. Tao bấm điện thoại hỏi bố mẹ tao. Tao qua gõ cửa nhà bà hàng xóm. Tao xuống nói chuyện với ông gác cổng. Tao sang đường gặp hai vợ chồng người láng giềng đối diện. Tao bắt đầu nghi ngờ. Hélène quí con mèo lắm. Hélène mua nó ngày bọn tao ăn hỏi. Về đến nhà, bao giờ Hélène cũng cho con mèo ăn trước, sau đấy mới chuẩn bị cơm nước cho cả nhà. Mười hai năm qua tao chỉ sợ Hélène gõ cửa, gõ đến nửa tiếng mà không ai ra mở. Hélène rất sợ phải đứng ở ngoài. Hélène rất sợ phải ở một mình. Sáu năm chung sống tao chưa bao giờ để Hélène ở nhà một mình quá một ngày. Sau khi tốt nghiệp, tao hay phải đi tỉnh khác công tác. Có lần tao lái ô tô suốt đêm để về với Hélène. Tao chỉ lo Hélène đang nằm ôm con mèo khóc, thằng Paul và thằng Arthur không hiểu chuyện gì cũng khóc theo, ba mẹ con và con mèo khóc đến sáng. Từ ngày Hélène bỏ đi, tao hay mơ thấy Hélène nằm khóc trong căn hộ mới, tao không biết ở đâu, một bên là con mèo, một bên là sáu đứa trẻ sơ sinh. Tao lên thư viện hỏi Freud. Freud bảo lúc còn bé Hélène bị mèo cắn. Con người ta cứ sợ cái gì thì hay bị cái ấy ám ảnh. Hélène bắt đầu dọn đến ở với tao là phải rủ một con mèo về ở chung, Hélène chiều chồng chiều con một thì phải chiều con mèo mười. Sáu năm ròng rã, Hélène không chịu nổi. Hélène bỏ cả mèo cả tao cả hai thằng con mà đi. Freud giải thích đến đâu tao thương Hélène đến đấy. Tao không biết bây giờ Hélène ở đâu. Danh bạ điện thoại mười hai năm nay ghi tên họ của cả ba bố con để Hélène có tìm thì thấy ngay. Máy nhắn tin tự động bật khi chuông điện thoại kêu lần thứ ba. Đi nghỉ hè Việt Nam, tuần nào tao cũng gọi điện kiểm tra. Nhưng Hélène không bao giờ gọi. Mười hai năm không gọi một lần nào. Tao không cần biết bây giờ Hélène ở đâu, với ai. Nhưng tao muốn gặp Hélène. Chỉ để hỏi sao Hélène không gọi. Mười hai năm không gọi một lần nào. Bạn bè bây giờ chẳng còn ai nói đến Hélène. Chúng nó đã kịp cưới mấy lần, li dị mấy lần, chuyển mấy thành phố. Chúng nó chẳng còn thời gian đâu mà nhớ chuyện của tao. Con cái chúng nó có lần tưởng thằng Paul và thằng Arthur là con nuôi của tao. Hàng xóm láng giềng nhìn bọn tao nghi ngờ. Trong rạp chiếu phim, ngoài bãi biển, giữa siêu thị, trước cổng trường, dưới tầng hầm đỗ xe người ta nhìn bọn tao nghi ngờ. Vô tuyến cả tháng nay rầm rĩ chuyện đồng tính luyến ái đòi quyền lập gia đình, nhận con nuôi. Thằng Paul bảo nó không muốn đi với tao nữa. Thằng Arthur bảo nó thích đi với anh nó hơn với tao. Chúng nó cũng chẳng còn nhớ Hélène. Chúng nó bảo ba chín tuổi tuần nào cũng chạy ba vòng công viên Belleville, tao vẫn còn khả năng lấy vợ. Chúng nó bảo lấy vợ đi cho chúng nó đỡ phải lo, vứt năm cái hộp của nợ đi cho phòng ngủ rộng ra tí nào hay tí ấy. Chúng nó bảo phải quên đi mà sống. Chân lý đấy. Phải quên đi mà sống. Tao lên thư viện hỏi Freud. Freud bảo tao sợ mất Hélène. Con người ta cứ sợ cái gì thì bị cái đấy ám ảnh. Sáu năm chung sống tao chỉ nghĩ đến lúc Hélène bỏ đi. Sáu năm chung sống tao chỉ đợi ngày ra tòa. Freud giải thích đến đâu, tao thương Hélène đến đấy. Hắn kể hết câu ấy thì dừng. Tôi định bảo chuyện riêng của hắn cảm động, tình yêu của hắn cao đẹp, Freud giải thích tài tình, nhưng chẳng biết đến bao giờ tôi mới đủ tài năng để đưa chúng vào tiểu thuyết. Hắn không muốn làm nhân vật của tôi nhưng nếu hắn có đề nghị bây giờ thì tôi cũng đành từ chối. Cuối cùng tôi chỉ nói hóa ra bọn mình bằng tuổi, hóa ra vợ chồng mày cũng chia tay nhau cách đây mười h i năm, hóa ra mày đến Paris ở cùng thời gian với tao, mười năm rồi đấy, thời gian như tên lửa. Hắn im lặng. Tao thấy cái tên Hélène rất đẹp. Hắn im lặng. Tao đoán Hélène mắt rất xanh. Hắn im lặng. Tao đoán con mèo mắt cũng rất xanh. Hắn im lặng. Tôi chào hắn. Chào xong, đặt máy xuống mới biết đã quên hỏi chủ nhật tuần sau có chạy ba vòng công viên Belleville không...

 

[còn tiếp]

 

Đã đăng:

Chinatown [I] (tiểu thuyết)
Đồng hồ đeo tay chỉ số mười. Thằng Vĩnh nhỏm dậy kêu mỏi. Nó ngủ trong tàu điện ngầm. Đầu ngả vào vai tôi. Tàu đến một ga nhỏ thì dừng lại. Mười lăm phút rồi vẫn không nhúc nhích. Người ta phát hiện một túi du lịch vô chủ. Người ta nghi âm mưu đánh bom một cái ga hiu hắt thế này chứa một âm mưu khác nguy hiểm hơn nhiều... (...)
Chinatown [II] (tiểu thuyết)
Đêm. Đêm có màu vàng của chiếc bóng đèn nhỏ duy nhất trong hành lang. Tôi nhìn rất lâu vào đêm. Tôi ném chiếc chìa khóa vào đêm. Trong màu vàng của đêm, nó không gây một tiếng động nào... (...)
Chinatown [III] (tiểu thuyết)
Tôi bắt đầu như thế. Tôi đã gửi đăng báo. Người ta đã đọc nó như một truyện ngắn. Tôi cũng đã coi nó như một truyện ngắn. Tôi muốn chấm dứt ở đấy. Tôi biết tôi phải chấm dứt ở đấy thì mới bắt đầu được những cái khác... (...)
Chinatown [IV] (tiểu thuyết)
Tôi còn nhớ như in một buổi tối cuối năm, bố tôi lao vào căn hộ mười tám mét vuông khu tập thể đê La Thành. Mẹ tôi lao theo. Bố tôi rút từ trong cặp ra một bản phô tô cóp pi. Mẹ tôi cầm lấy đưa cho tôi. Bố tôi hạ giọng bố mẹ có cái này cho con. Mẹ tôi cũng hạ giọng bố mẹ có cái này cho con... (...)
Chinatown [V] (tiểu thuyết)
Hàng năm, tôi vẫn xin nghỉ một ngày để đến bến tàu điện ngầm Cité, chui vào cái thang máy khổng lồ theo đoàn người rồng rắn tiến về sở Công An. Mười năm nay, tôi thuộc mặt hầu hết các nhân viên của phòng gia hạn thẻ cư trú... (...)
Chinatown [VI] (tiểu thuyết)
Cô Feng Xiao kể cả tỉnh Tứ Xuyên năm tám mươi nhận tám mươi gia đình Việt gốc Hoa. Tám mươi gia đình chia đều cho tám mươi hợp tác xã. Hợp tác xã nhà cô Feng Xiao cũng nhận lấy một. Hiền lắm cơ. Tội nghiệp lắm cơ... (...)
Chinatown [VII] (tiểu thuyết)
... Tôi đợi tàu. Tôi mặc một áo sơ mi. Khăn, mũ, áo len, áo khoác trong túi du lịch. Tôi lo tàu đến ga khi tôi đang ngủ. Tôi không dám ngồi. Tôi biết chỉ cần một bậc thềm là tôi cũng sẽ ngủ ngon lành... (...)

 

----------------------

Mời độc giả xem cuộc phỏng vấn Thuận và Phố Tầu: Dùng nghịch lý để kể những nghịch lý do Nguyễn Chí Hoan thực hiện.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021