thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
T mất tích [I]

 

Có một ngày đầu năm 2006, ở Paris, một phụ nữ gốc Sài Gòn đã biến mất.
Nhân ngày mồng 8 tháng 3, theo đề nghị của tác giả, chúng tôi xin được lần lượt gửi đến độc giả Tìền Vệ mười chương đầu của T mất tích — tiểu thuyết mới nhất do Thuận hoàn thành cách đây không lâu.

__________

 

 

I

 

T mất tích. Cảnh sát, sau bốn mươi tám tiếng đúng qui định hình sự, đã khẳng định như vậy và tung kế hoạch truy tìm trên phạm vi toàn quốc. Ngay trước đó, trong một buổi tối, tôi phải qua hai cuộc thẩm vấn, cuộc đầu tiên vào sáu giờ là của thanh tra phó đồn cảnh sát địa phương, cuộc thứ hai một tiếng rưỡi sau là của thanh tra trưởng đồn cảnh sát địa phương. Tôi tỏ ra bình tĩnh và kiên nhẫn, các lời khai có lẽ khớp nhau nên sau đó, người ta hứa để cho tôi yên. Thực ra cũng không thể khác được, các câu hỏi của cả hai thanh tra khá đơn giản và tôi đã nói sự thật một cách mạch lạc, họ có vẻ tin lời tôi và chưa một lúc nào tỏ ý muốn vặn vẹo hay đánh bẫy. Nhìn chung, các vị ấy có tác phong nhã nhặn, thậm chí lịch thiệp, bằng chứng đầu tiên là cả hai đều gọi tôi đến vào những giờ ít ảnh hưởng tới công việc của tôi và lần nào cũng tự tay mang cho tôi một ly cà phê nóng kèm đường viên đựng trong một hộp nhỏ, lấy từ góc bếp chỉ dành cho nhân viên trong đồn. Biên bản của các cuộc thẩm vấn ghi theo lời tường trình của tôi, dường như cả dấu phẩy cũng không khác nhau, tôi cảm giác đã học thuộc ngay sau khi ra khỏi đồn cảnh sát, giờ đây vẫn có khả năng nhắc lại không mấy khó khăn:

T thường rời công sở lúc 5h15, đến mẫu giáo đón Hanah con gái của chúng tôi lúc 6h kém 5 vì đúng 6h là trường đóng cửa, nội qui được hiệu trưởng thông báo ngay từ buổi họp phụ huynh đầu tiên. Hôm kia khoảng 7h tối, khi tôi đang còn ở văn phòng thì cảnh sát gọi điện yêu cầu tôi đến gặp gấp, lý do là Hanah không có ai đến đón nên đã bị đưa ra đồn và đang ngồi đợi người thân. Lúc tôi tới nơi, Hanah vừa được một nữ cảnh sát cho ăn tối, tôi trình chứng minh thư và kí vào giấy nhận con, chúng tôi về tới nhà chừng 8h30, cho đến lúc đi ngủ cũng không có một tin tức nào của T. Tôi đã gọi điện báo cho công an, cũng là nơi đã giữ Hanah lúc nãy. Hôm sau, tôi tự đưa Hanah đến mẫu giáo và tới văn phòng muộn mười lăm phút, buổi chiều xin phép nghỉ sớm một tiếng. Ngay trong ngày, tôi tranh thủ gọi điện đến chỗ làm việc của T, thường trực và hai đồng nghiệp cùng phòng đều khẳng định nhìn thấy T ra khỏi cơ quan lúc 5h10 chiều hôm trước. Vợ tôi không có cả gia đình lẫn bạn thân ở Pháp. Người duy nhất mà T đôi khi gặp gỡ là chị Xuân, cùng theo học lớp tiếng Pháp ở một tổ chức Thiên Chúa giáo khi cả hai mới đặt chân đến Paris. Trong danh bạ điện thoại, tôi tìm được số của chị Xuân. Chị Xuân đang vội đi làm và trả lời ngắn gọn từ nửa năm nay không nhận được điện thoại của T.

Rất ít khả năng là T về Sài Gòn thăm gia đình. Một chuyến đi xa như vậy, dù thế nào đi nữa, cô ấy cũng phải báo cho tôi một câu. Tôi cũng trao đổi với ngân hàng và được biết từ đợt trả tiền nhà lần cuối, tài khoản của chúng tôi không có thất thoát quan trọng, người phụ trách ngân hàng còn nhiệt tình gửi qua fax bản kê những món chi tiêu được trả bằng séc và các Visa ba tuần qua. Sau đó tôi đã kiểm tra cặn kẽ, không thấy có dấu hiệu đặc biệt, nói chung là những khoản nhỏ dưới một trăm euro, chủ yếu là tiền đi chợ và tiêu vặt trong nhà.

Việc mất tích của T tôi không kể cho ai. Cũng như T, tôi không có nhiều người thân. Mẹ tôi đã mất từ khi tôi đang ở trung học, vì một cơn đau tim cấp tính. Bố tôi sau đó một thời gian ngắn, đã cặp với một phụ nữ nghe nói rất trẻ, chỉ hơn tôi vài tuổi, rồi từ đó thay đổi tình nhân liên miên. Trên thực tế, tôi chưa bao giờ chạm mặt một ai trong số họ, tôi không quan tâm đến đời tư của bố tôi và cũng chẳng có định kiến gì với thói trăng hoa của đàn ông. Dù sao thì mẹ tôi cũng đã qua đời và bố tôi có toàn quyền quyết định cuộc sống của mình. Tôi được ông chu cấp đầy đủ và thấy không có gì phải phàn nàn về tư cách của ông. Chúng tôi sống chung một căn hộ, vẫn là căn hộ của gia đình, nhưng hiếm khi gặp nhau. Bố tôi hay có việc về muộn, nhiều khi không qua đêm ở nhà. Năm năm sau (lúc tôi đã lên Paris học đại học) không biết có phải vì quá mỏi mệt hay vì một lý do khác, bố tôi làm lễ thành hôn với người mà cho đến nay tôi chưa có dịp nào được gọi là mẹ kế. Họ có con và chuyển đến sống trong một thành phố nhỏ ở miền Nam.

Khi tôi lấy T, bố tôi và vợ không lên (trên thực tế, chúng tôi không tổ chức đám cưới, không gửi giấy mời cho ai, xong việc đăng kí ở tòa thị chính, cả bốn người - gồm tôi và T cùng hai người quen làm nhân chứng - đi ăn trưa trong một tiệm ăn ngay bên cạnh, do tôi đặt chỗ từ trước). Hanah ra đời được ít lâu, tôi gửi ảnh nó cho bố tôi. Mới đầu tôi không nghĩ đến việc ấy, nhưng tình cờ gặp một bà bác họ, bà ấy hỏi thăm tin tức của bố tôi, và tôi cũng hơi ngại ngùng vì chẳng biết gì hơn người ngoài. Ngay sau đó tôi nhận được thư trả lời. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy bố tôi có vẻ cảm động, ông gửi cho chúng tôi một bức thư viết tay gần một trang giấy A4 kể về cuộc sống ở thành phố nhỏ miền Nam, về công việc quản lý hành chính trong một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô, không rõ hài lòng hay bất mãn, nhưng cuối thư nói cám ơn tôi và T đã cho ông được lên chức ông nội. Bố tôi gửi cho Hanah (ông gọi nó là cháu gái thân yêu) một quyển an-bom gắn bộ tem về bướm nhiệt đới màu sắc lộng lẫy, trang cuối cùng có viết mấy chữ đại để hy vọng sau này lớn lên, con bé sẽ tiếp tục sưu tầm. Trang ấy Hanah đã làm rách rồi vứt đâu mất, nhưng bộ tem thì nó vẫn để trên giá sách trong phòng riêng, tuy không còn hay mở ra như trước.

Tôi quên không kể rằng, bố tôi kèm trong bức thư gửi cho chúng tôi một tấm ảnh gia đình riêng của ông. Trong ảnh, bố tôi không thay đổi mấy, tóc chưa có sợi bạc và da vẫn phẳng, vợ ông thì ngược lại, bệ vệ, không ra nghiêm khắc cũng không ra dễ dàng, một thằng bé khoảng hơn mười tuổi đứng giữa hai người, lúc đó tôi mới biết họ có con trai. Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất tôi gặp những ai có thể gọi là thân - mẹ kế và em cùng cha khác mẹ - tất nhiên là gặp trên ảnh chứ không phải ngoài đời. Năm năm trôi qua, tôi không nhận thêm thư từ gì của họ. Tôi nhớ năm năm một cách chính xác vì căn cứ vào ngày sinh của Hanah mà tính ra.

Sau hai cuộc thẩm vấn, các thanh tra cảnh sát bảo tôi sẽ không còn bị gọi lên đồn nữa. Họ đưa cho tôi hai tấm danh thiếp, có ghi cả số điện thoại di động, bắt tay tôi rồi nói: «nếu có tin hoặc nhớ thêm điều gì thì liên lạc gấp, ngay cả muộn cũng không sao». Tôi hỏi lại: «muộn nhất là mấy giờ?». Thanh tra trưởng đồn bảo: «nửa đêm, chẳng may không gặp thì nhắn lại». Thanh tra phó đồn ngần ngừ một chút rồi bảo: «nói vậy thôi, chứ không có tin gì đâu, trường hợp này có vẻ nan giải đấy». Song vỗ vào vai tôi nói: «đời là vậy, đừng mất công buồn».

Hai ngày sau, đang giờ làm việc thì tôi nhận được điện thoại của một người lạ mặt. Hắn ta tự giới thiệu là Delon đại úy cảnh sát. Sau khi tự nhắc lại tên một lần nữa, hắn ta nói được sở Nội Vụ thành phố giao nhiệm vụ theo dõi trực tiếp cuộc truy tìm T trên lãnh thổ nước Pháp. Tôi nhìn sang Paul, rồi nói nhỏ vào điện thoại rằng giờ ăn trưa sẽ liên lạc lại. Đầu máy bên kia tặc lưỡi một cái, vẻ không hài lòng lắm, nhưng cũng để lại số điện thoại rồi tự động đặt máy xuống. Tôi nghe một tiếng tách khô khan. Paul không phản ứng, có lẽ không biết chuyện T mất tích, cả công ty đang bận một đề án mới, ban giám đốc vừa triển khai thêm một dây chuyền sản xuẩt dược phẩm nữa tại Đông Âu. Tôi thì không có khái niệm đề án mới hay cũ, công việc của tôi là làm kế toán và phiếu trả lương. Luật lao động Martine Aubry qui định 35 tiếng một tuần nhưng ngay cả thứ sáu tôi cũng không rời khỏi phòng trước 7h tối. Đằng thẳng ra thì tôi làm việc gần gấp rưỡi thời gian qui định. Nói chung các nhân viên khác cũng vậy. Các sếp nhiều khi còn về muộn hơn chúng tôi. Trong công ty hầu như ai cũng nhận lương tháng thứ mười ba, một kiểu đền bù, điều này ghi rõ trong hợp đồng làm việc của từng người. Thế nên, luật lao động chưa bao giờ được đề cập đến. Nói đúng ra, nó là một từ húy, một từ bị bỏ quên hoàn toàn trong công ty tôi. Các đồng nghiệp của tôi nói về Hitler, Fidel Castro, Ben Laden, Chirac… hay bất kì vị nào trong chính phủ, các sếp nghe được đôi khi còn tán thêm vào, nhưng Martine Aubry thì tuyệt nhiên không ai nhắc đến. Hôm trước, khi giải thích việc đi muộn và về sớm để đưa đón Hanah, tôi chỉ nói ngắn gọn là vợ ốm. Sếp trực tiếp của tôi tên là Brunel (làm việc ở cùng tầng, cách đó một phòng) không gật cũng không lắc, mắt dán chặt màn hình vi tính, nhưng tôi biết những gì tôi nói đều được ghi vào bộ nhớ của hắn. Không hiểu sao tôi luôn bị cảm giác Brunel biết hết lý lịch riêng của tôi. Một lần hắn hỏi thăm T. Tôi hơi giật mình vì chưa từng kể chuyện gia đình với người khác trong công ty, không đồng nghiệp nào biết tên T và Hanah. Tôi chưa kịp phản ứng thì hắn có điện thoại nên ra hiệu cho tôi ra ngoài. Lần này, tôi cũng ngại phải trả lời Brunel. May mà hắn không hỏi han thêm. Thị trường dược phẩm các nước Đông Âu đang cạnh tranh quyết liệt, Đức là địch thủ hàng đầu của công ty.

Tối hôm đấy, tôi thương lượng với vợ chồng bà gác cổng tiền công đưa đón Hanah, tổng cộng mỗi ngày hai tiếng, mỗi tiếng bảy euro. Hôm nào tôi về muộn quá, họ sẽ tắm và cho nó ăn tối. Tất nhiên, khoản đó sẽ được tính thêm vào cuối tháng. Các vị gác cổng yêu cầu mọi thứ phải trả bằng tiền mặt và không khai báo. Kể ra thì tôi bị thiệt vì không thể trừ vào thuế thu nhập cuối năm. Có vẻ như họ bắt bí tôi. Được cái, vợ chồng họ ở ngay tầng trệt, trước khi đi làm tôi chỉ việc thả Hanah ở đó, lúc về thì rẽ qua đón nó, chẳng tốn thêm phút nào. Tiễn tôi ở cửa, bà gác cổng có lẽ không kìm được, đã buộc miệng hỏi tôi có tin tức gì của «bà nhà» không. Hỏi xong quay sang nhìn chồng, ông ta lừ mắt. Tôi không trả lời, im lặng chui vào thang máy.

Giữ lời hứa với viên đại úy sở Nội Vụ thành phố, giờ ăn trưa, tôi xuống căng tin mua một xuất ăn nhanh gồm bánh mì kẹp thịt hun khói và nước hoa quả rồi quay lại phòng, đợi Paul đi khỏi mới bấm điện thoại. Delon nhấn mạnh hai lần liền rằng vụ này đã không còn ở mức thụ lý của cảnh sát địa phương, theo kinh nghiệm thì «có vẻ nghiêm trọng chứ chẳng chơi». Rồi không cần biết câu tuyên bố này có ảnh hưởng gì đến người đối thoại, Delon đề nghị tôi cung cấp một chân dung mới chụp gần đây nhất của T. Khôi hài thật, tôi thầm nghĩ. Từ hai ngày nay, cảnh sát tuyên bố tung kế hoạch «truy tìm T trên toàn lãnh thổ nước Pháp» thế mà không có một tấm ảnh nào của cô ấy. Tôi bảo rằng cảnh sát tự đi mà tìm lấy, ở bộ Nội Vụ, hay sở Di Trú, thế nào chẳng có hồ sơ xin quốc tịch của T. Tôi nhớ là đã cố lộ vẻ cáu kỉnh khi nói câu này. Delon phớt lờ, hỏi lại: «trong tủ riêng không tìm được chân dung nào của bà nhà à?». Tôi trả lời là tôi không có thói quen lục tủ riêng của người khác. Delon tỏ ra không tin, im lặng khá lâu, rồi đặt máy xuống. Cứ như hắn sắp lao đến căn hộ của tôi để kiểm tra sự thật. Tôi vứt khúc bánh mì vào sọt rác cạnh bàn làm việc, uống một ngụm nước cam, song ném đi hơn nửa cốc. Nước cam bắn ra ngoài, tạo thành một vệt thẫm trên thảm, tôi cũng không buồn lau.

Lâu lắm rồi tôi mới bỏ bữa trưa. Chỉ vì câu nói vẩn vơ của một nhân viên cảnh sát hình sự. Thật là bất công. T mất tích. Và tôi có tội tình gì cơ chứ. Người ta không có quyền đối xử với tôi như vậy. Cảnh sát không có quyền nghi ngờ tôi. Tôi còn công ăn việc làm. Chỉ cần tôi bỏ việc một giờ không xin phép là công ty sẽ mời tôi nghỉ ở nhà luôn cho khỏe. Mỗi năm có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp các trường kế toán. Mỗi tháng có bao nhiêu nhân viên kế toán xếp hàng đăng kí trợ cấp thất nghiệp. Mỗi ngày, công ty nhận được bao nhiêu đơn xin việc của các chuyên viên kế toán. Công ty không hơi đâu mất thời giờ vào một tấm chân dung.

Tôi tiếp tục khó chịu cho đến đầu giờ chiều khi Paul và một đồng nghiệp khác bước vào phòng. Họ vui vẻ vì món bít tết của căng tin hôm nay khá thành công, vừa đúng độ chứ không quá chín hay quá tái như mọi khi. Hình như rượu vang đợt này cũng êm, các sếp chịu xuất tiền hơn (phòng kế toán chúng tôi rõ từng xu các khoản thu chi của công ty). Paul nhìn tôi chăm chú rồi hỏi có muốn uống cà phê không. Đồng nghiệp kia cũng đồng ý, nháy mắt với Paul bảo cà phê đậm mới tiêu được khoanh bít tết phải hai lạng là ít, đúng là căng cơ bụng trùng cơ mắt, chỉ muốn chui vào góc phòng làm một giấc. Tôi thờ ơ gật đầu. Thực ra bụng tôi chẳng có gì cần tiêu. Nó đang sôi và phát ra những tiếng ùng ục mà tôi cứ phải nghe mãi một mình. Paul chạy ra ngoài rồi mấy phút sau bưng vào ba ly nhựa bốc khói. Tôi được một. Mùi cà phê làm tôi bình tĩnh lại. Những sợi khói mềm mại khiến trí óc tôi thư giãn đôi chút. Paul vẫn đứng tán dóc. Đồng nghiệp kia bảo từ đằng sau khiến phụ nữ khoái nhất. Paul bảo chẳng cứ đâu, rồi hạ giọng thì thào. Tôi chẳng lạ. Không cần phải hôm nào bữa trưa căng tin có bít tết ngon và rượu vang êm, cứ ăn uống xong là các đồng nghiệp rất nhiệt tình câu chuyện giường chiếu. Dạ dày và cơ quan sinh dục liên quan chặt chẽ với nhau. Cả hai càng tán, càng hứng khởi, đồng nghiệp kia bảo «cô nàng» được lắm à, hôm nào cho xin số điện thoại nhé. Không cần quay sang, tôi cũng biết anh ta đang nháy mắt với Paul. Công ty đang có mốt nháy mắt. Hành lang, căng tin, thang máy, đâu đâu cũng thấy nháy mắt. Cách đây nửa năm là mốt vỗ vai. Thế nào khỏe chứ, vỗ vai một cái. Bao giờ được lên lương đây, vỗ vai một cái. Bít tết hôm nay dai nhỉ, vỗ vai một cái.

Hồi tôi mới vào làm, suốt ngày nghe các đồng nghiệp hắng giọng. Đầu tiên ngỡ họ hắng giọng để chuẩn bị cho một phát ngôn quan trọng. Mấy tuần sau vỡ lẽ đó là mốt trong công ty. Mấy tuần sau nữa thì vỡ lẽ thêm mình cũng đang theo mốt. Chỉ có điều khi mốt này đã qua, các đồng nghiệp chuyển sang mốt chép miệng thì tôi không sao theo được, vẫn cứ lâu lâu lại hắng giọng, cho đến tận bây giờ thành luôn thói quen. Tôi biết họ nhìn tôi lạ lùng, nhưng không sao bỏ nổi. Những mốt đó, tất nhiên chỉ phổ biến giữa các đồng nghiệp, chứ cấp trên của chúng tôi không hay tẹo nào. Tôi có cảm giác mới đầu chỉ do muốn trêu chọc một sếp nào đó (thực ra là để trả thù vì bị ông ta dọa đuổi việc hay phê bình đi làm muộn, nghỉ ốm nhiều) mà cấp dưới đã mang một động tác tiêu biểu của ông ta ra bắt chước, rồi do người này lặp đi lặp lại cho người khác cùng cười mà biến thành mốt trong toàn công ty. Sau đó một thời gian, lại đến lượt một sếp khác, luân chuyển toàn bộ ban giám đốc. Nhưng suy cho cùng thì cấp trên vẫn là cấp trên, ngay cả khi bị trêu chọc thì họ cũng không trở thành nạn nhân của cấp dưới (họ hoàn toàn không hay biết về việc bị trêu chọc). Ngược lại, một cách vô tình, họ còn trở thành người tiên phong cho một cái mốt nào đó.

Mỗi công ty như một xã hội thu nhỏ, chẳng phải vô cớ mà cả hai cùng là từ «société». Ngày trước, khi chưa có các công ty, xã hội được chia theo giai cấp, người giàu người nghèo. Thời đại này, cả từ «giai cấp» lẫn từ «giàu» từ «nghèo» đều bị cho là lỗi thời, nhưng thực ra chúng chỉ biến khỏi ngôn ngữ nói chứ vẫn tồn tại an toàn trong bộ não người đương thời. Nhìn giấy đóng thuế của anh A, thể nào họ cũng tự động nghĩ xem anh ta thuộc về giai cấp nào trong xã hội. Nhìn phiếu trả lương của anh B, thể nào họ cũng lập tức nghĩ xem anh ta giữ vị trí nào trong công ty. Trẻ con cũng không thoát được cái «thang giá trị» ấy, tiền căng tin của chúng thổ lộ rằng bố chúng là văn sĩ còm, cán bộ cao cấp hay bác sĩ có phòng mạch riêng. Khi một phụ nữ kêu ca con cái nhà chị ta ăn trưa, cắm trại, tập bóng bầu dục đều phải đóng bậc F thì rất có thể là chị ta muốn khoe khéo cái phiếu trả lương của mình, hay của chồng mình, hay của cả hai. Đứa trẻ mà đóng bậc A thì mẹ nó bao giờ cũng im lặng.

Những cái phiếu trả lương mới bộc tuyệch làm sao! Chúng bô bô nói với xã hội bí mật của mỗi người. Ảnh chân dung được sử dụng để nhận diện một con người, còn phiếu trả lương lại được sử dụng để nhận định giá trị của người ấy. Đến thuê nhà, chủ nhà bắt trình phiếu trả lương. Đến mượn tiền, ngân hàng bắt trình giấy trả lương. Đến xin việc mới, công ty bắt trình phiếu trả lương cũ…Phiếu trả lương thành vật bất ly thân, một kiểu chứng minh thư đương đại.

Hàng tháng tôi có trách nhiệm phải hoàn thành phiếu trả lương cho toàn bộ công ty. Có lẽ ngoài ban giám đốc, tôi là người duy nhất nắm rõ giá trị của từng đồng nghiệp. Không hiểu có phải vì thế mà họ không ưa tôi ra mặt.

Paul và đồng nghiệp kia vẫn vui vẻ tán chuyện. Cả hai liên tục nháy mắt. Hình như «cô nàng» là một phụ nữ không còn trẻ nhưng rất bốc, nhiều chiêu đặc biệt. Paul hứa sẽ giới thiệu. Đồng nghiệp kia cười sung sướng. Tôi nhìn họ rồi tự nhủ việc quái gì mà tôi phải làm khổ mình, thực ra đại úy Delon cũng chỉ đặt câu hỏi một cách nghiệp vụ, hoàn toàn không ẩn ý, yêu cầu duy nhất của hắn là một tấm chân dung của T. Tóm lại, nếu tôi không có tội thì không ai có thể nhốt tôi vào tù.

Dầu sao tôi cũng phải thừa nhận đã vội vàng tin vào sự nhã nhặn và lịch thiệp của cảnh sát, đã cảm động thái quá trước hai cốc cà phê nóng có bỏ đường viên của các vị thanh tra. Linh tính cho biết chỉ vài ngày tới, rất có thể tôi sẽ phải đi đến những nhận xét ngược lại.

7h15 tối, tôi đứng lên mặc áo khoác. Cái đói làm tôi hoa cả mắt. Và bụng thì đình công. Nó không còn phát ra những tiếng ùng ục. Nó kiệt sức vì từ sáng đến giờ chỉ được một cái bánh sừng bò mỏng. Hành động phản kháng quyết liệt nhất của nó là bất động hoàn toàn. Một khoảng trống ngay thắt lưng làm tôi đau quặn. Lúc tôi đi ngang phòng thường trực, cô nhân viên tổng đài lên tiếng chào rồi làm như vô tình hỏi: «gặp chuyện gì mà cảnh sát thành phố gọi điện vậy?». Tôi trấn tĩnh nhanh chóng và bảo có một vụ trộm nhỏ trong khu nhà tôi ở, nên tất cả mọi người đều được cảnh sát gọi điện để hỏi thông tin. Cô ta không nói gì và tôi bỏ đi. Ra đến cổng tôi vẫn thắc mắc không hiểu sao sáng nay cô ta đã không báo trước mà ngay lập tức chuyển cho tôi cú điện thoại của viên đại úy. Theo luật của công ty, tất cả các cú điện thoại từ ngoài gọi vào đều phải được nhân viên tổng đài giữ lại và chỉ chuyển cho người nhận nếu người này đồng ý. Tôi có cảm giác còn khó chịu hơn cả lúc trưa, sau khi nói chuyện với viên đại úy. Thế nghĩa là Delon đã phá được luật của công ty, hắn chẳng biết sợ ai, và cười khẩy vào cái công ty dược phẩm tư nhân vớ vẩn này (điều này thì công nhận là hắn đúng). Rất có thể hắn đã tự giới thiệu là người của sở Nội Vụ thành phố và lấy tư cách cảnh sát đặc vụ để trò chuyện khá lâu với cô trực tổng đài, sau đó thuyết phục được cô ta chuyển thẳng điện thoại cho tôi. Nhưng tại sao hắn không muốn cô ta xin ý kiến tôi ? Hắn lo tôi không chịu tiếp chuyện hắn? Hắn cho là tôi phạm tội nên sợ cảnh sát, và tránh nhân viên hình sự? Hắn đã hỏi vặn cô tổng đài những gì về tôi? Mà trên thực tế thì cô ta biết gì về tôi? Sao bỗng dưng tối nay cô ta lại lên tiếng chào tôi rõ to? Đằng sau câu chào đó, dường như là sự nhờn mặt, miệt thị hoặc một điều gì không biết nữa.

Tàu điện ngầm đông cứng. Hai lần tôi bị giày mũi nhọn huých vào chân đau điếng, nhưng vẫn không quên nổi cảm giác khó chịu mà viên đại úy gây ra. Tôi phải nắm chặt cái cặp mới giữ được nó không tuột khỏi tay. Thỉnh thoảng tôi bị những người bên cạnh ẩy ra, hình như tôi đã mệt quá mà dựa lưng vào họ. Một phụ nữ còn lên giọng bảo: «đừng có lợi dụng lúc giờ cao điểm để giở trò mất dậy». Nhưng chị ta nói tiếng Pháp bằng một giọng lơ lớ nên chẳng được ai để ý. Chưa bao giờ tôi rơi vào tình trạng kiệt quệ như vậy. Tôi về đến nhà đúng 8h tối. May mà không lỡ lần chuyển tàu nào.

 

[đón xem chương II]

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021