thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
T mất tích [II]

 

kỳ trước: T mất tích [I]

 

II

 

Tôi vừa bước vào phòng thì Paul báo cách đây hai phút, ai đó gọi cho tôi, không để lại tên nhưng có cho số điện thoại, đề nghị tôi gọi lại vào giờ ăn trưa. Tôi không cởi áo khoác ngoài, tiến lại bàn làm việc của Paul, giật lấy mẩu giấy màu vàng trên tay anh ta. Đúng như tôi tiên đoán, viên đại úy đã gọi đến đây. Nghĩ tới hắn là tôi chán nản. Không hiểu bằng cách nào mà Delon nắm được lịch làm việc của tôi, bởi vì chỉ Paul và sếp trực tiếp của tôi mới rõ 9h sáng hôm nay tôi phải đến gặp phó giám đốc tài chính để chuyển cho ông ta chiếc đĩa mềm ghi phiếu trả lương. Tổng cộng mất mười lăm phút kể cả thời gian trong thang máy và thời gian vượt một hành lang năm chục mét bằng đúng chiều rộng của ngôi nhà. Delon biết điều đó nên cố tình gọi điện cho tôi trước 9h15, thừa lúc tôi vắng mặt đã bắt chuyện với Paul. Hắn nhất định không cho Paul biết tên riêng (mặc dù rất muốn khoe cái họ nổi tiếng của mình) và chức vụ (cũng muốn khoe không kém) để Paul không ngần ngại mà trả lời các câu hỏi hắn đặt ra.

Trên mẩu giấy màu vàng, bên cạnh số điện thoại của Delon, tôi thấy một xê-ri hình lò so, cái này chồng lên cái kia. Làm việc cùng phòng với Paul, tôi biết anh ta có thói quen vẽ hình lò so mỗi khi nghe điện thoại. Bàn của Paul bao giờ cũng có sẵn mấy tờ giấy dành cho hình lò so các loại, lúc to lúc nhỏ, lúc dài lúc ngắn, không hiểu được sáng tác từ cảm hứng nào nhưng bao giờ cũng chứa những hình tròn thật tròn. Thói quen đó, Paul có trước khi đến đây làm việc. Mới đầu tôi đồ anh ta mang mốt của công ty khác về. Sau lại nghĩ không hiểu có ông sếp nào chịu vẽ hình lò so khi nghe điện thoại. Tôi đã nhiều dịp đến gặp các cấp trên, và luôn luôn chứng kiến trước mặt họ là những tờ giấy nhằng nhịt các con số và các kí hiệu nhưng chưa bao giờ là những hình lò so.

Mới đây tôi xem một bộ phim trong đó nhân vật chính (một cựu nhân viên CIA) tình cờ giải mã được những kí hiệu đặc biệt mà trưởng phòng của anh ta đã ghi trên tập giấy nháp, từ đó anh ta đi đến một kết luận cực kì quan trọng: trưởng phòng làm việc hai mang cho đối thủ của công ty; nhân phát hiện này, ban giám đốc triệt hạ được đối thủ cạnh tranh số một, và để thưởng công đã tặng anh ta cái ghế trưởng phòng. Một happy end đầy tính Hollywood, nhưng phải công nhận là diễn viên vào vai trưởng phòng thật tuyệt, mấy ngày liền tôi bị ám ảnh, đến độ nhìn trưởng phòng nào cũng thấy hắn trong đó. Tôi đã kiểm tra kĩ các kí hiệu hắn ghi trên tập giấy nháp (thường xuyên được quay cận cảnh trong phim) nhưng không tìm thấy hình lò so. Có thể nhờ thế mà tôi hiểu rằng thói quen vẽ hình lò so của Paul không bắt nguồn từ một cấp trên nào cả mà là thói quen riêng của chính anh ta, nhưng nó được hình thành trong hoàn cảnh nào thì tôi không biết, khéo bản thân Paul cũng chẳng biết.

Những hình lò so trên mẩu giẩy vàng, bên cạnh vẫn là số điện thoại của viên cảnh sát. Tôi cố đoán tâm trạng của Paul khi tiếp chuyện Delon. Chúng chồng chéo vào nhau, không theo một logic nào cả và tôi đành bó tay, nhưng nhằng nhịt thế kia có nghĩa là cú điện thoại khá dài. Bỗng Paul hỏi: «chuyện gì vậy, có nghiêm trọng lắm không?». Tôi nhắc lại cái câu tôi từng dùng để trả lời cô trực tổng đài tối hôm qua. Paul tỏ vẻ ngạc nhiên: «không ngờ được đấy mà là thanh tra cảnh sát». Tôi không hiểu Paul hàm ý gì. Chẳng lẽ Delon đã tỏ ra nhã nhặn đến thế. Nhưng dù đóng kịch giỏi đến đâu thì thói lịch sự thông thường cũng không cho phép hắn nói chuyện về người khác sau lưng. Khi tôi không có mặt ở văn phòng thì hắn ta, nếu muốn tỏ ra nhã nhặn, phải tự động đặt máy xuống sau khi để lại họ tên và số điện thoại. Cả hai động tác ấy tổng cộng có lẽ chỉ mười giây là cùng. Đằng này hắn đã tranh thủ hỏi han Paul, rất có thể trong mười ba phút liền (từ 9h sáng đến hai phút trước khi tôi vào phòng). Mười ba phút mà biết sử dụng tối đa thì khai thác được bao nhiêu thông tin quan trọng. Nghiệp vụ cảnh sát hẳn giúp hắn đắc lực. Tôi tưởng tượng bỗng dưng nhận được một cú điện thoại của ai đó muốn thăm dò đời tư của Paul lúc Paul đi vắng. Không biết có khi nào xảy ra không đây?

Mất một hồi lâu tôi vẫn không quyết định được sẽ xử sự thế nào trong trường hợp ấy, sẽ bực mình đập máy xuống hay vờ như không biết rồi cung cấp tất cả những gì tôi rõ từ mấy tháng nay về đồng nghiệp cùng phòng. Rồi tôi lại tự hỏi nhưng trên thực tế tôi biết gì về Paul. Ngoài thói quen vẽ hình lò so khi nghe điện thoại, anh ta còn một thói quen khác là chốc chốc tháo kính, hà hơi mạnh cho hai mắt kính đẫm nước, cuối cùng rút vạt áo sơ mi ra lau. Một lần, tôi đã tặng anh ta một tệp giấy ẩm lau kính, nhưng sau lại đâu vào đó. Bây giờ mỗi khi thấy anh ta tháo kính là tôi tìm cách trốn ra ngoài hành lang. Hơi thở của Paul có mùi khá nặng, hăng hăng như mùi đất đèn. Có cảm giác anh ta bị một bệnh cực nặng liên quan đến đường hô hấp, nhưng không dám nói ra, sợ chẳng đồng nghiệp nào muốn làm việc chung phòng. Đôi khi, giữa ánh sáng ảm đạm của buổi chiều muộn, bụi vẩn lên từ đám không khí trước mặt Paul khiến tôi liên tưởng tới một đàn vi trùng đông đúc, trong điều kiện chật hẹp và ấm áp của văn phòng, đang sinh sôi và phát triển bằng một vận tốc đáng ngờ, chẳng mấy chốc sẽ tiến thẳng vào buồng phổi của tôi.

Cuối cùng, tôi cũng không biết là nếu được hỏi, sẽ cung cấp cho cảnh sát những tin tức gì về đời tư của đồng nghiệp cùng phòng. Hai thói quen của Paul nghe chừng vô giá trị, chắc tôi vừa đề cập, người ta đã gạt đi. Căn bệnh liên quan đến đường hô hấp, người ta cũng sẽ gạt đi nốt, lý do chưa có bằng chứng cụ thể. Tốt nhất là đề nghị cảnh sát liên lạc trực tiếp với bác sĩ của anh ta, hay với Brunel, tôi tin là hắn ta biết rõ tình trạng sức khỏe của từng nhân viên, Paul vừa đến làm việc được mấy tháng, giấy chứng nhận y tế nộp lúc mới vào hẳn còn cập nhật.

Đúng là tôi có vấn đề với hơi thở của Paul và căn bệnh liên quan đến đường hô hấp của anh ta, nhưng trong thâm tâm tôi hiểu điều làm tôi mất cảm tình với Paul không phải ở chỗ ấy.

Paul hỏi tiếp: «bọn trộm lấy đi cái gì vậy?». Tôi ngây mặt. Anh ta tìm cách đặt câu hỏi một cách khác: «hàng xóm bị mất trộm đúng không?». Tôi gật đầu. Để chấm dứt câu chuyện, tôi bảo: «chẳng mất gì cả, kẻ gian vừa bẻ khóa thì bị vợ chồng gác cổng phát hiện». Nhưng tôi đã lầm, câu trả lời của tôi chỉ kích thích thêm trí tò mò của Paul. Anh ta chồm cả người lên bàn, hỏi với sang: «làm sao phát hiện ra hay vậy?». Rồi cứ thế truy tôi về vợ chồng gác cổng, nào là họ trẻ hay già, vui vẻ hay lạnh lùng, người Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha, nào là họ sống một mình hay với một đàn con, thâm niên bao nhiêu năm trong nghề, một khu nhà mà nuôi cả vợ lẫn chồng gác cổng thì phải trả phí cao lắm, mỗi hộ trung bình đóng bao nhiêu một quí… Tôi ngạc nhiên trước tính tò mò như gái già của Paul. Lần đầu tiên anh ta lắm lời như vậy với tôi. Ra hành lang, gặp các đồng nghiệp khác, anh ta tán như súng liên thanh. Nhưng cứ quay lại phòng, không hiểu sao Paul ít nói, thậm chí khinh khỉnh (thú thật là tôi không có ý định tìm hiểu nguyên nhân và trong thâm tâm thấy thế lại càng mừng). Làm việc cùng nhau mấy tháng nhưng hầu như chưa bao giờ chúng tôi nói chuyện riêng. Một đôi lần tôi mời anh ta cà phê và ngay sau đó, anh ta tìm cách mời lại, dường như để có qua có lại, xã giao là chính.

Tôi quyết định không trả lời các câu hỏi của Paul, cúi đầu làm việc, coi như không có chuyện gì xảy ra. Paul chắc cũng hiểu và trở nên im lặng. Cả phòng chỉ nghe tiếng ngón tay gõ lách tách vào bàn phím. Trong góc nhà, nhiệt kế chỉ số 25. Hơi thở của Paul hôm nay lại được dịp hâm nóng, đàn vi trùng mấy nghìn con có lẽ đang chen chúc chui từ phổi anh ta để ra ngoài sưởi ấm. Không khí ngột ngạt mùi đất đèn.

Một lúc sau, tôi nhận ra rằng ý nghĩ về đàn vi trùng hay mùi đất đèn còn dễ chịu hơn nỗi nghi ngờ về tất cả mọi thứ, có lẽ đã xuất hiện vào lúc 9h15 khi Paul thông báo cho tôi cú điện thoại của viên đại úy Delon. Xê-ri hình lò so vẫn còn nguyên trên bàn, tôi nheo mắt một lần nữa và phát hiện các hình tròn trong đó càng về sau càng kém tròn, dường như chúng không được vẽ bằng một nét, mà vài nét ghép lại. Ngay từ trẻ con, người nào cũng đã được học trong sách giáo khoa sinh vật rằng khi thần kinh não bỗng dưng mất tập trung thì các bộ phận khác trên cơ thể cũng hoạt động kém hẳn (ví dụ đang chạy rất nhanh nhưng chợt nhớ tới bài kiểm tra phải làm ngày mai thì chân tự nhiên chậm lại, tay cũng uể oải, miệng phát mấy tiếng thở dài). Từ đó suy ra trong lúc tiếp điện thoại viên đại úy, một hay vài điều nghe được đã lần lượt chi phối đầu óc của Paul để bàn tay anh ta không còn khả năng vẽ nên những vòng tròn rất tròn như lúc ban đầu. Đó là những thông tin gì? Có phải chỉ về chuyện T mất tích hay còn liên quan tới cá nhân tôi? Nếu liên quan tới cá nhân tôi, thì chúng quan trọng đến mức độ nào mà Paul không muốn cho tôi biết? Hay chính viên đại úy đã đề nghị Paul đừng kể với tôi? Các câu hỏi làm tôi rối bời. Mùi đất đèn mỗi lúc trở nên ngột ngạt hơn.

Tuy không nhìn sang phía Paul, tôi vẫn có cảm giác anh ta đang chăm chú theo dõi tôi. Thỉnh thoảng tiếng lách tách của bàn phím bỗng dưng dừng lại một cách đáng ngờ, y hệt như con mèo đùa với cuộn len nhưng ai cũng biết mục đích chính của nó không phải là tháo len cho bà chủ mà là rình rập con chuột nấp trong góc nhà.

Tôi thấy mệt mỏi làm sao, căn phòng chập chờn, màn hình như ống kính vạn hoa, thoắt ẩn thoắt hiện những kí hiệu chưa từng biết, những chữ cái lạ lùng hơn Ấn tự. Thế mới hay chẳng ai muốn có vấn đề với cảnh sát. Tôi có cảm giác cuộc đời bỗng dưng bị xáo trộn vì sự ra đi của T thì ít mà vì viên đại úy Delon thì nhiều.

Giọng Paul thình lình kéo tôi về thực tại. Tôi nghe anh ta hỏi: «sao không gọi điện cho viên đại úy đi?». Những âm cuối cùng được kéo dài hơn bình thường, trở nên ê a, rõ vẻ chọc ghẹo hay mỉa mai thường được dành cho các nạn nhân bất hạnh. Tôi chợt nhớ ra rằng từ sáng tới giờ, chỉ có anh ta đặt câu hỏi, trong khi trên thực tế, người đặt câu hỏi phải là tôi. Bằng cách nào mà anh ta lại biết chủ nhân cú điện thoại lúc 9h sáng mang chức vụ đại úy? Ban nãy tôi chỉ nói rằng đó là một thanh tra cảnh sát. Cái cách anh ta thúc tôi liên lạc lại với Delon cứ như một sự vụ đại quan trọng cũng vô lý không kém. Tôi chẳng đã giải thích vụ trộm không mất gì và tất cả dân cư trong khu nhà đều được cảnh sát hỏi thăm đó sao. Nếu tôi có việc cá nhân cần trao đổi qua điện thoại thì anh ta phải tự động bước ra khỏi phòng. Anh ta cố tình ngồi lại có phải để kiểm tra những điều tôi sẽ trả lời viên đại úy? Anh ta biết là tôi khó chịu với cảnh sát? Anh ta hành động như vậy chỉ vì tò mò hay theo mệnh lệnh của ai?

Không ngẩng lên, tôi nói với Paul : «đến giờ ăn trưa mới phải gọi lại chứ?». Tuy cố trấn tĩnh nhưng giọng tôi vẫn không bình thường. Suốt từ sáng, đây là lần đầu tiên tôi hỏi lại Paul. Tôi có cảm giác đang đối diện với viên đại úy cảnh sát chứ không phải một đồng nghiệp chia phòng từ mấy tháng nay. Cùng cảm giác đó là nhận thức về sự yếu đuối thảm hại của mình. Thật là bất công. Tại sao người ta lại bất công với tôi như vậy? T mất tích. Cô ấy có quyền bỏ đi mà không cần xin phép ai. Nhưng tôi thì ở lại. Và đó đâu phải là lỗi của tôi. Tôi ngả toàn thân vào ghế để khỏi bị ngã xuống sàn. May mà ghế đã rộng lại có thành cao và dày. Không biết có phải vì các nhà sản xuất đã dự tính những giây phút nguy kịch thế này?

Bên kia, những tiếng lách tách gõ vào bàn phím cũng dừng. Chắc Paul bất ngờ trước câu hỏi của tôi. Tôi ngẩng lên nở một nụ cười. Phòng làm việc không có gương soi nhưng tôi biết là nó nhàu nhĩ, y hệt những ngón tay tôi và cả chiếc áo trên người, mấy ngày rồi chưa thay. Paul im lặng còn tôi tiếp tục cười, cho đến khi anh ta quay mặt đi, có lẽ để dấu cảm giác khó chịu (hay kinh tởm không biết chừng). Không có chuyện này thì anh ta cũng đủ ghét tôi lắm rồi.

Giờ ăn trưa cuối cùng cũng đến. Tôi xuống căng-tin mua một xuất ăn nhanh. Lúc quay lại, tôi nấn ná ở hành lang, tận mắt chứng kiến Paul đi vào thang máy, mới bước về phòng. Cái bàn trống không của anh ta khiến tôi thấy bình tĩnh hơn. Tôi tự nhủ không gọi điện cho viên đại úy ngay. Tôi sợ hắn ta lại làm hỏng bữa trưa của tôi. Tôi sợ tối nay, trong tàu điện ngầm, lại phải dựa lưng vào những người bên cạnh. Tôi ngồi nhá bánh mì, và để bớt căng thẳng, mở một cuốn họa báo ra xem. Vượt qua hơn chục bộ ngực các loại, tôi dừng lại ở đôi vú trần vĩ đại của Emmanuelle Béart. Cô ta đang khỏa thân dưới nước. Mặt trời chói chang chiếu vào hai đầu vú đỏ nhòn nhọn. Cặp mông cũng tuyệt làm sao. Thấy rõ cả những sợi lông màu hung mịn màng. Chúng khiến xuất ăn nhanh trở nên dễ nuốt hơn. Khúc bánh mì kẹp thịt hun khói trông thế mà cung cấp nhiều năng lượng ra trò. Uống xong cốc nước cam, đầu óc tôi sáng sủa hơn hẳn. Tôi nghĩ có lẽ sáng nay đói quá mà trở nên bi quan, rồi nhìn gì cũng thấy âm u. Sau đó lại nghĩ chút nữa, trước khi xuống tàu điện ngầm, sẽ ghé quán sách mua thêm mấy cuốn họa báo có Emmanuelle Béart, bộ ngực cô ta tôi không sao quên nổi, và đôi môi, tôi chưa từng thấy một đôi môi phụ nữ ngọt ngào như thế. Nhất định là chỉ nghĩ tới thôi cũng đủ rung động ở một chỗ nào đó. Tôi móc trong ngăn kéo ra thanh sô-cô-la mua tuần trước. Mấy ngày qua nó bị bỏ quên hoàn toàn. Tôi tự nhủ dù sao cũng phải nghĩ đến bản thân. Tôi chẳng làm gì nên tội. T mất tích thì cảnh sát cứ việc đi tìm. Tựu chung thì bỏ nhà ra đi không phải là một tội ác. Trong gia đình, chúng tôi không bao giờ sử dụng từ «bắt buộc». Tôi không hét toáng lên yêu cầu nhà chức trách gọi cô ấy về thì thôi, cảnh sát có lý gì bắt tôi mấy bữa trưa liền gặm bánh mì khô giữa đám sổ sách nham nhở bụi bặm. Ngày mai tôi sẽ xuống căng tin làm một bữa có cả dao lẫn dĩa và khăn ăn. Tôi sẽ thưởng thức khoanh bít tết hai lạng và ly rượu vang êm, như Paul hay bất cứ đồng nghiệp nào trong công ty. Tôi lao động cật lực và cần được ăn uống đàng hoàng. Nói đúng ra thì công ty cũng không bỗng dưng mà chi nhiều tiền cho rượu vang và bít tết. Kinh nghiệm kế toán cho biết các vụ chi thêm cho căng-tin gắn liền với các dự án mới mà các sếp hò nhân viên làm việc như các tay chơi thúc gà chọi trên đấu trường. Để gà mình quật ngã gà đối phương họ đã cho nó ăn gan ngỗng béo rán vàng. Để dự án công ty mình đè bẹp dự án của đối thủ Đức, ban giám đốc bồi dưỡng chúng tôi bít tết hai lạng và rượi vang êm.

Tôi nhìn đồng hồ, cảm giác yếu ớt lúc nãy cũng trôi qua, không hiểu nhờ bộ ngực Emmanuelle Béart hay thanh sô-cô-la Thụy Sĩ. Có lẽ cả hai. Các nhà nghiên cứu thực phẩm khẳng định chất ngọt mang lại cho con người cực nhiều năng lượng. Ý này thì không cần đọc trong sách giáo khoa sinh vật mà chỉ cần xem vô tuyến, mới đây mác kẹo Pháp nổi tiếng đã đưa ra một phim quảng cáo đẹp mắt, trong đó một thiếu nữ vừa mút kẹo chuôi vừa chạy dọc kè đá sông Seine, váy mỏng trong suốt để lộ cặp đùi dài luôn trong tư thế lao về phía trước, một xe ô tô theo sát bên cạnh, kim vận tốc bất động ở số 80.

Còn nửa tiếng nữa mới hết giờ ăn trưa, tôi quyết định gọi điện cho viên đại úy. Tôi đã không còn ngại cả cảnh sát lẫn Paul, nhưng dù thế nào cũng không muốn tiếp chuyện Delon dưới sự dám sát của đồng nghiệp cùng phòng. Đầu dây bên kia không có ai cầm máy. Chuông reo lần thứ năm thì một giọng nữ hỏi muốn nói chuyện với ai. Tôi đưa tên đại úy. Giọng nữ hỏi tiếp có việc gì vậy. Tôi đưa tên T. Giọng nữ bảo đáng tiếc đại úy đang đi công tác. Tôi nói không sao, sẽ gọi lại sau, rồi đặt máy, thở phào.

Hết giờ ăn trưa, tôi ra máy tự động, tự thưởng một ly Capuchino. Cà phê Ý thơm lừng. Hóa ra các sếp cũng chịu chi thật. Không biết dự án mới quan trọng đến mức nào. Thấy Paul từ xa, tôi lấy thêm ly nữa. Hôm qua anh ta đãi tôi. Hôm nay tôi trả lại. Với Paul, tôi thấy cứ sòng phẳng cho xong chuyện. Lần đầu tiên từ mấy ngày nay, cảm giác yên tĩnh mới mon men trở lại, không biết trụ được bao lâu. Đợi Paul đến gần, tôi đưa cho anh ta ly cà phê, rồi vào phòng nhấc máy, bấm số tổng đài. Hắng giọng, và bằng một câu khá dài nhưng rõ ràng, tôi đề nghị cô thường trực rằng từ nay những ai không thuộc công ty mà muốn nói chuyện với tôi, nhất định cô ta phải hỏi ý kiến tôi rồi mới chuyển điện thoại. Cô thường trực có vẻ bất ngờ, im thin thít. Tôi thừa thế, hắng giọng lần nữa và nói thêm đó là luật chung của công ty, đừng để tôi bị ban giám đốc khiển trách đang giờ công sở mà làm chuyện cá nhân. Cô thường trực nghe xong, lí nhí trả lời : “vâng, thưa ông”. Tôi thấy khoái vì cụm từ «luật chung» có hiệu lực nhanh không ngờ. Với các đồng nghiệp, đặc biệt là các vị thường trực, cứ phải luôn luôn nhắc lại mớ thuật ngữ tùy thân : công ty, ban giám đốc, hỏi ý kiến, khiển trách, phê bình, thảo luận, thống nhất…Tập thể, tóm lại, là tấm áo giáp lý tưởng. Tôi soát lại mớ thuật ngữ, rồi dừng lại ở từ «quyền con người». «Quyền con người» chợt nghe thì ngỡ chỉ mang tính cá nhân, nhưng thử nghĩ mà xem bao nhiêu tổ chức, bao nhiêu quốc gia nấp đằng sau nó. Hơn cả một tấm áo giáp lý tưởng, «quyền con người» còn là vũ khí khá ư lợi hại mà người ta sử dụng để thanh toán lẫn nhau. Điều này không học được ở sách giáo khoa vật lý mà chỉ cần xem vô tuyến truyền hình. Tổng thống Chirac trong tất cả các diễn văn đọc tại Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đều đem «quyền con người» ra dọa. Các nhà đối kháng của các nước thứ ba cũng đem «quyền con người» ra dọa. Những người tham gia biểu tình ở quảng trường Cộng Hòa cũng đem «quyền con người» ra dọa. Và hầu như ai cũng đạt được mục tiêu của mình: tổng thống Chirac kí giao kèo bán mười mấy chiếc Air Bus cho công ty hàng không Trung Hoa; các nhà đối kháng các nước thứ ba nhận giấy mời đến dự quốc khánh tại lãnh sự quán Hoa Kỳ; những người tham gia biểu tình ở quảng trường Cộng Hòa được nhà chức trách hứa tăng lương, gia hạn hợp đồng làm việc, hoàn 100% chi phí nhổ răng… Vậy thì tại sao tôi lại quên phéng «quyền con người»? «Quyền con người», tôi thích thú lẩm nhẩm, vũ khí lợi hại của các quốc gia G8, áo giáp lý tưởng của các vị tai to mặt lớn, kế toán còm như tôi chỉ thỉnh thoảng khoác nhờ để tránh mấy viên đạn lạc. Và bao giờ cũng phải hắng giọng như thể chuẩn bị phát biểu một hệ trọng quốc gia. Hắng giọng, không hiểu thói quen của cấp trên nào đã trở thành mốt cho các cấp dưới, tôi cố mãi mà không bỏ nổi để đến bây giờ đâm lại được nhờ.

Không quay sang Paul, tôi cũng hình dung ra khuôn mặt tưng hửng của anh ta. Ly cà phê có lẽ đang run trong tay. Tôi biết thế cờ đã chuyển hướng. «Vâng, thưa ông», có thế chứ. Vẳng trong óc tôi câu trả lời yếu ớt của cô thường trực tổng đài.

 

[đón xem chương III]

 

Đã đăng:

T mất tích [I]  (tiểu thuyết) 
Có một ngày đầu năm 2006, ở Paris, một phụ nữ gốc Sài Gòn đã biến mất... Nhân ngày mồng 8 tháng 3, theo đề nghị của tác giả, chúng tôi xin được lần lượt gửi đến độc giả Tìền Vệ mười chương đầu của T mất tích — tiểu thuyết mới nhất do Thuận hoàn thành cách đây không lâu. (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021