thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
T mất tích [III]

 

kỳ trước: T mất tích [II]

 

III

 

Bà vợ ông gác cổng bảo hôm nay ở mẫu giáo Hanah ăn uống kém lắm, bữa trưa hầu như không động thìa, lại muốn bỏ cả bữa phụ. Tôi im lặng. Bụng tôi tiếp tục cuộc đình công cách đây hai tư tiếng. Bữa trưa của tôi là xuất ăn nhanh thảm hại (may mà có bộ ngực của Emmanuelle Béart hỗ trợ), tôi không có một bữa phụ nào cả, nhưng phải chép vào máy tính mấy chồng hóa đơn dày bằng gang tay. Vào làm ở công ty vài ngày tôi mới biết rằng ngoài phiếu trả lương, tôi còn phải gánh thêm việc thanh toán công tác phí cho nhân viên. Thực ra, trong hợp đồng làm việc có ghi, tôi đọc nhưng không mấy để ý. Trước đây tôi từng là kế toán cho một trường trung học, các giáo viên cả đời chẳng đặt chân ra khỏi biên giới nước Pháp, hiệu trưởng nếu đi thăm quan trường bạn thì ăn cơm chiêu đãi rồi ngồi tàu nhanh về nhà ngay trong đêm. Ngược lại, công ty bây giờ phải lập một ngân sách lớn cho công tác phí. Hóa đơn đa phần làm ở các nước Đông Âu, vài trăm đô-la một bữa cơm khách sạn bốn sao. Người Pháp hay nhắc đến món “porch” mà lính Sa Hoàng xì sụp trong «Chiến tranh và hòa bình», hóa ra chỉ nhắc trên sách vở. Hóa đơn đến tay tôi hầu như cái nào cũng bắt đầu bằng trứng cá đen và rượu vốt-ka, rồi vịt rút xương, thăn ngỗng rán, gà non om, thỏ quay giòn…chỗ đâu mà dành cho xúp bắp cải chua, khách sạn bốn sao cũng chẳng nỡ đưa lên thực đơn đặc biệt. Không hiểu sao mỗi lần chép hóa đơn Đông Âu vào máy vi tính tôi lại thở dài. Ban giám đốc đọc xong không thở dài mà nghiến răng: «đớp gì mà khiếp thế không biết», như thể chính tôi là kẻ đã ăn trứng cá đen và những món cao cấp kia.

Bà vợ ông gác cổng nhìn tôi chăm chú, dường như chỉ muốn hỏi xem tôi có tin tức gì của «bà nhà». Thấy tôi kéo Hanah ra thang máy, bà ta vội vàng chạy vào bàn rồi quay ra đưa một tệp thư. Cái trên cùng phong bì to khác thường, không dán tem nhưng có chữ «khẩn» đỏ chói, góc trái đóng dấu «sở Nội Vụ thành phố». Tôi chưa kịp ngạc nhiên thì bà ta đã giải thích rằng trưa nay một người đàn ông phóng xe máy tới đưa bức thư này. Muốn cho câu chuyện có đầu có đuôi và hấp dẫn, bà kể thêm là anh ta đã leo bộ một mạch lên tầng năm, bấm chuông căn hộ nhà tôi, đợi mấy phút lại sang bấm chuông căn hộ bên cạnh, cũng không thấy ai thì xuống gõ cửa nhà bà ta, đưa xong bức thư rồi bỏ đi ngay, đầu vẫn đội mũ bảo hiểm xe máy.

Hanah đã lên giường đi ngủ. Từ mấy ngày nay, bữa tối của chúng tôi chỉ gồm đồ đông lạnh quay lò vi sóng. Thực ra nó chẳng ăn mấy, nhiều khi uống một cốc sữa nhỏ rồi lên giường. Tôi với nó hầu như không trao đổi gì với nhau, chỉ một lần duy nhất nó hỏi T đâu, tôi hơi ngại nhưng cũng trả lời một cách ngắn gọn là T mất tích, sau đó im lặng vì không biết nói gì hơn. Bình thường Hanah cũng ít chuyện, và cái tin T mất tích dù bất ngờ đến mấy cũng không thể thay đổi bản tính kiệm lời của nó, nếu không nói là con bé còn trở nên lặng lẽ hơn. Hanah có vẻ khác trẻ con cùng tuổi nhưng dù sao vẫn quá bé để hiểu được chuyện của người lớn. Tôi không thể giải thích cho nó rằng T mất tích không phải là lỗi của tôi, cũng chẳng phải lỗi của cô ấy. Ra đi hay ở lại là quyền của mỗi người. Tôi không có gì mà tâm sự với nó. Tâm sự với người thân là một điều tôi chưa từng nghĩ tới. Hồi còn nhỏ, tôi hay tưởng tượng ra trước mặt một con gấu lông xám rồi kể cho con thú nghe hết những trò quỉ quái như: chọc mù mắt con mèo nhà hàng xóm, nhìn trộm quần trong của cô giáo, sờ đùi đứa bạn gái cùng bàn…Mẹ tôi chưa bao giờ được ngồi vào chỗ của con gấu lông xám, bố tôi lại càng không. Tôi luôn được nghe các nhà sư phạm khuyên rằng phụ huynh phải trở thành chỗ dựa tinh thần cho trẻ nhỏ, để chúng không bao giờ phải dấu diếm điều gì.

Từ bé, tôi đã thấy lời khuyên này mâu thuẫn quá đáng: làm sao một đứa trẻ tin được rằng một người mẫu mực (thế mới trở thành chỗ dựa tinh thần của nó) lại có thể nghe nó kể lể mọi tội tình, nghe xong không đánh roi nào mà xoa đầu bảo đi chơi vui nhé. Một trong những bài học đầu tiên mà cuộc sống dạy cho con người là chỉ nên thú lỗi trong trường hợp biết chắc sẽ được tha thứ. Càng lớn, người ta càng áp dụng nó một cách hoàn hảo. Người ta mặc com-lê thắt ca-vát (đôi khi còn chải đầu bằng va-dơ-lin) đến nhà thờ thổ lộ nỗi niềm cùng cha cố đạo, trong điều kiện cả hai phải ở trong một hộp kín, không nhìn thấy mặt nhau, không bị người thứ ba dám sát. Người ta cũng diện váy lụa và đeo nữ trang đến các khu giàu nhất thành phố để thổ lộ nỗi niềm với bác sĩ tâm lý, cũng trong điều kiện tương tự như trên: cả hai ở trong phòng riêng (có bình hoa và tranh phong cảnh), tuy đối diện trực tiếp với nhau nhưng mọi bí mật của bệnh nhân được giữ kín một trăm phần trăm, điều này không những được luật pháp bảo vệ mà còn được các tấm séc của bệnh nhân bảo đảm - phí bác sĩ tâm lý nhiều khi đắt gấp đôi bác sĩ chuyên khoa và đắt gấp ba bác sĩ đa khoa. Thời gian cuối, phòng khám tâm lý đánh bại nhà thờ: hơn hẳn các cha cố đạo chỉ biết nghe và tâu lại cho Chúa Trời (nghe đã thấy cũ kĩ), các bác sĩ tâm lý sử dụng các thuật ngữ La-tinh và Sigmund Freud (nghe đã thấy khoa học) để tìm cách xóa bỏ tội lỗi cho bệnh nhân. Họ tài tình lôi từ cuộc sống riêng của mỗi người một chi tiết có thể giải thích được nguyên nhân tội lỗi - nếu bà không yêu con ruột của mình thì rất có thể vì bà chưa bao giờ được hưởng tình mẫu tử; nếu ông là một người chồng không chung thủy thì nhiều phần trăm là do vợ ông không đáp ứng được những đòi hỏi về tinh thần của ông (họ nhấn mạnh rằng tình dục cũng thuộc về tinh thần)…vân vân và vân vân.

Tóm lại, người ta đến gặp cha cố đạo hay bác sĩ tâm lý để thổ lộ nỗi niềm. Nhưng một vị luôn ngăn cách với người ta bởi bức vách kín đáo và một vị luôn đưa bút cho người ta kí séc thì khó lòng được đám đông ngày nay tin tưởng mà lấy làm «chỗ dựa tinh thần». «Chỗ dựa tinh thần» chỉ là cụm từ đẹp mà các nhà sư phạm dạy dỗ các phụ huynh, rồi các phụ huynh sử dụng lại để dạy dỗ con cái, nhưng bọn trẻ có tin vào cái ấy không thì lại là chuyện khác.

Đợi Hanah lên giường đi ngủ, tôi mới mở bức thư của sở Nội Vụ thành phố. Trái với dự đoán của tôi, chiếc phong bì to khác thường chỉ đựng một danh thiếp cỡ 15x20 in trên giấy cứng, ngoài những thông tin cần thiết như địa chỉ và số tổng đài sở Nội Vụ, còn ghi chức danh của Delon (chẳng hắn thì ai vào đây nữa), bên cạnh có một câu viết tay đề nghị tôi đến gặp riêng sáng thứ hai tới. Tổng cộng mười từ mà lằng ngoằng hết cả danh thiếp. Thế mới biết chữ nhân viên cảnh sát còn ngán hơn chữ bác sĩ. Chữ bác sĩ chỉ gây ấn tượng cho các cụ già, nhưng chữ nhân viên cảnh sát thì khiến cả những người chưa già cũng khó ngủ.

Tôi cố hình dung lại chuỗi sự việc. Theo lời bà vợ ông gác cổng thì bức thư được chuyển đến đây trưa nay. Nhà tôi cách sở Nội Vụ khá xa, phải vượt nhiều ngã tư và một bùng binh thường xuyên gây tai nạn, có là tay lái lụa thì cũng phải mất bốn mươi lăm phút. Leo bộ lên tầng năm, hai lần gõ cửa và đợi cửa (cả căn hộ của tôi lẫn căn hộ hàng xóm), quay bộ trở lại tầng trệt, tìm căn hộ của các vị gác cổng, gõ cửa, bà vợ chắc chắn không mở ngay vì ngại bị phát hiện nhìn trộm qua ri-đô (ri-đô của các vị gác cổng bao giờ cũng làm bằng chất liệu rất lạ, trông thì dày cộm nhưng nhìn từ bên trong lại rõ mồn một các hoạt động bên ngoài). Tất tần tật không thể nhanh hơn mười phút. Bốn mươi lăm phút trên đường cộng mười phút là xấp xỉ một tiếng. Như vậy, bức thư được Delon viết khoảng 11h sáng, thậm chí có thể sớm hơn vì sau đó còn phải tìm nhân viên chuyển thư, nhân viên chuyển thư thế nào cũng phải ra máy tự động làm vài cốc cà phê cho ấm bụng, viên đại úy không chừng phải chạy theo mà năn nỉ. Trong khi đó, lúc 9h sáng, nghĩa là chỉ cách đấy có một tiếng, chính Delon đã gọi đến văn phòng, rồi qua Paul đề nghị tôi gọi lại vào giờ ăn trưa. Tại sao lại mâu thuẫn như vậy? Có phải vì không tin tôi sẽ gọi lại nên Delon đã viết thư triệu tập, để tôi không có cách nào mà từ chối: gọi điện ư? - 8h tối tôi mới về đến nhà, sở Nội Vụ đã đóng từ lâu (nhân viên sở Nội Vụ vô cùng tôn trọng luật làm việc 35 tiếng/một tuần); viết thư ư? - cả hai ngày cuối tuần bưu điện không làm việc (nhân viên bưu điện cũng vô cùng tôn trọng Martine Aubry).

Càng hình dung lại chuỗi sự việc, tôi càng không sao hiểu nổi viên đại úy. Delon muốn gì ở tôi? Chẳng lẽ hắn bắt tôi nghỉ làm một buổi sáng chỉ vì tấm ảnh chân dung của T? Tại sao tay nhân viên chuyển thư ấy lại không đưa ngay nó cho các vị gác cổng mà mò lên tận căn hộ của tôi, rồi gõ cửa như thể có ai đang ở trong nhà? Delon biết thừa tôi đã đến công ty (điều này được Paul chứng nhận) nhưng vẫn ra lệnh cho tay này gõ cửa nhà tôi, sau đó lại sang gõ cửa căn hộ bên cạnh, có phải để moi thông tin? Nhưng nếu muốn moi thông tin thì moi ở các vị gác cổng là được nhiều thông tin nhất? Không chừng các vị ấy đã cung cấp nửa tiếng thông tin? Giữa vợ chồng ông gác cổng và viên đại úy Delon, phải nghe ai bây giờ? Câu hỏi khiến tôi phì cười, đương nhiên là chẳng vị nào đáng một móng tay tin cậy. “Anh ta leo bộ năm tầng cầu thang”, “anh ta không tháo mũ bảo hiểm xe máy”, “anh ta đưa thư xong thì đi thẳng”… Bà vợ ông gác cổng tưởng tôi ba tuổi hay sao?

Tôi tiếp tục mở đống thư từ. Hóa đơn điện nước. Hóa đơn điện thoại. Ca-ta-lô đồ lót. Quảng cáo tắm nước suối Thalasso miễn phí (với điều kiện ăn hai bữa tại khách sạn)… Thư ngân hàng của T khiến tôi giật mình. Lâu nay tôi quên mất là T còn có một tài khoản riêng. Ngay từ đầu, chúng tôi đã mở một tài khoản chung cho mọi chi phí trong nhà, hàng tháng mỗi người góp vào đấy một số tiền như nhau. Sau ngày Hanah ra đời, số tiền ấy tăng dần và hầu như chiếm chọn lương tháng của cô ấy. Tài khoản riêng của T, mở từ ngày mới đến Pháp, theo thời gian teo tóp đến nỗi lâu lắm rồi không nhận được bảng kê khai thu chi hàng tháng (ít ra là tôi không còn nhìn thấy chúng trong nhà).

Bức thư ngân hàng của T để trước mặt. Mấy phút sau tôi vẫn không biết nên làm thế nào. Mở thư trộm dù sao cũng là một điều không hay ho. Nhất là thư thông báo tài khoản riêng. Với tôi, đó là bí mật tài chính của mỗi cá nhân. Chỉ cần hơi có kinh nghiệm một chút là kẻ đọc trộm sẽ rõ các hoạt động của đối tượng. Chẳng hạn, 48,60 euro, 8h05 ngày mồng một hàng tháng, là tiền vé tàu điện ngầm. Chẳng hạn, 10,30 euro, thứ ba hàng tuần, là tiền mua sổ số cá ngựa. Chẳng hạn, 12,50 euro, 7h15 tối hôm qua, là tiền ba tờ họa báo chụp ngực Emmanuelle Béart… Tôi tránh đến ngân hàng cũng chỉ vì không muốn giáp mặt với những kẻ biết rõ bí mật tài chính của tôi. Có thể nói, tôi không chịu nổi vẻ mặt của các vị ấy. Tươi cười hay khinh khỉnh, cởi mở hay lạnh lùng thì vẫn có cái gì rất khó chịu, chẳng khác vẻ mặt của các vị gác cổng là bao. Nói cho cùng thì tất cả bọn họ giống nhau bởi đều nắm được các bí mật của người khác - một bên là bí mật tài chính, một bên là bí mật đời thường mà có kẻ còn gọi là bí mật nhân sự, tôi thấy cũng không phóng đại.

Đêm thứ sáu, khu nhà cũng đỡ ồn hơn trong tuần. Qua rèm cửa sổ, chỉ thấy một màu đen thật đen. Thi thoảng vài vệt pháo sáng của lũ choai choai. Cảnh sát địa phương lâu lâu đến thăm bất ngờ để đem đi một hai đầu gấu, thế nhưng bọn trẻ vẫn không chán pháo sáng. Không hiểu chúng nó mua được ở đâu, và làm gì ra tiền mà mua. Các vị phụ huynh đổ lỗi cho Trung Quốc, đã sản xuất pháo sáng lại còn bán với giá rẻ mạt. Có lẽ vì thế mà họ ít chào T (với họ tất cả châu Á đều thuộc về Trung Hoa), đôi khi nhìn thấy cả hai vợ chồng nhưng chỉ lên tiếng chào mỗi mình tôi. Cách đây không lâu, một thằng bé thổi bong bóng xà phòng vào mặt T rồi chạy mất. T đuổi theo thì bị nó văng bậy và hét lên «đồ đĩ điếm». Vừa hay tôi đi làm về, chân dài hơn nên túm được ngay, cho một cái bợp tai. Thằng bé bật khóc. Tôi hỏi tạo sao nó lại gọi T là «đồ đĩ điếm». Nó im lặng một lúc rồi bảo «người lớn cả khu» đều nói thế, nó nghe được chứ không bịa ra. Tôi bắt thằng bé quay lại xin lỗi T, nó làm một cách hậm hực. Nhưng tôi không thể bắt «người lớn cả khu» xin lỗi cô ấy. Với dân Bắc Phi thì bất cứ ai lấy chồng da trắng đều là «đồ đĩ điếm». Đã ở tập thể giá rẻ HLM thì không thể không có họ làm hàng xóm. Cả nước Pháp này đều biết điều ấy.

Đăng kí kết hôn buổi sáng thì buổi chiều tôi và T viết đơn xin nhà HLM. Trước đấy T đã là dân Clichy nên mọi thủ tục có vẻ thuận tiện. Hanah sinh được ít ngày thì chúng tôi nhận được giấy gọi từ tòa thị chính. Một người tự giới thiệu là phó phòng quản lý HLM của thành phố dẫn chúng tôi đi xem hai khu. Anh ta còn trẻ, nói nhiều và nụ cười thường trực trên môi. Tôi đã từng gặp các nhân viên môi giới bất động sản tư nhân và ngạc nhiên thấy anh ta chẳng khác gì họ. Có lẽ vì vậy mà năm năm rồi tôi vẫn hình dung lại anh ta một cách dễ dàng. Khu nhà đầu tiên mà chúng tôi được đưa đến đâm thẳng xuống đường cao tốc lớn nhất ngoại ô Tây Bắc, tôi không dám thò đầu ra ban công và lắc ngay lập tức. T im lặng còn anh ta cười bảo: “giao thông thế này thấm tháp gì so với Sài Gòn”. Sau thấy tôi cương quyết kéo T đi, anh ta nhún vai không bình luận thêm. Khu nhà thứ hai có vẻ yên tĩnh hơn, giá thuê nhà cũng cao hơn nên thang máy ít vỏ chuối và đầu thuốc lá, nhưng dù sao thì cái tên «Lối nhỏ thần tiên» cũng quá khiên cưỡng. Anh ta giải thích số chúng tôi may mắn vì gia đình thuê nhà trước đây ly dị nên vừa dọn ra hai căn hộ một phòng. Danh sách người xin rất dài nhưng chúng tôi được ưu tiên vì có con nhỏ và vì tòa thị chính rất quí kiều dân Việt Nam. Dường như thấy cả T lẫn tôi đều không nhạy cảm lắm với những từ «Sài Gòn» và «Việt Nam», anh ta lên giọng kể vừa đi du lịch ba nước Đông Dương. T nhìn tôi, chúng tôi tiếp tục im lặng. Anh ta bảo thêm Việt Nam hay nhất, cơm Lào bứ kinh người còn Phnom-pênh sao mà bụi mù mịt, Trung Quốc thì không bao giờ có ý định đi, lý do là «nó chẳng nói với tôi điều gì». «Nó chẳng nói với tôi điều gì», anh ta nhắc lại hai lần liền. Tôi còn nhớ vẻ mặt của anh ta lúc ấy, mắt trợn lên còn cằm thì vênh vênh. Hình như ai khi nói câu đó cũng đều có vẻ mặt như vậy. Về sau, anh ta còn nhắc lại mấy lần nữa, nhưng tôi đã quên trong hoàn cảnh nào. Tôi và T đồng ý thuê căn hộ. Trên thực tế, chúng tôi chẳng còn lựa chọn nào khác chứ không phải vì nó «lý tưởng» và «đi rất nhanh» như lời anh ta khẳng định. Chúng tôi không thể chia mãi với Hanah một diện tích hai mươi lăm mét vuông vừa để kê giường vừa để nấu ăn và thay tã. Suốt buổi thăm quan nhà, T chẳng đưa ra một lời bình luận. Ngay cả khi anh ta kể về Việt Nam. Ngay cả khi anh ta nhầm Sài Gòn thành Băng Cốc và Hội An là ngoại ô của Huế. Nói chung T ít nói. Không biết có phải cô ấy mặc cảm về trình độ tiếng Pháp.

Bức thư ngân hàng của T vẫn khiến tôi bứt rứt không yên. Tại sao đang giữa tháng người ta lại gửi bảng kê khai chi thu cho T? Nếu T mới nhập tiền vào thì số tiền ấy ai đã cho T? Tôi chỉ thấy đôi lần T gửi tiền cho gia đình chứ chưa bao giờ nhận được tiền của họ. Số tiền này có dính dáng gì tới chuyện T mất tích? Tại sao viên đại úy lại nhấn mạnh rằng đây là «một vụ không đơn giản chút nào»? Tại sao cả hai thanh tra đồn cảnh sát địa phương đều nhắc đi nhắc lại «nếu có tin gì hay nhớ được điều gì thì liên lạc gấp»? Các vị ấy muốn tôi động não lên một chút? Các vị ấy đánh hơi được chuyện hệ trọng mà chưa tiện nói thẳng với tôi?

Tôi tìm cái kéo rồi bắt đầu cắt phong bì. Không ngờ tay run thế. Dự đoán của tôi không sai: ngân hàng thông báo số tiền 10.000 euro vừa được chuyển vào tài khoản của T. Bên cạnh không ghi thông tin cụ thể về người gửi, vỏn vẹn mỗi tên ngân hàng HB. HB, nếu tôi không nhầm thì Brunel sếp trực tiếp của tôi cũng có tài khoản ở đó. Tôi từng ngạc nhiên khi nhìn thấy tên ngân hàng trên phiếu trả lương của hắn. Đấy là lần đầu tiên tôi nghe thấy cái tên HB. Và bây giờ là lần thứ hai. Trong công ty không nhân viên nào mở tài khoản ở HB, có lẽ vì cái tên ấy nghe không rõ ràng lắm; các ngân hàng mà họ thường chọn là Crédit Lyonnais, Société Générale và Caisse d’Épargne, bảo đảm Pháp một trăm phần trăm. Nhưng giữa T và Brunel thì có liên quan gì với nhau? Hắn đã có gia đình và bà vợ là một người rất ghen thì phải. Vào công ty được một thời gian, tôi thấy hắn có một vết xước to ở đuôi mắt. Trong giờ ăn trưa ở căng tin, các đồng nghiệp của tôi kháo nhau về chiếc nhẫn gắn mặt đá cỡ bự của sếp bà. Sau đó, họ còn ra hành lang uống cà phê, rồi vừa cười vừa nói không biết đùa hay thật rằng sếp bà có lần bất ngờ đỗ ô-tô trước cổng công ty và xộc lên phòng làm việc của chồng, da chảy mắt xụp mà nhuộm tóc, vuốt lông mi, bận mi-ni như gái mới lớn. Một đồng nghiệp còn hứng chí tuyên bố các tiền cũng không nằm cạnh. Một đồng nghiệp khác hất hàm (công ty lúc đó đang ở mốt hất hàm): “các nửa triệu euro chắc là đồng ý”. Người kia cũng hất hàm lại: “chắc là hơn một chút”. Những người xung quanh cười hưng hức, máy tự động không ngừng tuôn cà phê.

Tôi ngồi nghe từ đầu đến cuối mà chịu không hiểu họ ám chỉ cái gì. Từ đó, mỗi khi có việc đến gặp Brunel, tôi hay quan sát hắn và càng ngày càng thấy trước mặt là một bức tường. Nhưng dẫu thế nào thì hắn vẫn cho tôi cảm giác đã «được» hắn chú ý một cách không bình thường. Hắn chẳng đã hỏi «T có khỏe không» đấy thôi. Bây giờ thì tôi hiểu lý do khiến tôi bị bất ngờ không chỉ vì hắn biết tên T mà còn vì hắn phát âm nó một cách hoàn hảo, cứ như thể đó là một danh từ tiếng Pháp hắn từng đọc hàng trăm lần trong đời. Tôi chưa bao giờ đọc đúng tên T. Những cái dấu trong tiếng Việt nghe nói rất rắc rối mà tên của T ghi trong hộ chiếu gốc thì gồm những hai dấu, cái trên cái dưới, lâu ngày tôi đã quên rằng chúng dành cho chữ U hay chữ A hay mỗi chữ một dấu. May mà không có dịp nào bắt tôi phải viết tên T bằng tiếng Việt, và phụ nữ Việt khác phụ nữ Pháp ở chỗ bị đọc chệch tên mà không bao giờ cau mày cũng không ngoảnh mặt bỏ đi.

Thực ra tôi cũng ít có cơ hội để luyện cách phát âm tên T. Hầu như chúng tôi chẳng gọi đến tên của nhau bao giờ. Trong các gia đình khác, tên vợ tên chồng vang vang, rồi chồng gọi vợ là «em yêu của anh», vợ gọi chồng là «anh yêu của em». Tôi thấy ngượng mồm và T hẳn là còn ngượng hơn, nên chúng tôi chưa bao giờ gọi nhau như thế. Chủ nhật đi chợ nhớ mua bột giặt. Hóa đơn tiền chợ tuần trước đâu. Lại sắp đến ngày nộp thuế thu nhập…các hội thoại của T và tôi trống không, ai nghe được chắc phải thấy buồn tẻ lắm, nhất là chúng lại thường xảy ra vào các buổi tối, trong bữa cơm, khi cả hai đều mệt nhoài và Hanah uể oải nhai, từ các căn hộ bên cạnh vọng sang tiếng bát đĩa vỡ và tiếng đấm nhau thình thịch. Gọi là hội thoại nhưng tôi nói là chính, T hầu như chỉ gật và lắc. Tên riêng của tôi, T chưa gọi bao giờ. Cô ấy có thói quen đang nói ngang chừng thì dừng lại. Bây giờ cố gắng mấy tôi cũng chịu không nhớ nổi một câu hoàn chỉnh của cô ấy. Thế mà chúng tôi đã sống cạnh nhau sáu năm liền.

Ban đêm khu nhà thật tĩnh. Thậm chí «còn tĩnh hơn các khu đắt tiền», phó phòng HLM của thành phố đã nháy mắt nói thầm vào tai tôi câu này. Lúc ấy tôi không hiểu, vì mải nghĩ xem có phải nháy mắt đang là mốt của tòa thị chính hay anh ta học được từ một hãng bán nhà tư nhân. Nhưng dù sao thì đêm đầu tiên trong căn hộ mới đã khiến tôi phải nhớ tới anh ta: tôi chưa từng hưởng một đêm nào tĩnh như vậy. Trước đây tôi trả một số tiền tương đương để được một phần ba diện tích và chục vị nữ láng giềng ban ngày đeo kính râm lên gõ cửa phê bình Hanah cổ họng to quá cỡ, nhưng từ 0 giờ trở đi thì vô tư thi giọng cùng phim porno. Các vị nữ láng giềng Bắc Phi hiện nay của tôi ồn ào thì vô cùng ồn ào, y hệt cách họ uốn chữ R thành mấy vòng xoáy, nhưng chưa đêm nào khiến tôi phải bật dậy lấy cán chổi hết gõ lên trần lại gõ xuống sàn, trước khi trả nhà cho chủ mất mấy buổi quét lại sơn và đánh lại véc ni.

Đã lâu tôi mới lại có dịp trằn trọc. Tất nhiên không phải vì các vị nữ láng giềng quí phái. Tôi mở cặp tìm vỉ thuốc an thần mới mua lúc chiều. Liều mạnh nhất là hai viên rưỡi. Dược sĩ pha chế chắc phải đại tài để sau mười lăm phút vật vã trên giường, tôi không nhận ra là mình đã thiếp đi. Tôi cũng không thể nhìn vào gương để thấy thân thể thảm hại tuột ra khỏi chăn và py-gia-ma, chiếc quần lót màu đậm im lìm, đôi mắt nhắm nghiền trên khuôn mặt cau có. Đêm nay, lò sưởi có bỗng dưng ngừng hoạt động thì tôi cũng không mở nổi mắt tìm cái gì mà đắp cho đỡ đau họng, sưng phổi hay đau bụng. Ngày mai là thứ bảy. Sau ngày mai là chủ nhật. Chưa tuần nào lại dài đến thế.

 

[đón xem chương IV]

 

Đã đăng:

T mất tích [I]  (tiểu thuyết) 
Có một ngày đầu năm 2006, ở Paris, một phụ nữ gốc Sài Gòn đã biến mất... Nhân ngày mồng 8 tháng 3, theo đề nghị của tác giả, chúng tôi xin được lần lượt gửi đến độc giả Tìền Vệ mười chương đầu của T mất tích — tiểu thuyết mới nhất do Thuận hoàn thành cách đây không lâu. (...)

 

T mất tích [II]  (tiểu thuyết) 
Tôi vừa bước vào phòng thì Paul báo cách đây hai phút, ai đó gọi cho tôi, không để lại tên nhưng có cho số điện thoại, đề nghị tôi gọi lại vào giờ ăn trưa. Tôi không cởi áo khoác ngoài, tiến lại bàn làm việc của Paul, giật lấy mẩu giấy màu vàng trên tay anh ta. Đúng như tôi tiên đoán... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021