thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
T mất tích [IV]

 

kỳ trước: T mất tích [III]

 

IV

 

Tôi tỉnh dậy khi trời mờ sáng. Việc đầu tiên là chạy ra mở tủ riêng của T. Sau này, bình tĩnh lại, tôi không lý giải được hành động ấy của bản thân. Nhưng khi mà sọ chỉ chực toác ra làm đôi, chân tay tôi muốn làm cái gì thật mạnh, đập phá chẳng hạn, đánh người chẳng hạn, như thể chỉ có cách đó mới chế ngự được cơn đau từ bên trong. Lạ thật, không hiểu sao với tôi lúc ấy, khám phá bí mật của T lại tương đương như việc đập phá hay đánh người.

Trái với tôi dự đoán, tủ riêng của T trống trơn, cả bốn ngăn kéo có thể nói không còn cả một hạt bụi. Hẳn là T đã dọn sạch trước khi đi. Nhưng dọn lúc nào thì tôi không hề biết. Vẳng bên tai tôi câu hỏi của viên đại úy Delon «trong tủ riêng không tìm được chân dung nào của bà nhà à?». Hắn đã ôm bụng cười ở đầu bên kia, tôi nhớ lại những tiếng khục khục trong điện thoại. Nhưng lúc ấy, không mảy may nghi ngờ, tôi đã cho là lỗi của đường dây. Rồi cũng vì có Paul ngồi ngay trước mặt nên tôi mất hết hồn vía, chỉ mong chấm dứt cú điện thoại càng nhanh càng tốt. Delon cười vào mũi tôi. Với chức vụ đại úy, lại làm việc ở sở Nội Vụ thành phố, hắn không thiếu dịp bạt tai hay túm tóc các tay buôn thuốc phiện, các trùm dắt gái, các chủ đường dây bắt cóc trẻ em, các giám đốc và phó giám đốc trốn thuế…Hắn cười vào mũi một kế toán còm như tôi cũng phải. Chẳng cần mất công lên gặp cấp trên xin kí lệnh khám nhà và huy động cấp dưới leo bộ năm tầng cầu thang rồi gõ cửa nhà tôi lúc năm giờ sáng, hắn cũng rõ tủ riêng của T trống trơn, và chắc như đinh đóng cột rằng tôi chưa mở ngăn kéo nào bao giờ. Vâng, tôi từng đến tận cửa hàng IKEA mua về, mất nửa ngày lắp ráp và vặn đinh vít, nhưng sau đó tôi chưa mở ngăn kéo nào bao giờ, cả bốn cái.

Phòng ngủ của chúng tôi trên thực tế là hai phòng ngủ cá nhân gộp lại. Trong một ca-ta-lô quảng cáo đồ gỗ, tôi đã chọn được một bộ tàm tạm và không đắt, bao gồm giường ngủ, bàn nhỏ để đầu giường, tủ bốn ngăn kéo và giá treo quần áo - nghĩa là không thiếu một thứ gì nhưng được sản xuất cho phòng ngủ một người. Tôi đưa cho T xem và chúng tôi thỏa thuận đặt mua hai bộ. Sau đó, căn phòng tự động chia làm đôi đều đặn, chỉ có hai chiếc giường cá nhân là kê song song cạnh nhau. Tôi thấy như thế cũng hợp lý vì chúng tôi tuy ở chung phòng mà người này không hề làm phiền người kia. Tôi nhường cho T bên có cửa sổ.

Hồi là sinh viên, tôi từng cặp với một cô nàng cùng khoá cực kì khó ngủ. Thuốc an thần để mấy hộp ngay đầu gường. Chỉ cần người nằm cạnh ho khan một tiếng là bật dậy tìm vài viên. Bệnh khó ngủ là bệnh rất dễ lây. Mấy tháng sau, tôi còn khó ngủ hơn cả cô ta. Nhưng tôi không dùng thuốc an thần mà chuyển ra nằm đi văng. Hết năm học thì chúng tôi chia tay nhau, không ai luyến tiếc. Mặt cô ta tròn hay vuông tôi đã bắt đầu nhầm lẫn từ lâu nhưng căn bệnh khó ngủ thì chẳng bao giờ dứt hẳn. Khi Hanah ra đời, tôi và T mỗi đêm chỉ chợp được vài tiếng. Thời gian đó thật khủng khiếp. Tôi đến công ty với cặp mắt thâm quầng, chốc chốc lại chạy vào toa lét vã nước lạnh vào mặt. Vì lẽ đó, căn hộ HLM không ít khuyết điểm vẫn trở thành cứu nhân của cả gia đình. Mà nói cho cùng thì có cái gì là hoàn hảo. Nếu phải chứng kiến các vị đồng hương yêu quí của tôi đến xem nhà thì nhiều tay chủ nhà thà nhẩy xuống sông Seine để quên đi còn hơn. Lăm lăm trong tay cuốn sổ ghi chép, họ cho điểm từ gậm cầu thang đến giá đựng xà phòng. Thiếu quạt thông hơi - trừ năm điểm, lò nướng chạy bằng gaz chứ không bằng điện - trừ năm điểm, ngăn đá tủ lạnh hơi bé - trừ năm điểm, bàn thái thịt chưa được lắp đèn riêng - trừ năm điểm, công tắc điện không có phần bảo hiểm - trừ năm điểm. Một cái bếp không đến nỗi nào đã nhận điểm - 5/20, lão chủ nhà tức đỏ mặt nhưng khu phố tuy rộng lớn lại không có sông Seine mà nhẩy xuống, và tôi đã thuê được căn hộ đầu tiên trong đời nhờ các vị đồng hương khó tính.

T không khó tính. Chúng tôi không cãi nhau về việc phòng khách có nên trải thảm, buồng tắm có nên lắp lò sưởi, ô-tô có nên gắn điều hòa. Nhìn chung, chúng tôi không bao giờ to tiếng. Nhưng thành thực mà nói, tuy không trách T bỏ đi, tôi vẫn không hiểu tại sao cô ấy lại làm như vậy. Số tiền 10000 euro vẫn hoàn toàn bí ẩn.

Giữa T và tay sếp Brunel của tôi có liên quan gì đến nhau? Câu hỏi không hề rời tôi một giây. Hai viên rưỡi thuốc ngủ chỉ đủ để thân xác không động đậy, còn trí nhớ tôi vẫn bồng bềnh như một đám mây và câu hỏi vẫn lượn lờ xung quanh. Có lẽ chính vì thế mà tôi thức dậy từ mờ sáng.

Tôi mặc quần áo xong thì vào phòng đánh thức Hanah. Chưa có bữa sáng nào ảm đạm hơn thế. Tôi cũng không nuốt nổi bánh sừng bò quay lò vi sóng nữa là con bé. Chúng tôi uống mỗi người một cốc sữa rồi lên đường.

Tôi không giải thích gì với Hanah, chỉ bảo nó phải gài dây bảo hiểm cho chặt. Trời vẫn còn sớm, mọi người vẫn đang làm giấc ngủ béo mắt của ngày cuối tuần, xe ô tô chạy một mạch mười lăm phút vào đến địa phận Paris, rồi tới cửa ô của khu nhà giàu. Địa chỉ Brunel tháng nào chẳng ghi trên phiếu trả lương, tôi thuộc như lòng bàn tay. Đại lộ Victor Hugo. Quận 16. Chà chà, «những người khốn khổ» mà sống như thế này thì cũng nên khổ thật. Tôi tìm một chỗ đỗ xe kín đáo, vào quán báo gần đó mua một tờ, nhân tiện tìm gói kẹo chuôi cho Hanah. Ngày thứ bảy của chúng tôi hứa hẹn nhiều bất ngờ.

Trang nhất đăng một cái tít lớn màu đỏ: «Cựu thị trưởng của chúng ta ăn chay trường?». Bài báo kể về số tiền khổng lồ mà tòa thị chính thành phố Paris phải chi cho cái bếp của vợ chồng cựu thị trưởng, riêng tiền rau xanh mỗi ngày đã lên tới gần một nghìn quan. Tiền hoa quả ngót nghét hai nghìn. Tới đây, tác giả viết một cách khôi hài: «xin độc giả chớ vội mừng mà cho rằng các vị lãnh đạo của chúng ta đã biến thành những kẻ ăn chay trường, tiền xà lách xoăn và nho không hột chỉ chiếm một phần li ti trong cái bếp quí tộc ấy thôi». Nói chung bài báo có nhiều chi tiết rất ngộ nghĩnh, không hiểu tác giả lôi ở đâu ra, có vẻ như chính cựu kế toán của văn phòng thị trưởng đã tiết lộ cho giới báo chí.

Hanah mút xong một cái kẹo rồi ngồi im ngó ra ngoài cửa kính. Đường phố đã có người qua lại. Một phụ nữ đứng tuổi, tóc đen, tạp dề trắng, xách làn nặng chĩu. Lúc đi ngang xe, mùi bơ tỏa ra thơm phức. Hẳn là người làm Mã Lai được cử đi mua bánh sừng bò nóng để các ông chủ bà chủ lót dạ đầu sáng thứ bảy. Tôi thấy Hanah nhìn theo chị ta, mấy phút sau quay mắt nhìn hướng khác, hình như con bé thở ra một tiếng thật nhẹ thì phải.

Tôi lật vài trang báo. Trong mục Nghệ Thuật, hai chữ «ngoại ô» và «Clichy» không biết bằng cách nào rơi trúng vào mắt, tôi vội vã nhìn xem người ta có tình cờ viết về khu nhà «Lối nhỏ thần tiên» của chúng tôi hay không. Tác giả (một chuyên gia Thụy Điển) kể rằng sau khi gửi đi câu hỏi  «Ngoại ô đứng ở đâu trong văn chương nước Pháp? », ông ta nhận được một số thư trả lời, trong đó có một bức của chủ tịch viện Hàn Lâm Pháp: «đồng nghiệp quí mến, tôi có cảm tưởng một tiểu thuyết vĩ đại của Pháp đã miêu tả rất mạnh cảnh trí của ngoại ô Paris, Clichy chẳng hạn. Tất nhiên là tôi muốn nói tới tác phẩm Hành trình đến tận cùng đêm của Céline, hoặc ít ra là phần thứ hai của nó». Câu trả lời «rất hay ho» này kéo theo một lời bình luận chua chát của tác giả bài báo: «trời đất ơi, Céline là nhà văn Pháp duy nhất động tới ngoại ô Paris, và nếu tôi không nhầm, cuốn sách ấy viết từ những năm 30 của thế kỉ trước còn Céline thì chết từ đời nảo đời nao rồi». «Với người Pháp, vấn đề ngoại ô không được đặt ra», bài báo kết thúc một cách thê thảm, câu «la question ne se pose pas» được chuyên gia Thụy Điển viết bằng tiếng Pháp trong nguyên bản.

Đúng thế, Clichy và khu nhà «Lối nhỏ thần tiên» của chúng tôi chẳng bao giờ được các tác giả đồng hương để mắt tới. Trong tất cả các tác phẩm văn học mà tôi từng mất tiền mua để vừa đọc vừa ngủ thì cái quận quí tộc này xuất hiện nhiều hơn cả (không hiểu sao ngay các nhân vật thật nghèo cũng được các vị nhà văn tìm cho một căn hộ ở đây, và tất cả đều phát điên phát rồ vì cái vẻ «đặc Pháp» của nó - những cửa hàng sô-cô-la nho nhỏ, những góc phố be bé, những vườn hoa xinh xắn, những chiếc cầu mỏng manh…), đến độ dù chưa có dịp nào đặt chân đến, tôi cũng dễ dàng hình dung ra một số đồng hương của tôi đang sống ra sao.

Tòa nhà tay sếp bỗng dưng hé mở. Một gia đình ùn ùn kéo ra, ngoài ông bố và bà mẹ còn thêm năm đứa trẻ nữa (điểm giống nhau duy nhất của khu quí tộc và khu bình dân là tỷ lệ các gia đình đông con rất cao - điểm giống nhau duy nhất giữa đạo Thiên Chúa và đạo Hồi là phụ nữ không được quyền nạo thai, đàn ông không được sử dụng cao-pốt). Tôi đưa cho Hanah một chiếc kẹo mút nữa rồi bảo nó chịu khó đợi. Con bé chẳng nói gì, cũng chẳng buồn bóc kẹo. Đây là cái kẹo thứ tư nó ăn từ sáng, mà chưa được uống ngụm nước nào. Đoàn người Thiên Chúa giáo rồng rắn ra khỏi cổng, tôi lẻn ngay vào trong.

Đèn chùm pha lê, gương mài cạnh, thảm đỏ và đá hoa cương dù sao cũng khiến chân tôi hơi chùn, chỉ lo vô tình sót lại vài dấu vết của dân ngoại tỉnh. Để các vị gác cổng yên tâm chuẩn bị bữa trưa (mùi cá sác-đin thoang thoảng trong không khí), tôi không sử dụng thang máy mà vòng sang cầu thang bên cạnh. Trên hộp thư mạ vàng óng ánh, tôi nhìn thấy họ tên của Brunel, bên cạnh ghi mỗi số II. Thế nghĩa là gia đình hắn chiếm trọn tầng đẹp nhất của tòa nhà, hay tầng «danh dự» như các vị quí tộc vẫn gọi, tầng «được người Mỹ người Nhật tìm nhiều nhất» như các hãng bất động sản vẫn in chữ đậm trong quảng cáo.

Cầu thang không một bóng người. Từ căn hộ khổng lồ của tay sếp những tiếng động nho nhỏ vọng ra, vừa đủ nhỏ để có áp chặt tai vào cửa cũng không biết được điều gì đang xảy ra bên trong. Thế mới biết các cụ kĩ sư xây dựng của chúng ta ngày xưa xây tường giỏi thật: mùa hè mát, mùa đông ấm, và vô cùng cách âm. Mấy bức tường «Lối nhỏ thần tiên» của chúng tôi được xây cách đây mươi năm mà có hiệu quả ngược lại hoàn toàn: mùa hè nóng, mùa đông lạnh, và chỉ cần đi ngang cửa là nghe trọn vẹn các đối thoại từ phía bên kia, đủ để hiểu đâu là vô tuyến đâu là trong phòng bếp, đủ để hình dung thằng anh tát con em mấy lần, ông bố hất cái đĩa xuống sàn đòi về cố hương cưới vợ lẽ, bà mẹ mếu khóc vì vợ lẽ lại là con em họ nhà bà cô bên nội… Có vẻ như các kĩ sư xây dựng thời nay không nhiệt tình lắm với kĩ thuật cách âm cho nhà HLM. Theo họ, ở các gia đình Bắc Phi, nhu cầu âm nhạc còn lớn hơn mọi đức tính kín đáo khác và người nước ngoài không thể sống cô đơn. Chính phủ chắc hẳn cũng rất đồng tình. Hàng năm người ta vẫn tiếp tục khánh thành trọng thể vài «Lối nhỏ thần tiên», thị trưởng đọc diễn văn, đại diện của các bộ và các đảng vỗ tay nhiệt tình, các căn hộ «ra đi rất nhanh», danh sách người xin «không bao giờ ngớt», đúng như báo chí bình luận.

Cánh cửa vụt mở. Tôi chạy vội lên tầng ba. Một phụ nữ lớn tuổi đi ra, theo sau là một thằng trai trẻ. Các đồng nghiệp của tôi trông thế mà có năng khiếu tả thực, tôi nhận ra sếp bà ngay từ sau lưng: tóc nhuộm vàng hoe, mini ngang đùi, nhưng tất dài chất lượng tuyệt hảo có lẽ chỉ giúp đỡ các nốt tàng nhan chứ bó tay trước các vết nhăn và hai đầu gối mang hình củ lạc. Thằng trai trẻ bỗng ngửng đầu lên để tôi thấy rõ một khuôn mặt nõn nà, mắt xanh biếc, tóc bồng bềnh. Dáng người nó cũng không chê được điểm nào. Thuôn thả và hừng hực sức sống. Có cảm giác vừa từ ca-ta-lô quần áo bước ra. Tôi nghe nó gọi sếp bà là mẹ. Rồi cả hai nắm tay nhau chui vào thang máy. Hai bộ đồ trắng lốp từ đầu tới chân.

Tôi tiếp tục ghé tai vào cửa. Bên trong vẫn vẳng ra tiếng động. Tay sếp không biết đang làm gì. Tôi đi thêm vài vòng cầu thang rồi xuống tầng trệt. Phải kiếm cái gì cho bữa trưa.

Cửa hàng bán bánh một hàng rõ dài. Giá cả đắt gấp đôi Clichy. Cô bán hàng đưa cho tôi hai khúc bánh mì kẹp, hai chai nước khoáng mà tính nhẹ nhàng 28 euro. Tôi hơi hoảng thì cô ta cười cười đưa cho đôi khăn giấy màu đỏ in hoa nổi. Đi được một đoạn, tôi mới hiểu nụ cười của cô ta. Bộ dạng của tôi làm sao qua được mắt các cô bán bánh. May mà lúc nãy không chạm mặt vị gác cổng nào. Tôi quên phắt rằng hàng xóm nhiều khi không biết ai vào ai chứ các bà gác cổng và các cô bán bánh thì thuộc mặt, kể tên, thông thạo lý lịch mấy đời dân khu phố. Không thế mà các thám tử tư mỗi khi có việc đều đến gõ cửa tâm sự với bà gác cổng, sau đó ra mở hàng cho cô bán bánh đôi sừng bò.

Hai mươi phút sau, tôi lại ngó đầu vào. Cô bán bánh nháy mắt bảo: “hỏi gì thì nhanh nhanh nhé, sắp đóng cửa nghỉ trưa rồi”. Bộ ngực của cô nàng đồ sộ, tuy không hoàn hảo như của Emmanuelle Béart nhưng khiến tôi liên tưởng đến cặp bánh mì gối, nồng mùi bột ủ chua. Đường thưa dần người. Chuông nhà thờ bính boong mười ba tiếng. Tôi nhìn vào cặp bánh mì gối, rồi chỉ vào hộp kẹo cao-su xin mua một tệp. Cô nàng cười cười kéo lại su-chiêng, nhẹ nhàng bấm máy tính 5 euro rưỡi. Không phải đắt gấp đôi mà gấp ba Clichy. Đưa cho tôi, cô nàng nháy mắt lần nữa: “không muốn hỏi gì à?”. Công nhận cô nàng láu lỉnh thật, biết thừa tôi loanh quanh từ nãy đến giờ đâu phải đợi mua mấy cái kẹo chữa ho. Không chừng lại tưởng tôi là thám tử tư cũng nên. Tôi bỗng dưng xốc lại cổ áo, liếc vào tấm gương đối diện. Cặp bánh mì gối quả là hấp dẫn, trời thì lạnh mà chúng bốc hơi ngùn ngụt: dù sao thì tôi cũng là con người, một con người «bình thường» không cần hơn kém. Tôi nuốt nước bọt rồi đưa đẩy: “bọn Brunel có căn hộ khiếp nhỉ”. Cô nàng nghe xong nhếch mép: “bố mẹ vợ làm chủ cả tòa nhà ấy chứ đùa à”. Tôi chợt nhớ tới lời cá cược của các đồng nghiệp. Các vị mà tận mắt chứng kiến căn hộ trên tầng «danh dự» thì phải thay đổi ý kiến về trị giá của sếp bà. Chắc chắn không phải là nửa triệu mà vài lần hơn thế, khéo chục lần cũng nên. Brunel cáo không ngờ. Cô nàng lại bảo: “nhưng cũng chẳng biết đâu mà lần, đã nhìn thấy thằng trai trẻ chưa?”. Tôi vội vàng gật đầu. Cô nàng hạ giọng: “con nuôi đấy nhé”. Tôi mở to mắt. Cô nàng hạ giọng hơn: “nuôi từ năm lên mười cơ đấy !”.

Tôi đi ra ngoài mà không hết bàng hoàng. Cuộc đời cũng phức tạp ra trò. Hèn nào mà mụ vợ Brunel và thằng trai trẻ âu yếm nhau chẳng khác nhân tình. Lại còn ở cùng nhà, khéo lại dùng chung buồng tắm, gãi cho cái lưng, xoa giúp cái gáy, bóp hộ cái đùi. Và mười giờ vàng ngọc khi Brunel hì hụi gõ máy tính ở công ty. Rồi mỗi năm vài lần khi Brunel co người trên máy bay đi kiểm tra dự án nước ngoài. Rồi tuần nghỉ đông hai mẹ con đưa nhau đi trượt tuyết, mấy tháng mùa hè hai mẹ con nằm ngửa ở Địa Trung Hải, Brunel luôn luôn không đến được vì bận họp với cấp trên, bận chỉ thị cho cấp dưới, bận chiêu đãi đối tác Đông Âu…Tôi đồ rằng Brunel không ghen (một mụ xấu như thế thì có gì đáng ghen), nhưng hẳn là rất thận trọng và cách tốt nhất là càng tránh được thằng trai trẻ chừng nào càng tốt chừng đấy. Ngay cả thứ bảy cũng để hai mẹ con tự do bát phố. Và thằng trai trẻ mới diện oách làm sao!

Tôi và Hanah bỏ bánh mì ra ăn. Nó nhai chậm chạp, có vẻ như bánh mì khu nhà giàu cũng chẳng khác bánh mì Clichy là mấy. Ăn xong, nó tự mở nước, uống một hơi hết sạch rồi ngả lưng ra ghế, nhắm mắt lại. Tôi cứ ngỡ nó sẽ làm một giấc ngon lành. Giờ này cũng là giờ ngủ trưa ở lớp mẫu giáo. Thế mà con bé loay hoay quay phải quay trái. Hẳn là để đỡ phải thở dài. Nó biết bây giờ chỉ có hai người ngồi trong xe, giữa con đường vắng ngắt, tiếng thở dài của nó dù nhẹ đến mấy vẫn đến được tai tôi. Tôi không có gì để tâm sự với nó thì con bé cũng chẳng có gì để tâm sự với tôi. Thở dài chẳng qua cũng là một cách tâm sự, có khi còn mệt hơn cả tâm sự thường. Tôi liếc mắt nhìn sang nó cũng thấy nó liếc mắt ngó sang tôi. Không hiểu nó nghĩ gì trong đầu.

Tôi thấy thèm được quay về nhà, tìm một chỗ ấm áp trên giường, ngủ một giấc không cần hai viên rưỡi thuốc an thần. Thật là vô lý! Sao tự dưng tôi lại lôi Hanah đến cái chỗ quỉ quái này rồi mất ngày mất buổi với các vị nhà giàu, các vị nhà giàu chơi đồ trắng từ đầu tới chân, các vị nhà giàu khác tôi một trời một vực. Chị ô-sin tạp dề trắng. Gia đình Thiên Chúa giáo lúc nãy cũng đồng phục trắng. Trong hàng người mua bánh vừa rồi hẳn hơn nửa là quần tây trắng, áo choàng trắng, mũ phớt trắng, khăn lông trắng…Cô bán bánh cười cười là phải (váy xòe của cô ta cũng trắng nõn trắng nà). Chẳng cần thuộc mặt thuộc tên dân khu phố, cô ta thừa biết cái áo không màu của tôi có đem cho ông gác cổng hay anh lái xe thì họ cũng đem về Bồ Đào Nha tặng lại cho ông gác cổng và anh lái xe của họ. Các vị kia có chịu diện nó hay không thì chẳng ai hay. Dân nghèo Bồ Đào Nha đang mải xây mộng đẹp cùng tân tổng thống, nghe nói tuy cánh hữu nhưng cực kì thương người, hy vọng thế nào cũng nhập khẩu mấy cái HLM made in France về cho ngoại ô nóng của Lit-sbon.

Tôi bỗng khát khô cả họng nhưng chưa kịp mở chai uống nước thì thình lình Brunel xuất hiện trước cổng nhà. Bộ quần áo trắng khiến tôi không nhận ra hắn ngay lập tức. Mọi khi đến cơ quan hắn ăn mặc bình dân hơn (dù sao thì phiếu trả lương của hắn cũng còn đứng sau cả chục phiếu trả lương khác). Và nếu tôi không nhầm thì hàng ngày hắn đi làm bằng tàu điện ngầm. Tôi có lần từng chạm mặt hắn dưới bến nhưng hắn ngó lơ sang hướng khác còn tôi thì lôi báo ra đọc, khi tàu đến không thấy hắn đâu, có thể đã lui sang toa khác. Đấy là lần đầu tiên một cấp trên chấp nhận nhường tôi. Có lẽ vì ở nơi công cộng. Hèn nào cứ ra khỏi công ty là các sếp không thích gặp nhân viên. Tôi ngờ tổng giám đốc công ty mà vô tình qua đại lộ Victor Hugo chắc cũng không hài lòng. Căn hộ xấp xỉ năm triệu euro của vợ Brunel thì tổng giám đốc phải vật lộn thêm mấy đời nữa mới mơ có ngày được cầm chìa khoá.

Brunel ngó trước ngó sau. Đường phố không một bóng cụ già. Ban công không một bóng mèo mướp. Giờ này, mỗi cụ già một mèo mướp gật gù phim truyện nhiều tập.

Rất nhanh, Brunel lao đến chiếc xe hơi đậu ngay bên đường. Xe hơi của hắn cũng trắng y hệt bộ quần áo hắn bận trên người, không một vết trầy, cứ như vừa đục hộp. Đưa cho Hanah chai nước, tôi nổ máy, quay tay lái và ra hiệu cho nó khoá dây bảo hiểm. Một phút sau, xe tôi sau xe Brunel khoảng trăm mét. Chiều thứ bảy, khoảng cách như thế là hợp lý. Mũ len kéo xuống, khuôn mặt tôi bị che kín hoàn toàn, mỗi hai con mắt là mở to không chớp.

Brunel có vẻ rất thạo đường. Chiếc xe trắng lốp chọn toàn đại lộ lớn và chỉ giảm tốc độ ở ngã tư có đèn đỏ. Tôi theo sau như một cái máy, nhiều khi không kịp nhìn tên phố, không kịp biết đèn đang xanh hay đỏ, có vi phạm đường dành riêng cho tắc xi. Cảnh sát giao thông có lẽ cũng linh động ngày nghỉ cuối tuần.

Đến gần vườn Luxembourg, Hanah bảo nó buồn tè quá. Trong lúc tôi chưa biết giải quyết thế nào thì mấy xe khác bỗng từ đâu chen tới, sừng sững trong đó một chiếc Range Rover màu bạc, đít vuông, biển số ngoại giao. Xe Brunel thoát khỏi tầm nhìn, màu trắng của nó lúc ẩn lúc hiện như trêu người. Tôi cau có quay sang Hanah. Con bé bất động ngó ra cửa sổ. Qua được đoàn xe mất dạy thì gặp một toán du lịch Nhật Bản đi thành hàng hai, com-lê cà vạt, vừa chụp ảnh vừa quay phim Panthéon, hướng dẫn viên nói một câu dài, nghe thấy cả “Francois Mittérand” và “Victor Hugo”, theo báo chí thì đó là hai danh từ tiếng Pháp thịnh hành nhất ở châu Á, sau hai danh từ khác là Alain Delon và Sophie Marceau.

Khi trước mặt là quảng trường Itali thì xe Brunel biến mất hoàn toàn. Biển người mênh mông, túi xách vàng của siêu thị Tang Freres dập dìu.

Tôi cho xe dạt vào một vệ đường, hy vọng hắn sẽ quay lại. Năm phút sau, tôi biết hy vọng ấy thật là mong manh. Không biết vì mùi cơm châu Á hay vì cơn buồn tè mà Hanah nhấp nhổm. Tôi mở cửa xe dắt nó vào một quán ăn Trung Hoa. Ông chủ quán chạy lại vuốt má Hanah, khen con bé xinh rồi chìa cho tờ thực đơn ép ni-lông đỏ. Tôi gọi «hai chả giò, một Shingtao». Khi chúng tôi từ phòng vệ sinh đi ra thì được chỉ đến một cái bàn bày ngoài vỉa hè. Tôi nghĩ như thế cũng may, vừa trông xe vừa đợi Brunel mà vẫn có thể ăn uống thoải mái. Hanah tỏ vẻ hài lòng. Lần đầu tiên từ mấy ngày nay, tôi thấy mặt nó linh động trở lại. Nó ăn một mạch hết đĩa nem. Tôi mua cho nó cốc nước cam. Ông chủ quán lúc bưng ra lại thưởng thêm chiếc kẹo lạc. Con bé nhìn tôi mỉm cười. Bia Shingtao leng keng vài cục đá. Vỏ nem lạo xạo trên môi.

Đây không phải lần đầu tiên tôi tới khu châu Á. Tuy T không nấu cơm Việt Nam nhưng một năm cô ấy cũng đến đây vài lần. Ngày mới quen, đôi khi tôi cũng đi theo T. Chúng tôi vào ăn ở một quán nhỏ nhưng rất đông, phải đợi cả tiếng mới đến lượt, khách hàng dồn đống cạnh bể cá chép vàng. Tôi thuộc lòng hai từ “chả giò” và “cơm chiên tổng hợp”, còn cô ấy thì lần nào cũng ăn một đĩa rau xanh trộn rất nhiều thứ, có vẻ như cay xé lưỡi. Lúc về, chúng tôi rẽ chợ mua thêm đồ ăn sẵn. Từ ngày có Hanah, tôi và T chẳng bao giờ đến đây nữa. Món nem quả là ngon nhưng nếu phải đi xa và đợi lâu thì cũng chùn chân. Mùi cơm châu Á dần dần cũng biến mất khỏi kho vị giác của tôi.

Ông chủ quán lại gần mang đi hai cái đĩa bẩn rồi hỏi có ăn gì nữa không. Tôi lắc đầu. Từ sáng tới giờ tôi đã tiêu linh tinh không ít tiền. Nên nhớ là bây giờ tôi phải trả toàn bộ chi tiêu trong gia đình (từ tiền thuê nhà đến tiền điện nước, điện thoại) lại gánh thêm cả tiền giữ Hanah của ông bà gác cổng. Nghề kế toán luôn kéo hai chân xuống đất chứ không để chúng bay bổng theo mây lên trời. Tôi nhạy cảm với các con số. Tôi không lãng mạn. Ngay từ lúc bé, tôi đã quyết định sau này không bao giờ chọn nghề lãng mạn. Đến bây giờ, tôi vẫn cho đó là quyết định sáng suốt mà tôi đã có.

T cũng không lãng mạn. Cô ấy không rưng rưng đòi tôi đưa đến các buổi lễ lạt đồng hương. Trên thực tế, chúng tôi đã thử một lần để từ đấy không bao giờ quay lại. Cả buổi mọi người túm tụm thành từng nhóm nhỏ nhai nem nguội và bàn bạc cái gì không rõ, tôi phải tiếp chuyện một thằng cha bụng phệ người Mác-xây, đau tai vì mấy tiếng liền kinh nghiệm tán gái Hà Nội của hắn. Hắn khoe là mới cưa đổ một em cực đẹp, chân dài mét hai, «nói chung là bốc lửa». Hắn sẽ cho em tiền xây nhà để hàng năm về trốn mấy tháng mùa đông. Khi tôi đi, hắn còn nằng nặc đưa tôi danh thiếp, hoá ra hắn làm chủ một trang trại nuôi ngỗng béo ở miền Tây Nam, gần Dordogne. Gan ngỗng béo là món được người Pháp tôn thờ và chịu chi tiền. Hắn không nghèo đâu.

T cũng không nằn nì đòi tôi phải mua vé cho cô ấy về nghỉ hè hay đón Tết ở Sài Gòn. Chị Xuân mỗi năm về thăm gia đình hai lần, lần nào quay lại Paris cũng khóc sưng cả mắt. Từ ngày quen tôi, T chưa về thăm gia đình lần nào. Ngay lập tức T có mang, sinh Hanah, rồi dọn nhà, nửa năm sau vẫn chưa mở hết thùng các-tông. Tài khoản của chúng tôi phập phà phập phồng, chỉ cần vô ý là xin vài lỗ thủng. Không phải là tôi không định đi chơi Việt Nam, nhưng chưa kịp bàn với T thì cô ấy đã biến mất, hay «mất tích» như thuật ngữ của cảnh sát.

Nhưng tôi tin rằng một trong những điều dễ chịu nhất ở con người T là cô ấy chưa bao giờ bắt tôi phải nghe tâm sự. Bởi vì ngay cả khi không có vấn đề về ngôn ngữ, tâm sự vẫn là một thể loại không bệnh hoạn thì cũng lãng mạn. Chỉ nên coi nó không hơn không kém một buổi đến khám bệnh bác sĩ tâm lý hay một buổi xưng tội với cha cố đạo, nghĩa là việc cá nhân của một con người chứ chẳng liên quan gì đến ai khác. Tóm lại, tôi cho rằng kể lể sự đời là một cách tra tấn tương đối hữu hiệu. Tôi có kinh nghiệm chứ không nói suông.

Thời gian sau khi chia tay nàng sinh viên cực kì khó ngủ, nằm nhà xem phim porno mãi cũng chán, tôi đành lang thang ở các buổi tụ tập. Thực ra chẳng khó vì khi ấy tôi vừa nhận bằng tốt nghiệp và xin được chân kế toán trong một trường trung học dạy nghề. Của đáng tội, mặc dù trường hay tổ chức hội hè (có lẽ đó là cách tiêu khiển duy nhất vì chúng tôi ở một thị trấn nhỏ, cách thủ đô 50km) nhưng tôi không hứng khởi tham gia cho lắm. Không biết có phải do ảnh hưởng của nghề nghiệp mà các nữ giáo viên trẻ thường nói to và dõng dạc, phê bình xong rồi còn bắt nhận lỗi. Tôi vẫn nghe họ nói với ông đầu bếp căng tin: “cái món (gà quay, cá sốt kem, rau xào…) hôm nay mặn thật, có đúng là anh đã bỏ muối quá tay”. Giọng sang sảng như thể đang hướng vào lũ học sinh. Ông đầu bếp là một người hiền lành, nghe thế thì chỉ cười chứ không phản ứng (cũng có thể vì thế nên thường xuyên bị bắt nạt). Quần áo của các nữ giáo viên trẻ dường như cũng phải cố để theo kịp tác phong nhà giáo. Các cô nàng thường mặc áo dài tay, quần ống đứng hoặc váy chùm. Tôi cho là không chỉ riêng tôi mà các vị nam giới trong trường đều thích liếc trộm bọn nữ sinh chưa vị thành niên hở rốn hở ngực hơn là ngắm công khai các nữ đồng nghiệp trưởng thành và nghiêm túc.

Sau một buổi liên hoan cuối năm, tôi ra đến cổng thì một nữ giáo viên chạy lại đề nghị đi nhờ xe. Thực ra suốt tối, tôi đã được cô ta để mắt theo dõi từ đằng sau. Có lúc còn cố tình đụng vào tay. Chúng tôi vẫn nhìn thấy nhau trong trường nhưng chưa bao giờ tìm cách nói chuyện riêng. Hôm ấy, tôi để ý thấy mặt mũi cô ta không đến nỗi nào, và nhân dịp liên hoan nên cô ta bận một chiếc váy khá ngắn, để lộ đôi đùi hồng hồng không biết có phải vì đánh phấn. Tôi vui vẻ gật đầu và cô ta chui ngay vào ghế bên cạnh. Mấy ly sâm banh vừa uống với bánh ngọt khiến chúng tôi cùng trở nên chếnh choáng. Cô ta đặt tay lên đùi tôi, miệng chiêm chiếp một thứ âm thanh khó khăn. Bàn tay cô ta nóng và ướt đẫm nước. Khi đến cửa, cô ta bíu chặt lấy tôi rồi kéo vào nhà. Cô ta chỉ muốn lao ngay lên giường, cố tình không tháo cả áo khoác. Tôi không kịp cởi bất kì cái gì trên người. Cô ta khỏe và có vẻ như đã lâu không sờ đến đàn ông. Nhiều lúc tôi có cảm giác bị cô ta chỉ đạo hoàn toàn. Âm đạo của cô ta tiết ra một mùi rất mạnh khiến tôi thiếp đi lúc nào không hay. Nửa đêm thì tôi thức dậy, không phải vì lạ giường (tôi quá mệt để nhận ra điều ấy) mà vì khói thuốc lá của cô ta. Căn phòng mù mịt. Lính cứu hỏa có thể lao đến phá cửa. Mà cô ta vẫn điềm nhiên nửa nằm nửa ngồi ngay cạnh tôi, đôi đùi vẫn hồng hồng (cả những chiếc lông xoắn cũng hồng), tay cầm gạt tàn, miệng phì phèo nhả khói (mốt mới của các nữ sinh trung học). Nhưng khói thuốc không làm tôi hãi bằng kho tâm sự mà cô ta bỗng dưng trút hết lên giường ngủ. Có lẽ vì lâu lâu mới có một anh chàng dễ bảo nên gặp cơ hội là cô ta quyết tận dụng bằng hết. Cô từng hăm hở rút rỗng thân xác tôi thế nào thì bây giờ lại hăm hở trút đầy tâm sự thế ấy. Chốc chốc lại bỏ điếu thuốc xuống gạt tàn, bật người dậy, chém tay vào không khí theo đúng kiểu nhạc trưởng (hồi ấy đang là mốt của các giáo viên nữ). Nửa cái đêm kinh khủng đó, tai tôi bị tra tấn bởi không biết bao nhiêu lần câu chuyện về mấy «thằng bồ cũ» của cô ta, trong đó có một thằng nhiều lần tự tử mà không xong, một thằng thì dũng cảm hơn nhưng «bần tiện như chuột cống», một thằng thì được cả hình thức lẫn nội dung nhưng «nó chẳng nói với tôi điều gì».

May mà 9h sáng thì cô ta mệt quá nên lăn ra ngủ. Hoặc cũng có thể sau khi trút hết bầu tâm sự, mà không được tâm sự lại, cô không tìm được lý do lớn lao nào nữa để tiếp tục làm tình (nhưng trông mặt mũi tôi, cô hiểu là đừng nên hy vọng nhiều). Tôi chạy vội ra xe, còn kịp đóng cửa ra vào, nhưng không để lại chữ nào. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ cảm giác ấy.

Đấy là dịp duy nhất và cuối cùng tôi «phiêu lưu» với một nữ giáo viên. Tôi hình dung nếu cô ta không dạy hoá học mà dạy văn chương hay triết học thì chiếc bồ tâm sự còn to gấp bao nhiêu. Ý kiến này được nhiều đồng nghiệp trong công ty tôi hiện nay xác nhận và làm phong phú hơn. Trong các câu chuyện ở hành lang, tôi vẫn nghe họ kháo nhau: kinh quá, hôm qua vừa gặp một em tâm sự ra rả cả đêm. Hỏi ra thì hay em không là giáo viên mà là cán bộ thương mại. Rồi có lần thì em là nhân viên quảng cáo, lần khác là nhà báo, lần khác nữa là thư kí, rồi nghiên cứu viên, nhà văn, diễn viên kịch… Lẫn lộn hết cả. Cuối cùng tôi đành chấp nhận rằng hoá ra nghề nào cũng tặng cho các em khả năng nói, tình yêu nào cũng để lại cho các em vài bầu tâm sự. Tâm sự của các em thực ra là cơn hận «mấy thằng bồ cũ», toàn những thằng mất dậy, kém cỏi, hèn nhát, thằng nào tàm tạm thì lại bị tặng cho cái câu «nó chẳng nói với tôi điều gì». «Nó chẳng nói với tôi điều gì», không hiểu cái câu này thế nào mà sao các em hay sử dụng để hạ những thằng bồ khá khẩm nhất. Khi phán nó, các em trợn mắt, vênh cằm (y hệt như tay phó phòng quản lý HLM lúc bàn về Trung Quốc). Cơn hận như thế cũng trôi đi.

T không lãng mạn. Cô ấy chưa bao giờ đòi tôi phải nhận chiếc bồ tâm sự. Tôi chẳng có dịp mà khám phá cơn hận của cô ấy với mấy thằng bồ cũ, để mà biết thằng nào đã có vinh hạnh được T ban cho cái câu «nó chẳng nói với tôi điều gì» (bây giờ thì tôi nghĩ rằng đằng sau câu này ẩn chứa một điều còn khó hiểu hơn, ví dụ như ghen, ví dụ như tiếc…). Trên thực tế, tôi biết gì về T? T đã ghen ai, đã tiếc ai, đã hận những thằng nào? Trong thâm tâm, tôi nghĩ có lẽ vì thế mà chúng tôi mới tồn tại cạnh nhau hơn sáu năm. Sáu năm là kỉ lục, trước đó tôi chẳng qua nổi với ai quá sáu tuần. Lần sống với nàng sinh viên cực kì khó ngủ kéo dài được một khoá học, nhưng tôi nằm đi văng đến hai phần ba.

Ông chủ quán lại đến gần hỏi có muốn ăn gì nữa không. Tôi kéo Hanah đứng lên. Ông ta bắt tay nói «hẹn gặp lại», không hiểu sao lại biết đó là một trong vài từ tiếng Việt ít ỏi mà tôi bập bẹ. Tôi với Hanah ra xe ngồi thêm một lúc. Khu Tàu càng lúc càng nhộn nhịp. Người châu Á chọn chiều thứ bảy để đi chợ và ăn há cảo. Đèn đường bắt đầu được bật. Các bảng hiệu nhấp nháy. Bây giờ tôi mới để ý thấy tiệm cơm có tên là «Lâu đài hạnh phúc». Cách đấy mấy số nhà, một tiệm cơm khác có tên là «Cây cầu hạnh phúc». Ngó sang bên đường, một tiệm cực to, chiếm cả ba tầng, chễm chệ hai chữ «Đại Phúc».

Tôi từng nghe ở đâu đó rằng người Hoa có quan niệm về hạnh phúc khác hẳn người Âu. Hạnh phúc với người Hoa là đông con, nhiều tiền. Hạnh phúc của người Âu là: em yêu của anh (hoặc anh yêu của em) chúng ta sẽ chia nhau đối thoại. Người Hoa biết phải làm gì. Người Âu loay hoay cái định nghĩa cũng chẳng xong.

Tôi cũng từng đọc người Hoa có quan niệm về bất hạnh khác hẳn người Âu. Bất hạnh với người Hoa là do trời định. Bất hạnh với người Âu là do mình gây ra. Người Hoa biết không nên than thân trách phận. Người Âu uống thuốc an thần, hết thuốc an thần thì lại tự mình quyên sinh.

Brunel vẫn không thấy tăm hơi. Cả một sinh vật trắng không biết đang làm gì ở đâu. Tôi chỉ mong cái xe mới đập hộp hôm nay nhận được mấy vết xước, trong đó có một vết made in China.

Đúng năm giờ chiều thì tôi quay xe. Một ngày rõ là vô tích sự.

 

[đón xem chương V]

 

Đã đăng:

T mất tích [I]  (tiểu thuyết) 
Có một ngày đầu năm 2006, ở Paris, một phụ nữ gốc Sài Gòn đã biến mất... Nhân ngày mồng 8 tháng 3, theo đề nghị của tác giả, chúng tôi xin được lần lượt gửi đến độc giả Tìền Vệ mười chương đầu của T mất tích — tiểu thuyết mới nhất do Thuận hoàn thành cách đây không lâu. (...)

 

T mất tích [II]  (tiểu thuyết) 
Tôi vừa bước vào phòng thì Paul báo cách đây hai phút, ai đó gọi cho tôi, không để lại tên nhưng có cho số điện thoại, đề nghị tôi gọi lại vào giờ ăn trưa. Tôi không cởi áo khoác ngoài, tiến lại bàn làm việc của Paul, giật lấy mẩu giấy màu vàng trên tay anh ta. Đúng như tôi tiên đoán... (...)

 

T mất tích [III]  (tiểu thuyết) 
Bà vợ ông gác cổng bảo hôm nay ở mẫu giáo Hanah ăn uống kém lắm, bữa trưa hầu như không động thìa, lại muốn bỏ cả bữa phụ. Tôi im lặng. Bụng tôi tiếp tục cuộc đình công cách đây hai tư tiếng... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021