thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
T mất tích [V]

 

kỳ trước: T mất tích [IV]

 

V

 

Chủ nhật. 9h. Hanah còn dậy sớm hơn cả tôi. Lúc tôi vào bếp đã thấy nó ngồi đấy, quần áo sẵn sàng, cốc sữa trước mặt vơi hơn một nửa, dường như chỉ đợi tôi ra hiệu là đứng dậy lên đường.

Tôi làm một tách cà phê đặc quánh, uống nốt cốc sữa của Hanah. Ba mươi lăm phút sau, chúng tôi đã có mặt ở góc phố nhà Brunel. Cô bán bánh láu lỉnh nháy mắt, hẳn đã nhận ra người quen hôm qua. Cặp bánh mì gối vẫn bốc hơi ngùn ngụt. Chỉ có hai chúng tôi giữa không gian va-ni ngọt ngào thơm phức. Tôi nuốt nước bọt. Cô ta cười cười kéo lại su-chiêng. Tôi mua hai chiếc sừng bò. Cô ta bảo: «hỏi gì thì hỏi ngay, hôm nay chỉ mở hai tiếng buổi sáng». Biết tôi ngoại tỉnh không thạo luật quận 16 nên cô ta nhắc khéo. Dễ thương như cô ta thì có lẽ chẳng bao giờ đem chuyện mấy thằng bồ cũ ra tâm sự, tôi tự nhủ, sau đó lại nghĩ thằng nào được qua đêm giữa cặp bánh mì gối kia thì chẳng sướng phát điên. Cô ta bỗng dưng hạ giọng: «Brunel cũng không vừa đâu». Tôi gật đầu. Như được kích thích, cô ta nói tiếp: «ông ăn chả, bà ăn nem». Tôi trợn mắt nghe cô ta thì thào vào tai: «nhưng mà Brunel kín lắm, vớ vẩn là ra đường như chơi». Tôi mua thêm hai khúc bánh mì kẹp và hai chai nước. Cô ta khoái chí đưa cho mấy cái kẹo chuôi, bảo làm quà cho con bé. Kinh thật, đã nhìn thấy Hanah ngồi trong xe lúc nào không biết. Tôi cám ơn rồi hạ giọng: «nhìn thấy chả của Brunel chưa?». Cô ta lắc đầu. Tôi thở dài. Nghe tiếng thở dài mà không rõ đang thất vọng hay thấy nhẹ cả người.

Ba vị khách đẩy cửa bước vào. Cô ta nháy mắt, ra hiệu câu chuyện kết thúc. Tôi mang bánh ra xe ngồi ăn với Hanah. Con bé nhai được nửa chiếc sừng bò bỗng đột ngột dừng. Tôi quay lại đằng sau thì thấy một phụ nữ tóc đen, tạp dề trắng, không biết có phải chị người làm Mã Lai hôm qua. Hanah trông thế mà nhanh thật, nó tia thấy chị ta từ xa, qua gương chiếu hậu. Rất có thể nó biết nhiều chuyện mà không nói ra, cái qui tắc không tâm sự vẫn bắt chúng tôi phải kín tiếng với nhau như thế.

Chị người làm Mã Lai tiến lại, ngoài một túi to bên tay trái, còn ôm trước ngực một hộp bánh màu đỏ, thắt dây kim tuyến. Hôm nay các vị chủ nhà đều nghỉ việc, chị ta bận phải biết. Bữa cơm trưa chủ nhật hẳn chuẩn bị từ đêm qua. Bánh ga-tô chắc đặt từ trong tuần. Đi ngang Hanah, chị ta quay sang cười với nó. Con bé cười đáp lại. Tôi cố tìm một nét chung nào đấy giữa chị ta và T mà không sao tìm nổi. Tóc đen thì đương nhiên rồi. Nhưng tóc chị ta ngắn và có mái ngang trước trán, còn tóc T dài, hoàn toàn tự nhiên. Chị ta béo hơn T phải chục cân là ít, thấp hơn, da đậm màu hơn. Nét mặt cũng chẳng có gì giống nhau. Vậy mà Hanah vẫn chú ý đến chị ta thì lạ thật. Bình thường con bé không cư xử như thế với người ngoài. Tôi còn đang ngạc nhiên thì chị ta rẽ vào tòa nhà của Brunel. Hóa ra chị ta ở trong đó. Tại sao hôm qua tôi không để ý nhỉ?

Tôi ra hiệu cho Hanah ngồi yên rồi mở cửa xe, chạy thật nhanh tới cổng nhà Brunel. Cánh cửa chưa kịp đóng, nhưng bên trong thì im lặng hoàn toàn, thang máy cũng không nhúc nhích. Tôi làm một vòng tầng trệt, vào tít tận ngách trong cùng. Không thấy ai. Như thể chị ta có phép tàng hình. Ngần ngừ một chút tôi quay ra cầu thang, leo bộ lên tầng hai.

Cũng như hôm qua, từ căn hộ nhà Brunel vẫn vọng ra những âm thanh vừa đủ nho nhỏ để có áp chặt tai vào cũng không phát hiện ra cái gì đang xảy ra bên trong. Tôi đồ rằng giờ này cả bọn đang dùng điểm tâm ở phòng ăn, mụ vợ ngồi đầu bàn, bên trái là thằng trai trẻ, bên phải là Brunel. Khoảng cách từ chiếc ghế mụ ta đến hai chiếc ghế kia y hệt như nhau nhưng mụ ta nhất định chỉ quay sang phía thằng trai trẻ và cười đùa với nó, chấm bánh sừng bò vào tách cà phê sữa rồi âu yếm đút vào tận mồm nó. Tất nhiên không phải vì mụ ta thuận tay trái mà vì nếu trong gia đình này mụ ta là nữ hoàng và hai thằng đàn ông là hai cận thần, thì thằng trai trẻ là cận thần đang được ân sủng, còn Brunel - ngược lại hoàn toàn - là cận thần đã bị thất sủng. Thiên hạ (mà mụ ta chưa bao giờ có đủ dũng cảm để vượt qua) không thể chê trách mụ ta ở điểm này vì thằng trai trẻ, đường đường chính chính là con nuôi của cả hai người, và ai cũng từng chứng kiến nó gày gò, ngơ ngác khi đặt chân đến Paris sau những tháng ngày kinh khủng trong một trại mồ côi nào đó ở Ru-ma-ni. Đón nhận và nuôi dưỡng một nạn nhân của chế độ độc tài Chauchescu - thiên hạ khi đó tha hồ ngưỡng mộ tinh thần nhân đạo quốc tế của vợ chồng Brunel, nhất là mụ ta. Tất nhiên là chỉ có mụ ta mới thấy trước được cái gì hứa hẹn ở thằng bé mười tuổi ấy. Như tất cả bọn con cái quý tộc, nó được vợ chồng Brunel gửi đến những trường học danh tiếng nhất Paris, được dẫn đến các cửa hàng quần áo, đồ chơi, sách vở, băng nhạc đắt tiền nhất Paris, được mời đến các buổi dạ hội điệu đàng nhất Paris… Vài tháng sau, nó trở thành một thằng bé hoàn toàn khác, nhanh nhẹn và tự tin. Vài năm sau, nó lớn bổng, mắt xanh biếc, tóc bồng bềnh, thuôn thả và hừng hực sức sống. Hai mẹ con ôm nhau ngoài đường, hôn nhau trước mặt người quen, trần truồng cạnh nhau trên bãi biển. Thiên hạ không thể chê trách mụ ta ở điểm nào (nói chung, loạn luân là tội chỉ để dành cho các ông bố). Brunel cũng không thể trách mụ ta ở điểm nào (hắn không dám thì đúng hơn, hắn hiểu rõ hoàn cảnh thất sủng của mình, «vớ vẩn là bị ra đường như chơi», đến cô bán bánh còn biết nữa là).

Người từ các căn hộ lục tục kéo ra. Tất cả đều ăn mặc trọng thể (màu trắng luôn được ưu tiên). Hóa ra là để đi lễ nhà thờ. Tôi nhanh chân phóng xuống tầng trệt, và sau đó còn phải nhanh chân hơn nữa để chuồn ra ngoài, các vị gác cổng mà phát hiện ra thì khéo xơi cán chổi trừ bữa.

Cửa xe đóng đúng lúc cả nhà Brunel chui ra khỏi cổng. Mụ vợ ở vị trí trung tâm, hai tay quàng hai cận thần (vẫn bên trái là thằng trai trẻ và bên phải là Brunel). Ba sinh vật trắng di chuyển về hướng nhà thờ. Mỗi khi gặp người quen, ba mái đầu cùng nhẹ gật, ba nụ cười cùng hé nở, ba bàn tay (đeo găng trắng) cùng đưa ra bắt (nếu để ý thật kĩ sẽ thấy mụ vợ luôn hành động trước tiên). Ai nỡ nghi ngờ một gia đình kiểu mẫu như thế. Chúa càng không. Chúa thừa hiển minh nhưng lại quá nhân từ và ở tít trên cao.

Sáng chủ nhật, hè đường quận 16 mấp mô những làn sóng màu trắng còn lòng đường lại không một bóng xe (cái vẻ yên bình ấm cúng «đặc Pháp» này cũng thường xuyên có mặt trong các tác phẩm văn học). Tôi và Hanah dễ dàng giữ khoảng cách một trăm mét sau lưng bọn nhà Brunel. Con bé không đợi nhắc đã tự động khóa dây bảo hiểm, lại còn ra dấu cho tôi đội mũ. Tôi ngó đầu vào gương, chỉ thấy một cục tròn tròn tôi tối hở hai con mắt không hiểu màu gì. Về khía cạnh nào thì chúng tôi cũng xa lạ với đám người quí tộc kia. Tôi chìa ra mấy cái kẹo chuôi của cô bán bánh. Hanah bóc một chiếc cho vào mồm, rồi bóc chiếc nữa ấn vào miệng tôi, nhưng vì miệng bị mũ che kín nên kẹo rơi ra ngoài. Con bé bật cười. Có vẻ như nó bắt đầu thích thú với công việc thám tử tư của hai chúng tôi. Tôi thì ngán ngẩm nghĩ tới hai tiếng ngồi không trước cửa nhà thờ. Chủ nhật chẳng báo nào chịu mở để kiếm mấy cái ảnh Emmanuelle Béart ngắm cho đỡ buồn.

May mà buổi giảng đạo chỉ kéo dài một tiếng. Có thể Thiên Chúa giáo cũng muốn tỏ ra hiện đại để tranh thủ con chiên với các môn phái đang mọc ra như lá đầu xuân.

Hanah vỗ vai tôi. Bộ ba Brunel đang lục tục chui từ nhà thờ ra sân. Vẫn trong tư thế một gia đình kiểu mẫu: mụ vợ đứng giữa và chỉ đạo mọi động tác của cả nhà. Một nhóm người tiến lại, hẳn là họ hàng hoặc người quen, trong đó có hai ông xồn xồn và một đứa con gái mảnh mai khá đẹp. Mụ vợ lên tiếng chào. Brunel và thằng trai trẻ cũng làm theo. Rồi không biết vô tình hay cố ý Brunel ôm hôn đứa con gái. Con bé kia vui vẻ ôm hôn lại, sau đó định ôm hôn mụ vợ nhưng mụ ta xua tay, vẻ như xin lỗi đang bị cúm (hoặc bị ho, hay bất kì một bệnh dễ lây nào đó). Thằng trai trẻ thấy thế cũng xua tay theo. Con bé kia ngẩn người còn mụ vợ thì khoái ra mặt. Cả nhà huỳnh huỵch bước đi. Brunel im lặng cúi đầu. Tôi không tin là hắn có ý định tán tỉnh con bé kia (nếu có thì cũng không dám làm trước mặt mụ vợ), nhưng tôi ngờ là hắn có phần nào muốn nhờ con bé trả thù mụ vợ hộ mình (hắn đã đầu têu cho cuộc ôm hôn tập thể để con bé có dịp đặt môi lên má thằng trai trẻ, rồi lại chìa má ra nhận môi của thằng kia - cảnh này nhất định khiến mụ vợ đau tim). Nhưng Brunel đã thất bại thảm hại. Mà ai ở trong vị trí của hắn cũng thất bại thảm hại. Bởi đó là một trận chiến không hề cân sức. Cân sức làm sao được khi một mình chọi hai địch thủ đã hết sức đoàn kết lại vô cùng ghê gớm là tiền bạc và tuổi trẻ.

Brunel im lặng cúi đầu, nhưng vẫn đi bên cạnh kẻ thù (không thể có cách gọi nào chính xác hơn khi đôi bên đã trải qua những trận chiến như tôi vừa chứng kiến). Cái giá của căn hộ tầng «danh dự» hóa ra đau đấy chứ, sếp trực tiếp của tôi, chắc sếp không biết tôi vẫn lẽo đẽo theo sau từ sáng, bây giờ lại tiếp tục gò lưng đợi cả nhà sếp thay món đổi đĩa không biết tới bốn giờ chiều có xong nổi đét xe và sâm-banh.

Ngỡ phải mất vài tiếng với bữa trưa chủ nhật của nhà Brunel, nhưng tôi nhầm. Tôi và Hanah chưa gặm xong khúc bánh mì kẹp thì mụ vợ và thằng trai trẻ đã bất ngờ mở cổng. Hóa ra chỉ lên nhà để thay quần áo. Hai bộ đồ trắng nõn đã nhường chỗ cho hai bộ đồ đen tuyền, chắc hẳn cùng một thợ may nên giống nhau từ cổ áo đến gấu quần. Mụ vợ quàng thêm một chiếc khăn lông trắng (vẫn không sao bỏ được màu trắng). Thằng trai trẻ đội thêm một chiếc mũ phớt trắng (tình đoàn kết của nó với mẹ nuôi quả là vô địch). Tay trong tay (không còn đeo găng) cả hai tiến về chiếc xe hơi đen bóng đậu ngay cạnh nhà. Thằng trai trẻ mở cửa xe, nghiêng người đỡ mụ ta ngồi vào ghế phải, rồi vòng qua mũi xe, kéo nhẹ áo, ngồi xuống ghế trái, cửa xe đóng lại từ từ. Động tác của nó thật là điêu luyện. Brunel tập cả đời cũng khó mà làm được như thế. Chiếc xe lao vút. Bấy giờ mới thấy xe chỉ có hai ghế mà thôi.

Tôi chưa hết ngỡ ngàng thì Brunel đột ngột xuất hiện. Dường như hắn đứng sẵn đâu đó, chỉ đợi mụ vợ và thằng trai trẻ phóng đi là mở cửa chạy ra. Hắn vẫn mặc bộ đồ trắng sáng nay, nhưng đội thêm chiếc mũ phớt đen. Bây giờ mà đặt thằng trai trẻ bên cạnh, thì chúng ta sẽ có hai hình ảnh đối lập nhau hoàn toàn. Nếu mắt thằng kia xanh biếc thì mắt Brunel sẫm tối (đến độ không thể gọi là màu gì). Nếu tóc thằng kia bồng bềnh thì tóc Brunel tả tơi (đến độ nhìn rõ cả sọ). Nếu thân thể thằng kia thuôn thả và hừng hực sức sống thì thân thể Brunel nặng nề nhiều mỡ, lại có bệnh nhồi máu cơ tim (nhiều đồng nghiệp từ lâu đã chứng kiến hắn uống thuốc trợ tim). Nếu thằng kia mặc đồ đen và đội mũ phớt trắng thì Brunel mặc đồ trắng và đội mũ phớt đen. Sự đối lập ấy, có lẽ do mụ vợ sắp đặt là chính. Vì «ngoại tình là đi tìm cái mà mình không có» nên chẳng phụ nữ nào lại chọn tình nhân giống hệt đức ông chồng. Chị ta sẽ hơi cảm thấy hài lòng nếu họ khác nhau đôi chút và sẽ «vô cùng mãn nguyện» khi họ khác nhau hoàn toàn. Thằng trai trẻ tất nhiên là có ngoại hình và tuổi tác khác hẳn Brunel nhưng mụ vợ, vì muốn đạt đến trạng thái «vô cùng mãn nguyện», đã cố tình khắc sâu thêm sự khác nhau giữa nhân tình và chồng: mụ luôn tìm cách mua sắm cho Brunel và thằng trai trẻ quần áo, xe hơi và đồ dùng cá nhân đối lập nhau (chủ yếu là về màu sắc vì đó là cái đập vào mắt hơn cả), và do tự tay dạy dỗ thằng trai trẻ từ lúc lên mười nên mụ đã đào tạo được cho nó tất cả những thói quen ngược lại với Brunel :

Brunel thích ăn bít tết (hôm nào ở căng tin có bít tết ngon thì hắn cũng tỏ vẻ cởi mở hơn), thằng trai trẻ thích ăn cá hồi (thế mới giải thích được vẻ thuôn thả nhưng vẫn hừng hực sức sống của nó).

Brunel uống rượu như nước (trong hóa đơn của hắn ở Đông Âu, tiền Vodka bao giờ cũng chiếm tỷ lệ rất cao), mụ vợ không những không ngăn cản mà còn chuốc thêm để căn bệnh nhồi máu cơ tim của hắn mau mau nhìn thấy giai đoạn cuối. Ngược lại, thằng trai trẻ nhất định không được quyền đụng đến một giọt bia chứ đừng nói là rượu (mụ ta không để nó trở thành một bợm vodka như Brunel và nhất là muốn bảo dưỡng maximum khả năng con đực của nó).

Brunel lạnh lùng và vụng về (tất cả các đồng nghiệp đều dùng hai từ này để nói về hắn), thằng trai trẻ lịch sự và duyên dáng (tất nhiên, dưới sự chỉ đạo của mẹ nuôi, nó có thể thay đổi hoàn toàn, như trường hợp với con bé xinh đẹp định ôm hôn nó trong sân nhà thờ sáng nay).

Như thế đấy, Brunel và thằng trai trẻ là hai thái cực. Nếu như lúc nãy, thằng trai trẻ ung dung bước vào xe (trước khi ngồi, còn kéo nhẹ áo), thì Brunel mắt trước mắt sau chạy ra xe, cửa xe chưa kịp mở hết đã lao vào làm toạc cả gấu quần. Tôi thấy mặt hắn tái dại, chắc không biết chút nữa phải giải thích thế nào cho quí phu nhân (mụ ta sẽ lại được dịp so sánh tính vụng về của hắn với tính khéo léo của thằng trai trẻ).

Xe tôi nhanh chóng theo sau xe hắn. Một trăm mét vẫn là khoảng cách hợp lý. Phố vắng tanh và thật kì lạ, tôi có cảm giác hắn đang đi lại con đường hôm qua, cũng những đại lộ lớn mà hắn thuộc như lòng bàn tay và chỉ giảm tốc độ mỗi khi tới gần ngã tư đèn đỏ. May mà vườn hoa Luxembourg không có nhóm du lịch Nhật Bản nào đi hàng hai. Có lẽ họ đã lên máy bay để ngày mai còn kịp dậy từ bảy giờ sáng đi làm. Cũng không có đoàn xe mất dạy nào bỗng dưng nhảy vào giữa chiếm đường. Ranger Rover màu bạc, đít vuông, biển số ngoại giao, giờ này lang thang ở đâu?

Tôi giữ chặt tay lái, mắt nhìn thẳng không chớp. Vượt qua đại lộ Bệnh Viện, nhà ga Austerlitz, tiến thẳng tới quảng trường Itali. Vào trong địa phận khu Tàu, thấy chiếc xe trắng lốp của Brunel trước mặt, tôi mới thở ra, rồi trùng cả người xuống. Cảm giác hai mươi phút qua, chẳng có tẹo không khí nào vào phổi.

Xe Brunel bỗng nhiên chạy chậm rồi quay ngoắt vào một phố nhỏ. Đến trước một khách sạn bé tí tẹo, hắn dừng lại, mở cửa và vụt một cái đã biến mất sau chiếc bình phong dựng ngay lối vào. Tôi ra hiệu cho Hanah ngồi im, bước ra khỏi xe, đóng nhẹ cửa rồi đi nhanh về phía khách sạn. Nhưng đến trước tấm bình phong thì tôi dừng lại. Tôi chưa tìm được lý do nào để tiến vào bên trong.

Bình phong tự động hé mở, một thiếu nữ người Hoa cao lớn bước ra. Bằng một thứ tiếng Pháp chuẩn xác, cô ta hỏi tôi cần gì. Kèm với câu hỏi là một nụ cười thật tươi, khoe hàm rằng trắng tinh đều tăm tắp. Người ta nói phụ nữ Trung Hoa không đẹp nhưng khi đã đẹp thì tuyệt đẹp, lúc này tôi thấy không sai. Để giữ bình tĩnh, tôi không nhìn vào đôi môi của cô ta mà đưa mắt ngó sang bên cạnh. Tường treo những bức tranh thủy mạc nho nhỏ lồng trong khung kính, nhưng không biết có phải vì hoa mắt mà tôi có cảm tưởng ngỗng trời, rừng thông, hoa cúc, sông núi… trộn lẫn vào nhau, làm thành một bức họa khổng lồ và cô thiếu nữ Trung Hoa tuyệt đẹp này vừa mới từ trong đó bước ra. Cô ta lên giọng nhắc lại câu hỏi. Nụ cười vẫn thật tươi. Tôi không thể không nhìn cô ta. Phải công nhận là vẻ đẹp của cô ta thật uy quyền, và cả giọng nói, tuy nhẹ nhàng nhưng vẫn làm người nghe ngần ngại. Tôi bắt đầu run, tôi bảo tôi muốn chờ «người quen». Cô ta lại hỏi có thể cho biết tên người quen được không. Giọng cô ta còn nhẹ nhàng hơn lúc nãy nên tôi càng run. Tôi không biết trả lời thế nào. Không lẽ đưa tên Brunel. May mà có tiếng điện thoại reo, cô ta quay vào nhấc máy. Chiếc bình phong đóng lại. Tôi nhìn quanh rồi nhón chân bước thẳng ra cửa. Đường vắng ngắt. Hanah đang ngủ. Tôi ngồi xuống ghế, cầm chai nước lên uống mới thấy lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi. Nhưng xương sống thì lạnh buốt.

Cảm giác này tôi đã từng biết, cách đây hai chục năm là ít. Đó là thời gian ở trung học, khi lớp tôi được một thực tập sinh đến dạy thử mấy tuần. Không hiểu có phải vì ngại chuẩn bị bài trong sách giáo khoa mà anh ta toàn đọc cho chúng tôi những đoạn văn không ăn nhập gì với chương trình của sở Giáo Dục. Nhưng cũng nhờ thế mà cả lớp được làm quen đôi chút các nền văn học khác ngoài Pháp. Trong những đoạn văn mà anh ta đã đọc, có một truyện ngắn cổ Trung Hoa về một nhân vật nữ nhan sắc «nghiêng nước nghiêng thành» nhưng vô cùng huyền bí, ẩn hiện bất ngờ và thuộc phép thần thông. Thú thật là tôi không hiểu, không cảm thấy gì ngoài sự sợ hãi trộn lẫn bồn chồn. Một cảm giác mơ hồ rất khó tả. Như báo trước một điềm không may. Mấy tháng sau thì mẹ tôi qua đời. Bởi một cơn đau tim cấp tính, theo lời bác sĩ là vô phương cứu chữa. Tôi không biết sự kiện này có liên quan gì đến cái cảm giác mà câu chuyện quái quỉ ấy đã gây ra, nhưng tôi tin là tôi vừa gặp lại nó, vài phút trước, khi giáp mặt cô thiếu nữ Trung Hoa tuyệt đẹp. Nhưng nó lại muốn báo cho tôi một điềm không may nào nữa đây?

Tôi cố ngó lên mặt tiền của khách sạn, hy vọng tìm được một phòng có chứa Brunel trong đó. Khách sạn bốn tầng, mỗi tầng bốn cửa sổ, cửa sổ nào cũng kéo rèm nhung đỏ kín mít. Không hiểu Brunel làm gì sau tấm nhung đỏ, trong cái phòng khách sạn có lẽ chưa to bằng buồng tắm nhà hắn và hẳn là không bao giờ đáp ứng điều kiện vệ sinh. Báo chí mới năm ngoái đây thôi, sau khi tấn công liên tiếp các nhà hàng Trung Quốc, đã bảo rằng gián và chuột không chỉ xây tổ trong bếp và trạn ăn của Hoa kiều mà còn vui đùa nô giỡn trên giường ngủ của họ. Trên thực tế, các khách sạn khu Tàu từ lúc mở cửa chưa khi nào được lòng khách hàng người Pháp, sau những trận tấn công của báo chí, đành vĩnh viễn trở thành một kiểu nhà khách giá rẻ cho du lịch Á châu - ban ngày lên xe ca chụp ảnh tháp Eiffel và lâu đài Versailles, ban đêm quay về Little Hongkong ăn há cảo, đánh mạt chược, hát ka-ra-ô-kê hoặc nằm khóc nhớ nhà.

Nhưng Brunel thì đâu phải người Á. Mà ngay cả khi có nhân tình người Á thì hắn cũng thừa khả năng để thuê một khách sạn bốn hoặc năm sao. Không chỉ thừa khả năng mà hắn bắt buộc phải làm như thế: phụ nữ có thể tìm thấy cái gì ở hắn ngoài các giá trị vật chất? Thân thể hắn mà bị lột ra khỏi bộ com-lê trắng nõn đắt tiền thì chẳng khác một khúc dồi lợn khổng lồ. Có lẽ trên người hắn chỉ cái các vi-dít cùng địa chỉ đại lộ Victor Hugo quận 16 danh giá là trông được. Hèn nào túi ngực hắn lúc nào cũng cộm một tệp các vi-dít in chữ nổi.

Nhưng mà tôi có suy luận thế nào đi nữa thì hắn vẫn cứ đang ở đâu đây, phía sau một trong mười sáu rèm nhung đỏ (còn cái xe mới đập hộp của hắn thì đậu ngay trước mũi tôi). Tôi cảm thấy ghen tị với hắn. Nếu hắn không hẹn tình nhân trong cái nhà khách mốc thếch này mà lại đích thân mang xe đến đón cô ta rồi cả đôi dắt nhau vào «suite» đắt nhất của khách sạn năm sao thì tôi sẽ chẳng bận tâm tới hắn làm gì cho mệt.

Tôi tưởng tượng hắn đang trần truồng nằm ngửa trên giường (bên dưới rất có thể là chuột và dán) để cho tình nhân vuốt ve dương vật. Với cái vẻ ục ịch và căn bệnh nhồi máu cơ tim giai đoạn cuối, hắn khó có thể làm được động tác nào hơn thế. Tình nhân của hắn cũng không dại gì yêu cầu hắn từ bỏ tư thế (thụ động) ấy để chưa kịp hưởng cái gì (tích cực) đã phải lo gọi xe cấp cứu. Trong hoàn cảnh xấu nhất mà tim hắn ngừng đập vĩnh viễn thì cô ta còn bị cảnh sát mời ra đồn làm việc, bị vợ hắn đưa ra tòa kiện (nhất định có thằng con nuôi đi kèm để làm nhân chứng cho sự mất mát không gì sánh nổi của mụ ta). Nói chung, cả hắn lẫn tình nhân đều tiết kiệm các động tác. Đến hét to, hắn cũng không dám. Những bệnh nhân nhồi máu cơ tim không bao giờ dám mở rộng miệng, bởi vì chỉ cần không khí chui vào hơi nhanh là cổ họng của họ bị tắc nghẽn. Nhưng ngay cả khi hắn thách thức cái chết, cứ hét bừa cho thỏa thích thì hệ thống cách âm của khách sạn cũng không cho phép điều ấy, người quản lý (cô thiếu nữ Trung Hoa xinh đẹp lúc nãy) sẽ lên tận phòng gõ cửa yêu cầu trật tự để các khách du lịch vừa xuống máy bay còn ngủ lại sức (bây giờ là đêm ở châu Á). Tình nhân của hắn, sau khi vuốt ve dương vật hắn khoảng mười lăm phút thì cũng mỏi tay mà nằm vật ra. Cái chính là cô ta cũng không thấy khoái cảm gì. Khoái cảm thế nào được khi hắn cứ chềnh ềnh như một cái xác biết rên (tiếng rên của một kẻ nhồi máu cơ tim giai đoạn cuối thường khiến người nghe liên tưởng đến độc tấu kèn ô-boa). Và điều làm cô ta càng chán nữa là do tứ chi của hắn bất động nên hắn lại càng giống khúc dồi lợn khổng lồ, dương vật thì tỷ lệ nghịch với bụng và đùi.

Cả hai sẽ nằm vật ra cạnh nhau như hai cái xác (cô ta cũng sẽ không động đậy, và chán chường đến nỗi chỉ muốn nhắm chặt hai mắt để khỏi phải chứng kiến sự thật).

Nhưng dù có cố tưởng tượng ra những điều tồi tệ nhất cho Brunel thì tôi vẫn cảm thấy ghen với hắn. Thậm chí còn ghen hơn lúc nãy. Bởi vì thế có nghĩa là tất cả những điều tồi tệ nhất cũng không ngăn được hắn có nhân tình, cô ta chấp nhận những điều ấy, và biết đâu còn bị hấp dẫn bởi chúng cũng nên. Tôi từng xem một chương trình vô tuyến được đặt tên là «Sex có phải là một phép màu?», trong đó người ta giới thiệu những phụ nữ có ham muốn tình dục vô cùng kì cục. Ví dụ một phụ nữ khá cao chỉ thích ngủ với đàn ông thấp hơn ít ra hai mươi xăng-ti-mét, chị ta giải thích thói quen nghề nghiệp của cầu thủ bóng rổ khiến chị ta cứ phải rướn cổ ngay cả lúc ở trên giường. Một phụ nữ khác thề rằng cả đời chỉ mong được qua đêm với một đầu bếp ngoại hạng, để có thể vừa làm tình vừa ngửi mùi thơm của những món ăn đặc sắc nhất trên đời toát ra từ mọi tế bào trên cơ thể của anh ta. Tâm điểm của chương trình là một phụ nữ duyên dáng mảnh dẻ có niềm say mê duy nhất là trọng lượng gần tạ rưỡi của đức ông chồng (ông ta không hiểu lý do gì mà không đến ra mắt, khiến khán giả cũng hơi thất vọng). Khi được hỏi trên giường họ có gặp khó khăn gì không, chị ta nhìn chồng âu yếm (bức ảnh toàn thân của ông ta phóng to treo giữa sân khấu) rồi bảo tư thế duy nhất mà họ có thể có được là «tôi ngồi lên bụng anh ấy», nhưng chị ta vô cùng mãn nguyện và luôn cảm thấy thèm khát, đòi được làm tình vào tất cả những lúc chỉ có hai người. Trước khi gặp chồng, chị ta cũng từng có nhiều bạn tình và đã thử các tư thế khác, «nhưng chúng chẳng nói với tôi điều gì» - chị ta tuyên bố và khán giả bên dưới vỗ tay nhiệt liệt.

Càng nghĩ tôi càng cảm thấy ghen với Brunel. Hắn sinh ra dưới ngôi sao nào mà lấy hết cả may mắn của người khác như thế. Rồi bỗng dưng, không biết có phải vì bi quan mà tôi còn đi đến một nhận định này nữa: vì «ngoại tình là để đi tìm cái mà mình không có» nên chẳng đàn ông nào lại muốn có nhân tình giống hệt quí phu nhân, anh ta sẽ cảm thấy hơi hài lòng nếu họ khác nhau đôi chút và sẽ «vô cùng mãn nguyện» khi họ khác nhau hoàn toàn. Muốn đạt được cảm giác «vô cùng mãn nguyện» (bây giờ thì không ai còn có thể coi thường các tham vọng của Brunel), hắn đã hạ quyết tâm và cuối cùng chọn được một tình nhân đối lập hẳn với mụ vợ: nếu mụ vợ đã xấu người lại xấu nết thì cô ta vừa xinh đẹp vừa đáng yêu; nếu mụ vợ thù ghét lão nhưng không chịu li dị (mụ ta rất sợ dư luận) thì cô ta say mê lão nhưng không đòi kết hôn (có những phụ nữ chỉ thích làm nhân tình); nếu mụ vợ ngoại tình ngay trước mũi hắn thì cô ta thề chung thủy với hắn chọn đời; nếu mụ vợ luôn tạo khoảng cách với hắn (mụ ta chỉ đồng ý cầm tay hắn khi cả hai đã đeo găng) thì cô ta lại luôn yêu cầu hắn vứt bỏ hết chướng ngại vật khi đến với mình (giữa họ, chướng ngại vật lớn nhất là khoảng cách xã hội và việc chọn cái khách sạn bình dân này có thể được coi như hành động từ bỏ giai cấp quí tộc của Brunel).

Nếu quả như vậy thì Brunel là con người hạnh phúc hiếm hoi tôi từng biết. Các đồng nghiệp ở công ty hôm nào không được căng-tin cung cấp bít-tết và rượu vang thì có lúc cũng xuống tinh thần mà kể cho nhau những chuyện buồn chán (đó thực ra cũng là một kiểu tâm sự nhưng có điều họ không bắt phụ nữ phải nghe ở trên giường). Trừ một số vị tốt mã và mồm mép (hai yếu tố này không hiểu sao hay đi cùng nhau), phần lớn họ đều trải qua «các sự cố tình cảm quan trọng», nghĩa là bị phụ nữ bỏ rơi vì những lý do «cực kì phi lý» (như không đi giày Ba-ta trắng, không biết làm món bánh táo rắc quế, không lau buồng tắm sau khi làm vệ sinh buổi sáng, không tự động mua chè đen khi đi chợ…). Ấy là chưa kể những vị ngay sau lần qua đêm đầu tiên đã bị mời ra đường có trật tự mà hoàn toàn không được giải thích lý do (theo thống kê, 69% lần qua đêm đầu tiên xảy ra ở nhà phụ nữ). Tôi tự nhủ tình yêu khách sạn như Brunel quả là sáng suốt, không bao giờ bị làm phiền bởi những «lý do phi lý» như món bánh táo rắc quế, tách chè đen, chiếc rẻ lau buồng tắm… hoặc những lý do ít phi lý hơn như tiền thuê nhà, lịch phân công rửa bát, trông con riêng của chồng ngày chủ nhật…Cũng có thể vài đồng nghiệp của tôi từng nghĩ đến tình yêu khách sạn như Brunel (nói cho cùng thì hắn không thể được coi là thông minh hơn người khác), nhưng có điều là tìm đâu ra một phụ nữ chịu làm tình trong cái phòng được báo chí nhận định là «dưới cả mức trung bình » như thế này. Phụ nữ Pháp nói chung là đừng bao giờ mơ tới vì báo chí là nơi mà họ đặt nhiều lòng tin nhất (trước cả nhà thờ và cố vấn ngân hàng).

Cuối cùng, tôi đi đến kết luận rằng Brunel chẳng thông minh, đẹp trai, tài giỏi gì nhưng được cái may mắn, cực kì may mắn. Kết luận ấy khiến tôi cũng nguôi ngoai hơn. Tuy vậy, trí tưởng tượng vẫn chẳng vì thế mà thôi rày vò. Tôi vẫn hình dung mồn một cảnh Brunel trần như nhộng trên giường để cho một phụ nữ ve vuốt dương vật, cô ta có gương mặt nhìn nghiêng bị mái tóc dài che kín, từ bụng trở xuống chìm trong chiếc chăn bông in hoa mẫu đơn đỏ, chỉ mỗi đôi vú nhỏ là nhìn thấy rõ. Nhưng điều ấy chẳng nói lên điều gì, tôi vẫn không biết cô ta là ai, phụ nữ Á châu nói chung đều có bộ ngực nhu nhú giống bộ ngực của những đứa bé gái.

Cuối cùng Brunel cũng xuất hiện ở cửa để chấm dứt màn tưởng tượng của tôi. Tôi nhìn đồng hồ, hắn đã ở trong đó đúng hai tiếng. Bây giờ hắn có khuôn mặt mệt mỏi nhưng mãn nguyện, dường như tất cả các cơ đều nở tối đa. Toàn bộ thân người cũng tạo nên một cảm giác như vậy: khuy cổ không cài, cà-vạt thả lỏng, sơ-mi nhăn nhúm, ống quần so le. Tóm lại, Brunel có đầy đủ vẻ thỏa mãn của một thằng đàn ông vừa làm tình xong, mà phải ngoại tình mới tạo được vẻ thỏa mãn ấy, nó chứa đựng một sự mâu thuẫn không sao hiểu nổi trong việc xử lý dấu vết: vừa tìm cách xóa bỏ (vì bất hợp pháp và nguy hiểm), lại vừa tìm cách giữ lại (vì không dễ mà có được). Tôi tin là nhân tình của Brunel cũng rơi vào mâu thuẫn ấy: một mặt cô ta rất sợ bị mụ vợ hắn phát hiện ra (vì như thế nghĩa là đặt dấu chấm hết cho mối tình vụng trộm), mặt khác cô ta lại bị kích thích bởi ham muốn trường mặt mũi ra cho mụ vợ phát điên vì ghen tức và nhân đó, chứng minh rằng chiến thắng thuộc về cô ta (nói cho cùng mỗi mối tình tay ba là một cuộc tranh giành trong đó chính thất, ở mọi trường hợp, là kẻ thua cuộc).

Làm tình trên giường của mình với vợ (hay chồng) của chính mình, chúng ta không bao giờ mất thời gian lo lắng cho việc xử lý dấu vết bởi vì dấu vết tự chúng biến đi: khi cởi quần áo chẳng hạn, cả hai vợ chồng đều bình tĩnh cởi từng thứ một (vì không muốn chúng bị đứt cúc hay tuột chỉ), rồi thỏa mãn hay không thì chúng ta đều có thể nhảy vào buồng tắm tắm một cái (như kiểu ăn cơm xong thì đi rửa miệng), rồi sau đó vào bếp làm cốc chè pha mật ong (vợ đun nước, chồng cho chè vào tách). Nói chung, mọi thứ đều đâu vào đó, quen thuộc và không có gì phải gợi một mảy may lo lắng. Nhưng tôi đồ rằng chính cái thư dãn đó khiến cho phần lớn chúng ta (trừ một vài cá nhân đặc biệt mà tôi rất cảm phục) lại thèm khát qua đêm với một người không phải vợ (hay chồng) mình, trên một cái giường không tự tay mình mua, trong một căn phòng mà mình không rõ mọi ngóc ngách...

Brunel lao vào xe, nhấn ga, nổ máy. Bỗng dưng tôi nảy ra ý định ở lại chứ không đi theo hắn (bởi vì tôi tin rằng hắn chẳng còn dám lang thang đâu nữa, giờ này mụ vợ và thằng trai trẻ hẳn cũng trên đường về, rất có thể cả hai cũng vừa qua mấy tiếng trong một phòng khách sạn, nhưng đối lập với hắn, đó là một khách sạn cực kì đắt tiền mà mụ ta đã đặt từ trước cho tất cả các ngày thứ bảy và chủ nhật, khi Brunel không phải đi làm khiến mụ ta và thằng kia không thể tự do hú hí trên giường).

Brunel vút xe đi. Tuy quyết định ở lại nhưng tôi vẫn không sao ngăn được cảm giác như bị bỏ rơi giữa đường. Trên thực tế, mọi việc xảy ra quá nhanh, tôi không ngờ Brunel lại ra về một mình như vậy. Trí tưởng tượng của tôi từ hai tiếng nay tràn ngập hình ảnh của hắn với nhân tình khiến tôi cứ tưởng sẽ chạm mặt cô ta. Và trong thâm tâm, đó là điều mà tôi rất muốn. Nói cho cùng, từ hôm qua đến giờ, tôi làm cái đuôi của hắn không phải để khám phá việc ngoại tình của hắn (khi nghe cô bán bánh khẳng định điều ấy, tôi chẳng ngạc nhiên chút nào) mà chỉ muốn biết một điều: giữa hắn và T có liên quan gì vớí nhau?

Đúng là từ nãy đến giờ tôi không ngừng hình dung cảnh Brunel trên giường với nhân tình, mặt hắn thì tôi thấy rõ (mắt nhắm và bất động như một xác chết) nhưng khuôn mặt của cô ta luôn thoát khỏi trí tưởng tượng của tôi, khi thì bằng mái tóc dài, khi thì bằng bàn tay trái (tay phải cô ta dùng để ve vuốt dương vật của Brunel), khi thì bằng tấm chăn in hoa mẫu đơn đỏ, khi thì bằng bóng tối của căn phòng (cô ta đã tự động tắt đèn vì hết kiên nhẫn nhìn khúc dồi lợn khổng lồ).

Tôi chờ mãi, chờ mãi. Hanah đã thức dậy. Đèn đường đã bật sáng. Một cơn mưa cũng bất chợt đổ xuống.

Tôi biết lại mất thêm một ngày ngớ ngẩn với Brunel. Nhưng không thì làm gì cho hết hôm nay?

 

[đón xem chương VI]

 

Đã đăng:

T mất tích [I]  (tiểu thuyết) 
Có một ngày đầu năm 2006, ở Paris, một phụ nữ gốc Sài Gòn đã biến mất... Nhân ngày mồng 8 tháng 3, theo đề nghị của tác giả, chúng tôi xin được lần lượt gửi đến độc giả Tìền Vệ mười chương đầu của T mất tích — tiểu thuyết mới nhất do Thuận hoàn thành cách đây không lâu. (...)

 

T mất tích [II]  (tiểu thuyết) 
Tôi vừa bước vào phòng thì Paul báo cách đây hai phút, ai đó gọi cho tôi, không để lại tên nhưng có cho số điện thoại, đề nghị tôi gọi lại vào giờ ăn trưa. Tôi không cởi áo khoác ngoài, tiến lại bàn làm việc của Paul, giật lấy mẩu giấy màu vàng trên tay anh ta. Đúng như tôi tiên đoán... (...)

 

T mất tích [III]  (tiểu thuyết) 
Bà vợ ông gác cổng bảo hôm nay ở mẫu giáo Hanah ăn uống kém lắm, bữa trưa hầu như không động thìa, lại muốn bỏ cả bữa phụ. Tôi im lặng. Bụng tôi tiếp tục cuộc đình công cách đây hai tư tiếng... (...)

 

T mất tích [IV]  (tiểu thuyết) 
Tôi tỉnh dậy khi trời mờ sáng. Việc đầu tiên là chạy ra mở tủ riêng của T. Sau này, bình tĩnh lại, tôi không lý giải được hành động ấy của bản thân. Nhưng khi mà sọ chỉ chực toác ra làm đôi, chân tay tôi muốn làm cái gì thật mạnh, đập phá chẳng hạn, đánh người chẳng hạn... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021