thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
T mất tích [VII]

 

kỳ trước: T mất tích [VI]

 

VII

 

Căng-tin bao giờ cũng đông. Đó là nơi người ta vừa được ăn vừa được nói thoả thuê, lại không tốn kém, ít nghi kị. Cuối cùng tôi cũng chọn được một bàn bốn người, ba đồng nghiệp kia (một nữ và hai nam) đã bắt đầu từ lâu, đĩa nhẵn thín nhưng vẫn muốn nán lại, mặt ai cũng ửng đỏ. Thấy tôi để khay xuống bàn, họ đồng loạt ngẩng lên, chúc ăn ngon rồi tiếp tục câu chuyện, có vẻ đang khá sôi động.

Món khai vị gồm một khoanh thịt hun khói và mấy lát dưa chuột muối. Tôi làm hai miếng hết sạch. Từ sáng tới giờ bụng tôi chưa được nhập gì. Ly cà phê nóng của đại úy Delon giúp đầu tôi tỉnh táo đôi chút nhưng lại khiến dạ dày quặn lên từng đợt. Lúc đó tôi đã định chút nữa xong việc sẽ kiếm ít bánh ngọt, nhưng không hiểu sao đặt chân vào tàu điện ngầm mới nhớ ra. Cũng có thể trời mưa to quá. Giữa mùa đông mà mưa như trút thì cũng lạ thật. Mọi người đều bị bất ngờ và ướt từ đầu tới chân. Chẳng ai mang theo ô hoặc áo mưa.

Món chính cũng được tôi nhanh chóng chén gọn. Khi tôi vào đến nơi, ông phục vụ thông báo ngay là bít tết không còn nữa, chìa cho tôi một đĩa thịt thái nhỏ nấu với cà rốt và đậu hạt. Qui luật của căng-tin là hàng ngày có hai món chính để chọn nhưng ai cũng biết hôm nào bít-tết xuất hiện, món kia rất khó nuốt, phần lớn là đồ hộp hoặc đông lạnh. Có lẽ các vị đầu bếp cho rằng đối với một món top như bít-tết thì không có lựa chọn nào hết và nhân dịp đó kèm một món nhét lò vi sóng nửa phút là xong. Chỉ thiệt những ai đến muộn.

Bây giờ thì tôi đã hoàn hồn đôi chút. Ba đồng nghiệp cùng bàn chắc cũng phát hoảng trước những động tác nhồm nhoàm của tôi. Thỉnh thoảng họ ngừng nói rồi đưa mắt nhìn nhau. Tôi đứng lên lấy ly nước lọc, quay lại vẫn thấy cả ba ngồi đấy, đang bình luận về vụ lạm dụng tình dục trẻ em mới bị phát hiện ở thành phố Anger. Bình thường nếu ba người đều là đàn ông thì chủ đề giường chiếu thế nào cũng thắng, nhất là sau khi đã cho vào dạy dày một miếng bít-tết và một ly rượu vang êm. Nhưng vì trong đám có một phụ nữ (trước đây tôi chưa từng nhìn thấy cô ta ở công ty) nên chủ đề bị chệch đi đôi chút. Cuộc nói chuyện sôi nổi nhưng phần lớn là do cô ta giật dây. Tôi ngờ rằng chính cô ta là người đem đề tài này ra bình luận đầu tiên, cô ta là người Anger và tỏ ra vô cùng tức giận khi thành phố quê hương bị lũ người «bệnh hoạn» làm cho «nhơ bẩn». Cô ta có khuôn mặt cân đối, thậm chí khá đẹp nhưng giọng nói thì the thé, cảm giác như hai lưỡi kéo đang xiết vào nhau. Hai đồng nghiệp kia tìm cách an ủi, giải thích đại loại là chăn nào mà chẳng có rận, nếu tính về độ nhơ bẩn thì Paris kinh tởm hơn cả, nhưng có sao đâu, người cả nước vẫn đổ về đây ngày một đông, giá bất động sản tăng lên chóng mặt. Họ nháy mắt với nhau và rõ ràng là có ý chuyển hướng đề tài, bất động sản bao giờ cũng khiến mọi người linh hoạt và tuôn được một đống ý kiến ý cò. Nhưng cô ta tỏ ra không dễ bị mắc lừa tẹo nào, nhắc đi nhắc lại hai lần rằng con người bây giờ thật «xảo trá» và rất khó mà phân biệt ai với ai. Hai đồng nghiệp không phản ứng, cô ta có vẻ càng bị kích thích và cuối cùng cao giọng tuyên bố: «tôi sẽ bầu cho chính phủ nào ra được bộ luật cấm bố tắm cho con». Hai đồng nghiệp kia còn lúng túng hơn nữa, cô ta đắc thắng nói tiếp: «cứ nghĩ đến bàn tay chúng nó lần mò vào chỗ kín của bọn trẻ là tôi lại rùng mình kinh tởm, trên thực tế đã có bao nhiêu vụ như thế, bọn trẻ không thể tự suy xét và cái gì cũng có thể xảy ra mà chúng ta không kiểm soát được». Hai người kia quay ra nhìn tôi, chắc là để tìm sự đồng cảm, dù sao thì cả ba chúng tôi đều là đàn ông, chiếc nhẫn cưới tôi đeo ở tay chứng tỏ tôi đã lập gia đình và rất có thể hàng ngày phải làm nhiệm vụ «tắm cho con».

Tôi giả vờ như không nghe thấy gì và ngửa cổ uống cạn ly nước. Tôi biết những đề tài kiểu này thường rất khó chấm dứt và cô ta chắc chắn sẽ là kẻ thắng cuộc. Tôi không lầm. Khi hai đồng nghiệp kia đã cài lại khuy áo khoác, phủi vỏ bánh mì ở quần, tỏ ý muốn đứng lên thì cô ta còn kéo tay họ bắt ngồi lại, rồi hất hàm hỏi: «các anh thấy không, ngày càng nhiều phụ nữ muốn sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, điều ấy chứng tỏ là bọn trẻ có thể lớn lên mà không cần ông bố nào cả». Hai đồng nghiệp kia gật đầu liên tục. Ra đến hành lang, tôi vẫn nghe thấy giọng cô ta the thé bên trong về một ngân hàng tinh trùng mới mở tại trung tâm Paris, «rất có uy tín», hai lưỡi kéo xiết vào nhau ở mức độ tối đa.

Paul chưa về. Bàn làm việc của tôi bày một chồng hoá đơn dày, có lẽ thư kí của Brunel mới đưa đến. Tôi ngồi xuống ghế và bắt đầu nhìn xung quanh. Đồ vật trong phòng vẫn ở vị trí cũ. Chiếc cửa sổ không rèm trông ra một khu nhà cao tầng với rất nhiều ban công sơn màu sặc sỡ. Ánh nắng chiều dè dặt bò trên thảm. Màn hình vi tính lấp loáng logo công ty. Hai ngày không gặp lại mà tôi cảm giác xa từ lâu lắm. Tất cả đã đột ngột biến đổi. Trong thâm tâm, tôi không tính được sự kiện T mất tích sẽ ảnh hưởng sâu xa thế nào đến cuộc sống của tôi, nhưng tôi biết từ nay tôi không còn nhìn mọi thứ như trước nữa. Người ta nói rằng trong dòng chảy cuộc sống, một lúc nào đó, mỗi con người đều nhận được một cú huých không biết từ đâu, để nhận ra rằng xung quanh «tất cả đã biến đổi». Nhiều người đã nhận được nó từ khi còn trẻ. Những người khác lại nhận được nó lúc sắp sang thế giới bên kia. Tôi nhận được nó ngày hôm nay, mồng 6 tháng 2 năm 2006, vào đúng sinh nhật lần thứ ba mươi tám.

Paul đẩy cửa bước vào. Không để tôi kịp ngẩng lên, anh ta nói ngay rằng tôi cần gọi điện đến số này, việc kíp lắm, một phụ nữ đã liên lạc với tôi sáng nay hai lần liền, hình như liên quan đến tình trạng sức khoẻ của bố tôi. Anh ta đưa cho tôi một mẩu giấy vàng. Trên đó ghi một số điện thoại bắt đầu bằng 05. Bên cạnh không có hình lò so nào cả. Tôi tin rằng Paul nói đúng. Việc kíp lắm.

Ngay tiếng chuông đầu tiên đã có người nhấc máy, như thể đang đợi sẵn bên cạnh. Giọng một phụ nữ, tự giới thiệu là vợ của bố tôi, thông báo với tôi rằng ông trong tình trạng nguy kịch, bệnh viện lo chưa chắc qua nổi đêm nay, «ông ấy yêu cầu được gặp anh», bà nói, «nếu anh không có vấn đề gì, rất mong anh hãy tôn trọng ý muốn có lẽ là cuối cùng của ông ấy». Bà đọc cho tôi địa chỉ bệnh viện rồi cúp máy. Hình như có bác sĩ vào thăm.

Tôi không hiểu cái câu «nếu anh không có vấn đề gì» của bà cho lắm. Bà không biết chuyện T mất tích, cũng không biết tôi vừa từ sở Nội Vụ về được một tiếng nay. Vậy «vấn đề» mà bà muốn ám chỉ là cái gì? Tôi vừa đi vừa nghĩ suýt nữa đâm sầm phải Brunel. May quá đang trên đường đến gặp hắn thì hắn lại xuất hiện. Có lẽ hắn cũng đang trên đường đến gặp tôi. Nhìn tôi nhặt mấy tờ giấy rơi dưới đất, hắn hỏi: «thế nào, ổn chứ?» Tôi vẫn còn đang thắc mắc về câu nói của mẹ kế nên không hiểu ngay câu hỏi của hắn. Brunel nhắc lại: «thế nào, việc gia đình ổn chứ?». Lúc này tôi mới nhớ ra sáng nay đã gọi điện xin phép hắn nghỉ làm vì «việc gia đình». Không ngờ lại trùng vào chuyện bố tôi ốm nặng. Tôi định thần rồi bảo hắn tôi phải xuống miền Nam gấp để gặp bố tôi đang cơn hấp hối. Hắn trợn tròn mắt nhưng không bình luận, chỉ nói mỗi câu «đáng tiếc». Tôi biết trong chuyện này, hắn không có cớ gì mà cản trở. Tôi có đầy đủ bằng chứng. Nếu hắn hay ban giám đốc nghi ngờ, xin mời nói chuyện với Paul. Chính anh ta đã nhận điện thoại của mẹ kế, không phải một lần mà tới hai lần, trong mấy tiếng đồng hồ buổi sáng. Brunel hỏi tôi đi mấy ngày. Tôi trả lời bừa là hai, nhưng trong thâm tâm tôi cũng nghĩ chỉ hai ngày là cùng.

Tôi ngần ngừ không biết nên đi thẳng ra ga hay về đón Hanah đi cùng. Tính toán một lúc, tôi tặc lưỡi quay về nhà. Đằng nào thì tôi cũng phải chuẩn bị một ít đồ dùng cá nhân và nói chuyện với vợ chồng bà gác cổng. Rất có thể họ từ chối giữ Hanah mấy ngày liền. Còn nếu đồng ý thì cũng chặt một cái giá kinh hồn. Các vị ấy thạo luật lao động lắm. Tiền công giữ Hanah ban ngày là bảy euro một giờ thì ban đêm sẽ tự động nhân đôi. Một giấc ngủ tám tiếng của con bé nhòm nhèm gần ngày lương của tôi. Thế thì chẳng mấy mà tôi và nó đưa nhau ra đường ăn xin.

Tôi lên nhà lấy ít quần áo cho vào túi du lịch rồi xuống nhà bà gác cổng. Vừa hay bà ta đi đón Hanah ở trường về. Cả hai nhìn tôi ngạc nhiên. Hanah im lặng còn bà ta sồn sồn hỏi ngay tôi đi đâu và có việc gì xảy ra với «bà nhà». Tôi ra hiệu cho Hanah không cởi áo khoác rồi trong lúc dắt nó ra cửa, tôi bảo bà ta rằng bố tôi ở miền Nam ốm nặng, muốn gặp «chúng tôi» gấp. Tôi dùng từ «chúng tôi» vì tôi nghĩ bố tôi cũng muốn gặp Hanah, ông đã chẳng cảm động khi hay tin được lên chức ông đấy thôi (ít ra là ông đã viết trong thư như thế cách đây năm năm). Bà gác cổng trợn mắt, trông bà ta lúc này rất giống Brunel, hắn cũng phản ứng y hệt khi nghe tin về bố tôi. Ý nghĩ này khiến tôi không thể không phì cười. Bà gác cổng càng ngạc nhiên hơn, mắt mở to thao láo. Bây giờ thì bà ta lại không giống Brunel nữa rồi. Hắn ta biết giấu cảm xúc hơn, vừa trợn mắt xong đã kịp chớp mấy cái, rồi nói ngay sang chuyện khác. Hắn thuộc giai cấp quý tộc.

Để bà gác cổng ngẩn ngơ ở cửa, tôi và Hanah vội vã ra bến tàu điện ngầm. Trước mắt chúng tôi là chuyến đi rất dài, gần một nghìn cây số, có lẽ là chuyến đi xa đầu tiên của Hanah, cũng là chuyến đi xa đầu tiên của tôi sau hơn chục năm lên Paris sinh sống. Tôi chợt nghĩ tới cảm giác bất ổn mà cô thiếu nữ Trung Hoa gây ra hôm qua.

Ngoài sân ga, tôi được biết là để đến X phải đổi một lần tàu ở Toulouse nhưng chuyến tàu nhanh TGV cuối cùng vừa chuyển bánh được mấy phút. Tôi hỏi có cách nào khác để đi ngay tối nay không. Người ta bảo phải đi tàu chậm, đến Toulouse cỡ 1h sáng, sau đó đợi hai tiếng nữa để lên tàu khác đi X, «thành phố nhỏ mà». Tôi tặc lưỡi, bao giờ cái muộn này cũng kéo theo cái muộn khác. Đợi đến sáng mai có tàu nhanh, biết đâu ngành đường sắt lại đình công hoặc các vị cảnh sát chẳng phát hiện vài quả mìn nổ chậm đang gài đâu đó trên gần một nghìn cây số đường ray. Hơn nữa, tôi cũng không biết tìm chỗ nào mà qua đêm. Sang bên đường thuê một phòng khách sạn thì vô lý quá mức.

Tôi dặn Hanah đứng im tại chỗ rồi chạy đi mua hai xuất ăn nhanh. Tôi và nó leo lên tàu đúng lúc còi rúc. Chúng tôi phải mất mười lăm phút mới tìm được toa và chỗ ghi trên vé.

Hanah ăn xong nửa khúc bánh mì kẹp thì kêu no. Tàu đêm vắng khách nên chúng tôi được hai giường ngay tầng dưới. Con bé ngủ dễ dàng, có lẽ vì quá mệt.

Đến hơn nửa đêm tôi bị một nhân viên trên tàu lay dậy. Ông ta kiểm tra vé và thông báo tàu sắp đến Toulouse. Hoá ra tôi cũng làm được một giấc mấy tiếng. Xung quanh im lặng hoàn toàn, nghe kĩ mới thấy tiếng động cơ rất êm. Có lẽ cả toa còn lại mỗi tôi và Hanah. Nhìn qua cửa sổ chỉ thấy cánh đồng. Và những cây cột điện ngả dài dưới ánh trăng nhàn nhạt. Đã lâu lắm tôi mới thức dậy giữa đêm ở một nơi hoang vắng thế này.

Tôi và Hanah còn vật vờ ở phòng đợi nhà ga Toulouse hai tiếng rồi mới được lên tàu lần nữa. Tôi nhớ là đã phải liên tục nhờ cà phê không đường để đừng bị ngủ quên. Bên cạnh chúng tôi là ba vị ăn mày ngồi nốc rượu kể sự đời. Được một lúc thì cãi nhau ỏm tỏi. Một vị chạy lại xin tôi một điếu thuốc lá rồi nhân tiện hỏi Nhật Bản nằm ở châu Á hay ngoài đại dương. Hoá ra vì lý do ấy mà cả bọn suýt rút dao. Tôi bảo thế nào cũng đúng, bản thân tôi cũng không rõ lắm, nhưng điều ấy có quan trọng gì đâu. Câu trả lời dường như không làm ông ta hài lòng. Hai vị kia cũng không hài lòng. Cả bọn quay ra nhìn tôi nghi ngờ rồi lại chụm đầu tranh luận tiếp, vẫn hùng hổ không kém. Khi ai nấy thấm mệt và dựa vào tường ngáy như sấm thì nhà ga thông báo tàu đi X đang đợi ngoài kia.

Cuối cùng chúng tôi đặt chân đến X vào năm giờ rưỡi sáng. Đêm vẫn đen kịt. Gió Mistral thổi buốt hai tai. Nhà ga như cái nhà hoang. Chờ thêm nửa tiếng mới có một chiếc tắc-xi trườn tới, ông lái giọng vẫn khản đặc, mắt đỏ ngầu. Lần đầu tiên tôi tự hỏi bố tôi tìm thấy cái gì ở một nơi khỉ ho cò gáy như thế này.

 

[đón xem chương VIII]

 

Đã đăng:

T mất tích [I]  (tiểu thuyết) 
Có một ngày đầu năm 2006, ở Paris, một phụ nữ gốc Sài Gòn đã biến mất... Nhân ngày mồng 8 tháng 3, theo đề nghị của tác giả, chúng tôi xin được lần lượt gửi đến độc giả Tìền Vệ mười chương đầu của T mất tích — tiểu thuyết mới nhất do Thuận hoàn thành cách đây không lâu. (...)

 

T mất tích [II]  (tiểu thuyết) 
Tôi vừa bước vào phòng thì Paul báo cách đây hai phút, ai đó gọi cho tôi, không để lại tên nhưng có cho số điện thoại, đề nghị tôi gọi lại vào giờ ăn trưa. Tôi không cởi áo khoác ngoài, tiến lại bàn làm việc của Paul, giật lấy mẩu giấy màu vàng trên tay anh ta. Đúng như tôi tiên đoán... (...)

 

T mất tích [III]  (tiểu thuyết) 
Bà vợ ông gác cổng bảo hôm nay ở mẫu giáo Hanah ăn uống kém lắm, bữa trưa hầu như không động thìa, lại muốn bỏ cả bữa phụ. Tôi im lặng. Bụng tôi tiếp tục cuộc đình công cách đây hai tư tiếng... (...)

 

T mất tích [IV]  (tiểu thuyết) 
Tôi tỉnh dậy khi trời mờ sáng. Việc đầu tiên là chạy ra mở tủ riêng của T. Sau này, bình tĩnh lại, tôi không lý giải được hành động ấy của bản thân. Nhưng khi mà sọ chỉ chực toác ra làm đôi, chân tay tôi muốn làm cái gì thật mạnh, đập phá chẳng hạn, đánh người chẳng hạn... (...)

 

T mất tích [V]  (tiểu thuyết) 
Chủ nhật. 9h. Hanah còn dậy sớm hơn cả tôi. Lúc tôi vào bếp đã thấy nó ngồi đấy, quần áo sẵn sàng, cốc sữa trước mặt vơi hơn một nửa, dường như chỉ đợi tôi ra hiệu là đứng dậy lên đường... (...)

 

T mất tích [VI]  (tiểu thuyết) 
Người ta chỉ cho tôi cái ghế trong góc phòng rồi bảo: «đợi một chút nhé, đại úy đang bận họp». Tôi ngồi xuống ngó quanh quất. Phòng làm việc của thanh tra cảnh sát không khác phòng làm việc của kế toán công ty dược phẩm là bao (giống như tôi, hắn ta cũng chia phòng với một đồng nghiệp khác nhưng lúc này cả hai đều vắng mặt)... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021