thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NỖI ĐAU [trích]
Bản dịch của Đoàn Cầm Thi

 

MARGUERITE DURAS

(1914-1996)

 
Đoạn văn nổi tiếng dưới đây, trích từ La Douleur (1985) của Marguerite Duras, kể lại cuộc trở về của Robert Antelme. Marguerite đã được thông báo trước và đang đợi anh trong căn hộ của họ tại Paris. Chọn một phong cách mới – ghi chép lâm sàng – Duras mô tả cơ thể người đàn ông thân yêu đã trở nên xa lạ, một bóng ma trại tập trung.

 

__________________

 

NỖI ĐAU

 

Tôi nghe thấy tiếng kêu nén lại trong cầu thang, tiếng xôn xao, tiếng dậm chân tại chỗ. Rồi tiếng sập cửa mạnh và tiếng kêu la. Vậy đó. Họ đã từ Đức về đến nơi rồi.

Tôi đã không thể tránh được điều đó. Tôi xuống cầu thang, lao ra phố. Lúc đó Beauchamp và D. đang xốc nách anh ấy. Họ dừng lại ở cầu thang tầng một. Anh đang mở mắt.

Bây giờ tôi không biết chính xác điều gì đã xảy ra. Anh có lẽ đã nhìn thấy tôi, nhận ra tôi rồi cười. Tôi la lên không, tôi không muốn gặp. Tôi lại lên cầu thang. Tôi hét lên, điều đó bây giờ tôi vẫn nhớ. Chiến tranh xổ tung ra trong những lời la hét. Sáu năm không kêu một tiếng. Tôi ở bên nhà hàng xóm. Họ ép tôi uống rượu rum, cứ đổ thẳng vào miệng tôi. Trong tiếng kêu la.

Tôi không biết lúc nào mình đã đến trước mặt anh, chính anh, Robert L. Tôi nhớ là có tiếng khóc trong toà nhà, những người láng giềng đứng rất lâu trên cầu thang, các cánh cửa mở to. Về sau người ta bảo với tôi rằng bà gác cửa đã trang trí lối ra vào đế đón anh, nhưng sau khi anh đi qua, bà tháo tất cả và trốn vào nhà để khóc, điên cuồng.

Trong ký ức của tôi, vào một lúc nào đó, các tiếng động im bặt và tôi nhìn thấy anh. Mênh mông. Trước mặt tôi. Tôi không nhận ra anh. Anh nhìn tôi. Anh mỉm cười. Anh cứ để cho nhìn. Một sự mệt mỏi phi phàm hiện lên trong nụ cười của anh, cái mệt mỏi của kẻ đã sống được đến tận giây phút này. Chính nhờ nụ cười ấy mà thình lình tôi nhận ra anh, nhưng rất xa, cứ như tôi nhìn thấy anh ở cuối một đường hầm. Một nụ cười bối rối. Anh xin lỗi là đã đến mức này, biến thành thứ đồ vứt đi như thế. Rồi nụ cười biến mất. Và anh lại thành người xa lạ. Nhưng vẫn biết kẻ xa lạ đó là anh, Robert L., hoàn toàn anh.

Anh muốn xem lại nơi ở. Chúng tôi đỡ anh đi khắp các phòng. Má anh nhăn lại nhưng không tách khỏi hàm, chính trong mắt anh người ta thấy nụ cười. Khi vào bếp anh nhìn thấy món bánh trái cây mà chúng tôi đã làm cho anh. Anh thôi cười: «Cái gì thế này?». Chúng tôi giải thích. Bánh đó làm bằng gì? Bằng trái anh đào, đang mùa mà. «Tôi có được ăn không? – Chưa biết, còn tùy ý kiến bác sĩ.». Anh quay lại phòng khách, nằm duỗi trên đi-văng. «Thế là tôi không được ăn à? Chưa – Vì sao? Trong Paris đã có nhiều sự cố vì cho tù nhân vừa từ trại về ăn ngay».

Anh thôi không hỏi chuyện gì đã xảy ra trong khi mình vắng mặt. Anh thôi không nhìn thấy chúng tôi. Khuôn mặt anh lại bao phủ một nỗi đau đớn khủng khiếp và câm nín bởi vẫn chưa được ăn, cứ như vẫn đang ở trại tập trung vậy. Và cũng như ở trại, anh chấp nhận trong im lặng. Anh không thấy chúng tôi khóc. Anh cũng không thấy chúng tôi gần như không nhìn anh, không trả lời anh.

Bác sĩ đến. Ông chợt dừng lại, tay cầm nắm đấm cửa, mặt trắng bệch. Ông nhìn chúng tôi rồi nhìn cái hình thù đang ở trên đi-văng. Ông không hiểu. Rồi ông hiểu: cái hình thù đó chưa chết hẳn, nó dở sống dở chết và chúng tôi đã gọi ông đến, chính ông, ông bác sĩ, để ông làm cho nó sống tiếp. Ông bước vào. Ông lại gần cái hình thù đó và nó mỉm cười với ông. Ông còn đến nhiều lần một ngày trong ba tuần liền, vào bất cứ giờ nào cả ngày lẫn đêm. Khi nào sợ quá, chúng tôi gọi là ông đến. Ông đã cứu sống Robert L. Ông cũng bị cuốn đi trong nỗi khát vọng cứu sống Robert L. Ông đã thành công.

Chúng tôi mang món bánh trái cây ra khỏi nhà trong khi anh ngủ. Hôm sau sốt, anh không nói gì đến chuyện ăn uống nữa.

Nếu như anh ăn ngay khi ở trại về, thì hoặc dạ dày sẽ thủng mất dưới sức nặng của đồ ăn, hoặc sức nặng của đồ ăn sẽ đè xuống tim anh, trái tim càng trở nên to tướng trong cơ thể gầy yếu đó: nó đập nhanh đến nỗi người ta không thể tính được nhịp của nó, khó có thể nói trái tim đó đập bình thường, mà phải nói rằng nó đang run lên dưới nỗi kinh hoàng thì đúng hơn. Không, anh không thể nào ăn mà không chết được. Vậy mà anh không thể nào sống mà không ăn để rồi chết vì ăn. Khó khăn là ở chỗ đó.

Cuộc chiến chống thần chết đã bắt đầu rất nhanh. Phải tiến hành nhẹ nhàng, tế nhị, mẫn cảm, khéo léo. Nó rình anh ở khắp nơi. Nhưng thực ra vẫn còn một cách để cứu anh, nho nhỏ thôi, cái kẽ mở để liên lạc với anh, cuộc sống dù sao cũng đang ở trong anh, nhỏ như một cái gai thôi, nhưng dù sao cũng là một cái gai. Thần chết tấn công. 39,5 độ ngày đầu tiên. Rồi 40 độ. Rồi 41 độ. Thần chết thở hắt ra. 41 độ: trái tim rung lên như một dây đàn. 41 độ, vẫn thế, nhưng cả người anh rung lên. Chúng tôi nghĩ là trái tim sẽ ngừng đập. Vẫn 41 độ. Thần chết choảng từng cú kinh người, nhưng trái tim vẫn như điếc. Không thể nào được, trái tim sắp ngừng đập. Không.

Bác sĩ bảo phải cho ăn cháo, từng thìa nhỏ một. Sáu hay bảy lần một ngày chúng tôi cho anh ăn cháo. Một thìa cháo nhỏ đủ làm anh nghẹn, anh bám vào tay chúng tôi, cố thở và lại ngã xuống giường. Nhưng anh nuốt. Cứ như thế sáu, bảy lần một ngày anh đòi ăn. Chúng tôi đỡ anh dậy, bằng cách nâng đầu gối và tay. Anh có lẽ cân đươc 37 hay 38 kg gì đó: xương, da, gan, ruột, não, phổi, tất tật. 38 kg trải trên một cơ thể cao 1m78. Chúng tôi đặt anh lên một xô vệ sinh, bên thành xô chúng tôi kê một cái gối: nơi đó các khớp xương nhìn thấy được dưới da, lớp da cũng hở cả thịt sống. (Cô gái Do thái 17 tuổi ở phố Faubourg du Temple có khuỷu tay lòi ra ngoài da, chắc vì tuổi còn nhỏ và da còn non, khớp xuơng lại ở ngoài thay vì ở trong, cô bước ra trần trụi, sạch sẽ, không đau khớp cũng chẳng đau bụng, người ta đã lần lượt cắt tất cả các bộ phận sinh dục của cô). Khi ngồi xuống cái xô rồi, anh phát ra một đám lầy nhầy to tướng, thình lình, quá độ. Điều mà con tim cố tránh, thì lỗ đít lại không thể, thế là nhả hết cả ra. Tất, hay gần như thế, nhả hết bên trong ra, ngay cả các ngón tay cũng không giữ được móng nữa, lần lượt rụng hết. Con tim ngược lại, vẫn giữ được cái bên trong của nó. Con tim. Và cái đầu. Dữ tợn, nhưng tuyệt vời, chỉ mình nó thò ra được khỏi cái hố chôn người đó, nó trồi lên, nhớ lại, kể lể, nhận ra, đòi hỏi. Nói. Nói. Cái đầu gắn với thân thể bằng cái cổ, bình thường ra thì những cái đầu phải thẳng được, nhưng cái cổ này bé quá – vòng cổ chỉ bằng bàn tay – khô khốc, đến độ người ta tự hỏi làm sao mà sự sống lại đi qua đó được, phải vất vả lắm một thìa cháo mới qua được đó và lại tắc nghẹn. Hồi đầu, cổ và vai làm thành một góc vuông. Phía trên, cái cổ chui vào bộ xương, gắn vào bên trên quai hàm, cuộn trong đường gân như trong đám dây leo vậy. Nhìn qua, thấy được cả các đốt xương sống, động mạch cổ, dây thần kinh, yết hầu và máu đang chảy: lớp da giờ như tờ giấy cuộn thuốc lá. Vậy là anh thải ra cái đống bầy nhầy màu xanh sẫm sôi sùng sục kia, loại cứt mà chưa ai từng được thấy cả. Khi anh xong rồi, chúng tôi đặt anh nằm lại, hoàn toàn như bị phá huỷ, mắt hơi khép hờ, rất lâu.

Trong vòng 17 ngày, vẻ bề ngoài của đám phân không thay đổi. Nó không có tính người. Nó làm chúng tôi xa lánh anh còn hơn cả cơn sốt, hơn cả sự gầy yếu, hơn cả những ngón tay không có móng, hơn cả những dấu đòn của bọn S.S. Chúng tôi cho anh ăn bột màu vàng tươi, loại dành cho trẻ sơ sinh, và thế rồi từ người anh, nó chui ra thành màu lục sậm như bùn lầy. Cái xô vệ sinh đóng lại rồi mà người ta vẫn nghe thấy tiếng bong bóng vỡ ra trên bề mặt. Nó như một đống đờm, nhớt và dính. Khi nó chui ra, căn phòng bao phủ một mùi, không phải mùi hôi thối hay xác chết – trong cơ thể anh có còn chất gì gợi đến xác chết nữa đâu – mà mùi đất thực vật, mùi lá mục, mùi cây con mọc dầy trong rừng. Một loại mùi tăm tối, rậm rạp, như hình bóng của buổi đêm rậm rạp từ đó anh đang thoát ra và chúng ta sẽ không bao giờ được biết cả. (Tôi tì người vào cửa sổ, phố xá chảy ngang qua dưới mắt tôi, và vì họ không biết điều gì xảy ra trong phòng, tôi muốn nói với họ rằng trong căn phòng ngay trên đầu họ, có một người đàn ông từ trại giam Đức trở về, đang sống.)

 

------------------------
Trích bản dịch Nỗi đau, tr.143-155, của Đoàn Cầm Thi, in song ngữ, NXB Phụ Nữ, Hà Nội, 1999, 183 trang. Nguyên tác Pháp văn: La Douleur, của Marguerite Duras (Paris: P.O.L., 1985).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021